[Phần 1] Dệt Ngân Hà Cho Em
Chương 189 THẬT ẤM ÁP
Cô gõ cửa nhà, dùng giọng địa phương nói chuyện với chủ nhà, nói bọn họ là nhân viên công tác bên tổ dự án đến đây để khảo sát, có thể ở lại ăn bữa cơm trưa hay không. Đương nhiên bạn họ cũng không ăn không, chắc chắn sẽ trả tiền.
Gia đình này họ Vương, trong nhà chỉ có hai người già và một đứa cháu gái, vừa nghe nói Trì Nguyệt là người bên tổ dự án bèn vui mừng khấp khởi mời bọn họ vào nhà.
Trì Nguyệt mời anh Kiều ngồi xuống rồi quay lại xe, ôm một thùng nước khoáng và thêm chút đồ ăn vặt cho đứa cháu gái chủ nhà.
Đôi mắt hai người già sáng ngời nhìn thùng nước trong vắt.
"Ngồi đi, cô cậu cứ ngồi đây, tôi đi nấu cơm!" Bà Vương xoa tay, đeo tạp dề muốn đi vào trong bếp.
"Bà Vương." Trì Nguyệt cười nói: "Hay là bà nghỉ ngơi đi, để cháu nấu cho?"
Trì Nguyệt không thích nấu cơm, nhưng cô hiểu Kiều Đông Dương, anh chú trọng việc ăn ở đến mức khiến người ta giận sôi gan, trong phạm vi điều kiện cho phép, với tư cách là trợ lý đặc biệt, cô có nghĩa vụ chăm sóc anh thật tốt.
Đúng vậy, đây là công việc.
Lúc Trì Nguyệt đi vào bếp, cô cảm thấy mình bị trợ lý Hầu nhập xác rồi.
Kiều Đông Dương đi theo vào, ngồi xổm bên cạnh nhìn cô nhóm lửa với ánh mắt vui vẻ: "Này, có phải em đã cộng điểm cho tôi không?"
Trì Nguyệt: "..."
Cô chỉ liếc sang anh rồi lại tiếp tục chậm rãi thêm cỏ tranh, thêm củi khô vào trong bếp: "Tại sao lại ảo tưởng như vậy?"
Ảo tưởng? Kiều Đông Dương nghiêm mặt: "Nếu không cộng điểm, sao em lại đối xử tốt với tôi như vậy?"
Kiều Đông Dương chắc chắn mình không đoán sai.
Nhưng Trì Nguyệt nghe xong lại cười: "Anh không hiểu tôi sao? Từ trước đến nay tôi chỉ nhìn việc chứ không nhìn người."
Kiều Đông Dương nghi ngờ nhìn cô.
Trì Nguyệt thản nhiên nói: "Đây là công việc của tôi. Tôi luôn hành động thế này, đã không làm thì thôi, đã làm phải làm tốt nhất. Vì vậy, anh Kiều à, anh đã mời tôi làm trợ lý, tất nhiên phải đáng đồng tiền bát gạo chứ. Nếu không anh sẽ bị thiệt!"
Kiều Đông Dương chậm rãi đứng lên, khoanh tay nhìn cô.
"Trợ lý Trì đã biết suy nghĩ như vậy thì tôi tin em cũng có thể làm tốt nhiệm vụ của mình."
"Yên tâm đi."
Trì Nguyệt mỉm cười, ngẩng đầu nhìn anh đang tỏ ra kiêu ngạo: "Anh Kiều đi ra ngoài nghỉ ngơi đi, có việc cứ gọi tôi."
Kiều Đông Dương vừa bất ngờ vừa không biết làm sao.
"Ôi!" Anh thở dài, nhìn cô nhóm lửa: "Việc này thú vị quá, cho tôi thử nhé?"
Trì Nguyệt nhìn anh, dứt khoát nhường chỗ: "Anh làm đi."
Đây là lần đầu tiên trong đời Kiều Đông Dương tiếp xúc với bếp củi, càng khỏi phải nói đến việc nhóm lửa.
Anh học theo Trì Nguyệt, lần lượt nhét củi khô vào trong lò, nhìn ngọn lửa bắt đầu cháy hừng hực, khuôn mặt anh đỏ bừng, mồ hôi nhễ nhại vì nóng nhưng rất vui vẻ.
Trì Nguyệt yên lặng nhìn anh, đi vo gạo, chuẩn bị nấu cơm.
Bây giờ là đầu mùa đông, trong nhà người dân nơi sa mạc không còn rau xanh tươi mới.
Ngày thường sẽ chuẩn bị thêm mấy loại dễ bảo quản như bắp cải trắng, khoai tây, củ cải, ngoài ra "rau hộp" cũng là đặc sản ở địa phương.
Lúc đến mùa rau, dân địa phương sẽ xào kỹ rau xanh với các loại gia vị như ớt và hành tỏi, sau đó cất vào trong hộp, lúc muốn ăn chỉ cần lấy ra hấp là ăn được, đơn giản và tiện lợi.
Người đến là khách, hai vợ chồng già lấy hết đồ ăn trong nhà ra, mang vào bếp.
Trì Nguyệt liên tục nói cảm ơn, sau đó gọt vỏ khoai tây rồi cắt thành sợi.
Lúc cô nấu ăn, Kiều Đông Dương vừa nhóm lửa vừa nhìn cô bận rộn, trong cơ thể tiết ra rất nhiều chất dopamine*, anh rất thích một gia đình ấm áp thế này.
(*) Hay còn gọi là hormone "hạnh phúc", khi loại hormone này tăng lên sẽ giúp bạn cảm thấy vui vẻ hơn, thích thú hưng phấn, tăng cường trí nhớ và khả năng tập trung.
Thế nhưng Trì Nguyệt bị anh nhìn chằm chằm lại hơi lúng túng.
"Anh Kiều, anh cứ nhìn tôi như vậy, tôi sẽ cắt vào tay đấy."
"Em không nhìn tôi, sao biết tôi nhìn em?" Cả khuôn mặt lẫn lỗ tai Kiều Đông Dương đều đỏ bừng trong ánh lửa, thoạt nhìn vừa đẹp trai vừa ngây thơ: "Hơn nữa, tôi không nhìn em, sao biết em có bỏ thuộc độc không?"
Vừa mở miệng đã bật chế độ cà khịa.
"Tôi không bỏ thuốc độc." Trì Nguyệt nhìn cái thớt, chậm rãi nói: "Tôi chỉ nhổ nước bọt vào thôi."
"Cần gì rắc rối thế?" Kiều Đông Dương thờ ơ cười: "Em muốn tôi ăn nước bọt của em, có thể có cách trực tiếp hơn..."
"Anh Kiều!" Trì Nguyệt đột nhiên quát lên dọa Kiều Đông Dương giật mình.
Anh đang định xin lỗi thì lại thấy cô lao đến, nhanh chóng cướp kìm gắp củi trong tay anh, nhặt mẩu củi đang cháy bị rơi trên mặt đất lên rồi nhét vào trong bếp, sau đó gây bếp lò mấy cái, khiến bếp lò suýt bị dập tắt lại cháy bùng lên.
Cô thở phào: "Anh có biết làm vậy rất dễ gây ra hỏa hoạn không?"
"... Có nghiêm trọng thể không?"
"Có!" Trì Nguyệt lườm anh: "Lúc nhóm lửa đừng mất tập trung, đừng để củi rơi ra ngoài, rơi ra phải nhét vào trong lò ngay, lúc củi cháy phải thông khí, nếu lửa không cháy mạnh, cơm nấu ra sẽ không ngon."
"Điều này... Đúng là một kiến thức tuyệt vời."
Kiều Đông Dương không mất tập trung nữa.
Anh cẩn thận trông củi lửa, thỉnh thoảng liếc nhìn Trì Nguyệt đang bận rộn với ánh mắt ấm áp dịu dàng.
Chẳng mấy chốc đồ ăn đã lên bàn.
Bữa ăn này không có thịt, chỉ có mấy món rau dưa, hai ba cái nồi đặt chung một chỗ trông hơi đơn sơ. Vợ chồng bà Vương liên tục tỏ vẻ áy náy, nói tiếp đón không chu đáo, Trì Nguyệt cũng sợ Kiều Đông Dương ghét bỏ, dù sao anh là cậu chủ đã quen sống ngày tháng cơm ngon áo đẹp.
Thế nhưng Kiều Đông Dương lại không nói nhiều, anh thử lần lượt mỗi món rồi khen ngợi hết lời.
"Ngon! Món này ngon!"
Trì Nguyệt nếm thử một miếng, hơi không tin: "Thật sao?"
"Người máy chúng tôi không nói dối."
"..."
Thấy anh nói chuyện theo kiểu Thiên Cẩu, dáng vẻ vô cùng nghiêm túc trông cũng hơi giống, Trì Nguyệt không nhịn được bật cười.
"Tôi cứ thấy Thiên Cẩu giống ai đó! Hóa ra là anh." Cô liếc nhìn anh.
Đang ở trong nhà người khác nên hai người không trò chuyện quá nhiều về việc riêng tư, cũng không tiện mặc kệ người ta. Trì Nguyệt nói chuyện với bà Vương, lúc nhìn sang cô bé ngoan ngoãn yên lặng kia thì thuận miệng hỏi: "Em gái mấy tuổi rồi?"
Cô bé chỉ im lặng nhìn cô.
Bà Vương cười nói: "Nó 8 tuổi."
Trì Nguyệt lại hỏi: "Sao hôm nay cô bé lại không đến trường ạ?"
Hôm nay là thứ tư, đáng ra cô bé này phải đến trường mới đúng.
"Trường xa nhà quá, chúng tôi không yên tâm." Bà Vương trả lời.
Bây giờ đã có chế độ giáo dục chín năm bắt buộc, gần như không cần đóng tiền học khi đi học Tiểu học, tất cả trẻ em đều được hưởng nguồn giáo dục cơ bản, nhưng trong thôn không còn nhiều người, trường học trong thôn đã đóng cửa từ lâu, trẻ con muốn đi học phải đi hơn mười dặm đến trấn trên.
Những gia đình có điều kiện đã chuyển đến sống trong thành phố, rất nhiều gia đình liều mình đi làm thuê, vất vả kiếm từng đồng một cũng chỉ vì mua một căn nhà ở trong thành phố hoặc là trấn trên, thoát khỏi nơi nghèo khó này.
Thế nhưng phần lớn người lớn tuổi đều lựa chọn ở lại.
Thứ nhất, nhà trong thành phố quá nhỏ, không thể ở quá nhiều người.
Thứ hai, người lớn tuổi đã quen với cuộc sống ở thôn quê, không thích ứng được cuộc sống trong thành phố.
Trì Nguyệt nhìn cô bé, không nói nhiều nữa, cô bé lại đột nhiên nói: "Cháu cũng muốn đến chỗ ba mẹ để đi học."
Bà Vương nhìn cô bé, giọng điệu đanh lại: "Ba mẹ cháu vất vả làm việc nuôi nấng em trai cháu, cháu đến đó thì ăn gì, ai nuôi?"
Cô bé mím môi như muốn khóc, lại cố chịu đựng, cúi đầu đếm hạt cơm trong bát.
"Không phải bây giờ được miễn phí tiền học sao?" Kiều Đông Dương đột nhiên nói một câu.
Bà Vương nhìn anh, vẻ mặt ôn hòa hơn nhiều: "Đi học không tốn tiền, nhưng ba mẹ nó còn phải đi làm, ai chăm sóc nó được?"
Cô bé: "Cháu không cần ai chăm sóc, cháu biết nấu cơm."
Bà Vương lườm cô bé, mất kiên nhẫn quát lên: "Một đứa trẻ con như cháu thì biết cái gì? Cháu tưởng trên thành phố giống với thôn quê à? Ăn uống áo quần có cái nào không tốn kém?"
Cô bé mím môi: "Vậy vì sao em trai được đi?"
"Em trai là con trai, cháu là con gái, giống nhau được à? Mau ăn cơm đi, người lớn đang nói chuyện, trẻ con đừng có nói leo!"
Bà Vương mắng cháu xong, lại thở dài nói với Trì Nguyệt và Kiều Đông Dương: "Bây giờ cuộc sống khó khăn, con gái lớn lên sẽ đi lấy chồng, đọc nhiều sách thì có tác dụng gì? Còn không bằng học làm việc nhà, lớn lên tìm một người chồng tốt, hầu hạ chồng con thật tử tế, chẳng phải sẽ tốt hơn sao?"
Trì Nguyệt: "..."
Trong lòng cô hơi nặng nề, không biết nên khuyên như thế nào.
Kiều Đông Dương lại nghiêm nghị nói: "Bà ơi, bà nói vậy là không đúng. Sao con gái lại không được đi học? Đây là suy nghĩ trọng nam khinh nữ điển hình!"
Sắc mặt vợ chồng bà Vương hơi thay đổi, hiển nhiên không thích nghe câu phê bình như thế.
"Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, các cô các cậu là người thành phố, sao hiểu được nỗi khổ của chúng tôi!".
Trì Nguyệt đẩy tay Kiều Đông Dương, cười nói: "Bà Vương, ý của anh ấy là, con gái cũng nên được nhận nền giáo dục bình đẳng, bây giờ là xã hội mới rồi, rất nhiều cô gái có tương lai tốt hơn đám đàn ông. Cháu thấy cháu gái của bà là một cô bé thông minh, xinh đẹp, vừa nhìn đã biết là người có phúc, nếu được đi học nữa, chắc chắn sẽ có cuộc sống tốt hơn."
Cùng một suy nghĩ nhưng đổi cách nói chuyện sẽ trở nên khác biệt.
Bà Vương thấy cô khen cháu gái nhà mình thì sắc mặt dịu đi nhiều, nhưng vẫn không đổi ý.
"Có tương lai thì sao? Dù có tương lai, chẳng phải cũng thành con nhà người khác à? Nuôi một đứa con gái cũng chỉ tổ tốn tiền."
"Trước khác nay khác." Trì Nguyệt nhìn cô bé: "Cháu quen biết rất nhiều cô gái hiếu thuận với người lớn, cũng chỉ có con gái mới bằng lòng nuôi dưỡng cha mẹ lúc về già."
Bà Vương hơi lúng túng.
"Nói đúng lắm, nói đúng lắm. Mấy ngày nữa ba bọn nhỏ về, tôi sẽ nói chuyện với nó."
Mặc kệ người ta có đang nói cho qua chuyện hay không, vẫn phải dừng đề tài này lại.
Cô bé vui vẻ chờ mong ba về, bà Vương lại nói mấy chuyện trong nhà, sau đó nhắc đến việc thu hồi đất của dự án Nguyệt Lượng Ổ.
Bà ta nói quanh co lòng vòng, cuối cùng vẫn lúng túng hỏi thăm: "Các cô các cậu là người bên tổ dự án, vậy có nghe bọn họ nói định đền bù việc thu hồi đất thế nào không?"
Con người luôn ích kỷ, chỉ biết quan tâm lợi ích của mình.
Trì Nguyệt có thể hiểu câu hỏi thế này, cô nhìn sang Kiều Đông Dương, thấy mặt anh lạnh tanh đã không còn tâm trạng vui vẻ khi vừa vào nhà, biết anh thấy khó chịu vì chuyện vừa rồi nên không muốn nói chuyện với người ta nữa, đành phải trả lời thay anh.
"Bên bọn cháu vẫn đang nghiên cứu phương án đền bù, chờ xác định rõ ràng sẽ đến thông báo cho từng thôn."
"Nếu chúng tôi không hài lòng với số tiền đền bù thì sao?"
"Vậy thì... sẽ phải bàn bạc lại."
"Ô." Bà cụ gật đầu, lại nghi ngờ nói: "Dù bọn họ có làm hồ Nguyệt Lượng đẹp đến đâu cũng chẳng liên quan đến chúng tôi. Nhà tái định cư lại được xây dựng ở trấn trên, nhưng chúng tôi đã quen sinh sống ở đây rồi, nếu chuyển lên trấn trên sẽ thấy rất bất tiện."
Trì Nguyệt nhăn nhó nói: "Cháu cũng không rõ tình hình lắm, không dám nói lung tung... Nhưng không phải trấn trên còn tốt hơn ở nông thôn sao? Có nước có gas, vừa mở vòi nước đã có nước chảy ào ào, muốn ăn gì cứ ra phố mua là được, thuận tiện hơn chỗ chúng ta nhiều."
"Mua đồ không cần tốn tiền à, chúng tôi lấy tiền đâu ra?"
Trì Nguyệt: "Sẽ có một khoản tiền tái định cư."
"Vậy cũng không đủ." Bà Vương đặt đũa xuống, bắt đầu bấm ngón tay tính toán: "Cô xem, nhà chúng tôi có sáu người, không, chín người, tuy con gái tôi đã đi lấy chồng nhưng nó vẫn là người Cát Khâu, nếu chia nhà cũng phải cho nó một phần chứ? Con trai, con dâu, cháu nội, cháu ngoại, con rể... Nhà tôi có chín người, số tiền tái định cư ít ỏi này đâu đủ để sống. Đúng rồi, còn cả nhà nữa, dù sao cũng phải mỗi người một căn chứ?"
Trì Nguyệt không cãi lại được.
Điều này giống với suy đoán của cô, khi bắt đầu dự án vĩ đại này, bản chất con người sẽ dần lộ ra.
Đây chỉ là công việc giai đoạn đầu trong cả dự án cải tạo Nguyệt Lượng Ổ.
Có lẽ ông chủ Kiều nhiệt tình đến cải tạo môi trường, thay đổi cuộc sống người dân cũng không nghĩ đến những điều này nhỉ?
Trì Nguyệt thấy vẻ mặt Kiều Đông Dương càng ngày càng tối tăm, sợ anh cảm thấy khó chịu, yên lặng gắp đồ ăn cho anh.
"Ăn cơm đi."