Đạt Ma Kinh
Chương 1: Con tạo xoay vần thật trớ trêu - Muốn được an cư đâu phải dễ

Đạt Ma Kinh

Chương 1: Con tạo xoay vần thật trớ trêu - Muốn được an cư đâu phải dễ

Đỉnh Thiên Sơn cao ngàn trượng, tuyết phủ quanh năm. Vốn là nơi không có bóng chân người lui tới. Quanh chân núi cũng thế! Do đó núi liền đá núi, một mẫu đất nhỏ để trồng trọt cũng không có, cho nên suốt một vùng phụ cận Thiên Sơn cũng không có một làng mạc nào chứng tỏ cư dân bản địa chọn Thiên Sơn làm nơi ngụ cư!

Ngoại trừ dấu chân của người liệp hộ thỉ thoảng xuất hiện ở Thiên Sơn để săn bắt lộc tuần, hưu, nai... thì Thiên Sơn đúng là nơi thâm sơn cùng cốc!

Tuy nhiên, những người liệp hộ luôn dè dặt trước cơn phẫn nộ vô thường của trời đất tại Thiên Sơn. Vì thế bọn họ dù có tìm đến Thiên Sơn để săn bắt thì bọn họ chỉ đến Thiên Sơn vào lúc đã quá nửa đêm! Và dù có săn bắt được hay là không, thì bọn họ cũng phải kịp thời rời bỏ Thiên Sơn trước khi vầng dương lên quá cao!

Vì ai ai trong bọn họ cũng biết một khi mặt trời lên đã cao thì với sức nóng của vần dương, tuyết sẽ tan chảy trên bề mặt và kế đó là tuyết sẽ lở, sẽ trôi tuột xuống, sẽ cuốn theo dòng tuyết trôi, là những hòn đá to nhỏ, sẽ tạo thành những thảm trạng cho bất kỳ ai còn chậm chân lưu lại đó vào những lúc như thế này. Và đó sẽ là những cảnh thiên hôn địa ám, đất lở trời long, vạn phần kinh khiếp!

Chính vì nguyên cớ đó, mỗi một ngày, vào lúc vầng dương đã lên cao tại Thiên Sơn thì việc không còn bóng dáng một ai quanh quẩn tại Thiên Sơn đã là một chuyện đương nhiên, cứ như thế, vầng dương lên thì màn đêm đương nhiên phải tan biến đi vậy!

Nhưng, cũng vì nguyên cớ đó, nên mỗi khi vầng dương lên cao, lúc bọn liệp hộ kịp rút đi hết thì lại chính là lúc để cho gã họ Dư xuất hiện!

Gã họ Dư tuổi trạc mười tám đôi mươi, y phục khoác trên người là những bộ da thú do gã đánh bắt được! Qua đó cũng dư biết gã họ Dư cũng chuyên lấy nghề săn bắt thú núi làm sanh ý!

Gã họ Dư là liệp hộ? Đã thế sao gã lại có hùng tâm đởm lược hơn bọn liệp hộ kia để dám xuất hiện tại Thiên Sơn mỗi khi tuyết bắt đầu tan chảy để xuất hiện những tai nạn kinh người?

Gã không làm thế không được, vì gã không được bọn liệp hộ chấp thuận cho gã gia nhập vào phường! Hay nói đúng hơn là do gã họ Dư không chấp nhận những luật lệ khắt khe của phường săn bắt mà bọn liệp hộ đặt ra!

Cùng đi săn với mọi người, cũng phân chia số thú săn bắt được với mọi người!

Hai điều này gã họ Dư nhận thấy không có gì khó khăn để chấp nhận! Nhưng còn điều thứ ba thì cực kỳ phi lý phi nhân! Đó là phải trích ra một phần ba lợi nhuận cho lão họ Kim, nguyên là thủ lĩnh của phường săn bắt!

Lão họ Kim dám áp đặt điều này chỉ vì lão chính là bậc lão niên trong phường săn bắt! Và chính lão là người đã dẫn dắt bọn liệp hộ vào nghề săn bắt không cần vốn liếng, nhưng lại kiếm được nhiều lợi nhuận!

Trính ra một phần lợi nhuận của mỗi người cho lão họ Kim, nếu xem đây là chuyện báo đáp công ơn dìu dắt của lão cũng được đi, nhưng đến khi một người nào đó trong phường gặp tai nạn trong khi săn bắt thì lão họ Kim luôn có thái độ bàng quang, xem như không phải chuyện của lão! Lão ngoảnh mặt làm ngơ trước sự khốn khổ bần cùng của gia cảnh đương nhiên là bế tắc của mọi người liệp hộ xấu số!

Vốn dĩ không ưa thích chuyện bất công nên gã họ Dư không muốn, không thích gia nhập vào phường săn bắt của lão họ Kim! Vì thế, lúc bọn liệp hộ kéo đến Thiên Sơn để săn bắt thì gã họ Dư cứ co ro nằm trong lòng một sơn động gần đó! Gã cứ chập chờn ngủ vì phải lo nghĩ đến chuyện sanh nhai cho ngày hôm sau, cũng như gã phải lo lắng cho cơn bệnh ngặt nghèo của mẫu thân gã đang nằm cuộn mình tít sâu trong lòng sơn động!

Gã đã từng mơ ước có được một ít vốn liếng nho nhỏ đủ để gã đưa mẫu thân gã về ngụ cư ở trấn gần đó! Vừa có được một nghề khác khả dĩ nuôi thân vừa có điều kiện tìm một đại phu chạy chữa bệnh cho mẫu thân gã!

Do đó, gã họ Dư càng thấy khó chấp nhận hơn việc phải trích ra một phần lợi nhuận cho lão họ Kim! Thay vì hành động như thế, số lợi nhuận đó đương nhiên là tích tiểu thành đại, lo gì không đến lúc gã có được một số vốn nhỏ nhoi để gọi là an cư lập nghiệp như mọi người khác hiện đang sống ở trấn Thiên Đầu Sơn gần đó!

Chính vì lẽ đó, gã không cùng được đi săn với bọn liệp hộ kia, nên gã có một mẹo khác để gã thực hiện được ước mơ của gã!

Đối với bọn liệp hộ thì mỗi khi tuyết tan núi lở thì là mỗi lần đại họa! Còn đối với gã họ Dư thì đó lại là lúc gã thu được lợi nhuận cao!

Không riêng gì loài người khiếp sợ trước thảm họa núi lở tuyết tan, mà muông thú cũng thế! Do đó, bọn liệp hộ luôn khấu đầu cho núi đừng lở, tuyết đừng tan, còn gã họ Dư thì thao thức từng đêm trông mong cho tuyết cứ tan, núi cứ lở!

Hôm sau, khi bọn liệp hộ đã rút lui thì gã họ Dư vận dụng mọi lịch lãm có được để mon men tìm đến những nơi tuyết lở đó! Gã vận dụng tâm cơ để nhận biết chỗ nào trong đống tuyết lở đó có dấu vết của những con thú bị chôn vùi và gã sẽ khéo léo để moi lên! Trăm lần như một, không nhiều thì ít, gã họ Dư cũng thu thập được vài con thú xấu số không chạy tránh được thiên tai!

Nhờ đó mà gã họ Dư đã tìm được một lối thoát cho gã, gã hy vọng đến một lúc nào đó gã sẽ thực hiện được ước mơ nhỏ nhoi của gã. Tìm đến trấn để ở và chăm sóc cho mẫu thân gã!

Có điều mẫu thân gã do quá ốm yếu, khó chống cự lại cái lạnh cắt da của Thiên Sơn nên gã phải mời đại phu đến chữa trị luôn, vì thế số vốn nhỏ nhoi mà gã thầm tính toán là trăm lạng bạc đã lâu rồi vẫn không đạt được! Cũng vì thế cho nên gã họ Dư càng tận tâm tận lực hơn trong việc đào bới các con thú bị chôn vùi dưới tuyết, mong bù đắp lại khoảng tiêu hao kia, mau chóng thu thập được số vốn liếng cần phải có là một trăm lạng bạc!

Hoàng Thiên bất phụ khổ nhân tâm! Hôm đó, lúc trời đã sập tối, gã họ Dư đang vác trên vai có đến năm bộ da thú gã đã lột được trong ngày thì gã lại nhìn thấy một đống tuyết khá to nằm ngay trên đường đi về của gã! Những dấu vết cố hữu mang từng đốm xám trong đống tuyết trắng cho gã họ Dư biết rằng trong đống tuyết đó có ít lắm là ba con thú bị chôn vùi! Có khi lại nhiều hơn con số ba nữa không biết chừng!

Tuy đã mệt mỏi sau một ngày vất vả, nhưng gã họ Dư vẫn khấp khởi mừng và thầm nghĩ :

- “Hừ! Có vất vả bây giờ nhưng sau này được thảnh thơi! Cũng đáng cho ta bỏ công lắm. Được chừng hai lần như hôm nay thì ta và mẫu thân mới mong thoát được những ngày cơ cực!"

Vất những bộ da thú trên vai xuống mặt tuyết gần đó, gã họ Dư rút thanh đoản đao ra cầm tay và mon men tìm đến đống tuyết to đó!

Với người liệp hộ thì ngoài thanh đoản đao dùng để lột da thú ra còn phải có cung tên nữa! Nhưng đối với gã họ Dư thì thanh đoản đao cũng đã đủ! Gã dùng đoản đao để tìm chỗ đất cứng để đặt chân, để đào bới và để lột da thú, hoặc cùng bất đắc dĩ thì gã họ Dư dùng thanh đoản đao để tự vệ!

Do đó, gọi gã họ Dư là liệp hộ cũng được mà không cho là liệp hộ cũng không sao!

Ai cũng biết gã họ Dư bằng cách nào kiếm được những bộ da thú, nhưng lại không có kẻ nào đủ đởm lược làm theo gã! Vì nếu không khéo thì da thú chẳng những đã không có mà ngược lại người đào bới như gã họ Dư cũng sẽ bị tuyết vùi lấp cùng chung số phận với những con thú xấu số kia!

Nhất mực cẩn trọng, gã họ Dư chậm rãi thăm dò hết xung quanh chỗ có đống tuyết lù lù thành đống!

Sau một lúc thật lâu, gã họ Dư khẽ thở phào khi biết rằng dưới chân đống tuyết là một nền đá cứng không có một hiểm nguy nào chực chờ gã!

Có một lần sơ ý, gã họ Dư suýt nữa đã bị chôn ngập vào đống tuyết nên sau này gã càng thêm thận trọng hơn!

Tuần tự, gã họ Dư dùng thanh đoản đao gạt bỏ từng lớp tuyết mỏng, tránh việc để thanh đoản đao chạm vào da con thú nếu có! Vì như thế thì da con thú sẽ bị hỏng, gã bán không được bao nhiêu đồng!

Vẫn chầm chậm và bằng một cảm quan tinh tế truyền từ thanh đoản đao đến năm đầu ngón tay, gã họ Dư biết rằng gã vừa chạm thanh đoản đao vào mình con thú!

Xác định được đầu con thú từ vết xám trên mặt tuyết, biết được hướng nằm của con thú, gã họ Dư lần di động thanh đoản đao về phía sau mong moi được phần chân con thú nằm ở hai bên hoặc ở phía sau, tùy theo con thú nằm sấp hoặc nằm nghiêng sang một bên.

Lần này là con thú nằm sấp, hai chân duỗi thẳng về phía sau! Gã họ Dư càng mừng hơn khi xác định được khoảng cách khá lớn từ đầu đến chân con thú bị vùi lấp.

Gã thầm nghĩ :

- “Là thú lớn đây! Hôm nay ta gặp may rồi!"

Thế nhưng, gã họ Dư sau đó không những chán nản mà lại còn khiếp hãi nữa khi nhìn rõ vật đang nằm lộ ra không phải là con thú mà là một thi thể của một con người rõ ràng!

- “Ối! Sao lại thế này? Chà! Không biết là ai đây? Liệu có phải là bọn phường săn bắt của lão Kim không đây?"

Với y phục mỏng tanh vận trên người của thi thể này, gã họ Dư đoan chắc đây không phải là bọn liệp hộ quanh đây mà gã đã từng biết. Tuy nhiên, vẫn còn dấu vết của vài đốm xám nữa nên gã họ Dư vẫn thầm cầu mong đây là người liệp hộ nào đó đã không sành sỏi những gian nguy của Thiên Sơn nên bị chôn vùi cùng với một hoặc vài con thú lúc tuyết tan núi lở!

Vì thế, gã họ Dư vẫn náo nức đào bới tiếp tục.

“Một, hai, ba, bốn! Ối chà! Không có một con thú nào ngoài thi thể chết cứng của bốn người này! Họ là ai? Họ từ đâu đến đây để phải vùi thây cách oan uổng như thế này? Chậc... chậc! Không thấy thì thôi, ta đã lỡ thấy như thế này không lẽ để họ phải nằm lộ liễu như thế này sao? Hừ! Hóa ra là công dã tràng sao? Thôi ta đành phải chôn cất cho họ làm phúc vậy, biết đâu chừng nhờ thế mà trời già sẽ thương tưởng đến ta!"

Thế là gã họ Dư phải cất công đi tìm một động đá, rồi lại lục tục vác từng thi thể một đi về động đá đó để thạch táng bọn họ.

Và đúng là trời già thương tưởng đến gã thật. Lúc gã xốc thi thể đầu tiên lên vai và khi gã vừa đi được vài bước chân thì...

Keng... Keng...

Không nhiều lắm, nhưng cũng có đến bốn nén bạc từ trong bọc áo của thi thể nọ rơi ra, chạm vào nền đá kêu lên thành những tiếng động nghe thật thích tai!

Khom người nhặt vội bốn nén bạc đó cầm trên tay, gã họ Dư ước lượng mỗi nén có đến hơn mười lạng bạc!

Gã thầm nhủ :

- “Đây là vật ngoại thân, người đã chết không mang theo xuống Âm phủ được! Ta không trộm cắp, không cướp đoạt, mấy nén bạc này xem ra là công xá dành cho ta khi ta chôn cất bọn họ vậy!"

Mẫu thân gã đã từng giáo huấn gã phải sống sao cho phải đạo làm người, dù bần hàn cơ cực miễn sao trong lòng thanh thản còn hơn là cướp đoạt của người để mưu cầu vinh hoa phú quý cho mình!

Do tâm đắc điều đó nên gã họ Dư không một chút áy náy khi cất bốn nén bạc vào bọc áo.

Ở thi thể thứ hai, gã họ Dư tìm được mỗi một thanh đoản kiếm cực kỳ sắc bén!

Do đêm tối mịt mờ nên gã họ Dư không thể nhìn rõ được thanh đoản kiếm, nhưng cũng biết rằng trên thân thanh đoản kiếm có chạm trổ nhiều đường hoa văn tinh xảo, cầm nhám cả bàn tay.

Đối với một người liệp hộ như gã thì thanh đoản kiếm nhỏ, gọn và sắc bén rất có lợi cho gã. Vì thế, gã họ Dư bèn nhét ngay thanh đoản kiếm vào xà cạp, phía trong ống quần của gã!

Ở thi thể thứ ba, ngoài năm chiếc lọ con con mà một lọ khi gã mở nút ra thì bốc lên mùi thơm ngào ngạt, còn bốn lọ kia thì không, ngoài ra, gã không tìm được một vật gì đáng giá. Gã họ Dư chỉ cất giữ một chiếc lọ có mùi thơm thôi, còn tất cả thì gã vất đi!

Còn ở thi thể cuối cùng thì chỉ có mỗi một cuốn sách mỏng.

“Ta đã chán ngấy những kinh những sách rồi, đâu có lợi lộc gì khi mọi người liệp hộ thông làu chữ nghĩa?"

Gã họ Dư đã thiển cận nghĩ như thế khi gã nhớ lại những lần trước đó, lúc mẫu thân gã còn khỏe đã nhiều lần bắt gã phải học thuộc nhiều mặt chữ! Vì chữ hiếu và vì muốn cho mẫu thân gã được vui nên gã đã học. Nhưng gã không tìm được một chút liên quan nào giữa việc thông làu kinh sử với cái nghề liệp hộ của gã cả.

Do đó, gã đạt lại quyển sách vào trong người thi thể nọ! Đúng lúc đó, khi bàn tay của gã chạm vào một chỗ âm ấm ngay vùng tâm thất của thi thể đó, thì gã không khỏi động tâm kêu lên :

- Lão còn sống ư? Không được rồi, mẫu thân đã từng nói: Cứu một mạng người như xây bảy cấp phù đồ! Ta không thể không cứu lão.

Vội vội vàng vàng, gã họ Dư sau khi dùng đá cố chèn tuyết lấp kín thạch động, táng cho ba thi thể kia xong, gã bèn xốc lão già đó lên vai và tất tả chạy về “nhà" của gã. Gã do không đủ lực nên đành bỏ lại toàn bộ số da thú đã lột được trong ngày tại chỗ đó. Gã định một chốc nữa gã sẽ quay lại và mang số da thú đó về sau.

Một phần do hơi ấm từ người gã truyền sang cho lão già kia, một phần do gã di động khiến cho tấm thân của lão cứ bị xốc xốc trên vai gã nên lão già kia buộc phải cất tiếng rên ư ử...

Càng nghe thì gã họ Dư càng đi vội hơn, hy vọng kịp thời cứu mạng cho lão già vô phúc nhưng may mắn này!

- Mẫu thân! Mẫu thân!

Đáp lời gã họ Dư, từ trong lòng sơn động tối đen, có tiếng kêu yếu ớt vang lên :

- Bằng nhi đã về rồi đấy à? Sao con về muộn thế?

Xoạch! Xòa!

Tiếng đánh đá lửa vang lên và một tia lửa leo lét liền cháy lên từ một đĩa dầu lạc đặt ở nơi khuất gió!

Sau khi thắp lửa xong, gã họ Dư bấy giờ mới lên tiếng :

- Đáng lý hài nhi về sớm hơn, nhưng trên đường về, hài nhi còn kịp cứu được vị lão trượng này! Nhớ lời mẫu thân giáo huấn, hài nhi có đưa vị lão trượng đó về đây này!

- Tốt quá! Con hãy đun nước mà đổ cho người ta đi! Có thế mới giúp lão chống chọi được cái lạnh!

Vừa loay hoay đun nước như lời mẫu thân đã bảo, gã họ Dư vừa huyên thuyên thuật lại cho mẫu thân nghe việc may mắn đã xảy ra cho gã trong ngày hôm nay :

- Mẫu thân! Còn ba người nữa chung bọn với lão trượng này, nhưng họ đều chết cả! Lúc chôn cất bọn họ, hài nhi có nhặt được bốn nén bạc khá nặng! Có lẽ phen này hài nhi sẽ đưa mẫu thân về trấn thành để chữa bệnh được rồi!

Điều này vốn dĩ là tâm nguyện của mẫu thân gã nên gã họ Dư trông chờ mẫu thân gã hoan hỉ thốt lên vài lời khen ngợi gã. Nào ngờ, mẫu thân gã lại nói :

- Bằng nhi! Con còn chưa hiểu bọn họ là ai, cũng chưa biết số bạc đó là của phi nhân phi nghĩa hay không, sao chưa gì con lại giữ số bạc đó?

Bối rối, gã họ Dư quả là chưa nghĩ đến điểm này! Có khi mẫu thân gã đã nói đúng! Không chừng bọn người này là cường đạo sơn tặc gì đây! Tuy nhiên, ngẫm nghĩ lại mọi điều, gã họ Dư bèn phân minh :

- Chắc không phải thế đâu mẫu thân! Vì nếu bọn họ không phải là người tốt thì số bạc trong người bọn họ không chỉ có bấy nhiêu đây thôi! Hơn nữa, số bạc này là thuộc về một người đã chết, nếu hài nhi không giữ lấy thì số bạc này cũng mãi mãi bị chôn vùi thôi!

Chậm rãi rót nước đã ấm đổ vào miệng của vị lão nhân kia, gã họ Dư vẫn tiếp tục nói về hoài bão sắp thành sự thật của gã và của mẫu thân gã :

- Mẫu thân này! Hôm nay hài nhi còn thu được năm bộ da thú nữa! Một lúc nữa hài nhi sẽ đem về cho mẫu thân xem! Với số da thú đó, số bạc này và chỗ bạc mà hài nhi dành dụm được, ngay ngày mai hài nhi sẽ đưa mẫu thân xuống trấn! Lúc đó, hài nhi sẽ rước đại phu chăm sóc cho mẫu thân, chúng ta sẽ có một mái ấm, không còn phải chịu lạnh lẽo như thế này nữa!

Gã họ Dư nói về mơ ước nhỏ bé của gã một cách say mê khiến cho mẫu thân gã không nỡ nói tiếp về nguồn gốc của số bạc nọ sợ làm cho gã phải mất hứng thú!

Do được ủ ấm, lại do hớp được vài hớp nước ấm nên vị lão nhân kia khẽ trở mình và cất tiếng rên.

- Lão trượng! Lão trượng mau tỉnh lại đi! Lão trượng có làm sao không?

Vị lão nhân nghe tiếng gã họ Dư gọi bèn giật mình mở choàng mắt ra và nhìn gã rồi lại nhìn quanh trong lòng sơn động. Sau đó, lão lại tít mắt nửa như hôn mê, lại nửa như đắm chìm vào suy tư!

Thấy thế, gã họ Dư lại tiếp tục rót nước đến cho vị lão nhân kia, còn miệng thì nói với mẫu thân gã :

- Cũng may cho lão trượng đây là hài nhi đã cứu kịp lão! Không như ba người kia bạc phước hơn! Mẫu thân à, mẫu thân hãy ngó chừng lão trượng hộ hài nhi, hài nhi còn phải mang những bộ da thú kia về! Nếu để chậm trễ, e bọn liệp hộ đến sớm nhặt của hài nhi mất!

- Ngươi đã cứu ta?

Dù biết rằng vị lão nhân đã qua được cơn thập tử nhất sinh, nhưng khi lão nhân nọ đột nhiên thốt ra câu này thì gã họ Dư cũng phải giật mình! Và do giật mình nên gã trút cả bát nước còn khá nóng vào người vị lão nhân! Luống cuống, gã họ Dư vừa giũ y phụ cho lão, vừa suýt xoa :

- Ôi chao! Tiểu nhân lỡ tay! Lão trượng không sao chứ? Chậc! Cũng may là bát nước đã nguội đi phần nào, bằng không...

Động tác giũ y phục của gã họ Dư làm cho vị lão nhân kia phải lộ vẻ nghi ngờ trên thần sắc! Lão đưa tay lên, tuy chậm chạp nhưng lại chuẩn xác chộp vào uyển mạch của gã họ Dư một cái! Đừng nghĩ vị lão nhân kia đã lớn tuổi, lại vừa được hồi sinh mà cho rằng lão yếu sức! Ngược lại, cổ tay của gã họ Dư chợt đau nhói lên như đang bị cái kẹp sắt kẹp ngay vào cổ tay.

- Ối! Đau quá! Lão trượng làm gì tiểu nhân vậy?

Chừng như nhận ra sự vô tâm của mình nên lão nhân nọ bèn buông tay gã họ Dư ra! Sau đó lão xục tay một cách nhanh nhẹn vào bọc áo của lão! Khi lão lôi ra được quyển sách mỏng vẫn còn ở nguyên trên người lão, lão tự mỉm cười và cật vấn gã họ Dư :

- Lúc nãy ngươi có nói là ba lão kia đã chết, có thật như vậy không?

Dùng tay này xoa xoa cổ tay kia, gã họ Dư lầm bầm :

- Những người đồng hành với lão trượng đúng là đã chết! Lão trượng không lấy đó làm đau lòng mà còn cười được sao? Chà! Lão trượng còn khỏe gớm!

- Bằng nhi!

Mẫu thân gã chợt kêu lên rồi im bặt!

Gã lại tưởng mẫu thân gã đang trở chứng vì căn bệnh kéo dài bấy lâu nay! Gã lo âu :

- Mẫu thân bị trở bệnh ư?

Mẫu thân gã thở dài một hơi :

- À không! Mẫu thân thấy rất khỏe, con đừng lo! Là mẫu thân muốn được tận mắt xem những bộ da thú mà con đã lấy được trong ngày hôm nay thôi.

Gã kinh ngạc :

- Bên ngoài lạnh lắm, mẫu thân làm sao đủ sức để đi?

- Không đủ cũng phải đi! Huống chi, nói như con vừa mới nói, ngày mai chúng ta đã dời xuống trấn Thiên Đầu Sơn rồi, mẫu thân cũng muốn xem qua cảnh vật nơi mà chúng ta đã tá túc nhiều năm qua!

Mẫu thân gã vừa giải thích vừa cố gắng chỗi người ngồi dậy, như muốn chứng tỏ cho gã họ Dư biết rằng mẫu thân gã vẫn đang khỏe và vẫn giữ vững ý định của bà!

Khi mẫu thân gã dịch người đi ngang chỗ vị lão nhân nọ thì lão nhân nọ đã lẹ làng chộp giữ uyển mạch của mẫu thân gã! Vị lão nhân cười lạnh :

- Ta cũng muốn đến xem qua chỗ đó! Tiểu tử ngươi hãy dẫn đường cho chúng ta đi.

- Mẫu thân!

Gã họ Dư hoang mang và kêu lên như vậy khi bất chợt gã nhận ra cả hai người, một thì yếu ớt do bịnh tình nhiều năm. Còn một thì vừa trải qua thảm trạng thập tử nhất sinh, lại nằng nặc đòi đi cùng gã bất chấp thời tiết giá lạnh, lại đường núi gập ghềnh hiểm nguy!

Nhưng gã chỉ kêu được một tiếng ngắn như thế thì mẫu thân gã đã lườm gã :

- Bằng nhi! Con bất tất phải lo ngại, không hề gì đâu! Nếu lão trượng đây đã muốn đi cùng chúng ta thì dù chúng ta có can ngăn cũng không được!

- Đại nương đây nói không sai! Còn chờ gì nữa mà ngươi không đưa chúng ta đi?

Kỳ quặc, hết sức kỳ quặc! Gã họ Dư không sao hiểu được ý tứ của mẫu thân gã và của lão nhân kia! Gã chỉ biết lẳng lặng bước đi trước mà thôi!

Nhưng vừa ra khỏi sơn động, một cơn gió lạnh thấu xương chợt thổi ngang khiến cho mẫu thân gã phải kêu lên :

- Ối chao! Lạnh... quá!

Phịch!

Tiếng thân người gieo xuống nền đá làm cho gã họ Dư hoảng sợ!

Gã chạy lại đỡ mẫu thân gã lên, miệng rốt rít :

- Mẫu thân! Mẫu thân không sao chứ? Hài nhi đã nói rồi, ngoài này lạnh lắm kia mà, mẫu thân không đương nổi đâu!

Tuy thế, mẫu thân gã cũng gắng gượng đứng lên và lắp bắp :

- Không... không sao đâu! Ta... ta chịu đựng... chịu đựng được mà! Cõng... hãy cõng ta lên đi... Bằng nhi!

Diễn biến đến lúc này khiến cho gã họ Dư không khỏi kinh nghi và hoang mang!

Nhưng vốn là đứa con chí hiếu, gã họ Dư không muốn có một hành động nào khiến cho mẫu thân gã phải phiền lòng, gã bèn khom người xuống và cõng mẫu thân gã trên lưng!

Gã lầm rầm bảo :

- Sao mẫu thân không chờ hài nhi đem những bộ da thú ấy về cho mẫu thân xem? Tội tình gì mẫu thân phải gánh chịu nỗi cơ cực này?

Nhưng mẫu thân gã vẫn khăng khăng :

- Được rồi! Tựa được vào con, mẫu thân không còn cảm thấy lạnh nữa! Con cứ đi đi!

Lúc này do gã họ Dư phải đi trước dẫn đạo, và gã phải cõng mẫu thân gã nên vị lão nhân kia đành phải lẽo đẻo bước theo sau và không còn nắm giữ cổ tay của mẫu thân gã nữa!

Đường núi có tuyết bám đầy nên trơn tuột, lại gập ghềnh bước thấp bước cao, gã họ Dư do tuổi còn trẻ, huyết khí đang vượng, không như vị lão nhân kia chưa được hồi sức là bao nhiêu sau khi tỉnh lại, thế nên khoảng cách giữa hai người càng lúc càng xa ra, có đến hơn trượng nữa!

- Này! Tiểu tử ngươi hãy đi chậm lại và chờ ta theo với!

Thoạt nghe tiếng vị lão nhân kêu, gã họ Dư vừa định dừng chân lại để đứng chờ lão thì bên tai gã lại nghe tiếng mẫu thân gã thì thào :

- Suỵt! Cứ đi tiếp đi!

Nghi hoặc trước lời nói phi nhân của mẫu thân, trái ngược lại những gì trước đây mẫu thân gã đã giáo huấn gã, gã họ Dư định lên tiếng hỏi lại! Nhưng gã đành im vì mẫu thân gã đang tiếp tục thì thào bên tai gã :

- Bằng nhi! Liệu con có thể đi nhanh hơn vào ban đêm tối trời như thế này không? Đừng lên tiếng, con cứ gật hay lắc đầu là mẫu thân đã hiểu rồi!

- Tiểu tử kia! Ngươi không nghe ta nói gì hay sao? Chờ ta đi với nào!

- Đáp lời mẫu thân nhanh lên, Bằng nhi!

Vị lão nhân kia với bước chân gấp gáp đang lên tiếng kêu gã họ Dư dừng lại chờ lão, còn mẫu thân của gã thì hối thúc gã đáp lời! Chẳng đặng đừng, gã họ Dư hạ thấp giọng hỏi lại mẫu thân :

- Nếu đi nhanh hơn thì lão trượng kia làm sao đi theo kịp?

- Mặc kệ lão!

Mẫu thân gã lại lộ vẻ khẩn trương khi lập lại câu đã hỏi :

- Liệu có đi nhanh hơn được không?

Lẳng lặng, gã họ Dư gật đầu!

- Có phải Bằng nhi đang đi về chỗ đã bắt gặp được lão không?

Vừa gật đầu, gã họ Dư vừa há miệng định nói thì mẫu thân gã đã cất giọng lo lắng, hỏi tiếp :

- Mau đổi sang hướng khác! Tìm chỗ càng kín đáo càng tốt! Nếu được, Bằng nhi cứ cật lực mà chạy, nhanh chừng nào tốt chừng ấy!

- “Không lẽ mẫu thân đang trở bệnh nên thần trí không được sáng suốt? Việc gì phải bỏ chạy chứ?"

Do đang tự hỏi như thế nên gã họ Dư vẫn đi theo hướng cũ với cước lực như lúc đầu! Mẫu thân gã phải gắt lên :

- Con sao vậy? Mau hành động theo lời mẫu thân đi! Mau lên!

Chưa bao giờ gã họ Dư thấy mẫu thân gã phải bẳn gắt như lúc này, vì thế gã nào dám chần chừ! Gã bước đi càng lúc càng nhanh hơn!

Do gã nhiều năm sinh sống bằng nghề đào bới xác thú bị chôn vùi nên gã họ Dư có thể tự hào là gã thông thuộc từng tấc đất ngọn cỏ ở Thiên Sơn như nhìn trong lòng bàn tay của gã vậy.

Sau vài lượt quanh đi quanh lại, gã họ Dư đã cõng mẫu thân gã vượt lên phía trước khá xa, không còn thấy tăm dạng của vị lão nhân kia đâu nữa! Mà chỉ còn nghe tiếng la hét bực tức của vị lão nhân kia theo gió núi thoảng đưa đến mà thôi.

- Tiểu tử kia! Sao ngươi không chờ ta?

...

- Tên súc sinh! Ngươi là hạng người gì, dám chống lại lệnh của bản nhân chứ?

...

- Tiểu tử thối tha kia! Ngươi đâu rồi?

...

Bất nhẫn, gã họ Dư chép miệng :

- Nếu không chờ lão, hài nhi e lão tụt xuống hố sâu mà chết mất!

Nghe gã nói thế, mẫu thân gã đã không thương hại lão thì chớ, ngược lại, mẫu thân gã còn rủa :

- Bọn ác ma trời không tha, đất không dung, lão có chết đi thì càng tốt cho chúng ta hơn!

Lời nói phản thường này của mẫu thân khiến gã họ Dư ngơ ngác! Gã không tin một người hiền thục như mẫu thân lại nói được những lời này! Nhưng khi gã hé miệng định hỏi lại thì mẫu thân gã một lần nữa tỏ ra bẳn gắt :

- Còn không đi nhanh lên! Hạng người cùng hung cực ác như lão không đáng để cho con thương hại đâu! Mau mau lánh cho thật xa, rồi mẫu thân sẽ giải thích sau!

Đã nhiều năm vướng phải bệnh tình, mẫu thân gã nào có được đi đến đâu và gặp gỡ bất kỳ ai, vậy tại sao mẫu thân gã lại cho rằng vị lão nhân đó là kẻ cùng hung cực ác?

Gã họ Dư không ngớt nghi hoặc trong lòng nhưng vẫn nhanh chân theo lời mẫu thân gã hối thúc!

Chỗ ẩn náu kín đáo tại Thiên Sơn này đâu có hiếm! Gã họ Dư biết ít lắm cũng là mười nơi. Và đó chính là những chỗ náu thân an toàn cho gã mỗi khi gã phát hiện sắp có hiện tượng tuyết lở và trôi tuột từ trên cao xuống!

Được một lúc gã đã đưa mẫu thân đến chỗ ẩn náu đầu tiên mà gã đã từng đến.

Gã đánh tiếng hỏi mẫu thân :

- Chỗ này được không mẫu thân?

Do nhiễm lạnh một lúc lâu nên mẫu thân gã khi mở miệng ra thì hai hàm răng cứ va vào nhau lốp cốp! Mẫu thân gã phải lập cập một lúc lâu mới nói được :

- Ở... ở bên trong... có... có lối thoát... lối thoát không?

Tuy nghi ngại và lo lắng cho mẫu thân nhưng gã không thể nói dối được :

- Không có! Nhưng hài nhi biết có một chỗ như thế!

- Vậy thì... đến... đến chỗ đó đi!

Gã ngần ngừ :

- Nhưng mẫu thân liệu có chịu đựng được nữa không? Muốn đến được chỗ đó, chúng ta phải trải qua một đỗi đường gian nan nữa.

- Được... được mà! Cứ... cứ đi đi!

Nằng nặc đòi đi trong đêm, lại tỏ ra bẳn gắt và lo âu, hành vi của mẫu thân gã thật khác thường khiến gã không khỏi băn khoăn lo lắng :

- Hôm nay mẫu thân làm sao vậy?

- Đi... đi! Đến nơi... rồi hãy nói!

Phần thì không muốn mẫu thân phiền muộn, phần thì lo ngại cho sức khỏe của mẫu thân nên gã họ Dư bèn hốc tốc bước đi!

Gã đi nhanh đến nỗi khi đến được nơi thì gã đã đuối sức tưởng muốn lả đi vậy!

Đặt vội mẫu thân nằm ở góc khuất, gã họ Dư ngồi thở dốc mất một lúc! Sau đó gã mới lên tiếng vấn an mẫu thân :

- Mẫu thân đã thấy đỡ lạnh chưa?

Không nghe mẫu thân lên tiếng đáp lại, gã họ Dư hốt hoảng cầm tay đã lạnh cóng của mẫu thân mà kêu lên :

- Mẫu thân! Mẫu thân!

Có tiếng rên hừ hừ của mẫu thân gã phát ra khiến gã phần nào hoàn hồn! Biết mẫu thân cần phải ủ ấm, gã họ Dư bèn cởi y phục trên người gã ra và đắp lên người mẫu thân.

Cạch... Cạch...

Bốn nén bạc và chiếc lọ nhỏ từ trong người gã họ Dư rơi xuống nền động kêu lên những tiếng khô lạnh!

Gã họ Dư vội vàng nhặt lại những vật đó! Trong lúc vội vàng lại do lòng động tối om nên khi gã họ Dư nhặt được chiếc lọ đã vô tình làm cho nút lọ bật tung ra.

Một mùi thơm thoang thoảng tỏa ra sực nức khắp lòng động! Mùi thơm này làm cho gã họ Dư cảm thấy đói bụng! Gã mới nhớ lại là từ lúc đi về cho đến tận bây giờ, gã chưa kịp ăn uống gì cả!

Có tiếng mẫu thân gã lào thào kêu :

- Mùi thơm gì vậy, Bằng nhi?

Gã vội vàng nhét chiếc lọ vào bàn tay giá lạnh của mẫu thân và đáp :

- Là từ chiếc lọ này đó, mẫu thân!

Rồi mẫu thân gã làm một việc lạ lùng mà gã họ Dư không sao ngờ được!

Đưa lên mũi ngửi qua, mẫu thân gã đưa chiếc lọ lên miệng và trút ngược vào!

Sau đó mẫu thân gã gượng ngồi lên và dựa vào vách động! Và cứ thế, cả hai cùng im bặt không nói năng gì cả.
Tác giả : Quỳnh Mai
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại