Đại Vũ Trụ Thời Đại
Chương 102: Không thể phá giải

Đại Vũ Trụ Thời Đại

Chương 102: Không thể phá giải

Chuyện tìm thấy đĩa bay lập tức được Diêu Nguyên liệt vào những chuyện cơ mật nhất, thậm chí mức độ bảo mật còn hơn cả địa điểm cất giấu đầu đạn hạt nhân trên phi thuyền Hi Vọng. Cùng lúc đó, Diêu Nguyên cũng tăng cường mức độ bảo vệ xung quanh máy tính chủ lên, từ 50 người trực 24/24 nâng lên gấp 4 lần thành 200 người. Ngoài ra, hắn còn điều tất cả người máy có được từ căn cứ ở Trái Đất tham gia công tác bảo vệ, thậm chí có một số người máy còn túc trực quanh đĩa bay. Trừ Diêu Nguyên và Vương Quang Chính có quyền hạn tiến vào chỗ đặt đĩa bay, còn lại không một ai, kể cả thành viên trong tiểu đội Hắc Tinh có thể tiến vào mà không làm tờ tường trình.
-Đúng, ta xác nhận, hơn nữa với hình dáng và khả năng lơ lửng đó, ta chắc chắn đây chính là đĩa bay mà con người phát hiện được. Bởi vì, nền khoa học kỹ thuật của chúng ta căn bản không thể làm giả được mẫu vật cao cấp như vậy!
Diêu Nguyên ngồi trong phòng họp mật, nhìn mọi người xung quanh, khẳng định.
Mọi người bao gồm thành viên trong tiểu tổ Hắc Tinh, tiểu tổ xây dựng, các chuyên gia máy vi tính cùng với những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, trợ lý khoa học với người dẫn đầu là Ba Lệ.
Lúc này, trên màn hình máy chiếu đang phát lại đoạn phim về việc nước Mỹ tìm cách nghiên cứu đĩa bay – nó được lấy từ máy tính chủ.
-…Như mọi người đã thấy, chúng ta không có cách nào nghiên cứu chiếc đĩa bay này. Đúng vậy, kim loại chế tạo ra nó…Ta thậm chí còn nghi ngờ không biết nó có phải là kim loại không nữa. Không nhận diện được. Cụ thể hơn, mời mọi người nhìn vào lớp vỏ bề ngoài của nó. Các vị thấy không, một lớp kim loại không rõ cấu tạo màu trắng bạc, có độ phản xạ ánh sáng rất cao, bề mặt trơn bóng như nước…Nhưng tất cả chỉ có thể thôi sao?
Trên đoạn phim, một nhà khoa học đang đứng trước quả cầu kim loại, trong khi nói chuyện thì vừa chỉ về mấy dụng cụ phân tích đặt kế bên quả cầu.
-Hiện giờ, chúng ta đang dùng kính hiển vi phóng lớn gấp 10 lần, bề mặt vật chất vẫn trơn bóng như cũ, không tìm thấy bất kỳ đường gân nào…
-Hiện giờ là kính hiển vi với độ phóng lớn 100 lần, bề mặt nó vẫn như cũ…
-Độ phóng lớn 1000 lần…
-…Hiện tại đây là độ phóng lớn nhất mà kính hiển vi quang học có thể đạt được – 2000 lần, nhưng vẫn không thu được kết quả nào…
-Được rồi, chắc các quý ông quý bà đã không còn kiên nhẫn được. Ta biết, mọi người chỉ thấy một bề mặt trơn bóng, nhưng tất cả có biết điều này mang ý nghĩa gì không? Nó đại biểu cho nền khoa học kỹ thuật vượt xa tầm hiểu biết của con người…
-Như vậy ta sẽ tăng tốc độ lên, hiện giờ là kính hiển vi điện tử với độ phóng lớn là 200 vạn lần. Mọi người thấy gì đây? Chỉ là một bề mặt trơn bóng như cũ…
-Rốt cuộc chúng ta sẽ thử đến dụng cụ tiên tiến nhất mà nền khoa học kỹ thuật của loài người phát minh ra được – kính hiển vi hiệu ứng đường hầm (1) với độ phóng to khoảng 300 triệu lần. Theo lý thuyết, với độ phóng lớn như vậy thì chúng ta đã có thể dễ dàng thấy được nguyên tử rồi…
-Nhưng kết quả ra sao? Vẫn là một bề mặt trơn bóng, chúng ta không thể tìm thấy dù chỉ là một nguyên tử nhỏ nhất, đừng nói chi tới hạt nhân, electron….Có thể nói đó chính là một khối liền, không có nguyên tử, electron, hạt nhân gì cả, chỉ là một khối liền…
Khi đoạn phim chiếu tới đây thì các nhà khoa học, nhân viên nghiên cứu, trợ lý bên dưới đã há hốc miệng sững sờ, thậm chí có mấy người miệng đã nhiễu nước miếng, nhưng chẳng ai thèm đề ý, cứ ngây ngốc nhìn kết quả trên đoạn phim, đờ đần hồi lâu.
-Mọi người.
Trên màn hình, nhà khoa học kia lau nước mắt nói:
-Ta không còn gì để nói nữa, nếu như các vị vẫn còn chưa hiểu rõ thì có thể xem tài liệu mà ta đã phát cho mọi người lúc đầu. Tài liệu đó có ghi rõ kết cấu cơ bản nhất của vật chất. Cuộc nghiên cứu đến đây là kết thúc, ta mệt mỏi, tuyệt vọng lắm rồi…
Đoạn phim tới đây là kết thúc, tiếp theo một đoạn văn tiếng Anh xuất hiện. Đoạn văn nêu ngày tháng thực hiện đoạn phim rồi biến mất, một đoạn văn khác hiện lên, nói lại việc ba ngày sau tìm thấy xác nhà khoa học kia tại biệt thự riêng, không hề có bất kỳ dấu vết ám sát nào, hơn nữa với di chúc để lại, cuối cùng kết luận nhà khoa học này đã tự sát.
So sánh với sự đờ đẫn của các nhà khoa học, những người chung quanh vẫn còn hơi mờ mịt, Hắc Tinh thấp giọng hỏi người bên cạnh, ngươi hiểu mấy cái này không, hơn nữa tại sao nhà khoa học kia không đi nghiên cứu tiếp, lại đóng cửa ở nhà tự sát?
-…Cảm giác của nhà khoa học đấy cũng giống như ta và ngươi, khi tay chân mình bị chặt, mắt bị mù, mũi bị thẻo đi, lỗ tai bị chọc điếc, rồi bị giam cầm trong hầm ngục tăm tối. Hắn quá tuyệt vọng, nên đã tự sát.
Diêu Nguyên thở dài, giải thích.
-Nhưng? Tại sao?
Hắc Thiết vẫn không hiểu, tiếp tục hỏi:
-Ta có thể hiểu được khúc đầu. Quả thật, nếu bị như thế thì thà chết sướng hơn. Nhưng nhà khoa học này sao lại phải tự sát? Không phải hắn vẫn còn nguyên vẹn à?
-Rất đơn giản.
Ba Lệ đột nhiên trả lời:
-Bởi vì hắn là nhà khoa học…Khi phát hiện thấy đức tin của mình sụp đổ, hay nói chính xác hơn khi phát hiện một việc mà đến khoa học cũng không sao giải thích được – thứ mà chúng ta gọi là ma thuật. Lúc ấy, niềm tin của hắn đã sụp đổ, hắn tuyệt vọng, tuyệt vọng trước sự bất lực của khoa học. Cho nên, hắn tự sát.
Hắc Thiết nhún vai, vẫn vô tư như trước:
-Ta vẫn không hiểu.
-Không hiểu cũng không sao, ta chỉ hi vọng, các nhà khoa học của chúng ta không có yếu ớt như vậy. Ngàn vạn lần đừng có sụp đổ.
Diêu Nguyên lo lắng nhìn các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, trợ lý đang ngồi bên kia, bất lực nói.
Thực ra, những đoạn phim này từ khi hắn có được quyền hạn truy cập cao nhất của máy tính chủ, đã từng xem qua vài lần. Bất quá, lúc đầu hắn cũng không thấy điều này có gì lạ, nhưng gần đây, khi nghiên cứu các luận văn, đồ án khoa học về thiên văn, vật lý, sinh học, hóa học…hắn mới biết những thứ trên đoạn phim biểu thị cái gì.
-Vậy chúng ta tiếp tục qua một đoạn phim khác, nó được quay vào ngày…
Khi Diêu Nguyên đổi qua một đoạn phim mới…trên màn hình hiện ra một nhà khoa học, người này chỉ mới tầm trung niên, nhìn qua thì có tinh thần vững vàng hơn nhà khoa học trước rất nhiều.
Bất quá lúc này, khuôn mặt hắn cũng sầu thảm không kém. Nhà khoa học đó cười khổ, nói:
-Mọi người, lúc trước có người hỏi vì sao người tiền nhiệm của ta lại tự sát? Thực ra, không riêng gì ông ấy, kể cả ta, khi nhìn thấy đĩa bay này ta cũng từng nghĩ đến chuyện tự tử. Bất quá, may là ta còn gượng được đến bây giờ. Được rồi, trong số các vị ở đây chắc có những người mới tham dự, ta sẽ nói sơ lược tất cả.
Đầu tiên, mọi người chắc hẳn đều biết nguyên tử chứ? Ta sẽ không giới thiệu dài dòng về nó nữa, kim loại do nguyên tử cấu tạo thành. Nói đúng hơn, tất cả các loại vật chất mà chúng ta biết đến hiện giờ đều được tạo thành từ nguyên tử. Mà nguyên tử sẽ chứa có hạt nhân, electron….Tỷ như chiếc nhẫn cưới trên tay ta hiện giờ, thoạt nhìn thì nó chỉ là một khối kim loại. Nhưng nếu xét từ góc độ nguyên tử, nó không còn là một khối liền nữa mà được kết thành từ vô số nguyên tử. Hơn nữa, nó không phải không có khe hở, bởi bản thân nguyên tử đã có vô số khoảng không rồi.
Lúc này, nhà khoa học đang chiếu lên màn hình bên cạnh một sơ đồ nguyên tử đơn giản, trong đó có một hạt nhân ở giữa, xung quanh là vô số electron bay chung quanh.
-Đây là biểu đồ nguyên tử đơn giản được phóng to. Mỗi nguyên tử đều có một hạt nhân ở giữa, xung quanh là các hạt electron di chuyển liên tục. Nếu xét theo góc độ vi mô thì có thể kết luận, 99% không gian trong nguyên tử là rỗng. Tỷ như khối kim loại thiết, theo góc độ nguyên tử vi mô thì 99% thể tích của nó cũng là rỗng. Chúng ta sở dĩ có thể thấy nó, chạm vào hoặc cắt gọt…nguyên nhân chủ yếu là vì giữa các nguyên tử có lực hấp dẫn. Chính lực hấp dẫn này đã duy trì sự liên kết giữa các nguyên tử, hơn nữa còn có lực đẩy làm cho khoảng cách giữa 2 nguyên tử không quá gần. Nói tóm lại, đây là mô hình kim loại mà loài người chúng ta tìm ra.
-Nhưng còn đĩa bay này thì sao? Mặt ngoài của nó trơn bóng, đúng vậy, chỉ trơn bóng không hề có một dấu vết nào khác. Cho dù chúng ta sử dụng kính hiển vi tiên tiến nhất, với nó chuyện tìm ra nguyên tử, hạt nhân hay electron là việc quá dễ dàng. Nhưng kết quả ra sao, vẫn thất bại, nó vẫn là một khối liền, không có không gian trống, không có nguyên tử…
Nhà khoa học trung niên kia nói tới đây thì dừng lại, hồi lâu sau mới nói tiếp:
-Cho nên, thứ chúng ta nhìn thấy ở đây, tuy chạm vào trông có vẻ như kim loại, nhưng thật ra nó là loại vật chất gì thì chúng ta hoàn toàn không biết. Nhưng ta dám khẳng định, loại vật chất này vượt xa nền khoa học kỹ thuật của loài người chúng ta ít nhất là 1000 năm, hay thậm chí còn lâu hơn, lâu tới mức ta không cách nào tưởng tượng ra được.
Nghe nói mọi người đã dùng mọi cách từ laser, búa đập, cho tới thuốc nổ nhưng lớp vỏ ngoài của nó vẫn hoàn hảo, không hề tổn hại gì. Khi có người hỏi ta liệu có cách nào mở chiếc đĩa bay này hay không, đáp án của ta là…
Không thể!
Đây là thứ kim loại độc nhất, thử nghĩ xem, kim loại này không hề có lấy một khe hở nào, cho dù khe hở đó ở cấp độ nguyên tử. Điều duy nhất mà chúng ta chắc chắn cho tới lúc này là thứ kim loại kia được tạo thành từ vô số hạt nhân nguyên tử ép chặt lại với nhau. Nếu dùng một danh từ đơn giản để hình dung thì nó chính là…sao Neutron (2)!
Tuy ta không biết vì sao vật chất như sao Neutron lại có thể tồn tại. Được rồi, so với thứ này thì kiến thức của chúng ta hầu như chỉ bằng động vật linh trưởng như khỉ thôi, thậm chí còn thấp hơn nữa, như động vật đơn bào chẳng hạn. Nhưng ta có thể khẳng định cho tất cả mọi người ở đây, bao gồm cả những ai xem đoạn phim này.
Đừng vọng tưởng có thể ép nó mở ra. Trừ phi nó nguyện ý mở cửa, nếu không thì với nền khoa học kỹ thuật hiện giờ của chúng ta, cưỡng ép nó mở ra cứ như việc một đứa trẻ cầm súng phun nước đòi đi dập tắt mặt trời vậy, ấu trĩ đến buồn cười…
Căn bản không có biện pháp!
Chú thích:
1/ Kính hiển vi hiệu ứng đường hầm (STM - Scanning tunneling microscope): là một loại kính hiển vi phi quang học, được sử dụng để quan sát bề mặt của vật rắn dựa trên việc ghi lại dòng chui hầm của điện tử khi sử dụng một mũi dò quét trên bề mặt mẫu. Mũi dò quét này có kích cỡ chỉ bằng một nguyên tử, được quét ở rất gần bề mặt mẫu. Khi đầu dò được quét trên bề mặt mẫu, sẽ xuất hiện các điện tử di chuyển từ bề mặt mẫu sang mũi dò do hiệu ứng chui hầm lượng tử và việc ghi lại dòng chui hầm (do một hiệu điện thế đặt giữa mũi dò và mẫu) này sẽ cho các thông tin về cấu trúc bề mặt.
STM là một công cụ mạnh để quan sát cấu trúc bề mặt của vật rắn với độ phân giải tới cấp độ nguyên tử. Tuy nhiên, hạn chế của thiết bị này là giá thành khá cao cộng với việc độ bền của mũi dò hơi yếu, cộng với các yêu cầu môi trường khá ngặt nghèo.
Chi tiết mời các bạn tham khảo thêm tại: http://vi.wikipedia.org/wiki/K%C3%AD...ui_h%E1%BA%A7m
2/ Sao Neutron: Đã có chú thích từ mấy chương trước nhưng thôi lâu quá chắc các bạn quên hết rồi, nên mình nhắc lại luôn. :) Sao neutron là những gì còn sót lại từ vụ sụp đổ một ngôi sao lớn sau các vụ nổ siêu tân tinh. Mật độ vật chất của sao Neutron rất cao, khoảng 200 tỷ đến 3000 tỷ tấn trên một centimet khối (tương đương với mật độ của hạt nhân nguyên tử).
Chi tiết mời các bạn tham khảo thêm tại: http://vi.wikipedia.org/wiki/Sao_neutron
Tác giả : Zhttty
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại