Giống Rồng
Chương 11-3: Triệu Cường say rượu dọa Lục Hổ. La Thành, Chung Đạt gặp người tốt

Giống Rồng

Chương 11-3: Triệu Cường say rượu dọa Lục Hổ. La Thành, Chung Đạt gặp người tốt

Giống Rồng

Tác giả: Nguyễn Khai Quốc

Hồi thứ mười một:

Phá đồi cọ, Gã Quỷ chém rắn hổ.

Vượt ải tử, Thứ sử khóc tôi hiền.

Chương 11.3 Triệu Cường say rượu dọa Lục Hổ. La Thành, Chung Đạt gặp người tốt

Trở về tới huyện thành Gia Ninh, Sĩ Giao đưa Gã Quỷ tới nhà của viên bổ đầu, Sĩ Hoàng đang ở đó dưỡng thương. Gã Quỷ ngồi dựa trên chiếc ghế mây, uống cạn tích nước quả vối còn hơi âm ấm, thở phì phò như bò ngựa.

Sĩ Giao lay Sĩ Hoàng tỉnh dậy khiến Hoàng giật mình tung đòn thủ về phía Sĩ Giao. Hoàng nằm mộng thấy ngũ hổ tụ sơn xong rồi cưỡi mây bay đi mất. Chàng mở mắt ra ôm lấy Sĩ Giao, ánh mắt liếc nhìn bộ dạng lấm lết, chân tay đầm đìa máu của Gã Quỷ.

Hoàng bỗng òa khóc:

- Lục Hổ nay chẳng còn một ai. Đau đớn lắm thay.

Sĩ Giao vỗ nhẹ lưng Sĩ Hoàng an ủi người em trai:

- Hiền đệ của ta. Dẫu sao thì cũng đã rồi. Trách than làm gì. Bọn ta cũng chỉ vì cái bình yên của chúng dân mà diệt đi những kẻ gian ác.

Hoàng đẫm lệ gào thét, gầm rú ầm vang cả núi rừng châu Phong.

Tiếng vọng len lỏi đến tận nơi lao ngục tối tăm. Triệu Cường vẫn ở đó dặn dò thăm hỏi cha cùng hai người anh em.

Đinh Tráng sốt ruột liên tục gọi cho người vào giục họ Triệu. Triệu Cường mỗi lúc xin thêm chút thì giờ để lắng nghe những lời của ba người đó giãi bày. Triệu Hoằng nói với con trai:

- Ta đây đã lớn tuổi, tre già ắt héo, măng non lại mọc. Phận mỗi thân một khác, gióng thẳng làm cột kèo dựng nhà, gióng dẻo dai mềm mại làm nan đan thúng mủng, nón lá, măng non bùi ngọt thì làm món ngon cho đời. Mỗi đứa một phận, nay Triệu Cam, Triệu Túc không được may mắn như con Triệu Cường. Chỉ mong sao cho hai đứa nó làm thứ dân thường, không màng danh vọng tướng tá, sống cuộc sống yên ả. Thay cha sửa chữa những lỗi lầm của cha. Có vậy cha mới yên lòng nhắm mắt cho được.

Triệu Cường ruột đau như cắt, nước mắt nhòa đôi gò má vành vặn của đấng nam nhi cúi đầu tạ từ cha cùng hai đệ. Lời nói của Triệu Hoằng như ngàn kim châm trong lòng, vạn lửa thiêu đốt trong tâm can cứ văng vẳng mãi bên tai của Cường.

Cường bèn mang lời đó nói với anh em Sĩ Giao, Sĩ Hoàng mong có chút hy vọng cho cha cùng với hai người em.

Đêm đó, tiết trời quạnh hiu, Sĩ Hoàng ghé chỗ người bạn làm ăn ở huyện Gia Ninh là Liễu Thử mượn mảnh vườn nhỏ, bắt cá dưới sông Thao, vào trong thành mua đôi gà nấu bữa rượu mời các huynh đệ đã từ lâu mới có dịp tương phùng.

Thắp nén nhang thơm bái vọng về hướng quả đồi đất đỏ khi chiều Tứ Hổ Long Trạch nằm xuống, Liễu Thử mang rượu nếp quý Mường Lò thiết đãi khách quý.

Chén chú chén anh bảy tám người ngà ngà say, ôm lấy nhau nằm ra nền cỏ giữa vườn phơi sương. Dưới ánh lửa lốm đốm của buổi canh tàn, Sĩ Hoàng ngồi cạnh Triệu Cường bá vai chia sẻ nỗi lòng:

- Anh Triệu này, cha anh hết mực chăm chút cho anh, nuôi anh khôn lớn thành người. Dẫu có mang tiếng nhục với đời nhưng cốt chỉ chăm lo cho các anh trưởng thành, dốc lòng trung nghĩa với với các bậc tôn trưởng, với chúng dân. Triệu Hoằng lão như vậy, anh có ghét cha mình hay không?

Triệu Cường nấc nghẹn, mơi ra đống cá thịt vừa mới thơm lừng đưa vào trong miệng. Cường liếc mắt nhìn Sĩ Hoàng, tay chống trên chõng đổ người về phía trước, ngón tay chỉ mặt Đỗ Sĩ Hoàng:

- Kẻ làm cướp như chú không xứng để nói chuyện nhân nghĩa với ta. Chẳng phải chú là em trai của quân sư thì đã đầu lìa khỏi cổ như đám hổ cọp gì đó rồi. Chú không xứng để bàn, chú không xứng để bàn…

Nói rồi, Sĩ Hoàng miệng ngoác hất cằm vênh mặt nhìn Triệu Cường. Hai người bốn mắt nhìn nhau rồi bật cười phớ lớ. Cạn thêm hũ rượu chung, Sĩ Hoàng đập vai ba cú thật mạnh khiến Triệu Cường điếng người. Hoàng thì thầm với Cường:

- Nếu chẳng phải chuyện của cha anh thì đâu phải anh đã tới châu Phong tìm bọn ta. Mà anh thừa hiểu chỉ có anh ta Sĩ Giao và ta mới giúp được cho anh. Hãy trả lời ta thật rõ ràng. Anh có ghét cha mình không? Lão già phản tặc Triệu Hoằng đó.

Triệu Cường đập vỡ hũ rượu, đứng dậy cầm rút kiếm khỏi bao khiến Sĩ Hoàng không khỏi kinh hãi lấy tay giữ tay Triệu Cường ấn kiếm trở lại bao. Triệu Cường rũ tay Sĩ Hoàng, dứt khoát rút kiếm khỏi bao, quay sang chĩa lưỡi kiếm vào cổ Sĩ Hoàng.

Mũi kiếm đi tới vết thương khi sáng Sĩ Hoàng bị Long Trạch gây ra. Sĩ Hoàng hiên ngang ấn cổ mình vào kiếm, Triệu Cường rút kiếm lại múa mấy đường thoăn thoắt.

Sĩ Hoàng đứng lặng như tờ quan sát từng đường kiếm của Triệu Cường mang đầy tâm tư của người con trai với cha già, của vị hiền huynh đệ với hai người anh em còn đang ở trong lao ngục tăm tối. Mỗi đường kiếm như rũ bỏ hết mọi ưu phiền, từng chiêu thức vung mạnh như đánh đuổi những lo âu. Kiếm thu lại, kiếm lại bung ra, ánh sắc lạnh kè vào cổ của Sĩ Hoàng. Sĩ Hoàng nhìn Triệu Cường mà cười khẽ.

Triệu Cường hỏi Hoàng:

- Mũi kiếm kè cổ mà Sĩ Hoàng không chút sợ hãi hay sao?

- Bao lần cái chết cận kề, nước sôi đổ đầu, lửa bỏng thiêu thân, lưỡi kiếm đó đâu có là gì. Nếu Triệu huynh có ý nhằm vào đệ thì sẽ chẳng phải mũi kiếm đặt ở chỗ đó. Một mũi kiếm trúng yết hầu hoặc tia máu phía trái sẽ khiến đối phương lập tức mất máu mà chết.

Triệu Cường nhìn vào vết cứa ở cổ còn đỏ tươi miếng da lợt, Cường cười lớn:

- Ta đã hiểu rồi. Vậy ra Sĩ Hoàng cũng được một lần đáp trả ân nghĩa với đám Lục Bạch Hổ đó. Vậy xem như cũng đã toại lòng rồi. Dẫu có ở bên kia thì Long Trạch cũng hiểu được tâm ý của Sĩ Hoàng. Quả nhiên hai anh em họ Đỗ của chú thật biết cách che mắt thiên hạ. Ta xin bái phục. Sĩ Hoàng bản lĩnh đầy mình đâu phải một vết trầy xước ở cổ mà ngã nhào chỗ biệt giam ngục tối được, chỉ là…

Sĩ Hoàng nhìn thẳng vào ánh mắt Triệu Cường dường như đang tường tận đọc ra những suy nghĩ trong đầu mình. Sĩ Hoàng mời Triệu Cường ngồi xuống, Cường thu kiếm ném xuống phía dưới nền cỏ xanh mượt. Hoàng dâng ly rượu mời, Cường cúi đầu mời lại:

- Nếu hai anh em đệ giúp ta được tâm nguyện này, dẫu có làm trâu ngựa cho hai người cũng cam lòng. Xin Sĩ Hoàng nói giúp với Sĩ Giao, cùng nghĩ cách giúp ta. Chỉ cần hai đệ của ta cùng cha ta thoát được tội chết, về làm thứ dân, vậy là ta toại lòng rồi.

Sĩ Hoàng uống thêm chút rượu, nghĩ thêm một lúc rồi ghé vào tai Triệu Cường. Cường gật gù lắng nghe lời Sĩ Hoàng.

Hai người thi thoảng lại cười phá lên giữa đêm khuya vắng lặng. Hỏa Cước Tốc nhổm đầu nhìn hai người đó định buông lời mắng mỏ mà đầu óc nặng trĩu lại nằm thiếp đi.

Đôi người bạn hữu ôm những hũ rượu đổ ngả nghiêng, chỏng trơ vào trong lòng như người cha già ôm những đứa con cưng vào lòng nằm ngáy phì phò trên chõng tre cho đến khi gà gáy mờ sương.

Sáng ngày sau, Triệu Cường cùng Gã Quỷ sớm trở về huyện Thái Bình.

Chí Liệt biết tin hai tướng dưới trướng liền gọi hai người tói hỏi chuyện. Chí Liệt sai người cầm roi mây tới để hỏi tội hai người. Chí Liệt giận dữ nói:

- Lại là tên mặt quỷ nhà ngươi gây ra chuyện tày đình. Nhà ngươi nói xem ta phải nói với Vương thứ sử thế nào cho ngài ấy hiểu đây. Long Trạch đó dẫu có đáng chết, bỏ trốn thì liên quan gì đến nhà ngươi. Nếu hắn có bỏ trốn được thì tội ấy là của đám cai ngục châu Phong. Nay nhà ngươi làm ra như vậy, uổng bao công sức ta đã cố gắng bây lâu.

Triệu Cường trộm nhìn ánh mắt của Chí Liệt, có chút giận dữ trong giọng nói nhưng nét mặt không nếp nhăn lo lắng. Triệu Cường đỡ lời cho Gã Quỷ:

- Chuyện này là do tại hạ. Vì chưa quen đường thuộc lối nên mới rủ Tồn Thăng đi cùng tới châu Phong để gặp thân phụ cùng hai huynh đệ đang bị bắt giam ở đó. Không may đúng lúc Long Trạch thoát được ra ngoài, Gã Quỷ cùng đám sai nha huyện đó đi tìm tên họ Long đó, hắn chống cự hết sức mãnh liệt mà thành ra như vậy. Có quân sư Sĩ Giao ở đó làm chứng cho Gã Quỷ.

- Không phải bàn thêm nữa. Tự ý rời bỏ quân doanh là tội lớn nhất, quân pháp nghiêm minh không phân biệt tướng sĩ, tốt lính. Nay ta phạt hai ngươi hạ hai cấp, làm lính cấp lương. Để ta xem phía châu Phong có động tĩnh gì không rồi sẽ xử Gã Quỷ nhà ngươi.

Chí Liệt sai Cường viết quân lệnh trạng đọc trước toàn quân, xử phạt mỗi người năm mươi roi, giam lỏng trong quân doanh, có người giám sát kè kè suốt cả ngày.

Triệu Cường toàn thân sưng tấy, nằm bẹp trên giường, Chí Liệt thường lui tới để thăm dò vỗ về Triệu Cường. Cường cảm động mà tạ lỗi với Chí Liệt, tỏ ý muốn dốc lòng phò tá cho cha con họ Dương.

Gã Quỷ bị cấm uống rượu nên bí bách trong lòng đánh đấm với đám quân sĩ khiến cho đám lính châu Phong mới gia nhập đội quân của Chí Liệt sợ hãi, không kẻ nào dám lại gần.

Nghe tin, Chí Liệt liền điều Gã Quỷ tới châu Phong để hai anh em Đỗ Sĩ quản thúc Gã Quỷ.

Vương thứ sử ở Tống Bình cho người mang thư tới khen tặng Gã Quỷ cùng đám quân sĩ của Chí Liệt:

“Anh hùng hai tiếng lừng vang

Gã quỷ Dương Diện ánh vàng chói chang

Khi xưa đả hổ đuổi rồng

La Thành khói lửa thoát vòng tử nan.

Phong châu thứ sử thanh nhàn

Nhờ công Dương chủ cùng đàn tướng tinh

Đứng đầu Gã Quỷ Tồn Thăng

Đánh đông dẹp bắc sánh bằng Lý Ông

Thương thay áo yếm má hồng

Bao duyên không ngó, đêm không giấc tròn

Chí trai tát biển rời non

Sáu thu cây đã khô giòn cành cao

Gặp lại cọp hổ năm nào

Trốn theo con nước xông vào rừng sâu

Đánh cho hổ rắn bẹp đầu

Hai trăm hiệp đấu có lâu la gì

Sức dai long hổ chẳng bì

Quỷ ta dũng mãnh lầm lỳ tiến lên

Ba trăm hiệp tiếng sấm rền

Người không nhức mỏi, hổ rên hừ hừ

Khen người khí dũng “Long Ngư"

Giết loài tàn ác, loại trừ kẻ gian.

Rạng danh khắp đất An Nam

Tồn Thăng Gã Quỷ muôn vàn mến yêu."

Trong thư Vương Thăng Triều còn dặn dò Chí Liệt thu xếp cho quân sĩ Man Hoàng chu đáo, đấy là quân lính của thân phụ Chí Liệt đã dày công gây dựng suốt bấy nhiêu năm dưới danh nghĩa châu Phong nghĩa binh.

Đọc tới đoạn Thăng Triều đã ra sức giúp đỡ Dương Thanh cùng các hầu tướng mà Chí Liệt rưng rưng, nước mắt tự ứa ra từ trái tim của kẻ gan dũng. Chí Liệt biết được bao nhiêu năm từ khi Long Trạch chiếm lấy Tống Bình dâng cho họ Quế cho đến lúc Man Hoàng chiếm được Trường Châu, Dương Thanh đã nương nhờ đất châu Phong.

Chí Liệt hiểu tấm chân tình cùng hảo ý của Vương Thăng Triều liền gột rũ hết những hoài nghi bấy lâu nay. Chí Liệt yên lòng tập trung gây dựng quân đội, khao thưởng quân sĩ theo công trạng, khiến quân sĩ ai nấy đều mừng vui. Bấy giờ trong quân mới yên.

Khi đó ở Tống Bình, từ lúc Vương Thăng Triều chiếm được đất ấy, dân chúng trong thành ban đầu tỏ ra nghi ngại, các quan tướng đầu hàng đều chưa yên dạ thấp thỏm lo âu.

Thăng Triều liền ra ý dụ muốn trọng dụng đám quan tướng đầu hàng, xét theo công tích và tài năng mà cho giữ các chức sắc. Hầu như kẻ nào cũng được giữ nguyên chức cũ, có kẻ công tích lớn hơn thì được xét thăng một vài cấp.

Đám dân Tống Bình vốn không ưa đám người miền biên ải, man di tự lập nên phần nhiều có ý định bỏ đi. Bọn quan tướng mới hàng được Thăng Triều ưu ái nên nghe theo lời Thăng Triều thuyết phục đám dân đó ở lại Tống Bình, phò giúp cho Thăng Triều bình định đất Giao Châu.

Kiều Chung Đạt nghe theo lời Thăng Triều cũng cởi bỏ mũ áo, đi cùng đám quan tướng cũ của Tống Bình đi vào trong dân, lắng nghe tâm tình của họ mà bày ra mưu sách kịp thời cho Thăng Triều. Nhờ thế mà Thăng Triều giảm bớt được mối lo dân chúng Giao Châu không phục thứ sử Châu Phong.

Trong lúc đi vào trong dân cùng đám quan lại, Chung Đạt mới biết được lý do cái chết của con trai Chung Tiềm. Nhiều lúc Chung Đạt đã gắng lòng gạt đi những điều không vui đó vào tận sâu đáy lòng nhưng mỗi lúc gặp người dân huyện Tống Bình, Chung Đạt không sao mà quên đi, lại gợi mở câu chuyện để tự nhủ với lòng mình rằng “Ý muốn mang quân đi đánh Tống Bình của ta và Thăng Triều là hợp tình, hợp lẽ. Trước là báo ơn tiền nhân, con dân đất Nam, sau là đáp thù tư gia."

Trong thành huyện, ai nấy đều nhớ rõ như ban ngày, kể ra tường tận càng khiến cho Chung Đạt không nguôi được cơn giận. Có người còn nói với Chung Đạt rằng:

- Nếu không phải các ngài thì chẳng sớm thì muộn sẽ có kẻ chiếm lấy Tống Bình. Họ Lý không tài năng, sức không thể cáng đáng được An Nam. Dẫu có mười người như Hãn Xương, Long Trạch cũng chẳng thể cứu vãn nổi.

Chung Đạt nghe lời đó mà mừng trong bụng. Chung Đạt hỏi người đó:

- Đâu phải riêng gì con trai ta nói những lời đó đúng không. Ai ai trong thành đều thấy rõ điều đó. Chỉ là không kẻ nào dám lớn tiếng công khai nói ra những điều đó. Có phải không Lão bá Tô Trực Hiến?

Ông lão họ Tô tuổi ngoài bảy mươi, râu tóc vẫn còn đen nhánh, dáng dấp nhanh nhẹn, giọng nói vang vang như tiếng chuông đồng, cười lớn bàn với Chung Đạt:

- Lão đây thất thập cổ lai hy nói những lời đó có khác chi trò cười cho đám nho học lúc nào cũng tự cao tự đại ấy, vốn ta là chỉ là phận dân đen thấp cổ bé họng có bàn những lời đó với nhau thì chẳng sao mà tới tai quan lớn thì đầu sẽ rơi khỏi cổ, gia đình vì thế mà mang theo trọng tội. Chuyện đó đám dân bọn ta đâu có thể bàn được. Nhưng mà…

Chung Đạt thấy ông lão ngập ngừng, tay chống gậy đi vòng quanh nhà liền hỏi:

- Nhưng mà gì nữa hả lão? Nay đám quan tham đó đã không còn. Lão cứ tự nhiên mà nói.

Lão hạ giọng, lời nói uyển chuyển hơn so với khi nãy:

- Nói ra chỉ sợ Đại nhân thấy không vui. Nếu đại nhân cho phép lão nói thì lão cũng xin kể lại. Chẳng phải đám người châu Phong trong đó có Kiều công tử và Vương công tử nói điều ấy ra trước tiên. Mà là người khác, người mà đã thường xuyên vào trong nhà lao mà chăm chút bữa ăn cho hai vị công tử đó, sau lại mang tội giết người mà phải đền mạng.

Chung Đạt cắt lời ông lão hỏi:

- Là lão Tô Hiền, người mà bị viên quan đô hộ họ Lý đó đã giết?

Nói đến chỗ đó, ông lão nức nở:

- Nhắc tới lão Tô Hiền đó mà tôi đây cảm thấy xót xa thay. Lão là người em con chú con bác với tôi. Chỉ vì lão nghe lời tên thầy tướng ở núi Thiên Thai mà nên nỗi đó.

Chung Đạt sửng sốt hỏi:

- Chẳng phải là đám nho hủ kia nói ra trước tiên, mà chính là lão Tô Hiền? Sao chúng lại chỉ bắt con trai ta. Đúng là họ Lý đó đâu có coi bọn châu Phong ta ra gì.

Là lão nói là núi Thiên Thai, có phải quả núi cách thành Long Biên chừng bảy mươi dặm đường về phía đông hay không? Tên thầy tướng đó nói gì với lão Tô Hiền mà khiến ông ta lại nói ra lời như vậy.

...Đúng vậy. Lão Tô Hiền có lần ngao du, mượn thuyền đám dân chài ở cửa bắc thành Long Biên đi dọc theo sông Thiên Đức tới bờ sông phía nam gặp một người tự xưng là thầy tướng, thấy lão Tô Hiền khí chất khác thường liền gọi lão vào mà nói rằng:

“Trị sở An Nam đô hộ phủ nằm trên đất Long mạch, năm trước bị một tay phù thủy người Nai Lương ngoài biển Bắc Hải theo viên quan sứ Triều Hành – Triều Cự Khanh (Abe no Nakamaro) tháo mạch đất nên từ bấy trở đi người lập trên đất ấy đều mang họa lớn. Nếu không có thầy phù thủy cao tay trấn yểm thì những kẻ ở đó chẳng sớm thì muộn cũng sẽ phải rời đi hoặc không thì sẽ bị diệt vong. Gương của Cao Chính Bình, Lý Tượng Cổ vẫn còn trước mắt.

Lý Nguyên Gia biết lấy lòng chúng dân Tống Bình nhưng sức ông ta chỉ được như vậy. Dầu có dựng thành đắp lũy thì cũng chỉ được một tòa thành nhỏ, mà đất Long Đỗ ấy cũng không thể dựng được thành lớn hơn. Về tầm nhìn và sức vóc, Lý Nguyên Gia sẽ không thể bằng những kẻ sau này."

Sau đó lão Tô Hiền cùng các hiền tế về bẩm lại lời đó với quan đô hộ. Quan đô hộ không trách phạt, chỉ tặng cho lão Tô Hiền cùng các hiền tế mỗi người bảy lượng bạc. Bảy ngày sau, khi khánh thành đền thờ thần Tô Lịch, Long Trạch cho bắt đám nho hủ trong đó có hai vị công tử. Chuyện sau này thì đại nhân đã rõ...

Chung Đạt đắn đo hồi lâu, quay ra hỏi Trực Hiến:

- Ông lão thử nói ta nghe. Liệu có âm mưu nào được dựng lên ở đây chăng?

Lão suy nghĩ hồi lâu, nghe tiếng giục giã Lão thốt lên lời:

- Theo ta thì…

Nói rồi lão nhìn xung quanh, lão liền xuống giọng nói khé vào tai Chung Đạt:

- Ở đây lắm kẻ rèm pha. Chi bằng khi tối nay, đại nhân hãy tới gian nhà cũ ở góc nam thành Đại La cũ. Ta sẽ kể cho đại nhân.

Lão lại nói lớn:

- Chẳng có gì cả ngoài những lời rèm pha. Đại nhân xin lại nhà.

Tối ngày đó, gió đông bắc lạnh thấu xương, Chung Đạt cáo ốm không vào trong La Thành tiệc tùng cùng đám chức sắc trong thành. Chung Đạt tới chỗ lão Tô Trực Hiến bàn tiếp chuyện khi chiều.

Áo choàng phủ kín không làm cho cái lạnh bớt đi, Chung Đạt xuýt xoa, hai tay liên tục cọ xát vào nhau, mùi khen khét đưa lên miệng phả hơi ấm sưởi cho tan đi cơn giá.

Nghe tiếng người đến, lão Trực Hiến vội chạy ra ngoài cửa mở rộng hai cánh cửa. Ngó nghiêng hồi lâu, lão mới mang chiếc đèn lồng ánh sáng leo lắt ra dắt đường cho Chung Đạt vào bên trong. Chung Đạt hồ hởi xách hai hũ rượu bước nhanh tới gian nhà phía sau, bày lên mặt bàn gỗ nhỏ, sít miệng nói:

- Ta nghe lão kể chuyện mà như sóng vỗ mạn thuyền chao đảo ngả nghiêng. Những lời nói của lão khiến cho ta không thể dứt ra được. Khi chiều lão hẹn ta tới, chẳng hay có chuyện gì cần bàn, nhưng ta muốn được ngồi cùng với lão. Đã kinh qua cái tuổi tri thiên mệnh, cổ lai hy chắc chắn sẽ có những điều hay ho để cho ta dỏng tai lãnh hội.

Lão cười nhạt, rót hũ rượu ra hai chiếc bát sành hoa văn đơn giản, nước men trắng đục, hà hơi một tiếng thật dài, lão khen:

"Rượu của đại nhân thơm nồng, mà uống vào lại dễ chịu biết nhường nào. Quả nhiên rượu của bậc tôn trưởng cao sang mới có được khí chất như thế. Lão xưa nay chỉ quen việc nhặt nhạnh của đám dân, thu gom mọi thứ, ai cần cái gì thì tìm thứ ấy bán cho người ta, nên người khác gọi lão là Lão Mại.

Mấy đứa nhỏ nhà này, con cháu đều theo ta làm thứ việc đó, mỗi đứa chuyên mua mua bán bán một thứ, không tạp nham như ta nữa. Nên thành thử cũng kiếm được khá hơn. Thế nên cũng thấy mừng.

Nghe tướng quân có duy một người con trai lại mang trọng tội mà khép vào án tử, thật thương thay. Nhìn ánh mắt của đại nhân khi chiều nói về chuyện tôi cũng đoán già đoán non chứ chẳng dám chắc rằng ngài có ý hỏi rằng có kẻ giật dây cho đám quan Tống Bình cố tình giết chết hai vị công tử?"

- Phải. Không ngờ lão lại tinh ý đến vậy. Ta vẫn còn bấn rấn đôi điều. Nghe Hãn Xương kể lại với ta, phong phanh ta cũng đoán được vài phần nhưng vẫn còn nhiều uẩn khúc. Lão là người trong thành, quen biết đám hảo hữu là những bậc trưởng tôn chắc cũng biết được phần hơn những gì ta đã nghe. Lão Tô Hiền tiếng là mưu hại hai đứa trẻ đó nhưng cái chết cũng đầy bí hiểm. Phải chăng có điều gì đáng ngờ.
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 1 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại