[Đạo Mộ Bút Ký] Lão Cửu Môn
Chương 35: Đại cục phong thủy

[Đạo Mộ Bút Ký] Lão Cửu Môn

Chương 35: Đại cục phong thủy

Chuyển ngữ: Vân Mộc

Lão mặt rỗ nói một câu bằng tiếng Trường Sa, ý nghĩa đại khái rất hỗn loạn, chỉ nghe loáng thoáng được mấy từ, đại loại như “cái thằng cháu rùa rụt cổ này", nghe như lời mắng chửi vậy, lại còn rõ là dài. Tề Thiết Chủy nghe xong mà chẳng hiểu ý của cao nhân là gì, sao phải đặc biệt tìm một kẻ đến gửi mấy lời chửi đổng để làm gì? Lại nghĩ thầm, không thể thế được, vị cao nhân này thậm chí còn tự cuốn bản thân mình vào chuyện này rồi, dù thế nào cũng phải để lại vài lời hữu dụng mới đúng.

Thế là hắn nghe lại một lần nữa. Lão già kia căn bản không hiểu những từ ngữ này mang ý nghĩa gì, chỉ nhớ được đại khái cách phát âm thôi, lại hỏi một lần nữa, thì lão cũng nói tiếp cho hết.

Tề Thiết Chủy đột nhiên hiểu ra.

Đây là một câu cổ văn, lại nói ra bằng tiếng địa phương, kẻ nào không phải người trong nghề thì khó lòng mà nghe hiểu được.

Đại ý là: học trò không đủ ba mươi sáu năm thì lui, long, huyệt, sa, thủy tưởng loạn mà không loạn, ba loài gây hại không gần mà lắm trù trừ, dưới đất có trời, dưới trời có lửa, huyệt không cần bùn, hai dòng hợp giao.

Câu đầu tiên cũng đủ khiến sắc mặt Tề Thiết Chủy xám ngoét, Trương Khải Sơn hỏi lời này có ý gì, hắn đáp: “Cao nhân nhà tôi nói, người nào sở học dưới ba mươi sáu năm thì không nên đi vào."

Mọi người im phăng phắc, Trương Khải Sơn hỏi, còn gì nữa không?

Tề Thiết Chủy vẽ mấy đường cong xuống mặt đất: “Cao nhân cũng từng xuống dưới đó, theo miêu tả của cao nhân, ‘long huyệt sa thủy, tưởng loạn mà không loạn’, đây là cách nói của phái Loan Đầu[1]. Cao nhân này có lẽ đến từ đất Sơn Tây, bố cục phong thủy ở đây ‘tưởng loạn mà không loạn’, vì sao loạn, loạn là vì có người đã tu sửa nơi này, câu này đã thể hiện rõ một chữ ‘Tàng’, tức nghĩa là, có kẻ đã giấu bố cục phong thủy thật sự của nơi này đi. ‘Ba loài gây hại không gần mà lắm trù trừ’, sâu bọ trù trừ, tức là loài sâu bọ biết bò chậm chạp, ‘ba loài gây hại không gần’ ý chỉ những loài sâu bọ không phải sâu hại bình thường, nhưng lại biết bò. ‘Dưới đất có trời, dưới trời có lửa’, câu này tôi vẫn chưa hiểu lắm. ‘Hai dòng hợp giao’[2], bao quanh lòng huyệt, tụ tại tiểu minh đường[3], buộc dòng khí lưu chuyển phong thủy lại tạo thành một tấm bình phong che chắn vận hạn và tà khí. Cộng thêm câu đầu tiên nữa, rồi lộn ngược lại mà đọc, cái này——"

Tề Thiết Chủy lắc đầu: “Dòng khí lưu chuyển ở đây là để ngăn tà khí xâm nhập, nếu như ngược lại, vậy tức là nói hai dòng nước hợp lại ở đây là để ngăn tà khí ở trong không thoát ra ngoài. Không có côn trùng sâu bọ bình thường nào là vì mọi sinh vật sống đều bị một loài gì đó tên là “trù" ăn sạch rồi, cứ thế mà suy ra. Bên dưới đây nếu như có mộ, kẻ táng trong mộ này nhất định là tà khí quá nặng, phải sắp xếp ngược bố cục phong thủy để mộ khí không ảnh hưởng đến khí của non nước xung quanh, từ cổ chí kim, những nhân vật có thể đạt tầm cỡ như thế quả thực rất hiếm."

“Ông nghĩ ở quanh đất Trường Sa này, còn có thể là nhân vật nào trong lịch sử?"

“Phật gia, nếu bảo tôi nói, thì mộ này chỉ táng được ông thôi." Tề Thiết Chủy nói.

Trương Khải Sơn lạnh lùng nhìn Tề Thiết Chủy, quay đầu nói: “Nếu cao nhân nhà ông đã nói nơi đây nguy hiểm, vậy thì ông đừng xuống nữa, viên phụ tá thân thủ rất tốt, nếu ngay cả cậu ta mà còn không thoát thân nổi thì dưới này quả thực vô cùng nguy hiểm, có lẽ tôi cũng chẳng trông nom ông được, ông cứ ở trên này mà chờ đi. Lão Quán ở lại đây với Bát gia, nếu gặp chuyện cứ đưa Bát gia về Trường Sa tìm viện binh."

Trương Lão Quán lắc đầu: “Bảo đám tiểu bối ở lại với Bát gia đi, tôi quen đất này hơn."

Tề Thiết Chủy đã hạ quyết tâm, nói: “Phật gia, không phải tôi cậy mạnh, chỉ là bình thường tôi hay ngại lôi thôi rầy rà nên mới không thích đi lại quá nhiều thôi. Ông cũng biết quy củ trong Cửu Môn, ổ này bọc ổ kia, mà cái ổ lão Bát tôi đây, xưa nay vốn yếu nhất trong chín nhà. Những kẻ muốn trừ khử tôi để thế vào vị trí của tôi hàng năm không một ngàn thì cũng tám trăm thằng, nếu không phải ngày trước ông cho tôi một cái chức cố vấn đặc biệt ở cục Công Văn hữu danh vô thực, thì chỉ e bây giờ tôi đã thoái vị từ lâu rồi. Bây giờ cũng đến lúc đền đáp ân tình, tôi đi với ông xuống một đoạn, tôi cũng muốn xem đại cục phong thủy trăm năm mới gặp một lần này, cũng giúp ông lý giải thêm một chút."

Trương Khải Sơn gật đầu, cũng không khách sáo nữa, không nói thêm lời nào mà chui xuống đường mỏ trước tiên, những người khác cũng lần lượt từng người chui xuống. Tề Thiết Chủy không ngờ Trương Khải Sơn lại đáp ứng đến sảng khoái như thế, ngẩn tò te một lúc, rồi hít sâu một hơi, thầm mặc niệm trong lòng.

Hễ đến một vùng đất, đầu tiên xem thủy khẩu. Cổng thành bốn bề khép kín, tất có chân long kết huyệt. La tinh[4] nom giống rùa, rắn, sư tử canh trước cửa, tất có ẩn thượng cách chi long. Hoa biểu hãn môn[5] nhật nguyệt trấn thủ, đã định là đất phú quý. Bắc Thần[6] trấn thủ phải ngậm miệng, đất này tất có đại quý chi long. Sư tử đá canh ngoài cổng vương hầu, nhà nghèo khổ tường đổ vách ngã. Nếu có vương hầu ngụ đất này, cổng thành tất phải khóa nghìn trùng. Thấy có thủy khẩu có la tinh, ắt phải theo xin hỏi tông hỏi tổ.

Nói rồi chui vào trong đường mỏ, trượt vào nơi nào chưa rõ trong bóng tối bên dưới.



[1] Trong phong thủy, đại khái có thể chia làm 2 phái lớn là Hình thế xuất phát từ Giang Tây và Lý khí xuất phát từ Phúc Kiến. Phái Loan Đầu hay còn gọi là Hình thế, lấy hình thế, bố cục làm chính, chú trọng quan sát giới tự nhiên, tổng kết lại thành “địa lý ngũ quyết" (tức long, huyệt, sa, thủy, hướng). Phái Lý khí lấy la bàn làm công cụ chính, chú trọng lý thuyết âm dương, ngũ hành, bát quái, cửu tinh, hà lạc, để phân âm dương, xác định quan hệ tương sinh tương khắc, phán đoán cát hung, chứ không quan tâm nhiều đến hình dạng cụ thể của tự nhiên.

[2] “Thủy hợp khâm": một yếu tố cần xem xét khi xem phong thủy của phái Loan Đầu. Nước đổ từ hai ngọn núi hộ sơn hai bên trái phải huyệt mộ xuống, chảy thành dòng, hợp lại trước minh đường của huyệt mộ, sau đó dòng nước lại tiếp tục lưu thông phân nhánh, thì gọi là thế “thủy hợp khâm",  bởi thế nước trông như vạt áo giao lĩnh của người xưa.

[3] Tiểu minh đường: điểm tụ thủy phía trước huyệt mộ gọi là minh đường.

[4] Gờ đất đá nổi lên ở thủy khẩu.

[5] Hoa biểu là cột trụ trước cổng cung điện/ lăng mộ, hãn môn là cổng bảo vệ bên ngoài. Trong phong thủy để chỉ hai ngọn núi lớn canh hai bên thủy khẩu.

[6] Bắc Thần/ sao Bắc Đẩu: núi đá cheo leo hiểm trở dựng đứng ngay giữa thủy khẩu. Sách “Cấm tinh luận" viết: Đại địa Long thần canh sớm tối, phàm nhân không được mở miệng bừa. Khuyên người khi gặp sao Bắc Đẩu, cấm nói cấm nhìn phải tuân thủ.
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại