Kiêu Thần
Quyển 1 Chương 14 Sinh Tồn Ở Hải Đảo. (2)

Kiêu Thần

Quyển 1 Chương 14 Sinh Tồn Ở Hải Đảo. (2)



Đi sâu vào rừng rậm khúc khuỷu chừng bốn năm dặm, chính là nơi cắm trại của Lâm Phược và mọi người, là phần đất tương đối thấp ở sườn núi, phía nam cốc địa là một lỗ thủng, đi thẳng xuống dưới chính là khu rừng bên bãi biển. Lâm Phược đứng trên mỏm đá ở cửa cốc nhìn về phía xa xa đại hải, vị trí hắn đứng cao hơn mặt nước biển chừng mười lăm mười sau trượng.

Mỏm núi ở đảo vốn thấp, Lâm Phược và mọi người cũng không hy vọng trên đảo còn có những hang động có người ở, cũng may mấy ngày nay trời không mưa, không thì những bãi cỏ cũng không giúp được gì cả; nhưng cái may mắn cũng đã đến lúc kết thúc, Lâm Phược đi vào rừng đêm nay thì liền có một trận mưa lớn.

Lâm Phược đang mơ màng trong giấc ngủ thì bị những giọt mưa làm thức giấc, rồi cùng mọi người chạy vào những lùm cây rậm rạp để trú mưa. Thấy trận mưa này một giờ rưỡi nữa cũng không thể tạnh nổi, nước mưa cũng không ngừng nhỏ từng giọt nhỏ xuống từng khe lá, Lâm Phược cởi bộ giáp da và chiếc áo choàng ra, đưa cho Tô Mi, Tiểu Man hai người con gái này, bảo họ lấy áo choàng che ngoài người, lấy áo giáp da che trên đầu.

Tô Mi thấy trên người Lâm Phược chỉ còn lại một chiếc áo trong mỏng manh, muốn đem chiếc áo choàng trả lại hắn.

- Hai nàng khoác vào đi, trận mưa này một tiếng rưỡi nữa chưa chắc đã tạnh, toàn bộ đảo sẽ ướt sũng hết, khi mưa tạnh muốn đốt ngọn lửa sưởi ấm còn khó; nếu hai nàng bị cảm, e rằng không có ai chăm sóc các nàng được.
Lâm Phược không ngừng nói và để hai người con gái này che lên mình chiếc áo choàng của mình. Hắn lo lắng sức khoẻ hai người này yếu nhất, lại dưới một hoang đảo không thầy thuốc không thuốc men này mà sinh bệnh, đó là điều phiến toái nhất. Ngoài ra, Lâm Phược cũng lo lắng cho Phó Thanh Hà, Phó Thanh Hà bị thương không nhẹ, vết thương chưa lành những vẫn phải chịu vất vả mấy ngày qua, thực tế là rất mệt mỏi, thấy lão đang cởi chiếc áo choàng đưa ình, hắn liền ngăn lại nói:
- Thời khắc quan trọng nhất phải nhờ cậy Phó gia, bản thân tại hạ có thể gượng được.

Đứng đó đợi cho trời tảng sáng thì mưa mới tạnh, những cành lá rậm rạp đi mấy thì Lâm Phược đứng dưới đó mặc mỗi chiếc áo mòng tang cũng bị nước mưa làm ướt thẫm. Trời thu tháng chín, nói lạnh cũng không lạnh lắm, nhưng bị nước mưa ngấm vào người, cũng khiến Lâm Phược run lên từng đợt, cảm thấy còn lạnh gấp nhiều lần trực tiếp ngâm trong nước lạnh.

Mưa vừa ngớt, Trần Ân Trạch cùng đám thiếu niên đi tìm những cành cây khô, cái này vốn không hy vọng nhiều lắm, đợi đến lúc trời hửng sáng, Hồ Kiều Trung và một thiếu niên lảo đảo đi về, vừa đi vừa kêu lên:
- Phía trước có sơn động…


Lâm Phược vốn không hy vọng trên đảo có sơn động, dù gì những vòm núi trên đảo cũng rất thấp, hơn hai mươi trượng không cao bằng chín mươi mét. Phó Thanh Hà không thể trong vòng vỏn vẹn ba ngày mà khảo sát hết địa hình trên đảo này hết được, lúc này toàn bộ hoang đảo bị nước mưa làm ướt át hết, muốn tìm một nơi khô ráo cũng rất khó khăn, lúc này nghe thấy có sơn động, mọi người đều cảm thấy vui vẻ.

Nói là sơn động, không bằng nói đó là một hang đá nhỏ, nằm ngay ở chỗ giao giữa sườn núi và vách đá, rất nông, bên đường cỏ mọc um tùm. Hồ Kiều Trung vốn cho rằng trên vách đá những cành khô sẽ không bị nước mưa làm ướt, dẫn theo người bò lên tìm kiếm, mới phát hiện ra thạch động này, bàn tay đều bị những bụi gai cắt qua, cũng không cảm thấy đau đớn.

Thạch động không lớn, cũng chỉ sâu chừng bảy tám trượng, giống như một gian phòng khách bằng đá, có thể chứa ba mươi đến năm mươi người tránh mưa không thành vấn đề gì, ở những khe núi có những đống cành và lá cây khô mục, không bị nước mưa làm ướt. Lúc này mà đốt lửa lên đồng nghĩa với việc dẫn đường cho hải tặc tới, quá nửa số người đều bị nước mưa làm ướt sũng, rất cần đốt lửa lên để sưởi ấm. Lấy đá đánh lửa rồi đem đống cành lá khô đốt lên, rồi ngồi quây bên đống lửa, rồi lại đun nước sôi lên để ăn lương khô và thịt khô, lúc này sức khoẻ của Lâm Phược mới phục hồi trở lại.

Nơi này cao hơn cốc địa chừng ba bốn trượng, đứng ở cửa động có thể nhìn thấy mới tối qua ao nước chứa chừng hai ba mẫu nước nay đã đầy lên gấp mười lần, hình thành lên một đảo hồ rộng chừng trăm mẫu. Chỉ có điều địa thế ở cửa động nghiêng xuống, không thể chứa nước được, lúc này cũng có thể nghe thấy tiếng nước lách tách chảy xuống sườn cốc, không cần tới nửa ngày, hồ nước trước mắt sẽ biến mất thay vào đó là một ao nướcbé nhỏ trước kia.

Nghe thấy có người từ phía sau đi tới, Lâm Phược quay đầu nhìn, thì thấy Tô Mi, rồi chỉ vào cửa động và cười nói với nàng:
- Ở đó có thể xây một đập nước chứa nước mưa, thì có thể giải quyết vấn đề nguồn nước trên đảo. Thực thi cũng đơn giản, cửa động cây cối to và thô, lại sát nhau, làm một dàn trúc buộc vào nhau, rồi lấy đất phết lên thì đập nước sẽ được tạo thành, trong lúc làm đập nước thì lại đỡ tốn công đào đất, như vậy sẽ đỡ tốn thời gian rất nhiều.

- À, Lâm công tử cũng biết về thuỷ lợi nhỉ?
Tô Mi hỏi.


- Ạch…
Lâm Phược còn cho rằng phương pháp tạo đập chứa nước là những kiến thức rất phổ thông, thấy Tô Mi rất kinh ngạc, thầm nghĩ lúc này bởi cách truyền bá tri thức còn bị hạn chế, đời sau những kiến thức phổ thông như vậy là rất bình thường, ở đây cũng là đại học vấn. Tuy cách trị thuỷ trên mảnh đất đã có lịch sử hàng ngàn năm, nhưng để tinh thông thuỷ lợi quả thật không có mấy người.

- Giang Ninh học tử đều nói Lâm công tử văn chương không được hay cho lắm, thi đậu trong kỳ thi hương cũng chỉ là may mắn, nếu bọn họ biết Lâm công tử rất nhiệt huyết vì lợi ích chung như vậy thì bọn họ chắc chắn sẽ không nói như vậy; Tô Mi lúc trước cũng nghĩ rất nông cạn, lần này đến để tạ lỗi với Lâm công tử.

Tô Mi nói rất chân thành, những lời nói của nàng cũng xuất phát từ cảm giác thật, bảy tám ngày nay, ấn tượng của Lâm Phược đã hoàn toàn thay đổi trong con mắt trước kia của nàng: hắn gì có chút yếu đuối nào của kẻ thư sinh đâu nhỉ? Rõ ràng là một kỳ nam tử đáng để người khác kính phục! Trong lòng Lâm Phược cũng có vẻ hổ thẹn, cười nói:
- Lời của Tô cô nương hơi quá rồi. Tô cô nương có nghĩa đối với ta thuở ban sơ, trước kia cũng không biết tốt hay xấu, khiến Tô cô nương thêm phiền não, nhẽ ra ta phải tạ lỗi với nàng mới phải.

Tô Mi không ngờ Lâm Phược lại nói thẳng đến chuyện cũ, khuôn mặt hơi ửng đỏ, nói:
- Cũng phải trách ta…
Cũng không nói vì sao lại trách nàng, trong lòng nghĩ hắn nói như vậy sẽ bỏ qua những chuyện cũ trước kia, nghĩ tới lúc trước hắn rất quấn quýt si mê, lúc đó cũng có chút phiền chán, lúc này muốn bỏ hẳn chuyện cũ đi cũng có phần hơi thất vọng. Tô Mi thấy ánh mắt Lâm Phược nhìn chăm chú vào cửa động, dường như đang suy nghĩ chuyện gì đó, cáo từ rồi lui lại, rồi ngồi cùng Tiểu Mãn ở một mỏm đá, chốc lát lại nhìn bóng dáng Lâm Phược ở cửa động, rồi lại không kìm nổi lấy hắn so sánh với Minh Triệt: haiz, sao mình lại có sự thay đổi thất thường như vậy chứ.

Mấy ngày nay Phó Thanh Hà cũng rất mệt mỏi rồi, tỉnh dậy lại nằm trên đống cỏ để dưỡng thần, thấy Lâm Phược và Tô Mi nói chuyện, trong lòng cân nhắc thái độ của Lâm Phược đối với Tô Mi mấy ngày gần đây, dường như chỉ vỏn vẹn bảy tám ngày mà những chướng ngại vật dường như đều được trừ bỏ hết, thấy ánh mắt của Tô Mi không còn lưu luyến như trước nữa, mà còn có vài phần ngưỡng mộ và tôn trọng. Thực ra mà nói, điều này khiến cho Phó Thanh Hà có chút thất vọng, hiện giờ Lâm Phược đứng trước mặt hắn còn vừa mắt hơn gã Trần Minh Triệt gấp vạn lần.

Tuy Trần Minh Triệt được mệnh danh là Giang Đông đệ nhất văn chương, Phó Thanh Hà từ đầu tới cuối đều không ưa gì Trần Minh Triệt, thế nhưng tiểu thư lại thích văn chương của hắn.







Phó Thanh Hà đang cân nhắc sau khi thoát hoạn nạn này có nên thúc đẩy mối quan hệ giữa tiểu thư và Lâm Phược hay không nữa, trong lòng nghĩ văn chương có viết hay hay tồi thì cũng chẳng có tác dụng gì, những văn trị võ công thực thụ thì vài bài văn chương có thể viết ra được không đây?

Mưa to cũng không làm phiền toái quá lớn ọi người, vẫn tìm được chỗ nghỉ ngơi tạm thời.

Trên đảo tuy không có dã thú, trứng chim và cá biển thì rất phong phú, trong rừng cũng có kim anh tử và rất nhiều những cây ăn quả và cỏ điền tự, rau khổ cự vân vân có thể ăn những rau dại, thực vật, nguồn nước đều không thành vấn đề. Về đêm trong rừng rậm lá cây um tùm cũng có thể đốt lửa ở trong cốc địa, cũng không sợ ánh lửa, khói nồng bay lên gây sự chú ý cho những con thuyền trên biển

Ban ngày đều phái người tới đầu vách đá để canh gác, Lâm Phược cũng dùng hết khả năng để giảng giải cho đám thiếu niên cách sinh tồn trong rừng; sức khoẻ Phó Thanh Hà đã ổn định, nghỉ ngơi ba ngày tinh thần đã hoàn toàn khôi phục, trong lúc này cũng chỉ dạy bảo đám thiếu niên những quyền thuật cơ bản.

Lui vào rừng sâu tới ngày thứ sáu, đứng canh gác ở đầu vách đá thì thấy chiếc thuyền đi tới, đây cũng là ngày thứ mười hai Lâm Phược và mọi người lên đảo này.

Lâm Phược và Phó Thanh Hà chèo lên đầu vách đá nhìn ra, thuyền có ba ngôi thuyền nhỏ, rất giống với chiếc thuyền mà bọn hải tặc đã cướp ở sông Bạch Thuỷ, chỉ có điều khoảng cách quá xa nên không thể khẳng định được.

Lâm Phược lập tức sai người thông báo cho đám hái quả và rau dại quay về. Hắn đã sớm bàn với Phó Thanh Hà, nếu quan binh ở trấn Ninh Hải phái người tới đây ít, bọn họ sẽ giết người cướp thuyền. Có thuyền rời khỏi hoang đảo thì thuận tiện hơi rất nhiều. Nếu đối phương phái đến nhiều người thì không thể đối phó được, bọn họ sẽ ẩn náu trong rừng không đi ra.

Để Tô Mi, Tiểu Man hai người con gái và hơn chục tên thiếu niên ít tuổi ở lại trong cốc địa, Lâm Phược và Phó Thanh Hà cùng với Trần Ân Trạch, Hồ Kiều Trung, Hồ Kiều Quan và mười sáu tên thiếu niên cầm vũ khí, giáo trúc men theo những cây lớn bên rừng màẩn nấp. Tới bây giờ bọn họ mới chỉ thấy có một con đường mòn bí mật này có thể đi vào trong rừng rồi tới cốc địa, cũng không lo lắng quan binh của trấn Ninh Hải có thể tìm kiếm được nơi này.

Ẩn bên vệ rừng, nhìn những bãi cỏ lẳng lặng đứng sừng sừng ở đó, ở đó có một ít dấu vết nhưng qua sáu ngày mưa to gió lớn nên đã xoá sạch sành sanh rồi, gió thổi khiến những ngọn cỏ bay loạn lên không trung. Thi thoảng có những đám hải điểu dừng chân trên bãi cỏ, bỗng lại bay lên giống như những mũi bay lên bầu trời xanh thẳm.

Ở phía nam đảo có một vịnh nhỏ là nơi tránh gió tự nhiên, những thuyền tới đây phần lớn đều thả neo ở chỗ lõm của vịnh, Lâm Phược đem theo Trần Ân Trạch và một thiếu niên có thân thủ mau lẹ đi trước mai phục ở vách đá phía tây vịnh để quan sát tình hình địch, để Phó Thanh Hà cùng Hồ Kiều Trung, Hồ Kiều Quan và những thiếu niên còn lại mai phục phía trong con đường mòn đó.

Thuyền đến hoàn toàn không ý thức được dưới đám cỏ ở ven biển đang có người nằm mai phục, những người trên thuyền vội hạ buồm xuống, lấy sào chống thuyền vào bờ đá để chỉnh lại đầu thuyền. Lâm Phược và hai người thiếu niên nằm bất động bên đám cỏ kia, nhìn đầu thuyền đang chậm rãi tiến vào vùng vịnh; đầu thuyền chỉ cách bọn họ chừng bốn năm trượng.

Bãi cỏ phía trước rất rộng rãi và tĩnh mịch khiến những người trên tàu không có chút nghi ngờ gì, tới lúc thuyền hạ neo vào bãi biển nông này, mới có một gã đàn ông mặt mày dữ tợn đứng trên mép thuyền, hướng về phía bãi cỏ hô lớn:
- Đám vô lại kia, mau ra hết đây, không phải ẩn náu làm gì nữa, ông nội Trần của các ngươi đến rồi đây! Ẩn náu giống như bọn chó chết vậy, ngay cả cái đuôi còn không lộ ra! Sao trước kia lại không có khả năng nhẫn nại như vậy chứ? Mẹ kiếp! Trên đảo này có ả kỹ nữ nào không vậy, có thể chọn những ả vừa trắng vừa non dâng cho ta để hạ hoả không vậy?
Vừa nói vừa cười một cách láo toét, những kẻ còn lại trên thuyền cũng cười ồ lên, thuyền vẫn chưa dừng hẳn thì có hai người quăng sợi dây thừng nhảy xuống chỗ nước cạn trước.

Một lúc sau, cũng không thấy những người ở bãi cỏ, trong lùm cây lớn bước ra, lúc này mới cảm thấy có chút khác lạ, thả thang dây xuống, lại có thêm ba người nữa xuống thuyền, năm người cầm binh khí cùng đi tới đám cỏ để do thám tình hình.

- Có nên đi cướp thuyền luôn không?
Trần Ân Trạch bò bên cạnh Lâm Phược khẽ hỏi.


- Đợi lúc nữa, phải kiên nhẫn, đợi Phó Gia dụ năm tên kia vào rừng rồi chúng ta động thủ cũng chưa muộn.

Trên thuyền vẫn còn hai người đang sửa sang lại buồm, đi chân trần, quần thì xắn lên tới đầu gối, khuôn mặt gày gò bị gió biển thổi đỏ ứng tím tái lại, trên tay cũng không có vũ khí. Chỉ cần năm người kia đi xa chút nữa, Lâm Phược tin tưởng sẽ giải quyết êm đẹp hai người trên thuyền này. Hắn kiên nhẫn nằm bên đám cỏ chờ đợi, thấy năm người kia đã đi tới bãi cỏ, ở bãi cỏ cũng xuất hiện những dấu vết mà Phó Thanh Hà cố ý để lộ ra manh mối, đứng trên bãi cỏ thương lượng một lát rồi chạy vào trong rừng. Thấy năm tên kia đã khuất sau vệ rừng, Lâm Phược nói với Trần Ân Trạch và hai thiếu niên:
- Cầm lấy yêu đao, khom người ẩn dưới đám cỏ tầm eo, rồi chạy nhanh về thì vịnh.

Năm tên kia xuống thuyền nhưng thang dây vẫn chưa thu lại, Lâm Phược leo lên thang dây bò tới đầu thuyền. Trên thuyền hai tên còn lại đang thu dây thừng lại, vẫn đang nhìn chằm chằm bên vệ rừng, cách cánh buồm thu dở nửa chừng, bọn họ căn bản không nhìn thấy có người leo lên thuyền.

Cánh buồm chính hạ còn một đoạn cao hơn đầu người, che khuất tầm mắt hai bên, Lâm Phược nghe thấy hai người ở đuôi thuyền đang nói chuyện, lúc này mới ra hiệu cho Trần Ân Trạch và một thiếu niên đi tới.

Những tiếng xô xát trong lùm cây vang lên, đám chim đang nghỉ ngơi bên những đám cây bên cạnh bị kinh động bay tứ tung, như những mũi tên vọt bay lên bầu trời, trước mặt toàn màu đen kịt.

Hai người ở đuôi thuyền lúc này mới ý thức được xảy ra chuyện, vội chạy về phía đầu thuyền, nhổ neo lại chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Hai người thấy có hai thiếu niên đang cầm đao trên tay đứng ở đầu thuyền, liền quay lại đuôi thuyền lấy binh khí, không ngờ Lâm Phược đang ẩn mình dưới cánh buồm lớn, một người quay đầu lại thì chạm phải lưỡi đao của Lâm Phược, đợi hắn phản ứng co chân lại, mũi đao đã xuyên qua lưng hắn rồi; Lâm Phược bỏ cây đao ra, vội cầm yêu đao kề vào cổ tên còn lại rồi nói:
- Muốn sống, mau nằm xuống.
Rồi lấy thừng buộc hắn lại, sau đó đưa xuống khoang thuyền đóng cửa lại. Hắn muốn cướp thuyền, nhưng cướp thuyền cũng cần có người biết lái thuyền, không thì cả mấy trăm hải lộ mờ mịt này cũng khiến bọn họ mệt mỏi, cho nên giữ lại mạng sống một tên lái thuyền.

Những tiếng xô xát trong lùm cây vẫn chưa dừng lại, Trần Ân Trạch và một thiếu niên khác đang định quay người xuống thuyền trợ giúp, Lâm Phược ngăn bọn họ lại nói:
- Nhiệm vụ của chúng ta là cướp thuyền và giữ thuyền…
Hắn vội rút đao lại cẩm trên tay, ánh mắt nhìn chằm chằm vào cuộc hỗn chiến trong lùm cây.

Phó Thanh Hà thống lĩnh đám thiếu niên mai phục trong rừng cũng đã có sự chuẩn bị, nhân lực lại hơn đối phương, đối phó với năm người sẽ không vấn đề gì, chỉ sợ đám thiếu niên kia lần đầu thực chiến còn lúng túng, sẽ có thương vong; nhưng nếu bây giờ bọn họ đi tới trợ giúp cũng không kịp nữa rồi.

Lúc này, từ trong rừng chạy ra ba người, trên người đều dính máu, một người trên cổ còn một mũi tên, giống như hơi đã sắp tàn, người vừa chạy ra khỏi rừng, liền ngã vật xuống đất, không còn động đậy.

Trong lòng Trần Ân Trạch có chút lo lắng, không ngờ cuối cùng cũng có hai người chạy được ra ngoài rừng. Tiếp đó thấy Hồ Kiều Trung, Hồ Kiều Quan cùng đám thiếu niên chạy ra, Phó Thanh Hà cầm cung theo sau. Thấy vậy khiến Lâm Phược yên tâm hẳn, chỉ có hai thiếu niên bị bọn chúng làm gãy giáo trúc mà thôi, không xảy ra thương vong.

Còn lại hai tên chạy tới trước bãi cỏ thì thấy Lâm Phược và hai thiếu niên đang đứng trên đầu thuyền, thang dây cũng bị thu lại rồi, trong lòng biết là không còn đường thoát nữa rồi, quay người lại muốn giết thêm một người nữa, lúc quay người lại thì bị một tên bắn trúng mặt ngã lăn ra, người còn lại bị vô vàn giáo trúc sắc nhọn đâm vào thương tích đầy mình, cái này cũng là do đám thiếu niên dùng giáo còn chưa thành thục, lúc Lâm Phược và hai thiếu niên xuống thuyền, người này vẫn còn đang giật giật, vẫn chưa chết hẳn.


Tác giả : Canh Tục
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi

Truyện cùng thể loại