Khi Lỗi Thuộc Về Những Vì Sao
Chương 16
Một ngày với chàng Gus ở giai đoạn cuối sẽ như thế này:
Tôi qua nhà anh khoảng giữa trưa, sau khi anh đã ăn và nôn hết bữa sáng. Anh đón tôi ở cửa trên xe lăn, không còn là một anh chàng bảnh bao nhìn tôi chằm chằm ở Hội Tương Trợ nữa, nhưng vẫn còn đó điệu cười nửa miệng, vẫn ngậm điếu thuốc chưa châm, đôi mắt xanh vẫn sáng và sinh động.
Chúng tôi cùng ăn trưa với ba mẹ anh ở bàn ăn. Bánh sandwich bơ đậu phộng và mứt cùng món măng tây của buổi tối hôm trước đó. Anh Gus không ăn, tôi bèn hỏi anh thấy trong người thế nào.
“Khỏe," anh đáp. “Còn em?"
“Em ổn. Tối qua anh làm gì?"
“Anh ngủ khá nhiều. Anh muốn viết cho em phần tiếp theo của Nỗi đau tột cùng, Hazel Grace, nhưng lúc nào anh cũng thấy mệt rã rời."
“Anh chỉ cần kể nó cho em nghe cũng được," tôi nói.
“Ừa, anh tập phân tích dưới góc độ tiền-Van Houten về Chú Tulip Hà Lan. Đó không phải là một kẻ lừa đảo, nhưng không giàu như cách ông ấy thể hiện."
“Thế còn mẹ của Anna?"
“Vẫn chưa thống nhất quan điểm về cô ấy. Kiên nhẫn đi nào, cô nàng bộp chộp." Anh Augustus mỉm cười nhại lại câu nói của tôi hôm nào. Ba mẹ anh không nói gì, cứ yên lặng nhìn anh không rời mắt, như thể họ chỉ muốn thưởng thức màn trình diễn mang tên Gus Waters đang lưu diễn trong thị trấn. “Thỉnh thoảng anh mơ mình đang viết một cuốn hồi ký. Một cuốn hồi ký sẽ là cầu nối giúp hình ảnh anh được lưu trữ trong trái tim và ký ức những người hâm mộ anh."
“Sao anh còn cần nhiều người hâm mộ trong khi anh đã có em?" Tôi hỏi.
“Hazel Grace, khi em duyên dáng và có thân hình chuẩn như anh thì cũng dễ chiếm được cảm tình của những ai mà em gặp gỡ. Nhưng để khiến người lạ yêu em… thì đó mới là cao tay ấn."
Tôi trợn tròn mắt.
Sau bữa ăn trưa, chúng tôi cùng ra sân sau. Anh vẫn còn khỏe để tự đẩy xe lăn, tự nhấc hàng bánh trước để vượt qua các gò đất mấp mô trên lối ra vào. Vẫn là một anh chàng thể thao, bất chấp mọi bệnh tật, cùng phản xạ nhanh nhạy và khả năng cân bằng trời ban mà ngay cả những loại thuốc mê liều mạnh cũng không thể làm tê liệt hoàn toàn.
Ba mẹ anh ở lại trong nhà, nhưng khi tôi liếc nhìn vào phòng ăn thì thấy ông bà vẫn dõi mắt theo chúng tôi.
Chúng tôi ngồi im lặng bên nhau. Được một lúc, anh Gus nói, “Thỉnh thoảng anh ước gì chúng ta có bộ đánh đu đó."
“Chiếc đu ở sân sau nhà em à?"
“Ừ. Sự luyến tiếc của anh cực đoan đến mức anh có thể nhớ một chiếc đu mà mông anh chưa bao giờ chạm đến."
“Sự luyến tiếc là một tác dụng phụ của bệnh ung thư," tôi nói với anh.
“Không, luyến tiếc là tác dụng phụ của việc chờ chết," anh chỉnh lại. Một làn gió thổi qua làm thay đổi hình bóng các nhanh cây in trên người chúng tôi. Anh Gus siết chặt tay tôi. “Cuộc đời này thật đẹp, Hazel Grace."
Chúng tôi đi vào trong nhà khi anh cần vô thuốc, thuốc được truyền vào người anh cùng với các chất dinh dưỡng dạng lỏng qua một ống thông dạ dày bằng nhựa gắn mất hút vào bụng anh. Anh im lặng trong một lúc, nửa tỉnh nửa mê. Mẹ anh muốn anh nằm ngủ một chốc, nhưng anh cứ lắc đầu từ chối mỗi khi bà đề nghị. Thế nên chúng tôi để anh ngồi gà gật trên chiếc xe lăn.
Ba mẹ anh ngồi xem một cuốn phim cũ của Gus cùng với các chị gái – lúc đó chắc chị anh bằng tuổi tôi bây giờ còn anh Gus mới khoảng năm tuổi. Phim quay mấy chị em đang chơi bóng rổ ở lối vào của một ngôi nhà khác. Và tuy anh Gus lúc ấy còn bé xíu, anh đã nhồi bóng chuẩn như thể anh sinh ra để làm việc đó. Anh cứ chạy vòng quanh mấy chị trong khi họ cười rộ. Đây là lần đầu tiên tôi thấy anh chơi bóng rổ. “Anh ấy chơi giỏi thật," tôi bật thốt.
“Giá mà cháu thấy nó chơi hồi trung học," ba anh nói. “Là tuyển thủ của trường khi mới chỉ là học sinh khóa một."
Gus lầm bầm, “Con có thể xuống hầm chứ?"
Ba mẹ anh đẩy chiếc xe lăn xuống lầu trong khi anh Gus vẫn ngồi trên đó. Chiếc xe nảy lên nảy xuống điên cuồng trên mấy bậc thang. Việc này có thể nguy hiểm cho anh, nếu như thật sự nguy hiểm vẫn còn thường trực. Sau đó họ để chúng tôi lại một mình. Anh Gus trèo lên giường và chúng tôi nằm đó bên nhau dưới tấm chăn, tôi nằm nghiêng còn anh Gus nằm ngửa, đầu tôi gối lên bả vai xương xẩu của anh, thân nhiệt anh phả qua lần áo thun pô-lô anh mặc và truyền vào da tôi, chân tôi gác lên cái chân thật của anh còn tay tôi đặt lên má anh.
Tôi kề sát mặt anh và khi mũi chúng tôi chạm nhau, gần đến nỗi tôi chỉ có thể nhìn thấy đôi mắt anh, tôi không thể nói là anh đang bị bệnh. Chúng tôi hôn nhau trong một lúc và sau đó nằm bên nhau, cùng nghe đĩa nhạc cùng tên của nhóm The Hectic Glow. Cuối cùng cả anh, cả tôi cùng ngủ thiếp đi trong tư thế như vậy, trong sự vướng víu của cơ thể và bùng nhùng đủ loại ống dẫn.
Chúng tôi thức dậy sau đó và dựng một chiến hào bằng gối quanh mép giường để có thể thoải mái ngồi chơi trò Chống phiến loạn 2: Cái giá của Bình minh. Tôi chơi dở ẹt, dĩ nhiên rồi. Nhưng chính cái sự dở của tôi lại hay với anh: Nó giúp anh có cơ hội chết đẹp hơn, nào là nhảy ra trước đầu đạn của một tay bắn tỉa và hy sinh anh dũng cho tôi, hoặc là giết một tên lính gác khi hắn định bắn tôi. Khi cứu được tôi, anh khoái chí thế nào ư? Anh đã hét lên sung sướng, “Hôm nay bọn bây không giết được bạn gái tao đâu, lũ Khủng bố Quốc tế Không rõ Quốc tịch kia!
Cũng có lúc tôi nghĩ hay mình giả vờ tạo một sự cố bị nghẹn thức ăn hay gì đó để anh có thể thao tác biện pháp cấp cứu Heimlich. Có lẽ sau đó anh sẽ rũ được nỗi lo sợ rằng mình sống và mất đi mà không vì mục đích cao cả gì. Nhưng sau đó tôi tưởng tượng đến viễn cảnh có thể sức khỏe anh không cho phép thực hiện phương pháp Heimlich, và tôi phải tiết lộ rằng đó chỉ là một trò bịp và tiếp theo là màn lời qua tiếng lại, sạc nhau ra trò.
Thật khó có thể giữ được suy nghĩ đứng đắn khi ánh mặt trời đang mọc chiếu chói lóa đôi mắt đang nhòe đi của ta, và đó chính là suy nghĩ thầm kín của tôi khi cả hai đứa tôi bị kẻ xấu săn lùng quanh một thành phố đổ nát vốn cũng không tồn tại trên thực tế.
Cuối cùng, ba anh đi xuống và lôi anh lên lầu. Ở trước cửa phòng, ngay dưới Lời động viên tinh thần đề Tình bạn là mãi mãi, tôi quỳ xuống hôn tạm biệt anh. Rồi tôi về nhà và ăn tối với Ba Mẹ, để lại anh Gus ăn (và nôn) bữa tối một mình ở nhà anh.
Sau khi xem truyền hình qua quit, tôi đi ngủ.
Hôm sau tôi thức dậy.
Khoảng giữa trưa, tôi lại qua nhà anh chơi.
Tôi qua nhà anh khoảng giữa trưa, sau khi anh đã ăn và nôn hết bữa sáng. Anh đón tôi ở cửa trên xe lăn, không còn là một anh chàng bảnh bao nhìn tôi chằm chằm ở Hội Tương Trợ nữa, nhưng vẫn còn đó điệu cười nửa miệng, vẫn ngậm điếu thuốc chưa châm, đôi mắt xanh vẫn sáng và sinh động.
Chúng tôi cùng ăn trưa với ba mẹ anh ở bàn ăn. Bánh sandwich bơ đậu phộng và mứt cùng món măng tây của buổi tối hôm trước đó. Anh Gus không ăn, tôi bèn hỏi anh thấy trong người thế nào.
“Khỏe," anh đáp. “Còn em?"
“Em ổn. Tối qua anh làm gì?"
“Anh ngủ khá nhiều. Anh muốn viết cho em phần tiếp theo của Nỗi đau tột cùng, Hazel Grace, nhưng lúc nào anh cũng thấy mệt rã rời."
“Anh chỉ cần kể nó cho em nghe cũng được," tôi nói.
“Ừa, anh tập phân tích dưới góc độ tiền-Van Houten về Chú Tulip Hà Lan. Đó không phải là một kẻ lừa đảo, nhưng không giàu như cách ông ấy thể hiện."
“Thế còn mẹ của Anna?"
“Vẫn chưa thống nhất quan điểm về cô ấy. Kiên nhẫn đi nào, cô nàng bộp chộp." Anh Augustus mỉm cười nhại lại câu nói của tôi hôm nào. Ba mẹ anh không nói gì, cứ yên lặng nhìn anh không rời mắt, như thể họ chỉ muốn thưởng thức màn trình diễn mang tên Gus Waters đang lưu diễn trong thị trấn. “Thỉnh thoảng anh mơ mình đang viết một cuốn hồi ký. Một cuốn hồi ký sẽ là cầu nối giúp hình ảnh anh được lưu trữ trong trái tim và ký ức những người hâm mộ anh."
“Sao anh còn cần nhiều người hâm mộ trong khi anh đã có em?" Tôi hỏi.
“Hazel Grace, khi em duyên dáng và có thân hình chuẩn như anh thì cũng dễ chiếm được cảm tình của những ai mà em gặp gỡ. Nhưng để khiến người lạ yêu em… thì đó mới là cao tay ấn."
Tôi trợn tròn mắt.
Sau bữa ăn trưa, chúng tôi cùng ra sân sau. Anh vẫn còn khỏe để tự đẩy xe lăn, tự nhấc hàng bánh trước để vượt qua các gò đất mấp mô trên lối ra vào. Vẫn là một anh chàng thể thao, bất chấp mọi bệnh tật, cùng phản xạ nhanh nhạy và khả năng cân bằng trời ban mà ngay cả những loại thuốc mê liều mạnh cũng không thể làm tê liệt hoàn toàn.
Ba mẹ anh ở lại trong nhà, nhưng khi tôi liếc nhìn vào phòng ăn thì thấy ông bà vẫn dõi mắt theo chúng tôi.
Chúng tôi ngồi im lặng bên nhau. Được một lúc, anh Gus nói, “Thỉnh thoảng anh ước gì chúng ta có bộ đánh đu đó."
“Chiếc đu ở sân sau nhà em à?"
“Ừ. Sự luyến tiếc của anh cực đoan đến mức anh có thể nhớ một chiếc đu mà mông anh chưa bao giờ chạm đến."
“Sự luyến tiếc là một tác dụng phụ của bệnh ung thư," tôi nói với anh.
“Không, luyến tiếc là tác dụng phụ của việc chờ chết," anh chỉnh lại. Một làn gió thổi qua làm thay đổi hình bóng các nhanh cây in trên người chúng tôi. Anh Gus siết chặt tay tôi. “Cuộc đời này thật đẹp, Hazel Grace."
Chúng tôi đi vào trong nhà khi anh cần vô thuốc, thuốc được truyền vào người anh cùng với các chất dinh dưỡng dạng lỏng qua một ống thông dạ dày bằng nhựa gắn mất hút vào bụng anh. Anh im lặng trong một lúc, nửa tỉnh nửa mê. Mẹ anh muốn anh nằm ngủ một chốc, nhưng anh cứ lắc đầu từ chối mỗi khi bà đề nghị. Thế nên chúng tôi để anh ngồi gà gật trên chiếc xe lăn.
Ba mẹ anh ngồi xem một cuốn phim cũ của Gus cùng với các chị gái – lúc đó chắc chị anh bằng tuổi tôi bây giờ còn anh Gus mới khoảng năm tuổi. Phim quay mấy chị em đang chơi bóng rổ ở lối vào của một ngôi nhà khác. Và tuy anh Gus lúc ấy còn bé xíu, anh đã nhồi bóng chuẩn như thể anh sinh ra để làm việc đó. Anh cứ chạy vòng quanh mấy chị trong khi họ cười rộ. Đây là lần đầu tiên tôi thấy anh chơi bóng rổ. “Anh ấy chơi giỏi thật," tôi bật thốt.
“Giá mà cháu thấy nó chơi hồi trung học," ba anh nói. “Là tuyển thủ của trường khi mới chỉ là học sinh khóa một."
Gus lầm bầm, “Con có thể xuống hầm chứ?"
Ba mẹ anh đẩy chiếc xe lăn xuống lầu trong khi anh Gus vẫn ngồi trên đó. Chiếc xe nảy lên nảy xuống điên cuồng trên mấy bậc thang. Việc này có thể nguy hiểm cho anh, nếu như thật sự nguy hiểm vẫn còn thường trực. Sau đó họ để chúng tôi lại một mình. Anh Gus trèo lên giường và chúng tôi nằm đó bên nhau dưới tấm chăn, tôi nằm nghiêng còn anh Gus nằm ngửa, đầu tôi gối lên bả vai xương xẩu của anh, thân nhiệt anh phả qua lần áo thun pô-lô anh mặc và truyền vào da tôi, chân tôi gác lên cái chân thật của anh còn tay tôi đặt lên má anh.
Tôi kề sát mặt anh và khi mũi chúng tôi chạm nhau, gần đến nỗi tôi chỉ có thể nhìn thấy đôi mắt anh, tôi không thể nói là anh đang bị bệnh. Chúng tôi hôn nhau trong một lúc và sau đó nằm bên nhau, cùng nghe đĩa nhạc cùng tên của nhóm The Hectic Glow. Cuối cùng cả anh, cả tôi cùng ngủ thiếp đi trong tư thế như vậy, trong sự vướng víu của cơ thể và bùng nhùng đủ loại ống dẫn.
Chúng tôi thức dậy sau đó và dựng một chiến hào bằng gối quanh mép giường để có thể thoải mái ngồi chơi trò Chống phiến loạn 2: Cái giá của Bình minh. Tôi chơi dở ẹt, dĩ nhiên rồi. Nhưng chính cái sự dở của tôi lại hay với anh: Nó giúp anh có cơ hội chết đẹp hơn, nào là nhảy ra trước đầu đạn của một tay bắn tỉa và hy sinh anh dũng cho tôi, hoặc là giết một tên lính gác khi hắn định bắn tôi. Khi cứu được tôi, anh khoái chí thế nào ư? Anh đã hét lên sung sướng, “Hôm nay bọn bây không giết được bạn gái tao đâu, lũ Khủng bố Quốc tế Không rõ Quốc tịch kia!
Cũng có lúc tôi nghĩ hay mình giả vờ tạo một sự cố bị nghẹn thức ăn hay gì đó để anh có thể thao tác biện pháp cấp cứu Heimlich. Có lẽ sau đó anh sẽ rũ được nỗi lo sợ rằng mình sống và mất đi mà không vì mục đích cao cả gì. Nhưng sau đó tôi tưởng tượng đến viễn cảnh có thể sức khỏe anh không cho phép thực hiện phương pháp Heimlich, và tôi phải tiết lộ rằng đó chỉ là một trò bịp và tiếp theo là màn lời qua tiếng lại, sạc nhau ra trò.
Thật khó có thể giữ được suy nghĩ đứng đắn khi ánh mặt trời đang mọc chiếu chói lóa đôi mắt đang nhòe đi của ta, và đó chính là suy nghĩ thầm kín của tôi khi cả hai đứa tôi bị kẻ xấu săn lùng quanh một thành phố đổ nát vốn cũng không tồn tại trên thực tế.
Cuối cùng, ba anh đi xuống và lôi anh lên lầu. Ở trước cửa phòng, ngay dưới Lời động viên tinh thần đề Tình bạn là mãi mãi, tôi quỳ xuống hôn tạm biệt anh. Rồi tôi về nhà và ăn tối với Ba Mẹ, để lại anh Gus ăn (và nôn) bữa tối một mình ở nhà anh.
Sau khi xem truyền hình qua quit, tôi đi ngủ.
Hôm sau tôi thức dậy.
Khoảng giữa trưa, tôi lại qua nhà anh chơi.
Tác giả :
John Green