Kiếm Lai

Chương 7: Lang Kiều

Dịch giả: Diệp Tu

Ngõ Hạnh Hoa có cái giếng, tên gọi Thiết Tỏa, ở miệng giếng có một sợi xích thô to bằng tay tráng niên, năm này qua năm khác rủ xuống phía dưới giếng. Sợi xích sắt ở giếng này có từ bao giờ, ai lại làm cái việc nhàm chán và kỳ quái kia thì từ xưa đã chẳng người nào biết, đến cả mấy người già lớn tuổi nhất trấn cũng không ai nói rõ được căn nguyên.

Nghe đồn rằng trấn Nhỏ từng có người đa sự, muốn kiểm tra xem rốt cuộc sợi xích sắt này dài bao nhiêu mà mặc kệ lời khuyên can của những người già, với cái câu truyền miệng quy định rằng “Người kéo xích sắt ở miệng giếng ra, cứ ra một xích giảm thọ một năm", người đó cơ bản không để tâm chút nào. Kết quả là y vận sức lôi lôi kéo kéo thời gian một nén nhanh xong liền kéo ra được một đống xích sắt lớn, thế nhưng vẫn không có dấu hiệu thấy điểm cuối, người nọ lúc này sức cùng lực kiệt liền tiện tay kéo đống xích sắt kia quấn quanh bệ đỡ trục quay cạnh giếng nước, xong nói ngày mai lại tới, y nhất quyết không tin tà. Người này sau khi về đến nhà thì thất khiếu chảy máu, chết bất đắc kỳ tử trên giường, hơn nữa là chết không nhắn mắt, mặc kệ người nhà tốn sức vuốt mắt lay mình thế nào vẫn cứ mở mắt không chịu khép. Sau cùng có một lão nhân nhà đời đời sống cạnh giếng nước mới bảo gia đình y mang thi thế đến cạnh giếng, thi thể “trơ mắt" nhìn lão nhân thả hết đống xích sắt kia xuống dưới giếng, đợi đến khi toàn bộ xích sắt được thả hết xuống giếng, thi thể rốt cuộc nhắm mắt lại.

Một già một trẻ chậm rãi đi về phía giếng Thiết Tỏa. Cậu nhóc là một đứa bé thò lò mũi xanh, có điều đứa bé này kể chuyện xưa lại mồm miệng rõ ràng, kể đâu ra đấy, cơ bản không giống như đứa bé thôn dã mới học vỡ lòng. Đứa bé lúc này ngẩng đầu, hai mắt to đen như hạt bồ đào, nhẹ nhàng sụt sịt kéo hai sợi nước mũi thòng lòng về. Đứa bé nhìn qua vị tiên sinh kể chuyện đang dùng một tay nâng cái bát trắng, bĩu môi nói: “Ta kể xong rồi, ông cũng nên cho ta xem một chút coi trong bát giấu cái gì đi nhỉ?"

Lão nhân cười ha hả đáp: “Đừng vội đừng vội, chờ tới bên giếng ngồi, ta sẽ cho ngươi xem hết."

Đứa bé “thiện ý" nhắc nhở: “Không được nuốt lời, nếu không ông chết không yên lành, vừa tới giếng Thiết Tỏa liền ngã cắm đầu vào đó, đến lúc ta sẽ không tìm xác ông, hoặc là bị sét đánh bất ngờ, vừa vặn đánh cho ông thành một cục than, đến lúc đó ta lấy tảng đá, đập cho nát nhừ…"

Lão nhân nghe đứa bé nói xong một tràng những lời rủa độc địa xúi quẩy, thực sự có hơi váng đầu, liền nhanh chóng nói: “Chắc chắn sẽ cho ngươi xem, phải rồi, mấy lời vừa rồi là ngươi học của ai?"

Đứa bé nói như chém đinh chặt sắt: “Học từ mẹ ta!"

Lão nhân than thở: “Quả nhiên là địa linh nhân kiệt, đất thiêng sinh hiền tài."

Đứa bé đột nhiên dừng bước, cau mày nói: “Ông mắng người phải không? Ta biết rõ mấy người thích đem lời tốt đẹp nói ngược lại, ví dụ như Tống Tập Tân!"

Lão nhân vội vàng phủ nhận xong chuyển chủ đề, hỏi: “Trong trấn có phải hay xảy ra một số chuyện lạ không?"

Đứa bé gật đầu.

Lão nhân hỏi: "Nói một chút coi."

Đứa bé chỉ chỉ lão, nghiêm túc đáp: “Nói ví dụ như ông cầm cái bát trắng lại không chịu cho người bỏ tiền vào. Khi ông còn kể chuyện xưa chưa xong, mẹ ta liền bảo ông kể chán chết, nghe như rơi vào sương mù, nhìn qua thì chính là lừa người quen thói đó, vậy mà khi ta định đưa ông mấy văn tiền thì ông sống chết không nhận, rốt cuộc là trong bát có gì vậy chứ "

Lão nhân dở khóc dở cười.

Hóa ra là lúc tiên sinh này ở dưới gốc cây Hòe kể xong cố sự liền bảo đứa bé này dẫn tới ngõ Hạnh Hoa xem giếng, đứa bé thoạt đầu không thích, lão nhân lại nói với nó là cái bát trắng này điểm hấp dẫn rất lớn, chứa trò vui hiếm có khó tìm. Đứa nhỏ trời tinh hoạt bát hiếu động, bị cha mẹ gọi là đứa lúc sinh ra đã quên mất cái mông dài.(1) Nó từ nhỏ đã thích đi theo đám lông bông Lưu Tiễn Dương đi khám phá khắp nơi, nhưng nếu vì muốn câu được một con lươn con cá, thằng nhóc này có thể ngồi dưới trời trưa nắng như đổ lửa cả nửa canh giờ mà không hề nhúc nhích, thực sự kiên nhẫn kinh người.

Thế nên khi lão nhân nói trong cái bát trắng chứa cái gì, đứa bé lập tức cắn câu.

Dù ngay từ đầu lão nhân đã đưa ra một cái yêu cầu kỳ quái, nói phải thử bế nó lên chút xem nó nặng bao nhiêu, muốn xem có nặng được bốn mươi cân không, đứa nhỏ gật đầu không chút do dự, dù sao thì để người ta bế lên mấy lần cũng sẽ không mất đi cân thịt nào.

Nhưng mà chuyện khiến đứa bé phải há hốc mồm đã xảy ra, tay trái lão cầm bát, dồn hết sức sang tay phải để bế nó lên nhưng thử mất năm sáu lần cũng không lên nổi lần nào. Thằng nhỏ liếc nhìn lão nhân lèo khèo, lắc đầu thầm nghĩ lão cũng là gầy như cây sậy giống Trần Bình An, nhưng cái tên bần hàn kia sức lực xem ra còn lớn hơn lão. Có điều bản thân còn chưa được xem rõ tình cảnh trong cái bát trắng kia, thằng bé tựa như trời sinh thông tuệ, nhịn không có nói ra chút nào tránh cho lão nhân không có cách nào giải thích mà xuống đài được. Phải biết rằng, ở cái khu ngõ Hạnh Hoa với Nê Bình, luận chửi đổng cãi nhau, nhất là kể chuyện quái dị thì thằng bé này xếp thứ ba, thứ nhì là Tống Tập Tân, còn thứ nhất chính mẹ thằng bé.

Lão nhân tới bên giếng những cũng không có ngồi lên miệng giếng.

Giếng cổ được xây từ gạch xanh.

Bất tri bất giác, lão nhân hô hấp trở nên nặng nề.

Thằng nhỏ đi đến cạnh giếng, đưa lưng về phía miệng giếng, cứ thế nhảy ngược lên, vừa vặn đặt mông ngồi trên miệng giếng.

Chứng kiến một màn này làm lão nhân đổ mồ hôi lạnh ròng ròng, trò này mà chỉ lệch một phân thôi là thằng nhóc kia lập tức té xuống đó, mà với lịch sử nguồn gốc của cái giếng kia thì muốn nhặt xác cũng khó.

Lão nhân chậm rãi bước về trước mấy bước, nheo mắt lại rồi cúi người nhìn kỹ sợi xích sắt kia, thứ có một đầu được chôn chặt bệ đỡ guồng quay.

“Phong thủy thắng địa, giáp vu nhất châu."

Lão nhân duỗi bàn tay trái nhàn rỗi ra, ngưng mắt nhìn lòng bàn tay.

Vân trong lòng bàn tay chạy ngang dọc phức tạp.

Có điều có một đường vân mới xuất hiện, đang từ từ kéo dài ra, như là đường nứt trên đồ sứ.

Thần nhân xem tay, như xem sông núi.

Chỉ có điều vị lão nhân này chỉ là đang nhìn bản thân mà thôi.

Lão nhân nhíu mày, khiếp sợ than: “Chỉ là một buổi ngắn ngủi thôi mà tình cảnh đã thảm đạm như vậy, mấy kẻ kia chẳng phải là?"

Thằng nhỏ giờ đã đứng trên miệng giếng, một tay chống nạnh, một tay chỉ lão, lớn tiếng hối thúc: “Rốt cuộc ông có cho xem cái bát không đây?!"

Lão nhân bất đắc dĩ đáp: “Ngươi xuống mau, xuống mau, ta lập tức cho người xem bát."

Thằng nhóc bán tín bán nghi, sau cùng vẫn nhảy khỏi miệng giếng.

Lão nhân do dự một lúc rồi nghiêm túc nói: “Thằng nhỏ này, ta và người có duyên, cho ngươi xem sự huyền diệu của cái bát ày cũng được, nhưng xem xong không được kể với ai khác, kể cả mẹ ngươi cũng không được, nếu ngươi làm được, ta lập tức cho ngươi mở mang tầm mắt, nếu làm không được, dù có bị thằng nhóc ngươi đâm sống lưng, ta cũng không cho ngươi xem nửa phân. "

Thằng nhỏ mở trừng hai mắt, nói: "Bắt đầu đi."

Lão nhân vừa trịnh trọng đưa ra yêu cầu vừa đi lên trước tới cạnh miệng giếng, cúi đầu trông liền phát hiện thằng nhóc con lần này đã ngồi ngược, hai chân bỏ vào trong miệng giếng, lão thực có chút hội hận đã đi trêu chọc cái thằng trẻ ranh vô pháp vô thiên này rồi.

Lão nhân thu hồi tạp niệm, hướng mặt về phía miệng giếng, dùng năm ngón tay giữ đít bát, lòng bàn tay bắt đầu hơi nghiêng đi, biên độ nghiêng chậm đến khó có thể nhận ra.

Thằng nhóc cảm giác mình phải đợi rất lâu mà cũng không thấy cái bát trên đỉnh đầu mình có động tĩnh gì nhưng lão nhân vẫn thủy chung giữ cái tư thế kia.

Ngay vào lúc hai sợi nước mũi sắp chảy tới miệng thằng nhỏ, sự kiên nhẫn của nó cũng tiêu hết, chỉ thấy một dòng nước to bằng ngón tay từ trong bát trắng chảy ra, vô thanh vô tức chảy xuống đáy giếng sâu.

Thằng nhóc há mồm muốn chửi ầm lên.

Nó đột nhiên ngậm miệng lại, có hơi kinh ngạc, qua một lúc nừa, sắc mặt nó từ kinh ngạc chuyển sang mờ mịt, lại sau một lúc, thằng nhóc bắt đầu sợ hãi, có ddieuf nó rất nhanh lấy lại tinh thần, vèo cái nhảy khỏi miệng giếng, bỏ chạy về phía nhà mình.

Thì ra, lượng nước mà lão nhân dùng bát đổ vào trong giếng đã sớm đủ đổ đầy cả một chum và còn chưa thấy dừng lại, vẫn liên tục có nước từ trong bát chảy ra ngoài.

Thằng nhóc cảm giác nhất định là mình ban ngày gặp quỷ rồi.

————

Lưu Tiễn Dương tiện tay bẻ một cành cây mới ra lộc bên đường, dùng nó bắt đầu luyện kiếm, cả người chuyển động như bánh xe, điên cuồng xoay tròn, cơ bản không chút tiếc thương đôi giày mới đang mang trên chân, luyện cho bụi đường bay mù mịt.

Thiếu niên cao lớn ra khỏi trấn xong liền từ Bắc hướng Nam, chỉ cần đi qua cây lang kiều(2) do Tống đại nhân bỏ tiền xây dựng kia xong lại đi thêm ba bốn dặm nữa là đã tới lò rèn do cha con họ Nguyễn cất lên. Lưu Tiễn Dương kỳ thực luôn tâm cao khí ngạo nhưng Nguyễn sư phụ chỉ cần dùng một câu đã khiến thiếu niên phục sát đất: “Chúng ta đến đây chỉ vì mở lò đúc kiếm."

Đúc kiếm tốt, Lưu Tiễn Dương vừa nghĩ tới bản thân mình tương lại có thể có một thanh kiếm thật liền hưng phấn không kiềm được, vứt luôn cánh cây rồi vừa chạy vừa hú hét như phát cuồng.

Lưu Tiễn Dương nhớ tới mấy chiêu quyền pháp mà Nguyễn sư phụ lén truyền cho y, lại bắt đầu chuyển sang luyện quyền, trông cũng là có hình có dáng, uy vũ sinh gió.

Thiếu niên càng lúc càng gần lang kiều.

Trên bậc thang ở đầu Bắc lang kiều có bốn người đang ngồi, một là mỹ phụ dáng người thướt tha đẫy đà ôm một bé trai mặc áo bào lớn màu đỏ, bé trai đó đang hất cao cái cằm lên trông như một tướng quân mới thắng trận đánh lớn. Ở phía bên đầu còn lại bậc thang là một lão nhân cao lớn, cả đầu bạc trắng như tuyết, lão đang ngồi nhỏ giọng an ủi một cô bé co vẻ đang tức giận. Cô bé này dung mạo như ngọc mài phấn mịn, cả người làm người ta có cảm giác như thấy búp bê tinh xảo nhất thế gian, làn da non nớt như lưu ly dưới ánh mặt trời liền tỏa sáng óng ánh, thực sự có thể khiến người nhìn thấy rõ ràng những đường gân xanh nho nhỏ ẩ dưới làn da.

Hai đứa bé mới vừa tranh cãi ỏm tỏi xong, cô bé thì sụt sịt chực khóc, bé trai kia thì càng thêm đắc ý.

Lão nhân cao lớn dáng vóc khôi ngôi, tựa như một ngọn núi nhỏ. Phu nhân ngồi bên cạnh đưa mắt nhìn sang như tạ lỗi, lão nhân uy nghiêm thấy nhưng làm như không thấy.

Dưới bậc thang, một gã trẻ tuổi người nhà họ Lưu đang đứng, gã chính là cháu đích tôn của gia chủ Lư thị, tên gọi là Lư Chính Thuần. Có lẽ đúng là khí hậu một phương có thể nuôi dưỡng nên người một phường, những người sinh ra, lớn lên ở trấn Nhỏ nếu xét tướng mạo hình dáng có thực có phần hơn những nơi khác. Chỉ có điều, Lư Chính Thuần này đỡ sớm bị tửu sắc lấy hết đi sự ưu tú, giờ ở trong mắt bốn người đang ngồi trên bậc thang thì càng thêm khó coi. Lư gia sở hữu số lượng, quy mô hầm lò lớn nhất trấn, cũng có con cháu trong tộc ra ngoài, tới xứ khác vươn cành ra lá tạo thành cả một chi họ tộc. Thế nhưng giờ, Lư Chính Thuần, kẻ vốn trước giờ ở trấn uy phong bát diện, thần sắc e dè, mặt mũi tái nhợt, cả người đứng thẳng đơ, tựa như sợ hơi sơ sót gì là có thể bị người ta xét nhà giết cả chín họ.

Đứa bé trai dùng ngôn ngữ mà dân trấn này nghe không hiểu được, nói: “Mẹ, cái tên tiểu trùng họ Lưu kia, tổ tiên hắn thực sự là vị…"

Khi nó vừa định nói ra cái tên thì phu nhận lập tức che miệng nó lại, nói ngắt lời: “Trước lúc ra ngoài, cha con đã dặn bao nhiêu lần rồi, ở chỗ này không được tùy tiện chỉ mặt gọi tên người khác."

Đứa bé trai đẩy tay phu nhân ra, đôi mắt nóng bỏng, ép nhỏ giọng hỏi: “Nhà hắn thực sự là đời đời truyền thừa bảo giáp và Kiếm Kinh sao?"

Phu nhân âu yếm xoa đầu con, hiền hòa đáp: “Lư thị dùng nửa bộ Tộc phổ đảm bảo rằng hai món đồ đó được giấu trong nhà thiếu niên kia."

Bé trai đột nhiên nũng nịu nói: “Mẹ mẹ, chúng ta có thể đổi bảo vật với nhà Tiểu Bạch không, cái bảo giáp mà chúng ta tính toán thực sự quá xấu, mẹ muốn thật sao, đổi sang bộ Kiếm Kinh mà nói, là phi kiếm trong mơ cũng có thể lấy đầu, quả thực quỷ không biết thần không hay, chẳng phải lợi hại hơn nhiều so với cái xác rùa đen kia sao?"

Không chờ phu nhân giải thích căn nguyên nội tình, bé gái bên cạnh đã đùng đùng nổi giận, mắng: “Chỉ bằng ngươi cũng muốn sơ múi bảo vật trấn sơn thất truyền đã lâu của chúng ta? Chúng ta tới lần này là danh chính ngôn thuận làm cho vật quy nguyên chủ, không có giống như gia hỏa nào đó có chút không biết xấu hổ, là đi ăn cướp, đi ăn trộm, thậm chí là đi ăn xin!"

Đứa bé trai quay đầu sang, làm mặt quỷ rồi cười khẩy đáp: “Chính nha đầu thối ngươi cũng đã nói đó, là Trấn “Sơn" chi bảo, sơn môn bối phận mà thôi, rất ghê a?"

Đứa bé trai sắc mặt đôt nhiên vui vẻ, từ trong ngực phu nhân đứng lên xong liền dùng ánh mắt thương hại nhìn trên dưới bé gái, bộ dạng như thầy giáo răn dạy đám nhóc học vỡ lòng: “Đại đạo trưởng sinh, nghịch thiên hành sự, chỉ ở chữ Tranh. Ngươi với đạo lý này cũng không hiểu, sau này làm sao kế thừa gia nghiệp, làm sao tuân thủ nổi tổ huấn sâm nghiêm? Hậu duệ Chính Dương Sơn các ngươi, mỗi thế hệ con cháu cứ cách ba mươi năm là phải cất cao Chính Dương Sơn lên ít nhất một trăm trượng, nha đầu thôi, ngươi nghĩ răng từ ông ngươi tới cha người làm được chuyện đó rất nhẹ nhàng sao?"

Bé gái có phần yếu thế, thần sắc chán nản, đầu cúi gập xuống không dám nhìn thẳng đứa bé trai.

Lão nhân khôi ngô đầu như sương tuyết trầm giọng nói: “Phu nhân, tuy nói lời trẻ con không chấp nhưng vạn nhất khiến đạo tâm thiếu chủ nhà ta nhuốm bụi mờ, chính các ngươi suy xét hậu quả đi."

Phu nhân nở nụ cười vũ mị, kéo con trai mình trở lại trong ngực, nói như trong bông có kim: “Trẻ con cãi nhau mà thôi, Viên tiền bối không cần phải căng thẳng như thế, chớ làm hỏng tình hữu nghị ngàn năm của hai nhà chúng ta."

Không thể ngờ lão nhân tính khí cương liệt đến cực điểm, lập tức phản pháo một câu: “Chính Dương Sơn ta khai sơn được hai ngàn sáu trăm năm, có ân báo ân, dù qua ngàn năm cũng không quên, có oán báo oán, chưa từng để kẻ thù sống qua đêm!(3)"

Phu nhân chỉ cười cười, không muốn tiếp tục tranh cãi.

Hành trình lần này tới trấn, ai ai cũng thân mang trọng trách, nhất là nàng, thực sự là đem thân thể tính mạng mình, tiền đồ của con trai, nội tình nhà nội, cả ba thứ đều là được ăn cả ngã về không, dồn hết quyết đánh bạc một phen.

Vị phu nhân này tuy trông xiêm y giản dị, thêm thần thái ung dung, nhưng cũng chỉ là dân chúng trấn Nhỏ chưa trải việc đời mới không biết được huyền cơ mấu chốt được ẩn giấu ở trong đó.

Từ đầu chí cuối, Lư Chính Thuần vẫn thủy chung đưa lưng về phía bậc thang lên lang kiều.

Lúc trước khi lần đầu tiên thấy những vị khách quý ở đại trạch Lưu gia, vị đệ đệ ruột của gã chỉ là do tuổi trẻ khí thịnh, định lực chưa đủ mới tạm thời quên mất giáo huấn của tổ phụ, nhịn không được trộm nhìn bộ ngực của mỹ phu nhân kia một cái, thế mà tổ phụ liền bị tức đến cả người phát run, sai người kéo xuống, đánh chết tươi ở đình viện. Vị đệ đệ gã lúc chịu hành hình thì miệng như bị nhét đầy vải bông, thế nên kẻ tiếp tục phụng bồi tổ phục ở đại đường nghị sự là Lư Chính Thuần không nghe thấy tiếng kêu rên thảm thiết nào của đệ đệ, cũng không thấy được hình ảnh máu thịt bầy nhầy. Đợi đến khi thương nghị xong, gã ra khỏi cửa đại đường tìm thiếu niên họ Lưu kia thì mới phát hiện vết máu giữa đình viện đã được lau rửa sạch sẽ. Bốn vị khách từ xa đến kia, dù là hai đứa bé như Kim Đồng Ngọc Nữ kia với việc này cũng không có chút nào khác lạ, tựa như việc đó là hiển nhiên vậy.

Khoảnh khắc đó, Lư Chính Thuần có chút mơ hồ.

Chết một người, làm thế nào mà so với chết một con chó cũng không bằng?

Huống hồ người chết còn mang họ Lư, đêm hôm trước, người đó khi cùng vị ca ca này uống rượu, hào khí dâng lên, vô cùng phấn khởi nói sau này nhất định phải thăng tiến thật nhanh, làm rạng rỡ gia đình, huynh đệ hai người cũng không thể làm ếch ngồi đáy giếng mãi, muốn cùng nhau ra ngoài xông pha dựng nghiệp, kiến tạo một vùng trời đất.

Từ đó đến lúc rời khỏi đại trạch Lư gia, đầu óc Lư Chính Thuần vẫn mờ mịt trống rỗng.

Tiếp sau đó, Lư Chính Thuần bắt đầu thấy sợ hãi, khi đám quý nhân xa lạ hỏi, gã nói chuyện cũng run rẩy, lúc dẫn dường, bước chân gã lắc lư bất ổn. Gã biết cái bộ dạng này của mình sẽ thành trò cười cho người trong nghề, sẽ khiến tổ phụ thất vọng, khiến gia tộc hổ thẹn, nhưng mà người trẻ tuổi thực sự không thể khống chế nỗi sợ của mình, hệt như cả người đang có khí lạnh thực sự từ trong chảy ra.

Vào thời điểm cuối năm ngoái, tổ phụ dẫn huynh đệ gã với trong một gian mật thất, báo cho bọn gã một tin rằng rất mau Lư gia sẽ tiếp một số quý nhân tới có việc, là phúc lớn như trời, làm việc nhất định phải cẩn thận chu đáo. Nếu làm tốt xong, Lư gia sẽ dùng thù lao ưu tiên bồi tài cho hai huynh đệ bọn họ, chỉ cần quý nhân gật đầu đồng ý, như vậy thì sau đó dưới chân huynh đệ gã sẽ là đường lớn thênh thang, một bước lên mây, cuối cùng thu được vinh hoa phú quy không cách nào tưởng tượng nổi. Khi ấy, gã mới hiểu được vì sao gã và đệ đệ từ nhỏ đã phải học lắm loại phương ngôn(4) kỳ quái, lạ lẫm như vậy.

Lư Chính Thuần nhìn Lưu Tiễn Dương càng lúc càng tới gần lang kiều, gã đột nhiên cảm thấy cực kỳ thù ghét tên này. Tên này từng bị gã dẫn người vây trong con ngõ của đám người bần hàn, đánh cho nằm như chó chết trên mặt đất, nếu không biết thằng khốn nào chạy ra hô chết người rồi thì gã và mấy đứa kia đã định theo dự định ban đầu, cởi quần tưới cho tên thiếu niên không biết điều đang nằm trên đất một trận nắng hạn gặp mưa rào. Lư Chính Thuần đến giờ vẫn không hiểu vì cái gì mà những quý nhân này lại mất công để ý Lưu Tiễn Dương, về phần cái gì bảo giáp, Kiếm Kinh, cái gì Chính Dương Sơn, Trường Sinh Đạo, rồi cái gì tranh cơ duyên đoạt số mệnh gì gì đó, Lư Chính Thuần trông như đều nghe hiểu, thực chất đều là nghe không hiểu.

Nhưng mà có một việc Lư Chính Thuần có thể xác định chắc chắn là, bản thân gã rất hy vọng Lưu Tiễn Dương chết ở nơi này.

Về phần nguyên nhân thực sự, Lư Chính Thuần không dám thừa nhận, cũng không muốn suy nghĩ sâu xa.

Ở sâu trong nội tâm, Lư Chính Thuần tuyệt đối không hy vọng tên Lưu Tiễn Dương ti tiện như chó kia chứng kiến gã, thân là đại thiếu gia quen thói ăn ngon mặc đẹp nhà họ Lư, vậy mà giờ luân lạc ra cái bộ dạng phế phẩm chẳng khác gì Lưu Tiễn Dương.

Tận cùng nhục nhã, quá lắm cũng chỉ như thế này thôi.

Mỹ phu nhân nhìn thiếu niên đang tới, miệng lẩm bẩm: “Đến rồi."

Thiếu niên cao lớn một đường luyện quyền mà đến, càng về sau quyền ra càng mạnh mẽ, càng đánh càng nhanh, thế nên cả người thiếu niên bị thế quyền cuốn đi, hơi lảo đảo.

Trong mắt hành gia quyền pháp, những đường quyền thô lậu kia ẩn chứa quyền ý, lộ ra một tia cương nhu hòa hợp, tương đối có phong phạm đại thành.

Võ đạo quyền pháp một đường, có câu khẩu quyết nhập môn: Bất đắc quyền chân ý, trăm năm chỉ người thường, Nhất ngộ quyền chân ý, mười năm đả ma thần.

Mỹ phu nhân như trút được gánh nặng, qua nhiên thiếu niên họ Lưu là người mà bọn họ muốn tìm, đích thị thiên phú không tầm thường, cho dù so với những tiên gia trong phủ đệ bọn họ, căn cốt tư chất cũng không thể so được.

Đương nhiên, trong thế giới rộng lớn của mỹ phu nhân và lão nhân tóc trắng thì số lượng chiếm nhiều nhất cũng chính là loại tiên gia đó.

Mỹ phu nhân đứng thẳng lên, ra lệnh cho Lư Chính Thuần đang đứng dưới bậc thang: “Ngươi đi nói với thiếu niên kia, hỏi hắn muốn cái gì mới đồng ý xuất ra hai món đồ gia truyền áo giáp với thư tịch."

Lư Chính Thuần vừa xoay người rồi khom mình cúi đầu, vừa dùng một loại phương ngôn mà dân trấn này nghe hệt như nghe thiên thư, đáp: “Vâng, phu nhân."

Phu nhân lạnh nhạt nói thêm: “Nhớ kỹ, lúc nói chuyện với thiếu niên kia, mặt mũi phải ôn hòa, chú ý đúng mực."

Đứa bé trai xỉa ngón tay, từ trên nhìn xuống, nghiêm giọng nói: “Làm hỏng đại sự, bổn công tử liền rút gân lột da ngươi, đem hồn phách ngươi đi chế thành bấc đèn, để cho ngưới trước khi đèn tắt, từng giây từng phút, sống không bằng chết!"

Lư Chính Thuần khiếp hãi đến giật bắn người, lại lần nữa xoay mình, thấp thỏm đáp: “Tiểu nhân tuyệt sẽ không làm hỏng việc!"

Tiểu cô nương cuối cùng cũng thấy được cơ hội trả đũa, cười nhạo nói: “Ở trước mặt vài phàm phu tục tử, trái lại là mười phần uy phong, không biết là ai trên đường đi bị người đồng đạo chửi là đồ con hoang mà cũng không dám đánh trả."

Lão nhân khôi ngô đối với thái độ cư xử của hai mẹ con nhà này, thực ra ngay từ đầu đã có ấn tượng xấu, thế nên không ngại bồi thêm một câu: “Tiểu thư nói sai rồi, ở đâu ra chuyện không dám đánh trả, rõ ràng là không dám cãi lại."

Đứa bé trai thân vận một bộ trường bào màu đỏ rực nghiến răng nghiến lợi, nhìn chằm chặp vào bé gái, thần sắc âm trầm nhưng cũng không nói ra lời tàn độc nào, trái lại sau cùng còn nhoẻn miệng cười, trông rất sáng lạn.

Phu nhân thì thủy chung đưa mắt nhìn con đường phía trước, sắc mặt vẫn ung dung thư thái, còn về phần trong bụng nàng có nảy sinh khúc mắc hay không thì có trời mới biết.

Bé gái hừ lạnh một tiếng, chạy xuống bậc thềm rồi ngồi xổm bên dòng suối, cúi đầu nhìn cá bơi trong nước.

Thỉnh thoảng lại có từng đàn cá chép bơi qua tầm mắt cô bé, số lượng không đều nhau, xanh đỏ hai màu đều có.

Một vài lão nhân lớn tuổi trong trấn, lúc nói chuyện phiếm dưới gốc cây Hòe thường kể vào khi trời nổi dông gió, bọn họ khi đi qua lang kiều đều thấy có một con cá chép vàng lấp lánh bơi ở phía dưới cầu.

Chỉ có điều là có lão nói rằng cá chép vảy vàng kia lớn lắm chỉ chừng bàn tay, có người lại bảo con cá chép kỳ lạ kia nhỏ nhất cũng dài bằng nửa ngưởi, thực sự là sắp thành tinh rồi.

Nhiều cách nói khiến các lão nhân tranh cãi mãi, thế nên bọn nhỏ nghe kể chuyện đều cho là không thật.

Lúc này, cô bé đang ngồi bên bờ con suối nước trong nhìn thấy đáy, hai tay chống cằm, mắt nhìn chăm chú không chớp.

Lão nhân tóc trắng ngồi xổm xuống bên cạnh cô bé, nhẹ giọng cười bảo: “Tiểu thư, nếu như lời Lư gia không sai, phần đại cơ duyên này đã rơi vào túi người khác rồi."

Cô bé quay đầu, nhoẻn miệng cười, đáp: “Viên gia gia, nói không chừng có hai con đấy."

Bởi cười nên cô bé để lộ ra răng cửa bị sún mất một cái trông khá buồn cười.

Cô bé rất nhanh nhận ra điểm này, lập tức đưa tay che miệng lại.

Lão nhận nhịn cười, giải thích: “Dòng họ nhà Giao long khi chưa ra sông lớn luôn chú ý phân chia địa bàn, không cho phép đồng loại tới gần. Vì thế…"

Cô bé ồ một tiêng, lần nữa quay đầu về trước, hai tay chống cằm, ngẩn ngơ lẩm bẩm: “Vạn nhất có thì."

Lão nhân trước giờ luôn tỏ ra hiền hòa khi ở cạnh cô bé, lần đầu tiên lộ ra thần sắc uy nghiêm của trưởng bối, đưa tay gõ nhẹ lên đầu cô bé, trầm giọng căn dặn: “Tiểu thư nhớ kỹ, hai chữ ‘vạn nhất’ kỳ thực chính là tử địch số một của chúng ta, quyết không được có ý nghĩ may mắn tồn tại. Tiểu thư người tuy thân là lá ngọc cành vàng…"

Cô bé đưa một tay lên rồi ra sức xua xua, hồn nhiên than phiền: “Biết rồi biết rồi, Viên gia gia, lỗ tai của ta sắp lên cái kén á."

Lão nhân nói: “Tiểu thư, ta đi tra xét động tĩnh bên kia đây, đối phương dù là minh hữu trên danh nghĩa với Chính Dương Sơn chúng ta, nhưng tính tình phẩm hạnh của người danh gia vọng tộc kia, ầy, không nhắc đến cũng được, tránh làm bẩn tai tiểu thư."

Bé gái chỉ phất phất tay bảo đi.

Lão đành bất đắc dĩ rời đi.

Vị lão nhân khôi ngô này mang thân phận như gia nô, buông thõng hay tay xuống đầu gối, lúc đi đường lưng hơi còng xuống tựa như vác nặng mà đi.

Cô bé ngồi bên bờ đột nhiên dùng sức dụi dụi mắt.

Cô phát hiện mực nước trong suối rõ ràng đang từ từ dâng lên, dùng mắt thường có thể thấy được!

Nếu là ở ngoài trấn, ví dụ như ở Chính Dương Sơn hay bất kỳ chỗ nào khác, dù nước trong suối đột nhiên khô cạn trong nháy mắt cũng không khiến cô bé ngạc nhiên chút nào.

Tiểu cô nương nghi hoặc tự hỏi: “Không phải nói thiên nhiên nơi này phong cấm hết thảy huyền thuật, thần thông cùng đạo pháp sao? Hơn nữa tu vì càng cao thì phản phệ càng lợi hại sao? Viên gia gia cũng đã nói, dù có là cái người trong truyền thuyết kia, đợi ở nơi này đợi lâu như vậy, tới hôm nay tình cảnh cũng không khác gì Nê bồ tát sang sống, rất khó chính diện ra tay ngăn cản người khác động thủ tranh giành…"

Cô bé cuối cùng đành lắc lắc đầu, chẳng muốn suy nghĩ về câu hỏi này nữa.

Tiểu cô nương quay đầu nhìn lại, trông bóng lưng cao lớn của Viên gia gia.

Nàng hân hoan nghĩ tới lúc nơi đây bị gỡ hết các loại phong cấm xong, nàng sẽ thỉnh cầu Viên gia gia mang ngọn núi tên là Phi Vân Sơn này đi.

Sau khi đem về quê nhà rồi sẽ dùng làm vườn hoa nhỏ của nàng.

Chú giải:

1. Quên mất cái mông dài: Một cách ví von đứa trẻ tăng động, thích chạy nhảy không chịu ngồi yên một chỗ, dường như quên mình có cái mông để ngồi.

2. lang kiều: Chương trước mình quên không giải thích. Lang kiều, tên như nghĩa, lang là mái che, hành lang, kiều là cầu, ở đây là loại cầu ở bên trên có xây mái che, thậm chí vài cái có vách che luôn, hai đầu có bậc tam cấp để đi lên đi xuống, trông như nhà bắc trên sông vậy. Bạn đọc có thể google theo từ khóa 廊桥 để rõ hơn.

3. Không để kẻ thù sống qua đêm: Một cách ví von rằng có thù thì chắc chắn báo mà là ráo riết truy sát, quyết không ngơi nghỉ, tiêu diệt nhanh nhất có thể.

4. phương ngôn: Tiếng địa phương, ngôn ngữ vùng miền. TQ rất rộng, có nhiều vùng miền khác nhau nên tuy dùng chung chữ viết nhưng khẩu âm, từ ngữ khác nhau có thể khiến hai người viết chung chữ viết nhưng nói thì đối phương nghe không hiểu.

5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247
Tran 2 năm trước
đã có chap mới nhất rồi nha anh em. link đây nha: bit.ly/mga899

Truyện cùng thể loại