Hai Số Phận

Chương 10

Tương lai là điều Anne lấy làm lo ngại. Mấy tháng đầu lấy nhau là hạnh phúc. Chị chỉ hơi phiền về chuyện William mỗi lúc một tỏ ra không ưa Henry, còn anh chồng mới của chị xem ra cũng chưa thể làm việc ngay được. Henry có phần nào không yên, giải thích cho Anne biết là đến bây giờ anh vẫn còn bị chiến tranh làm cho chệch choạc, và anh không muốn vội vã lao vào một cái gì đó để rồi bị kẹt suốt cả đời. Chị nghe nói thế không thông, và cuối cùng thì hai người bắt đầu cãi lộn.

- Em không hiểu tại sao anh không thể tiếp tục cái nghề kinh doanh nhà đất mà anh đã thông thạo rồi ấy, Henry.

- Anh không thể. Mà cũng chưa đến lúc. Thị trường nhà đất lúc này không có vẻ hứa hẹn gì lắm.

- Gần một năm nay anh vẫn cứ nói lại câu đó. Không biết đến bao giờ anh mới thực hiện được.

- Nhất định chứ. Sự thực là anh cần có thêm chút vốn liếng nữa mởi khởi sự được. Nếu em cho anh có được ít tiền của em, thì ngay ngày mai anh khởi sự được ngay.

- Điều đó là không được, Henry. Anh biết những điều khoản trong di chúc của Richard rồi. Chúng ta lấy nhau là lập tức trợ cấp của em bị chấm dứt, và bây giờ thì chỉ còn lại vốn riêng thôi.

- Chỉ cần một chút đó thôi là giúp cho anh làm ăn được rồi, mà em cũng đừng quên là cái thằng bé yêu quý của em còn có trên hai mươi triệu tiền ủy thác của gia đình.

- Hình như anh biết kỹ về tiền của William lắm nhỉ, - Anne nói với một giọng nghi hoặc.

- Thôi đi, em. Em cũng phải cho anh được làm chồng của em chứ. Đừng làm anh cảm thấy như mình là khách trong nhà của chính mình.

- Vậy tiền của anh đâu? Anh vẫn nói với em tin rằng anh có đủ tiền làm ăn rồi kia mà.

- Em vẫn biết là về mặt tài chính thì anh không thể đứng vào hạng của Richard được. Mà trước đây đã có lúc em nói rằng điều đó không quan trọng. Em vẫn sẽ lấy anh, Henry, dù anh không có một xu nào, - anh nhại lại cái giọng của Anne.

Anne bật khúc. Henry tìm cách an ủi. Cả buổi tối chị nằm trong vòng tay của anh, họ bàn đi bàn lại chuyện ấy. Anne nghĩ bụng mình làm như vậy thì không phải là người vợ, và cũng không rộng rãi gì lắm. Chị có nhiều tiền hơn là chị cần. Chẳng lẽ chị không trao được một ít cho người đàn ông mà chị nguyện đã trao cả cuộc đời mình cho anh ta hay sao?

Nghĩ thế, chị đồng ý cho Henry 100 nghìn đôla để anh thiết lập một văn phòng nhà đất ở Boston. Trong vòng một tháng, Henry đã tìm được địa điểm làm văn phòng rất đẹp trong khu hiện đại của thành phố, kiếm một số nhân viên và khởi sự làm việc. Chẳng bao lâu anh đã có những mối quan hệ được với những chính khách quan trọng của thành phố và những vị kinh doanh nhà đất khác ở Boston. Họ bàn tán với nhau về chuyện ruộng đất đang phát triển mạnh và tỏ ra ca tụng Henry. Anne không quan tâm lắm về những mối quan hệ xã hội ấy, nhưng Henry thì sung sướng và có vẻ như anh rất thành công trong những hoạt động của mình.

Khi William mười lăm tuổi thì anh đã học năm thứ ba ở trường St.Paul, đứng thứ sáu trong lớp và đứng đầu về toán. Anh cũng trở thành một nhân vật đang nổi trong Hội Tranh Luận (Các trường học ở Mỹ có truyền thống lập ra các nhóm học sinh để học tập tranh luận cho quen trước khi vào đời). Mỗi tuần, anh viết thư về cho mẹ một lần để báo cáo về việc học hành của mình. Thư nào anh cũng chỉ đề ngoài bì là bà Richard Kane, không thừa nhận là có Henry Osborne. Anne phân vân không biết có nên nhắc nhở điều đó với con không. Mỗi buổi sáng thứ hai, chị cẩn thận ra hòm thư để lấy thư của William gửi về, cốt để cho Henry khỏi trông thấy chữ đề trên phong bì. Chị vẫn hy vọng là đến một lúc William sẽ thấy thích Henry. Nhưng rõ ràng hy vọng đó là không thực tế, nhất là khi viết thư về nhà William có một lần xin phép mẹ cho anh cùng đi nghỉ hè với người bạn là Matthew Lester, lúc đầu là đi trại hè ở Vermont và sau đó là về với gia đình của Lester ở New York. Yêu cầu đó của anh làm cho Anne thấy đau buồn, nhưng rồi chị cũng đành chấp nhận và Henry hình như cũng tán thành như vậy.

William rất ghét Henry Osborne và cứ nuôi trong lòng sự căm giận ấy mà không biết mình phải làm thế nào. Anh mừng thầm là Henry không bao giờ đến trường thăm anh. Anh không thể nào chịu được để cho các bạn khác trông thấy, mẹ anh đi với con người ấy. Anh lấy làm khổ tâm phải sống với Henry ở Boston.

Lần đầu tiên kể từ sau khi mẹ anh tái giá, William nóng ruột muốn cho những ngày nghỉ hè đến sớm.

Chiếc xe Packard của nhà Lester có người lái và chạy rất êm đưa William và Matthew đến trại hè ở Vermont. Trên đường đi, Matthew bỗng hỏi William là ở trường St.Paul ra anh sẽ làm gì.

- Lúc ra trường, mình sẽ đứng đầu lớp, là trưởng lớp, và mình sẽ giành được giải thưởng học bổng Hamiton về toán để lên Harvard, - William trả lời không hề lúng túng.

- Tại sao lại quan trọng thế? – Matthew ngớ ngẩn hỏi.

- Bố mình ngày xưa đạt được cả ba điều ấy.

- Vậy khi nào cậu làm được như thế, mình sẽ giới thiệu cậu với bố mình.

William mỉm cười.

Hai anh chàng thanh niên này sống sáu tuần vui vẻ và họat động sôi nổi ở Vermont, từ đánh cờ đến đá bóng. Hết kỳ nghỉ ở đây, họ lại quay về New York sống nốt một tháng hè nữa với gia đình Lester.

Người quản gia đứng sẵn ở cửa đón họ. Ông ta gọi Mathew là "ông". Một cô gái mười hai tuổi mặt đdầy tàn nhang thì gọi anh là "béo". William buồn cười, vì bọn anh thì gầy, mà chính cô ta mới béo. Cô gái cười nhe bộ răng gần như bịt hết.

- Chắc cậu không tin rằng Susan là em gái mình đâu nhỉ, - Matthew nói với một vẻ khinh thường cô em.

- Không, mình không biết, - William nói và nhìn Susan cười. – Cô em trông còn xinh hơn cậu nhiều.

Từ đó trở đi, cô ta rất quý William.

William mới gặp bố Matthew đã thích ông ta ngay. Anh thấy ông có nhiều cái rất giống với bố mình trước kia. Anh đề nghị ngay với ông Charles Lester cho anh được xem ngân hàng lớn mà ông làm chủ tịch. Charles Lester suy nghĩ mãi về yêu cầu đó của anh. Xưa nay chưa có đứa nhỏ nào được phép vào đến khu vực 17 phố Broad bao giờ, kể cả chính con ông. Ông bèn làm như mọi nhà ngân hàng khác là chiều chủ nhật đưa anh đi quanh các tòa nhà ở phố Wall vậy.

William phải hoa mắt về những cơ quan làm việc, những cửa cuốn, phòng ngoại hối, phòng họp của các vị lãnh đạo và văn phòng của chủ tịch. Những hoạt động ngân hàng của nhà Lester còn rộng rãi sôi nổi hơn nhiều so với nhà Kane và Cabot. Qua tài khoản đầu tư rất nhỏ của mình, William vẫn nhận được bản sao báo cáo hàng năm và anh biết rằng nhà Lester còn có vốn hơn rất nhiều so với nhà Kane và Cabot. Ngồi trên xe trở về nhà, William yên lặng và có vẻ rất tư lự.

- Thế nào William, cháu xem ngân hàng có thích không? – Ông Charles Lester vui vẻ hỏi.

- Ồ; thưa ông có, - William đáp. – Cháu thích lắm.

Ngừng một lát, anh mới tiếp: - Ông Lester ạ, một ngày kia cháu cũng muốn làm chủ tích ngân hàng của ông.

Charles Lester cười. Tối hôm đó ngồi ăn với các vị khách mời đến nhà, ông cũng kể lại câu nói của William Kane đối với Công ty Lester và mọi người cười ran.

Chỉ có William thì không nghĩ rằng đó là một câu đùa.

* * *

Anne rất lạ thấy Henry lại về đòi chị bỏ thêm tiền ra nữa.

- Tiền này cũng vững như ngôi nhà vậy, - anh ta đảm bảo với chị. – Em cứ hỏi Alan Lloyd xem. Là chủ tịch ngân hàng thì bao giờ ông ấy chả nghĩ lợi tức của em là chuyện hàng đầu.

- Nhưng còn hai trăm năm mươi nghìn? – Anne hỏi.

- Một cơ hội tuyệt vời, em ơi. Em phải coi đó như một khoản đầu tư mà trong hai năm nó sẽ tăng gấp đôi.

Sau một hồi cãi lộn với nhau nữa, Anne lại phải đồng ý, và cuộc sống lại vui vẻ như cũ. Lúc kiểm tra lại tài khoản của mình trong ngân hàng. Anne thấy vốn đã tụt xuống còn có một trăm năm mươi nghìn. Nhưng chị cũng thấy hình như Henry vẫn làm ăn với những người tử tế và thu chi đâu ra đấy. Chị đem vấn đề ra bàn với Alan Lloyd bên nhà Kane và Cabot, nhưng nghĩ thế nào lại thôi, vì như vậy sẽ có nghĩa là chị không tin ở người chồng mà chị muốn để cho mọi người tôn trọng. Vả lại, Henry cũng đã chẳng đưa ra đề nghị ấy nếu như anh ta không chắc chắn là vụ vay mượn này không được sự tán thành của Alan.

Anne cũng bắt đầu thăm bác sĩ MacKenzie và hỏi xem chị có hy vọng gì đẻ được nữa không, nhưng bác sĩ vẫn khuyên chị là không nên. Với tình trạng huyết áp cao đã làm cho chị sẩy thai lần trước, Andrew Mackenzie cho rằng ở cái tuổi ba mươi lăm thì Anne không nên nghĩ đến chuyện làm mẹ một lần nữa. Anne đem vấn đề bàn với các bà nội ngoại thì các cụ hoàn toàn nhất trí với ý kiến của bác sĩ. Cả hai cụ, chẳng ai muốn quan tâm gì đến Henry, và các cụ lại càng không muốn nghĩ đến chuyện mai kia một đứa con đẻ ra mang dòng họ Osborne lại đòi được hưởng tài sản của họ nhà Kane, mà lúc đó các cụ đã đi cả rồi thì làm sao. Anne đành chịu làm mẹ của một đứa con vậy. Henry thì lấy thế làm tức giận, bảo chị là đồ phản bội. Anh ta nói giá như Richard còn sống thì chị đã đẻ nữa rồi. Chị nghĩ bụng không biết mình yêu ai hơn. Chị cố làm cho Henry yên lòng, thầm mong cho công việc của anh ta khấm khá lên và lúc nào cũng bận rộn để quên đi. Anh ta thường ở lại cơ quan làm việc rất khuya.

Vào một ngày thứ hai tháng Mười, tức là sau ngày nghỉ cuối tuần kỷ niệm hai năm họ cưới nhau, Anne nhận được mấy lá thư của một "người bạn" không ký tên, báo cho chị biết là Henry đi với những người phụ nữ khác ở chung quanh Boston, đặc biệt đi với một bà mà trong thư không tiện nói tên. Lúc đầu, Anne đốt ngay những bức thư ấy. Mặc dầu nó làm chị băn khoăn lo lắng, chị vẫn mong đó là lá thư cuối cùng. Chị cũng vẫn không có đủ can đảm nói lên chuyện đó với Henry, nếu như không có việc Henry lại đòi chị bỏ ra nốt số tiền 150000 đôla còn lại của chị.

- Anh sẽ mất hết toàn bộ số vốn liếng nếu như không có được số tiền ấy bây giờ, Anne.

- Nhưng tất cả em chỉ còn có thế thôi, Henry. Nếu bây giờ đưa cho em nữa thì em không còn gì hết.

- Riêng ngôi nhà này thôi đã đáng giá trên hai trăm nghìn. Ngày mai em có thể đem cầm nó được.

- Ngôi nhà này là của William.

- William, William, William. Bao giờ cũng chỉ có William cản trở hết cả công việc của tôi, - Henry quát lên và vùng vằng đi ra.

Mãi đến sau mười hai giờ đêm anh ta mới đi về, tỏ vẻ hối hận, nói là đáng lẽ không nên đụng gì đến tiền của chị nữa, vì dù sao hai người cũng còn rất yêu nhau. Anné nghe anh nói thế rất yên tâm, rồi đến khuya hai người lại làm tình với nhau. Sáng hôm sau, chị ký luôn vào tờ séc 150000 đôla, cố quên đi rằng mình chẳng còn một đồng nào nữa để cho Henry có thể tiếp tục theo đuổi vụ làm ăn của anh ta. Chị cũng hơi lạ thấy yêu cầu của Henry lần này đúng với số tiền còn lại trong gia tài chị được hưởng.

Tháng sau đó, Anne tắt kinh.

Bác sĩ MacKenzie rất lo ngại nhưng không biểu lộ ra mặt. Các cụ bà thì hoảng hốt và lo ra mặt, nhưng Henry thì sung sướng và bảo Anne rằng đó là điều tuyệt diệu nhất trong cả đời anh ta. Anh ta còn đồng ý xây một khoa nhi cho bệnh viện, điều mà trước đây Richard đã định làm khi chưa qua đời.

Khi William nhận được tin đó, anh ngồi suy nghĩ suốt cả buổi tối, ngay cả với Matthew anh cũng không dám nói gì về điều lo ngại. Sáng thứ bảy sau đó, được phép của ông chủ nhà trọ, ông Raglan Nóng Tính, anh đi xe lửa lên Boston. Đến nơi, anh rút một trăm đôla trong quỹ tiết kiệm rồi đến văn phòng luật sư Cohen và Yablons ở phố Jefferson. Ông Thomas Cohen, một người cao lớn, xương xương và có chiếc cằm bạnh, rất ngạc nhiên thấy William bước vào văn phòng ông ta.

- Tôi chưa bao giờ tiếp một người mười sáu tuổi như thế này, - ông Cohen nói. - Với tôi thì chuyện này là rất mới đây.

Ông ta ngập ngừng nói: – Ông Kane. – Ông ta thấy nói "ông Kane" nó ngường ngượng thế nào ấy.

- Cha tôi, - William nói, - là một người rất khâm phục những thành tựu của dân tộc Hibru và đặc biệt quý trọng hãng của ông vì ông đứng ra bênh vực cho đối thủ của cha tôi. Tôi có nghe cha tôi và ông Lloyd nhắc đến tên ông rất nhiều lần. Vì vậy mà hôm nay tôi tìm đến ông, chứ không phải ông tìm tôi. Như vậy ông đủ tin được chưa?

Ông Cohen lập tức gạt bỏ chuyện tuổi của William sang một bên.

- Đúng thế, đúng thế. Tôi nghĩ là phải coi con trai của Richard Kane như một người ngoại lệ. Nào, bây giờ tôi có thể giúp anh được gì đây?

- Tôi muốn được ông trả lời cho tôi ba câu hỏi, thưa ông Cohen. Một là, tôi muốn biết nếu mẹ tôi, tức bà Henry Osborne, đẻ ra một đứa con, dù là trai hay gái, thì đứa con đó có quyền hợp pháp gì đối với gia tài ủy thác của gia đình Kane hay không. Hai là, tôi có nghĩa vụ gì về mặt pháp lý với ông Henry Osborne chỉ vì ông ấy lấy mẹ tôi hay không? Và ba là, đến tuổi nào thì tôi còn quyền đòi ông Osborne phải rời khỏi ngôi nhà của tôi trên quảng trường Luisburd ở Boston?

Ngòi bút của ông Cohen chạy rất nhanh trên mảnh giấy để trước mặt, làm bắn cả mấy giọt mực xanh lên mặt bàn vốn đã có nhiều vết mực rồi.

William đặt một trăm đôla lên mặt bàn. Ông luật sư sửng sốt nhưng vẫn cầm đồng tiền lên đếm.

- Xin ông dùng tiền cho thận trọng, thưa ông Cohen. Lúc ra trường Harvard, tôi sẽ cần đến một luật sư giỏi .

- Anh đã được nhận vào trường Harvard rồi ư? Tôi xin chúc mừng. Tôi hy vọng con trai tôi cũng sẽ được vào đó.

- Không, tôi chưa vào, nhưng trong hai năm nữa tôi sẽ vào. Một tuần nữa tôi sẽ trở lại Boston, thưa ông Cohen. Nếu trong đời tôi còn nghe thấy ai nói đến chuyện này ngoài ông ra, thì coi như quan hệ giữa ông với tôi chấm dứt tại đây. Xin chào ông.

Lẽ ra Thomas Cohen cũng phải chào lại, nhưng ông chưa kịp thốt ra lời nào thì William đã ra ngoài và cánh cửa đã khép sau lưng anh rồi.

Bảy ngày sau, William trở lại văn phòng luật sư Cohen và Yablons.

- A, chào ông Kane, - Thomas Cohen nói - rất mừng gặp lại ông. Ông uống cà phê chứ?

- Không ạ, xin cảm ơn ông.

- Tôi cho người đi mua Coca-cola về nhé?

Mặt William phớt tỉnh.

- Thôi ta làm việc vậy, - ông Cohen nói với vẻ hơi lúng túng. – Ông Kane, chúng tôi đã cho đi điều tra với sự giúp đỡ của một số người. Những câu hỏi của ông nếu ra không hoàn toàn thuộc về lĩnh vực kinh viện. Tôi nghĩ là có thể có được những câu trả lời chắc chắn cho tất cả những câu hỏi ông nêu ra. Ông hỏi nếu như đứa con mà mẹ ông đẻ ra cho ông Osborne thì đứa con đó có được quyền hưởng gì tài sản của họ Kane hay không, hay nói đúng hơn là tài sản được ủy thác do cha ông để lại. Câu trả lời đơn giản là không, nhưng cố nhiên bà Osborne vẫn có thể để một phần trong số năm trăm nghìn đôla do cha ông để lại cho bà và bà muốn đem nó cho ai thì tùy.

Ông Cohen nhìn lên.

- Tuy nhiên, ông Kane ạ, có lẽ ông cũng muốn biết rằng mẹ ông đã rút hết toàn bộ số tiền năm trăm nghìn trong tài khoản ấy của bà ở ngân hàng Kane và Cabot trong mười tám tháng qua rồi, nhưng chúng tôi thì không sao tìm ra được là số tiền ấy đã được dùng như thế nào. Rất có thể là bà ấy đã quyết định gửi số tiền ấy sang một ngân hàng khác.

William tỏ vẻ khó chịu. Đó là dấu hiệu đầu tiên của sự mất bình tĩnh mà Thomas Cohen thấy được ở ânh.

- Không có lý gì bà ấy làm thế, - William nói. - Số tiền đó chỉ có thể vào tay một người.

Ông luật sư ngồi im chờ anh nói nữa. Nhưng William chững lại không nói gì thêm. Ông Cohen lại tiếp tục.

- Trả lời cho câu hỏi thứ hai của ông: ông không có bất cứ nghĩa vụ gì, dù là cá nhân hay pháp nhân, đối với ông Henry Osborne hết. Theo những điều khoản trong di chúc của cha ông, thì mẹ ông là người được ủy thác quản lý nhà đất cùng với ông Alan Lloyd và bà John Preston là những cha mẹ đỡ đầu hãy còn sống, cho đến khi ông hai mươi mốt tuổi.

Thomas Cohen lại nhìn lên, William không biểu lộ gì trên mặt. Ông Cohen biết như vậy là cứ tiếp tục nói nốt.

- Và thứ ba là: Ông không thể nào đuổi được ông Osborne ra khỏi ngôi nhà trên đồi Beacon chừng nào ông ta vẫn còn lấy mẹ ông và tiếp tục sống với bà ấy. Khi nào mẹ ông chết thì ngôi nhà này tự nhiên thuộc về ông. Đến lúc đó, nếu ông ta còn sống, thì ông có thể yêu cầu ông ta đi được. Tôi nghĩ như vậy là đã trả lời được hết những câu hỏi của ông rồi đó, ông Kane.

- Xin cám ơn ông, ông Cohen, - William nói. – Tôi cảm tạ ông về hiệu quả và sự kín đáo của ông trong vấn đề này. Bây giờ, xin ông cho biết tôi phải trả ông bao nhiêu tiền?

- Một trăm đôla thì không hoàn toàn bao được hết công việc này, ông Kane ạ. Nhưng chúng tôi tin ở tương lai của ông, và...

- Tôi không muốn mang ơn đối với bất cứ ai, thưa ông Cohen. Xin ông cứ coi tôi như một người mà không bao giờ ông còn phải bận tâm đến nữa. Như vậy tôi còn thiếu bao nhiêu, xin ông cứ cho biết.

Ông Cohen suy nghĩ một lúc rồi nói:

- Nếu vậy thì chúng tôi tính ông hai trăm hai mươi đôla.

William rút trong túi ra sáu tờ bạc 20 đôla đưa cho ông Cohen. Lần này, ông luật sư không đếm nữa.

- Tôi rất cảm ơn ông giúp đỡ, thưa ông Cohen. Tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ còn gặp nhau nữa. Xin chào ông.

- Xin chào ông Kane. Tôi có thể nói mặc dầu chưa có vinh dự được gặp người cha kính yêu của ông trước đây, nhưng được làm việc với ông thì tôi tin tưởng như đã có vinh dự đó rồi.

William mỉm cười và dịu giọng xuống.

- Xin cảm ơn ông.

Để chuẩn bị cho đứa trẻ ra đời, Anne lúc nào cũng bận rộn. Chị thấy dễ mệt và cứ làm gì một chút là lại nghỉ. Mỗi khi chị hỏi Henry xem làm ăn thế nào, anh ta đều có sẵn những câu trả lời có lý để làm chị yên tâm mọi thứ đâu vào đấy, nhưng không cho chị biết bất cứ một chi tiết cụ thể nào.

Rồi đến một buổi sáng lại có những bức thư nặc danh gửi đến. Lần này, thư viết rõ ràng tên tuổi những người đàn bà và cả những chỗ mà họ đi với Henry. Anne đốt ngay những thư đó mà không cần nhớ những chỗ nào. Chị không muốn tin là chồng chị lại có thể không trung thành trong lúc chị mang thai như vậy. Hẳn là có ai đó ghen ghét gì đó đối với Henry nên họ phải bịa ra thế thôi.

Những thư nặc danh ấy vẫn tiếp tục gửi đến, đôi khi có những tên mới được nêu lên. Anne vẫn cứ hủy đi, nhưng bây giờ nó bắt đầu khiến chị phải bận tâm. Chị muốn đem chuyện đó tâm sự nhưng không nghĩ ra được có thể nói với ai. Các cụ bà mà nghe thấy chuyện này hẳn sẽ hoảng loạn cả lên, mà vốn các cụ đã sẵn có thành kiến với Henry rồi. Alan Lloyd ở ngân hàng thì không thể hiểu được chuyện này vì ông ta chả lấy vợ bao giờ, còn William thì lại quá trẻ. Không có ai thích hợp để nói chuyện. Anne nghĩ đến việc đi hỏi một bác sĩ khoa tâm thần sau khi nghe một bài giảng của Sigmund Freud (nhà sáng lập khoa phân tích tâm lý, người Áo 1865-1939), nhưng rồi chị lại nghĩ một người của dòng họ Cabot không bao giờ có thể đem chuyện riêng gia đình ra nói với người hoàn toàn xa lạ được.

Vấn đề cuối cùng đã đi đến một tình hình mà Anne không tính trước được. Trong một buổi sáng thứ hai, chị nhận được ba lá thư. Một lá thư như mọi khi William gửi về đề cho bà Richard Kane và hỏi xem anh có thể đi nghỉ hè với bạn Matthew Lester được nữa không. Một thư nặc danh nữa nói Henry đang có chuyện dan díu với Milly Preston. Còn lá thư thứ ba là của Alan Lloyd, chủ tịch ngân hàng, viết nhắn chị gọi điện thoại và hẹn ngày cho ông ta gặp có chút việc. Anne mệt mỏi ngồi xuống đọc lại một cách khiến chị nhói đau. Chị lấy làm buồn thấy con muốn đi nghỉ hè với Matthew Lester hơn. Từ khi chị tái giá lấy Henry, hai mẹ con mỗi ngày một cách biệt. Bức thư nặc danh nói Henry đang dan díu với người bạn thân nhất của chị là điều chị khó có thể không biết đến. Anne không thể không nhớ rằng chính Milly là người đã giới thiệu chị với Henry, và cũng là mẹ đỡ đầu của William. Bức thư thứ ba của Alan Lloyd, hiện nay đã là chủ tịch của ngân hàng Kane và Cabot sau khi Richard qua đời, khiến chị rất phân vân. Bức thư duy nhất chị nhận được của Alan trước đây là thư chia buồn về cái chết của Richard. Chị ngờ rằng thư này chỉ có thể báo tin buồn hơn nữa mà thôi.

Chị gọi điện thoại cho ngân hàng. Tổng đài chuyển cuộc gọi ngay cho chị.

- Alan, ông muốn gặp tôi phải không?

- Vâng, chị ạ. Tôi muốn trao đổi một tí. Chị thấy lúc nào tiện?

- Có phải tin dữ không đấy? – Anne hỏi.

- Không hẳn đâu, nhưng tôi không muốn nói trên điện thoại. Không có điều gì khiến chị phải lo đâu. Chị có thể ăn trưa với tôi được không?

- Được chứ, Alan.

- Vậy ta sẽ gặp ở nhà hàng Ritz vào một giờ. Chốc nữa gặp lại chị nhé.

Một giờ. Từ đây đến lúc đó chỉ còn ba tiếng. Óc chị nghĩ luẩn quẩn từ Alan đến William đến Henry nhưng rồi dừng lại ở Milly Preston. Có thể là thật chăng? Anne quyết định đi tắm nước nóng ấm một lúc lâu rồi mặc bộ áo mới vào người. Nhưng không thay đổi gì được. Chị cảm thấy mình đã bắt đầu bệu lên. Da dẻ, tay chân trước đây thon thả lịch sự là thế, bây giờ đã trở nên phục phịch và có những nốt tím đỏ. Chị lo sợ không biết được khi đẻ thì người chị sẽ ra thế nào nữa. Chị nhìn mình trong gương thở dài và cố sửa sang lại bề ngoài cho dễ trông hơn một chút.

- Trông chị xôm lắm đấy, Anne. Giá như tôi không phải là một anh già độc thân thì tôi sẽ tán tỉnh chị ngay mà không hề xấu hổ chút nào, - nhà ngân hàng có bộ tóc trắng nói và hôn vào hai bên má chị, làm như một ông tướng người Pháp. Ông ta đưa chị vào ngôi ở bàn mình.

Chiếc bàn trong góc phòng ấy là chỗ chuyên dành cho ông chủ tịch ngân hàng Kane và Cabot khi nào ông không ăn trưa ở ngay cơ quan. Trước kia Richard đã làm như vậy và bây giờ đến lượt Alan Lloyd. Đây là lần đầu Anne ngồi ăn ở bàn với một người khác. Những người phục vụ nháo nhác chạy ra chạy vào nhưng không làm gì ảnh hưởng đến hai người nói chuyện.

- Còn bao lâu nữa chị đẻ, Anne?

- Ồ, phải còn ba tháng nữa.

- Tôi hy vọng là không rắc rối gì. Tôi nhớ là...

- Bác sĩ vẫn gặp tôi mỗi tuần một lần và cứ nhăn nhó về chuyện huyết áp, nhưng tôi thì không lo quá đáng như thế.

- À thế thì tôi mừng cho chị, - ông ta nói và sờ vào tay chị như một bậc cha chú. – Nhưng tôi thấy chị có vẻ mệt mỏi đấy, chị đứng có làm cái gì quá nhiều.

Alan Lloyd khẽ giơ tay ra hiệu. Một người hầu bàn đến ngay bên cạnh và hai người gọi món ăn.

- Anne này, tôi muốn chị cho một vài lời khuyên.

Anne rất biết Alan Lloyd là người có tài ngoại giao. Chẳng phải ông ta ngồi ăn trưa với chị để mà nghe chị khuyên đâu. Hẳn là ông ta đến để khuyên chị điều gì đó thì đúng hơn.

- Chị có rõ những chương trình nhà đất của Henry tiến hành như thế nào không?

- Không, tôi không biết, - Anne đáp. – Tôi chả bao giờ muốn dính đến những công việc làm ăn của Henry cả. Ông cũng nhớ đấy, tôi không dính gì đến những hoạt động của Richard. Nhưng sao? Có chuyện gì đáng phải lo ngại phải không?

- Không, không, chúng tôi ở ngân hàng thì không biết là có chuyện gì đáng lo cả. Trái lại, chúng tôi biết là Henry đang có yêu cầu ký kết một hợp đồng lớn với thành phố để xây dựng một tổ hợp bệnh viện mới. Tôi hỏi chị thế là vì anh ấy có đến ngân hàng vay một khoản năm trăm nghìn đôla.

Anne choáng người.

- Tôi biết là chuyện đó làm chị ngạc nhiên, - ông ta nói. – Chúng tôi biết là trong tài khoản dự trữ của chị còn khoảng dưới hai chục nghìn, thế mà số tiền rút ra theo tên chị thì đã quá mười bảy nghìn rồi.

Anne bỏ thìa súp đang ăn xuống hoảng hốt. Chị không ngờ tình hình đến mức như vậy. Alan có thể thấy rõ là chị đang hoang mang, thất vọng.

- Nhưng bữa ăn này không phải là để nói chuyện đó, Anne, - ông ta vội tiếp ngay. – Ngân hàng sẵn sàng chịu hụt tiền với chị cho đến hết đời. Tiền ủy thác của William mỗi năm đã có lãi suất đến hơn một triệu đôla, vì vậy tiền rút quá mức của chị sẽ chẳng có nghĩa gì, ngay cả đến năm trăm nghìn đôla mà Henry yêu cầu cũng không quan trọng nếu như được chị đồng ý, vì chị là người quản lý hợp pháp tài sản của William.

- Tôi không biết là mình còn có quyền gì đối với tài sản ủy tháccủa William cả, - Anne nói.

- Với tổng số tài sản gốc thì không, nhưng về mặt pháp lý mà nói thì lãi suất của nó có thể đầu từ vào bất cứ công trình nào để làm lợi cho William, và cái đó thì thuộc quyền quản lý của chị, của tôi và của Milly Preston với tư cách là cha mẹ đỡ đầu cho đến khi nào William hai mươi mốt tuổi. Bây giờ, với danh nghĩ chủ tịch tài sản ủy thác của William, tôi đề nghị chị chuẩn y cho khoản tiền năm trăm nghìn ấy. Milly đã báo cho tôi biết là chị ấy rất tán thành, như vậy là hai người có hai phiếu thì ý kiến của tôi sẽ không có giá trị nữa.

- Milly Preston đã tán thành rồi ư?

- Rồi. Thế chị ấy chưa nói cho chị biết à?

Anne không trả lời ngay.

- Vậy ý kiến của riêng ông thế nào? – Anne nghĩ một lúc rồi hỏi.

- Tôi thì tôi chưa biết những tài khoản của Henry thế nào, vì anh ta chỉ mới bắt đầu làm việc được mười tám tháng thôi, và anh ta cũng không giao dịch gì với ngân hàng chúng tôi cả. Vì vậy tôi không thể biết được thi chi của anh ta trong năm nay thế nào, và cũng không biết anh ta dự kiến trong năm 1923 sẽ thu về được bao nhiêu. Tôi chỉ biết anh ta xin làm hợp đồng xây dựng bệnh viện mới, và dư luận đồn là anh ta làm thật.

- Ông quỹ trưởng của tôi bao giờ cũng cho tôi biết ngay mỗi khi có chuyện rút những món tiền lớn ở bất cứ tài khoản nào. Tôi không biết chị lấy tiền đó ra làm gì, vả lại đó không phải việc của tôi. Đó là tiền Richard để lại cho chị nên muốn tiêu như thế nào là tùy chị.

- Còn chuyện lãi suất của tài sản ủy thác thì lại là chuyện khác. Nếu chị quyết định rút ra năm trăm nghìn để đầu tư vào cho công ty của Henry thì ngân hàng lúc đó sẽ có bổn phận phải kiểm soát sổ sách của Henry, vì đồng tiền lúc đó được coi như tiền đầu tư trong khuôn khổ tài sản William.Richard không cho những người được ủy thác cáiquyền cho vay, mà chỉ được đầu tư nhân danh William thôi. Tôi đã giải thích tình hình đó cho Henry biết. Nếu anh ta chịu đầu tư theo kiểu như vậy, thì những người được ủy thác sẽ quyết định về tỷ lệ lãi suất thích hợp cho công ty của Henry đối với khoản năm trăm nghìn. Cố nhiên William cũng phải được biết về chuyện chúng ta làm gì với những tiền đó, và cứ mỗi quý cũng phải được báo cáo của ngân hàng như mọi người được ủy thác. Riêng tôi thì tôi chắc chắn rằng sau khi nhận được báo cáo hàng sắp tới, William cũng sẽ có ý kiến riêng của cậu ta về vấn đề này.

- Có lẽ chị cũng thấy lý thú nếu biết rằng kể từ khi cậu ta mười sáu tuổi, William thường vẫn gửi về ngân hàng cho chúng tôi những ý kiến về mỗi khoản đầu tư mà chúng tôi làm. Lúc đầu, tôi chỉ xem thoáng qua những ý kiến ấy thôi, nhưng gần đây tôi nghiên cứu kỹ thì thấy đó là những ý kiến cần được tôn trọng. Tôi nghĩ là sau này khi William có chân trong ban lãnh đạo thì cái ngân hàng Kane và Cabot này đối với cậu có thể quá nhỏ.

- Trước nay tôi chưa từng được ai hỏi ý kiến về tài sản ủy thác của William là sao nhỉ, - Anne buồn bã nói.

- Ôi, chị vẫn đọc những báo cáo của ngân hàng gửi đến vào ngày đầu của mỗi quý đấy chứ, và bây giờ chị cũng có quyền của người được ủy thác để chất vấn về tất cả những khuản đầu tư nào nhân danh William kia mà.

Alan Lloyd rút trong túi ra một mảnh giấy nhưng không nói gì, chờ cho người hầu bàn rót rượu vang "Những đêm St. Georges" vào cốc đã. Anh bước ra khỏi một quãng rồi Alan nói tiếp.

- William có khoảng trên hai mươi mốt triệu tiền được ngân hàng đem đầu tư với lãi suất 4,5 phần trăm cho đến khi cậu ta đầy hai mươi mốt tuổi. Cứ mỗi quý chúng tôi lại đem lãi suất tái đầu tư vào chứng khoán và cổ phiếu. Trước nay chúng tôi chưa hề đầu tư vào các công ty tư nhân. Anne, chị sẽ ngạc nhiên nghe nói là bây giờ chúng tôi thực hiện tái đầu tư trên cơ sở mỗi bên quyết định một nửa, tức là năm mươi phần trăm theo ý kiến do William đưa ra. Hiện nay, chúng tôi phát triển hơn William một chút. Tony Simmons, giám đốc phụ trách đầu tư của ngân hàng, đang rất lấy làm khoái vì William hứa là cứ năm nào nếu anh ta vượt lên được cậu ta mười phần trăm là cậu ta sẽ mất cho một chiếc xe Rollss – Royce.

- Nhưng nếu như William thua cuộc thì thử hỏi nó lấy đâu ra mười nghìn đôla trả cho chiếc xe Rolls – Royce ấy, vì nó không được phép đụng đến tiền ủy thác nếu chưa đến hai mươi mốt tuổi.

- Tôi chịu không biết trả lời cho câu hỏi đó như thế nào, Anne. Tôi chỉ biết cậu ta rất hãnh diện đến thẳng chỗ chúng tôi rồi, và nếu như không thực hiện được thì cậu ta đã chẳng dám đánh cuộc như vậy. Chị đã có dịp nào xem cuốn sổ của cậu ta bao giờ chưa?

- Cuốn sổ do các cụ tặng nó ấy ư?

Alan Lloyd gật đầu.

- Không, từ khi nó đi học xa tôi không xem đến nữa. Mà tôi cũng không biết có còn không.

- Còn đấy, - ông Lloyd nói, - Tôi sẵn sàng mất một tháng lương nếu biết được hiện nay cậu ta gửi ngân hàng được bao nhiêu. Tôi chắc chị cũng biết hiện nay cậu ta gửi tiền vào ngân hàng Lester ở New York chứ không gửi chúng tôi nữa. Tôi cũng tin chắc rằng ở đó họ không có ngoại lệ gì cho cậu ta, dù biết đó là con của Richard Kane.

- Con Richard Kane, - Anne nói.

- Xin lỗi. Tôi không có ý muốn tỏ ra vô lễ đâu, Anne.

- Không, không, rõ ràng nó là con của Richard Kane rồi. Ông biết không, ngay từ khi nó mười hai tuổi, nó đã không thèm hỏi tôi lấy một xu. - Chị ngừng lại. – Tôi nghĩ có lẽ tôi phải báo trước để ông biết rằng nếu nó nghe nói phải đầu tư năm trăm nghìn đôla ủy thác của nó vào công ty của Henry thì nó sẽ không sẵn sàng chấp nhận đâu.

- Sao, hai người không hợp nhau à? – Alan nhíu lông mày hỏi.

- Có lẽ không. – Anne đáp.

- Thế thì đáng tiếc. Nếu William thực sự phản đối thì việc chuyển khoản sẽ rất phức tạp. Mặc dầu cậu ta không có quyền đối với những người được ủy thác trước khi đầy hai mươi mốt tuổi, nhưng chúng tôi cũng có những nguồn tin cho biết William tìm đến một luật sư để hỏi xem tư thế hợp pháp của cậu ta thế nào.

- Trời ơi, - Anne thốt lên, - ông nói thật đấy chứ?

- Vâng, tôi nói nghiêm túc đấy. Nhưng chị không có gì phải lo ngại hết. Nói thật ra, chúng tôi ở ngân hàng nghe nói thế cũng rất lạ, nhưng sau khi hiểu ra nguồn gốc việc điều tra này, thì chúng tôi cũng đã đánh tin cho họ biết là chúng tôi sẽ giữ kín. Rõ ràng là vì một lý do riêng nào đó, cậu ta không muốn trực tiếp hỏi chúng tôi.

- Trời đất, - Anne lại nói, - không biết nó ba mươi tuổi thì rồi sẽ thế nào nữa.

- Điều đó còn tùy, - Alan nói, - còn tùy ở chỗ cậu ta có may mắn để yêu được một người nào đáng yêu như chị hay không. Trước kia, sức mạnh của Richard cũng ở đó mà ra.

- Alan, ông già mà khéo nịnh lắm nhé. Chúng ta có thể gác lại vấn đề năm trăm nghìn cho đến khi nào tôi nói chuyện với Henry được chăng?

- Cố nhiên được chứ. Tôi đã bảo gặp chị là để xin mấy lời khuyên kia mà.

Alan gọi cà phê và thân mật cầm lấy tay Anne.

- Chị nhớ là phải cẩn thận với sức khỏe của mình đấy nhé. Chị còn quan trọng hơn nhiều so với số phận của mấy nghìn đôla đấy.

Về đến nhà, Anne lập tức thấy lo ngại về hai bức thư chị nhận được lúc sang. Sau khi đã nghe Alan Lloyd nói tất cả về đứa con mình, bây giờ chị thấy tốt hơn hết là đồng ý để William cùng đi nghỉ hè sắp tới với Matthew Lester.

Cái khả năng Henry và Milly dan díu với nhau là một vấn đề mà chị thấy không dễ dàng tìm ra được giải pháp gì. Chị ngồi trong chiếc ghế da màu nâu, chiếc ghế mà xưa kia Richard rất thích, nhìn ra bên ngoài cửa sổ có một dải đất trồng những bông hồng trắng và đỏ, chỉ nghĩ ngợi mà như không nhìn thấy gì. Anne thường mất rất nhiều thời gian mới đi đến một quyết định gì, nhưng đã quyết định rồi thì chị không mấy khi đảo ngược lại nữa.

Henry về nhà sơm hơn mọi tối và chị không thể không tự hỏi tại sao? Nhưng rồi chị hiểu ra ngay.

- Anh nghe nói hôm nay em ăn trưa với Alan Lloyd phải không? – Anh ta vừa bước vào phòng ăn đã hỏi ngay.

- Ai bảo anh thế, Henry?

- Anh có gián điệp khắp nơi, - anh ta vừa nói vừa cười.

- Đúng đấy, Alan mời em ăn trưa. Ông ấy muốn biết em nghĩ thế nào về việc cho phép ngân hàng đầu tư số tiền ủy thác năm trăm nghìn đôla của William vào công ty của anh.

- Vậy em nói thế nào? – Henry hỏi lại, cố làm như không lo lắng gì.

- Em bảo ông ấy là để bàn với anh xem đã. Nhưng tại sao anh không hề nói cho em biết là anh hỏi ngân hàng? Bây giờ em mới nghe Alan nói mà ngớ cả người ra.

- Anh tưởng là em không quan tâm gì đến chuyện kinh doanh, và anh ngẫu nhiên mà biết được rằng em, Alan Lloyd và Milly Preston đều là những người được ủy thác và mỗi người được một phiếu về quyết định với tiền đầu tư của William.

- Làm sao anh biết được, - Anne hỏi, - trong khi chính em không biết gì về chuyện đó?

- Em yêu quý, em không đọc mấy bản tin nhỏ kia. Anh thì cũng mãi đến gần đây mới đọc. Và cũng ngẫu nhiên mà Milly Preston cho anh biết những chi tiết về chuyện ủy thác này. Không những cô ta là mẹ đỡ đầu của William mà còn là một người được ủy thác nữa. Cô ta cũng ngạc nhiên có người nói mới biết được. Bây giờ ta thử xem có thể chuyển tình thế sang chỗ có lợi cho mình được không. Milly nói nếu em đồng ý thì cô ta cũng ủng hộ anh.

Chỉ nhắc đến tên Milly thôi cũng làm Anne thấy khó chịu.

- Em không nghĩ là chúng ta phải đụng đến tiền của William, - chị nói. – Em chưa bao giờ trông vào cái tài sản ủy thác ấy cả. Cứ để mặc nó đấy cho ngân hàng tiếp tục tái đầu tư tiền lãi như trước nay họ vẫn làm là yên chuyện.

- Tại sao lại có thể thỏa mãn với chương trình đầu tư của ngân hàng trong khi anh đang có cơ hội làm ăn với thành phố về hợp đồng xây dựng bệnh viện? William sẽ thu được khối tiền ở công ty của anh. Chắc là Alan cũng tán thành thế chứ?

- Em không biết chắc ông ta nghĩ thế nào. Ông ta vẫn kín đáo như mọi khi, mặc dầu ông ta cũng bảo hợp đồng này rất có lợi và anh có thể có cơ hội làm ăn được.

- Đúng thế đấy.

- Nhưng ông ấy nói là cần phải xem sổ sách của anh trước khi đi đến kết luận dứt khoát. Ông ấy còn hỏi xem khoản năm trăm nghìn của em bây giờ đi đâu rồi.

- Khoản năm trăm nghìn của chúng ta, em yêu quý ạ, tiến triển rất tốt, và rồi em sẽ thấy. Sáng mai anh sẽ gửi sổ sách sang cho Alan để ông ta đích thân kiểm tra. Có thể đảm bảo với em rằng ông ta sẽ có ấn tượng rất tốt.

- Em cũng hy vọng thế Henry, vì lợi ích của cả hai chúng ta, - Anne nói. – Hãy để xem ý kiến của ông ta thế nào đã. Anh biết là trước nay em vẫn rất tin ở Alan.

- Nhưng không tin anh, - Henry nói.

- Ồ không Henry, em không có ý...

- Anh đùa thế thôi. Anh chắc là em phải tin chồng mình chứ.

Anne bỗng thấy trong người trào lên muốn khóc. Trước đây với Richard thì chị cố nén. Nhưng với Henry chị không cầm được nữa.

- Em hy vọng là có thể tin được. Trước nay em không bao giờ phải lo đến tiền bạc, thế mà bây giờ thì lại phải bận tâm quá sức. Bụng mang dạ chửa thế này, em càng thấy mệt và chán nản quá.

Thái độ của Henry nhanh chóng chuyển sang âu yếm.

- Anh biết, em yêu quý. Và anh cũng không muốn em phải bận tâm gì về những chuyện kinh doanh làm ăn ấy. Anh thì bây giờ cũng có thể giải quyết được chuyện đó. Thôi, em nên đi nằm sớm đi, anh sẽ mang bữa tối lên cho em bằng một cái khay. Như vậy, anh có thể tranh thủ đến cơ quan chuẩn bị hồ sơ để sang mai gửi sang cho Alan xem.

Anne nghe theo. Nhưng sau khi Henry đi rồi, chị dù mệt cũng chưa có ý muốn ngủ ngay. Chị còn ngôi trên giường đọc truyện của Sinclair Lewis (nhà văn, nhà soạn kịch kiêm nhà báo của Mỹ, đoạt giải Nobel về văn học năm 1930). Chị biết là Henry sẽ mất mười lăm phút để đi đến cơ quan. Chị chờ cho đủ hai mươi phút mớiquay điện thoại gọi đến đó. Chuông điện thoại reo mãi đến gần một phút vẫn không có ai trả lời.

Hai mươi phút sau, Anne lại gọi lần nữa. Vẫn không có ai trả lời. Rồi hai mươi phút sau đó, chị lại gọi. Hoàn toàn không có ai. Câu nói của Henry lúc trước về chuyện tin cứ văng vẳng trong đầu chị một cách cay đắng.

Mãi đến sau mười hai giờ đêm Henry mới về nhà. Anh ta giật mình thấy Anne vẫn còn ngồi trên giường và đang đọc truyện của Sinclair Lewis.

- Em không phải thức chờ anh làm gì.

Anh ta hôn chị nồng nhiệt. Anne thấy như ngửi thấy mùi nước hoa... hay chị quá nghi ngờ mà tưởng thế.

- Anh phải ngồi lại lâu hơn dự kiến. Anh không thể tìm ra được hết những thứ giấy tờ Alan cần đến. Cái cô thư ký chết tiệt lại nhét giấy tờ vào hồ sơ mà bên ngoài viết chữ khác.

- Ngồi một mình ở cơ quan vào giữa đêm như thế thì thật là buồn. – Anne nói.

- Ồ, nếu có việc gì làm thì cũng không đến nỗi nào, - Henry nói và trèo ngay lên giường nằm sát vào lưng Anne, - Ít ra cũng có cái hay là làm được rất nhiều việc mà không bị điện thoại gọi đến lien tục khiến mình phải bỏ dở giữa chừng.

Mấy phút sau anh ta ngủ luôn. Còn Anne vẫn thức. Bây giờ chị quyết tâm thực hiện quyết định hồi chiều của chị.

Sáng hôm sau, ăn sang xong rồi và Henry đã đi làm việc. Anne không còn biết chắc là Henry đi làm hay đi đâu nữa. Chị ngồi đọc tờ báo Toàn cầu của Boston và để ý tìm trong những chỗ quảng cáo nhỏ. Rồi chị nhấc điện thoại lên hẹn đến một nơi ở phía Nam Boston trước mười hai giờ trưa. Đến đây, Anne kinh ngạc thấy những nhà cửa ở nơi này rất bẩn. Chị chưa từng đặt chân đến khu miền Nam của thành phố này bao giờ. Nếu như bình thường không có chuyện gì thì có lẽ cả đời chị không biết là trong thành phố có những chỗ nào thế này.

Qua chiếc cầu thang bằng gỗ vứt đầy những que diêm, đầu mẩu thuốc lá và những thứ rác rưởi khác, chị đến trước một cái cửa phía trên có biển đề một hàng chữ to: GLEN RICARDO, và bên dưới đó là THÁM TỬ TƯ (CÓ ĐĂNG KÝ TẠI TÒA ÁN BANG MASSACHUSETTS). Anne khẽ gõ cửa.

- Mời vào, cửa mở đấy, - một giọng nói ồm ồm ở bên trong vang ra.

Anne bước vào. Người đàn ông ngồi đằng sau bàn giấy, hai chân gác lên mặt bàn, tay đang cầm xem một thứ gì đó như tạp chí dành cho con gái. Anh ta ngậm điếu xì gà ở đầu môi như sắp rơi ra ngoài. Anh ta ngước lên nhìn thấy Anne. Lần đầu tiên anh thấy một người mặc áo lông sang trọng bước vào bàn giấy này.

Anh ta vội đứng dậy chào.

- Tên tôi là Glen Ricardo. – Anh ta nghiêng người ra phía trước bàn và giơ ra một bàn tay lông lá vàng khè vì thuốc lá. Anne bắt tay bụng lấy làm may mình đeo găng.

- Bà có hẹn đấy chứ? – Ricardo hỏi theo thói quen và không cần biết là khách có hẹn hay không. Trông thấy chiếc áo lông sang trọng thế là anh ta thấy mình đã phải sẵn sang tiếp rồi.

- Tôi đã hẹn trước rồi.

- A, vậy ra là bà Osborne. Để tôi cởi chiếc áo khoác cho bà nhé?

- Tôi vẫn khoác áo được chứ, - Anne nói, vì nghĩ cởi ra thì không biết Ricardo treo nó vào đâu hay chỉ vứt trên sàn.

- Dạ được, tất nhiên, tất nhiên.

Anne kín đáo nhìn Ricardo trong khi anh ta ngồi xuống châm một điếu xì gà khác. Chị không quan tâm đến bộ quần áo màu xanh sáng hoặc chiếc ca vát sặc sỡ hoặc mớ tóc đầy bóng nhẫy của anh ta. Chị chỉ hơi ngại không biết mình có nên ngồi ở chỗ khác hơn là ở đây không.

- Nào, bà có vấn đề gì? – Ricardo vừa nói vừa gọt chiếc bút chì đã ngắn ngủn bằng một lưỡi dao cùn. Những mảnh gọt bắn vung vãi khắp nơi mà không vào sọt rác.- Bà mất chó, vàng bạc, hay chồng?

- Trước hết, ông Ricardo, tôi muốn được ông đảm bảo là hoàn toàn giữ kín, - Anne nói.

- Vâng, tất nhiên, tất nhiên, điều đó nhất định là như thế rồi, - Richard nói và vẫn gọt bút chì, không nhìn lên.

- Dù sao tôi cũng phải nói trước như vậy.

- Vâng, tất nhiên, tất nhiên.

Anne nghĩ bụng nếu anh còn nói "tất nhiên" nữa, chị sẽ phải kêu to lên cho anh ta thấy. Chị hít một hơi thở dài.

- Tôi nhận được một số thư nặc danh nói chồng tôi đang có chuyện dan díu với một người bạn thân của tôi. Tôi muốn biết ai là người đã gửi những bức thư đó, và những lời buộc tội ấy có thật hay không.

Lần đâu tiên nói ra được những cảm giác lo sợ ấy, Anne thấy nhẹ người. Ricardo nhìn chị một cách thản nhiên, coi như anh ta được nghe những chuyện này không phải một lần. Anh ta giơ tay lên vuốt mớ tóc đen và dài.

- Rồi, - anh ta nói. – Ông chồng thì dễ thôi. Nhưng ai gửi những bức thư đó mới là chuyện khó. Tất nhiên bà vẫn giữ những bức thư đó chứ?

- Tôi chỉ giữ bức mới đây nhất, - Anne nói.

Glen Ricardo buông một tiếng thở dài và chìa tay ra phía trước bàn. Anne ngần ngại lấy bức thư trong ví ra chưa đưa vội.

- Tôi biết là bà đang nghĩ gì, thưa bà Osborne. Nhưng tôi không thể làm việc này nếu có một tay bị trói phía sau.

- Tất nhiên, ông Ricardo, xin lỗi ông.

Anne không ngờ là chính mình cũng nói "tất nhiên". Ricardo đọc đi đọc lại bức thư ba lần rồi nói:

- Tất cả những bức thư kia đều đánh trên một loại giấy này và gửi trong cùng một phong bì như thế này chứ?

- Vâng, có lẽ là như thế, - Anne nói. – Tôi nhớ là như thế.

- Vậy nếu nhận được bức thư sau, xin bà...

- Ông tin chắc là sẽ có thư nữa ư? – Anne ngắt lời.

- Tất nhiên. Xin bà cứ giữ cho. Bây giờ, xin bà cho biết những chi tiết về chồng bà. Bà có tấm ảnh đó không ạ?

- Vâng có. - Một lần nữa chị lại ngập ngừng.

- Tôi chỉ muốn nhìn qua khuôn mặt, để khỏi phải mất thì giờ chạy theo người khác, có phải thế không ạ? – Ricardo nói.

Anne lại mở ví lấy đưa anh ta xem bức ảnh đã sờn cạnh chụp Henry trong bộ quân phục trung úy.

- Ông Osborne trông đẹp trai đấy, - nhà thám tử nói. - Tấm ảnh này chụp bây giờ ạ?

- Có lẽ cách đây chừng năm năm, - Anne nói. - Hồi ông ta ở trong quân đội thì tôi chưa quen.

Ricardo hỏi Anne thêm vài phút nữa về những họat động đi lại hàng ngày của Henry. Chị ngạc nhiên, đến bây giờ mới nhận ra là mình hiểu biết rất ít về quá khứ và những gì là thói quen của Henry.

- Như thế thì không có gì nhiều lắm để giúp cho công việc của tôi được, thưa bà Osborne, nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức. Tiền chi phía cho việc này, chúng tôi tính mỗi ngày mười đôla cộng với những khoản phục vụ cho công việc. Chúng tôi sẽ có báo cáo viết gửi đến cho bà mỗi tuần một lần. Xin bà trả trước cho hai tuần. – Anh ta chìa tay ra phía trước bàn một cách rất tự nhiên.

Anne mở ví lấy ra hai tờ 100 đôla đưa cho Ricardo. Anh ta nhìn kỹ những tờ bạc như không biết là có nhân vật nào nổi danh của nước Mỹ được in trên đó. Benjamin Franklin trừng trừng nhìn vào Ricardo, rõ ràng là đã lâu nay anh không được "nhìn thấy" con người vĩ đại ấy. Ricardo trả lại cho Anne 60 đôla bằng những tờ bạc năm đô la nhàu và bẩn.

- Thế là ông làm việc cả những ngày chủ nhật, phải không ạ, - Anne tính nhẩm trong đầu và hỏi anh ta thế.

- Tất nhiên, - anh ta đáp. – Cũng ngày này tuần sau tính từ thứ năm có được không, thưa bà Osborne?

- Tất nhiên, - Anne đáp và vội bỏ đi ngay để khỏi phải bắt tay người đàn ông ngồi sau bàn giấy đó.

Khi William đọc báo cáo hàng quý của ngân hàng Kane và Cabot thấy nói Henry Osborne yêu cầu 500000 để đầu tư riêng, anh bỗng thấy ngày hôm đó rất xúi quẩy. Lần đầu tiên sau bốn năm học ở St. Paul, anh bị đứng thứ nhì về toán. Matthew Lester là người thắng anh, đã hỏi xem có phải anh ốm không.

Tối hôm đó, William gọi điện thoại về nhà Alan Lloyd. Ông chủ tịch ngân hàng Kane và Cabot không lấy làm ngạc nhiên khi anh gọi đến, vì ông ta được nghe Anne nói về quan hệ không vui vẻ giữa con trai chị với Henry.

- Chào cậu William, cậu khỏe không, tình hình ở St. Paul thế nào?

- Cảm ơn ông, mọi thứ ở đây đều tốt đẹp, nhưng tôi gọi điện là về chuyện khác.

Cậu ta khôn khéo thật, Alan nghĩ bụng.

- Ồ, vậy à. Tôi giúp cậu được việc gì đây? – ông bình tĩnh nói.

- Tôi muốn gặp vào chiều mai. Vâng, chỉ có ngày đó tôi mới ra khỏi trường được. Tôi xin gặp ông bất cứ lúc nào và ở đâu cũng được. – William nói như kiểu về phía anh có sự nhân nhượng. - Dù thế nào xin ông cũng đừng cho mẹ tôi biết là tôi có gặp ông.

- William, thế này nhé... – Alan Lloyd bắt đầu.

Giọng William bỗng cứng rắn hơn.

- Có lẽ cũng không cần phải nhắc để ông nhớ rằng cái khoản đầu tư tiền ủy thác cho ông bố dượng của tôi ấy, tuy không hẳn là bất hợp pháp, nhưng rõ ràng có thể coi là vô lương tâm.

Alan Lloyd lặng yên một lát. Ông tự hỏi không biết có nên xoa dịu anh chàng này hay không. Trước đây, ông đã có lúc nghĩ phải quở trách cho anh ta một trận, nhưng bây giờ thì điều đó không còn thích hợp nữa.

- Được thôi, William. Cậu có thể đến cùng ăn trưa với tôi ở câu lạc bộ Hunt vào lúc một giờ được chứ?

- Vâng, tôi sẽ xin gặp ông ở đó.

Điện thoại đã bỏ xuống.

Ít ra thì cuộc gặp đó cũng tiến hành trên đất nhà mình, Alan Lloyd nghĩ bụng và đặt ống nói xuống. Ông cũng rủa thầm hãng của Bell đã chết tạo ra cái máy điện thoại chết tiệt này.

Alan đã chọn câu lạc bộ Hunt vì ông cho rằng gặp ở đây không có vẻ riêng tư gì lắm. Điều đầu tiên William có thể yêu cầu khi đến đây là sau khi ăn trưa sẽ được chơi một chầu gôn.

- Thế thì tốt lắm, - Alan nói, và đặt ngay một chỗ chơi gôn vào lúc ba giờ.

Ông ngạc nhiên thấy trong suốt cả bữa ăn William không hề đả động gì đến đề nghị của Henry Osborne. Trái lại, anh toàn nói một cách rất khó hiểu biết về những quan điểm của Tổng thống Hanrding về cải cách giá cả, về sự bất lực của Charles G. Dawes với tư cách là Giám đốc Ngân khố. Alan tự hỏi không biết có phải William đã nghĩ lại và đã thay đổi ý kiến về việc Henry Osborne vay tiền hay không? Có phải cậu ta đã quyết định để cho xong cuộc gặp này đi mà không nhắc gì đến nữa chăng? Alan nghĩ bụng, thôi được, nếu cậu ta muốn thế thì ông cũng chả quan tâm. Ông muốn cho buổi chiều đánh gôn trôi đi vui vẻ, không có chuyện gì nữa. Sau bữa ăn thú vị và đã uống một chầu rượu vang, William chỉ xin uống một cốc thôi, họ vào trong nhà câu lạc bộ thay quần áo rồi ra sân gôn.

- Ông vẫn còn kiêng con số chín chứ ạ? – William hỏi.

- Còn., nhưng sao?

- Mỗi lỗ gôn mười đôla, ông xem như thế có được không?

Alan Lloyd ngập ngừng, chợt nhớ ra gôn là một trong môn William chơi rất giỏi.

- Được, đồng ý.

Trong khi chơi lỗ đầu, không ai nói gì. Alan cố đánh được bốn, William được năm. Alan thắng cả trận thứ hai và thứ ba. Ông cảm thấy yên tâm hơn. Đến trận thứ tư thì hai người đã cách xa nhà câu lạc bộ đến nửa dặm. William chờ Alan nâng cây gậy lên rồi anh mới nói.

- Trong bất cứ điều kiện nào ông cũng không được đem năm trăm nghìn đôla của quỹ ủy thác cho bất cứ công ty nào hay cá nhân nào liên quan đến Henry Osborne vay mượn.,

Alan đánh một nhát cho quả bóng gôn văng đi rất xa, cốt để ông tách khỏi William một quãng và suy nghĩ xem sẽ trả lời anh như thế nào. Sau ba lần đánh nữa, họ cùng trở về bãi cỏ xanh, và Alan đành chịu thua không đưa được bóng vào lỗ.

- William, anh biết rằng tôi chỉ có một phiếu trong ba người ủy thác, và anh cũng cần biết rằng anh không có quyền gì đối với những quyết định liên quan đến ủy thác, vì anh chưa đến hai mươi mốt tuổi thì cũng chưa tự mình có quyền gì được đối với số tiền ấy. Ngoài ra, anh cũng nên biết là chúng tôi không thể thảo luận vấn đề này ở đây.

- Tôi hoàn toàn hiểu rõ những ý nghĩa pháp lý của nó, thưa ông, nhưng vì cả hai người được ủy thác kia đều ngủ với Henry Osborne thì...

Alan Lloyd tỏ ra sững sờ.

- Chả có lý ông là người duy nhất ở Boston không biết rằng Milly Preston đang có chuyện dan díu với ông bố dượng của tôi?

Alan Lloyd không nói gì. William tiếp:

- Tôi muốn được biết rằng ông sẽ bỏ phiếu chống cũng như ông sẽ làm hết sức mình để khuyên mẹ tôi chống lại chuyện vay mượn này, dù cho ông có phải cắn răng mà nói cho mẹ tôi biết sự thật về chuyện Milly Preston.

Alan lại đánh một nhát gôn rất dở nữa. Quả bóng sau đó văng cả vào bụi cây. Ông tức mình chửi thề một câu thật to, có lẽ đó là câu đầu tiên ông nói từ bốn mươi ba năm nay.

- Đòi hỏi như thế thì hơi quá nhiều đây, - Alan nói khi họ đánh đến quả thứ năm.

- Điều đó chẳng là gì đâu so với những gì tôi sẽ làm nếu như tôi không tin chắc được ở sự ủng hộ của ông, thưa ông.

- William, trước đây cha anh không bao giờ tán thành những sự đe dọa như thế, - Alan nói và nhìn quả bóng của William chui xuống lỗ cách đó hơn chục thước.

- Điều duy nhất mà cha tôi không tán thành có lẽ là Osborne, - William trả lời lại.

Alan loạc choạc với quả bóng.

- Dù sao, thưa ông, ông cũng rất biết rằng cha tôi đã có một điều khoản trong di chúc nói rằng tiền đầu tư của quỹ ủy thác sẽ là chuyện nội bộ gia đình mà người được hưởng nó không được quyền biết rằng tiền ấy có dính đến gia đình Kane. Đây cũng là một nguyên tắc mà trong đời làm ngân hàng cha tôi không bao giờ vi phạm. Như vậy, cha tôi có thể luôn luôn yên tâm là không có xung đột giữa một bên là tiền đầu tư của ngân hàng với một bên là tiền ủy thác của gia đình.

- Có lẽ mẹ anh cho là người trong gia đình thì có thể phá được nguyên tắc ấy chăng.

- Henry Osborne không phải là người trong gia đình tôi. Đến khi tôi làm chủ cái quỹ này, tôi cũng vẫn giữ nguyên tắc như cha tôi trước kia, không bao giờ phá bỏ.

- William, rồi anh sẽ phải ân hận về chuyện cứng nhắc ấy.

- Không đâu, thưa ông.

- Anh nên suy nghĩ thêm xem, nếu biết về chuyện Milly thì mẹ anh sẽ có thể phản ứng như thế nào, - Alan nói thêm.

- Mẹ tôi đã mất năm trăm ngàn đôla tiền riêng của bà ấy rồi. Với một anh chồng như thế chưa đủ sao? Chẳng lẽ có để mất thêm năm trăm nghìn của tôi vào đó nữa ư?

- Chả cả lý nào mất được, William. Đầu tư còn có thể đem lại khá nhiều lợi tức. Mà tôi cũng chưa có dịp nào xem kỹ sổ sách của Henry đấy.

William hơi khó chịu khi thấy Alan Lloyd nói đến tên của Henry một cách thân mật.

- Tôi có thể cam đoan với ông rằng hầu như ông ta đã vét sạch đến từng đồng xu của mẹ tôi. Nói đúng ra, ông ta chỉ còn có ba mươi ba ngàn bốn trăm mười hai đôla thôi. Tôi đề nghị ông xem rất kỹ những sổ sách của ông Osborne cũng như thẩm tra một chút về quá khứ cùng những bạn bè và chuyện làm ăn của ông ta trước đây. Đó là chưa kể ông ta cờ bạc ghê gớm nữa.

Từ quả gôn thứ tám, Alan đánh văng nó xuống hồ trước mặt. Đó là điều không thể có được, vì ngay đến phụ nữ mới tập chơi cũng không đánh như thế.

Ông lại thua.

- Anh làm sao có được những thông tin như vậy về Henry? – Alan hỏi, và đoán rằng đó hẳn là văn phòng của Thomas Cohen cung cấp.

- Tôi xin không nói ra, thưa ông.

Alan nghĩ bụng hãy cứ biết thế đã, ông tính điều này cũng có lợi ở chỗ ông sẽ biết cách sau này làm ăn với William.

- Nếu tất cả những điều
Tác giả : Jeffrey Archer
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 1 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại