Định Mệnh Trái Ngang (Under Gemini)

Chương 8: Brian

Sáng sớm ngày hôm sau khi Flora xuống nhà ăn sáng thì chuông điện thoại reo. Khi đi ngang qua hành lang nàng có hơi lưỡng lự. Nhưng chẳng có ai ở gần để nghe điện thoại cả, thế nên nàng đành phải tự làm cái việc khó khăn ấy một mình. Nàng ngồi lên chiếc ghế gần đó, nhấc điện thoại lên:

- Xin lỗi, ai đầu dây đó ạ?

Có tiếng phụ nữ trả lời trong ống nghe: - Phải nhà Fernrigg đó không?

- Dạ phải.

- Dì Isobel đấy ư?

- Không, chị muốn gặp dì Isobel à?

- À, phải Rose không?

Flora ngần ngừ: - Dạ phải.

- Ồ, Rose. Tôi là Anna Stoddart đây mà.

- Chúc buổi sáng tốt lành, Anna. Chị muốn nói chuyện với dì Isobel ư?

- Không nhất thiết phải thế đâu, gặp chị cũng được mà. Tôi muốn nói cảm ơn về bữa tiệc hôm thứ Bảy. Hôm ấy, tôi vui lắm đấy.

- Rất mừng vì thấy chị hài lòng như vậy. Tôi sẽ gửi lời của chị đến dì Isobel.

- Xin lỗi vì đã gọi điện đến quá sớm, nhưng ngày hôm qua tôi lại quên khuấy đi mất, không gọi lại cho chị. Tôi định đi Glasgow. Ý tôi muốn nói là đi ngay bây giờ đây.Tôi không muốn ra đi mà không nói lời cảm ơn gia đình Armstrong.

- À, hy vọng chị có một chuyến đi vui vẻ.

- Tất nhiên là tôi vui chứ. Vả lại, tôi cũng chỉ đi vài ngày thôi mà. Mong rằng khi tôi quay về, chị sẽ vui lòng đến Ardmore chơi và gặp tôi ở đó. Chúng ta sẽ cùng ăn trưa, uống trà hay là… - giọng chị ta nhỏ dần, như thể đột nhiên Anna nhận thấy mình nói quá nhiều. Flora không sao chịu nổi cái vẻ thiếu tự tin của Anna, nàng nói nhanh cố giữ giọng hồ hởi.

- Ồ, tôi thích đi thăm chị lắm đấy. Chị tốt bụng thật. Tôi ước sao có ngày được đến thăm anh chị.

- Thật ư, sẽ vui lắm đấy. Khi nào tôi từ Glasgow trở về sẽ điện thoại cho chị nhé?

- Chị nói phải giữ lời đấy. Thế chị có nghe nói đến buổi dạ vũ chưa?

- Khiêu vũ ư?

- Sẽ có một buổi dạ vũ ở Fernrigg vào ngày thứ Sáu tới. Sáng hôm qua, bà nội đã thu xếp mọi chuyện đâu vào đó rồi.

- Vào ngày thứ Sáu này đó hả? – Giọng Anna thảng thốt như thể điều đó khiến chị ta rất quan tâm.

- Phải, chính xác là thứ Sáu tuần này đây. Suốt cả buổi sáng ngày hôm qua, dì Isobel tội nghiệp đã phải ngồi bên điện thoại gọi điện cho tất cả mọi người. Thôi, để tôi nói với dì ấy rằng tôi đã nhắn chị rồi nhé, như thế thì bớt cho dì ấy một cuộc gọi.

- Ồ, thích quá nhỉ. Tôi mừng vì chị nhắn với tôi đấy. Bởi vì thế nào khi đến Glassgow, tôi cũng phải mua một cái áo mới mới được. Ý tôi nói là nhân tiện đây thì tôi cũng mua luôn… một lần nữa, giọng chị ta lại nhỏ dần. Anna quả là người không thích hợp với việc đàm thoại qua điện thoại. Flora vừa định nói tiếp lời chúc chị ta đi chơi vui vẻ rồi gác máy, thì Anna đã vội nói:

- À, chị chờ tôi một chút nhé, đừng cúp máy đấy.

- Không, tôi không cúp đâu.

Có tiếng thì thầm bên đầu dây bên kia, sau đó Anna bảo: - Brian muốn nói chuyện với chị.

Flora tự nhủ: Brian nói chuyện gì với mình nhỉ.

- Ừ, tạm biệt Anna, đi chơi vui vẻ nhé.

Sau đó, giọng Brian Sotddart vang lên vui vẻ trong ống nghe.

- Chào Rose.

- Chào anh. – Flora nói giọng cảnh giác.

- Thật không thể tưởng tượng bà xã tôi lại có thể gọi điện thoại đến nhà Armstrong vào giờ này. Sao, cô đã ăn sáng chưa?

- À, tôi vừa định ăn sáng thì có chuông điện thoại reo đây.

- Antony đi chưa cô?

- Rồi. Sau bữa trà ngày hôm qua, anh ấy đã lên đường rồi ạ.

- Tôi nghĩ là công việc lại tước mất vị hôn phu của cô rồi. Còn Anna thì vừa bỏ rơi tôi. Tại sao tối nay chúng ta không gặp nhau trò chuyện vui vẻ một tí, tôi sẽ đưa cô đi ăn tiệm.

Những ý nghĩ quay cuồng trong đầu óc của Flora. Điều quan trọng nhất là nàng biết Anna nghe rõ từng lời cuộc nói chuyện của họ, và như thế lời mời của anh ta chẳng có gì là lén lút cả, nhưng bà Tuppy sẽ suy nghĩ gì về chuyện này? Cả dì Isobel nữa chứ. Có phải khôn ngoan hơn không nếu như đi ra ngoài đi chơi tối với một kẻ sát gái và kẻ ấy lại không có lương tâm trong sạch, thậm chí dù cho lời đề nghị của anh ta vô tình và vô hại đi chăng nữa, nàng cũng chẳng đời nào muốn đi.

- Rose à!

- À, tôi vẫn đang nghe đây.

- Thế mà tôi cứ tưởng cô đi rồi đấy, thậm chí tôi còn không nghe tiếng cô thở nữa đấy. Tôi nên đến đón cô lúc mấy giờ đây?

- Tôi cũng chưa nói là mình đi nữa mà.

- Tất nhiên là cô đi chứ. Thôi đừng có lên mặt làm cao. Khi nào chúng ta đến nhà hàng Fishers’Arms ở Lochgarry tôi sẽ đãi cô món tôm càng. Nghe này, giờ tôi phải đi, Anna đang chờ tôi ra tiễn cô ta. Sau đó tôi sẽ ghé qua đón cô vào lúc 7h30 hay 8h gì đó. Đồng ý không? Nếu như bà Isobel thấy vui vẻ, thể nào bà ý cũng đãi tôi một ly. Nhớ gửi lời nhắn của tôi cảm ơn bà Tuppy và dì Isobel về bữa tiệc tối hôm trước. Hôm đấy cả hai chúng tôi đều vui lắm đấy. Thôi gặp cô sau nhé. – Anh ta treo máy.

Flora đứng đó im lặng với chiếc ống nghe đã mất hết tín hiệu. Thật là quá đáng mà. Nàng chậm rãi đặt ống nghe xuống và nghĩ: Tay này thật lập dị. Nhưng rồi nàng mỉm cười. Brian quả thật quyến rũ với cái kiểu ra lệnh cho nàng trong điện thoại như thế. Rõ ràng anh ta chẳng phải là người nham hiểm gì cho lắm. Toàn bộ việc này chỉ là đi ra ngoài ăn tối với một con người. Hơn nữa nàng cũng thích tôm càng lắm. Flora nhận ra mình đã đói ngấu, nàng vào bếp tìm đồ ăn bữa điểm tâm. Jason đi rồi, bà Watty đưa nó đến trường. Dì Isobel vẫn ngồi trong bàn ăn ở nhà bếp, đọc một lá thư và uống ly cà phê cuối cùng, trong bếp còn có cả bà y tá nữa.

- Cháu có nghe tiếng chuông điện thoại reo không? – Bà hỏi.

Bà vẫn thích hỏi han để biết chuyện gì đang xảy ra trong nhà.

- Dạ có, và cháu trả lời điện thoại rồi ạ. – Flora ngồi xuống, gắp đầy một tô bánh bột ngô. – Đầu tiên là Anna Stoddart nói cảm ơn về bữa tiệc ngày hôm trước, dì Isobel ạ.

Dì Isobel ngước mắt nhìn lên nói giọng ngờ vực: - Ồ, họ lịch lãm quá.

- Cô ấy vừa đi Glasgow và dự định sẽ ở đó vài ngày.

- Có, dì cũng nghe Anna nói chuyện gì đại loại như vậy.

- Còn Brian thì mời cháu tối nay đi ăn tiệm với anh ấy.

Nàng nhìn mặt dì Isobel chờ đợi một dấu hiệu mờ nhạt nhất của sự khó chịu, nhưng dì chỉ mỉm cười.

- Một ý kiến hay đấy cháu ạ, anh ta tốt bụng thật đấy.

- Anh ta bảo cháu thì thiếu vắng Antony, còn anh ta lại không có Anna bên cạnh, chúng cháu sẽ là bạn cùng cảnh ngộ, và đến 7 giờ rưỡi, Brian sẽ đến đây đón cháu, anh ta còn bảo nếu dì rộng lòng thì hãy cho anh ta xin một ly rượu có được không ạ?

Dì Isobel cười lớn. Nhưng bà Watty nhận xét: - À, tên này hỗn xược thật.

- Bà Watty ơi! Bà không thích Brian à?

- À, cũng có mến nhưng càng ngày nó càng tệ.

Dì Isobel nói: - Bà Watty ghét Brian bởi vì nó không thể trở thành một người Scotland mẫu mực. Tuy nhiên ta thấy nó khá là tốt bụng vì thông cảm cho hoàn cảnh của Rose.

- Cháu cũng có nhắn với họ về bữa tiệc khiêu vũ vào ngày thứ Sáu, thế nên dì cũng chẳng phải gọi lại cho họ đâu ạ. Anna sẽ đi Glasgow và mua một chiếc áo đầm mới.

Dì Isobel kêu lên: - Ôi trời ơi!

- Sao thế ạ?

- Anna suốt ngày sắm đồ mới. Con bé vung tiền qua cửa sổ vì đống quần áo ấy mà rốt cuộc rồi cái nào trông cũng giống cái nào. – Bà thở dài. – Ta cho rằng mọi người trong nhà cũng nên bắt đầu nghĩ mình sẽ mặc gì trong thứ Sáu tới. Ta chẳng thể nào lại mặc cái áo xanh vừa mặc hôm nọ. Bởi vì cứ mặc mãi cái áo đó, người ta nhìn cũng phát chán.

Bà Watty an ủi: - Nhưng mặc màu xanh rất hợp với cô đấy.

- Nếu người ta cứ phải nhìn đi nhìn lại tôi mặc cái áo đó, thì họ sẽ chán ngấy ngay, không cần biết rằng nó thích hợp với tôi hay không. Còn Rose, cháu định mặc gì hả?

Không hiểu sao câu hỏi đó khiến Flora phải sững sờ. Chắc có lẽ bởi có quá nhiều chuyện nàng phải lo lắng, thế nên chuyện mặc gì trong bữa tiệc của bà Tuppy, không nằm trong đầu nàng lúc này, nàng nhìn quanh, thấy họ đang nhìn nàng chờ trả lời:

- Ồ, cháu vẫn chưa quyết định ạ.

Bà y tá tròn mắt ra nhìn Flora. Bà không thể ngờ rằng một phụ nữ nữa trong nhà Armstrong lại có thể nói rằng mình không biết nên mặc gì vào một bữa tiệc linh đình như thế. Bà hỏi Flora:

- Chẳng lẽ cháu không mang theo áo đầm hay sao?

- Không ạ. Cháu định đến nghỉ vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật thôi. Cháu không nghĩ mình phải chuẩn bị quần áo cho dạ vũ ạ.

Im lặng nặng nề. Tâm trí mọi người không sao quên nổi cái câu Flora vừa nói. Dì Isobel gợi ý:

- Hay mặc lại bộ đồ cháu vừa mặc hôm trước vậy. Đó chỉ là một chiếc áo đầm bằng len và một chiếc áo sơmi giản dị.

Bà Watty thở hổn hển: - Ồ, không, không được đâu. Bữa tiệc sắp tới đây, cháu sẽ là nhân vật chính đấy. Cháu phải mặc cái gì đó lộng lẫy hơn bộ đồ hôm nọ.

Nàng có cảm giác đang làm cho mọi người thất vọng.

- Hay cháu nên mua một cái áo đầm nhỉ? – Dì Isobel bảo nàng. – Đừng mua ở Tarbole. Trong vòng bán kính 100 dặm, cháu không thể mua một cái áo đầm nào ra hồn đâu. Hay cháu nên đi Glasgow cùng Anna. Có ai trong nhà có thể cho Rose mượn đồ được không?

Flora tưởng tượng thân hình mảnh mai của mình sẽ lọt thỏm trong những bộ đồ đi mượn. Dì Isobel lắc đầu: - Cho dù trong nhà có sẵn đi chăng nữa, thì cũng chẳng có bộ nào vừa cả.

Bà y tá đằng hắng: - Hồi còn trẻ, tôi vẫn tự tay may lấy quần áo cho mình. Vả lại, tôi cũng có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn bà Watty, dì Isobel và Rose.

- Thế có nghĩa là bà sẽ may áo cho Rose ư?

- Nếu có thể được.

Nói xong, bà Watty bảo: - Ở trên gác xép có nhiều cái rương chứa đầy quần áo cũ của bà Armstrong hồi còn trẻ, toàn bằng vải tốt đấy.

Dì Isobel nói: - Nhưng đống quần áo ấy bốc mùi ẩm mốc rồi.

- Nếu giặt sạch sẽ và phơi trong ngày đầy nắng thì mọi chuyện đều ổn thôi.

Như vậy mọi chuyện đã được bàn bạc xong. Bà Watty đặt dao xuống, rửa tay và bảo bà sẽ lên trên gác tìm vải. Nhưng chờ mãi, mọi người đâm sốt ruột. Thế nên cả 4 người leo hết lên gác xép. Gác rất rộng, trải từ đầu nhà này cho đến đầu nhà kia. Gác tối mờ mờ, nồng nặc mùi long não, chất đầy những đồ đạc linh tinh. Bà Watty bật đèn lên, đưa nàng đến thẳng một nơi đặt một dãy rương dọc theo tường. Bà Watty và dì Isobel nâng nắp của chiếc rương thứ nhất. Quần áo, vải vóc nhét đầy bên trong. Mùi ẩm mốc nồng nặc rất khó chịu, nhưng khi người ta lôi đống vải từ bên trong ra thì Flora nhận thấy chưa bao giờ có thứ quần áo nào cầu kỳ đến như thế. Một chiếc áo lụa màu đen đính cườm thật đẹp, áo đầm rời bằng sa tanh màu cánh sen rực rỡ, và cả đống áo khoác bằng vải lanh đắt tiền.

- Hồi ấy, bà nội Tuppy mặc những đồ như vậy sao?

- Phải, hồi bà còn trẻ, bà để ý tới chuyện ăn mặc ghê lắm. Và với bản tính tiết kiệm của dân Scotland, không bao giờ bà mang quần áo của mình cho bất cứ ai.

- Cái này là cái gì đấy ạ?

- Đó là một áo choàng không có tay để mặc vào buổi tối.

Dì Isobel giơ một tấm nhung nhàu nát, có chiếc cổ viền bằng lông thú lên, lớp lông thú đã bị nhện cắn nhàu nát.

- Dì còn nhớ hồi trước bà Tuppy hay mặc chiếc áo này. – Giọng dì càng lúc càng mơ màng như thể đang nghĩ về những ngày xưa tươi đẹp. Tìm mãi mà chẳng thấy gì có thể dùng được. Flora đã bắt đầu hình dung ra chuyến lên đường đi Tarbole ngay bây giờ. Sau đó, lên tàu đi Glasgow mua cho mình một tấm áo mới. Vừa lúc đó, bà Watty lôi ra một cái gì đó màu trắng bằng thứ vải gai mịn có viền đăng ten giống như một chiếc găng tay. Lúc đầu, Flora tưởng thế, nhưng hóa ra đó là chiếc áo đầm có cái cổ cao và hai ống tay dài. Dì Isobel phấn khích hẳn lên:

- Đây là chiếc áo đầm trước đây bà nội thường mặc để đi đánh tennis.

Flora không sao tin nổi: - Áo đầm để đi đánh tennis ư? Một áo đầm tay dài, cổ cao lòe xòe như vậy thì làm sao đánh tennis được nhỉ?

- Có đấy, hồi còn trẻ bà vẫn mặc áo này đấy. – Dì Isobel cầm lấy chiếc áo từ tay bà Watty và ướm thử vào vai. – Bà y tá ơi, bà thấy sao? Liệu có sửa chữa gì được không?

Bà McLeod cầm lấy tấm vải, mân mê nó trong những ngón tay, vẻ đầy hiểu biết. - Ừ, cũng được đấy. May đẹp đấy chứ.

Flora phản đối: - Nhưng nếu cháu mặc thì ngắn quá.

Bà y tá ướm nó vào người cô: - Đúng là nó ngắn thật. Nhưng lời nhận xét của bà y tá thì cái gấu áo rất là đẹp. Và phía trong, vải còn dư rất nhiều. Ta sẽ thả gấu áo xuống cho cháu, khéo đến nỗi không ai có thể nhận ra đâu.

Flora thầm nghĩ: cái áo trông thấy mà ghê. Nhưng ít nhất thì nó không phải là một tấm khăn trải bàn khoác tạm lên người nàng mà cũng là một cái áo váy hẳn hoi. Gì thì gì cũng tốt hơn là phải lặn lội từ đây đến Glasgow.

- Vải này trong suốt á, chắc bên trong phải mặc thêm cái áo lá.

- Không sao. Để tôi lót cho. Lớp vải lót mà màu hồng thì đẹp tuyệt.

Màu hồng ư? – Flora như muốn xỉu, nhưng nàng chẳng nói gì. Bà Watty và dì Isobel nhìn nhau nghi ngờ. Bà Watty nhớ ra rèm cửa trong phòng dì Isobel mới thay, và họ đã đặt rất nhiều vải lanh để làm công việc ấy. Họ còn có một tấm vải rất dài, mới tinh vẫn còn nằm ở đâu đó. Cuối cùng, sau khi suy nghĩ và đào bới khắp mọi nơi, bà Watty đi xuống lôi nó ra từ trong một cái ngăn kéo bàn.

- Tôi nghĩ ra đã cất nó ở đâu mà. Cất kỹ quá tìm không có ra.

Đó là một tấm vải màu xanh chân sáo.

- Cháu nghĩ sao nào? Bà hỏi Flora.

Ít nhất thì màu xanh cũng còn đỡ hơn màu hồng. Mà khi giặt sạch đi thì tấm áo mới của nàng cũng không đến nỗi tệ lắm. Nàng nhìn lên thấy sáu cặp mắt đang đổ dồn vào mình nôn nóng mong nàng đồng ý. Chẳng khác nào 3 nàng tiên trong truyện cổ tích cô bé ngủ trong rừng. Họ đứng đó chờ đợi biến nàng trở thành một người đẹp trong vũ hội của hoàng tử. Flora cảm thấy xấu hổ vì những ý nghĩ chán nản khi nãy của mình. Nàng cố tươi tỉnh lên cười và bảo họ rằng: nếu như nàng có lùng sục khắp một tuần ở các cửa hàng thời thượng nhất thì cũng không thể nào tìm ra được một cái áo nào hoàn hảo hơn cái áo này.

Chiều đến rồi mà lá thư dày cộm có đề địa chỉ gửi cho Ronald Waring vẫn chưa được gửi đi. Chỉ vì một lý do rằng Flora chẳng có con tem nào. Lý do khác nữa là nàng chẳng biết kiếm đâu ra một cái thùng thư. Sau bữa trưa, khi dì Isobel hỏi nàng giờ nàng định làm gì, Flora mới chợt nhớ ra bức thư.

- Dì không cảm thấy phiền nếu như cháu định đi Tarbole chứ ạ? Cháu có một lá thư cần phải gửi đi.

- Trời ơi, sao dì lại phải phiền vì chuyện ấy cơ chứ? Trái lại, cháu đi quả là may cho ta, bởi vì trong nhà đã hết kem rồi. Cháu có đi bỏ thư thì nhớ mua về một ít. Và nếu cháu có thể rước Jason về thì sẽ đỡ cho bà Watty khỏi một chuyến đi xa. Chợt bà nhớ ra một ý: - Cháu lái xe được không?

- Được chứ ạ. Nếu như mọi người không ngại cho cháu mượn một cái xe.

- Vậy cháu lái xe tải đi. Xe tải chẳng còn đẹp đẽ gì đâu, nếu như cháu có va quệt vào đâu đó thì cũng không sao. – Bà Isobel nói tỉnh bơ.

Khi mọi người đều biết nàng chuẩn bị đi Tarbole thì ngay lập tức, Flora được giao cho một đống việc lặt vặt cần phải làm. Bà y tá muốn có chỉ may loại tốt, lụa màu xanh để viền vào chiếc áo mới. Bà Tuppy muốn khăn giấy và khoảng hơn một ký lô kẹo bạc hà thật là cay, loại cay nhất. Flora với một danh sách đồ cần mua sắm trong tay vào nhà bếp tìm bà Watty.

- Cháu sắp đi Tarbole, cháu sẽ đón Jason sau khi thằng bé tan học. Bác có muốn mua gì không ạ?

- Ông Watty đã biết là ông ấy không phải đi Tarbole hay không?

- Chưa ạ, cháu định khi nào đi, cháu sẽ nói cho bác trai hay. Dì Isobel bảo cháu có thể lấy xe tải ở nhà để đi.

- À, nếu ông Watty không đi… - bà Watty vừa nói vừa đi ra phía tủ lạnh -… thì cháu hãy trao cái này đến tận tay người nhận cho bác. – Và bà lôi ra trong tủ lạnh một cái bánh to tướng, đặt trong một cái đĩa khổng lồ.

- Bác muốn cháu đưa cái bánh này cho ai ạ?

- Cho bác sĩ Kyle.

Bà lấy cuộn giấy dầu to tướng trong ngăn kéo ra, cắt ra một tấm lớn bọc bánh lại: - Nhân tiện làm bánh cho bữa tối ngày mai, ta đã nói với bà Isobel rằng ta cũng sẽ làm một tấm bánh mì lớn cho người đàn ông tội nghiệp vụng về hiện đang phải sống thiếu người quản gia. Ít nhất thì thằng bé cũng có thể có một bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng với cái bánh này.

- Nhưng cháu chẳng biết anh ta sống ở đâu. Cháu không biết nhà anh ta ở chỗ nào.

- Ở Tarbole ấy, trên đỉnh đồi. Cháu sẽ tìm ra ngay. – Bà Watty nói như thể Flora đã đến đó rồi. Bởi vì cháu sẽ tìm thấy tấm bảng phòng mạch gắn bên cửa và cả một tấm bảng bằng đồng gắn ở ngoài cửa chính nữa.

Bà đưa cho Flora cái hộp, trong đựng chiếc bánh. Cái bánh thật lớn, nó có thể nuôi sống bác sĩ Kyle ít nhất là 4 ngày.

- Cháu phải giao bánh theo cách nào đây? Cứ để ngay ngưỡng cửa rồi bỏ đi à?

Rõ ràng bà Watty nghĩ Flora là một kẻ đầu óc đặc sệt. – Không, mang nó vào trong nhà bếp và bỏ nó vào trong tủ lạnh nhà bác sĩ ấy.

- Thế nếu cửa khóa thì sao ạ?

- Thì có chìa khóa giấu ở hốc tường bên trong cột nhà ấy, bên tay phải, cháu nhớ chưa?

Flora đi lấy mấy thứ cần cho chuyến đi Tarbole, nàng bảo: - Hy vọng cháu mang cái bánh này đến đúng nhà người cần nhận.

Sau đó, nàng ra khỏi cửa hậu, mặc bà Watty đứng đó phì cười như thể nàng nói đùa vậy. Nàng tìm thấy ông Watty ngoài vườn rau. Flora mang lời nhắn đến ông: bà Armstrong cho nàng mượn xe tải và nàng sẽ đưa Jason về nhà, ông Watty bảo nàng: xe ở trong gara đấy, chìa khóa cắm nguyên ở trong ổ. Ông còn nói thêm: lái xe này không khó, cũng như lái bất cứ cái xe bình thường nào khác mà thôi. Đúng là lái xe này có thể sẽ rất dễ dàng, nhưng vấn đề ở chỗ, đây là một cái xe tải trông hết sức kỳ quái, nó là niềm tự hào của bà Tuppy, là nỗi xấu hổ của bà Watty và là chủ đề cho mọi lời đàm tiếu ở Tarbole. Bởi vì nó đã quá cổ lỗ và xấu xí. Khi nhìn thấy chiếc xe lần đầu tiên, Flora đã thấy nó hết sức lạ lùng rồi. Nàng ngồi vào đằng sau tay lái, khởi động máy và chậm rãi cho xe chạy về phía Tarbole, thị trấn nhỏ, sôi động trong những hoạt động buổi chiều, cảng đầy thuyền neo đậu, cầu cảng đông nghẹt toàn xe đông lạnh. Tiếng động cơ ầm ì vọng vào từ những cần cẩu ngoài xa, tiếng la hét và tiếng kêu buồn thảm của những con hải âu tham ăn, chỗ nào cũng thấy người là người. Những ngư dân mặc bộ đồ đi biển không thấm nước màu vàng. Tài xế xe tải mặc quần yếm, nhân viên cảng mặc đồng phục. Đây đó có những phụ nữ đi ủng cao su, đeo tạp dề sọc và tất cả mọi người đều tham gia vào guồng máy thương mại phức tạp, bao gồm dỡ cá từ tàu lên bờ, cân cá, đóng gói đưa lên những chiếc xe tải đang đợi sẵn và sẵn sàng chạy xe lên đường tới những miền xa xôi nhất. Nàng còn nhớ những gì Antony kể cho nàng nghe về Tarbole. Chỉ trong một thời gian ngắn, nó đã biến đổi từ một làng chài nhỏ trở thành một trung tâm của nền công nghiệp cá mòi và như một hiệu quả của sự biến đổi ấy, sự thịnh vượng cũng bắt đầu in dấu lên thị trấn này. Nàng đi xuôi xuống con đường từ Fernrigg đến Tarbole, Flora đi ngang qua một ngôi trường mới, đáp ứng nhu cầu số lượng trẻ em tăng đột biến của Tarbole.

Hội đồng thành phố ở ngay trên đỉnh đồi, đằng sau thị trấn. Lúc này trên đường chẳng những đầy ắp những xe đông lạnh chở cá mà xe hơi cũng đã bắt đầu tràn ngập đường phố gây nạn ách tắc giao thông liên miên trên những con đường xung quanh cảng. Sau khi lái chiếc xe tải của nhà Fernrigg chạy một vòng khoảng 5 phút đồng hồ, Flora đậu xe ngay bên cạnh một tấm biển có đề cấm đậu xe ở đây. Nàng đâu có đi mua sắm, và cũng chỉ chui khỏi xe một tí thôi mà. Thứ nhất là mua vài đồ lặt vặt cũng nhanh thôi, thứ hai là nàng đã thấy bưu điện rồi, chỉ thả thư vào là xong. Nàng mua tem, dán nó vào phong bì, ghi địa chỉ của cha nàng, ngần ngừ hồi lâu mới thả vào thùng thư. Nàng nghe nó rơi đánh thịch một cái vào bên trong thùng thư, nhưng vẫn còn đứng đó ngần ngừ một lát, không biết nên mừng hay nên vui vì cuối cùng cũng đã gửi được cái khối tâm sự ấy đi mà không biết rồi đây cha nàng sẽ phản ứng với những thông tin trong bức thư ấy như thế nào. Nàng nghĩ: lúc đầu cha nàng sau khi nhận được thư sẽ tự đọc nó một lần trước, sau đó có thể đọc thật to lên cho dì Marcia cùng nghe. Cũng may là có dì Marcia, mọi chuyện cũng bớt nghiêm trọng hơn. Chắc ông cũng nghĩ chuyện xảy ra với Flora cũng chẳng có gì là tồi tệ, quan trọng hơn, bà Marcia sẽ thuyết phục ông rằng chuyện chẳng có gì hết trơn và thế là đâu lại vào đấy. Nàng quay lại xe, nhưng khi đến ngã tư đường, nàng kinh hoàng thấy một cảnh sát giao thông còn trẻ đang đứng cạnh xe của nàng, Flora bắt đầu chạy, định xin lỗi mong anh ta tha thứ, sau đó nhào vào trong xe nổ máy phóng đi thật nhanh, nhưng khi nàng đến bên, anh ta chỉ hỏi:

- Cô là người nhà của bà Armstrong phải không?

Nàng sửng sốt: - Vâng, phải ạ.

- Thấy chưa, nhìn cái xe kỳ cục này là tôi nhận ra ngay.

- Xin lỗi, xin lỗi, tôi cứ tưởng…

- Cô xuống thị trấn giải quyết vài chuyện lặt vặt phải không?

- Phải, tôi mang bánh đến cho bác sĩ Kyle, sau đó lại còn phải đón Jason, rước nó về đến nhà nữa.

- Nếu cô định đến nhà bác sĩ Kyle thì cứ việc để xe ở đây, đi bộ lên trên đồi ấy, đừng lo, để tôi trông cho.

- Ôi, cảm ơn anh quá.

Anh ta mở cửa xe dùm cho cô với một vẻ nịnh đầm hết chỗ nói. Cô lôi hộp bánh trong xe ở phía sau ra. Viên cảnh sát giao thông nhìn cô với một vẻ nhân từ hiếm thấy.

- Anh này, làm ơn chỉ cho tôi nhà Kyle ở đâu?

- Trên đồi ấy, căn nhà cuối cùng, bên tay trái. Ngay cạnh nó là khách sạn, nó có vườn ngay đằng trước, nhà bác sĩ Kyle cũng có bảng tên ngay ngoài cổng ấy.

- Cám ơn anh nhiều.

Viên cảnh sát cười, ngượng ngập: - Không có chi.

Quả đồi kia quá dốc, dốc đến nỗi ngay cả vỉa hè cũng phải chia thành bậc nhỏ. Leo lên đồi giống như leo lên một cái cầu thang dài vô tận vậy. Cầu thang ấy đi qua một dãy nhà nhỏ nằm san sát quay mặt ra đường, sau đó đến một quán rượu rồi lại đến một dãy nhà khác. Càng lúc nhà càng lớn hơn và càng lên cao, những mảnh vườn trước nhà càng rộng ra hơn. Cuối cùng, gần lên tới đỉnh đồi, Flora thấy căn nhà cuối cùng to nhất, vững chãi, xây không kiểu cách tụt hẳn vào trong. Có một lối đi lát gạch chạy thẳng từ cổng vào bậc tam cấp. Bên cạnh căn nhà còn có một ngôi nhà khác xây bằng bêtông trắng đứng cạnh ngôi nhà chính. Cái nhà bằng bêtông ấy trông giống một cái hộp giày khổng lồ. Vì không chắc có phải cái nhà này hay không, cho nên Flora tìm tấm bảng bằng đồng gắn trên cổng sắt, đúng là có tên Hugh. Flora đẩy cánh cổng sắt, bước theo con đường dốc đến trước thềm nhà.

Nàng nhấn chuông, nhưng sau khi nghe âm thanh buồn thảm vọng lại nàng biết chẳng có ai ở nhà rồi. Sau một chặng đường leo dốc quá dài, chiếc bánh trong tay đã trở nên nặng trĩu. Nàng lại nhấn chuông để tỏ ý lịch sự, sau đó thò tay vào trong hốc tường tìm chìa khóa cổng chính, chìa khóa này to không tưởng, nên Flora tìm thấy ngay, nàng tra chìa vào ổ, quay một vòng và mở cửa ra.

Bên trong là tiền sảnh lát gạch, cầu thang lên lầu tối om, trong nhà có cái mùi đặc trưng của các cửa hàng bán đồ cổ. Tuy có hơi hăng hắc đấy nhưng cũng dễ chịu, nàng bước vào trong, để cửa mở. Nàng thấy có một cái tủ để mũ, nón, ô dù kiểu cổ, một cái bàn nhỏ xinh xắn và vài cái ghế tựa bằng sắt xi, mọi thứ trông đều cũ kỹ. Trong tiền sảnh còn có thêm một cái đồng hồ, nhưng nó đã chết từ rất lâu. Nàng không hiểu tại vì đồng hồ hỏng hay chẳng có ai buồn lên giây.

Khi mở cánh cửa phía bên tay phải nàng, chưa bao giờ Flora chứng kiến một cái phòng khách nào lại thiếu sức sống đến thế. Đồ đạc chỗ nào là để yên chỗ đó, chẳng có bình hoa cũng chẳng có cửa kính, cửa chớp gì cả. Nàng đóng cửa, mở cánh cửa đối diện, một phòng ăn xây kiểu từ thời hoàng hậu Victoria, cái bàn bằng gỗ gụ rộng mênh mông, phía góc để mấy chiếc bình thon cổ và những khay bằng bạc, tất cả ghế đều được dựng sát vào tường, và ngay cả trong phòng này nữa, các cửa kính, cửa chớp cũng đóng im ỉm. Flora thầm nghĩ: Đây chẳng khác nào là một nhà tang lễ. Nghĩ thế, nàng bước lặng lẽ vì không muốn mấy con ma giật mình tỉnh giấc. Flora đóng cửa lại, bước ra ngoài hàng lang đi ra dãy nhà phía sau để tìm nhà bếp.

Tới đây thì những trật tự như ở trong nhà mồ kia biến mất hẳn. Bếp nhà này không rộng lắm, ngược lại, so với kích thước của cả ngôi nhà thì bếp quá nhỏ là đằng khác. Nhưng tất cả mọi thứ hình như đều dựng ngược hết cả lên, xoong, nồi, chảo rán, nồi hầm đều treo hết lên tường. Bồn rửa chén chất ngập bát đĩa dơ, bàn ở giữa phòng cũng còn nguyên chứng tích của một bữa ăn chắc chỉ trôi qua có vài phút, và rõ ràng chẳng ngon lành gì cả. Trừ phi có người nào đó trên đời lại có thể say sưa được với món bánh bột bắp, trứng chiên, bánh táo. Không lẽ ba thứ đó lại đủ hợp thành một bữa ăn thịnh soạn. Cuối cùng là một chai whisky đã uống hết một nửa đứng sừng sững giữa bàn. Chính cái chai rượu ấy đã thay đổi hắn khung cảnh lộn xộn thành một nơi ẩn chứa những hiểm họa nhãn tiền.

Tủ lạnh dựng trong góc tường, cạnh nồi cơm điện. Flora đến bên, lau chân vào tấm thảm đã bị rách mất một góc, chẳng ngờ tấm thảm rách thêm ra một miếng và lập tức Flora đứng sững người. Nàng cúi xuống lật tấm thảm lên, thấy sàn nhà dơ dáy không sao chịu nổi, như thể đã một tuần nay không có ai lau nhà, chỉ quét sơ sơ và bao nhiêu rác rưởi đều tống hết xuống dưới tấm thảm này. Nàng mở tủ lạnh tống ngay cái bánh vào trong, chỉ sợ lại phải chứng kiến thêm nhiều cảnh kinh hoàng nữa.

Đóng cửa tủ lạnh lại, nàng tựa lưng vào tủ nghĩ ngợi mông lung. Rõ ràng cái bà Jessie MacKenzie kia quá dơ bẩn và luộm thuộm, Hugh tống khứ bà ta đi được ngày nào tốt ngày đó. Ngay cả một người đàn ông tắc trách cũng không thể nào để cho nhà bếp bừa bộn như thế hàng biết bao nhiêu ngày trời. Nàng nhìn căn bếp tuyệt vọng, cảm thấy thương thay cho Hugh, và cũng ngay lập tức nàng hiểu nếu như anh ta biết nàng đã nhìn thấy anh ta sống và sinh hoạt ra sao thì chắc viên bác sĩ này sẽ bẽ mặt lắm. Với ý nghĩ đó, giác quan thứ sáu mách bảo nàng hãy nhón gót ra khỏi nơi này, cứ để cho Hugh nghĩ rằng chính ông Watty mang bánh đến cho anh.

Hơn nữa, nàng còn phải đi đến trường rước Jason. Flora nhìn đồng hồ và phát hiện ra mới có 3 giờ thiếu 15, một giờ nữa mới phải đến trường. Nàng phải làm gì cho hết khoảng thời gian đó đây? Đi tản bộ quanh cảng ư? Hay vào uống một ly cà phê tại quá bar của Sandy. Tất nhiên nàng sẽ chẳng làm thế. Nàng lôi bao tay ra, cởi nút áo khoác treo lên cái móc đằng sau cánh cửa ra vào và xắn tay áo lên. Flora à, mi là đồ ngốc. Nàng tự nhủ mình như thế và tìm quanh kiếm cái tạp dề.

Nàng thấy một cái treo ở bồn rửa chén. Tạp dề màu xanh dương, to như tạp dề của chàng đồ tể. Cái tạp dề ấy đủ quấn quanh thân hình nàng tới hai vòng. Nước nóng như sôi. Nàng nghĩ đó là một sự khởi đầu rất tốt, là dấu hiệu đáng mừng nhất từ khi nàng bước vào căn nhà tối thui này. Flora tìm kiếm vu vơ trong cái kệ dưới bồn rửa chén, không ngờ tìm được một cái bàn chải, xà phòng, bột giặt và một bịch đầy những mớ bùi nhùi bằng sắt để cọ nồi. Có vẻ như Jessie McKenzie cũng để ý đến những đồ lặt vặt trong nhà mặc dù chẳng bao giờ cô ta để ý đến nó. Bấy nhiêu cũng là xa hoa lắm với Flora lúc này. Sau khi rửa xong, chuẩn bị cất đồ đi, Flora chất đống đĩa sạch vào trong kệ treo ly tách và bình nước lên mấy móc rồi quày quả quay sang rửa đống nồi dơ. Khi xong việc, đám nồi không những chỉ sạch sẽ mà còn sáng bóng lên. Flora bắt đầu đặt chúng theo thứ tự từ lớn đến bé lên cái kệ đặt ngay phía trên bếp, trông chúng không những ngăn nắp mà còn bắt mắt nữa. Một khi bồn rửa chén đã được cọ rửa sạch, không còn bát đĩa dơ thì phần dọn dẹp những gì còn lại trong căn bếp nhà Hugh Kyle chỉ mất thêm chút thời gian thôi. Nàng lau bàn, quăng mấy cái bánh thiu đi, đặt chai rượu whisky vào nơi khuất tầm mắt, sau đó đến rũ khăn trải bàn. Nàng dùng khăn ẩm lau đi lau lại mặt bàn nhiều lần. Mọi thứ trong nhà sáng bóng lên, không có gì sung sướng bằng tự tay mình biến một căn phòng dơ dáy trở nên hoàn toàn sạch sẽ, Flora tự thấy thỏa mãn. Phần việc còn lại là lau sàn nhà. Nàng nhìn đồng hồ, mới chỉ có 3giờ 20 thôi, Flora lôi tấm thảm rách mang ra ngoài cửa hậu, tìm cây chổi, nàng quét nhà cho sạch sẽ. Hình như cả mấy tháng nay chẳng ai quét dọn gì cả. Sau đó, nàng pha đầy một xô xà bông đặc và bắt đầu công việc chà rửa.

Nửa ký xà bông với 3 cái xô ngầu bọt giúp nàng sắp sửa lau xong sàn nhà rồi. Tấm simili lót sàn ướt rượt bóng lên, mùi thơm mát mẻ, dễ chịu. Chỉ còn cái hốc bên trong tường nhà còn dơ thôi. Flora thò tay vào trong, lo sợ phải sờ vào một con chuột nhắt hoặc một đống nhện đen xì. Nhưng nàng không ngần ngại dùng bàn chải chà thật mạnh. Dòng nước đen ngòm từ trong hốc tường dơ dáy chảy ra. Cuối cùng, sau một hồi chà rửa cật lực, nàng đặt bàn chải xuống, vắt khăn cho thật khô, lau kỹ để cho không một ngấn nước nào còn sót lại trên mặt tường.

Thế là xong, Flora quay lưng lại đứng lên rời khỏi hốc tường. Vừa lúc ấy, nàng nhận ra giữa đám chân ghế chân bàn lộn xộn trong nhà bếp có thêm một cặp chân mới mọc lên trên nền nhà sạch bóng. Đôi chân ấy mang một đôi giày màu nâu bằng da, có đế kếp. Trên đôi giày là hai cái gấu quần. Vẫn còn ngồi xổm, Flora đưa mắt từ từ nhìn lên phía trên cho đến khi cặp mắt của nàng dừng trên khuôn mặt kinh ngạc của Hugh Kyle.

Khó có thể nói trong hai người ai là kẻ ngạc nhiên hơn. Đột nhiên, Flora kêu lên:

- Thôi chết rồi.

- Cô nói thế nghĩa là sao?

- Tôi đâu có nghĩ anh về nhà sớm thế.

Hugh Kyle chẳng trả lời trả vốn gì cả, đứng đó nhìn quanh nhà, vẻ mặt ngỡ ngàng như từ trên trời rơi xuống:

- Cô làm cái quái gì ở đây thế?

Nàng tức tối vì bị phát hiện ra mình đang ở trong nhà Hugh. Chẳng phải vì sợ anh ta cho mình làm việc lâu la mà bởi vì sợ Hugh ngu ngốc tỏ thái độ phản đối công việc ôm rơm rặm bụng mà nàng đang làm. Bằng giọng bực bội và kiêu kỳ, nàng nghiêm giọng đáp:

- Thế anh nghĩ tôi đang làm gì hả? Cọ sàn nhà chứ còn làm gì nữa.

- Nhưng đáng lý ra cô không nên làm thế.

- Sao lại không nên? Nhà anh dơ hầy!

Anh ta nhìn xung quanh, những cái kệ sáng bóng lên, bồn rửa chén được cọ rửa sạch sẽ và cả đống nồi xoong được treo thành hàng theo thứ tự trên tường. Cặp mắt anh ta quay lại chiếu thẳng vào mặt nàng, trông anh ta vẫn còn ngơ ngác lắm. Hugh đưa tay vuốt cái cần cổ, khi một người đàn ông có cử chỉ như thế tức là anh ta đã chẳng còn biết tìm lời nào mà nói.

- Tôi phải nói rằng cô tốt bụng đến quá mức tưởng tượng đấy, Rose ạ. Cám ơn cô nhiều lắm nhé.

Nàng chẳng cần anh ta phải tỏ ra ân nghĩa đến thế, nàng bảo: - Rất vui lòng được giúp đỡ.

- Nhưng tôi vẫn không hiểu cô đến đây làm gì.

- Bà Watty làm một cái bánh cho anh, bà bảo tôi mang bánh đến, ở trong tủ lạnh ấy. – Chợt một ý tưởng nảy ra trong óc vuột ra khỏi miệng nàng: - Tôi không nghe thấy tiếng chân anh bước vào đây.

- Thì cửa trước mở mà.

- Ôi lạy Chúa, tôi quên không đóng cửa.

Tóc tai hai bên mai xòa xuống mặt, nàng dùng mu bàn tay gạt nó sang một bên rồi đứng dậy. Chiếc tạp dề to tướng dài chấm mắt cá chân Flora. Nàng cầm cái xô lên, đổ nước dơ xuống cống, vắt thật kiệt giẻ lau và trải nó lên trên cửa của cái kệ dưới bồn rửa chén. Nàng đóng cửa lại, quay sang đối mặt với Hugh và bình tĩnh thả ống tay áo xuống, nói gọn lỏn: - Người giúp việc nhà anh vô dụng thật đấy. Anh nên kiếm người khác chăm sóc mình đi.

- Cô không biết đấy thôi. Jessie đã làm hết sức mình rồi. Chuyện bừa bộn này chẳng qua là vì cô ấy đi vắng mấy ngày hôm nay. Jessie đi thăm mẹ ở Portree.

- Khi nào cô ta quay về?

- Tôi không biết, ngày mai hay có thể ngày mốt.

- Thế thì anh nên gọi cô ta đến thông báo anh sắp tìm người khác thay thế. Giọng nàng nhấm nhẳn bởi vì nhìn cái mặt của Hugh là nàng đã thấy khó chịu rồi, không hiểu anh ta làm ăn thế nào mà mặt mũi trông phờ phạc ra thế kia. – Tức cười thật đấy, anh là bác sĩ của cả cái thị trấn này, nhất định phải có người nào đó đến giúp anh chứ, ví dụ như cô y tá của anh chẳng hạn, cái người vẫn giúp anh làm việc ở phòng mạch ấy.

- Cô ấy là phụ nữ đã có chồng và luôn bận rộn chăm sóc ba đứa con, như thế cũng đã đủ mệt mỏi cho cô ấy lắm rồi.

- Nhưng không lẽ cô ấy không thể tìm được ai có thể đến để giúp việc cho anh sao?

- Hugh lắc đầu: - Tôi không biết.

Nàng đã thấy anh ta mệt mỏi, nhưng giờ nàng nhận ra Hugh còn bất cần nữa. Thậm chí anh ta còn không buồn hỏi người này, người kia tìm giúp cho mình một người giúp việc khác. Nàng bắt đầu thấy mình vô lý. Ai lại đi mè nheo hệt như một bà vợ đành hanh đỏ mỏ vậy. Nàng cố nói giọng dịu dàng hơn.

- Anh biết không, anh làm tôi ngạc nhiên không kém tôi làm anh kinh ngạc đâu. Đột nhiên anh ở đâu hiện ra vậy?

Hugh nhìn quanh tìm ghế để ngồi xuống. Anh thấy đống ghế tựa đã được xếp gọn ghẽ nơi góc nhà liền đến bên lấy ra một cái đặt bên cạnh bàn: - Tôi vừa ở Lochgarry về. – Hugh nói với nàng. Anh ta ngồi xuống, gác hai chân đan vào nhau, tay vẫn đút trong túi quần. – Tôi vừa ở bệnh viện về, phải thăm bệnh cho Angus McKay.

- Có phải ông già mà anh kể cho tôi nghe. Ông ta sống ở Loch Fhada phải không? Cái ông cụ té từ trên cầu thang xuống đấy.

Hugh gật đầu.

- Cuối cùng ông cụ đã chịu vào bệnh viện nằm ư?

- Phải. Nói mãi thì ông cụ cũng đồng ý thôi. Nói đúng hơn là ông ta đã bị thuyết phục.

- Anh thuyết phục ông ta phải không?

- Phải, chính tôi. Sáng nay, một chiếc xe cứu thương đến Boturich rước ông ấy vào bệnh viện. Chiều nay tôi đến phòng bệnh của ông để khám. Trong phòng có 5 ông cụ nữa. Những người ấy chỉ còn biết nhìn trừng trừng vào bức tường trước mặt để chờ thần chết đến mang mình đi. Ông Angus McKay vẫn còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra, tôi cố làm cho cụ vui bằng một liều thuốc chữa tim, nhưng cụ cứ nằm đó trừng mắt nhìn tôi, làm như tôi là kẻ sát nhân không bằng.

- Nhưng việc gì anh cứ phải mặc cảm như thế? Lỗi có phải tại anh đâu, chính anh bảo con dâu của ông ta có trách nhiệm chăm sóc ông cụ cơ mà. Nếu trong lúc cô ta quay đi làm việc gì khác, ông cụ lại té xuống cầu thang một lần nữa thì sự việc còn tồi tệ hơn.

Anh ta cứ để cho nàng nói mà không ngắt lời. Khi nàng nói xong, Hugh im lặng một lát, nhìn nàng qua cặp lông mi dài.

- Rose à, ông ấy già rồi. Người già thường hay lo lắng và thường bị lẫn, thế mà chính tôi lại lôi cụ rời khỏi tổ ấm của mình. Làm thế thật quá khủng khiếp với bất cứ người nào như cụ. Ông cụ ấy được sinh ra ở Boturich, cha cụ là nông dân và ông nội của cụ cũng là nông dân. Angus đưa vợ mình quay trở lại Boturich, con cái họ cũng đã được sinh ra và lớn lên ở đó, bây giờ, khi đã gần đất xa trời, khi mà chúng ta chẳng còn làm được gì hơn nữa để cho ông cụ có thể vui sống hơn thì chúng ta lại lôi cụ ra khỏi nơi chôn rau cắt rốn, bỏ mặc cụ cô đơn nằm đó chờ những người xa lạ đến chăm sóc.

Flora sững sờ không hiểu một bác sĩ như anh ta lại để cho tình cảm lấn lướt đến mức độ như vậy.

- Nhưng làm như vậy là hợp lý rồi. Còn sự đời, anh có cố đến đâu cũng không thay đổi được. Hay anh có cách gì làm cho người ta trường sinh bất lão?

- Cô không biết đấy thôi, Angus không như những người bình thường khác. Ông ấy đã trở thành một phần máu thịt của tôi. Trong những năm tháng còn nhỏ, tôi không bao giờ quên người bệnh nhân ấy. Cha tôi là một bác sĩ luôn bận rộn, ông không có đủ thời gian để chăm sóc con, thế nên vào những ngày thứ Bảy đẹp trời, tôi thường đạp xe 15 dặm từ Loch Fhada đến Boturich để gặp ông Angus Mckay, nhớ lúc ấy ông còn là một người đang ở tuổi trung niên, cao, giọng nói sang sảng, khỏe như bò mộng và trong ký ức của tôi, lúc ấy ông là một nhà thông thái . Mà đúng thế thật, ông biết đủ thứ chim trời, cáo rừng và thỏ rừng, loài vật nào ông cũng rành, ông cũng là tay câu cá hồi cừ khôi. Tôi nghĩ ông là một người thông thái nhất trên đời và cũng có cả sức mạnh nữa, hệt như Chúa trời vậy. Chúng tôi thường đi câu cá với nhau hay leo lên đồi chơi. Ông chỉ cho tôi xem loài đại bàng thường làm tổ và đẻ trứng như thế nào.

Flora mỉm cười, thấy thích bức tranh một già một trẻ bên nhau cùng học hỏi. – Thế lúc ấy, anh bao nhiêu tuổi?

- Khoảng 10 tuổi, chỉ lớn hơn Jason bây giờ một chút.

- Jason. Flora quên bẵng đi Jason, nàng nhìn đồng hồ và phát hoảng lên, vội vàng tháo tạp dề. – Tôi phải đi ngay đây, tôi được người nhà giao việc đến trường đón Jason mà. Nếu không đi nhanh, thằng bé sẽ có cảm giác mình bị bỏ rơi.

- Thế mà tôi cứ tưởng cô sẽ ngồi đây pha trà cùng uống với tôi.

- Tôi không có thời gian. 4 giờ thiếu 15 tôi phải ở đó rồi. Thế mà bây giờ đã là thiếu 20.

- Hay để tôi gọi cho ông hiệu trưởng nhờ ông ấy giữ dùm Jason vài phút được không?

Phản ứng ấy của Hugh thật quá bất ngờ. Flora nghĩ: Tại sao thế nhỉ? Anh ta đang làm lành với mình kìa. Nàng đặt tạp dề xuống – Liệu Jason có buồn không?

Hugh đứng lên: - Thằng bé không buồn đâu. Có đoàn tàu chạy bằng bình điện được lắp đặt ở trong sân trường. Nếu như bọn trẻ học hành giỏi giang, chúng sẽ được phép leo lên tàu đi vài vòng. Thằng bé nhà mình chỉ chờ có thế, nó rất mừng là có dịp được trèo lên tự lái đoàn tàu ấy. – Anh bước ra ngoài hành lang, cứ để cửa mở. Flora đứng như trời trồng nhìn theo tấm lưng của Hugh, rồi nàng nghe tiếng Hugh quay số đến trường học. Flora quay sang bồn rửa chén, lấy đầy một ấm nước đặt lên bếp lửa. Giọng Hugh vang vang trong hành lang:

- Thưa, phải ông Fraser không ạ? Bác sĩ Kyle đây. Có phải cháu Amstrong còn ở trường không? Xin ông làm ơn giữ cháu ở lại trường thêm 15 phút nữa có được không ạ? Vợ sắp cưới của Antony sẽ đến đón thằng bé về Fernrigg, nhưng cô ấy đang bị kẹt một chút. À, nếu như ông muốn biết rõ hơn thì cô ấy đang chuẩn bị pha cho tôi một ly trà, vâng, cô ấy đang ở chỗ tôi. Ôi, thế thì cám ơn ngài quá, ngài quả thật rất lịch sự đấy ạ. Cám ơn ngài, chúng tôi sẽ đợi ở đây, ngài cứ cho thằng bé đến đi, bảo nó không việc gì phải nhấn chuông cửa cả, cứ vào thẳng đây, chúng tôi đang ở trong bếp. Ôi, thế thì còn gì bằng. Tôi phải chịu ơn ngài rồi, cảm ơn ngài, ngài Fraser.

Nàng nghe tiếng Hugh đặt ống nghe xuống, lát sau anh đã ở trong nhà bếp: - Thế là xong, một vị phó hiệu trưởng sẽ đưa Jason về bằng xe riêng của ông ấy và thả thằng bé xuống trước cổng nhà tôi đây.

- Như thế có nghĩa là thằng bé sẽ không được chơi đoàn tàu ở trường ư?

Hugh kê thêm chiếc ghế thứ hai: - Tôi chẳng biết.

Flora tìm thấy một ấm trà sứt vòi, một bình sữa trong tủ lạnh và hai cái ly to tướng trông như đồ cổ, rất xinh: - Tôi chẳng biết đường và trà ở đâu cả.

Hugh lục lọi trong kệ bếp lôi trà và đường ra. Trà được đựng trong một hộp thiếc đã gỉ sét có in hình vua George đệ ngũ bên trên. Bình hết trà rồi còn đâu. Flora dốc ngược hộp trà vào trong bình. Flora bảo: - Hình như anh không mấy khi uống trà. Nhìn hộp trà này, tôi cứ tưởng mình đang sống trong chuyện cổ tích.

- Đúng vậy, mọi thứ trong nhà này đều cổ lỗ, cả tôi cũng thế.

- Từ nhỏ đến lớn, anh sống ở đây sao?

- Hầu như thế, cha tôi sống ở đây 40 năm trời. Nói không ngoa thì ông không muốn thay đổi bất cứ thứ gì từ những chi tiết nhỏ nhất. Khi tôi trở về quê để trông nom tài sản do cha để lại thì tôi có cảm tưởng mình đang sống với quá khứ. Lúc đầu, tôi cũng định sang sửa lại, sắm mới đồ dùng hiện tại, làm cho nơi này hợp thời hơn so với xu hướng nội thất hiện nay. Nhưng rồi tôi phải bỏ công ra xây phòng mạch trước đã. Và khi phòng mạch đã xây xong thì tôi quên luôn ngôi nhà của mình. Hay nói cách khác đi là tôi không buồn để ý tới nó nữa.

Flora thở phào nhẹ nhõm. Ít nhất thì anh cũng chẳng phải sống trong cảnh cơm đường cháo chợ mà đã tự tìm thấy sự hứng thú cho riêng mình. Nước sôi, nàng đổ đầy vào ấm trà, đặt lên trên bàn. Flora lịch sự nói: - Ngôi nhà xây mới vững chãi và hợp ý làm sao. – Nghe giọng cô, người ta liên tưởng tới một bà mẹ luôn tự hào về con mình, chẳng biết nói gì hơn là cứ luôn mồm khen nó mạnh khỏe, mà lờ đi không dám tính đến những tật xấu hỗn hào, hư đốn của nó.

Hugh nói thản nhiên: - Bà Tuppy cho rằng ngôi nhà này của tôi quá lạnh lẽo, bà gọi nó là nhà mồ và tôi càng lúc càng tin lời bà nói là sự thật.

- Nói thế cũng không sai. Nàng bắt gặp cặp mắt ngờ vực của Hugh bèn lập cập nói chữa: - Ý tôi là nếu anh cứ sống như thế này thì khả năng đó rất có thể xảy ra. – Nàng ngồi xuống bàn, rót trà. Không khí trở nên ấm cúng, dễ chịu. Như được tiếp thêm can đảm, nàng nói tiếp: - Nếu anh để ý đến căn nhà một chút xíu thôi thì nó đã trở thành thiên đường rồi đấy. Mọi sự anh cần chỉ là…nàng cố tìm lời…là cố sơn lại ngôi nhà này.

Hugh ngạc nhiên: - Chỉ cần thế thôi sao?

- À, à đầu tiên chỉ thế thôi đã. Nếu nhà cửa được sơn mới thì mọi chuyện sẽ khác.

- Tôi sẽ cố. – Hugh rót sữa, bỏ mấy thìa đường to tướng vào trà, khuấy leng keng như thể người ta đang nhào bột. Sau đó, anh ngửa cổ uống hết và ngay lập tức rót cho mình ly thứ hai. Rót trà xong, anh nói: - Sơn nhà này, rồi kéo cửa chớp lên cho ánh sáng mặt trời chiếu vào các phòng. Sau đó là lau chùi, dọn rửa, rồi thì hoa, rồi thì sách và âm nhạc, rồi thì đốt lửa trong lò sưởi, và thế là ngôi nhà sẽ trở thành một nơi ấm cúng đón chào một thân xác mệt mỏi sau một ngày làm việc trong tiết trời mùa đông lạnh lẽo.

Flora buột miệng: - Anh không cần một bà giúp việc mới mà cần một cô vợ mới. – Một cái liếc sắc lẻm của Hugh khiến cho nàng thầm ước mình đừng nói ra những lời vừa rồi. Nàng nói nhanh: - Tôi xin lỗi.

Nhưng hình như người đàn ông đang ngồi trước mặt nàng kia chẳng có vẻ gì là khó chịu. Anh ta bỏ thêm sữa và đường vào trong ly trà rồi lại tiếp tục khuấy đều lên: - Chắc cô biết tôi đã từng kết hôn? – Đó chỉ là một lời tuyên bố chứ không phải là một câu hỏi.

- Phải, bà Tuppy kể cho tôi nghe rồi.

- Bà còn nói gì với cô nữa?

- Nói rằng vợ anh qua đời trong một tai nạn xe hơi.

- Còn gì nữa không?

- Không. – Nàng thấy mình bắt buộc phải bảo vệ bà Tuppy. – Chỉ vì quá quý mến anh, nên bà mới kể cho tôi nghe thôi. Bà không chịu nổi cái ý nghĩ anh cứ phải sống thui thủi một mình mãi.

- Sau khi kết hôn với Diana. Tôi đưa cô ấy về Tarbole. Vụ ra mắt nàng dâu mới ấy không thể gọi là thành công được. Bà Tuppy có kể cho cô nghe chuyện ấy không?

- Thật ra là không. – Flora bắt đầu cảm thấy khó chịu. – Tôi xin nói thẳng là có đấy.

- Bà Tuppy không thích Diana cũng như những người khác và cho rằng tôi đã phạm một lỗi lầm kinh khủng.

- Đính hôn với Diana là một lỗi lầm ư?

- Phải, ngay từ đầu, tình cảm đã khiến tôi mù quáng. Tôi thậm chí không muốn thú nhận với bản thân về điều đó. Tôi gặp cô ấy ở London. Lúc ấy, tôi là bác sĩ ở bệnh viện St Thomas. Tôi có bạn ở London, anh ấy tên là John Rushmoore, chúng tôi quen nhau từ hồi còn học ở trường Đại học Edingburgh. Thuở là sinh viên, tôi và John thường chơi bóng bầu dục với nhau. Sau đó, anh ấy đến thủ đô và chúng tôi gặp nhau khi tôi đi công cán xuống miền nam. Qua John, tôi gặp Diana lần đầu tiên. Cô ấy và John thuộc về một thế giới khác lạ mà tôi không bao giờ biết rõ. Cái thế giới ấy đã làm lóa mắt một anh chàng như tôi, Diana cũng làm tôi choáng ngợp. Và khi tôi muốn kết hôn với cô, mọi người đều bảo tôi là thằng khùng. Cha cô ấy không hề chấp nhận tôi. Ngay từ đầu, ông ta đã cho tôi là một kẻ đào mỏ, bám theo con gái ông chỉ vì tiền. Nghề bác sĩ của tôi thì có gì là hấp dẫn đâu. Tôi còn hai năm để thực tập và như thế, cuộc sống chưa ổn định thì làm sao có thể làm trụ cột gia đình được, và tất nhiên cha tôi cũng đồng tình với ông ta. Chắc cô nghe có vẻ lạ tai, nhưng hễ cha tôi cho rằng việc gì đó là hay thì đối với tôi việc đó là dở nhất trên đời. Tôi nghĩ mình là người chọc trời khuấy nước, việc gì phải để ý đến ai. Cho nên tôi cứ đưa Diana về nhà ra mắt cha mình. Một phần là để khoe ấy mà. Thuyết phục mãi cô ấy mới chịu đi. Trước đó, cô ấy mới đến Scotland một lần. Hình như là đi săn ngỗng cùng một người quen thì phải và cô ấy chẳng có một ý tưởng nào về Tarbole. Nhưng cuối cùng, tôi cũng đưa cô ấy về đây, ngây thơ tin rằng cha tôi và đám bạn bè của tôi cũng sẽ bị cô làm cho choáng ngợp y như tôi vậy. Nhưng chuyện không diễn ra như thế. Ngược lại, nó làm tôi khổ sở. Hồi đó, mưa suốt khiến Diana căm ghét Tarbole, ghét ngôi nhà này, ghét cả xứ sở này nữa. Đúng vậy, cô ấy luôn gắt gỏng, khó chịu giống như những người phụ nữ cảm thấy trong mình khó ở. Cô ấy chỉ tỏ ra dễ thương, trò chuyện mặn mà với những người nào làm cho cô ấy vui hoặc phấn chấn lên, mà chẳng có ai ở đây làm được điều đó. Cô ấy ăn miếng trả miếng với cha tôi không ngớt, mặc dù chưa bao giờ người ta thấy ông lắm lời cả. Ông hết sức tỏ ra lịch sự vì Diana đang là khách trong nhà ông. Nhưng đến cuối ngày thứ ba thì chúng tôi không sao chịu nổi. Cha tôi bắt đầu nóng mặt, ông uống có đến cả chai rượu whisky, kêu tôi vào trong phòng mạch và bảo rằng tôi điên thật rồi. Ông ấy còn gọi tôi bằng nhiều cái tên khác nữa, những cái tên hay khủng khiếp đến độ tôi không thể nhắc ra đây. Thế rồi tôi mất bình tĩnh và thốt ra những lời cũng không sao nhắc lại cho cô nghe được. Khi cuộc đấu khẩu của hai bố con kết thúc, tôi chẳng còn gì để làm ngoài việc lôi xềnh xệch Diana vào xe hơi và quay trở lại London. Chúng tôi làm đám cưới ngay trong tuần ấy. Cô có thể thấy tôi cưới Diana chỉ vì muốn chống đối với cha mình hơn là thực sự yêu mến cô ấy.

- Thế rồi, mọi sự đều tốt đẹp, êm đềm cả chứ?

- Không, lúc đầu thì không sao. Chúng tôi say nhau như điếu đổ. – Flora vòng tay ôm lấy ly trà nóng cho ấm, nàng nói:

- Nếu như hoàn cảnh khác đi…

- Thì tình hình chẳng có gì thay đổi. Chúng tôi đã phải cố hết sức.

- Vợ anh mất khi nào?

- Sau khi chúng tôi kết hôn được gần hai năm. Tới lúc đó, quả thật chúng tôi đã không còn gần gũi nhau như lúc trước. Khi cô ấy nói sẽ đi nghỉ cuối tuần tại nhà một người bạn học cùng trường cũ, sống ở Wales thì tôi chẳng thắc mắc gì cả. Nhưng khi cô ấy tử nạn thì người ta lại thấy xác của cô ấy trong xe của John Rushmoore, lúc ấy xe do chính John cầm lái, mà họ không đi đến xứ Wales nữa. Họ đến Yorkshire.

Flora tròn mắt nhìn: - Anh vừa nói John là bạn anh cơ mà?

- Đúng vậy, hắn là bạn tôi. Bọn họ đã quan hệ với nhau nhiều tháng trời rồi mà tôi không hề nghi ngờ gì hết. Giờ cháy nhà mới ra mặt chuột, mọi người đều biết hết chuyện xấu xa ấy, nhưng chẳng ai để tâm an ủi tôi cả. Cảm giác vừa mất vợ vừa mất bạn khiến tôi kiệt sức. Tồi tệ nhất là thể diện cũng không còn. Tôi đã mất hết.

- Không lẽ John Rushmoore cũng tử nạn trong lần ấy ư?

Hugh nói như không có chuyện gì xảy ra:

- Không. Anh ta vẫn còn sống.

- Đó là lý do anh bỏ hết công việc ở London quay về sống ở Tarbole ư?

- Tôi quay về Tarbole bởi vì cha tôi ốm nặng.

- Anh không bao giờ nghĩ mình sẽ quay lại London ư?

- Không.

- Anh không còn muốn trở thành bác sĩ phẫu thuật nữa ư?

- Không, đã quá trễ rồi. Tôi đã thuộc về nơi này. Có lẽ nơi đây mới thực sự là nhà của tôi. Tôi không nghĩ mình sẽ sống tốt ở thành phố, nơi không có không khí trong lành và hương vị của biển cả.

- Anh giống hệt như…

Flora bắt đầu nhưng nàng đã kịp dừng lại. Nàng định nói anh giống hệt như cha tôi vậy. Say sưa nghe Hugh tâm sự, nàng đã quên mình đang là Rose. Sự khao khát trở về với vẻ tự tin của mình cùng những ký ức của riêng mình làm cho nàng thấy không sao chống đỡ nổi với tình thế hiện thời. Hugh mở cửa, lúc trước cánh cửa này vẫn đóng im ỉm, ngáng tầm nhìn của nàng, và lúc này nàng chỉ muốn chạy ngay ra khỏi cửa tức khắc, nhưng nàng không thể.

Với tư cách là Rose, nàng chẳng thể làm gì cho Hugh. Là Rose, nàng phải tỏ vẻ thờ ơ, không được tỏ bất cứ cử chỉ an ủi nào. Cơn giận dữ trào lên khiến Flora không sao chịu nổi. Và trong giây lát, nàng muốn nói ra sự thực. Trong tình trạng của Hugh hiện nay, Flora biết chắc anh ta sẽ hiểu. Nàng đã hứa với Antony, nhưng suy cho cùng, Hugh là bác sĩ cơ mà. Tâm sự một bí mật với một bác sĩ đâu có gì khác so với lời xưng tội ở nhà thờ cùng cha xứ đâu.

Ngay từ đầu, con tim Flora đã mách bảo nàng phải phản đối kế hoạch dối trá mà mình và Antony cùng nhúng tay vào, đơn giản chỉ vì nó liên quan đến những người không có lỗi gì trong chuyện của Antony cả. Nhưng lúc này đây, cảm giác dối trá ấy đang quay trở về, và Flora đã tự dối mình trong cái vòng luẩn quẩn của nó. Nó trói chân trói tay nàng, xiềng xích nàng khiến nàng không thể làm được gì cả. Hugh vẫn đứng chờ Flora nói cho hết câu vừa rồi. Mãi không thấy nàng nói tiếp, anh ta nhắc:

- Cô vừa nói tôi giống ai hả?

- À…

Nàng chợt nhớ mới hôm qua đây thôi nàng còn hứa với Antony bên bờ biển. Thế nên, nàng ậm ừ…

- À, chẳng quan trọng đâu. Chỉ là một người cũng có cảnh ngộ giống như anh vậy.

Thế là hết, giờ có muốn thú tội cũng chẳng được nữa rồi. Nàng vẫn là Rose. Flora không biết nàng nên buồn hay nên vui nữa. Căn bếp ấm cúng và yên tĩnh. Nếu có tiếng động thì chỉ là từ bên ngoài vọng tới. Có tiếng xe tải rồ máy cố leo lên con dốc trước cổng của căn biệt thự. Tiếng chó sủa, tiếng một phụ nữ xách theo một giỏ nặng trĩu sau khi đi mua sắm về, đang leo lên đồi gọi với người bạn đứng bên kia đường. Không trung vang vọng tiếng kêu thảm thiết của bầy hải âu.

Cuối cùng, sự bình lặng đó bị khuấy động bởi Jason đã về. Cửa trước mở toang, rồi cánh cửa đóng sầm lại khiến Flora giật mình. Flora giật nảy người nhìn Hugh. Khuôn mặt viên bác sĩ bình thản, họ đã quên mất Jason. Giọng cao vút của Jason véo von: - Thím Rose ơi!

Hugh gọi: - Thím Rose của cháu đây nè, trong nhà bếp ấy.

Có tiếng chân chạy dọc theo hành lang, cửa mở và Jason nhào vào:

- Chào thím, thầy Thompson cho cháu đi nhờ xe. Khi ngang qua cảng, thầy chỉ cho cháu một con tàu cực kỳ lớn luôn. Thầy nói con tàu ấy của Đức. Xin chào chú Hugh.

- Chào anh bạn thân.

- Thưa thím Rose cháu mới về. – Thằng bé đến bên nàng, ôm cổ Rose và hôn chiếu lệ lên má nàng.

- Chú Hugh này, cháu vừa vẽ một bức tranh rất đặc biệt tặng bà Tuppy. Cháu vừa vẽ xong hồi chiều nay đậy.

- À, lấy cho chú xem nào.

Jason đánh vật với khóa cặp xách, lôi ra bức vẽ.

- Ôi thôi chết rồi, nó nhàu nát quá đi thôi.

Hugh bảo: - Khô
Tác giả : Rosamunde Pilcher
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 1 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại