Giặc Bắc

Chương 34: Rồng nằm cọp nấp

Đúng giờ mùi quần hùng tề tựu đông đủ. Chỉ có mười hai người ghi danh tham dự cuộc tranh chiếm danh vị minh chủ giang hồ. Cầm mảnh giấy Vô Hình Đao Tôn Nhật từ từ xướng danh:

-Kính thưa chư vi sau đây là tên tuổi của mười hai đối thủ đại diện của các môn phái, gia trang, bang hội hoặc các nhà thuộc giới giang hồ nước ta. Người thứ nhất là Tam Đoạn Kiếm Lê Tuấn Bạch chưởng môn nhân của phái Cỗ Loa...

Quần hùng hò hét hoan hô khi thấy Lê Tuấn Bạch bước ra thi lễ cùng mọi người.

- Người thứ nhì chính là đệ tử của chùa Tướng Quốc. Mời Nhất Quốc đại sư ra đấu trường...

Quần hùng reo hò cổ vỏ cho vị đại diện của Tướng Quốc tự.

- Kính thưa chư vị người thứ ba là Lạc Kiếm Trần Hùng, đương kim chưởng môn Lạc Việt phái...

Quần hùng hò la nhiệt liệt tán thưởng cho vị chưỡng môn phái võ kỳ cựu nhất của giới giang hồ Đại Việt.

- Nhân vật thứ tư chính là Đa Tý Quyền Nguyễn Hiệp, chưởng môn nhân của phái Thảo Đường. Kế tiếp là Bạch Đao Mai Thúc Lộc, trang chủ Mai gia trang. Đối thủ thứ sáu là Mộc Côn Lê Linh, đại diện cho Lê gia trang ở Lạng Giang. Người thứ bảy chính là Bạch Long Kiếm đại diện cho Bạch Long Vĩ đảo, còn người thứ tám là Hoàng Điểu Lý Anh của Hoàng Sa đảo. Thưa chư vị nhân vật thứ chín là Hạc Quyền Đinh Thế Trạc, đại diện cho Bạch Hạc phái. Người thứ mười là Hùng Lộc, đại diện cho Thông Thánh Quán. Người thứ mười một là Tà Quyền Nguyễn Tất Thắng ở Tuyên Quang và đối thủ cuối cùng chính là Vô Diện Thư Sinh quán ở Thái Nguyên... Ngoài ra ba người cũng được chọn lựa để làm trọng tài phán xét ai thắng ai bại trong mọi cuộc giao đấu.Ba người đó chính là sư Khai Quốc, Vô Pháp Quyền Lê Bút Mực, trang chủ của Lê gia trang ở Bắc Giang và Trần Bỉnh Thức trang chủ...

Quần hùng la ó hoan hô cho gà nhà và luôn cả mười hai đối thũ. Họ vui mừng lẫn thích thú vì sẽ được chứng kiến cuộc so tài trăm năm mới có một lần. Họ biết mười hai đối thủ đại diện đều có trình độ vũ thuật cao siêu cộng thêm kinh nghiệm giang hồ nên mới được chỉ định ra tranh tài nhằm mục đích làm minh chủ giang hồ cũng có mà để dương danh bản phái cũng có. Ai trong mười hai người này đều có ít nhất hai mươi năm khổ luyện đồng thời được liệt vào hàng nhất đẳng cao thủ giang hồ.

Sau khi giới thiệu danh tánh mười hai đối thủ cùng quần hùng, Vô Hình Đao Tôn Nhật cao giọng nói:

- Thưa chư vị để cho cuộc tranh tài được công bằng lão phu đề nghị một cuộc rút thăm. Đối thủ nào bắt trúng tên người khác tất nhiên sẽ đấu với người đó. Sau vòng loại thứ nhất sáu đối thủ thắng cuộc sẽ tranh tài bằng cách bắt thăm lần nữa. Ba đối thũ thắng cuộc sẽ lần lượt giao đấu với nhau và nếu ai thắng hai trận sẽ trở thành minh chủ giang hồ. Bây giờ tới phần rút thăm...

Qua cuộc rút thăm Tam Đoạn Kiếm Lê Tuấn Bạch sẽ mở màn cuộc tranh tài bằng cách giao tranh với Bạch Đao Mai Thúc Lộc, vị trang chủ trẻ tuổi và nổi tiếng nhất của miền Nam. Vô Hình Đao Tôn Nhật trịnh trọng nói:

-Lão phu kính mời Tam Đoạn Kiếm Lê Tuấn Bạch và Bạch Đao Mai Thúc Lộc mở màn cuộc tranh tài...

Bước ra đấu trường hai đối thủ ôm quyền thi lễ với quần hùng đoạn vái chào nhau xong đứng đối diện trên khoảng sân rộng. Trước khi rút lui vị trang chủ lừng danh của Tôn gia trang cao giọng:

- Lão phu cũng như chư vị đều biết rằng đây là một cuộc giao đấu mà hể có giao đấu là phải có thương vong hoặc chết chóc. Đao thương quyền cước vốn vô tình cho nên chư vị khá tua thận trọng...

Tôn Nhật từ từ lùi ra khỏi đấu trường. Nạt tiếng trầm trầm Bạch Đao Mai Thúc Lộc xoạc chân đứng tấn. Y đứng theo thế tấn đinh.Bàn tay mặt cầm lấy cán đao, cánh tay trái gấp thành hình thước thợ đưa lên ngang mặt, bàn tay nửa mở nửa khép đặt hờ lên cán đao. Trong tư thế đó vị trang chủ thinh danh lừng lẫy miền Nam bồng đao đứng yên. Quần hùng im lặng nhìn. Ai cũng biết đó là chiêu thức mở đầu trong đao pháp bí truyền của dòng họ Mai hơn hai trăm năm nay.Vốn tay hành gia vũ thuật mà đao là ngón nghề ruột cho nên Tôn Nhật gật gù cười nói với Lê Hùng:

- Thất Thập Nhị Huyền đao pháp đấy chắc Lê huynh biết rồi...

Lê Hùng gật đầu:

- Tuy không phải là bằng hữu chi giao với Nam Đao Mai Thế Kiệt song tôi cũng có qua lại với y.Theo chỗ tôi được biết thời Mai Thế Kiệt có ba người con mà Thúc Lộc là con út.Thế nhưng Thúc Lộc lại được làm trang chủ tất nhiên tài bộ của y phải có chỗ hơn người. Thất Thập Nhị Huyền đao pháp mà y thi triển gồm có bảy mươi hai thế, mỗi thế phân thành bảy thức, mỗi thức lại biến ra ba đòn cho nên tinh vi, xão diệu và biến hóa vô cùng phức tạp...

Chăm chú nhìn Tam Đoạn Kiếm Lê Tuấn Bạch thỏng tay triển công phu trầm tịnh Lê Hùng nói tiếp:

- Vị chưởng môn của phái Cỗ Loa tuy tuổi còn trẻ mà bản lĩnh cao thâm cực độ.Công phu trầm tịnh của y chỉ kém có một người mà thôi...

Vô Hình Đao Tôn Nhật hỏi liền:

- Huynh nói y kém một người mà người đó là ai?

- Kẻ cầm sổ giang hồ...

Lê Hùng buông gọn năm chữ trên đoạn chép miệng thở dài:

- Tôn huynh còn nhớ trước đây hai ta liên thủ để vây đánh y không. Y đã triển công phu trầm tịnh trước khi rút kiếm mà công phu trầm tịnh của y so ra còn cao hơn Lê Tuấn Bạch một bực. Động là tịnh và tịnh là động. Nếu đối phương tịnh thời mình động; đối phương động thời mình tịnh. Nếu đối phương tịnh thời mình tịnh nhược bằng đối phương động thời mình động trước. Nói tóm lại chỉ có hai chữ động tịnh mà hóa ra vô lường, biến ra vô số. Nó tùy theo tâm ý mà phát sinh. Khổ luyện vũ thuật tới mức độ tâm-ý-hành là một thời tôi đây chưa làm được...

Vô Hình Đao Tôn Nhật cười gượng:

- Tôi cũng thế. Thế mới biết vũ đạo mênh mông như trời bể cho nên cái biết của mình như ếch ngồi đáy giếng. Hai chúng ta liên thủ mà còn bị y đánh xiểng niểng huống hồ gì một người. Kẻ cầm sổ giang hồ mà có mặt ở đây tôi đoan chắc với Lê huynh chức vị minh chủ sẽ lọt vào tay y...

Tử Cước Lê Hùng trầm ngâm giây lát mới thong thả cất tiếng:

- Hồ Vũ Hoa tỏ ra rất tín nhiệm vào hành vị của kẻ cầm sổ giang hồ. Tôi không biết Hồ huynh quen thân với y như thế nào mà có thái độ bênh vực cho y. Tôn huynh thừa biết Hồ Vũ Hoa là người tâm cơ sâu xa cho nên...

Lê Hùng ngừng lời khi thấy Mai Thúc Lộc xuất thủ. Không một cử động báo trước mũi đao nhọn lễu trong tay vị trang chủ lừng danh xẹt ra tợ ánh chớp và mục tiêu của nó chính là huyệt thần tàng nơi ngực của đối phương. Khởi thủy đao là một thứ vũ khí chuyên dùng cho chiến trận nên to lớn,nặng nề do đó lực đạo cực kỳ trầm trọng và cương mãnh. Tuy nhiên sau này các vũ sĩ giang hồ đã chế biến thanh đại đao to lớn nặng nề và cồng kềnh thành đoản đao vừa ngắn, gọn và nhẹ hơn do đó được rất nhiều người ưa chuộng rồi lâu dần thành ra phổ thông như đại đao. Sở dĩ các vũ sĩ giang hồ ưa chuộng đoản đao vì nó nhẹ nhàng và gọn gàng tiện lợi khi di chuyển đó đây. Từ đó tính chất của đoản đao biến dạng và đường lối cũng như lộ số trở nên thần tốc, kỳ ảo và phức tạp hơn. Giới giang hồ Đại Việt có nhiều vũ sĩ xử đao song chỉ có ba dòng họ nổi tiếng nhất là Tôn gia trang miệt Tam Đảo, Mai gia trang ở Thiên Lộc thuộc Hoan Châu và Thái gia trang ở mạn biên thùy Lào Việt. Tôn Nhật nổi tiếng đất bắc qua Vô Hình đao pháp thời Mai Thế Kiệt được đồng đạo giang hồ tán tụng về thủ thuật múa đao khắp miền nam.Tuy nhiên hai cao thủ dường như cố tránh đụng chạm để khỏi thương tổn tới danh tiếng cùng hòa khí nên không người được biết ai tài hơn ai.

Khi mũi đao còn cách mục tiêu gang tấc Tam Đoạn Kiếm Lê Tuấn Bạch mới phản đòn và lối phản đòn của y khiến quần hùng giật mình kinh ngạc. Dịch bộ sang tả nửa bước bàn tay mặt của vị chưởng môn phái Cỗ Loa hất ngược về sau ngay chỗ chuôi kiếm ló lên.Rẹt... Nghe âm thanh đó người ta biết Lê Tuấn Bạch đã rút kiếm. Nói ra thời dài dòng và chậm chạp nhưng hành động của họ Lê nhanh khủng khiếp. Âm thanh vừa bật lên mũi kiếm đã cận kề mệnh môn huyệt nơi cổ tay cầm đao của đối thủ. Lối giải chiêu của Lê Tuấn Bạch không những thần tốc, chính xác mà hiệu nghiệm cực cùng bởi vì mũi kiếm đâm ngay vào yếu huyệt của Mai Thúc Lộc. Tuy nhiên vỏ quít dày có móng tay nhọn. Lê Tuấn Bạch giải chiêu nhanh thời Mai Thúc Lộc phản đòn cũng nhanh không kém. Dường như khi xuất chiêu y đã tiên liệu rằng một đối thủ cở như Lê Tuấn Bạch sẽ không để cho mình đánh trúng bằng một chiêu khởi đầu. Do đó vừa nghe âm thanh của kiếm bật lên Mai Thúc Lộc biến chiêu liền. Hơi trầm khuỷu tay xuồng một chút tránh mũi kiếm đâm vào cổ tay mình đồng thời y vặn mạnh cổ tay một cái. Lưỡi đoản đao mỏng dính chợt đổi thành thế chém vớt vào khuỷu tay cầm kiếm của Lê Tuấn Bạch.

- Ồ...

- Tuyệt...

- Công phu hay lắm...

Quần hùng lên tiếng khen khi thấy hai đối thủ phản đòn và giải chiêu một cách tài tình. Trong lúc đó Lê Tuấn Bạch và Mai Thúc Lộc quấn nhau như bóng với hình. Bụi bốc mờ mờ khiến cho khán giả khó lòng nhận thấy rõ chiêu thức của hai người. Chát... Bùng... Song phương đình thủ. Quần hùng thấy Mai Thúc Lộc bồng đao đứng im trong lúc Lê Tuấn Bạch án kiếm ngang mày. Lát sau vị trang chủ Mai gia trang cất giọng trầm trầm:

- Tại hạ bại...Lê chưởng môn kiếm thuật quả hơn người...

- Đa tạ trang chủ đã nhân nhượng để cho tại hạ thắng cuộc...

Xuyên qua lời nói khách sáo của hai người quần hùng biết ai thắng ai bại.Hai đối thủ từ từ bước ra khỏi sân. Vô Hình Đao Tôn Nhật xướng danh hai đối thủ kế tiếp là Lạc Kiếm Trần Hùng và Hạc Quyền Đinh Thế Trạc. Thi lễ cùng quần hùng xong Trần Hùng ôm quyền thi lễ với Đinh Thế Trạc xong tươi cười lên tiếng:

- Tại hạ xin đem vài chiêu Lạc trảo ra làm trò cười cho Đinh chưởng môn...

Đinh Thế Trạc nhếch môi cười lạnh:

- Mời Trần chưởng môn...

Chân hữu đứng yên làm trụ, chân tả co lên ép sát vào chân hữu, hai tay dang ra thẳng băng, mười ngón tay chụm lại nhọn hoắt như mỏ con chim hạc; vị chưởng môn nhân của phái Bạch Hạc triển khai chiêu thức mở đầu tân kỳ, ngoạn mục, hiểm ác và biến hóa cực cùng.

Vành môi hơi nhếch thành nụ cười Lạc Kiếm Trần Hùng xoạc chân đứng tấn. Quần hùng lên tiếng xì xầm liền khi thấy y bỏ bộ.Chân tả bám trên mặt đất chắc hơn cọc gổ chôn sâu xuống đất, chân hữu co lên ép sát vào chân tả, bàn chân cách mặt đất chừng ba tấc, hai cánh tay gấp thành hình thước thợ đưa cao lên ngang mặt, bàn tay trái mở ra lòng bàn tay đưa về sau trong lúc bàn tay mặt mở thành trảo hướng về phía đối thủ. Thế tấn của Trần Hùng thoạt trông buồn cười và kỳ dị vì y đứng giống như con chim sắp sửa bước đi. Tuy nhiên ai cũng hiểu thế tấn kỳ dị đó tàng ẩn một chiêu thức biến ảo và hiểm ác. Lạc Việt phái lừng danh giang hồ qua Lạc công phu bao gồm bốn tuyệt kỹ kiếm, quyền, trảo và chỉ với những chiêu thức thần tốc, biến ảo, ngụy dị và hiểm ác vô lường. Do đó dù không thường xuyên lộ diện giang hồ và môn đệ ít oi song Lạc Việt phái vẫn được giang hồ trọng vọng ngang hàng với Cỗ Loa hay Tướng Quốc. Quần hùng không một ai không biết với số tuổi ba mươi mà đã nhận chức chưởng môn, Trần Hùng phải thuộc vào hạng nhân tài lỗi lạc của Lạc Việt phái.

Chim hồng, chim lạc là thần điểu, là vật tổ của dân ta do đó mới gọi là Hồng Lạc. Tuy nhiên kể từ khi họ Hồng Bàng mất ngôi vua chim hồng, chim lạc cũng mất dạng luôn. Trải qua hơn ngàn năm nó trở thành thứ linh điểu chỉ có trong sách vở mà thôi. Người ta cũng không rõ hình dáng thực sự của nó,c hỉ biết một cách mơ hồ nó là loài chim với hình dáng to lớn, sống trên vùng rừng rậm hoang vu hoặc núi cao chớn chở. Các tiều phu cư ngụ trong các ngọn núi vùng biên thùy tây bắc đồn rằng thỉnh thoảng họ có thấy một đôi chim to lớn, toàn thân đỏ như lửa xuất hiện trên đỉnh núi mà họ đoán đó là chim hồng, chim lạc còn sống sót cho tới nay.

Hạc cũng là loài chim lông trắng như cò song có những điểm đặc biệt khiến người ta không thể lẩn lộn nó với cò. Thứ nhất hình dáng nó to lớn, thanh tao và chân màu đỏ chứ không đen như cò. Hạc thường sống trên núi cao chứ không ở đồng bằng và sống lẻ loi từng cặp chứ không kết thành bầy như cò. Người ta ít khi thấy hạc xuất hiện cho nên liệt nó vào loại linh điểu.

Hạc Quyền Đinh Thế Trạc động thủ trước. Hai cánh tay của y bắt từ ngoài kéo ập vào. Mười đầu ngón tay nhọn hoắt như mỏ con chim hạc nhắm ngay thái dương huyệt của đối phương vút tới nhanh tợ sao sa. Thái dương là một trong nhiều tử huyệt của con người, chỉ cần bị đụng nhẹ một chút thôi cũng thương vong như thường huống hồ gì đòn đánh của một cao thủ hữu hạng như vị chưởng môn phái Bạch Hạc. Hai bàn tay còn cách mục tiêu gang tấc chợt biến đổi liền. Bàn tay mặt đang từ chỉ hóa thành triệt thủ chém một đòn cường ngạnh vào cổ họng, trong lúc bàn tay tả biến ra trảo chụp nhầu xuống trốc vai của Trần Bình. Thần tốc, biến ảo, hiểm độc; ba tính chất này tạo cho chiêu thức của Đinh Thế Trạc trở nên khinh linh, ngụy dị và phiêu hốt cực cùng. Trong vòng chớp mắt y đánh ra ba chiêu,mỗi chiêu có hàng chục thế thức. Từ chỉ công y đổi thành trảo, quyền, chưởng với bóng tay dậy mờ mờ khiến cho người ngoài lẫn người trong cuộc không thể nào phân định được đâu là thế hư đòn thực.

Nghe Lạc Kiếm Trần Hùng ré lên như chim gáy quần hùng biết vị chưởng môn của phái Lạc Việt xuất thủ. Ngay lúc bàn tay của đối phương gần chạm mục tiêu Trần Hùng đạp bộ. Bộ pháp của y mường tượng như bước chân chim bước chênh chếch tới sát đối thủ. Chỉ cần một bước chân chim giản dị y hóa giải đòn đánh của Đinh Thế Trạc một cách dễ dàng. Cùng với bước chân Trần Hùng vung tay điểm hờ vào hông đối thủ.

-Lạc chỉ...

Quần hùng có người buột miệng la lớn khi thấy Trần Hùng xuất chiêu. Ngón trỏ cong cong như mỏ chim lạc hàm chứa nội gia chân lực thừa sức soi vàng xẻ đá điểm vào huyệt cực toàn ở dưới nách. Đây chính là huyệt đạo quan trọng và cũng là điểm sơ hở của Đinh Thế Trạc vì khi dang tay ra y đã để trống huyệt đạo.

Thân danh chưởng môn của một phái võ nổi tiếng Đinh Thế Trạc không thể nào bại một cách nhanh chóng cũng như không để cho đối thủ điểm trúng huyệt đạo. Ngay lúc ngón tay trỏ của đối thủ vừa xẹt ra, Đinh Thế Trạc biến chiêu liền. Y phối hợp thân, thủ và bộ pháp để vừa giải chiêu vừa phản công một cách tài tình tuyệt diệu. Ngay lúc ngón tay của Trần Hùng chờn vờn bên hông Đinh Thế Trạc đạp bước ngắn sang bên tả để tránh đòn và hai bàn tay cùng lượt máy động. Bàn tay hữu chợt mở ra trong thế chưởng vổ vào ngực còn bàn tay tả biến thành hạc trảo chụp nhầu vào yết hầu của đối thủ. Chát... bùng... Quyền trảo và chưởng chỉ của đôi bên chạm nhau. Song phương ngưng tay. Lát sau Đinh Thế Trạc từ từ lên tiếng:

-Lạc công phu quả nhiên danh truyền không dối mà bản lĩnh của Trần chưởng môn cũng hiếm người sánh kịp...

Trần Hùng nhếch môi cười:

- Đa tạ... Hạc công phu của Đinh chưởng môn sánh ra nào kém Lạc công phu của bản phái. Chúng ta chắc phải có người thương vong mới phân định thắng bại...

Đinh Thế Trạc trầm giọng nói xuống thấp:

- Tại hạ cũng nghĩ như vậy...

Vị chưởng môn Lạc Việt phái động thủ liền sau câu nói của Đinh Thế Trạc. Y xuất chiêu ra đòn, biến thế, đổi thức lanh khủng khiếp. Một biến ra ba, ba hóa chín và chín ra tám mươi mốt khiến cho chiêu thức trở thành ngụy dị và biến ảo cực cùng. Quần hùng trông vào chỉ thấy bóng tay trùng điệp, mịt mờ giăng mắc khắp nơi. Phần Đinh Thế Trạc cũng không kém. Y thi triển công phu bí truyền của bản phái ngang nhiên giao đấu với vị tân chưởng môn trẻ tuổi của Lạc Việt phái.

Đứng ngoài làm khán giả chứng kiến cuộc giao tranh càng lúc càng thêm ác liệt Tử Cước Lê Hùng hỏi Tôn Nhật:

- Lê huynh đoán ai thắng?

Ngần ngừ giây lát Tôn Nhật nói:

-Trần Hùng chưa trổ đòn độc hoặc tuyệt chiêu trong công phu bí truyền của sư môn đâu. Thường thường khi nói đến phái Lạc Việt giang hồ nhắc tới Lạc công phu bao gồm các tuyệt kỹ như kiếm, quyền, chỉ, trảo mà thôi. Nhưng theo chỗ tôi được biết thời Lạc Việt phái còn có một tuyệt kỹ thần kỳ vô song mà không một ai biết tới bởi vì chỉ có vị chưởng môn mới được truyền thụ...

Tử Cước Lê Hùng gật đầu cười thốt:

- Ạ...Tôi hiểu ý của huynh rồi. Giống như Bạch Long Vĩ đảo ngoài Kình Ngư công phu còn có tuyệt kỹ bí truyền là Tróc Ngư thủ pháp mà chỉ có con cái của đảo chúa mới được truyền thụ thôi...

Vô Hình Đao Tôn Nhật vuốt râu cười:

- Lê huynh nói đúng đấy. Ngay cả hai đại môn phái như Cổ Loa,Tướng Quốc cũng vậy thôi. Có những tuyệt kỹ mà chỉ có người chưởng môn mới học được, hoặc có những tuyệt kỹ mà các đồ đệ chỉ được truyền thụ một phần nhỏ. Điều này cũng dễ hiểu vì nếu gặp một đệ tử bất lương hay phản bội họ còn đủ sức để trừng trị... Trần Hùng với Đinh Thế Trạc còn đánh nhau lâu lắm vậy Lê huynh với tôi tới gặp Lê Tuấn Bạch xem y có tin tức gì mới lạ không...

Hai người rời đấu trường. Đi được mươi bước họ thấy vị chưởng môn phái Cổ Loa đang đi tới. Trông thấy dáng dấp không được bình thường lắm của Lê Tuấn Bạch Tôn Nhật hỏi liền:

- Chắc Lê chưởng môn có tin bất lợi cho chúng ta?

Liếc một vòng không thấy có ai đứng gần Lê Tuấn Bạch thấp giọng:

- Tổ do thám của bản phái đóng ở huyện Minh Nghĩa báo cáo rằng hồi sáng sớm hôm nay một đạo quân thiết kỵ của triều đình từ Hoa Lư kéo tới đồn trú tại một địa điểm cách Minh Nghĩa chừng mươi dặm. Ngoài ra họ còn phát hiện được sự hiện diện của hai lão Hữu Danh Vô Thực và Bách Diện Thư Sinh...

Lê Tuấn Bạch ngừng nói. Tôn Nhật nhìn Lê Hùng giây lát rồi thong thả lên tiếng:

- Như vậy chắc ba ban tin tức, truy tầm và ám sát chắc cũng đã tiềm phục trong vòng mươi dặm quanh Tản Viên. Lê huynh tính sao?

Trầm ngâm hồi lâu Tử Cước Lê Hùng hắng giọng:

- Ba chúng ta đều biết quân Hoa Lư thiện chiến như thế nào cho nên dẫu có ngàn người quần hùng cũng không thể nào đường hoàng giao tranh với quân Hoa Lư được. Do đó chúng ta chỉ còn cách lẩn trốn...

Lê Tuấn Bạch cau mày đoạn cười nhẹ:

- Lẩn trốn ta cũng gặp nhân viên do thám...

Lê Hùng gật đầu:

- Dĩ nhiên ta sẽ đụng phải sự săn bắt của nhân viên do thám, nhưng dù sao đối phó với các nhân viên của đoàn do thám cũng dễ hơn đánh nhau với quân Hoa Lư...

- Nhị vị nghĩ chúng ta cứ tiếp tục cuộc tuyển lựa minh chủ hay là đình hoản?

Tam Đoạn Kiếm Lê Tuấn Bạch hỏi nhỏ và Vô Hình Đao Tôn Nhật trả lời không do dự:

-Lão phu nghĩ chúng ta cứ tiếp tục bởi vì đình hoản không có lợi mà còn gây thêm hoang mang hay hoảng hốt cho mọi người. Lão phu nghĩ chúng ta nên mở một cuộc họp mặt để thông báo tình hình với các vị chưởng môn và trang chủ...

Lê Tuấn Bạch mau mắn nói:

- Tại hạ sẽ thân mời các trang chủ, chưởng môn hoặc đại diện các môn phái tới họp mặt tối nay...

- Xin làm phiền Lê chưởng môn. Lão phu đoán cuộc tranh tài không thể kết thúc một cách nhanh chóng được. Có sớm lắm cũng phải tới chiều ngày mai. Như vậy chúng ta phải lưu lại Tản Viên hai đêm nữa...

Lời nói của Tử Cước Lê Hùng rơi vào im lặng. Lát sau Lê Tuấn Bạch cáo từ. Tôn Nhật và Lê Hùng cũng trở lại đấu trường vừa đúng lúc cuộc giao đấu chấm dứt mà phần thắng về phía phái võ Lạc Việt. Quần hùng la hét hoan hô cho Lạc Kiếm Trần Hùng. Thấy trời đã xế chiều Tôn Nhật tuyên bố cuộc tranh tài tạm ngưng cho tới sáng mai. Quần hùng ồn ào giải tán rồi tự lo bữa cơm tối.
Tác giả : Chu Sa Lan
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại