Diệp Trình

Chương 12 Chương 12


Lần này đi cùng mấy bác cháu Diệp Trình còn có một gia đình ba người và một cặp cha con, đều là những người thấy Tiền Hưng Lương dẫn Diệp Trình ra ngoài kiếm ăn khấm khá nên muốn đi theo.

Đông người như vậy nhưng chỉ mình bác Tiền biết chữ, thế nên một đoàn người cứ dính sát lấy bác, sợ không cẩn thận lạc mất thì toi.
Đi ô tô rồi lại chuyển sang xe lửa, rốt cuộc cũng đến được thành C nơi bọn Diệp Trình kiếm sống, lại vội vàng đi tìm phòng ở cho hai gia đình kia.

Bất quá tìm mãi cũng chẳng được phòng nào ưng ý, không phải không có phòng cho thuê, chỉ ngặt nỗi giá cả đắt quá.

Cuối cùng mấy người liền hạ quyết định chen chúc hết trong tiểu viện của bác Tiền, tiền thuê nhà chia nhau, còn có thể cơm nước chung, tiết kiệm được không ít tiền sinh hoạt phí.
Vì thế mọi người liền dựng một cái lều ở cái sân trước nhà bác Tiền, cho cặp vợ chồng nhà kia ở, bốn đứa nhỏ thì ngủ cả trong phòng Diệp Trình, chỉ cần gia cố lại cái giường một chút là được, về phần bác Tiền, bác cùng La Thành Phúc ngủ ở gian ngoài.
Nhưng mà nhiều người như vậy ở chung trong một tiểu viện khó tránh khỏi những lúc va chạm.

Như Lục Minh Viễn chẳng hạn, nó với hai đứa nhỏ mới đến chẳng hòa hợp chút nào, đại khái là vì mấy đứa nhỏ này đứa nào cũng kiếm được tiền, chỉ mình Lục Minh Viễn cứ cả ngày lắc lắc lư lư, lại không thèm ra ngoài ăn xin, nên chúng có chút khinh thường nó, ngày thường không chịu chơi với nó đã đành, nói chuyện cũng chẳng thèm khách khí.

Tính tình Lục Minh Viễn lại bướng bỉnh, trước giờ đều không chịu thiệt, thế nên đám nhóc này đã đánh nhau không ít lần.
Có một buổi sáng Lục Minh Viễn đang đánh răng (nó với Diệp Trình dùng chung một cái bàn chải, ai dậy trước đánh trước) thì một đứa nhỏ từ trong phòng bước ra, chính là La Siêu Nghệ, con trai của La Thành Phúc.

Thằng nhóc kia mơ mơ màng màng đi tới, phát hiện Lục Minh Viễn đang chiếm cứ chỗ miệng cống thì bá đạo đẩy một cái, vốn chỉ định đẩy nó xích ra thôi, ai ngờ Lục Minh Viễn đứng không vững, bị đẩy một cái liền ngã nhào xuống cống.

Lúc này mùa đông còn chưa hoàn toàn trôi qua, buổi sáng nhiệt độ vẫn rất thấp, nước bên trong cống vừa thối lại vừa lạnh.
Lục Minh Viễn khó khăn trèo ra khỏi cống, gào vào mặt La Siêu Nghệ, "Mày làm cái gì đấy? Sao lại đẩy tao?"
La Siêu Nghệ này bình thường đều khinh thường Lục Minh Viễn, dù lúc vừa đẩy xong còn có chút áy náy, nhưng giờ thấy nó gào lên với mình, nhất thời cũng nổi điên, "Tao đẩy đấy, thì sao?"
"Mày thử đẩy lần nữa xem! Tao cho mày đẩy!" Lục Minh Viễn chẳng phải đứa dễ chọc, lập tức xông lên đánh người.
"Mày muốn đánh tao à? Chẳng ai thèm cái đồ con hoang như mày đâu, ăn không uống không của người ta còn dám kiêu ngạo như thế.

Sao mày không cút khỏi đây đi?" Cũng không biết có phải đám người lớn nói như vậy sau lưng bọn họ không, nhưng mà năm ấy Lục Minh Viễn đi theo họ ăn ăn uống uống, quả thật có thể xem như mọi người góp tiền nuôi nó.
La Siêu Nghệ ngày thường chơi với một thằng nhỏ khác tên là Tiền Bân, hai đứa cũng trộm nói với nhau như thế, lúc này giận lên liền buột miệng mắng ra.


Dù sao nó cũng lớn hơn Lục Minh Viễn hai tuổi, chỉ cần tùy tiện duỗi tay, đã có thể khiến Lục Minh Viễn vùng vẫy thế nào cũng không chạm vào được.
"Tao không cút đấy, không cút đấy, mày là cái gì mà đuổi tao." Lục Minh Viễn đánh không lại người ta, trên người còn vừa thối vừa lạnh, liền bật khóc.
Nó vừa khóc, Diệp Trình đã từ trong phòng chạy ra, theo sau là Tiền Hưng Lương cùng mấy người lớn khác, vừa ra liền thấy Lục Minh Viễn cả người dính đầy bùn đen hôi, đang vừa khóc vừa đánh La Siêu Nghệ, nhưng làm sao cũng đánh không được, hết lần này đến lần khác bị đẩy ra ngoài.
"Siêu Nghệ, mi làm cái gì đấy hả?" La Thành Phúc còn chưa nói dứt câu, Diệp Trình đã vù một tiếng xông lên, đẩy La Siêu Nghệ vào trong cống.

Đám người lớn nhất thời trợn tròn mắt, vội vàng kéo La Siêu Nghệ lên.
Lúc này cả viện liền nháo nhào lên, Lục Minh Viễn khóc, La Siêu Nghệ cũng khóc, ầm ĩ một trận, bác Tiền nhất thời đau hết cả đầu, "Chuyện gì đây? Mới sáng ngày ra đã nháo nhào hết cả lên là thế nào?"
Bác nói thế xong, hai thằng nhỏ không dám khóc to nữa, đám người lớn cũng không nói thêm cái gì.

Diệp Trình ngồi xuống giúp Lục Minh Viễn cởi quần áo, ngặt nỗi áo lông Lục Minh Viễn mặc dính nước vào vừa cứng vừa nặng, cởi mãi không ra, bác Tiền đành phải đi qua giúp một tay.
"Nó kêu cháu cút." Bình thường Lục Minh Viễn cũng chẳng thân thiết gì với bác Tiền, nhưng lúc này không biết nghĩ gì mà lại đỏ mắt nói một câu như vậy.
Tiền Hưng Lương không ngờ cái tên sói con này còn biết cáo trạng với mình, ngây ra một lúc mới nói, "Bác không đuổi mi thì mi không cần phải đi."
Lục Minh Viễn nghe vậy mới yên tâm, ngoan ngoãn để Tiền Hưng Lương cởi quần áo, lấy nước ấm tắm rửa, thay một bộ đồ sạch sẽ cho mình, sau đó lại uống một bát canh nóng.
Trận náo luận sáng nay khó khăn lắm mới bình ổn lại, nhưng trận chiến giữa đám con nít thì còn lâu mới chấm dứt.

La Siêu Nghệ vì bị Diệp Trình đẩy xuống cống mà ghi hận, lôi kéo thằng nhỏ tên Tiền Bân kia, từ đó về sau vạch rõ ranh giới với bọn Diệp Trình.
Lục Minh Viễn lại không phải đèn cạn dầu, nó vốn đã ghét La Siêu Nghệ xấu tính sẵn rồi, nên từ hôm đó, tiểu viện không có nổi một ngày thanh tịnh.

Đám nhóc con cứ ba ngày một trận lớn hai ngày một trận nhỏ, nháo đến quan hệ của mấy người lớn cũng dần khó lòng hòa hợp.

Tiền Hưng Lương cũng cả ngày phiền não.
Có hôm bác ngồi uống rượu với ông chủ tiệm bánh bao đầu ngõ, ổng nghe bác kể xong cảm thán, dẫn đồng hương ra ngoài làm ăn, mới biết được người tốt khó làm.

Nhưng rồi ổng cũng chỉ cho bác một cách, ngõ trên có ông lão họ Ngô chuyên sửa giày cho người ta, tầng hai nhà ông ấy còn một gian phòng bỏ không, chưa tìm được người thuê, kêu bác dẫn hai đứa nhỏ lên đó hỏi thử xem, nếu chỉ ngủ không thì chắc cũng chẳng hết bao nhiêu tiền.
Vì thế ngày hôm sau, bác Tiền liền dẫn Diệp Trình và Lục Minh Viễn đi.


Lão Ngô sửa giày kia năm nay chừng sáu mươi tuổi, trông còn rất khỏe khoắn, chỉ là không có vợ con gì, sống cô quạnh một mình.

Căn nhà trong ngõ này chính là nhà của ông, tầng dưới mở cửa hàng, là nơi ngày thường ông làm việc, chất rất nhiều giày dép hỏng hóc cùng những thứ đồ linh tinh thượng vàng hạ cám.

Trên lầu có hai phòng, ông ngủ phòng phía trước, còn phòng sau bỏ không, tro bụi dày một tầng, đang để tạm vài thứ.
"Hai đứa nó ở hả?" Lão Ngô cũng biết hai đứa nhỏ này, nghe nói chúng nó mỗi ngày đều ra đường ăn xin, có hôm giờ cao điểm cũng vào tận ngõ nhà ông.

Mấy ngày trước ông vừa gặp chúng xong.
"Vâng, cho hai đứa nó ở.

Chúng nó vẫn ăn cơm bên cháu, ban ngày lại không ở nhà, chỉ có tối qua đây ngủ thôi." Bác Tiền vội vàng nói.
"Chỉ ngủ thôi thì không sao, có điều ta già rồi, sợ nhất là ồn, sau này nếu bọn chúng làm ta không chịu nổi, ta mắng cho, đến lúc đó đừng kêu lão già này khó tính đấy nhá." Lão Ngô này khó tính thật, chuyện này người ở đây đều biết, bất quá tay nghề sửa giày của ông rất tốt, giá cả lại không đắt, nên làm ăn vẫn rất khấm khá.
"Sẽ không, sẽ không đâu, cháu sẽ dặn dò chúng nó cẩn thận." Tiền Hưng Lương vừa nghe ông nói thế, liền biết có hy vọng.
"Căn phòng này lâu lắm rồi ta không bước vào, nên rất nhiều bụi, mấy người tự quét dọn đi." Ông nói.
"Vâng vâng, không thành vấn đề."
"Cứ như vậy đi." Lão Ngô đẩy đẩy giọng kính lão, cúi đầu tiếp tục làm việc.
"Cái kia, lão Ngô, tiền thuê nhà thì...." Này còn chưa bàn đến đâu, làm sao mà cứ như vậy được.

Tiền Hưng Lương cười cười, nói.
"Ui giời cái phòng nát thôi mà, tiền thuê gì chứ, cứ vào ở đi." Căn nhà này của lão Ngô đúng là cũ nát thật, tầng dưới lại còn bị ông chiếm dụng, chất đầy tạp vật, muốn cho thuê hẳn là rất khó.

Bác Tiền chính là nhằm vào điểm này, nghĩ như vậy thì tiền thuê chắc không đắt, bác bỏ tiền cũng không xót, ai ngờ lão Ngô chẳng lấy tiền, cho bọn họ ở không, nhất thời cảm thấy như vớ được cái bánh nhân thịt từ trên trời rơi xuống vậy.
Mấy người lớn trong tiểu viện lúc biết rốt cuộc cũng tách được tụi nhỏ ra, ai nấy đều hết sức vui mừng, lại nghe nói đối phương không thu tiền thuê, nhất thời luôn miệng khen lão Ngô tốt bụng.


Đoàn người xách nước, khăn sang quét dọn từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, nước bẩn đổ đi cứ một thùng lại đến một thùng, như là hận không thể biến cái căn nhà cũ nát này thành như mới vậy.
Sau đó, Diệp Trình và Lục Minh Viễn liền ở lại tầng trên tiệm sửa giày.

Lão Ngô này cũng không như những ông lão khác thích trẻ con, mấy ngày đầu chẳng thèm để mắt đến hai đứa nhóc sống trong nhà mình chút nào, qua một thời gian, quen thuộc hơn mới thi thoảng nói chuyện qua lại vài câu.
Ngày đó trời mưa, Diệp Trình và Lục Minh Viễn chẳng biết đi đâu, đành ngồi bên cạnh xem lão Ngô sửa giày.

Cố tình cứ đến ngày mưa là lão Ngô lại lắm việc, bởi vì giày dép ngâm trong nước mưa rất dễ bung keo, nên ai ai cũng đều muốn đóng lại giày cho chắc, việc đến cửa tự nhiên cũng nhiều lên.
Lão Ngô bận tối mặt tối mày, thấy hai đứa nhỏ ngồi không ở đấy, liền thuận miệng sai bảo, mới đầu chúng cũng chẳng giúp được là bao, nhưng sai vài lần liền quen, dần dà tụi nhỏ cũng giúp được một tay một chân.
Tỷ như dán keo giày chẳng hạn, đổ nhựa cao su vào xong phải dùng tay đè một lát để định hình, có hai đứa ông cũng rảnh rang làm việc khác.

Mà tụi nhỏ ngồi không mãi cũng chán, nay có việc để làm, tự nhiên liền cao hứng.

Rồi khi sửa giày nữa, thường sẽ tìm vài phụ kiện từ những giày dép hỏng vứt đi mà lão Ngô tích trong nhà để dùng, Diệp Trình mấy lần đầu bị sai đi lấy còn không biết cái nào dùng được cái nào không, toàn phải cầm vài cái ra cho lão Ngô chọn, chờ tìm vài lần liền quen.
Rồi đến khi thân với lão Ngô hơn, bọn Diệp Trình mỗi ngày ra ngoài đều sẽ chú ý tìm nhặt giày dép hỏng người ta vứt đi đem về, nếu lão Ngô nhìn qua mà gật đầu cho một câu không tồi, hai đứa nhỏ sẽ vui vẻ cả buổi trời.
Bọn Diệp Trình bình thường cơm nước xong sẽ sang tiệm sửa giày.

Nếu hôm nào còn sớm, mà lão Ngô cao hứng thì sẽ ngồi truyền thụ tay nghề cho chúng, đóng đế giày này, dán keo này, linh tinh các kiểu.

Mỗi lần đều ngồi một mạch hai ba tiếng đồng hồ, nhưng hai đứa nhỏ lại chẳng biết mệt, cứ cho rằng đang chơi trò chơi.

Lão Ngô cũng không ngại tụi nhỏ phung phí nguyên liệu, giày nát dép hỏng trong nhà ông chẳng thiếu, chút keo chút nhựa ông cũng chẳng hẹp hòi.
Cứ học như vậy một hai tháng sau, tay nghề hai tên nhóc cũng lên không ít, bọn chúng bây giờ á, kêu sửa lại bề mặt giày dép thì còn khó, chứ dán keo đóng đế thì chẳng thành vấn đề.
Chạng vạng hôm nay bọn Diệp Trình vừa vào trong tiệm đã thấy lão Ngô ôm bụng đi lên lầu.

Ông thấy là bọn Diệp Trình thì mở miệng kêu chúng đóng cửa tiệm lại, bệnh đau dạ dày kinh niên của ông tái phát, muốn đi nằm.
Diệp Trình và Lục Minh Viễn còn chưa kịp đóng cửa, đã có một người từ bên ngoài vội vội vàng vàng chạy vào, "Lão Ngô đâu rồi? Giày của tôi bị bung."
"Ông đau bụng, đang ở trên lầu." Diệp Trình cảm thấy không nên gọi lão Ngô xuống, nhưng cái người kia lại chẳng quan tâm, cao giọng gọi.
"Lão Ngô, Lão Ngô, xuống khâu giày cho tôi với, tôi đang vội ra ngoài."
"Lão tử đau dạ dày, để Diệp Trình khâu giúp ông đi." Lão Ngô khó chịu nói.

"Ông định để một thằng nhóc con khâu giày cho tôi á, nó thì khâu thế nào được?" Ông khách kia rõ ràng không chịu.
"Nó làm được."
"Trời, giày tôi là giày da đấy." Người nọ còn chưa từ bỏ ý định, nói.
"Ai chả biết cái giày nát của ông, bảo nó làm được là làm được, nếu nó khâu hỏng tôi bồi thường cho ông một đôi là được chứ gì." Lão Ngô đã nói đến thế rồi, người đàn ông kia cũng chẳng còn cách nào khác.

Ông ta đang vội ra ngoài, mà lúc bấy giờ còn chưa được như hiện tại, có nhiều đôi để thay đổi, trong nhà có được một đôi giày tử tế đã tốt lắm rồi.
Diệp Trình nhận giày từ tay ông khách.

Cũng may chỗ bị bung nằm ở bên rìa, lại không quá to, nên độ khó không cao.
"Nè nhóc, mi biết làm thật đấy à?" Ông khách vẻ như còn chưa yên tâm, hỏi.
"Biết." Diệp Trình lời ít ý nhiều đáp.
Ông ta không nói gì nữa, chỉ đứng một bên nhìn chằm chằm Diệp Trình, sợ nó làm hỏng giày của mình.
Diệp Trình trước tiên là bôi nhựa cao su vào chỗ bị bung để cố định lại, sau đó đặt giày sang một bên, đi tìm dao.
"Ui da nhẹ thôi, nhẹ thôi." Một dao vừa hạ, ông khách kia đã oang oang kêu lên, cứ như dao bổ vào người mình không bằng.
Diệp Trình còn chưa nói gì, vẫn cúi đầu cặm cụi sửa giày, Lục Minh Viễn đứng cạnh đã nhịn không được, "Ông đừng có ồn nữa được không?"
Bị một thằng nhóc con giáo huấn, chắc ông khách kia cũng cảm thấy có chút mất mặt, nên sau đó không mở miệng nữa.
Diệp Trình dùng dùi dùi một đường, xâu chỉ vào kim móc, khâu vài mũi ở chỗ bị bung, đường chỉ đều được giấu khéo léo giữa những họa tiết khắc trên đế, thắt nút xong rồi cũng không nhìn ra dấu vết bị khâu, lại tránh được việc ma sát với mặt đường làm mài mòn chỉ.

Tay nghề thế này người sửa giày nào cũng làm được, bất quá Diệp Trình lúc này mới bảy tuổi, khâu được như vậy đã đẹp lắm rồi.
Ông khách kia thấy Diệp Trình khâu đẹp quá, ngốc lăng nửa ngày mới thốt lên, "Í, khâu được thật à?" Sau đó để lại năm mao tiền, vội vội vàng vàng đi khỏi, xem ra thật sự có việc gấp.
Kể từ đó, Diệp Trình bắt đầu giúp lão Ngô được nhiều việc hơn, không lâu sau, Lục Minh Viễn cũng dần học được.

Qua một thời gian, cả khu xung quanh đều truyền tai nhau, nói trong tiệm lão Ngô có hai đứa nhỏ biết sửa giày, còn nhỏ tí mà đã sửa được ra hình ra dạng rồi.
- ---------------------------------------------------------------------
"Đừng khóc mà." Mỗi lần Lục Minh Viễn khóc, Diệp Trình đều thấy trong lòng đặc biệt khó chịu, "Hay là chúng ta đi trốn đi, không để họ tìm thấy là được."
"Trốn đi đâu?" Lục Minh Viễn khịt mũi, hỏi..

Harry Potter fanfic
"Dù sao cứ trốn đi đã.".

5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại