Không Có Ngày Mai

Chương 26

LÚC TRỞ RA QUA SẢNH, tôi đi qua Springfield. Khi ấy tôi đang hướng về cửa dẫn ra phố, anh ta từ một phòng ăn bước ra. Phía sau anh ta, tôi thấy những bàn tròn phủ khăn trắng muốt, ở giữa đặt những cụm hoa trang trí lớn. Springfield nhìn tôi, mặt chẳng lộ chút ngạc nhiên nào. Cứ như thể anh ta đang đánh giá năng lực của tôi và thấy rằng cũng đáng hài lòng. Cứ như thể tôi đến với chủ của anh ta vào đúng khoảng thời gian anh ta trông đợi. Không nhanh, không chậm, mà ngay chính xác thời hạn anh ta đã cho phép, Springfield dành cho tôi một cái nhìn đánh giá đầy chuyên nghiệp và tiếp tục bước mà không hề mở miệng.

Tôi trở lại New York đúng như cách đã rời khỏi đó nhưng theo chiều ngược lại. Bắt taxi tới bến xe Greensboro, đi xe buýt về Washington, rồi tới tàu hỏa. Chuyến đi kéo dài cả ngày và một phần của buổi tối. Lịch chạy xe buýt và lịch tàu hỏa không thuận nhau lắm, hai chuyến tàu đầu tiên chạy từ Washington lại bán hết sạch vé. Tôi dành thời gian di chuyển để suy nghĩ, trước tiên về những điều Sansom đã nói, và đã không nói. Chẳng gì trên đời này hoàn toàn đen hay trắng. Nhưng không có tội ác nào đã được gây ra. Và dù sao thì chẳng ai có thể đến được sự thật thông qua một nhân viên HRC. Không có phủ nhận nào về hoạt động đáng ngờ. Hầu như ngược lại. Thực tế là một lời thú tội. Nhưng ông ta cảm thấy rằng mình vẫn chưa đi quá đà. Không tội ác nào. Và Sansom tuyệt đối tin tưởng rằng các chi tiết được khóa chặt vĩnh viễn. Tóm lại, đó là một quan điểm thường thấy trong đám cựu quân nhân thuộc lực lượng mũi nhọn. Có vấn đề là một từ có ý nghĩa to tát đối với tất cả chúng tôi. Bảy chữ cái, nhưng nội hàm của nó đủ bằng cả một cuốn sách giáo khoa. Chắc chắn sự nghiệp của tôi không phải chịu sự dò xét quá mức. Tôi không mất ngủ vì nó. Nhưng nhìn chung tôi thấy hạnh phúc khi các chi tiết bị khóa chặt. Và rõ ràng Sansom cũng vậy. Tôi biết những chi tiết của mình. Còn của ông ta là gì? Rõ ràng là thứ gì đó tổn hại cho ông ta. Hoặc gây hại cho cá nhân, hoặc cho nỗ lực tranh cử của ông ta. Hoặc cả hai, không thể tránh khỏi. Mấy tay nhân viên điều tra liên bang đã khiến điều đó trở nên cực kỳ rõ ràng. Sansom không thể nói cho ông bất cứ điều gì. Nhưng nguy hại cũng còn ở quy mô lớn hơn, nếu không thế thì tại sao mấy tay nhân viên điều tra liên bang lại nhảy vào ngay từ đầu?

Và Lila Hoth là kẻ quái quỷ nào chứ?

Tôi tự hỏi mình những câu hỏi ấy suốt chặng đường chạy xe buýt xóc nảy, và suốt chặng nghỉ dài ở ga Union, rồi tôi đầu hàng khi con tàu tôi ngồi chạy về hướng Bắc xuyên qua Baltimore. Tôi chẳng đi tới đâu với mấy câu hỏi ấy, và dù sao thì đến lúc ấy tôi cũng lại đang nghĩ về một vấn đề khác. Tôi đang nghĩ về địa điểm chính xác ở thành phố New York mà Susan Mark hướng tới. Cô đã lái xe từ phía Nam và đã có kế hoạch bỏ lại xe, tới đích cần tới bằng tàu điện ngầm. Xét về mặt chiến thuật thì làm thế là khôn ngoan, và có lẽ không có lựa chọn nào khác. Hẳn là cô đã không mặc áo khoác khi chạy xe. Quá nóng. Có lẽ cô đã để nó ở ghế sau, nhiều khả năng hơn là trong cốp, cùng chiếc túi và khẩu súng, nơi khẩu súng sẽ được an toàn trước những con mắt tọc mạch. Vì thế cô đã chọn đỗ xe, ra khỏi xe và chuẩn bị cho mình sẵn sàng bước vào trận đánh khi khuất mắt người ngoài và tương đối bí mật.

Nhưng khuất mắt mà cũng không xa quá. Không quá xa so với đích cuối cùng cô hướng tới. Vì Susan đã bị chậm. Cô đã quá muộn rồi. Vì thế, nếu cần phải đến tuốt mạn trên thành phố, cô hẳn đã đậu xe ở mạn giữa thành phố. Nhưng Susan đã đậu ở mạn dưới thành phố. Ở khu SoHo. Có lẽ đã lên tàu ở phố Spring, trước tôi một ga. Cô vẫn ngồi yên khi tàu chạy qua phố 33. Rồi mọi thứ ào tới. Nếu không, tôi cho là cô sẽ ngồi trên tàu đi suốt ga Trung tâm và ra khỏi nhà ga ở phố 51.

Có thể là phố 59. Nhưng chắc chắn không thể xa hơn. Phố 68 là điểm dừng quá xa. Sâu vào khu Upper East. Một khu hoàn toàn mới. Nếu cần phải lên tuốt phía đó thì hẳn cô đã đi theo đường hầm Lincoln chứ không phải đường hầm Holland, và cô đã lái xa hơn về hướng Bắc trước khi đậu xe. Bởi cô đang rất gấp. Vậy nên ga ở phố 59 là giới hạn trần của cô. Nhưng dù biết được cô đi đâu chăng nữa, tôi vẫn có cảm giác rằng cô muốn thoái lui, dù chỉ chút ít. Tâm lý học nghiệp dư. Tiếp cận từ hướng Nam, vượt qua điểm định tới, rồi từ hướng Bắc quay trở về. Và hy vọng rằng kẻ thù của cô đi sai đường.

Thế nên trong đầu tôi vẽ ra một ô, từ phố 42 tới phố 59, và từ đại lộ Năm tới đại lộ Ba. Sáu mươi tám khối nhà hình vuông. Chứa những gì?

Chừng tám triệu thứ khác nhau.

Tôi ngừng đếm trước khi tàu đến Philadelphia. Đến lúc này tôi bị phân tâm bởi cô gái phía bên kia lối đi. Cô chừng hai tư hai lăm tuổi và cực kỳ ấn tượng. Có lẽ là người mẫu, có lẽ là diễn viên, có lẽ chỉ là một luật sư hay nhà vận động hành lang xinh đẹp. Một con bé hết sức ngon lành, có lẽ một vận động viên của Đại học Nam Carolina nói thế. Điều đó khiến tôi một lần nữa nghĩ tới Peter Molina, và sự mâu thuẫn rõ ràng ở một kẻ đủ chuyên nghiệp để sử dụng cậu ta làm công cụ khống chế một nguồn tin vô giá trị.

Ông chủ chúng tôi sẽ điều cả một đội. Thành phố New York có sáu đầu mối giao thông công cộng chính: Newark, LaGuardia, sân bay JFK, cộng thêm ga Penn, Ga Trung tâm, cộng thêm bến xe buýt Port Authority. Newark có ba cổng, LaGuardia có ba, cộng thêm cổng dành cho xe buýt nội thành, JFK có tám, ga Penn rộng lớn, Ga Trung tâm khổng lồ, Port Authority thì đông đúc. Nhân lực cần để có thể dò xét hiệu quả sẽ lên tới gần bốn chục người. Từ tám mươi người trở lên, để đảm bảo thực hiện liên tục. Và tám mươi người đã là cả một đoàn quân chứ không phải một đội nữa. Thế nên tôi xuống tàu với mức cảnh giác không cao hơn mức thông thường.

Mà may mắn làm sao, cảnh giác như thế là đủ.
Tác giả : Lee Child
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại