Đoàn Tàu Trong Sương Mù

Chương 8

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Đã vào ngày thứ ba của cuộc hành trình, phong cảnh ngoài cửa vẫn tẻ ngắt như mọi khi khiến người ta buồn ngủ, mất hết hứng thú.

Ngược lại, tinh thần Văn Tuyết khá phấn chấn, trời vừa sáng đã bò xuống giường, vội vàng rửa mặt ngồi bên cửa sổ nghịch máy ảnh.

Cô thay ống kính tele [1], chụp thử liên tục vài tấm ngoài cửa sổ, sau đó lui về chỗ tối kiểm tra từng chi tiết bức ảnh, điều chỉnh tiêu cự và khẩu độ [2] máy ảnh.

[1] Ống kính tele là ống kính có tiêu cự dài và được sử dụng để đưa chủ thể và cảnh ở xa lại gần hơn. Ống kính tele ngắn: Các ống kính có tiêu cự nằm trong khoảng từ 85mm đến 135mm ống kính tele ngắn.

[2] Khẩu độ là độ mờ của ống kính giúp điều tiết lượng ánh sáng đi vào đến cảm biến máy ảnh. Khẩu độ ống kính càng lớn tức là trong một khoảng thời gian nhất định lượng ánh sáng mà cảm biến (hoặc phim) nhận được càng nhiều. Máy ánh điều chỉnh tăng giảm độ khẩu thông qua việc đóng hoặc mở các lá khẩu.

Sau nhiều lần chỉnh sửa, cuối cùng cô cũng chỉnh được bộ lọc ưng ý nhất. Cầm máy ảnh trên tay phải, tay trái cầm ống lens, áp mặt vào lưng máy, cố gắng thả chậm nhịp thở.

Nai nịt gọn gàng chờ đến lúc xuất phát, chẳng khác nào người lính sắp sửa ra trận.

Bởi vì chặng đường sắp tới là một phần tinh hoa của cuộc hành trình – Hồ Baikal, hay còn được mệnh danh là “Mắt xanh của Siberia".

Hai người đàn ông trong phòng cũng đang lục tục rời giường.

Phương Hàn Tẫn vừa trở về từ toa ăn, đem theo sữa chua và bánh mì Dalieba[3] về cho Văn Tuyết. Vào nửa đêm qua, tàu chính thức rời Mông Cổ, tiến vào lãnh thổ Nga, vì vậy bữa sáng cũng mang đậm hương vị xứ sở bạch dương.

[3] Dalieba là một loại bánh mì tròn lớn kiểu Nga và cũng được sản xuất tại các tiệm bánh tại Cáp Nhĩ Tân. Dalieba lần đầu tiên được giới thiệu đến người dân địa phương bởi một thợ làm bánh của Nga, nó đã được bán trong các tiệm bánh ở Cáp Nhĩ Tân trong hơn 100 năm. Hương vị chua dai và dai dẳng của Dalieba khác với các loại bánh mì kiểu Á và mềm truyền thống khác ở các vùng khác của Trung Quốc.

Văn Tuyết không nhìn kỹ nên cứ tưởng rằng đây chỉ là bánh mì bình thường, cô cầm lên bỏ vào mồm ngoạm một miếng, suýt chút nữa rụng hết cả răng.

Bánh mì vẫn không sứt mẻ gì, ngoại trừ có thêm hai dấu răng mờ mờ.

“Ui…" Văn Tuyết che má rên lên, nhìn ổ bánh trong tay với vẻ dò hỏi, “Bánh mì này làm bằng gì thế? Xi măng à?"

Phương Hàn Tẫn không khỏi tức cười: “Không phải ăn kiểu đấy."

Anh trải khăn ăn trên bàn, đặt bánh lên, sau đó dùng dao Thuỵ Sĩ cắt một mẩu nhỏ nhúng vào sữa chua đưa cho Văn Tuyết.

“Cậu thử đi."

Văn Tuyết nửa tin nửa ngờ nhét vào miệng nhai.

Vị thì cũng được đấy, nhưng mà nhai mệt thật, mỏi hết cả quai hàm.

Sau khi nhận được sự công nhận của cô, Phương Hàn Tẫn mỉm cười hài lòng, cắt nốt lát bánh mì còn lại.

Tay anh rất đẹp, ngón tay thon dài, các khớp xương rõ ràng, móng tay cắt tỉa cẩn thận, gân trên cổ tay cầm dao hơi nổi lên, động tác từ tốn chậm rãi, gợi lên cảm giác mạnh mẽ lẫn trong sự dịu dàng.

Văn Tuyết nhìn đến mê mẩn.

Cho tới giờ cô vẫn chưa từng nghĩ tới ngắm một người đàn ông cắt bánh mì cũng có thể thích mắt đến vậy.

Là bởi vì lát cắt ngọt quá đã chữa khỏi chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, hay vì một đôi tay như vậy dù làm gì cũng lộ vẻ tao nhã thong dong?

Cô rất muốn giơ máy ảnh lên chụp cận cảnh đôi tay này, nhưng suy nghĩ một chặp vẫn quyết định cho qua.

Vừa cắt xong Dieleba cũng là lúc Diệp Tử Hàng đẩy cửa tiến vào, chiếc khăn mặt vắt ngang vai.

Cậu ta đến cạnh bàn nhìn lướt qua, tặc lưỡi mấy tiếng, giọng điệu ghét bỏ: “Mới sáng sớm ăn cái gì vậy trời?"

Ngoài miệng thì nói thế nhưng vẫn vươn tay cuỗm mất miếng bánh cho vào miệng.

Phương Hàn Tẫn mặt không đổi sắc liếc nhìn cậu ta, con dao trong tay chợt lóe tia sáng sắc lạnh.

Diệp Tử Hàng nhai nhồm nhoàm, nước bọt bắn tung toé: “Bữa sáng phải ăn đồ nóng chứ. Chỗ em có cháo bát bảo tự sôi đấy, mười đồng một hộp, có muốn ăn không ạ?"

Văn Tuyết lắc đầu, cầm lấy bánh mì, học theo Phương Hàn Tẫn chấm vào sữa chua, chờ bánh mì mềm mới cho vào miệng.

Độ mềm vừa phải, đậm vị lúa mì, càng ăn càng nghiện.

Diệp Hàng Tẫn ăn xong lại kéo ra một chiếc túi vải dưới gầm giường, mở khoá kéo.

Văn Tuyết ngó sang, bên trong chất đầy thức ăn nhanh, cháo, cơm, lẩu tự sôi các kiểu, dĩ nhiên không thể thiếu món quốc dân – mì ăn liền.

Văn Tuyết nhướng mày, hỏi: “Còn nhiều hàng tồn kho vậy?"

Nếu cô nhớ chính xác thì chỉ vài giờ nữa thôi cậu ta sẽ xuống tàu.

Diệp Hàng Tẫn tự tin đáp: “Yên tâm, hôm nay mới ngày thứ ba, chắc chắn khách chán ngấy đồ ăn trên tàu rồi. Nhìn thấy mấy món này không sáng mắt mới lạ! Ha ha, tôi chính là Mèo Máy cứu vớt họ đấy."

“Cậu trắng trợn cướp mối của toa ăn vậy mà nhân viên trên tàu vẫn chịu hả?"

“Chị cứ yên tâm." Diệp Tử Hàng nháy mắt với cô, nở nụ cười mập mờ, “Tôi có cô bạn phụ trách ăn uống trên tàu, tôi đã phím trước với cô ấy rồi."

Phương Hàn Tẫn cụp mắt nhìn lướt qua túi dệt của cậu ta, cầm hộp cơm nấm hương hầm gà tự sôi, hỏi Diệp Tử Hàng: “Cái này bán thế nào?"

“Bán cho người khác thì hai lăm, nhưng mà anh thì…" Diệp Tử Hàng nghĩ đến đêm qua họ kề vai sát cánh chiến đấu, Phương Hàn Tẫn còn liều mạng kéo cậu lên tàu, mối tình đồng chí tự nhiên sinh ra, “Lấy ba mươi thôi."

Phương Hàn Tẫn: “…"

Nghĩ lại cũng không hẳn là đắt, một bữa ăn trên xe ít nhất cũng ngốn mất năm mươi.

“Được, vậy lấy tôi chín hộp."

Diệp Tử Hàng trố mắt, “Anh ăn có hết không đấy? Chỉ còn ba ngày nữa là đến rồi mà!"

Phương Hàn Tẫn nhìn Văn Tuyết, thản nhiên nói: “Chúng tôi đi ba người."

Văn Tuyết bất ngờ chạm phải ánh mắt của anh, cuống quýt rủ mi, hai má chẳng hiểu sao lại nóng hầm hập.

Tầm mắt Diệp Tử Hàn lướt qua lướt lại giữa hai người, “À" một tiếng thật dài.

Hoá ra giờ đã thành “Chúng tôi" rồi cơ đấy.

Cậu ta bĩu môi, nói một cách chua chát: “Được thôi. Nhưng em chỉ lấy tiền sáu hộp thôi. Còn chị gái nhỏ thì tôi miễn phí."

Văn Tuyết vội xua tay, “Vậy sao được? Cậu làm ăn buôn bán cũng không dễ dàng, cứ để tôi mua theo giá ban đầu ấy." Cô nhanh nhảu móc ví ra, “Ba mươi phải không? Tôi mua ba hộp."

Hai người đưa đẩy cả buổi, cuối cùng Diệp Tử Hàng đành phải thỏa hiệp, dựa theo giá thành mười đồng một hộp mà nhận tiền của cô.

Phương Hàn Tẫn cả giận: “Thì ra tôi mới là người xem tiền như cỏ rác?"

Ăn xong bánh mì chấm sữa chua, dọn dẹp mặt bàn sạch sẽ, Văn Tuyết lại tiếp tục ôm cây đợi thỏ, giơ máy ảnh nhắm ra ngoài cửa sổ.

Cách một lớp kính, dĩ nhiên hiệu ứng chụp ảnh không được như mong đợi.

Phương Hàn Tẫn cũng nhận ra, vì thế anh nhìn về phía trước thăm dò, đẩy cửa sổ ra.

Gió luồn mạnh vào trong, Văn Tuyết ngước mắt nhìn anh nói tiếng cám ơn.

Thời gian vừa khớp. Xe lửa rít lên rồi rẽ ngang, cả một cánh đồng băng rộng lớn từ từ dàn ra giống như bức tranh thuỷ mặc lạnh lẽo.

Vào mùa đông sâu thẳm, hồ Baikal kết băng rất dày, nhìn bằng mắt thường trông nó trong vắt như thể một tấm kính vô tận phản chiếu bầu trời bao la.

Nơi băng và trời tiếp giáp, lớp lớp mây dày chồng chất. Thỉnh thoảng, một bóng cây vụt qua trước ống kính, những cành khô, thân cây gầy guộc lồng vào màu của nền trời lẫn mặt nước khiến bức ảnh trở nên trống trải, im lìm, có cảm giác tịch liêu trống vắng.

Văn Tuyết tập trung cao độ, ngón cái và ngón trỏ nhẹ nhàng chuyển động điều chỉnh tham số đến mức phù hợp nhất, sau đó nhanh tay ấn nút chụp, tiếng ‘tách tách’ liên tục vang lên.

Ở đằng sau cô, Phương Hàn Tẫn cũng giơ điện thoại lên.

Mái tóc dài tung bay, bóng lưng nhập tâm và thế giới rộng lớn bên ngoài cửa sổ đều đóng băng vào giây phút hiện tại.

Đây là ký ức chỉ thuộc về riêng anh.

Ghi lại khoảnh khắc trái tim anh rung động vì người con gái này.

Chụp được gần trăm tấm, Văn Tuyết mời hài lòng rút máy ảnh lại.

Cô xoay người nhìn vào trong, Phương Hàn Tẫn đang khom lưng lau mặt cho Phương Xuân Sinh, Diệp Tử Hàng đã chất đầy hàng hoá ra, nom có vẻ như muốn ra ngoài chào hàng.

Thấy cô cuối cùng cũng chụp xong, Diệp Tử Hàng tặc lưỡi, ồn ào hẳn lên: “Mùa đông này thì có cái gì để chụp? Không có gì đáng xem luôn đó. Hồ Baikal vào mùa hè là đẹp nhất. Lần sau chị đến có thể ở cạnh hồ vài ngày, vừa khéo tôi có một người bạn tốt mở homestay ở đấy, báo tên tôi may ra được giảm giá…"

Tên nhóc này thật sự là đào hoa quá nhỉ, đi tới đâu là gieo nợ tình tới đấy.

Văn Tuyết trêu cậu ta: “Lại là bạn tốt à? Lần này có đánh tôi gãy xương nữa không đấy?"

Diệp Hàng Tẫn chém đinh chặt sắt: “Thật mà! Cô ấy còn rủ tôi cùng kinh doanh homestay mà. Mấy năm nay khách du lịch trong nước ngày càng nhiều, người đa tài như tôi rất được chào đón. Đợi chị đến đó, mấy cái khác chưa nói, ăn ở tôi bao trọn gói luôn cho."

“Còn anh hả, người anh em," Diệp Tử Hàng đảo mắt, cười tủm tỉm nhìn Phương Hàn Tẫn, “Dù sao chúng ta cũng từng sống chết có nhau, em giảm 20% cho anh, thấy được không?"

Phương Hàn Tẫn cười nhạt, lười quan tâm cậu ta.

Mặc dù Diệp Tử Hàng mồm mép tép nhảy thật, nhưng cậu ta đã đi dọc đường tuyến đường sắt này nhiều năm, dự đoán của cậu ta về thị trường vẫn tương đối chính xác –

Đúng thật hành khách đã ngấy tận cổ với mấy món vừa đắt vừa nhạt được phục vụ trên tàu.

Chiếc xe đẩy bày hàng la liệt của cậu ta vừa xuất hiện đã khiến họ giống như nắng hạn gặp mưa rào, ngay lập tức khơi dậy cơn đói bụng của mọi người.

Không lâu sau, chiếc xe đẩy bị cướp sạch.

Diệp Tử Hàng đẩy xe đầy nhóc đi ra, tay không trở về, cảm giác tự tin tăng thêm, vừa vào trong đã huyên thuyên không ngừng truyền thụ kinh nghiệm làm ăn cho Văn Tuyết.

Tai Văn Tuyết như sắp sửa đóng kén.

Cũng may tàu sắp đến ga, Diệp Tử Hàng cuối cùng cũng xuống tàu.

Diệp Tử Hàng lấy mấy gói đồ trong túi dệt đặt trên bàn, luyến tiếc nói: “Chị gái nhỏ ơi, tôi đi rồi, mấy thứ này tôi giữa lại không bán, tặng chị hết đấy."

Văn Tuyết đưa mắt nhìn, tất cả đều là đồ sưởi ấm như máy hâm sữa, túi chườm chân, bình giữ nhiệt và một hộp bản lam căn [6].

[6] Bản lam căn là tên thuốc trong y học cổ truyền của rễ cây tùng lam, thuộc loại thực vật.

“Cảm ơn cậu." Cô vừa buồn cười vừa cảm động.

Phải thừa nhận rằng Diệp Tử Hàng là một cậu trai ấm áp, đôi khi còn rất đáng yêu.

Diệp Tử Hàng nói thêm: “Tôi thấy cái áo lông của chị mỏng lắm, không chống lạnh được mấy đâu. Đến Moscow cứ bảo anh tôi mua cho chị cái khác, trang bị lại từ đầu đến chân."

Đoạn, cậu ta quay sang Phương Hàn Tẫn, lấy cùi chỏ huých anh, dặn dò: “Anh à, đối xử với chị gái nhỏ tử tế vào đấy."

Văn Tuyết hơi thẹn, lặng lẽ cúi đầu.

Cái gì mà ấm áp, rõ ràng là một đốm lửa, đốt người ta đến mức bỏng luôn, vành tai nóng lên, thậm chí cả bầu không khí cũng bốc khói.

Trái với dự đoán của Văn Tuyết, Phương Hàn Tẫn vậy mà còn trả lời “Được".

Văn Tuyết thẹn thùng cào tóc, đang định giải thích quan hệ giữa họ thì với Diệp Tử hàng thì đột nhiên nghe Phương Hàn Tẫn nói: “Để tôi tiễn cậu đi."

Diệp Tử Hàng thoáng sửng sốt, còn chưa kịp đáp lời, hành lý trong tay đã bị Phương Hàn Tẫn cầm lấy.

Phương Hàn Tẫn nhìn Văn Tuyết. Chưa đợi anh mở lời, cô đã vội vàng nói: “Tôi biết rồi, tôi sẽ trông chừng Xuân Sinh."

Phương Hàn Tẫn cười nhẹ, xách hành lý đi khỏi phòng.

Diệp Tử Hàng khiêng túi dệt bước theo sau, chưa được mấy bước đã quay lại nhìn Văn Tuyết, trông hết sức tội nghiệp.

“Chị gái nhỏ, thật sự không thể thêm WeChat ạ?"

Văn Tuyết do dự, cuối cùng chỉ đành cười tạ lỗi.

“Xin lỗi nhiều nha." Cô phất tay, “Có duyên sẽ gặp lại."

Nếu đã không có duyên thì nên từ bỏ từ bây giờ, bởi vì mai sau chắc chắn sẽ không còn tương phùng.

Trước cửa tàu, Trịnh Khải Nhiên vỗ mạnh vai Diệp Tử Hàng, dặn dò cậu ta mấy câu. Bởi vì biết cậu ta sẽ sớm trở lên nên bầu không khí chia tay cũng chẳng mấy thương cảm.

Phương Hàn Tẫn xách hành lý đứng bên cạnh kiên nhẫn chờ đợi.

Trình Khải Nhiên xong xuôi thì đến lượt Diệp Tử Hàng phát biểu cảm nhận chia tay.

