Kim Bình Mai - Tập 1
Hồi 21
Trong khi đó, Ngọc Lâu và Kim Liên đứng ngoài không nghe được gì. Lát sau Xuân Mai bước ra, Kim Liên chặn lại hỏi nhỏ:
Trong đó động tĩnh thế nào? Xuân Mai đáp nhỏ:
Gia gia bắt Lục nương cởi bỏ xiêm y, Lục nương không chịu, gia gia bèn quất cho mấy roi chết điếng.
Kim Liên hỏi:
Có đánh à ? Rồi có chịu cởi bỏ xiêm y không ?
Xuân Mai đáp:
– Lục nương thấy gia gia nổi giận, vội cởi ngay ra rồi quỳ xuống đất.
Kim Liên đang định hỏi nữa, nhưng Ngọc Lâu sợ thầm thì ngoài này, Tây Môn Khánh có thể nghe được, bèn bảo:
– Ngũ muội à, mình nên đi đi.
Nói xong kéo Kim Liên tới một chỗ khuất và tối để đợi Xuân Mai vào nghe ngóng, trở ra sẽ hỏi tiếp.
Tới chỗ khuất, hai người thầm thì nói chuyện, Kim Liên kể lại cho Ngọc Lâu nghe về việc Tây Môn Khánh đánh mình bằng roi da lúc trước. Đang nói thì thấy cửa nhỏ mở ra, Xuân Mai bước ra, vội vội vàng vàng mà đi. Kim Liên đứng trong chỗ tối gọi nhỏ: – Con nỡm kia đi đâu vậy? Chúng tao đứng đây cơ mà.
Xuân Mai đúng lại cười, rồi định tiếp tục đi. Kim Liên bực mình:
Khỉ chưa, lại đây tao hỏi đã, đi đâu mà như ăn cướp vậy ? Xuân Mai bèn bước tới, thầm thì thuật lại đầu đuôi rồi nói:
Lục nương khóc lóc kể lể một hồi thì gia gia không giận nữa, đỡ dậy, cho mặc xiêm y, và sai tôi dọn bàn làm tiệc, bây giờ tôi phải xuống nhà bếp đây.
Kim Liên nghe xong bảo Ngọc Lâu:
Thật là đồ vô liêm sỉ, lúc nãy thì hùng hùng hổ hổ, vậy mà bây giờ nghe nó ỏn thót, lại êm luôn.
Tôi biết ngay mà, có dám làm gì nó đâu. Đoạn quay sang bảo Xuân Mai:
Người ta cũng có hai đứa a hoàn, sao lại phải sai mày ? Việc gì mày phải ngửa tay xin việc như thế ? Bây giờ không phải đi đâu hết, cứ đứng đây mà réo gọi con ác phụ Tuyết Nga, bảo dọn tiệc. Mày gọi lớn lên cho tao nghe xem nào.
Xuân Mai thưa:
Gia gia sai tôi thì cứ để tôi làm.
Nói xong cười hì hì mà đi. Kim Liên bảo:
Tức chết thôi, Tam thư coi, nó là người của mình, nhưng lại chỉ nghe lời gia gia. Coi nó le te đi như thế kia có giận không cơ chứ. Ngọc Lâu nói:
Chúng nó kể cũng lạ thật, a hoàn Lan Hương của tôi cũng thế, nhiều khi tôi sai nó làm thì nó lờ đờ chẳng coi ra gì, thế mà gia gia sai là nó ba chân bốn cẳng mà đi.
Hai người đang chuyện trò thì a hoàn Ngọc Tiêu tới thưa:
Tam nương ở đây sao ? Tôi đang đi tìm rước Tam nương về phòng đây.
Đồ khỉ, làm tao giật cả mình. Đoạn hỏi:
Đại nương có biết ngươi tới đây không ? Ngọc Tiêu đáp:
Đại nương ngủ rồi. Tôi vừa gặp Xuân Mai ở đằng bếp, tôi cứ tưởng gia gia ở bên phòng Ngũ nương.
Kim Liên tiếp lời:
Nếu vậy thì còn nói làm gì nữa. Ngọc Lâu hỏi tiếp:
Ngươi không biết hay sao ? Gia gia ở phòng Lục nương đó. Vì Lục nương không chịu quỳ nên bị gia gia đánh.
Ngọc Tiêu hỏi lại:
Để cả xiêm y mà đánh hay bắt cởi bỏ xiêm y mà đánh ? Nếu cởi bỏ xiêm y thì da thịt nõn nường đó làm sao chịu thấu.
Ngọc Lâu cười:
Con quỷ này cái gì cũng biết, vậy mà còn ở đó khéo lo cho người ta.
Đang nói thì Xuân Mai đem rượu và Tiểu Ngọc đem đồ ăn đi qua. Kim Liên lẩm bẩm:
Con quỷ kia không biết hầu hạ như vậy có được gì không mà te tái hí hửng thế. Đoạn bảo:
Xuân Mai, vào đó bảo a hoàn của người ta đứng hầu rượu, mày không việc gì phải rỗi hơi lo chuyện người khác, mày về cho tao sai việc.
Xuân Mai chỉ cười hì hì mà đi. Ngọc Lâu và Kim Liên chia tay nhau về phòng. Lát sau. Xuân Mai dọn tiệc xong, để Tú Xuân và Nghênh Xuân đứng hầu tiệc rồi trở về phòng. Kim Liên bảo Xuân Mai đóng cửa, chủ tớ đi ngủ. Hôm sau ngủ dậy, trang điểm xong thì Nghênh Xuân đem đồ ăn sáng tới, Bình Nhi tiếp cho Tây Môn Khánh ăn. Lại sai lấy vò rượu Kim Hoa tới rót mời. Sau đó, mở rương, kiểm điểm các đồ tư trang tế nhuyễn trước mặt Tây Môn Khánh, đưa cho Tây Môn Khánh coi hàng trăm hạt trân châu, bảo là của Lương Trung Thư ngày trước, các đồ vàng bạc châu báu khác, bảo là của chú Hoa Tử Hư để lại. Rồi lại lấy ra một cái trâm cài tóc rất quý mà hỏi:
Đại nương và các nương nương có thứ trâm này không ?
Tây Môn Khánh đáp:
Họ mỗi người cũng có ít trâm, nhưng không có được thứ này. Bình Nhi bảo:
Nếu vậy thì tôi không dùng đâu. Chàng đem cái này tới thợ bạc, bảo họ phá ra, làm một cây trâm có chín con phượng, mỗi con mỏ ngậm một hạt châu. Còn thừa vàng thì bảo họ làm cho tôi một cây trâm giống y như của Đại nương. Tây Môn Khánh cầm lấy cây trâm quý, rồi rửa mặt, mặc áo đội khăn mà bước ra. Bình Nhi dặn theo:
Căn nhà của tôi ở ngoài bây giờ chẳng có ai, chàng nên sai người tới coi sóc rồi cho thằng Thiên Phúc về đây cho tôi sai việc, chứ để một mình Phùng ma ma ở đó, tôi không được yên tâm.
Tây Môn Khánh gật đầu rồi đi. Ra tới ngoài, nghe tiếng Kim Liên gọi:
Gia gia đi đâu vậy ?
Đi có chuyện chứ đi đâu. Kim Liên bảo:
Chuyện gì thì cũng không phải vội như thế, tôi có chuyện muốn nói với chàng.
Tây Môn Khánh bất đắc dĩ rẽ vào phòng Kim Liên, ngồi xuống ghế. Kim Liên nắm tay Tây Môn Khánh mà bảo:
Chàng đi đâu có chuyện gì cho ai mà vội vàng thế, tôi muốn hỏi chàng một chút mà cũng khó khăn nữa.
Tây Môn Khánh khó chịu:
Hỏi gì thì không chịu hỏi, cứ ở đó dài dòng mãi, tôi có việc phải đi, lát nữa về hãy hay.
Nói xong đứng dậy bước ra. Kim Liên thấy trong tay áo Tây Môn Khánh dường như có vật gì, bèn hỏi theo:
Chàng mang theo cái gì vậy ? Lấy ra cho tôi coi được không ?
Tây Môn Khánh đứng lại bảo:
– Có gì dâu, túi bạc của tôi đấy mà.
Kim Liên không tin bước tới thò vào tay áo Tây Môn Khánh lấy ra, thì thấy đó là cái trâm cài đầu lớn, rất quý bèn hỏi:
Chàng định đem cái này của người ta đi đâu vậy ? Tây Môn Khánh đáp:
Lục nương hỏi tôi, biết là các nàng không có thứ này nên không tiện dùng một mình, nên nhờ tôi mang ra thợ bạc, bảo phá ra làm thành hai cái khác để dùng.
Kim Liên hỏi:
Lục nương bảo làm theo những kiểu gì ?
Một cái làm theo kiểu Cửu Phượng Điện, một cái làm theo kiểu của Đại nương. Kim Liên lại hỏi:
Cái này lớn quá, nặng bao nhiêu đây ?
Chín lạng đó. Kim Liên bảo:
Làm theo kiểu Cửu Phượng Điện chỉ mất chừng hơn ba lạng mà thôi, còn kiểu có hình Phật Quan âm của Đại nương thì chỉ mất hơn một lạng, như vậy là nó còn thừa quá nhiều. Hay là chàng lấy cái chỗ thừa đó làm cho tôi một cái theo kiểu Cửu Phượng Điện đi.
Tây Môn Khánh bảo:
Làm theo kiểu như của Đại nương tốn nhiều hơn chứ hơn một lạng sao được ?
Nhiều thì cũng chỉ hai ba lạng là cùng, như vậy cũng vẫn còn đủ để làm cho tôi một cái theo kiểu Cửu Phượng Điện nửa.
Tây Môn Khánh bảo:
Nàng gớm thật, tính ăn không ăn có của người như vậy sao ?
Kim Liên giả lả:
Chàng có thương tôi thì chiều tôi, chàng có mất mát gì đâu, chàng mà không chịu làm rồi biết tôi.
Tây Môn Khánh cất cái trâm quý vào tay áo rồi cười mà đi. Kim Liên lườm nguýt bảo:
Cái mặt rõ thật…
Cái mặt này làm sao ? Kim Liên đáp:
Làm sao thì không biết, chỉ biết tối qua mới đầu thì rầm rĩ lên, nào là bắt người ta tự tử, nào là đánh người ta, rồi chỉ lát sau lại chẳng thấy gì, còn bây giờ thì te tái đi lo công việc cho người ta, thật xấu hổ.
Tây Môn Khánh cười khì khì:
Mụ này chỉ dược cái ăn nói hàm hồ là giỏi.
Nói xong đi thẳng.
Trong khi đó Nguyệt nương, Kiều Nhi và Ngọc Lâu đang ngồi trên phòng khách, nghe bên ngoài gia nhân lao xao đi tìm gọi Lai Vượng nhưng không thấy. Thấy bóng Bình An bên ngoài, Nguyệt nương gọi vào hỏi:
Tìm Lai Vượng làm gì mà cứ rầm cả lên vậy ? Bình An thưa:
Gia gia cho gọi gấp, hiện gia gia đang chờ ở ngoài. Nguyệt nương im lặng một lúc mới nói:
Ta sai nó đi có chút việc rồi.
Nguyên là từ sáng sớm, Nguyệt nương đã sai Lai Vượng đem hương nến và gạo đến miếu của Vương đạo cô. Bình An nói:
Nếu vậy thì để tôi ra thưa lại với gia gia. Nguyệt nương mắng:
Thằng khốn kia, ai khiến mày nhanh nhảu đoảng vậy? Bình An vội lui ra. Nguyệt nương bảo mọi người:
Tôi biết là gia gia muốn sai thằng Lai Vượng ra giữ nhà cho người ta chứ không có gì hết. Nói ra thì bảo là nhiều chuyện mà không nói ra thì khó chịu trong lòng. Đã về đây thì bán lại căn nhà ở ngoài đi, mà nếu không bán thì ở đó cũng còn Phùng ma ma coi sóc. Nhà mình đã thiếu người, bây giờ làm gì có người đi giữ nhà giùm cho người khác. Vả lại vợ thằng Lai Vượng nay ốm mai đau, sai nó đi rồi ở đây vợ nó có làm sao lấy ai săn sóc. Ngọc Lâu nói:
Đại nương làm chủ trong nhà, Đại nương thấy gì không phải thi cứ nói. Chúng tôi là người dưới, có biết cũng không dám nói. Theo chúng tôi thì Đại nương nên nói với gia gia là hơn.
Nguyệt nương bảo:
Tam muội à, Tam muội nói vậy tức là chưa biết tính tình của gia gia thế nào hay sao ? ít lâu nay tôi đâu có thèm nói với gia gia một nửa lời, muốn gì tôi cũng mặc kệ. Hễ nói ra, vui vẻ thì không sao, mà không vui thì lại trở chứng mắng chửi, đã nhiều lần gia gia chửi tôi là đồ dâm phụ bất lương. Tôi làm gì mà dâm phụ ? Tôi làm gì mà bất lương ? Tôi bất lương mà trong nhà có tới năm sáu người thiếp như thế này hay sao ? Cho nên tục ngữ bảo:
“lời thật mất lòng" là đúng lắm. Các muội muội có biết tại sao gia gia đối xử lạnh nhạt với tôi như hiện nay không? Cũng chỉ vì tôi lấy lời phải mà khuyên ngăn. Lúc trước tôi có nói là gia gia là bạn chồng người ta, lại mua nhà của chồng người ta trong lúc khó khăn, sau đó chồng người ta chết chưa được bao lâu đã tính chuyện lấy người ta về làm thiếp, nhất là gia gia lại đang giữ nhiều vàng bạc của cải của người ta, như vậy có nhiều điều bất tiện, ấy thế là từ đó không thèm ngó mặt tôi nữa. Tôi biết có người ở đằng sau ỏn thót những thứ đó thì được quý mến, còn như chị em mình đây thật thà, cái gì cũng nói ra thì chỉ tổ cho người ta ghét mình mà thôi. Bây giờ thì không ngó ngàng đến tôi, tôi cũng không cần, miễn là tôi ở đây để tôi yên, có đủ ngày ba bữa cho tôi ăn là được, tôi coi như mình ở góa hoặc không có chồng mà thôi.
Cho nên các muội muội cứ mặc kệ, không nên xen vào chuyện người ta làm gì. Nguyệt nương nói xong, Kiều Nhi và Ngọc Lâu chỉ ngồi buồn rầu im lặng. Lát sau thấy Bình Nhi tới trang điểm lộng lẫy mặc áo thêu, quần hoa, theo sau có Tú Xuân bưng bình nước nóng. Nghênh Xuân bưng bộ đồ trà, tới mời Nguyệt nương và mọi người uống trà. Nguyệt nương sai Tiểu Ngọc lấy ghế mời ngồi. Lát sau thì Tuyết Nga và Kim Liên cũng tới cùng mọi người uống trà nói chuyện. Kim Liên nhanh nhảu nói:
Lý đại thư à, đại thư phải lấy cái lễ mọn gì để tạ Ơn Đại nương đây mới được. Tôi nói thật cho đại thư biết lâu nay gia gia và Đại nương giận hờn, chính là vì chuyện của đại thư đó. Hôm nào đại thư phải dọn một tiệc thịnh soạn, mời gia gia và Đại nương tới để ông bà được vui vẻ lại với nhau.
Lý Bình Nhi nói:
Lời thư thư dặn, tôi xin nhớ.
Đoạn bước tới trước mặt Nguyệt nương sụp lạy bốn lạy rồi nói:
Xin Đại nương tha tội cho tôi. Nguyệt nương bảo:
Lục muội à, Ngũ muội nói chơi để đánh lừa đó thôi. Đoạn quay sang Kim Liên:
Ngũ muội đừng có lôi thôi, tôi đã thề là không bao giờ nhìn mặt lão ta nữa mà.
Mọi người nghe vậy, không dám nói gì thêm nữa, mà chuyển qua chuyện khác. Lát sau Kim Liên nhìn lên mái tóc Bình Nhi, thấy một cái trâm tuyệt đẹp, thân bằng vàng óng ánh, lại có những hạt trân châu lấp lánh, bèn bảo:
Lý thư thư à, trong nhà, thư thư đừng nên dùng những thứ cầu kỳ như thế, chỉ nên dùng theo kiểu có hình Quan Âm như của Đại nương đây mà thôi. Bình Nhi thật thà nói:
– Tôi cũng đã nhờ thợ bạc làm cho một cái trâm giống y như của Đại nương đây, nhưng chưa làm xong nên chưa có mà dùng.
Đang nói chuyện thì hai a hoàn của Nguyệt nương là Tiểu Ngọc và Ngọc Tiêu tới rót thêm trà, đồng thời muốn tìm cách trêu chọc Bình Nhi để trả thù cho chủ mình, Ngọc Tiêu mở lời:
Thưa Lục nương, chẳng hay lão công nhà ta trước ở kinh thì làm việc tại đâu ? Bình Nhi đáp:
Lão công ta làm việc tại Tích Tân ty.
Lúc trước có người muốn nhờ Lục nương tới kinh đó. Bình Nhi không hiểu gì, bèn hỏi:
Sao lại nhờ vậy ? Tiểu Ngọc cười:
Vì người ta bảo là Lục nương cưỡi ngựa giỏi.
Hình như Lục nương cũng chăm chỉ thờ Phật lắm nên suốt ngày sụp lạy hoài. Tiểu Ngọc lại tiếp:
Triều đình nghe nói là Lục nương ăn nói khéo lắm nên định mời Lục nương làm sứ giả để hòa giải với nước ngoài đó.
Bình Nhi đã lờ mờ hiểu là hai con a hoàn tinh quái này muốn làm nhục mình, nhưng cố nhịn, chỉ đáp:
Ta không biết gì cả.
Người ta còn nói là Lục nương có tài làm rơi roi ngựa của người khác. Mọi người nghe câu này thì cười ầm cả lên. Nguyệt nương vội mắng hai a hoàn:
Hai con quỷ này, vô phép vô tắc, Lục nương vừa mới về đây mà chúng mày đã trêu chọc rồi, có cút vào trong đi không.
Nguyệt nương nói trắng ra như vậy càng khiến cho Bình Nhi hổ thẹn, cúi gầm mặt xuống. Lát sau thì cáo từ về phòng.
Gần trưa Tây Môn Khánh về nhà, tới phòng Bình Nhi cho biết là mọi việc đã xong xuôi, đoạn bảo:
Ngày hai mươi lăm này mình đãi tiệc, phải mời Hoa đại ca và Hoa Đại thư mới được chứ.
Bình Nhi nói:
Thôi, hôm mồng ba vừa rồi tôi có gặp Hoa đại thư, đại thư nói là để một mình ông chồng đi là được.
Ngần ngừ một lát, Bình Nhi tiếp:
Căn nhà ngoài dó dù sao cũng đã có Phùng ma ma rồi, chàng chỉ nên sai một đứa nào tới giúp là được, chữ đừng có nhờ đến ông Lai Vượng, Đại nương bảo là vợ Ông ấy đau, ông ấy không đi được.
Tây Môn Khánh bảo:
Tôi đâu biết chuyện đó.
Đoạn gọi Bình An vào bảo:
Ngươi và Thiên Phúc thay phiên nhau ngủ đêm để coi nhà ở đường Sư Tử. Cứ một đêm là thằng Thiên Phúc, một đêm là ngươi.
Bình An vâng lời lui ra.
Ngày hai mươi lăm, trong nhà Tây Môn Khánh đãi tiệc thật lớn, có gọi cả một phường tuồng tới diễn và bốn ca nữ tới hát mua vui, gồm Lý Quế Thư, Ngô Ngân Nhi, Đổng Ngọc Tiên và Hàn Kim Xuyến.
Từ sáng, quan khách các nơi lục tục đến, được mời uống trà tại các ngôi đình rải rác trong hoa viên, tới gần trưa thì mời lên đại sảnh ngồi vào tiệc. Những chỗ ngồi danh dự dành cho những thân quyến bề trên như Hoa đại cữu, Ngô đại cữu, Ngô nhị cữu, Trầm di phu. Kế đó là các bạn bè của Tây Môn Khánh, cuối cùng là các khách khứa bề dưới, trong đó có cả Trần KínhTế. Tây Môn Khánh ngồi ở ngôi chủ nhà. Đàn hát vang lừng, Tây Môn Khánh đứng lên mời mọi người nâng chung. Ứng Bá Tước mở lời:
Hôm nay là ngày chính thức đại ca mở tiệc mừng trong nhà thêm được quý nhân, có đủ cả các vị bề trên và anh em chúng tôi. Vậy xin đại ca cho mời tân tẩu tẩu ra đây, trước là ra mắt các vị bề trên, sau là để anh em chúng tôi được hân hạnh bái kiến.
Tây Môn Khánh bảo:
Tiểu thiếp của tôi quê mùa xấu xí, lại vụng về, xin miễn cho. Tạ Hy Đại nói:
Đại ca dạy như vậy là sai rồi, hôm nay liệt vị đây và anh em chúng tôi tôi là vì tẩu tẩu Vả lại hiện diện tại đây còn có Hoa đại ca cũng là chỗ quen biết. Mọi người gặp nhau tại đây, trước là bạn, sau là thân thích.
Tây Môn Khánh chỉ cười không đáp. Ứng Bá Tước nói:
Sao đại ca lại ngồi đó mà cười, chúng tôi đã chuẩn bị tiền bái kiến đây rồi, cứ cho chúng tôi được bái kiến tẩu tẩu.
Tây Môn Khánh cười bảo:
Thật là đồ quỷ, chỉ được cái ăn nói hàm hồ bức bách người khác mà thôi.
Nói xong quay lại bảo Đại An vào trong mời Bình Nhi ra. Lúc lâu sau, Đại An trở ra thưa:
Lục nương nói là xin miễn cho. Ứng Bá Tước bảo Đại An:
Này mày đừng. có nói láo, mày có vào trong thưa bao giờ đâu mà dám ra đây đánh lừa mọi người.
Đại An thưa:
Tôi đâu dám vậy, nhị gia có thể vào hỏi lại.
Ứng Bá Tước bảo:
Mày tưởng tao không dám vào hay sao ? Để tao vào mời luôn tất cả nương nương của mày ra đây cho mà coi.
Đại An hóm hỉnh:
Chỉ sợ con chó lớn như con sư tử của gia gia tôi nó hỗn láo xâm phạm nhị gia mà thôi.
Ứng Bá Tước đứng dậy bước tới đá cho Đại An một đá mà cười bảo:
Thằng chó chết, mày dám ngạo tao phải không ? Mày phải cùng tao vào trong mời tất cả các vị nương nương ra đây, mày không mời được thì tao đánh mày hai chục trượng. Cả phòng tiệc cười ầm lên. Đại An lui ra vài bước, đưa mắt nhìn chủ. Tây Môn Khánh đành bảo:
Vào thưa với Lục nương là cố ra đây một chút vậy. Đại An quay vào, lát sau trở ra mời Tây Môn Khánh vào. Lát sau Bình Nhi bước ra, có hai a hoàn đỡ hai bên. Dàn nhạc cử nhạc du dương, mùi xạ lan xông lên ngào ngạt. Bình Nhi trang điểm cực ký lộng lẫy, mặc áo đại hồng ngũ sắc, quần thêu kim tuyến long tanh, lưng thắt dây lưng bạch ngọc, trên đầu châu ngọc dắt đầy, chân đi hài uyên ương, yểu điệu bước ra như một nàng tiên. Bốn ca nữ vây quanh Bình Nhi tấu nhạc, những tiếng tỳ bà, đàn tranh, đàn nguyệt và sáo quyện vào nhau réo rắt. Bình Nhi bước tới giữa phòng tiệc thì sụp xuống lạy chào quan khách. Mọi người vội đứng hết cả dậy lúng túng đáp lễ. Đám ca nữ cao giọng hát mừng. Trong lúc đó, Ngọc Lâu, Kiều Nhi và Kim Liên theo Nguyệt nương đứng núp phía trong nhà nhìn ra. Đám ca nữ hát liên tiếp, từ bài “Mừng cuộc công danh", bài “Trời khéo se duyên loan phụng" tới bài “Vợ chồng muôn kiếp". Kim Liên bảo:
Đại nương nghe không ? Người ta hát mừng “Vợ chồng muôn kiếp", vậy thì Đại nương bỏ đi đâu ?
Nguyệt nương tuy hiền lành, nhưng nghe Kim Liên nói vậy tức giận đến nghẹn lời, không nói được gì. Trong khi tại bàn tiệc. Ứng Bá Tước đứng lên nói:
Tẩu tẩu của chúng tôi quả là trang giai nhân tuyệt thế, hoàn vũ vô song, lại thêm đức tính ôn hậu, cử chỉ dịu dàng, quả là tìm khắp cõi này cũng không có nổi một người thứ hai như vậy. Đại ca chúng tôi quả là có đại phúc. Anh em chúng tôi đây hôm nay được bái kiến tẩu tẩu thì ngày mai có chết cũng không oán hận gì.
Đoạn quay lại bảo Đại An:
Mời nương nương của ngươi vào phòng an nghỉ kẻo hại sức khỏe.
Nguyệt nương và đám vợ bé bên trong nghe vậy chỉ nghiến răng nguyền rủa Ứng Bá Tước, rồi ai về phòng nấy. Ngoài này, trước khi lui vào, Bình Nhi thưởng tiền cho đám ca nữ, bọn này hý hửng đàn sáo đưa vào tới tận phòng như một đám rước nhỏ. Về tới phòng, Bình Nhi vui lắm, thưởng tiền cho Đại An và Bình An, lại soạn lễ vật gồm vải lụa tiền bạc, để vào một cái quả sai đem lên phòng trên biếu Nguyệt nương. Nguyệt nương không thèm ngó tới lễ vật, chỉ mắng:
– Khốn kiếp, mang đi đâu thì mang, đừng để ở đây cho bẩn mắt ta.
Lát sau Đại An lại đem tất cả những đồ mừng quà biếu và tiền mừng của tân khách tới. Nguyệt nương lại mắng :
Đồ mừng và tiền bạc đó có phải mừng cho tao đâu mà mày mangvào đây làm gì ? Đại An thưa:
Gia gia dặn như vậy..
Nguyệt nương bảo Ngọc Tiêu thâu nhận.
Lát sau, Ngô đại cữu vào phòng thăm Nguyệt nương. Nguyệt nương thấy anh mình vào, vội vái chào mời ngồi. Ngô đại cữu bảo:
Hôm nọ tẩu tẩu của muội muội về nói lại với ta rằng muội muội đang hờn giận với chồng, hai vợ chổng không thèm nhìn mặt nhau, nên hôm nay ta tới khuyên muội muội là nên làm lành lại với chồng.
Nếu không thì bao nhiêu sự tốt đẹp của muội muội từ trước tới nay đều uổng cả. Tục ngữ có câu “Trai ngu sợ vợ, gái ngoan nể chồng". Chồng có điều gì không phải thì lựa lời khuyên, nếu nghe thì mừng, mà không nghe thì cũng vẫn phải tươi tỉnh mà khuyên bảo dần dần, như thế mới tỏ được sự hiền đức của mình. Nguyệt nương nói:
Ca ca không biết chứ càng tỏ ra hiền đức thì chỉ tổ cho người ta thêm ghét mà thôi. Tôi bây giờ chẳng muốn gì nữa, người ta có thiếp mới đẹp và giàu; coi tôi chẳng ra gì thì tôi cũng mặc kệ, muốn làm gì thì làm, không nói năng làm gì cho mệt. Ca ca cũng chẳng nên để ý làm gì.
Nói xong thì khóc, Ngô đại cữu bảo:
Nói vậy đâu được, nói vậy là sai. Muội muội cư xử khéo léo thì anh em ta cũng được hãnh diện lây. Tiểu Ngọc đem trà ra mời, Ngô đại cữu uống trà rồi lại tiếp tục khuyên giải. Đến khi gia nhân ở ngoài vào mời, Ngô đại cữu mới bước ra phòng tiệc. Bữa tiệc kéo dài tới tối mới dứt. Từ đó Tây Môn Khánh ở luôn với Bình Nhi mấy đêm liền. Kim Liên giận lắm, muốn nhờ tay Nguyệt nương để trả thù Bình Nhi nên tận lực ly gián Nguyệt nương và Bình Nhi. Trước mặt Nguyệt nương thì nói xấu Bình Nhi là vô phép, là cậy được yêu quý mà coi thường mọi người. Trước mặt Bình Nhi thì Kim Liên lại bảo là Nguyệt nương hẹp hòi ích kỷ.
Bình Nhi không biết là đã mắc kế Kim Liên, nên càng thêm thân mật với Kim Liên. Tây Môn Khánh từ khi cưới Bình Nhi thì có thêm rất nhiều vàng bạc của cải, mua thêm nhiều ruộng đất ở ngoài, nhà cửa thêm phần sang trọng, đồ đạc vô cùng đắt tiền, gia nhân thêm đông đảo, trong sân lừa ngựa cả bầy. Tôn Thiên Phúc, gia nhân của Bình Nhi được đổi tên là Cầm Đồng. Tây Môn Khánh lại mua thêm hai gia nhân là Lai An và Kỳ Đồng để sai bảo. Lại chọn các a hoàn Xuân Mai, Ngọc Tiêu, Nghênh Xuân và Lan Hương, cho tới ở tại căn phòng phía đông, cho ăn mặc sang trọng, gọi nhạc công Lý Minh, em trai của Lý Kiều Nhi tới dạy đàn ca, Xuân Mai học đàn tỳ bà, Ngọc Tiêu học đàn tranh, Nghênh Xuân học đàn huyền và Lan Hương học hồ cầm. Lý Minh được đãi ngộ cơm canh rượu chè đầy đủ, hàng tháng lãnh tiền lương rất hậu. Tây Môn
Khánh lấy tiền của Bình Nhi cho con rể là Trần Kính Tế lo việc sổ sách tiền bạc. Dược phẩm mua về chất đầy cả phòng Kim Liên. Thê thiếp trong nhà, xiêm y sang trọng, đồ trang sức quý giá đắt tiền, a hoàn đầy tớ quần áo tiền bạc phủ phê. Tiền bạc xuất ra như nước. Trần Kính Tế bận rộn suốt ngày, thức khuya dậy sớm cùng viên quản lý tính toán sổ sách tiền bạc ra vào. Tây Môn Khánh thấy con rể siêng năng được việc thì hài lòng lắm.
Một hôm cha vợ, con rể cùng ăn cơm, Tây Môn Khánh bảo:
Con à, con ở đây với ta như vậy là đã biết làm ăn buôn bán. Cha con ở Đông Kinh cũng được hài lòng mà ta được cha con gửi gấm, cũng thấy yên tâm. Tục ngữ có câu “Có trai thì nhờ trai, không trai thì nhờ rể", nay mai ta nằm xuống thì gia tài này là của hai vợ chồng con đó.
Kính Tế nói:
Con chẳng may gặp lúc gia đình hoạn nạn, cha mẹ thì ở xa được nhạc gia cùng nhạc nương bao bọc, ơn đó thật như trời biển, suốt đời cũng khó báo đền. Con tuy hết lòng với nhạc gia, nhưng dù sao cũng còn nhỏ dại, nhờ nhạc gia dạy bảo mới hòng khá được.
Tây Môn Khánh thấy con rể lanh lợi, ăn nói trôi chảy, làm việc siêng năng thì vui lắm. Từ đó việc lớn việc nhỏ trong nhà đều giao hết cho Kính Tế, từ việc giấy tờ cho tới việc viết thiếp mời khách. Mỗi lần trong nhà có khách, đãi tiệc, Kính Tế luôn luôn được ngồi gần cha vợ.
Thời gian thấm thoắt, hôm đó là vào hạ tuần tháng mười một Tây Môn Khánh cùng ban bè uống rượu tại nhà Thường Trĩ Tiết Tiệc tan sớm, Tây Môn Khánh cùng Ứng Bá Tước, Tạ Hy Đại và Chúc Thật Niệm lên ngựa mà đi. Mới ra khỏi cổng thì thấy trời u ám rồi những hạt tuyết lác đác rơi xuống như muôn ngàn cánh hoa trắng muốt. Ứng Bá Tước bảo:
Đại ca à, bây giờ về nhà cũng chẳng làm gì, mà lâu nay anh em mình cũng ít đi chơi, chi bằng hôm nay mình tới nhà Quế Thư. Ngày xưa Mạnh Hạo Nhiên đạp tuyết tìm mai thì hôm nay anh em mình cũng đội tuyết mà đến với giai nhân. Chúc Thật Niệm bảo:
Ứng nhị ca nói đúng đó, trời tuyết thế này mà ngồi bên giai nhân uống rượu thì còn gì bằng. Quế Thư tài mạo tuyệt vời, đại ca không muốn chứ muốn thì hàng tháng bỏ ra hai chục lạng mà bao nàng, còn hơn là để nàng phải tiếp khách ngoài, mỗi lần mình tới cũng mất thú đi. Tây Môn Khánh nghe lời bạn, cùng quay ngựa tới nhà Quế Thư. Tới nơi trong nhà đã lên đèn, a hoàn đang quét tuyết trước cửa nhà. Lý bà và Quế Khanh ra tiếp rước bốn người, mời vào ngồi dùng trà. Lý bà nói:
Hôm trước được gọi tới hát, Quế Thư được Lục nương thưởng nhiều thứ, nó cứ cảm tạ mãi.
Tây Môn Khánh nói:
Có gì đâu, Quế Thư tới hát thì cũng phải bỏ các nơi khác hoặc không tiếp khách được tại nhà, chúng tôi phải đền bù những thiệt hại đó chứ.
Trò chuyện một lát thì tiệc rượu dọn xong. Lý bà mời bốn người nhập tiệc. Tây Môn Khánh hỏi:
Quế Thư đâu, sao không thấy ?
Mấy hôm nay Quế Thư nó cứ ở nhà chờ quan nhân mà chẳng thấy quan nhân tới. Hôm nay là ngày sinh nhật của dì năm nó, dì nó cho đem kiệu tới rước đi, không biết giờ nào mới về.
Sự thật Quế Thư chẳng đi ăn sinh nhật của dì tư dì năm gì cả, mà đang thù tiếp con trai của Đinh tướng công là Đinh Nhị quan nhân. Đinh Nhị có hiệu là Đinh Song Kiều, nhà giàu ức vạn. Hôm nay tới nhà Quế Thư bỏ ra mười lạng bao nàng trong hai đêm liền, hiện đang cùng Quế Thư uống rượu ở phòng trong, rất kín đáo. Tây Môn khánh không biết sự thật nên tin lắm, bèn bảo:
Bây giờ cũng muộn rồi, nếu đi ăn sinh nhật thì giờ này cũng sắp về, ma ma cứ từ từ, để chúng tôi ngồi đợi một lát.
Lý bà không biết nói sao, Quế Khanh thì vội đàn hát để lấp thì giờ. Lát sau Tây Môn Khánh muốn thay áo, liền vào bên trong tìm chỗ thay áo, bỗng nghe từ phòng trong có tiếng cười nói vui vẻ. Thay áo xong, Tây Môn Khánh bước nhẹ tới cửa sổ nhìn vào, thấy rõ ràng Quế Thư đang lả lơi chuốc rượu cho một người khách sang trọng, bèn nổi giận đùng đùng, chạy ra ngoài hất đổ bàn tiệc dọn sẵn, đồ ăn tung tóe, bát đĩa tan tành, rượu thịt lẫn lộn. Đoạn gọi bốn tên gia nhân là Đại An, Bình An, Lai An và Cầm Đồng vào, sai đập phá đồ đạc trong nhà. Gia nhân hăm hở làm theo lời chủ, tạo nên cảnh hỗn loạn không ngờ, Ứng, Tạ, Chúc, ba người khuyên can không kịp. Tây Môn Khánh thì la hét đập phá lung tung, lại chạy vào khóa trái căn phòng bên trong lại. Đinh Nhị vốn nhát, nghe bên ngoài náo động thì chui ngay xuống gầm giường mà bảo:
Quế Thư ơi, cứu ta với. Quế Thư gắt:
Làm gì mà cuống lên thế ? Chuyện gì thì ngoài đó cũng có ma ma và thư thư. Vả lại những chuyện như thế này xảy ra là sự thường, không có gì đáng ngại cả.
Phía ngoài, Tây Môn Khánh la hét vang động, hô hoán gia nhân đập phá, rồi đánh cả Lý bà, Ứng Tạ, Chúc ba người thấy sự thể như vậy bèn hết sức khuyên ngăn rồi ôm Tây Môn Khánh kéo ra. Tây Môn Khánh thề rằng không bao giờ còn đặt chân tới nhà họ Lý, rồi giữa lúc tuyết rơi ngập lối, hầm hầm lên ngựa mà về…