Em Là Định Mệnh Đời Anh

Chương 11

Trong buổi giao ban thường lệ sáng thứ Hai, Phó Tổng biên tập Lưu truyền đạt tinh thần Hội nghị Công tác tuyên truyền toàn tỉnh cho cả tòa soạn. Tỉnh ủy và chính quyền tỉnh đề ra mục tiêu xây dựng tỉnh văn hóa, trích hơn một tỷ nhân dân tệ để thực hiện “Công trình văn hóa sáu nhất", từ xây dựng công trình văn hóa tiêu biểu của tỉnh đến xây dựng điểm văn hóa cơ sở, triển khai từ thành phố đến nông thôn. Tại hội nghị, giám đốc sở tuyên truyền tỉnh đã yêu cầu truyền thông tích cực quán triệt tinh thần chỉ thị của tỉnh ủy và chính quyền tỉnh, xem việc đưa tin về tình hình văn hóa là trọng điểm tuyên truyền quý III và quý IV năm nay. “Giao lưu văn hóa" là cửa sổ tuyên truyền đối ngoại, sau khi nghiên cứu và bàn bạc, ban lãnh đạo quyết định ấn hành chuyên đề đưa tin về một loạt danh nhân văn hóa trong tỉnh.

Phó Tổng biên tập Lưu nói, sau nhiều lần sàng lọc, phát pháo đầu tiên sẽ là bài viết về cha con nhà họ Cơ trong giới hội họa.

Trước kia ông Cơ Trọng Minh đã du học ở Pháp, học vẽ tranh sơn dầu. Sau khi gặp người sau này trở thành vợ ông thì ông đã bị ảnh hưởng và chuyển sang quốc họa. Khi đó, danh tiếng của ông trong lĩnh vực tranh sơn dầu vừa mới nổi, hầu như tất cả mọi người đều không tin việc đổi hướng giữa đường như vậy sẽ có kết quả tốt đẹp. Ai ngờ mười năm sau, ông lại trở thành một bậc thầy về quốc họa, dung hợp được cả phong cách nghệ thuật phương Tây và Trung Hoa. Ông đã vận dụng phương pháp xử lí ba chiều của ánh sáng và hình ảnh trong tranh sơn dầu vào quốc họa, sáng tạo ra một phong cách họ Cơ hoàn toàn mới. Cũng nhờ đó mà ông trở thành người có địa vị cao trong giới hội họa Trung Quốc.

Năm Cơ Trọng Minh bốn mươi tuổi, vợ ông sinh một cậu con trai, đặt tên là Cơ Quân Đào. Nghe nói Cơ Quân Đào đã học cầm bút vẽ trước khi học cầm đũa, lúc bảy tuổi đã vẽ một bức “Núi cao sông dài" làm quà mừng thọ ông ngoại khiến các danh gia đến dự tiệc mừng thọ khi đó vô cùng thán phục, ai cũng muốn thu làm học trò. Vô cùng vui mừng, ông ngoại Cơ Quân Đào liền tuyên bố phải xây một phòng triển lãm ở vị trí đắc địa nhất trong thành phố này để khen thưởng cháu ngoại, đó chính là phòng triển lãm Tố hiện nay.

Cơ Quân Đào vẽ theo phong cách của bố, hơn hai mươi tuổi đã trở nên nổi tiếng trong giới hội họa. Không ngờ sau đó anh ta lại ra nước ngoài học tranh sơn dầu, theo con đường của bố khi xưa, sau vài năm thì trở về nước, tập trung vào quốc họa. Từ đó phong cách vẽ của Cơ Quân Đào đã tìm ra lối đi riêng, phối hợp màu sắc rất linh hoạt. Chỉ tiếc là mấy năm gần đây, cả hai cha con đều kín tiếng, hiếm khi xuất hiện trong các sự kiện công khai.

Sau khi vợ qua đời, vì quá đau buồn nên Cơ Trọng Minh đã quy y cửa Phật làm đệ tử tục gia, dành thời gian ngao du thiên hạ. Số lượng tác phẩm mới của ông rất ít.

Cơ Quân Đào cũng thỉnh thoảng mới có tác phẩm trưng bày tại phòng triển lãm Tố, còn có bán hay không thì phải xem tâm tình của con gái Cơ Trọng Minh, người đang quản lí phòng triển lãm Tố hiện nay. Người phụ nữ này nuối tiếc một cách “bệnh hoạn" với tác phẩm của anh trai mình, thường xuyên có chuyện hôm trước còn ghi rõ là tranh để bán nhưng hôm sau đã không còn thấy tấm biển đó nữa. Vì vậy thậm chí còn có tin đồn, tác phẩm của Cơ Quân Đào chỉ bán cho người hữu duyên, điều này khiến con người Cơ Quân Đào càng trở nên thần bí.

May mà một năm trước Cơ Quân Đào đã nhận lời làm giảng viên môn quốc họa tại Viện Mỹ thuật vì được viện trưởng đích thân mời, mỗi tuần sẽ lên lớp nửa ngày. Thế nhưng cửa phòng học luôn đóng chặt mỗi khi anh ta giảng bài. Xuất phát từ sự sùng bái đối với anh, các sinh viên cũng chủ động ngăn cản ý định tiếp cận anh của người ngoài. Nghe nói anh ta luôn lái một chiếc xe Lexus màu đen đi đi về về như một cơn gió, cho nên đến nay có rất ít người biết khuôn mặt thật của anh ta.

Nghe đến đó, Hoài Nguyệt không kìm được, hé miệng cười, lần nào nói chuyện, vị Phó Tổng biên tập Lưu khả ái này cũng đều cường điệu lên như vậy. Giảng dạy trong một trường đại học có mấy ngàn sinh viên mà còn có thể tránh được ánh mắt người khác hay sao? Có thể là anh ta không đủ hấp dẫn, nếu không, ai muốn thấy mặt thì chỉ cần tới ngó qua cửa sổ lớp học, không phải là được rồi sao? Lại còn đi về như gió nữa chứ!

Vừa ngẩng đầu lên, Trần Thụy Dương đã nhìn thấy Hoài Nguyệt tươi cười. Hôm nay cô mặc một chiếc áo len dệt kim cổ trái tim khoét rộng màu đỏ cam đan xen với màu vàng chanh, mái tóc buông dài sau lưng, lộ ra cần cổ cao trắng ngần với xương quai xanh thanh mảnh, vừa dịu dàng vừa dễ thương, sống mũi thẳng tắp, đôi môi hồng phấn, gương mặt như vẽ.

Hơn một tháng nay, Thương Hoài Nguyệt mà anh tiếp xúc và Thương Hoài Nguyệt anh được nghe qua lời người khác đều tỏ ra là một phụ nữ thông minh, xinh đẹp và nhã nhặn như vậy. Thằng cha Lỗ Phong kia đúng là đầu đất nên mới vứt bỏ một cô vợ như vậy và một cậu con trai đẹp như tranh để lấy một người phụ nữ thấy lợi đen lòng. Nghe nói mẹ chồng cũ của cô ấy còn thường xuyên đến mời cô ấy đi ăn cơm uống trà, có lẽ bà cũng vô cùng yêu mến nàng dâu cũ này.

“Hoài Nguyệt, có chuyện gì mà vui thế?" Phó Tổng biên tập Lưu nhìn theo ánh mắt Trần Thụy Dương rồi cười tít mắt hỏi.

Nghe tiếng gọi, Hoài Nguyệt ngẩng đầu lên. Thấy ánh mắt như đang suy nghĩ xa xăm của Trần Thụy Dương, cô căng thẳng buột miệng: “Tôi có vui đâu".

Mọi người cười vang: “Tại sao đi làm lại không vui? Vẫn muốn nghỉ cuối tuần à?" Các thành viên trong Ban Biên tập đều là văn nhân, lại là những người có gia thế tốt. Bình thường họ đều thoải mái nói cười không phân trên dưới, không có nhiều thứ phải giữ ý giữ kẽ, đối với phụ nữ trẻ tuổi xinh đẹp lại càng rất rộng lượng.

“Vâng, cứ nghĩ đến việc tuần này phải làm việc cả bảy ngày là tôi lại cảm thấy chán nản". Hoài Nguyệt té nước theo mưa luôn, vì Tết Đoan ngọ sẽ được nghỉ thêm một ngày cho liền với cuối tuần nên Chủ nhật tuần này vẫn phải đi làm bù.

Phóng viên Tào hỏi: “Hoài Nguyệt, năm nay Hội Dân tộc học có tặng túi thơm cho cô không? Con gái tôi cứ hỏi tôi mãi, bây giờ lũ trẻ đang chuộng dùng túi thơm làm móc đeo điện thoại".

“Có, có". Hoài Nguyệt gật đầu: “Ở chỗ tôi có đầy một túi to, lát nữa anh tới lấy nhé".

Biên tập Ngô phụ trách mục Trao đổi khoa học khẽ đẩy gọng kính nói với Phó Tổng biên tập Lưu: “Anh Lưu, sang năm tôi phải đổi chỗ cho Hoài Nguyệt mới được. Mỗi lần tổ chức hoạt động, Hội Dân tộc học đều không quên kéo Hoài Nguyệt đi, Tết Đoan ngọ, hội trưởng còn đích thân đến tặng túi thơm cho cô ấy. Tôi thì vất vả dò lỗi chính tả, chỉnh sửa luận văn cho người ta mà chẳng được cái gì hay ho cả. Cứ như thế này thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến cả thể xác và tinh thần".

Chị Lưu phụ trách sắp chữ ngồi bên cạnh Hoài Nguyệt nói: “Anh Ngô, anh còn ghen tị cả với một cô bé nữa à? Phó Tổng biên tập, không được đáp ứng yêu cầu của anh ấy, nếu không sẽ chẳng còn ai có túi thơm nữa mất".

Phó Tổng biên tập Lưu vui vẻ gật gật đầu nói với cấp dưới đang cười đùa ầm ĩ: “Túi thơm thì lát nữa mỗi người đến chỗ Hoài Nguyệt lấy một cái, không được nhiều hơn, còn lại phải để dành cho Đậu Đậu. Vì Đậu Đậu của chúng ta nên vị hội trưởng già đó mới vui vẻ chạy tới đây. Bây giờ tiếp tục nói đến cha con họ Cơ này. Anh Trương, nhiệm vụ này giao cho anh, dẫn Tư Tư đi cùng. Một bài phỏng vấn và hai bức ảnh, một bức làm bìa ngoài, một bức đưa vào bài viết. Nếu không chụp được ảnh chung cả hai cha con thì nhất định phải chụp được Cơ Quân Đào. Ông già đã quy y cửa Phật, chúng ta phải tôn trọng ông ấy, nhưng con trai ông ấy thì không thể buông tha được. Lần này hai người phải vất vả rồi".

Phóng viên Trương, thường được gọi là tài tử Trương, người chuyên viết bài phỏng vấn nhân vật trong Ban Biên tập là một người mềm mỏng, bình thường rất ít nói chuyện nhưng lúc này anh ta lại bất ngờ phản đối: “Phó Tổng biên tập, sợ rằng việc này hơi khó. Tôi cũng biết mấy người bạn là họa sĩ, họ cũng từng muốn tới thăm anh ta, nhưng nghe nói người này tính tình cao ngạo, suốt ngày chỉ đóng cửa trong nhà, không bao giờ đồng ý trả lời phỏng vấn".

Phó Tổng biên tập Lưu nhìn phóng viên ảnh Tư Tư: “Tư Tư, không phải chồng cô làm ở Sở Giáo dục sao? Có thể liên hệ với lãnh đạo Viện Mỹ thuật hay không?"

Tư Tư là một phụ nữ phía bắc hào phóng, chị ta lập tức nói lớn: “Các trường khác thì không thành vấn đề nhưng Viện Mỹ thuật thì bó tay. Mỗi khi triệu tập hội nghị, chẳng có mấy người đến mà cũng không dám phê bình ai, họ còn quen các lãnh đạo tỉnh hơn cả anh đấy".

Phó Tổng biên tập Lưu lại vò đầu bứt tai nói: “Cứ đi thử xem sao đã, nếu không được thì chúng ta lại nghĩ cách khác".

Tư Tư và Hoài Nguyệt ngồi cùng phòng làm việc, tuy chị ta hơn Hoài Nguyệt cả chục tuổi nhưng hai người lại không có ngăn cách gì, bình thường vẫn chơi với nhau rất thân. Chị ta ngồi xuống, thấy Hoài Nguyệt cười trên nỗi đau của người khác liền nảy ra ý định trả đũa. Tư Tư cao giọng nói: “Thực ra có thể để Hoài Nguyệt thử. Mọi người còn nhớ không, lần trước vị bác sĩ tâm lý kia lúc đầu cũng sống chết không chịu trả lời phỏng vấn, Cuối cùng vẫn là Hoài Nguyệt đến mới được. Tài tử Trương, không phải anh khen bài phỏng vấn đó tốt lắm à?"

Tài tử Trương cười, gật đầu: “Hoài Nguyệt, hay là lần này lại thử xem? Anh chàng Cơ Quân Đào này cũng chỉ hơn ba mươi tuổi, lại từng du học, chắc chắn sẽ không thiếu phong độ quý ông đến mức không nể mặt một phụ nữ đâu".

Hoài Nguyệt biết hai người này đang liên hợp lại trêu mình, cô vội lắc đầu nói: “Không nên, không nên, bác sĩ còn có thể đến bệnh viện chặn đường, người này lai vô ảnh khứ vô tung, biết đi đâu mà tìm? Hơn nữa, đối với lĩnh vực hội họa thì tôi dốt đặc cán mai, thậm chí còn không bằng cả Đậu Đậu nhà tôi, đến lúc đó không bị người ta đuổi ra khỏi cửa mới là lạ".

Lần đó cô có thể phỏng vấn vị bác sĩ tâm lý kia là do Lỗ Phong nhờ người sắp xếp giúp, bây giờ có chuyện phiền toái gì cô cũng không còn chỗ dựa nữa rồi.

Mọi người cười: “Để Đậu Đậu của chúng ta đi đi, sức hấp dẫn của nụ cười Đậu Đậu chắc chắn là vô địch".

Phó Tổng biên tập Lưu bất đắc dĩ nói: “Được rồi, được rồi, anh Trương và Tư Tư đi trước thử một lần xem, nếu không được thì nghĩ cách tiếp, thật sự không được thì gọi Đậu Đậu đến, cứ quyết định như vậy đi".

Buổi giao ban thường lệ thứ Hai hằng tuần chấm dứt trong tiếng cười đùa của mọi người. Trần Thụy Dương nhìn Hoài Nguyệt và Tư Tư cười nói đi ra ngoài. Phó Tổng biên tập Lưu lại gần, lúng túng nói: “Giám đốc Trần, bình thường mọi người đều thoải mái như vậy thành quen rồi, mong anh đừng chê cười".

“Ha ha, tôi không nghĩ bầu không khí ở Ban Biên tập lại tốt như vậy", Trần Thụy Dương cười nói: “Chỉ mong phát pháo đầu tiên của mọi người sẽ có thể khai hỏa". Đây là lần đầu tiên anh tới dự buổi giao ban của Ban Biên tập từ khi nhận chức Giám đốc tòa soạn kiêm Tổng biên tập tới nay. Quả nhiên, đúng như những gì được nghe, mọi người ở nơi này không hề nhạy cảm với việc ai làm Tổng biên tập như các đơn vị khác, lúc nào cũng vẫn giữ tác phong văn nhân, hoặc nói cách khác là tác phong của người có hậu thuẫn vững chắc.

“Nhất định sẽ cố gắng hết sức". Phó Tổng biên tập Lưu càng cảm thấy áp lực, nói: “Có điều hình như chưa thấy ai có qua lại gì với anh chàng Cơ Quân Đào này".

“Không phải anh ta có phòng triển lãm Tố sao? Không bắt được chính bản thân anh ta thì cũng phải bắt được em gái anh ta chứ? Mở cửa làm ăn, người tới đều là khách mà", Trần Thụy Dương nói bâng quơ.

“Đúng đúng đúng, để Tư Tư đi tìm em gái anh ta tâm sự trước". Phó Tổng biên tập Lưu nói: “Càng ngày chúng ta càng cần nhân tài đối ngoại, nếu như mấy người đẹp ở văn phòng tòa soạn có thể giúp chúng tôi một tay thì nhất định sẽ mã đáo thành công!"

“A, nếu thật sự dùng được họ thì anh cứ tới đó đi". Trần Thụy Dương vốn không hài lòng lắm với mấy cô nàng thuộc diện con cháu lãnh đạo với cái đầu rỗng tuếch đó.

“Nói vậy chứ sao có thể để Giám đốc nhường người như vậy được". Phó Tổng biên tập Lưu vội né tránh ngay, nếu mấy bà cô đó đến đây thì mình hầu hạ người ta còn không kịp ấy chứ, nói gì đến chuyện sai bảo.

Trần Thụy Dương cười nhạt: “Ban Biên tập là nơi nhân tài ẩn dật, không có thực lực quả thật là không thể ngồi ở đây được".

Hoài Nguyệt vừa về đến văn phòng thì Đặng Duyên Duyên đã gọi điện thoại tới.

“Hoài Nguyệt, tớ thảm rồi! Bạn phải giúp tớ mới được".

“Làm sao rồi? Hết tiền à?"Hoài Nguyệt cười hỏi. Cứ đến hẹn là Đặng Duyên Duyên lại phải bay sang Hồng Kông vơ vét hàng hóa, việc này đã trở thành một thói quen. Làm ở đài truyền hình, lương cao đến đâu cũng không đủ để đáp ứng cách tiêu xài như vậy của cô. Vì thế, cứ đến cuối tháng là cô lại phải tìm Hoài Nguyệt cầu cứu.

“Lần này không phải vấn đề tiền bạc". Đặng Duyên Duyên nói: “Chương trình ở đài vừa có thay đổi lớn, tớ vừa được điều đến tổ chuyên mục Danh nhân rồi, làm phóng viên. Bực thật, lại phải may áo cưới cho người khác".

Hoài Nguyệt rất ít khi xem ti vi, nhất thời không nhớ nổi người chủ trì chuyên mục “Danh nhân" là ai.

Đặng Duyên Duyên lại nói tiếp: “Nói là phải phỏng vấn một họa sĩ cực kỳ lập dị, không bao giờ chịu trả lời phỏng vấn. Đài truyền hình đã thử dùng mỹ nhân kế mấy lần rồi mà đều không được, lần này lại bắt tớ đi làm tốt thí mạng. Bao giờ bạn rảnh rỗi thì đi thăm dò thực địa với tớ".

Thương Hoài Nguyệt giật mình, hỏi: “Họa sĩ nào?"

“Cơ Quân Đào, con trai cái ông Cơ Trọng Minh đã xuất gia kia ấy. Em gái anh ta mở một phòng triển lãm tên là Tố ở đối diện Viện Mỹ thuật, nghe nói rất nổi tiếng nhưng tớ chưa tới bao giờ. Bạn đã đến đó bao giờ chưa? Nghĩ cách hộ tớ nhé!"

Hoài Nguyệt bật cười, tại sao bỗng dưng khắp mọi nơi, ai ai cũng đều đổ xô đi tìm cái anh chàng Cơ Quân Đào này thế nhỉ? Rốt cuộc anh ta là thần thánh phương nào, cô cũng không khỏi cảm thấy tò mò.

“Tạp chí tớ cũng muốn anh ta làm nhân vật trang bìa, tại sao lại trùng hợp như vậy nhỉ?"

“Bạn không biết à? Nghe nói phòng triển lãm Tố đang chuấn bị mở một triển lãm tranh của cha con họ, có thể sẽ là triển lãm cuối cùng của Cơ Trọng Minh. Người trong giới hội họa vì thế đặt kỳ vọng rất cao vào lần triển lãm này. Cơ Trọng Minh đã quy y cửa Phật, vì thế mục đích triển lãm lần này hiển nhiên là để đẩy con trai ông ta lên vị trí cao hơn. Các thế hệ học trò của ông ta làm sao dám không phục, đến lúc đó chắc chắn Cơ Quân Đào sẽ nổi danh như cồn. Nếu khi đó mới nghĩ đến việc phỏng vấn thì đã muộn rồi, cho nên truyền thông trong tỉnh đều hy vọng tận dụng ưu thế về địa lý để phỏng vấn anh ta trước các hãng ngoại tỉnh".

“Thì ra là thế", Hoài Nguyệt hiểu ra: “Hai hôm nữa cùng đi nhé, tớ gọi Tư Tư đi cùng, chị ấy cũng có nhiệm vụ này".

Tư Tư bên cạnh xua tay nói: “Hai đại mỹ nữ bọn em đi trước đi, nói với Duyên Duyên là hai bên hỗ trợ cho nhau, chị cũng về bắt ông xã nghĩ cách".

Hoài Nguyệt nói: “Hoàng đế không vội, thái giám vội, tại sao em lại phải tích cực hơn chị nhỉ?"

Vừa lúc Trần Thụy Dương đi vào phòng, nghe vậy liền tiếp lời: “Hoài Nguyệt chạy việc giúp chị cả, rốt cuộc chị cả cũng phải làm phiền người thân rồi".

Tư Tư cười nói: “Giám đốc Trần, không phải là anh đến giục tôi đây chứ?"

Trần Thụy Dương cười nói: “Có giục chị hay không cũng là việc của Phó Tổng biên tập Lưu, tôi đến chỗ Hoài Nguyệt để lấy túi thơm Đoan ngọ".

Hoài Nguyệt xách một túi giấy to từ trong tủ ra, vừa lấy túi thơm vừa hỏi: “Con Giám đốc Trần là con trai hay con gái?"

Trần Thụy Dương sửng sốt rồi lập tức nói, vẻ hơi khó xử: “Trông tôi già thế cơ à? Tôi còn chưa lập gia đình. Là mẹ tôi thích mấy thứ này nên tôi muốn lấy một cái cho bà".

Hoài Nguyệt thoáng bối rối, cô lúi húi chọn hai túi có màu sắc trang nhã đưa cho Trần Thụy Dương: “Giám đốc Trần đúng là một người con hiếu thảo. Mấy cái này đều do các hội viên tự tay làm. Chắc chắn bác gái sẽ thích".

Trần Thụy Dương nhận lấy và giữ nguyên trên tay để xem xét. Túi chỉ thêu có vài đường nhưng lại rất tinh xảo, loại túi thơm hay bán trên thị trường bình thường tuyệt đối không thể sánh được. Khi ấy Trần Thụy Dương bèn nói: “Hoài Nguyệt, Hội Dân tộc học đúng là tốt với cô thật, vốn tôi định đề nghị Phó Tổng biên tập Lưu đổi cho cô một công việc khác nhưng xem ra trước đó cô phải làm công tác tư tưởng với Hội trưởng Uông đã".

Hoài Nguyệt đỏ mặt ngại ngùng nói: “Giám đốc Trần nói đùa rồi, tôi nghe Hội trưởng Uông nói ông ấy với anh cũng rất thân quen, ông ấy còn nói năm nay mời anh đi xem hội đua thuyền rồng đấy"."

“Ông ấy nói với tôi rồi, đến lúc đó cô đi cùng nhé, nghe nói có không ít tiết mục. Tôi ở nước ngoài mấy năm, giờ đang muốn xem ngày lễ truyền thống đúng nghĩa ở quê nhà. Mang cả cậu con trai bảo bối của cô đi nhé!"

Hoài Nguyệt gật đầu: “Tôi phải thương lượng với bố cháu một chút".

Trần Thụy Dương sửng sốt rồi lập tức hiểu rõ ý cô. Cuối tuần sau đến lượt Đậu Đậu phải ở với bố.
Tác giả : Hàm Hàm
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại