Jane Eyre (Jên Erơ)
Chương 3: Cuộc đến thăm bất ngờ

Jane Eyre (Jên Erơ)

Chương 3: Cuộc đến thăm bất ngờ

Ngày lại ngày cứ trôi đi, không có biến cố gì đáng kể, và tôi quen dần, từng tí một, với cuộc sống mới của mình. Ba tuần lễ đã qua, kể từ khi tôi rời khỏi Gateshead; cuộc sống trước đó của tôi hình như đã bị vùi sâu trong đêm dài thời gian.

Một hôm, tôi đang cố làm xong một con tính cộng dài trên tấm bảng đen của mình, vô tình tôi chợt ngước mắt lên phía cửa sổ, thì thấy một bóng người lướt qua nhanh, nên không nhận ra là ai. Không lâu sau đó, có một người bước vào phòng học, và tất cả các nữ sinh đã đứng dậy để chào vị khách. Đó chính là người đàn ông đã khảo sát tôi ở Gateshead.

Tôi đã nhận ra vóc người gầy gò của ông ta, cặp lông mày dày luôn luôn rung động, và dáng vẻ như một con ma đen xì của ông ta đã gây ấn tượng đối với tôi. Đúng là ông Brockelhurst. Cô Temple cùng đi với ông ta. Người đàn ông ấy.làm tôi khó chịu. Tôi không thích cả giọng nói, lẫn vẻ mặt nghiêm khắc của ông ta, cả bộ quần áo cài khuy, lẫn hai bàn tay ông ta... Chắc hẳn ông Brockelhurst phải coi tôi như một quái vật.

Ông ta sắp nói tất cả với cô Temple và các thành viên khác của trường. Điều tôi vẫn sợ từ lâu đã tới. Nhất định cuộc đời khốn khổ của tôi sẽ chẳng bao giờ thay đổi. Tôi mới bắt đầu được nếm mùi bình yên một chút, thì kìa, quái tượng ấy đã nhô ra, và tất cả lại sắp được đặt lại thành vấn đề. ông Brockelhurst đang nói gì với cô Temple. Chắc hẳn ông ta đang kể ra những tật xấu của tôi, và cô Temple sắp sửa nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên và bất bình. Tôi đến gần thêm một chút và nghe được câu chuyện của họ. Tôi đã thấy dễ thở hơn, khi nghe thấy ông Brockel-hurst hỏi rằng chỉ đã mua ở Lowood có thích hợp không, rằng có thể dùng chỉ đó để khâu áo sơ mi được không, rằng kim khâu có đúng kích cỡ không.

- Hôm nào tôi gửi kim để mạng đến, hôm nay thì tôi quên mất rồi, tôi mong cô Smith sẽ chú ý, chỉ phát cho học sinh, mỗi lần một chiếc thôi...

Cô Temple làm ra vẻ rất khiêm nhường, và không ngừng nhắc đi, nhắc lại:

- Thưa ông, vâng! Thưa ông, vâng!

- Nhưng còn một điều nữa đã khiến tôi vô cùng ngạc nhiên, cô Temple ạ. Khi kiểm tra các khoản chi tiêu, tôi đã nhận thấy có bữa bọn trẻ đã được ăn hai lần bánh mì và phô mát. Tôi tự hỏi không biết phải biện bạch thế nào về sự lãng phí này?

- Bánh mì và phô mát ấy đã thay thế cho một bữa ăn quá tồi, khiến học sinh không nuốt nổi, đã phải bỏ. Không thể có giải pháp nào khác. Tôi nghĩ là mình đã làm đúng.

- Mục đích của chúng ta ở đây, là làm sao cho các cháu gái quen dần với một cuộc sống khiêm nhường và khắc khổ. Chúng ta phải dạy họ biết yêu sự giản dị và sự hy sinh. Nếu một bữa ăn không vừa ý họ, thì họ cứ để đấy, rồi đợi bữa sau thôi.

Ông ta còn nói hồi lâu, rồi có vẻ mệt, hạ giọng dần và dừng lại. Mặt cô Temple tái mét lại. Bỗng ông giật nẩy mình.

- Này cô! Này cô! - ông ta kêu lên, như thể vừa phát hiện một cảnh tượng xấu xa, đáng xấu hổ.

- Tôi nhìn thấy cái gì thế này! Một cháu gái tóc quăn! Không thể để thế này được, cô Temple ạ!.- à, đó là bé Julia Severn, - Cô Temple nói, không hề mất bình tĩnh chút nào, và làm tôi hơi sợ.

- Julia Severn, Julia Severn... Mái tóc của nó không hợp với quy chế của trường đạo này.

Điều đó đã vượt khỏi trí năng của ông Brockelhurst, khiến ông ta gần như nghẹn lời.

Cô Temple thì vẫn giữ vững được niềm tự tin, và bằng một giọng rất từ tốn, cô nói:

- Thưa ông Brockelhurst, ông muốn làm gì để chống lại thiên nhiên đây?

- Dĩ nhiên, chúng ta phải tôn trọng thiên nhiên, nhưng việc giáo dục trong học viện chúng ta lại là một chuyện khác. ở đây, tóc phải chải dẹt, kéo hẳn ra đằng sau.

Ông bảo hàng ghế thứ nhất đứng dậy.

- Quay mặt vào tường! - ông ra lệnh.

Các cô gái vâng lời, đồng thời cô Temple hơi mỉm cười. Các cô gái quay lưng lại ông Brockelhurst, thành thử ông ta không nhìn thấy họ đang nhăn mặt.

Đúng lúc này, có ba người đàn bà bước vào trong phòng và được trịnh trọng mời đến ngồi ở hàng ghế danh dự. Sau này, tôi được biết đó là bà Brockelhurst và hai cô con bà.

Bạn đọc hãy nghĩ mà xem: họ giống các diễn viên hài hơn là các quý bà trong giới thượng lưu.

Người họ phủ đầy những lụa, nhung và da lông thú. Hai cô con gái đều đội mũ có cắm lông chim. Bà Brockelhurst thì quàng một tấm khăn san nhung, cứ như một nữ hoàng. Bà mang đồ trang sức đầy người, và tất cả con người bà bộc lộ tính khoe khoang và kiêu hãnh. Tôi vẫn luôn luôn chăm chú nghe những gì ông Brockelhurst nói với cô Temple, vì tôi không quên rằng có thể tôi là đối tượng chính cuộc đến thăm của ông ta. Phải xử sự khôn khéo thế nào đây, để tránh nhắc ông ta nhớ đến tôi? Tôi giả vờ như vẫn tiếp tục làm tính và tôi che giấu mặt mình đằng sau tấm bảng đen. Trong một thời gian nhất định, mọi việc trót lọt, và tôi bắt đầu thở phào, nghĩ rằng có lẽ người ta không để ý đến mình, thì bỗng chốc tấm bảng đen tuột khỏi tay tôi và rơi xuống đất đánh cạch một cái. Dĩ nhiên, tiếng động bất thường ấy đã làm mọi con mắt đều đổ dồn về phía tôi.

- Học sinh hư. - ông Brockelhurst nói. - ...

Mà này, tôi biết nó! Đó là học sinh mới của chúng ta, có phải không? à! Tôi phải nói về nó.với cô. Vả lại hôm nay, tôi đến đây, chính là vì việc này. Nào, hãy đưa con bé lơ đễnh ấy lại đây.

Hay là nó đã cố ý đập vỡ tấm bảng đen của nó?

Nhưng nó đừng hòng sẽ tác oai, tác quái ở đây như ở Gateshead. ồ! Không!

Hai nữ sinh lớn kéo tôi ra khỏi chỗ ngồi, rồi lôi xềnh xệch tôi đến chỗ ông Brockelhurst ghê gớm, để ông ta xử tội tôi. Bất chợt, tôi nghe thấy bên tai, có một giọng nói dịu dàng khiến tôi khỏe khoắn hẳn lại. Đó là tiếng cô Temple; cô đang động viên tôi:

- Đừng sợ gì cả, Jane ạ. Cô biết là con đã lỡ tay đánh rơi tấm bảng đen. ông ấy không mắng con, hay phạt con được. Cô sẽ ở đây để bảo vệ con. Con hãy tin vào cô.

Theo lệnh ông Brockelhurst, tôi bị đặt lên một chiếc ghế tựa. Như vậy, ông ta có thể tha hồ quan sát tôi, vì mặt tôi ở ngang tầm với mặt ông. Thế là, cái ông đáng ghét ấy nhìn xuống cử tọa và đọc một bài diễn văn, trong đó tôi là đối tượng duy nhất:

- Xin mọi người hãy nhìn kĩ con bé này, ông ta vừa nói, vừa ưỡn ngực ra một cách hãnh diện.

Hình như vẻ ngây thơ của tuổi trẻ vẫn còn che đậy cho nó và bảo vệ nó. Xin đừng nhầm lẫn và đừng tin ở dáng vẻ bên ngoài. Con quái vật đã đến ở đó, dưới bề ngoài lừa dối ấy. Không, không, tôi không nói quá đâu. Tôi đã kiểm tra tất cả những gì tôi nói.

Tôi chăm chú lắng nghe và có đủ thời gian để tự trấn tĩnh. Và rồi, tôi nghĩ đến cô Temple đôn hậu. Cô đã hứa, chắc cô sẽ không bỏ rơi tôi!

- Xin hãy nghe đây, - kẻ thù của tôi nói tiếp, - tôi sắp tố cáo với các người, một số chuyện thật đáng buồn, nhưng cần phải làm thế... Con bé này có vẻ như không có khả năng làm điều ác, nhưng lại đã sinh ra vào giờ xấu. Tôi xin cảnh báo các em học sinh. Các em hãy thận trọng.

Các em đừng bắt chước cái gì ở nó cả, và đừng để cho nó lôi kéo ra khỏi con đường ân huệ và đạo đức, mà tất cả các em đã đi theo.

Và bài diễn văn tiếp tục kéo dài. ông Brockelhurst quả là giỏi hùng biện và biết cách làm cho người nghe phải cảm động, đến nỗi tôi nhìn thấy vợ ông và hai cô con gái của ông đã phải kín đáo lau nước mắt.

Ông Brockelhurst đã dành lại cho đoạn cuối, những lý lẽ xúc động nhất, thống thiết nhất. ông kêu to, như thể đang báo tin về ngày tận thế..- Vâng, thưa các bà, tôi đã không bịa đặt tí gì, như các bà có thể nghĩ đâu. Tất cả những điều tôi vừa nói, tôi đã được biết nhờ một quý bà tốt bụng, đáng mến, giàu có, nhân từ, người đã cưu mang con bé này, và đã chỉ được đền đáp lại bằng sự vong ân của nó, đến nỗi bà đã buộc phải tách khỏi con quái vật giả nhân giả nghĩa này, và giao nó cho chúng ta, nhờ chúng ta cứu vớt nó ra khỏi vòng tội lỗi.

Sau khi đã kết thúc bài phát biểu của mình, ông Brockelhurst cài lại khuy áo vét, rồi đi về phía bà vợ. ông nói gì đó với bà, rồi tất cả gia đình Brockelhurst rời khỏi phòng học. ông Brockelhurst, một ông bố tốt, còn có một ý nghĩ tuyệt vời là bảo cô Temple, đi cùng với ông ta:

- Cứ để con bé ở trên ghế thêm một thời gian nữa, có lẽ đó không phải là một điều dở đâu.

Thế là còn một mình tôi ở đó, trên ghế, như thể bị đóng đinh vào một cái cột bêu riếu tội nhân. Tôi xấu hổ, tưởng chết đi được. Tôi khóc nức nở. Một cô gái đi qua gần ghế của tôi, và tôi nhìn vào mắt cô. Tôi đọc được trong đó biết bao tình thương mến, khiến tôi thấy ngao ngán.

Đó chính là chị Hélène Burns. A! Không phải chỉ có một mình tôi ở đây.

Nhưng tôi sửng sốt, nhận thấy chị đeo ở cánh tay, một tấm biển, trên có dòng chữ: Đứa bé vô kỷ luật. Chị Hélène tội nghiệp, với đôi má xanh xao đến thế, và đôi mắt mệt mỏi đến thế! Thì ra cảnh ngộ chị cũng chẳng hơn gì mình!

Đến năm giờ, tiếng chuông vang lên như thường lệ. Phòng học lại vắng tanh, học sinh đã kéo nhau đến nhà ăn. Tôi không thể cứ đứng mãi trên ghế, tôi bước xuống. Tôi mệt rã rời, và cảm thấy dần dần không còn can đảm được như trước đây. Tôi thấy buồn thấm thía, và tôi vừa nằm bệt xuống sàn nhà, vừa chảy nước mắt.

Trong thâm tâm, tôi tự hứa sẽ ăn ở tốt, sẽ vâng lời, sẽ làm hết sức mình, sẽ chăm học. Hiển nhiên là tôi đã tiến bộ. Có lẽ, nếu mọi việc tiếp tục trôi chảy, tôi sẽ được học tiếng Pháp chăng? Tôi đã có được nhiều bạn, cả trong số nữ sinh lớn và nữ sinh bé.

- Tôi muốn chết. - Tôi nói lẩm bẩm trong miệng.

Đúng lúc này, tôi cảm thấy như có người nào đó ở gần mình, và tôi ngửng đầu lên. Đó là Hélène Burns..- Hélène này, - tôi nói, - sao chị lại có thể giao du với một con bé mà người ta coi là giả nhân, giả nghĩa và dối trá như tôi?

- Nghe đây, Jane, mình cam đoan với bạn là, ở đây, chẳng ai khinh bạn đâu. Trái lại, mình nghe được người ta bàn tán rất nhiều. Mọi người thành thực thương bạn và yêu quý bạn.

- Thật thế không?

- Thật đấy. Vả lại, ở đây, chẳng ai quý mến người đàn ông hợm hĩnh, kiêu ngạo và nhẫn tâm ấy. Giả thử ông ta đã nói nhiều về bạn trước mặt toàn trường, thì họa may mới có người ghét bạn được. Bạn hãy tin mình, - Hélène Burns nói tiếp, - trong mấy ngày tới đây, sẽ chẳng có ai muốn làm cho ông giám đốc phật ý đâu. Có thể người ta sẽ không hỏi han gì bạn, có thể người ta sẽ nhìn bạn một cách lạnh lùng, nhưng rồi băng giá trong lòng họ sẽ tan đi, mình tin chắc thế...

Tôi chỉ muốn tin được vào điều chị nói.

Hélène cầm lấy hai bàn tay tôi.

- Hãy bình tĩnh lại, Jane ạ, - chị lại nói. -Bạn sinh ra, không phải là để chịu đựng những cái đó. Bạn sẽ có một vai trò... Bạn sẽ thấy là cuộc đời còn đầy hoa thơm, cỏ lạ, và về phần bạn, sẽ không phải mãi mãi chỉ có buồn phiền và lo lắng đâu.

Tôi không nói gì nữa. Những lời của bạn tôi đã giúp ích cho tôi rất nhiều. Quả thật, tôi không còn muốn chết nữa, nhưng một nỗi buồn vô hạn đã xâm chiếm lòng tôi. Tâm hồn tôi đau đớn... Bên ngoài, trời tối đen như mực. Thỉnh thoảng, mặt trăng chọc thủng đám mây dày và chiếu sáng đến tận chỗ chúng tôi. Chợt có ai bước vào phòng. Đó là cô Temple.

- Cô biết là các con vẫn ở đây, - cô nói, -và cô đến tìm các con. Các con không thể ở mãi nơi lạnh giá, trong đêm tối thế này. Các con hãy đi với cô về buồng cô. Cô cần nói chuyện với Jane, nhưng Hélène cũng có thể nghe được những điều cô nói với Jane.

- Thế nào, - cô hỏi tôi, bằng một giọng đầy thương mến, - con đã đỡ xúc động được tí nào chưa?

- Con nghĩ, - tôi vừa nói, vừa cảm nhận thấy mình lại rơm rớm nước mắt, - con nghĩ là con sẽ chẳng bao giờ khuây khỏa được.

- Thôi nào, Jane...

- ông ấy buộc tội con không đúng tí nào, mà con thì chẳng biết làm gì để tự bảo vệ..- Không đâu, Jane ạ, con nhầm rồi! Chúng ta nhận định về con, là căn cứ vào hiện tại, và vào những gì con sẽ làm, chứ không phải vào quá khứ, hoặc vào những gì người ta nói là con đã làm. ông Brockelhurst đã nói rồi, bây giờ đến lượt con. Con hãy nói với chúng ta về con. Con hãy kể về cuộc đời của con, có thế nào thì nói thế, đừng nói quá điều gì. Như vậy, tự chúng ta sẽ có thể nhận định được...

Tôi tập trung tư tưởng trong vài phút, rồi bắt đầu kể lại, một cách giản dị, song không bỏ sót điều gì, tất cả những biến cố đáng buồn mà tôi đã phải trải qua.

Tôi đã cố nói được một cách không hận thù, và thấy câu chuyện của mình đã gây được ấn tượng sâu sắc với cô Temple.

- Làm sao mà những chuyện như thế lại có thể xảy ra được nhỉ, - cô vừa nói vừa nhìn tôi một cách trìu mến. - Cô sẽ viết thư cho ông Loyd. Nếu ông xác nhận những chuyện con vừa kể, thì con sẽ được rửa sạch khỏi mọi nỗi nghi ngờ. ông Brockelhurst sẽ được cảnh báo, và sẽ chẳng bao giờ còn nói là con dối trá và giả nhân, giả nghĩa nữa.

Rồi cô Temple và Hélène Burns nói về những chuyện khác, những chuyện tôi không được biết, về thời quá khứ, về những nền văn minh đã biến mất, về những xứ xa xôi, về những nòi giống xa lạ. Tôi thấy thán phục sự hiểu biết của họ, và tự hứa với mình là sẽ trở thành uyên bác như họ, là sẽ nghiên cứu, sẽ đọc thật nhiều sách... Cô Temple chúc chúng tôi ngủ ngon và ôm chặt chúng tôi vào lòng.

Tôi thấy vui sướng và lại tha thiết với cuộc sống. Tôi càng phấn khởi khi, sau đó vài hôm, cô Temple nhận được một bức thư dài của ông Loyd, mà nội dung hoàn toàn phù hợp với những chuyện tôi đã kể. Cô Temple đã giữ lời hứa. Cô cho họp toàn trường và cắt nghĩa những chuyện đã xảy ra. Tôi đã bị buộc tội oan. ông Brockel-hurst đã lượm được những thông tin sai lệch về tôi. Trái lại, những tình tiết cô đã nắm được về tôi đều đúng sự thật, và cô lấy làm sung sướng được phục hồi danh dự cho tôi, trước tất cả mọi người. Mọi người vồ vập xung quanh tôi, vì bài nói chuyện của cô đã triệt để minh oan cho tôi, họ bắt tay tôi, họ ôm hôn tôi và từ nay, ở học viện Lowood, tôi chỉ còn những người bạn.

Tôi không nói thì bạn đọc cũng biết là tôi thấy người mình khỏe ra. Vì thế, tôi hạ ngay.quyết tâm là phải tỏ ra xứng đáng với niềm tin cậy của mọi người đối với mình.

Vậy nên tôi đã bắt tay vào học tập một cách nghiêm túc, và, ngay lập tức, giành được kết quả rực rỡ. Tôi được chuyển lên học lớp trên và, một hôm, lại được thông báo là sắp được học tiếng Pháp. Tôi vui sướng quá, nên càng chuyên tâm chăm chú và bền bỉ học tập.
Tác giả : Charlotte Bronte
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại