Kiếm Lai

Chương 2: Mở cửa

Dịch giả: Tô Triết

Trời vừa tảng sáng, gà còn chưa gáy, Trần Bình An đã rời giường. Tấm nếm đơn bạc thực sự không giữ được hơi ấm, hơn nữa Trần Bình An lúc đi học làm gốm sứ cũng tập thành thói quen thức khuya dậy sớm. Mở cửa phòng, đi ra mảnh sân đất nhỏ, hít thở một hơi thật sâu, vươn vai thẳng lưng một cái xong, lúc rời sân hắn quay đầu lại thấy một bóng người mảnh khảnh, yếu ớt đang khom người, hai tay xách một thùng gỗ nước, đang dùng vai đẩy cửa vào sân nhà mình. Bóng người kia chính là tỳ nữ của Tống Tập Tân, hẳn là nàng mới lấy nước từ giếng Thiết Tỏa ở ngõ Hạnh Hoa bên kia về.

Trần Bình An thu ánh mắt lại, đi qua ngõ ra phố, thong thả chạy một đường về phía Đông trấn nhỏ. Ngõ Nê Bình nằm ở phía Tây trấn, cửa thành lại nằm ở phía Đông, có người chịu trách nhiệm tuần phòng ban đêm và quản lý thương khách ra vào trấn, bình thường cũng kiêm nhiệm cả việc nhận và giao một ít thư tin từ bên ngoài gửi về gia đình. Việc mà Trần Bình An cần làm tiếp đây là mang chính những thư tin kia đi đưa cho dân chúng trong trấn, thù lao đưa mỗi kiện thư tín là một xu tiền(1). Đây chính là cách mà hắn rất vất vả mới kiếm được tiền. Hắn đã giao ước với bên kia là mình sẽ bắt đầu tiếp nhận công việc này từ sau lễ Long Sĩ Đầu.

Dùng cách mà Tống Tập Tân nói thì hắn chính là mệnh khổ trời sinh, dù cho có phúc bước vào gia môn, Trần Bình An hắn cũng sẽ suốt ngày rỗng túi chẳng có đồng bạc dư. Tống Tập Tân thường xuyên nói một số lời tối nghĩa khó hiểu, đoán chừng là nội dung lấy ra từ sách vở. Trần Bình An nghe mấy lời đó cũng không hiểu mấy, ví dụ như hai ngày trước gã nói cái gì mà thiếu niên Xuân hàn Đông lạnh đó, Trần Bình An hoàn toàn không hiểu thấu. Về phần hàng năm phải gắng gượng chịu đựng qua mùa Đông, khi vào Xuân rồi sẽ có một giai đoạn còn lạnh hơn trước nữa thì bản thân hắn lại hiểu rõ, giống như Tống Tập Tân nói, rét tháng Ba lợi hại như chiêu Hồi Mã Thương trên sa trường vậy, vì lợi hại nên không ít người gặp nó liền bỏ mạng xuống Quỷ Môn Quan.

Trấn nhỏ không có tường thành bao quanh, dù sao thì chưa nói tới đạo tặc thảo khấu, đến ăn trộm hại dân hại nước cũng rất ít thấy, vì vậy cửa thành kia trên danh nghĩa là cửa thành, thực chất là một loạt hàng rào gỗ cũ kỹ xiêu trái vẹo phải, miễn cưỡng có chút tác dụng tạo làn cho người xe qua lại, xem như là lấy chút thể diện cho cái trấn này.

Trần Bình An khi thong thả chạy qua ngõ Hạnh Hoa, thấy không ít phụ nữ trẻ em đang tụ tập ở giếng Thiết Tỏa để kéo nước, bánh xe cứ ken két quay liên tục.

Lại đi qua một con phố, Trần Bình An chợt nghe có tiếng đọc sách quen thuộc từ cách đó không xa truyền đến. Nơi có tiếng đọc sách có một tòa hương thục (2) do mấy gia đình giàu có góp tiền xây lên. Tiên sinh dạy học là người xứ khác, Trần Bình An khi còn nhỏ cũng hay chạy tới đó, trốn ngoài cửa sổ vểnh tai lên nghe lỏm. Vị tiên sinh kia tuy lúc dạy học rất nghiêm khắc nhưng với đứa nhỏ học lỏm nghe giảng chùa(2) như kiểu Trần Bình An cũng không có quát mắng, ngăn cản. Có điều, Trần Bình Anh từ sau khi đi tới hầm lò làm học đồ làm gốm thì chưa từng trở lại nơi này nữa.

Xa hơn về phía trước, Trần Bình An đi qua một ngôi đền bằng đá, bởi kiến trúc đền có mười hai cây cột đá nên dân bản xứ thích gọi là đền Con Cua. Tên thật của tòa miếu này qua lời của Tống Tập Tân và Lưu Tiễn Dương lại khác hẳn nhau. Tống Tập Tân thề chắc như đinh đóng cột rằng theo một cuốn sách cũ gọi là Phương Huyện Chí ghi rằng nơi này gọi là đền Đại Học Sĩ, là đền thờ do hoàng đế lão gia ngự tứ để tưởng niệm một vị đại quan có công lớn về phương diện văn hóa giáo dục. Lưu Tiễn Dương, anh chàng ít học như Trần Bình An tức thì nói cái này là đền Con Cua, chúng ta đều gọi nó như vậy đã mấy trăm năm rồi, mặc xác cái tên khỉ gì rắm chó không vang đền Đại Học Sĩ. Lưu Tiễn Dương còn hỏi Tống Tập Tân một vấn đề là “Mũ quan Đại học sĩ rốt cuộc lớn bao nhiêu, có phải còn lớn hơn miệng giếng Thiết Tỏa hay không?", hỏi đến mức Tống Tập Tân phải đỏ mặt tía tai.

Trần Bình An lúc này đang chạy một vòng quanh bốn mặt, mười hai cây cột ở đền thờ, mỗi mặt đều có bốn chữ to, kiểu chữ rất cổ quái, nội dung đều khác nhau, theo thứ tự là: Đương Nhân Bất Nhượng, Hi Ngôn Tự Nhiên, Mạc Hướng Ngoại Cầu và Khí Trùng Đấu Ngưu. Nghe Tống Tập Tân nói thì ngoài bốn chữ ở một mặt là chuẩn nguyên gốc ra thì chỗ ba tấm bia đá được khắc còn lại đều là bị viết thêm, xuyên tạc qua. Trần Bình An với mấy việc này thì ù ù cạc cạc, chưa bao giờ suy nghĩ sâu xa kỹ càng, tất nhiên, dù hắn có muốn truy vấn tới ngọn nguồn thì cũng là phí công, tới cuốn Phương Huyện Chí mà Tống Tập Tân luôn miệng nhắc tới kia mà mãi hắn còn chẳng biết nó là dạng sách gì nữa mà.

Qua đền thờ không xa, lập tức có thể thấy một cây Hòe già cành là xum xuê, dưới gốc cây có có một thân cây không biết người nào chuyển tới. Thân cây đó sau khi được đẽo gọt sơ sơ, kê thâm hai khối đá xanh ở hai đầu liền trở thành một cái ghế băng đơn giản. Hàng năm cứ vào mua hè, dân chúng ở trấn nhỏ rất thích ra đó hóng mát. Với những gia đình có điều kiện, trưởng bối còn có thể thả giỏ hoa quả xuống giếng ướp lạnh rồi kéo lên cho bọn trẻ ăn, ăn uống no đủ xong, tụi nhỏ liền kéo bè kéo lũ tập trung chơi đùa dưới gốc cây luôn.

Trần Bình An đã quen việc lên núi xuống sông nên khi chạy tới chỗ trước cửa căn nhà bằng đất bùn nằm lẻ loi trơi trọi cạnh chỗ cửa ra vào hàng rào liền dừng lại, tim đập không nhanh, hơi thở cũng không gấp.

Người ngoài vào trấn vốn không nhiều, giờ theo lý mà nói, cây tiền mang tên đốt chế đồ cho triều đình cũng đổ rồi, thế thì sẽ càng thêm ít thấy người lạ. Lão Diêu khi còn sống có một lần say rượu từng với hai tên đồ đệ Trần Bình An và Lưu Tiễn Dương rằng mối làm ăn chế đồ cho triều đình này chính là độc nhất vô nhị, đều là những đồ dành cho hoàng đế bệ hạ và hoàng hậu nương nương dùng, những người dân khác dù có tiền, thậm chí là làm quan lớn đi nữa thì cũng không có gạn chạm vào, dám đụng là muốn bị chặt đầu rồi. Lão Diêu khi đó thần tình đặc biệt kích động.

Trần Bình An hiện tại đứng nhìn về phía ngoài hàng rào, phát hiện thấy nhiều người đang chờ cửa thành mở, có đến bảy tám người, già trẻ lớn bé đều có cả.

Hơn nữa, những người đó đều lạ mặt. Dân chúng ở trấn nhỏ này ra ra vào vào, dù là đi luyện gốm hay xách cuốc đi làm nông đều rất ít đi cửa Đông, lý do rất đơn giản, bên cạnh con đường kéo dài từ phía cửa Đông không có hầm lò hay đồng ruộng gì cả.

Trần Bình An và những người xứ khác kia, hai bên đứng hai bên hàng rào, đưa mắt nhìn nhau.

Trong khoảnh khắc đó, thiếu niên mang áo tự đan, giày rơm tự bện cảm thấy có chút hâm mộ những người thân mang quần áo dày kín, chắc chắn là rất ấm, có thể chống chọi được với giá rét.

Những người ngoài cửa kia rõ ràng chia mấy nhóm chứ không phải một hội với nhau, thế nhưng tất cả đều nhìn vào vị thiếu niên gày gò bên trong cửa, phần lớn mang thần tình hờ hững, ngẫu nhiên có một hai người đưa ánh mắt lướt qua người thiếu niên rồi nhìn về phía xa xa trong trấn.

Trần Bình An có phần nghi hoặc, chẳng lẽ những người này còn chưa biết triều đình có lệnh phong cấm các hầm lò? Còn nếu bọn họ chính vì đã biết rõ chân tướng, thế nên mới cảm thấy có thể nhân cơ hội kiếm lời chăng?

Có một thanh niên đầu đội cao quan cổ quái, dáng người cao gầy, bên hông đeo một miếng ngọc bội màu lục, có vẻ như không kiên nhân được nữa, một mình tách khỏi đám người đi tới, định vụng đẩy hàng rào không khóa chỗ cửa lớn, có điều khi ngón tay vừa chạm tới cửa gỗ, y đột nhiên dừng lại rồi thu tay đoạn lại chắp tay sau lưng, cười tủm tỉm nhìn thiếu niên giày rơm ở bên trong cửa, miệng không nói câu nào, chỉ cười mà thôi.

Trần Bình An thoáng liếc mắt quan sát, trong lúc vô tình phát hiện những người phía sau thanh niên mỗi người mỗi vẻ, có người trông như thất vọng, có người lại cảm thấy thú vị, có người mỉa mai, chẳng ai giống ai, hết sức vi diệu.

Nhưng đúng vào lúc này, một hán tử trung niên đầu tóc bù xù đột nhiên mở cửa, hùng hùng hổ hổ quát Trần Bình An: “Thằng khốn kiếp, có phải trong mắt chỉ có mỗi tiền không? Sớm như này đã tới đòi mạng gọi hồn, ngươi vội chạy đi đầu thai gặp ông bà ông vải nhà ngươi sao?"

Trần Bình Anh liếc nhìn, với cái kiểu thô lỗ độc mồm này, hắn lại không mấy để ý. Thứ nhất là sống ở một nơi quê mùa mà khắp nơi chẳng có lấy mấy cuốn sách thế này, nếu mới bị người ta mắng vài câu đã tức giận, vậy thì dứt khoát tìm cái giếng nào đó nhảy xuống chết cho rảnh nợ, đỡ phải buồn phiền. Thứ hai, gã thần côn trung niên canh cổng này bản thân chính là đối tượng thường xuyên bị dân chúng trong trấn giễu cợt, trêu chọc, nhất là mấy bà phu nhân gan to đanh đá, đừng nói tới việc mắng gã, ra tay đánh luôn cũng không ít lần. Hơn nữa, ga này rất thích trò bốc phét với đám trẻ nít còn đang mang tã, ví dụ như nói cái gì năm đó ông đây ở cửa thành đánh một trận sinh tử ra trò, đập năm sáu tên đàn ông khác răng rơi đầy đất, máu chảy khắp nơi, thấm đỏ cả con đường rộng hai trượng trước cửa thành, làm con đường trở nên lầy lội chẳng khác gì lúc trời mưa lớn.

Gã hằm hằm quát thêm Trần Bình An: “Việc vớ vẩn của ngươi đợi một lát nữa hãy nói."

Chẳng ai trong trấn nhỏ này để bụng với gã gia hỏa này, nhưng với người xứ khác mà nói, có thể vào trấn hay không, gã lại nắm quyền sinh sát.

Gã vừa đi về phía hàng rào gỗ, vừa đưa một tay sờ đũng quần.

Đưa lưng về phía Trần Bình An, mở cửa xong, cứ thỉnh thoảng gã lại thu của người qua cửa một cái túi thêu nhỏ, bỏ vào tay áo rồi cho từng người qua một.

Trần Bình An đã sớm đứng gọn nhường đường. Tám người đại khái chia làm năm nhóm, đều đi về phía trấn nhỏ, ngoài thanh niên đội cao quan, hông mang ngọc bội màu lục, trước sau còn có hai đứa nhỏ chừng bảy, tám tuổi. Bé trai khoác một chiếc áo choàng màu đỏ rất tươi, bé gái lớn hơn chút, da rất trắng mịn, trông không kém gì men sứ loại tốt.

Bé trai kia thấp hơn Trần Bình An chừng nửa cái đầu, cậu nhóc này khi đi ngang qua Trần Bình An thì há to miệng, tuy không nghe thấy âm thanh phát ra nhưng rõ ràng quan sát khẩu hình thì hẳn là nói hai chữ, nội dung tràn đầy sự khiêu khích.

Người đàn bà trung niên dắt cậu nhóc phải khẽ ho một tiếng thì nó mới thoáng thu liễm lại.

Cô bé đi sau người đàn bà và cậu nhóc kia được một lão nhân khôi ngô, tóc bạc như tuyết dắt đi, nàng quay đầu nói một tràng dài với Trần Bình An, đồng thời không quên chỉ trỏ cậu nhóc cùng trang lứa đang đi phía trước kia.

Trần Bình An cơ bản nghe không hiểu cô bé đang nói gì, có điều nhìn điệu bộ cũng có thể đoán ra là nàng ta đang mách tội.

Lão nhân khôi ngô liếc nhìn hắn một cái. Mới bị người ta vô tình hữu ý liếc nhìn thoáng qua thôi, Trần Bình An phản ứng vô thức lui lại một bước.

Như chuột thấy mèo.

Thấy một màn như thế, tiểu cô nương đang líu lo như chim hót kia liền hết hứng châm ngòi thổi gió, quay đầu không thèm nhìn Trần Bình An nữa, trông tựa như nếu nhìn hắn thêm nữa sẽ làm bẩn đôi mắt mình.

Thiếu niên Trần Bình An đúng thật là chưa trải đời nhưng cũng không phải không xem hiểu sắc mặt người khác.

Đợi tới khi đám người kia đã đi xa, hán tử canh cổng mới cười hỏi: “Muốn biết bọn họ nói cái gì không?"

Trần Bình An gật đầu, đáp: “Muốn ạ."

Lưu manh trung niên vui vẻ, cười hì hì, nói: “Khen ngươi lớn lên sẽ đẹp trai, toàn là khen không đó."

Khóe miệng Trần Bình An khẽ giật giật, bụng thầm nghĩ người cho rằng ta ngốc à?

Hán tử đoán được suy nghĩ của chàng thiếu niên, càng thêm vui vẻ cười lớn: “Nếu không phải ngươi ngốc, ông đây có thể cho ngươi làm người đưa thư sao?"

Trần Bình An không dám phản đối, lo chọc giận tên lưu manh này thì chỗ tiền sắp tới tay e rằng lại bay đi mất.

Hán tử quay đầu nhìn về phía những người kia, đưa tay lách qua bộ râu xồm xoám, vân vê cằm, nhỏ giọng tấm tắc: “Lão bà nương vừa rồi á, hai cái đùi có thể kẹp chết ngươi á."

Trần Bình An do dự một thoáng rồi hiếu kỳ hỏi: “Phu nhân kia từng luyện võ sao?"

Hán tử ngạc nhiên, cúi đầu nhìn thiếu niên, nghiêm túc hỏi lại: “Tiểu tử nhà ngươi ngốc thật à?"

Trần Bình An chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì luôn.

Gã bảo Trần Bình An chờ rồi sải bước đi vào phòng, lúc trở ra thấy trên tay có thêm một chồng thư, không dày không mỏng, ước chừng khoảng mười bức. Gã đưa cho Trần Bình An xong lại nói thêm: “Người ngốc có ngốc phúc, người tốt có tốt báo. Ngươi có tin không?"

Trần Bình An tay cầm tập thư, tay kia xòe ra, mở lớn hai mắt, đáp: “Đã nói một phong thư một xu tiền đó."

Hán tử thẹn quá hóa giận, cầm năm xu tiền đã chuẩn bị sẵn từ trước đó đập mạnh xuống lòng bàn tay thiếu niên xong liền vung tay lên, hoành hoành tráng tráng đáp: “Năm văn tiền còn lại, trước thiếu đã!"

Chú giải:

1. Nguyên bản là Mai Đồng Tiền, là mấy đồng tiền xu trong phim cổ trang, hình tròn có khoét lỗ vuông ở giữa cho dễ xâu. Mình để là xu tiền cho dễ hình dung.

2. hương thục: Chính là trường tư thục do tư nhân mở.

3. Đoạn này nguyên bản là trẻ học vỡ lòng đi học lỏm bài giảng vỡ lòng, khá dài nên mình rút ngắn lại.

4. Bốn câu Đương Nhân Bất Nhượng, Hi Ngôn Tự Nhiên, Mạc Hướng Ngoại Cầu và Khí Trùng Đấu Ngưu sẽ có nội dung lần lượt là"

- Việc đáng làm thì phải làm

- Mong ngôn hành tự nhiên, câu này trích từ Đạo Đức Kinh của Lão Tử, ý nói mọi thứ dù có hung cuồng cũng không chống lại được thiên địa khống chế, hành xử theo Đại đạo chân chính mới thì Đại đạo tự nhiên sẽ hỗ trợ, việc lớn ắt thành, ngược lại thì hậu quả khó lường.

- Chớ cầu người ngoài, ngoại lực giúp đỡ, bản thân nên tự mình cố gắng.

- Nộ khí trùng thiên hoặc đại thế đang rất thịnh.

Cuối cùng, mình phát hiện ra khi đọc tới chương 3 rằng, cái trấn nhỏ mà Trần Binh An sống có vẻ như nó có tên là trấn Nhỏ luôn. Về vấn đề này mình sẽ nghiên cứu và chỉnh sửa dần cho đúng nguyên tác.

5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247
Tran 2 năm trước
đã có chap mới nhất rồi nha anh em. link đây nha: bit.ly/mga899

Truyện cùng thể loại