Cậu đứng thẳng tắp, nhìn Trịnh Khải Nhiên và Phương Hàn Tẫn, vẻ mặt nghiêm túc, chính trực biết bao: “Anh cả, anh hai, em trai có một chuyện cầu xin, không biết nên nói không nữa."

Phương Hàn Tẫn: …

Họ kết nghĩa bao giờ à? Sao anh chả nhớ gì hết?

Sắc mặt Trịnh Khải Nhiên sầm lại: “…Vậy tốt hơn hết là cậu đừng nói gì cả."

Diệp Tử Hàng trợn mắt rõ to, “Sao thế được? Chuyện này liên quan đến địa vị trong giang hồ của anh em ta, em nhất định phải nói."

Trịnh Khải Nhiên và Phương Hàn Tẫn lia mắt nhìn nhau, nhìn thấy dòng suy nghĩ tương tự qua ánh mắt đối phương: “Sao thằng này còn chưa đi?"

Diệp Tử Hàng háo hức đề nghị: “Trải qua trận chiến đêm qua, em đột nhiên nảy ra một ý nghĩ táo bạo: hay là chúng ta lập thành một đội đi!"

Nói đến đây, hai mắt cậu ta phát sáng, kích động xua tay như đuổi ruồi, “Em đã nghĩ kỹ tên đội rồi. Không phải chúng ta đã tuyên bố vừa đánh chết một con gián lớn với người ngoài hả, cho nên tên nhóm chúng ta gọi là – Bọ Chiến!"

Phương Hàn Tẫn: …

Trịnh Khải Nhiên: …

Không khí nháy mắt đóng băng.

Diệp Tử Hàng hứng trí bừng bừng: “Để tạo thêm điểm nhấn cho nhóm ba người, chúng ta cũng có thể đặt tên là Ba Con Bọ Chiến! Vừa lúc nối tiếp bộ phim “Chiến Binh Sói 2" [7] í. Các anh thấy thế nào?"

[7] Phim do Ngô Kinh đóng chính.

Phương Hàn Tẫn quay lại nhìn đoàn tàu, hỏi Trịnh Khải Nhiên: “Sao tàu còn chưa lăn bánh vậy? Không phải bị trục trặc rồi chứ?"

“À ừ!" Trình Khải Nhiên bừng tỉnh, hấp tấp tiếp lời, “Chắc chắn là trục trặc chỗ nào rồi! Tôi phải đi kiểm tra xem đã!"

Dứt lời, anh ta chạy như bay vào toa tàu.

Phương Hàn Tẫn dợm bước muốn đuổi theo sau thì bị Diệp Tử Hàng gọi với lại: “Anh hai! Gượm đã!"

Phương Hàn Tẫn: …Câm miệng giùm cái.

Mặc dù đang mắng thầm vậy thôi, nhưng cứ nghĩ đến việc sắp chia tay cậu ta, Phương Hàn Tẫn vẫn quyết định tươi cười tiễn khách.

“Có chuyện gì?" Phương Hàn Tẫn vừa cười vừa hỏi Diệp Tử Hàng.

Diệp Tử Hàng sải bước tới kéo lấy vai anh, hạ giọng hỏi: “Anh hai à, em đã nhìn ra từ lâu, có phải anh thích chị em không?"

Phương Hàn Tẫn lườm cậu ta, cố ý hỏi: “Ai là chị cậu? Đừng có tự nhận vơ họ hàng thân thích."

Diệp Tử Hàng nháy mắt với anh, nở nụ cười sâu xa: “Thích thì nhích đi anh. Vừa khéo em sắp xuống tàu, chừa lại không gian riêng cho hai người đấy. Ai cũng trưởng thành cả rồi, nam nữ độc thân, hành trình quạnh quẽ, duyên phận rất ngắn ngủi…Anh hiểu mà."

Phương Hàn Tẫn khịt mũi, đùa cợt: “Mấy cô bạn tốt của cậu cũng nhờ vậy mà có?"

“Em không giống anh." Diệp Tử Hàng lắc đầu, biểu tình nghiêm túc, “Các cô ấy theo đuổi em."

“Bấm nút biến đi." Phương Hàn Tẫn tách khỏi tay cậu ta, không nể nang gì ra lệnh đuổi khách.

Diệp Tử Hàng lại mặt dày sấn tới, “Anh hai à, anh cứ yên tâm mà theo đuổi đi, anh em Bọ Chiến chúng ta vĩnh viễn là hậu phương vững chắc của anh!"

Phương Hàn Tẫn cố kiềm chế không lấy chân đạp người, khẽ há miệng, nhẹ nhàng thốt ra một chữ: “Cút."
Sau khi thoát khỏi cái loa phát thanh kia, cuối cùng thế giới cũng yên tĩnh trở lại.

Buổi chiều, Văn Tuyết mê man ngủ một giấc, khi mở mắt lần nữa trong phòng đã tối đen. Cô hoảng hốt ngay tức thì, không phân rõ trước mắt là mộng hay thực.

“Tỉnh rồi à?" Giọng Phương Hàn Tẫn vang lên phía đối diện.

Trên giường truyền đến một tiếng “tách", rất nhanh sau đó, đèn trong phòng sáng lên.

Văn Tuyết quấn chăn ngồi dậy hỏi: “Mấy giờ rồi?"

“Gần sáu rưỡi. Buổi tối cậu muốn ăn gì?"

Trễ vậy rồi. Vừa chợp mắt đã mất cả buổi chiều. Văn Tuyết không khỏi thở dài, cuộc sống tẻ nhạt thật sự có thể khiến người ta trở thành phế vật.

“Gì cũng được, tôi cũng không thèm ăn."

Phương Hàn Tẫn ngồi xổm trên đất, kéo chiếc túi dệt Diệp Tử Hàng để lại, chọn lấy một hộp lẩu nhỏ tự sôi.

Cay và thơm, đặc trị dành cho người không có cảm giác thèm ăn.

Sau khi lẩu sôi, mùi thơm nhanh chóng tản ra, vị giác bị kích thích. Bấy giờ Văn Tuyết mới tròng thêm áo khoác, chậm rãi bò xuống giường.

Chưa kịp ăn thì cửa đã bị gõ vang.

Là Trịnh Khải Nhiên, anh ta mang theo hai hộp bánh bao lớn, nộp đơn xin tham gia vào bữa lẩu của họ.

Thế là, ba người lớn và một đứa trẻ ngồi quanh nồi lẩu gặm bánh bao, gắp miếng thịt bò ra khỏi nồi lẩu cay bốc khói nghi ngút bỏ vào miệng. Lại cắn một miếng bánh bao thịt heo bắp cải đượm vị quê hương.

Đây là bữa ăn ngon nhất kể từ khi Văn Tuyết lên tàu.

Mọi người vừa ăn vừa tán gẫu, rất nhanh sau đó bầu không khí náo nhiệt hẳn lên.

Cũng chẳng rõ vì sao đề tài lại chuyển đến Diệp Tử Hàng.

Văn Tuyết thật sự tò mò: một cậu thanh niên trẻ tuổi, sao lại có thể khéo léo sõi đời đến thế, sắc sảo mà lại không khiến người khác khó chịu? Ở cậu ta có sự tinh tế của doanh nhân, sự nhiệt huyết của thanh niên và sự hồn nhiên của trẻ thơ. Những phẩm chất này rõ ràng mâu thuẫn với nhau nhưng lại có thể đồng thời tồn tại ở trên người cậu ta, song vẫn không mảy may mâu thuẫn, quả thật rất kỳ diệu.

“Thằng bé đó…" Trịnh Khải Nhiên buông đũa thở dài: “Nó là một đứa nhóc đáng thương. Hai người từng nghe nói về vụ cướp tàu Trung-Nga chưa? Chuyện đó xảy ra trên chính tuyến đường sắt này, vào năm 1993 ấy…"

Văn Tuyết và Phương Hàn Tẫn nhìn nhau, gật đầu.

Phàm là người đi trên chuyến tàu này đều nghe về vụ cướp tàu Trung-Nga đó.

Vào đầu những năm 1990, do nguồn cung vật liệu ở Nga và Mông Cổ khan hiếm, nhiều người Trung Quốc đã tìm ra cơ hội kinh doanh và đi chuyến tàu này, bán hàng hoá dọc trên đường đi nhằm kiếm tiền chênh lệch.

Theo thời gian, chuyến tàu này chỉ toàn những thương nhân làm ăn xuyên biên giới, họ chở rất nhiều tiền mặt, đồ trang sức và hàng hoá. Đương nhiên bị một số thành phần tội phạm để mắt đến.

Thời điểm đó, an ninh trên tàu gặp vấn đề nghiêm trọng. Sau khi tàu đến ga Erenhot, tất cả cảnh sát Trung Quốc xuống tàu hết, còn cảnh sát Nga luôn quản lý lỏng lẻo, không bố trí cảnh sát lên tàu theo yêu cầu.

Vì thế sau khi rời biên giới, tàu đã trở thành một hòn đảo biệt lập.

Hành khách trên tàu cũng hoá cừu non mặc cho người ta mổ xẻ.

Ban đầu, những tên tội phạm kia vẫn còn kiêng dè, chỉ dám trộm ít đồ lặt vặt. Nhưng sau đó chúng phát hiện ra lỗ hổng trong thực thi pháp luật nên dần trở nên to gan hơn.

Cho đến năm 1993, vụ cướp gây chấn động cả Trung Quốc lẫn quốc tế đã xảy ra.

Cuối tháng năm, khi đoàn tàu vừa tiến vào lãnh thổ Mông Cổ, vài tên cướp cải trang thành thương nhân xuống tay ngay tức thì.

Chúng trang bị đao và súng, cướp từng thùng hàng một, đến tận khi tàu đến ga Ulaanbaatar mới ngông nghênh chuồn xuống tàu.

Vụ cướp đầu tiên kéo dài gần mười mấy tiếng đồng hồ.

Tuy nhiên vừa ra khỏi miệng hổ lại vào hang sói, trên tàu lại có thêm nhóm cướp khác, lần này hung khí của chúng là dao rựa và súng ống. Hành khách trên tàu bị cướp phá một lần nữa.

Vài ngày sau khi đến Nga, hai nhóm cướp kia còn chưa xuống tàu thì nhóm thứ tư đã xông lên.

Sắc mặt Trịnh Khải Nhiên trầm buồn, nói chậm rãi: “Lúc ấy bố mẹ Diệp Tử Hàng cũng ở trên chuyến tàu này, và có cả Diệp Tử Hàng khi đó vừa tròn một tuổi."

“Không đời nào?" Văn Tuyết hoảng sợ.

“Bố mẹ thằng bé cũng là dân làm ăn buôn bán. Diệp Tử Hàng vừa sinh ra không bao lâu đã được bố mẹ dẫn lên tàu, vừa chăm bẵm nó vừa bán buôn, chỉ tiếc xui xẻo gặp phải tai hoạ kia."

Văn Tuyết không dám mường tượng ra tình cảnh lúc đó: “Vậy bố mẹ cậu ấy…"

“Lúc xảy ra vụ cướp đầu tiên, mẹ Diệp Tử Hàng còn đang cho nó bú sữa trong phòng vệ sinh, may mắn tránh được một kiếp. Đến trạm Ulaanbaatar, thừa dịp tên cướp xuống xe, bố thằng bé lẻn vào nhà vệ sinh tìm được vợ con, định tạm trốn ở đó lánh nạn."

“Nhóm cướp lúc sau phát hiện có người trong phòng vệ sinh nên đập cửa điên cuồng, bấy giờ bố mẹ Diệp Tử Hàng mới quyết định ôm đứa bé nhảy xuống tàu."

Văn Tuyết nghe mà sợ khiếp vía.

Đây là tàu hoả, chưa bàn tới tốc độ di chuyển nhanh, thế nhưng hai bên đường ray là chướng ngại vật trùng trùng điệp điệp, nhảy xuống không chết thì cũng tàn phế, huống chi còn phải bảo vệ đứa bé trong lòng.

Phương Hàn Tẫn đoán được cô đang nghĩ gì. Sau một lúc suy tư, anh trầm giọng nói, “Họ không nên ở đó để bảo vệ của cải."

Trịnh Khải Nhiên nhìn anh, giọng điệu hơi nặng nề: “Đúng thế. Vào lúc đó, bọn cướp trên tàu không chỉ cướp của mà còn cưỡng gian rất nhiều phụ nữ…Suốt mấy ngày liền, cứ vậy mà làm nhục họ, quả thực quá vô nhân đạo. Mẹ Diệp Tử Hàng không muốn bị lũ cướp làm nhục, bởi vậy bà mới chọn mạo hiểm."

Tim Văn Tuyết siết chặt, lẩm bẩm hỏi: “Vậy kết quả thế nào? Họ có trốn thoát không?"

Trịnh Khải Nhiên lắc đầu, than thở: “Sự thật chứng minh, bước đi này sai hoàn toàn. Vì bảo vệ đứa bé mà lúc nhảy xuống tàu, mẹ Diệp Tử Hàng cuộn tròn cả cơ thể, hậu quả là đập đầu xuống đất hôn mê bất tỉnh."

Ngừng một lát, anh ta tiếp tục, “Bố thằng bé thì coi như may mắn, nhảy xuống không bị thương gì nặng." Ông muốn cõng vợ mình nhưng bị bọn cướp trên xe phát hiện. Chúng kéo van phanh tàu khẩn cấp, cầm theo vũ khí truy sát ông ấy. Ông ấy cõng vợ trên lưng, ôm con trong lòng, chẳng được bao xa thì chân phải đã bị ăn mấy nhát, gân cũng bị chém đứt…"

Quá bi thảm, thật sự là quá mức bi thảm.

Văn Tuyết khổ sở đến mức không thốt nên lời.

Trình Khải Nhiêm nhấp ngụm trà thông giọng, kể nốt: “Một nhà ba người họ nằm đó thật lâu mới được công nhân đường sắt phát hiện đưa đến viện cấp cứu. Đáng tiếc đã quá muộn, tim mẹ thằng bé đã ngừng đập từ lâu, chân của bố thằng bé cũng bị cắt cụt. Chỉ có Diệp Tử Hàng không bị tổn thương tẹo nào. Chẳng được mấy năm bố thằng bé cũng ra đi, nghe nói vì quá buồn bực mà mất. Diệp Tử Hàng mồ côi từ nhỏ, lớn lên nhờ bữa cơm trăm họ."

Câu chuyện kết thúc, cả phòng chìm vào im lặng.

Tâm tình ai cũng nặng nề, ngay cả Phương Xuân Sinh cũng gục đầu xuống, đáy mắt phủ một tầng sương.

Phương Hàn Tẫn xoa đầu thằng bé, cong tay nhẹ nhàng gạt đi nước mắt cho em rồi lại ngước nhìn Trịnh Khải Nhiên, thấp giọng hỏi: “Có một chuyện tôi không hiểu lắm, nếu bố mẹ Diệp Tử Hàng đã bị sát hại trên chuyến tàu này, vậy cậu ta trở về đây làm gì? Nối nghiệp cũ của bố mẹ à? Không phải người bình thường nên tránh xa chuyện này sao?"

Trịnh Khải Nhiên nhún vai: “Ai mà biết? Có lẽ là được thừa kế đầu óc kinh doanh của bố mẹ nó. Về phần thương tâm mà cậu nói ấy à, khi đó nó còn nhỏ thế, có thể nhớ được bao chuyện đâu?"

Văn Tuyết nhẹ giọng: “Hẳn là cậu ấy muốn dùng cách này để tưởng nhớ bố mẹ mình."

Con đang đi trên con đường bố mẹ đã đi, con đã thấy phong cảnh bố mẹ nhìn thấy, con đang hoàn thành những công việc bố mẹ còn dang dở.

Có lẽ bằng phương thức này, con có thể đến gần với bố mẹ hơn.

Phương Hàn Tẫn đăm chiêu, nói với Trịnh Khải Nhiên: “Vậy đó là lý do tại sao anh bao dung cậu ta như vậy."

Văn Tuyết chợt hiểu ra.

Cô vốn tưởng rằng Diệp Tử Hàng có hậu phương vững chắc. Dù sao chẳng có mấy dân thường dám cướp mối làm ăn của nhân viên đường sắt.

Trịnh Khải Nhiên phì cười: “Cũng có lý do cả. Thực ra chủ yếu là vì đứa trẻ này dễ thương quá thôi. Đừng thấy miệng lưỡi nó dẹo quẹo mà lầm, thật ra nó khá ngay thẳng, nhiều năm vậy rồi nhưng vẫn không hề đổ đốn, là một đứa trẻ ngoan."

Thân thế bi kịch nhường ấy, chịu sự giáo dục thô bạo nhường ấy, nhưng lại có một tính cách thân thiện vui vẻ đến vậy.

Cậu ta giống một cái cây nhỏ tươi tốt, vừa mới nhú mầm đã trải qua sự tàn phá của gió sương, mưa tuyết. Ấy thế nhưng vẫn ngoan cường phát triển, từng tán lá được tô điểm bởi ánh vàng khiến lòng người ấm áp.

Văn Tuyết lại nhớ tới trước lúc đi cậu ta còn muốn thêm WeChat nhưng bị cô từ chối hết lần này đến lần khác.

Cô bỗng dưng thấy hơi hối hận.

Nhưng thêm rồi thì sao? Kết bạn với cậu ấy rồi, sau đó thì thế nào?

Cuối cùng cô cũng sẽ rời đi.

Cuộc sống của cậu ấy đã có quá nhiều đau khổ, không cần phải vì cô mà có thêm một niềm hối tiếc.


Ống kính tele

Khẩu độ

Bánh mì Dalieba

Tác giả có lời muốn nói: Em trai Diệp log out rùi, huhuhu, người đàn ông gây ra những câu chuyện cười ra nước mắt đã không còn nứa 
Tác giả : Lam Sấu Tử
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại