Kẻ Trộm Sách
Chương 62
MƯỜI GIÂY TIẾP THEO TRONG CUỘC ĐỜI CỦA LIESEL MEMINGER
Con bé nhón gót chân lên và nhìn xa hết mức có thể về phía cuối con kênh đào đã bị phá hủy, nơi từng là phố Thiên Đàng. Nó nhìn thấy hai người đàn ông đang mang một xác người đi, rồi đi theo họ.
Khi nhìn thấy những người còn lại, Liesel bật ho. Nó lắng nghe trong giây lát khi một người đàn ông bảo những người khác rằng họ vừa tìm thấy một trong những xác người đã nát ra thành nhiều mảnh, treo vắt vẻo trên một cây phong.
Có những bộ đồ ngủ bàng hoàng và những gương mặt bị xé toạc. Mái tóc của thằng bé là thứ mà nó nhìn thấy đầu tiên.
Rudy?
Lúc này, con bé còn làm nhiều hơn là chỉ thốt ra những từ ấy.
“Rudy?"
Thằng bé nằm đó với mái tóc vàng và đôi mắt nhắm chặt, và kẻ trộm sách chạy về phía nó rồi đổ gục xuống. Con bé đánh rơi quyển sách màu đen. “Rudy," nó nức nở gọi, “Dậy đi…" Nó nắm lấy áo của thằng bé và lay nhẹ một cách tuyệt vọng nhất, vì vẫn không dám tin những gì trước mắt mình. “Hãy dậy đi, Rudy," và lúc này đây, khi bầu trời tiếp tục nóng lên và tưới tro tàn xuống, Liesel đang nhắm mắt trước chiếc áo của Rudy. “Rudy, làm ơn đi mà." Những giọt nước mắt vật lộn trên gương mặt của con bé. “Rudy, hãy làm ơn thức dậy đi, khốn khiếp thật, dậy đi, tớ yêu cậu. Thôi nào, Rudy, thôi nào, Jesse Owens, cậu không biết là tớ yêu cậu hay sao, dậy đi, dậy đi, dậy đi…"
Nhưng chẳng có gì xảy ra cả.
Đống gạch vỡ ngày càng được chất cao thêm. Những ngọn đồi bằng bê tông với đỉnh đôi màu đỏ. Một con bé xinh xắn, mắt nhòa lệ, đang lay cái xác chết.
“Thôi nào, Jesse Owens…"
Nhưng thằng bé vẫn không thức dậy.
Vẫn không tin vào những gì trước mắt, Liesel vùi đầu mình vào ngực của Rudy. Nó ôm lấy cái xác mềm oặt của thằng bé, cố gắng giữ không cho cái xác ngả về đằng sau, cho đến khi nó cần phải trả thằng bé về với mặt đất chết chóc. Con bé đã làm điều này thật nhẹ nhàng.
Chậm thôi. Chậm thôi.
“Lạy Chúa, Rudy…"
Con bé cúi người xuống và nhìn vào gương mặt không sức sống của thằng bé, và Liesel hôn người bạn thân nhất của mình, Rudy Steiner, một nụ hôn nhẹ nhàng và thực thụ. Thằng bé có vị bụi bặm và ngọt ngào. Thằng bé có vị của một niềm hối tiếc trong bóng râm của những cái cây và trong vầng hào quang của bộ sưu tập những bộ quần áo của quân vô chính phủ. Nó hôn thằng bé thật nhẹ nhàng và thật lâu, và khi buông ra, nó dùng những ngón tay mình chạm vào môi của thằng bé. Đôi tay con bé run rẩy, đôi môi con bé mũm mĩm, và nó lại cúi xuống một lần nữa, lần này nó hoàn toàn mất kiểm soát và ước lượng sai vị trí. Răng của hai đứa va vào nhau trong cái thế giới đã bị phá hủy của phố Thiên Đàng.
Con bé không nói lời vĩnh việt. Con bé không thể làm thế được, và sau thêm vài phút nữa ở bên cạnh Rudy, con bé đã có thể nhấc mình lên khỏi mặt đất. Tôi thật sự ngạc nhiên trước những gì loài người có thể làm, ngay cả khi những dòng suối nước mắt đang chảy dài trên gương mặt họ, họ vẫn loạng choạng bước tiếp, ho và tìm kiếm, và tìm thấy.
PHÁT HIỆN TIẾP THEO
Xác của Mẹ và Bố, cả hai đều nằm xiêu vẹo trên tấm trải giường bằng sỏi của phố Thiên Đàng.
Liesel không đi, hay chạy, hay di chuyển một chút nào. Đôi mắt nó đã sục sạo những xác người và ngừng lại một cách mơ hồ khi nó nhận ra người đàn ông cao lớn và người đàn bà thấp lùn, trông như một cái tủ quần áo. Đó là mẹ tôi. Đó là cha tôi. Những từ ngữ được ghim dập vào người nó.
“Họ không nhúc nhích," con bé khẽ nói. “Họ không nhúc nhích."
Có thể nếu con bé đứng đó đủ lâu thì họ mới là người nhúc nhích, nhưng họ vẫn nằm bất động ở đó khi con bé đứng bất động. Tôi nhận thấy lúc đó con bé không mang chiếc giày nào dưới chân cả. Thật là một điều kỳ quặc để nhận thấy vào một thời điểm như thế. Có thể tôi đang cố gắng tránh nhìn vào mặt nó, vì khi ấy kẻ trộm sách thực sự là một đống lộn xộn không thể cứu vãn được.
Con bé bước một bước và không muốn bước thêm bước nào nữa, nhưng nó đã làm thế. Một cách chậm chạp, nó bước đến chỗ bố mẹ nó và ngồi xuống, ở giữa hai người. Con bé nắm lấy bàn tay của Mẹ và bắt đầu nói chuyện với bà. “Mẹ có nhớ lúc con mới đến đây không? Con đã bám vào cánh cổng và khóc. Mẹ có nhớ mình đã nói gì với mọi người trên phố vào ngày hôm đó không?" Lúc này giọng con bé đã không còn rõ ràng nữa. “Mẹ nói là lũ khốn khiếp các người đang nhìn cái chó gì thế?" Con bé nắm lấy bàn tay của Mẹ và chạm vào cổ tay của bà. “Mẹ, con biết là mẹ… Con rất thích lúc mà Mẹ đến trường và báo cho con biết là Max đã tỉnh dậy. Mẹ có biết là con đã nhìn thấy Mẹ cùng cây đàn xếp của Bố hay không?" Con bé nắm chặt lấy bàn tay đang cứng dần. “Con đã đến và đã nhìn và Mẹ thật là đẹp. Khốn khiếp thật. Mẹ rất đẹp, Mẹ à."
RẤT NHIỀU KHOẢNH KHẮC ĐỂ TRÁNH NÉ
Bố, Con bé sẽ không, và không thể, nhìn Bố. Vẫn chưa. Không phải lúc này.
Bố là một người đàn ông với cặp mắt màu bạc, chứ không phải là một cặp mắt chết.
Bố là một cây đàn xếp!
Nhưng cái ống bễ của ông đã trống rỗng rồi.
Không có gì đi vào và không có gì đi ra cả.
Con bé bắt đầu lắc lư người tới lui. Một nốt nhạc chói tai, khẽ khàng, vấy bẩn đã bị mắc kẹt đâu đó trong miệng nó, cho đến khi sau cùng thì nó cũng có thể quay lại.
Về phía Bố.
Lúc đó, tôi không thể đừng được. Tôi đi vòng qua bên kia, để nhìn nó rõ hơn, và từ khoảnh khắc mà tôi nhìn thấy lại gương mặt của con bé, tôi có thể nói rằng đây là người mà nó yêu thương nhất. Vẻ mặt của nó đánh vào mặt của người đàn ông. Nó đi theo một trong những nếp nhăn xuống má của ông. Ông đã ngồi cùng với nó trong phòng rửa và dạy nó cách vẽ một điếu thuốc. Ông đã đưa bánh mì cho một người đã chết trên phố Munich, và bảo con bé tiếp tục đọc trong hầm tránh bom. Có thể nếu ông không làm thế, sau đó con bé đã không viết quyển sách của mình trong căn hầm.
Bố – người chơi đàn xếp – và phố Thiên Đàng.
Cái này không thể tồn tại mà thiếu cái kia, vì với Liesel, cả hai đều là nhà của nó. Phải, Hans Hubermann với Liesel Meminger là như thế.
Con bé quay sang và nói với những người đàn ông thuộc đơn vị LSE.
“Làm ơn đi," nó nói, “Cây đàn xếp của bố cháu. Bác có thể lấy nó cho cháu được không?"
Sau vài phút bối rối, một người đã có tuổi trong đơn vị mang cái hộp đàn đã bị gặm nham nhở đến, và Liesel mở nó ra. Con bé lấy cây đàn đã bị thương ra khỏi hộp và đặt nó xuống bên cạnh xác Bố. “Nó đây Bố ơi."
Và tôi có thể hứa với bạn một điều, bởi vì nó là điều tôi sẽ nhìn thấy sau đó nhiều năm – một nhỡn ảnh của bản thân kẻ trộm sách – rằng khi con bé quỳ gối bên cạnh Hans Hubermann, nó đã nhìn ông đứng dậy và chơi cây đàn xếp đó. Ông đã đứng dậy và đeo cây đàn lên trên một dãy núi những ngôi nhà đổ nát. Có cặp mắt màu bạc. Có một điếu thuốc thõng xuống trên đôi môi ông. Thậm chí ông còn mắc phải một chỗ lồi rồi bật cười một cách đáng yêu. Những cái ống bễ hít thở, và người đàn ông cao lớn ấy chơi đàn cho Liesel Meminger nghe một lần cuối cùng khi bầu trời chậm chạp được lấy ra khỏi lò.
Cứ chơi tiếp đi, Bố ơi.
Bố ngừng lại.
Ông thả rơi cây đàn xếp xuống, và đôi mắt màu bạc của ông tiếp tục hoen gỉ đi. Bây giờ chỉ còn lại một cái xác, trên mặt đất, và Liesel nâng ông lên rồi ôm lấy ông. Nó khóc trên vai của Hans Hubermann.
“Vĩnh biệt Bố, Bố đã cứu sống con. Bố đã dạy con đọc. Không ai có thể chơi đàn được như bố cả, con sẽ không bao giờ uống rượu champagne nữa. Không ai có thể chơi đàn được như bố cả."
Vòng tay của con bé ôm lấy ông. Nó hôn lên vai ông – con bé không thể nhìn vào gương mặt ông được nữa – và nó lại đặt ông xuống.
Kẻ trộm sách khóc cho đến khi nó được nhẹ nhàng mang đi.
Sau đó, họ nhớ đến cây đàn xếp, nhưng không ai chú ý đến quyển sách cả.
Có rất nhiều việc cần phải làm, và với một bộ sưu tập những chất liệu khác nhau, quyển Kẻ trộm sách bị giẫm lên nhiều lần và sau cùng được nhặt lên mà không thèm nhìn đến một lần, rồi bị quẳng lên một xe tải chở rác. Ngay trước khi cái xe chạy đi, tôi đã nhanh chóng trèo lên và cầm lấy nó trên tay mình.
Thật may mắn vì tôi đã ở đó.
Lại một lần nữa, tôi đang đùa với ai vậy? Tôi đã ở hầu hết mọi nơi ít nhất là một lần, và vào năm 1943, dường như tôi có mặt ở mọi nơi.
Đoạn kết: Sắc màu cuối cùng
Gồm có:
Thần chết và Liesel – Vài giọt nước mắt bằng gỗ - Max –
Và người bàn giao
TH̀ẦN CHẾT VÀ LIESEL
Đã nhiều năm trôi qua kể từ lúc tất cả những chuyện này xảy ra, nhưng vẫn có rất nhiều việc cần làm. Tôi có thể hứa chắc với bạn một điều rằng thế giới này là một nhà máy. Mặt trời khuấy nó, con người thống trị nó. Còn tôi ở lại. Tôi mang họ đi.
Về những điều còn lại trong câu chuyện này, tôi sẽ không nói vòng vo thêm một chút nào nữa, bởi vì tôi đã mệt rồi, tôi đã quá mệt mỏi rồi, và tôi sẽ kể cho bạn nghe một cách thẳng thắn nhất có thể.
MỘT THÔNG TIN CUỐI CÙNG
Tôi nên nói cho bạn biết rằng kẻ trộm sách mới vừa qua đời hôm qua.
Liesel Meminger đã sống rất lâu, ở một nơi cách xa Molching và cái chết của phố Thiên Đàng.
Bà ấy qua đời ở ngoại ô Sydney. Số nhà là bốn mươi lăm – giống với căn hầm tránh bom của gia đình Fiedler – và bầu trời khi ấy có màu xanh đẹp nhất của buổi chiều. Cũng giống như bố bà, linh hồn bà đang ngồi dậy.
Trong những nhỡn ảnh cuối cùng, bà nhìn thấy ba đứa con của mình, cháu của mình, chồng bà, và một bản danh sách dài những cuộc đời đã hòa trộn với cuộc đời bà. Giữa những cuộc đời ấy, được thắp lên như những chiếc đèn lồng, là Hans và Rosa Hubermann, em trai bà, và cậu bé có mái tóc vĩnh viễn một màu vàng chanh.
***
Nhưng một vài nhỡn ảnh khác cũng ở đó.
Hãy đi với tôi và tôi sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện.
Tôi sẽ cho bạn thấy một điều.
KHU RỪNG CHIỀU
Khi phố Thiên Đàng đã được dọn dẹp, Liesel Meminger chẳng còn nơi nào để đi cả. Nó là đứa bé gái được người ta nói đến như là con bé có cây đàn xếp, và nó đã được đưa đến chỗ cảnh sát, những người phải rất vất vả để quyết định xem nên làm gì với nó.
Con bé ngồi trên một cái ghế rất cứng. Cây đàn xếp nhìn nó qua cái lỗ trên hộp đàn.
Mất ba giờ đồng hồ trong trạm cảnh sát để ông thị trưởng và một người đàn bà có mái tóc lơ thơ xuất hiện. “Người ta nói rằng có một đứa bé gái," người đàn bà ấy nói, “đã sống sót sau vụ không kích ở phố Thiên Đàng."
Một người cảnh sát chỉ cho bà ấy thấy con bé.
Ilsa Hermann đề nghị được xách cái hộp đàn, nhưng Liesel đã nắm nó rất chặt trong bàn tay mình khi họ đi xuống những bậc thang chỗ trạm cảnh sát. Cách phố Munich vài khối nhà, có một đường thẳng rất rõ ràng tách biệt khu vực bị đánh bom và khu vực đã gặp may mắn.
Ông thị trưởng lái xe.
Ilsa ngồi cùng với nó ở băng ghế sau.
Con bé để cho bà ấy nắm tay nó trên cái hộp đàn xếp, đang được đặt giữa hai người họ.
Thật dễ dàng khi không phải nói gì cả, nhưng Liesel có một phản ứng trái ngược với thế giới đã bị hủy hoại của mình. Con bé ngồi trong căn phòng đẹp đẽ còn trống tại nhà ông thị trưởng và cứ nói, nói mãi – với bản thân mình – đến tận đêm. Con bé ăn rất ít. Điều duy nhất mà nó không chịu làm là tắm rửa.
Trong suốt bốn ngày trời, con bé mang theo quanh mình những gì còn sót lại của phố Thiên Đàng trên những tấm thảm và ván lót sàn của nhà số 8 phố Grande. Con bé đã ngủ rất nhiều và không mộng mị, và trong hầu hết các trường hợp như vậy thì nó thấy hối tiếc vì đã thức dậy. Mọi thứ đều biến mất khi nó chìm vào giấc ngủ.
Vào ngày diễn ra những đám tang, nó vẫn chưa tắm, và Ilsa Hermann hỏi một cách lịch sự xem nó có muốn đi tắm hay không. Trước đó, bà chỉ chỗ nhà tắm cho nó thấy, và đưa cho nó một cái khăn bông.
Những người đến dự đám tang của Hans và Rosa Hubermann hôm ấy luôn nói về đứa bé gái mặc một cái váy rất đẹp và một lớp đất của phố Thiên Đàng. Rồi có một tin đồn rằng cũng trong ngày hôm đó, con bé đã mặc nguyên quần áo như thế mà đi xuống sông Amper và nói điều gì đó rất kỳ lạ.
Điều gì đó về một nụ hôn.
Điều gì đó về Đồ con lợn.
Con bé phải nói lời vĩnh biệt bao nhiêu lần đây?
Sau đó, có những tuần lễ và những năm tháng trôi qua, và rất nhiều cuộc chiến tranh. Con bé nhớ những quyển sách của mình trong những khoảnh khắc của nỗi buồn kinh khủng nhất, đặc biệt là những quyển sách đã được làm ra cho nó và quyển sách đã cứu sống nó. Một buổi sáng nọ, trong một trạng thái bàng hoàng mới hồi phục, thậm chí nó còn quay trở lại phố Thiên Đàng để tìm chúng, nhưng chẳng còn lại gì cả. Chẳng có sự hồi phục nào từ những việc đã xảy ra. Việc đó sẽ mất nhiều thập kỷ. Nó sẽ mất một cuộc đời dài.
Có hai buổi lễ cho gia đình Steiner. Buổi lễ đầu là ngay sau khi họ được chôn cất. Buổi thứ hai là khi Alex Steiner về đến nhà, ông đã được giải ngũ sau khi xảy ra trận thả bom.
Kể từ lúc tin dữ bay đến chỗ ông, Alex đã bị suy sụp dần.
“Lạy đức Chúa bị đóng đinh trên cây thập ác," ông nói, “Giá như ta để Rudy đến học ở cái trường đó."
Bạn cứu ai đó.
Là bạn đã giết họ.
Làm sao mà ông ấy biết được cơ chứ?
Điều duy nhất mà ông ấy đã thực sự biết, ấy là ông sẽ làm mọi thứ để có mặt ở phố Thiên Đàng vào đêm hôm đó, để Rudy được sống thay vì ông.
Đó là một điều mà ông đã nói với Liesel trên bậc cấp của tòa nhà số 8 phố Thiên Đàng, khi ông lao đến đó sau khi biết tin con bé sống sót.
Ngày hôm ấy, trên những bậc cấp, Alex Steiner đã bị xẻ ra làm đôi.
Liesel nói với ông rằng nó đã hôn lên môi của Rudy. Việc này làm con bé bối rối, nhưng nó nghĩ rằng hẳn ông sẽ muốn được biết điều đó. Có những giọt nước mắt bằng gỗ và một nụ cười cứng ngắc như thân cây sồi. Trong nhỡn ảnh của Liesel, bầu trời mà tôi nhìn thấy có màu xám xịt và bóng loáng. Một buổi chiều màu bạc.
MAX
Khi chiến tranh qua đi và Hitler đã tự tìm đến vòng tay tôi, Alex Steiner đã phục hồi lại công việc ở hiệu may của ông. Nơi đó không có tiền, nhưng ông vẫn làm mình bận rộn ở đó vài tiếng đồng hồ mỗi ngày, và Liesel thường ở cạnh ông. Họ đã dành ra nhiều ngày cùng nhau, và họ thường đi bộ đến Dachau sau khi thành phố này được giải phóng, chỉ để bị những người Mỹ từ chối không cho vào.
Cuối cùng, vào tháng Mười năm 1945, một người đàn ông với cặp mắt như đầm lầy, mái tóc như một túm lông chim và một gương mặt được cạo sạch sẽ bước vào trong cửa hiệu. Anh ta bước đến chỗ quầy. “Ở đây có ai tên là Liesel Meminger không?"
“Có, cô ấy đang ở đằng sau nhà," Alex nói. Ông ấy đã khấp khởi hy vọng, nhưng vẫn muốn chắc chắn. “Tôi có thể biết là ai muốn gặp cô ấy không?"
Liesel bước ra.
Họ ôm chầm lấy nhau, khóc và ngã xuống sàn nhà.
NGƯỜI BÀN GIAO
Đúng, tôi đã nhìn thấy rất nhiều thứ trên đời này. Tôi đã tham gia vào những thảm họa kinh hoàng nhất và làm việc cho những tên bạo chúa vĩ đại nhất.
Nhưng còn có những thời điểm khác nữa.
Còn có vô số những câu chuyện (một vốc đầy những câu chuyện, như đã đề cập trước đây) mà tôi cho phép chúng khiến tôi xao nhãng trong lúc tôi làm công việc của mình, cũng giống như những sắc màu vậy. Tôi đã thu thập chúng ở những nơi khốn nạn nhất, lạ lùng nhất trên đời và tôi luôn đảm bảo là mình thuộc chúng nằm lòng khi làm việc. Kẻ trộm sách là một trong những câu chuyện như vậy.
Khi tôi đến Sydney và rước Liesel đi, cuối cùng thì tôi cũng làm được điều mà tôi đã chờ đợi trong suốt một thời gian dài. Tôi đặt bà ta xuống, và chúng tôi đi dọc theo đại lộ Anzac, đoạn gần sân bóng đá, rồi tôi rút ra từ trong túi áo mình một quyển sách màu đen bám đầy bụi.
Bà già ấy tỏ vẻ kinh ngạc. Bà nắm chặt quyển sách trong tay và hỏi, “Có thực đây là quyển sách đó không?"
Tôi gật đầu.
Với một sự bối rối khủng khiếp, bà mở quyển Kẻ trộm sách ra và chậm chạp giở những trang sách. “Thật không thể tin được…" Dù những dòng chữ đã nhạt phai, bà vẫn đọc được những con chữ mà mình đã viết ra. Những ngón tay của tâm hồn bà chạm vào câu chuyện đã được viết từ cách đó rất lâu, trong tầng hầm của bà dưới lòng phố Thiên Đàng.
Bà ngồi xuống vệ đường, tôi ngồi bên cạnh bà.
“Ông đã đọc nó chưa?" Bà hỏi, nhưng không nhìn tôi. Đôi mắt bà vẫn dán chặt vào những con chữ.
Tôi gật đầu. “Rất nhiều lần rồi."
“Ông có hiểu được nó không?"
Ngay khoảnh khắc ấy, đã có một sự im lặng khủng khiếp ùa đến.
Vài chiếc xe hơi chạy ngang qua, từ cả hai phía. Người lái chúng là những Hitler và những Hubermann, những Max, những kẻ giết người, những Diller và những Steiner…
Tôi muốn kể cho kẻ trộm sách nghe rất nhiều điều, về cái đẹp và sự tàn khốc. Nhưng tôi có thể kể với bà ấy cái gì đây về những điều mà bà ấy vẫn chưa biết? Tôi muốn giải thích với bà rằng tôi thường xuyên đánh giá con người quá cao hoặc quá thấp – rằng rất hiếm khi tôi chỉ đơn giản là đánh giá họ. Tôi những muốn hỏi bà ấy làm sao mà một giống loài lại có thể vừa quá xấu xa vừa quá vĩ đại như vậy, và làm sao mà từ ngữ của giống loài ấy lại có thể vừa đáng nguyền rủa vừa thần diệu đến thế.
Tuy nhiên, không điều nào trong số những điều này thoát ra khỏi miệng tôi cả.
Tất cả những gì tôi có thể làm là quay sang Liesel Meminger và nói với bà ấy chân lý duy nhất mà tôi thực sự biết. Tôi đã nói điều này với kẻ trộm sách và giờ thì tôi nói điều này với bạn.
LỜI NHẮN NHỦ CUỐI CÙNG
TỪ NGƯỜI KỂ CHUYỆN CỦA BẠN
Tôi bị ám ảnh bởi những con người.
Lời cảm ơn
Tôi muốn bắt đầu với việc cảm ơn Anna McFarlane (người có sự nồng nhiệt cũng tương đương với kiến thức uyên thâm của cô) và Erin Clarke (vì tầm nhìn xa trông rộng, sự tử tế và luôn đưa ra lời khuyên đúng đắn vào thời điểm thích hợp). Những lời tri ân đặc biệt cũng được dành cho Bri Tunnicliffe vì đã kiên nhẫn với tôi và cố gắng tin tưởng vào ngày giao những chỗ viết lại của tôi.
Tôi mặc nợ Trudy White vì thái độ làm việc và tài năng của cô. Thật là một vinh dự khi có đưọc những tranh minh họa của cô trong quyển sách này.
Quyển sách cũng không thể ra đời nếu thiếu những người sau đây: Cate Paterson, Nikki Christer, JoJarrah, Anyez Lindop, Jane Novak, Fiona Inglis và Catherine Drayton. Cảm ơn các bạn vì đã dành thời gian quý báu cho câu chuyện này, và cho tôi. Tôi trân trọng việc đó hơn mức có thể diễn đạt được thành lời.
Cũng xin cảm ơn Bảo tàng Do Thái Sydney, Nhà tưởng niệm Chiến tranh Úc, Doris Seider ở bảo tàng Do Thái Munich, Andreus Heusler ở Phòng lưu trữ thành phố Munich, và Rebecca Biehler (vì thông tin về các thói quen theo mùa của những cây táo).
Tôi rất biết ơn Dominika Zusak, Kinga Kovacs và Andrew Janson vì tất cả những lời động viên và lòng kiên trì của họ.
Cuồi cùng, lời cảm ơn đặc biệt xin được gửi đến Lisa và Helmut Zusak – vì những câu chuyện mà chúng tôi thấy thật vô cùng khó tin, vì tiếng cười, và vì đã cho tôi thấy một mặt khác của vấn đề.
Markus
Con bé nhón gót chân lên và nhìn xa hết mức có thể về phía cuối con kênh đào đã bị phá hủy, nơi từng là phố Thiên Đàng. Nó nhìn thấy hai người đàn ông đang mang một xác người đi, rồi đi theo họ.
Khi nhìn thấy những người còn lại, Liesel bật ho. Nó lắng nghe trong giây lát khi một người đàn ông bảo những người khác rằng họ vừa tìm thấy một trong những xác người đã nát ra thành nhiều mảnh, treo vắt vẻo trên một cây phong.
Có những bộ đồ ngủ bàng hoàng và những gương mặt bị xé toạc. Mái tóc của thằng bé là thứ mà nó nhìn thấy đầu tiên.
Rudy?
Lúc này, con bé còn làm nhiều hơn là chỉ thốt ra những từ ấy.
“Rudy?"
Thằng bé nằm đó với mái tóc vàng và đôi mắt nhắm chặt, và kẻ trộm sách chạy về phía nó rồi đổ gục xuống. Con bé đánh rơi quyển sách màu đen. “Rudy," nó nức nở gọi, “Dậy đi…" Nó nắm lấy áo của thằng bé và lay nhẹ một cách tuyệt vọng nhất, vì vẫn không dám tin những gì trước mắt mình. “Hãy dậy đi, Rudy," và lúc này đây, khi bầu trời tiếp tục nóng lên và tưới tro tàn xuống, Liesel đang nhắm mắt trước chiếc áo của Rudy. “Rudy, làm ơn đi mà." Những giọt nước mắt vật lộn trên gương mặt của con bé. “Rudy, hãy làm ơn thức dậy đi, khốn khiếp thật, dậy đi, tớ yêu cậu. Thôi nào, Rudy, thôi nào, Jesse Owens, cậu không biết là tớ yêu cậu hay sao, dậy đi, dậy đi, dậy đi…"
Nhưng chẳng có gì xảy ra cả.
Đống gạch vỡ ngày càng được chất cao thêm. Những ngọn đồi bằng bê tông với đỉnh đôi màu đỏ. Một con bé xinh xắn, mắt nhòa lệ, đang lay cái xác chết.
“Thôi nào, Jesse Owens…"
Nhưng thằng bé vẫn không thức dậy.
Vẫn không tin vào những gì trước mắt, Liesel vùi đầu mình vào ngực của Rudy. Nó ôm lấy cái xác mềm oặt của thằng bé, cố gắng giữ không cho cái xác ngả về đằng sau, cho đến khi nó cần phải trả thằng bé về với mặt đất chết chóc. Con bé đã làm điều này thật nhẹ nhàng.
Chậm thôi. Chậm thôi.
“Lạy Chúa, Rudy…"
Con bé cúi người xuống và nhìn vào gương mặt không sức sống của thằng bé, và Liesel hôn người bạn thân nhất của mình, Rudy Steiner, một nụ hôn nhẹ nhàng và thực thụ. Thằng bé có vị bụi bặm và ngọt ngào. Thằng bé có vị của một niềm hối tiếc trong bóng râm của những cái cây và trong vầng hào quang của bộ sưu tập những bộ quần áo của quân vô chính phủ. Nó hôn thằng bé thật nhẹ nhàng và thật lâu, và khi buông ra, nó dùng những ngón tay mình chạm vào môi của thằng bé. Đôi tay con bé run rẩy, đôi môi con bé mũm mĩm, và nó lại cúi xuống một lần nữa, lần này nó hoàn toàn mất kiểm soát và ước lượng sai vị trí. Răng của hai đứa va vào nhau trong cái thế giới đã bị phá hủy của phố Thiên Đàng.
Con bé không nói lời vĩnh việt. Con bé không thể làm thế được, và sau thêm vài phút nữa ở bên cạnh Rudy, con bé đã có thể nhấc mình lên khỏi mặt đất. Tôi thật sự ngạc nhiên trước những gì loài người có thể làm, ngay cả khi những dòng suối nước mắt đang chảy dài trên gương mặt họ, họ vẫn loạng choạng bước tiếp, ho và tìm kiếm, và tìm thấy.
PHÁT HIỆN TIẾP THEO
Xác của Mẹ và Bố, cả hai đều nằm xiêu vẹo trên tấm trải giường bằng sỏi của phố Thiên Đàng.
Liesel không đi, hay chạy, hay di chuyển một chút nào. Đôi mắt nó đã sục sạo những xác người và ngừng lại một cách mơ hồ khi nó nhận ra người đàn ông cao lớn và người đàn bà thấp lùn, trông như một cái tủ quần áo. Đó là mẹ tôi. Đó là cha tôi. Những từ ngữ được ghim dập vào người nó.
“Họ không nhúc nhích," con bé khẽ nói. “Họ không nhúc nhích."
Có thể nếu con bé đứng đó đủ lâu thì họ mới là người nhúc nhích, nhưng họ vẫn nằm bất động ở đó khi con bé đứng bất động. Tôi nhận thấy lúc đó con bé không mang chiếc giày nào dưới chân cả. Thật là một điều kỳ quặc để nhận thấy vào một thời điểm như thế. Có thể tôi đang cố gắng tránh nhìn vào mặt nó, vì khi ấy kẻ trộm sách thực sự là một đống lộn xộn không thể cứu vãn được.
Con bé bước một bước và không muốn bước thêm bước nào nữa, nhưng nó đã làm thế. Một cách chậm chạp, nó bước đến chỗ bố mẹ nó và ngồi xuống, ở giữa hai người. Con bé nắm lấy bàn tay của Mẹ và bắt đầu nói chuyện với bà. “Mẹ có nhớ lúc con mới đến đây không? Con đã bám vào cánh cổng và khóc. Mẹ có nhớ mình đã nói gì với mọi người trên phố vào ngày hôm đó không?" Lúc này giọng con bé đã không còn rõ ràng nữa. “Mẹ nói là lũ khốn khiếp các người đang nhìn cái chó gì thế?" Con bé nắm lấy bàn tay của Mẹ và chạm vào cổ tay của bà. “Mẹ, con biết là mẹ… Con rất thích lúc mà Mẹ đến trường và báo cho con biết là Max đã tỉnh dậy. Mẹ có biết là con đã nhìn thấy Mẹ cùng cây đàn xếp của Bố hay không?" Con bé nắm chặt lấy bàn tay đang cứng dần. “Con đã đến và đã nhìn và Mẹ thật là đẹp. Khốn khiếp thật. Mẹ rất đẹp, Mẹ à."
RẤT NHIỀU KHOẢNH KHẮC ĐỂ TRÁNH NÉ
Bố, Con bé sẽ không, và không thể, nhìn Bố. Vẫn chưa. Không phải lúc này.
Bố là một người đàn ông với cặp mắt màu bạc, chứ không phải là một cặp mắt chết.
Bố là một cây đàn xếp!
Nhưng cái ống bễ của ông đã trống rỗng rồi.
Không có gì đi vào và không có gì đi ra cả.
Con bé bắt đầu lắc lư người tới lui. Một nốt nhạc chói tai, khẽ khàng, vấy bẩn đã bị mắc kẹt đâu đó trong miệng nó, cho đến khi sau cùng thì nó cũng có thể quay lại.
Về phía Bố.
Lúc đó, tôi không thể đừng được. Tôi đi vòng qua bên kia, để nhìn nó rõ hơn, và từ khoảnh khắc mà tôi nhìn thấy lại gương mặt của con bé, tôi có thể nói rằng đây là người mà nó yêu thương nhất. Vẻ mặt của nó đánh vào mặt của người đàn ông. Nó đi theo một trong những nếp nhăn xuống má của ông. Ông đã ngồi cùng với nó trong phòng rửa và dạy nó cách vẽ một điếu thuốc. Ông đã đưa bánh mì cho một người đã chết trên phố Munich, và bảo con bé tiếp tục đọc trong hầm tránh bom. Có thể nếu ông không làm thế, sau đó con bé đã không viết quyển sách của mình trong căn hầm.
Bố – người chơi đàn xếp – và phố Thiên Đàng.
Cái này không thể tồn tại mà thiếu cái kia, vì với Liesel, cả hai đều là nhà của nó. Phải, Hans Hubermann với Liesel Meminger là như thế.
Con bé quay sang và nói với những người đàn ông thuộc đơn vị LSE.
“Làm ơn đi," nó nói, “Cây đàn xếp của bố cháu. Bác có thể lấy nó cho cháu được không?"
Sau vài phút bối rối, một người đã có tuổi trong đơn vị mang cái hộp đàn đã bị gặm nham nhở đến, và Liesel mở nó ra. Con bé lấy cây đàn đã bị thương ra khỏi hộp và đặt nó xuống bên cạnh xác Bố. “Nó đây Bố ơi."
Và tôi có thể hứa với bạn một điều, bởi vì nó là điều tôi sẽ nhìn thấy sau đó nhiều năm – một nhỡn ảnh của bản thân kẻ trộm sách – rằng khi con bé quỳ gối bên cạnh Hans Hubermann, nó đã nhìn ông đứng dậy và chơi cây đàn xếp đó. Ông đã đứng dậy và đeo cây đàn lên trên một dãy núi những ngôi nhà đổ nát. Có cặp mắt màu bạc. Có một điếu thuốc thõng xuống trên đôi môi ông. Thậm chí ông còn mắc phải một chỗ lồi rồi bật cười một cách đáng yêu. Những cái ống bễ hít thở, và người đàn ông cao lớn ấy chơi đàn cho Liesel Meminger nghe một lần cuối cùng khi bầu trời chậm chạp được lấy ra khỏi lò.
Cứ chơi tiếp đi, Bố ơi.
Bố ngừng lại.
Ông thả rơi cây đàn xếp xuống, và đôi mắt màu bạc của ông tiếp tục hoen gỉ đi. Bây giờ chỉ còn lại một cái xác, trên mặt đất, và Liesel nâng ông lên rồi ôm lấy ông. Nó khóc trên vai của Hans Hubermann.
“Vĩnh biệt Bố, Bố đã cứu sống con. Bố đã dạy con đọc. Không ai có thể chơi đàn được như bố cả, con sẽ không bao giờ uống rượu champagne nữa. Không ai có thể chơi đàn được như bố cả."
Vòng tay của con bé ôm lấy ông. Nó hôn lên vai ông – con bé không thể nhìn vào gương mặt ông được nữa – và nó lại đặt ông xuống.
Kẻ trộm sách khóc cho đến khi nó được nhẹ nhàng mang đi.
Sau đó, họ nhớ đến cây đàn xếp, nhưng không ai chú ý đến quyển sách cả.
Có rất nhiều việc cần phải làm, và với một bộ sưu tập những chất liệu khác nhau, quyển Kẻ trộm sách bị giẫm lên nhiều lần và sau cùng được nhặt lên mà không thèm nhìn đến một lần, rồi bị quẳng lên một xe tải chở rác. Ngay trước khi cái xe chạy đi, tôi đã nhanh chóng trèo lên và cầm lấy nó trên tay mình.
Thật may mắn vì tôi đã ở đó.
Lại một lần nữa, tôi đang đùa với ai vậy? Tôi đã ở hầu hết mọi nơi ít nhất là một lần, và vào năm 1943, dường như tôi có mặt ở mọi nơi.
Đoạn kết: Sắc màu cuối cùng
Gồm có:
Thần chết và Liesel – Vài giọt nước mắt bằng gỗ - Max –
Và người bàn giao
TH̀ẦN CHẾT VÀ LIESEL
Đã nhiều năm trôi qua kể từ lúc tất cả những chuyện này xảy ra, nhưng vẫn có rất nhiều việc cần làm. Tôi có thể hứa chắc với bạn một điều rằng thế giới này là một nhà máy. Mặt trời khuấy nó, con người thống trị nó. Còn tôi ở lại. Tôi mang họ đi.
Về những điều còn lại trong câu chuyện này, tôi sẽ không nói vòng vo thêm một chút nào nữa, bởi vì tôi đã mệt rồi, tôi đã quá mệt mỏi rồi, và tôi sẽ kể cho bạn nghe một cách thẳng thắn nhất có thể.
MỘT THÔNG TIN CUỐI CÙNG
Tôi nên nói cho bạn biết rằng kẻ trộm sách mới vừa qua đời hôm qua.
Liesel Meminger đã sống rất lâu, ở một nơi cách xa Molching và cái chết của phố Thiên Đàng.
Bà ấy qua đời ở ngoại ô Sydney. Số nhà là bốn mươi lăm – giống với căn hầm tránh bom của gia đình Fiedler – và bầu trời khi ấy có màu xanh đẹp nhất của buổi chiều. Cũng giống như bố bà, linh hồn bà đang ngồi dậy.
Trong những nhỡn ảnh cuối cùng, bà nhìn thấy ba đứa con của mình, cháu của mình, chồng bà, và một bản danh sách dài những cuộc đời đã hòa trộn với cuộc đời bà. Giữa những cuộc đời ấy, được thắp lên như những chiếc đèn lồng, là Hans và Rosa Hubermann, em trai bà, và cậu bé có mái tóc vĩnh viễn một màu vàng chanh.
***
Nhưng một vài nhỡn ảnh khác cũng ở đó.
Hãy đi với tôi và tôi sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện.
Tôi sẽ cho bạn thấy một điều.
KHU RỪNG CHIỀU
Khi phố Thiên Đàng đã được dọn dẹp, Liesel Meminger chẳng còn nơi nào để đi cả. Nó là đứa bé gái được người ta nói đến như là con bé có cây đàn xếp, và nó đã được đưa đến chỗ cảnh sát, những người phải rất vất vả để quyết định xem nên làm gì với nó.
Con bé ngồi trên một cái ghế rất cứng. Cây đàn xếp nhìn nó qua cái lỗ trên hộp đàn.
Mất ba giờ đồng hồ trong trạm cảnh sát để ông thị trưởng và một người đàn bà có mái tóc lơ thơ xuất hiện. “Người ta nói rằng có một đứa bé gái," người đàn bà ấy nói, “đã sống sót sau vụ không kích ở phố Thiên Đàng."
Một người cảnh sát chỉ cho bà ấy thấy con bé.
Ilsa Hermann đề nghị được xách cái hộp đàn, nhưng Liesel đã nắm nó rất chặt trong bàn tay mình khi họ đi xuống những bậc thang chỗ trạm cảnh sát. Cách phố Munich vài khối nhà, có một đường thẳng rất rõ ràng tách biệt khu vực bị đánh bom và khu vực đã gặp may mắn.
Ông thị trưởng lái xe.
Ilsa ngồi cùng với nó ở băng ghế sau.
Con bé để cho bà ấy nắm tay nó trên cái hộp đàn xếp, đang được đặt giữa hai người họ.
Thật dễ dàng khi không phải nói gì cả, nhưng Liesel có một phản ứng trái ngược với thế giới đã bị hủy hoại của mình. Con bé ngồi trong căn phòng đẹp đẽ còn trống tại nhà ông thị trưởng và cứ nói, nói mãi – với bản thân mình – đến tận đêm. Con bé ăn rất ít. Điều duy nhất mà nó không chịu làm là tắm rửa.
Trong suốt bốn ngày trời, con bé mang theo quanh mình những gì còn sót lại của phố Thiên Đàng trên những tấm thảm và ván lót sàn của nhà số 8 phố Grande. Con bé đã ngủ rất nhiều và không mộng mị, và trong hầu hết các trường hợp như vậy thì nó thấy hối tiếc vì đã thức dậy. Mọi thứ đều biến mất khi nó chìm vào giấc ngủ.
Vào ngày diễn ra những đám tang, nó vẫn chưa tắm, và Ilsa Hermann hỏi một cách lịch sự xem nó có muốn đi tắm hay không. Trước đó, bà chỉ chỗ nhà tắm cho nó thấy, và đưa cho nó một cái khăn bông.
Những người đến dự đám tang của Hans và Rosa Hubermann hôm ấy luôn nói về đứa bé gái mặc một cái váy rất đẹp và một lớp đất của phố Thiên Đàng. Rồi có một tin đồn rằng cũng trong ngày hôm đó, con bé đã mặc nguyên quần áo như thế mà đi xuống sông Amper và nói điều gì đó rất kỳ lạ.
Điều gì đó về một nụ hôn.
Điều gì đó về Đồ con lợn.
Con bé phải nói lời vĩnh biệt bao nhiêu lần đây?
Sau đó, có những tuần lễ và những năm tháng trôi qua, và rất nhiều cuộc chiến tranh. Con bé nhớ những quyển sách của mình trong những khoảnh khắc của nỗi buồn kinh khủng nhất, đặc biệt là những quyển sách đã được làm ra cho nó và quyển sách đã cứu sống nó. Một buổi sáng nọ, trong một trạng thái bàng hoàng mới hồi phục, thậm chí nó còn quay trở lại phố Thiên Đàng để tìm chúng, nhưng chẳng còn lại gì cả. Chẳng có sự hồi phục nào từ những việc đã xảy ra. Việc đó sẽ mất nhiều thập kỷ. Nó sẽ mất một cuộc đời dài.
Có hai buổi lễ cho gia đình Steiner. Buổi lễ đầu là ngay sau khi họ được chôn cất. Buổi thứ hai là khi Alex Steiner về đến nhà, ông đã được giải ngũ sau khi xảy ra trận thả bom.
Kể từ lúc tin dữ bay đến chỗ ông, Alex đã bị suy sụp dần.
“Lạy đức Chúa bị đóng đinh trên cây thập ác," ông nói, “Giá như ta để Rudy đến học ở cái trường đó."
Bạn cứu ai đó.
Là bạn đã giết họ.
Làm sao mà ông ấy biết được cơ chứ?
Điều duy nhất mà ông ấy đã thực sự biết, ấy là ông sẽ làm mọi thứ để có mặt ở phố Thiên Đàng vào đêm hôm đó, để Rudy được sống thay vì ông.
Đó là một điều mà ông đã nói với Liesel trên bậc cấp của tòa nhà số 8 phố Thiên Đàng, khi ông lao đến đó sau khi biết tin con bé sống sót.
Ngày hôm ấy, trên những bậc cấp, Alex Steiner đã bị xẻ ra làm đôi.
Liesel nói với ông rằng nó đã hôn lên môi của Rudy. Việc này làm con bé bối rối, nhưng nó nghĩ rằng hẳn ông sẽ muốn được biết điều đó. Có những giọt nước mắt bằng gỗ và một nụ cười cứng ngắc như thân cây sồi. Trong nhỡn ảnh của Liesel, bầu trời mà tôi nhìn thấy có màu xám xịt và bóng loáng. Một buổi chiều màu bạc.
MAX
Khi chiến tranh qua đi và Hitler đã tự tìm đến vòng tay tôi, Alex Steiner đã phục hồi lại công việc ở hiệu may của ông. Nơi đó không có tiền, nhưng ông vẫn làm mình bận rộn ở đó vài tiếng đồng hồ mỗi ngày, và Liesel thường ở cạnh ông. Họ đã dành ra nhiều ngày cùng nhau, và họ thường đi bộ đến Dachau sau khi thành phố này được giải phóng, chỉ để bị những người Mỹ từ chối không cho vào.
Cuối cùng, vào tháng Mười năm 1945, một người đàn ông với cặp mắt như đầm lầy, mái tóc như một túm lông chim và một gương mặt được cạo sạch sẽ bước vào trong cửa hiệu. Anh ta bước đến chỗ quầy. “Ở đây có ai tên là Liesel Meminger không?"
“Có, cô ấy đang ở đằng sau nhà," Alex nói. Ông ấy đã khấp khởi hy vọng, nhưng vẫn muốn chắc chắn. “Tôi có thể biết là ai muốn gặp cô ấy không?"
Liesel bước ra.
Họ ôm chầm lấy nhau, khóc và ngã xuống sàn nhà.
NGƯỜI BÀN GIAO
Đúng, tôi đã nhìn thấy rất nhiều thứ trên đời này. Tôi đã tham gia vào những thảm họa kinh hoàng nhất và làm việc cho những tên bạo chúa vĩ đại nhất.
Nhưng còn có những thời điểm khác nữa.
Còn có vô số những câu chuyện (một vốc đầy những câu chuyện, như đã đề cập trước đây) mà tôi cho phép chúng khiến tôi xao nhãng trong lúc tôi làm công việc của mình, cũng giống như những sắc màu vậy. Tôi đã thu thập chúng ở những nơi khốn nạn nhất, lạ lùng nhất trên đời và tôi luôn đảm bảo là mình thuộc chúng nằm lòng khi làm việc. Kẻ trộm sách là một trong những câu chuyện như vậy.
Khi tôi đến Sydney và rước Liesel đi, cuối cùng thì tôi cũng làm được điều mà tôi đã chờ đợi trong suốt một thời gian dài. Tôi đặt bà ta xuống, và chúng tôi đi dọc theo đại lộ Anzac, đoạn gần sân bóng đá, rồi tôi rút ra từ trong túi áo mình một quyển sách màu đen bám đầy bụi.
Bà già ấy tỏ vẻ kinh ngạc. Bà nắm chặt quyển sách trong tay và hỏi, “Có thực đây là quyển sách đó không?"
Tôi gật đầu.
Với một sự bối rối khủng khiếp, bà mở quyển Kẻ trộm sách ra và chậm chạp giở những trang sách. “Thật không thể tin được…" Dù những dòng chữ đã nhạt phai, bà vẫn đọc được những con chữ mà mình đã viết ra. Những ngón tay của tâm hồn bà chạm vào câu chuyện đã được viết từ cách đó rất lâu, trong tầng hầm của bà dưới lòng phố Thiên Đàng.
Bà ngồi xuống vệ đường, tôi ngồi bên cạnh bà.
“Ông đã đọc nó chưa?" Bà hỏi, nhưng không nhìn tôi. Đôi mắt bà vẫn dán chặt vào những con chữ.
Tôi gật đầu. “Rất nhiều lần rồi."
“Ông có hiểu được nó không?"
Ngay khoảnh khắc ấy, đã có một sự im lặng khủng khiếp ùa đến.
Vài chiếc xe hơi chạy ngang qua, từ cả hai phía. Người lái chúng là những Hitler và những Hubermann, những Max, những kẻ giết người, những Diller và những Steiner…
Tôi muốn kể cho kẻ trộm sách nghe rất nhiều điều, về cái đẹp và sự tàn khốc. Nhưng tôi có thể kể với bà ấy cái gì đây về những điều mà bà ấy vẫn chưa biết? Tôi muốn giải thích với bà rằng tôi thường xuyên đánh giá con người quá cao hoặc quá thấp – rằng rất hiếm khi tôi chỉ đơn giản là đánh giá họ. Tôi những muốn hỏi bà ấy làm sao mà một giống loài lại có thể vừa quá xấu xa vừa quá vĩ đại như vậy, và làm sao mà từ ngữ của giống loài ấy lại có thể vừa đáng nguyền rủa vừa thần diệu đến thế.
Tuy nhiên, không điều nào trong số những điều này thoát ra khỏi miệng tôi cả.
Tất cả những gì tôi có thể làm là quay sang Liesel Meminger và nói với bà ấy chân lý duy nhất mà tôi thực sự biết. Tôi đã nói điều này với kẻ trộm sách và giờ thì tôi nói điều này với bạn.
LỜI NHẮN NHỦ CUỐI CÙNG
TỪ NGƯỜI KỂ CHUYỆN CỦA BẠN
Tôi bị ám ảnh bởi những con người.
Lời cảm ơn
Tôi muốn bắt đầu với việc cảm ơn Anna McFarlane (người có sự nồng nhiệt cũng tương đương với kiến thức uyên thâm của cô) và Erin Clarke (vì tầm nhìn xa trông rộng, sự tử tế và luôn đưa ra lời khuyên đúng đắn vào thời điểm thích hợp). Những lời tri ân đặc biệt cũng được dành cho Bri Tunnicliffe vì đã kiên nhẫn với tôi và cố gắng tin tưởng vào ngày giao những chỗ viết lại của tôi.
Tôi mặc nợ Trudy White vì thái độ làm việc và tài năng của cô. Thật là một vinh dự khi có đưọc những tranh minh họa của cô trong quyển sách này.
Quyển sách cũng không thể ra đời nếu thiếu những người sau đây: Cate Paterson, Nikki Christer, JoJarrah, Anyez Lindop, Jane Novak, Fiona Inglis và Catherine Drayton. Cảm ơn các bạn vì đã dành thời gian quý báu cho câu chuyện này, và cho tôi. Tôi trân trọng việc đó hơn mức có thể diễn đạt được thành lời.
Cũng xin cảm ơn Bảo tàng Do Thái Sydney, Nhà tưởng niệm Chiến tranh Úc, Doris Seider ở bảo tàng Do Thái Munich, Andreus Heusler ở Phòng lưu trữ thành phố Munich, và Rebecca Biehler (vì thông tin về các thói quen theo mùa của những cây táo).
Tôi rất biết ơn Dominika Zusak, Kinga Kovacs và Andrew Janson vì tất cả những lời động viên và lòng kiên trì của họ.
Cuồi cùng, lời cảm ơn đặc biệt xin được gửi đến Lisa và Helmut Zusak – vì những câu chuyện mà chúng tôi thấy thật vô cùng khó tin, vì tiếng cười, và vì đã cho tôi thấy một mặt khác của vấn đề.
Markus
Tác giả :
Markus Zusak