Đại Mạc Dao

Quyển 1 - Chương 6: Đắm say

Tôi thức dậy khá muộn, tới Lạc Ngọc phường thì mặt trời đã lên đến đỉnh đầu. Hồng cô đang ngồi xem Lý Nghiên dạy các cô nương múa hát, liếc mắt nhìn tôi nói: “Muội mà còn không xuất hiện, chắc ta phải đi báo quan." Tôi không trả lời, yên lặng ngồi xuống, tập trung quan sát động tác của Lý Nghiên.

Nàng đang ngồi khoanh chân dưới đất, thình thoảng lên tiếng chỉ dẫn tư thế của các cô nương hoặc ngẫu hứng làm mẫu, mỗi khi đôi tay trắng nõn của nàng xoay vòng, ánh mắt mê hồn lúng liếng.

Hồng cô thấp giọng hỏi: “Muội định bao giờ cho cô ta lên sân khấu? Cũng chẳng cần phải bày đặt trò gì, có khi lại phản tác dụng, chỉ cần một mình Lý Nghiên là đủ rồi, nếu có thêm Lý sư phụ gảy đàn cùng, thì thật là…"

Tôi ngắt lời: “Tỷ đã tập ca múa từ nhỏ, lại cũng từng nổi danh trong thành Trường An, tỷ không cảm thấy những chi tiết trong động tác của Lý Nghiên toát lên một phong thái khá khác biệt sao?"

Hồng cô gật đầu nói: “Không sai! Ta thấy ở mấy bước nhảy đệm kia, hình như cô ta đã dung hợp điệu múa của Tây Vực vào vũ đạo của bản thân, trong sự dịu dàng kín đáo lại thấp thoáng vẻ mãnh liệt phòng khoáng. Đặc biệt là ánh mắt cô ta, ta từng xem vũ nữ Tây Vực khiêu vũ, ánh mắt nồng nhiệt khiêu khích, hút hồn người ta, nhưng chúng ta lại cho rằng như thế lẳng lơ quá, các vũ sư chân chính đều coi thường. Nhưng có điều Lý Nghiên đã đẩy nó đến mức quyến rũ mà không khêu gợi, ánh mắt long lanh như sao, muốn giấu mà lại lộ ra, khiến tim người ta xốn xang, trong khi cô ta vẫn toát lên vẻ thanh cao trong sáng."

Các tiểu cô nương bái tạ Lý Nghiên xong lần lượt tản đi, lúc ngang qua tôi và Hồng cô đều dừng bước im lặng thi lễ.

Lý Nghiên cúi mình chào tôi, rồi ngồi xuống đối diện: “Đã xin được kim bài cho phép làm ăn chưa?"

Tôi chỉ cười không trả lời, quay sang nói với Hồng cô: “Cần tỷ làm giúp một việc quan trọng. Thu thập thông tin tình hình của các phường hát mà Thạch phảng từ bỏ trước kia và gần đây, càng tường tận càng tốt. À còn nữa, có chỗ nào tỷ không thích, có oán hận lâu ngày gì, cũng tìm hiểu luôn một thể nhé!"

Hồng cô cười nói: “Quả không làm ta thất vọng. Ta nghĩ kỹ mấy ngày nay rồi, cái này sẽ phân phó người đi làm, chỉ là không biết đào đâu ra tiền?"

Tôi nói: “Tính cả Lạc Ngọc phường, muội định mua bốn nhà, bây giờ chúng ta đủ tiền mua được hai nơi, chỗ còn lại muội sẽ nghĩ cách."

Hồng cô đầy vẻ nghi hoặc nhưng cũng không hỏi nhiều, chỉ vội vàng rời đi.

Lý Nghiên nhìn tôi cười, gật đầu nói: “Vững vàng trầm tĩnh, không nóng vội, cô nói ta là tri âm của cô, ta thật tình thẹn không dám nhận, chỉ cần cô muốn, các phường hát trong thành Trường An này sớm muộn gì cũng sẽ nằm trong tay cô."

Tôi cười rúc rích: “Người phải thẹn là ta mới đúng, chỉ sợ các phường hát trong thành Trường An này vẫn không vừa mắt cô thôi."

Lý Nghiên nói: “Lần đầu nghe về phường hát của cô, ta đã đoán cô là người muốn trèo cao, tâm tư nhạy bén, giỏi lợi dụng tình thế, giờ mới biết cô thật sự chỉ muốn làm ăn, những việc khác hóa ra toàn là yếu tố hỗ trợ. Cô gái nào đã bước vào con đường này, dù trong thâm tâm có thật sự thích ca múa hay không, thì mục đích cuối cùng vẫn chỉ là muốn từ bỏ thân phận của bản thân, nhưng cô lại làm việc một cách vui vẻ hăng say, rốt cuộc cô muốn gì?"

Tôi nói: “Không phức tạp như cô nghĩ đâu. Ta là người không thích ràng buộc, cũng không tham lam quyền lực phú quý, trừ phi quyền lực phú quý làm ta vui vẻ, còn không thì tiền rừng bạc bể cũng chẳng sánh bằng mảnh trăng tròn trên sa mạc. Lúc làm việc tâm tư ta thiên biến vạn hóa, chẳng từ một phương cách nào, nhưng mục tiêu lại rất đơn giản, ta chỉ muốn trong lòng thật vui vẻ. Nếu một ngày nào đấy thành Trường An không làm ta vui nữa, có lẽ ta sẽ quay về Tây Vực."

Lý Nghiên nhìn tôi chằm chằm: “Hình như chẳng có gì ràng buộc cô nhỉ, cô giống như chim ưng trên trời, Tây Vực mới là nơi để cô sải cánh tự do, Trường An xem chừng không hợp."

Tôi cười hỏi: “Cô đến Tây Vực bao giờ chưa? Xem ra có vẻ thích chỗ đấy nhỉ!"

Lý Nghiên cười duyên dáng: “Muốn đến nhưng chưa có dịp. Chỉ là từ nhỏ đã nghe cha kể nhiều chuyện về Tây Vực."

Hồng cô vừa hoan hỉ vừa lo âu chạy như bay vào, tôi nhìn bà, cười nói: “Người chú trọng dáng vẻ phong thái nhất sao hôm nay lại chẳng quan tâm gì đến hình tượng thế kia? Mấy ả tỳ nữ bị tỷ mắng nhiếc hẳn đang cười thầm đấy."

Hồng cô nói: “Bây giờ không có thời gian đôi co với muội, gia nô từ phủ Bình Dương công chúa vừa tới, dặn ta chuẩn bị cẩn thận, một lát nữa công chúa sẽ đến."

Tôi “ồ" một tiếng, thờ ơ nói: “Chuẩn bị như thế nào, muốn chúng ta ra quỳ trước cửa để chào đón chăng? Miệng hô, ‘thiên tuế, thiên tuế, thiên thiên tuế’ à?"

Hồng cô kéo tôi đứng dậy: “Muội nhanh đứng dậy, ta đã dặn tỳ nữ chuẩn bị y phục để đón tiếp rồi, mau đi thay đi."

Tôi bị Hồng cô kéo ra ngoài, chỉ kịp quay đầu nói với Lý Nghiên: “Cô quay về báo với Lý sư phụ, cũng nên chuẩn bị một chút đi." Mắt nàng ta lóe sáng.

* * *

Tôi đưa mắt nhìn đống nữ trang trước mặt, kêu toáng lên: “Có bắt buộc phải dùng búi tóc giả không? Lại thêm đống trang sức vàng bạc ngọc ngà nữa, muội làm sao nhấc nổi mình để đi?"

Hồng cô phớt lờ, chỉ dặn dò Vương bà chuyên chải đầu trong nhà toàn tâm toàn lực chải đầu cho tôi. Vương bà nhúng lược vào nước hoa pha nhựa cây đu đủ rồi bắt đầu chải tóc của tôi, bó chặt thành từng búi làm tôi đau đến chân mày nhăn tít lại.

Vương bà hiền hậu giải thích: “Búi tóc bó chặt thì mới trơn láng đẹp đẽ, không bị tối."

Tôi lại chỉ thấy nét mặt bà ta hết sức dữ tợn, vội hít một hơi khí lạnh nói: “Mau nhanh lên! Giết người chẳng qua cũng chỉ là đầu rơi xuống đất mà thôi, thế này có phải là chải đầu đâu, có mà là tra tấn ấy!"

Hồng cô nói: “Ta đi mời khách về trước, tiện thể sẽ sai người dọn dẹp phòng, thay rèm cửa, đốt hương thơm." Dứt lời, Hồng cô toan đi luôn. Tôi vội bảo Vương bà tạm dừng tay: “Tỷ định nói với khách như thế nào?"

Hồng cô đáp: “Chuyện này có gì mà khó nói đâu, cứ bảo là công chúa đến, một mặt nâng cao danh tiếng của chúng ta, mặt khác, dù bọn họ có là ai cũng không dám dị nghị gì cả."

Tôi nói: “Không được, tỷ mượn cớ khác thỏa đáng hơn một chút rồi tiễn bọn họ về đi, nói là lần này không hoàn tiền, nhưng lần sau sẽ miễn phí."

Thấy Hồng cô chau mày, tôi nói: “Không bỏ con săn sắt thì đừng mong bắt được con cá rô. Uy thế của công chúa đương nhiên chúng ta phải cậy nhờ, nhưng không thể mượn thế kiểu này, thể có phần cậy thế bắt nạt người khác đấy, truyền đến tai công chúa sẽ không hay đâu."

Hồng cô cười nói: “Được rồi! Tất cả nghe theo muội."

Trước lúc đi, bà lại quay đầu bảo Vương bà: “Chải tóc cẩn thận, ta đi một lát rồi quay lại."

Một mình Vương bà và ba tỳ nữ nữa phải mất thời gian ăn một bữa cơm mới chải xong tóc cho tôi, rồi còn phải giúp tôi mặc bộ y phục Hồng cô cầm tới.

“Váy dài nối với đai lưng, ống tay áo rộng nối cùng xiêm y. Tóc đen đính ngọc lam điền, tóc mây phơ phất cài trâm đồi mồi. Tay trắng nõn đeo vòng hoa bạc, vòng ngọc rung theo nhịp cổ tay. Chân thon mang trân châu hài…"

Tôi lẩm bẩm một mình. Có lẽ tôi đúng là loại người không có khí chất đại gia, bị đống trang sức ngọc ngà này làm cho hoa mắt chóng mặt rồi, Hồng cô nói gì thì tôi làm nấy, thậm chí tôi còn hoài nghi không biết có phải bà đã mang toàn bộ tài sản quý giá trong nhà khoác lên người tôi không.

Tôi bất lực nói: “Thế này được chưa? Tỷ cũng phải cho muội ít thời gian nghĩ xem lát nữa gặp công chúa sẽ nói gì chứ…" Hồng cô đang ngắm nghía tôi từ đầu đến chân, chợt hét lên, chỉ vào tai của tôi: “Tháo cái đấy xuống!"

Tôi sờ vành tai, chạm vào cái khuyên tai bạc be bé, ngoan ngoãn tháo ra. Hồng cô loay hoay tìm trong hộp đồ nữ trang của mình một hồi rồi quay sang đưa cho tôi một đôi khuyên tai kiểu dây dài bằng vàng nặng trình trịch. Cái này có khi phải gọi là “hai tai hai quả tạ".

Hồng cô vừa tự tay giúp tôi đeo vào, vừa nói luyên thuyên: “Nữ trang là thứ duy nhất chỉ thuộc về phụ nữ, là thứ mà chúng ta có thể thật sự dựa vào, mỹ nhân xinh đẹp thì được đàn ông yêu chuộng, muội hiện giờ có cảm nhận được chút gì không?"

Tôi chỉ biết gật đầu lia lịa, Hồng cô vẫn còn muốn nhìn tôi thật kỹ, nhưng tôi đã nhanh chóng chạy ra ngoài thoát khỏi bàn tay yêu quái ấy. Bình tĩnh lại rồi, tôi mới chợt nghĩ ăn mặc thế này hình như không ổn lắm, sau đấy nghĩ lại, thôi kệ, cũng mất rõ lâu mới trang điểm xong, công chúa chắc sắp tới rồi, không có thời gian cho tôi thay đồ khác nữa.

Cho những người không có phận sự gì lánh đi, tôi đứng ở cổng, yên lặng đợi người đàn bà đã một tay thúc đẩy sự trỗi dậy của Vệ thị và khiến Trần hoàng hậu bị phế.

Kiệu của công chúa dừng trước cổng, lập tức có hai tỳ nữ khoảng mười bảy mười tám tuổi bước xuống, tôi lập tức khom người hành lễ. Thấy tôi trang điểm như vậy, lúc đầu họ tỏ vẻ kinh ngạc, rồi lại lộ ra nét vừa ý, nhìn tôi mỉm cười. Có vẻ cách của Hồng cô cũng được, người ta mặc gì thì sẽ được đối xử tương xứng như thế.

Hai tỳ nữ giúp công chúa xuống xe, công chúa Bình Dương mặc bộ áo hoa đứng trước mặt tôi, đầu mày khóe mắt tuy đã lộ ra dấu vết tuổi tác, nhưng dung nhan vẫn xinh đẹp rạng ngời, khí chất ung dung tao nhã.

Bà nhẹ nhàng nói: “Đứng dậy đi! Hôm nay bổn cung đến xem ca múa."

Tôi dập đầu, đứng dậy dẫn đường, cung kính nói: “Phòng riêng và đoàn ca múa đều đang cung kính chờ đợi công chúa."

Phương Như, Thu Hương gặp công chúa đều rất rụt rè, lúc công chúa cho phép ngồi, họ vẫn do dự nhìn tôi, thấy tôi gật nhẹ đầu, hai người mới ngồi xuống. Lý Diên Niên thì vẫn cư xử đúng mực, cung kính hành lễ, thản nhiên ngồi xuống. Thấy công chúa bất giác đưa mắt nhìn y, tôi lập tức giới thiệu: “Đây là sư phụ dạy đàn, họ Lý tên Diên Niên."

Công chúa gật đầu: “Bắt đầu đi!"

Tôi nói: “Vở ca múa này hơi dài, bình thường phải chia ra mấy ngày mới diễn hết, không biết công chúa muốn xem từ đầu hay chọn một đoạn bất kỳ ạ?"

Công chúa Bình Dương nhìn Phương Như và Thu Hương vừa đứng dậy nói: “Cứ chọn đoạn đặc sắc nhất mà diễn đi!" Phương Như và Thu Hương vội hành lễ rồi bắt đầu.

Thu Hương hát trước, là cảnh tướng quân chinh chiến ở Tây Vực, dưới trăng đơn độc bồi hồi, nhớ chung công chúa. Thu Hương diễn các cảnh văn tốt hơn cảnh võ nhiều, nhưng đặc sắc hơn cả chính là tiếng đàn của Lý Diên Niên.

Đây là lần đầu tiên tôi bảo Lý Diên Niên gảy đàn biểu diễn, vả lại còn cố tình để y độc tấu, vì với tài nghệ của y, trong Lạc Ngọc phường không ai có thể hợp tấu được.

Từng dây đàn gảy lên từng dòng hoài niệm, tiếng hát đầy tình cảm, bi tráng của sa trường, tình nhi nữ dịu dàng, vừa mâu thuẫn lại vừa giao hòa, trong tiếng đàn Thu Hương ngân nga giọng hát, tiếng hát vượt xa trình độ thường ngày của cô.

Phương Như và Thu Hương cùng hát cảnh tiễn biệt, cảnh này của Phương Như bình thường đã đủ sức rung động thấu tim, lại thêm tiếng đàn của Lý Diên Niên nên càng thêm xúc động, hai tỳ nữ của công chúa mắt đã hoe hoe đỏ. Vẻ mặt công chúa cũng hơi thẫn thờ.

Phương Như và Thu Hương vẫn chưa hát xong, đột nhiên cửa bật mở, đầy tớ của công chúa bước vào bẩm báo: “Hoắc thiếu gia cầu kiến công chúa." Lời còn chưa nói xong, Hoắc Khứ Bệnh đã ngang nhiên đi vào. Công chúa cười nói: “Tính con vẫn cứ nôn nóng như thế, cữu cữu mà thấy thế nào cũng lại mắng cho."

Hoắc Khứ Bệnh tùy tiện hành lễ rồi cười cười, ngồi xuống bên dưới công chúa: “Cữu cữu nói là chuyện của người, con làm là chuyện của con, phiền phức quá thì tránh đi một chút là được ạ."

Công chúa nói: “Tránh đi một chút? Đã bao lâu rồi con chưa đến bái kiến cữu cữu? Ta chỉ nhớ hồi đầu năm con đến chúc tết một lần, còn thường ngày thì toàn chọn giờ cữu cữu không có mặt ở nhà mới tới, thoắt cái cũng đã nửa năm rồi, tốt xấu gì cũng là người nhà cả, con…"

Hoắc Khứ Bệnh bai bải vái lạy công chúa: “Cữu mẫu yêu quý của con, xin người tha cho đứa cháu trai này đi ạ! Vào cung đã bị hoàng hậu nương nương trách cứ rồi, bây giờ đến cả cữu mẫu yêu quý của con cũng bắt đầu mắng mỏ? Về sau con không dám qua nhà hỏi thăm nữa đâu." Công chúa lắc lắc đầu, tiếp tục nghe nhạc.

Công chúa vừa quay đầu đi, vẻ mặt Hoắc Khứ Bệnh lập tức chuyển từ nắng xuân tháng Ba sang mùa đông tháng Chạp, lạnh lùng đưa mắt nhìn tôi từ đầu đến chân, sau cùng dữ dằn nhìn thẳng vào mắt tôi.

Tôi giả bộ không thấy, nghiêng đầu nhìn Phương Như, nhưng ánh mắt của hắn vẫn chưa dời đi. Mãi đến khi Phương Như hát xong, Phương Như, Thu Hương, Lý Diên Niên quỳ rạp trước mặt công chúa, hắn mới thôi nhìn tôi.

“Hát hay lắm, đàn cũng rất hay, nhưng bổn cung hy vọng vở hát này sẽ ngưng diễn từ đây." Phương Như, Thu Hương nghe xong, mặt mày trắng bệch.

Thấy công chúa nhìn mình, tôi vội vã quỳ xuống dập đầu vái lạy: “Dân nữ kính cẩn tuân theo chỉ dụ của công chúa."

Công chúa gật đầu cười, xua tay cho bọn Phương Như đi ra. Bà chăm chú nhìn tôi, gật đầu khen: “Dung mạo xinh đẹp như hoa, lại hữu dũng hữu mưu…"

Hoắc Khứ Bệnh đứng lên đi vài bước, rồi quỳ xuống sát bên cạnh tôi, ngắt lời công chúa: “Khứ Bệnh muốn tạ lỗi với công chúa." Miệng thì nói muốn tạ lỗi nhưng vẻ mặt hắn vẫn hết sức hờ hững.

Công chúa kinh ngạc cười hỏi: “Con mà cũng có lúc làm sai sao? Các ngươi xem xem hôm nay mặt trời có lặn ở đằng Đông không." Hai tỳ nữ dạ vâng rồi cúi đầu rời đi.

“Chuyện này nói ra thì dài dòng, nếu kể phải bắt đầu từ lần đầu tiên Khứ Bệnh gặp Kim Ngọc cô nương…" Hoắc Khứ Bệnh kể lể, thò bàn tay ra khỏi ống tay áo nắm lấy tay tôi.

Y phục nhà Hán chú trọng áo rộng tay áo thùng thình, lúc chúng tôi buông thõng tay quỳ dưới đất hai ống tay áo đều lớp lớp chồng lên nhau, vừa khéo tiện cho hắn hành động. Đến khi tôi kinh ngạc nhận ra thì hắn đã chạm được vào ngón tay, tôi lập tức dùng ngón giữa ấn mạnh vào huyệt Khúc trì của hắn, hắn nhìn công chúa cười nói, tay ở dưới nhanh chóng phản ứng lại, tránh được ngón giữa của tôi rồi lập tức đè lên lòng bàn tay tôi, sau đó giữ chặc tay tôi trong lòng bàn tay hắn.

Hắn ra vẻ đắc ý, nghiêng đầu liếc mắt nhìn tôi cười, rồi nhẹ tay véo tay tôi. Tôi ngẩng đầu nhìn công chúa, thấy bà vẫn đang chăm chú lắng nghe, mắt nhìn Hoắc Khứ Bệnh không chớp, tựa như bà cũng đang bị sa tặc tấn công, sống chết cách nhau gang tấc vậy.

Tôi lấy hết sức muốn nhẹ nhàng rút tay ra khỏi tay hắn, hắn đang nói thì hơi ngừng lại, nghiêng đầu nhìn tôi với vẻ khó chịu.

Tôi vẫn cúi đầu quỳ không nhúc nhích, nhưng lại từ từ bấm móng tay vào lòng bàn tay hắn, vì nghe theo lời Hồng cô, bây giờ tôi có ba ngón tay để móng dài. Thấy hắn cúi đầu chau mày, tôi nhếch miệng mỉm cười, để xem ngươi nhịn đau được bao lâu.

“... nhưng bọn con bị lạc đường, giữa sa mạc vừa không có nước uống lại không biết đường, đến lúc cầm chắc chín phần chết một phần sống thì… ai da!" Hắn đột nhiên hét lên thảm thiết, công chúa đang tập trung nghe chuyện, bị tiếng hét làm cho giật nảy cả mình, tôi cũng giật thót, tay run bần bật, chăm chú nhìn công chúa, không dám làm gì nữa.

Công chúa kinh ngạc hỏi: “Sao thế?"

Hoắc Khứ Bệnh vẫn khăng khăng giữ tay tôi không buông ra: “Cảm giác hình như vừa bị một con bọ cạp tâm địa hiểm độc cắn ạ."

Thấy công chúa kinh hãi đứng lên, tôi vội nói: “Trong phòng này đã xông hương, trước khi công chúa đến cũng đã dọn dẹp cẩn thận, tuyệt đối không thể có bất kỳ sâu bọ gì."

Sắc mặt công chúa vẫn đầy vẻ sợ hãi, chừng như muốn đứng dậy. Tôi đành liếc nhìn Hoắc Khứ Bệnh cầu viện, nhéo nhẹ tay của hắn.

Hoắc Khứ Bệnh cười nói: “À, Vừa xem kỹ lại rồi, hóa ra con không cẩn thận bị cái móc ở thắt lưng chà vào thôi."

Gương mặt công chúa liền giãn ra, cười cười nhìn hắn: “Chân tay lóng ngóng, chẳng hiểu con giống ai nữa. Chuyện về sau thế nào?"

Hoắc Khứ Bệnh tiếp tục kể chuyện, trong khi tôi tức sôi lên chỉ muốn cấu hắn một phát nữa, nhưng ngón tay vừa định bấm xuống, hắn đã lập tức hét to: “Rắn độc!"

Tôi giật mình vội ngưng lại.

Công chúa đầy nghi hoặc hỏi: “Cái gì?"

Hắn thản nhiên trả lời: “Trong sa mạc có không ít rắn độc, kiến độc, ong độc, mà chúng lại rất thích đốt người, nhưng chỉ cần người hét lên một tiếng, bọn chúng sẽ không dám làm gì nữa." Công chúa hơi hoang mang, ngơ ngác gật đầu, hắn lại tiếp tục kể chuyện xảy ra ở sa mạc. Tôi thầm thở dài, thôi mặc xác, đối mặt với kẻ mạnh thì còn biết làm gì ngoài cúi đầu? Mặc kệ hắn vậy! Thấy tôi đầu hàng, hắn cũng buông lỏng tay ra nhưng vẫn nắm lấy tay tôi.

Đợi khi hắn kể lể hết câu chuyện rồi, công chúa nhìn tôi hỏi: “Con nói cô ấy dựng vở kịch hát này nhằm thu hút sự chú ý của con ư?"

Hắn đáp: “Chính thế ạ." Nói xong nghiêng đầu nhìn tôi, ánh mắt vẫn lạnh lùng gay gắt, nghiêm nghị uy hiếp, bàn tay nắm tay tôi càng siết chặc hơn, đau không thể chịu được. Tôi âm thầm suy đi tính lại rồi nhìn công chúa nói: “Dân nữ to gan làm liều, xin công chúa trừng phạt." Ánh mắt hắn hơi dịu đi, tay cũng hơi thả lỏng ra, nhìn công chúa nói: “Tất cả những việc này đều vì Khứ Bệnh mà ra, cầu xin công chúa tha cho Khứ Bệnh lần này."

Công chúa nhìn hắn rồi lại nhìn sang tôi, khẽ nhếch miệng cười: “Được rồi, đều đứng dậy hết đi! Bổn cung vốn không định trách tội Kim Ngọc cô nương, cũng chẳng quan tâm mấy chuyện các ngươi đúng hay sai, ân ân oán oán, các ngươi vô tình gặp nhau, bổn cung lại được nghe một câu chuyện hay, có điều đây là lần đầu tiên nghe thấy có người có thể chỉ huy bầy sói."

Hoắc Khứ Bệnh thờ ơ nói: “Chuyện này thực ra không hiếm, chim bay thú chạy tâm đầu ý hợp với người từ cổ chí kim đều có. Thời Xuân Thu, một trong thất thập nhị hiền là Công Dã Trường đệ tử của Khổng Tử, sau này còn trở thành con rể của ông ấy, cũng tinh thông điểu ngữ. Cữu cữu con từ bé đã làm bạn với ngựa nên cũng thấu hiểu tính ngựa, có thể điều khiển chúng như ý. Còn tương truyền, ở Tây Vực có giống điêu ưng có thể làm tai mắt cho chủ nhân."

Công chúa cười thư thái nói: “Đúng rồi! Chiến mã của cữu cữu con hình như có thể hiểu lời ông ấy, hễ rảnh là ông ấy lại tự tay tắm rửa cho nó, có lúc còn vừa tắm vừa nói chuyện, cứ như bạn bè cũ vậy. Ta thấy cữu cữu con lắm khi còn nói chuyện với ngựa nhiều hơn với người ấy."

Tôi thử rút tay mình ra lần nữa, Hoắc Khứ Bệnh lần này không làm khó dễ gì, chỉ khẽ véo tay tôi một cái rồi buông ra. Tôi vái đầu tạ ơn công chúa, hắn cũng cúi người dập đầu một cái rồi đứng dậy ngồi bên cạnh công chúa. Công chúa nhìn hắn nói: “Năm trước con nói là lên núi đi săn, hóa ra lại sang tận Tây Vực, chuyện này mà cữu cữu biết được thì sao?"

Hoắc Khứ Bệnh hừ một tiếng: “Bệ hạ cho phép là được rồi, ai dám nói gì?"

Công chúa khẽ thở dài, quay sang bảo tôi: “Bổn cung đã xem ca vũ xong rồi, chuyện cũng đã nghe hết, bảo bọn chúng vào đây chuẩn bị hồi phủ."

Tôi vội hành lễ rồi đứng dậy kêu bọn tỳ nữ đi vào.

Tôi quỳ ở trước cửa cho đến khi xe ngựa của công chúa đi khá ca rồi mới dám đứng dậy. Hoắc Khứ Bệnh quay người nhìn tôi, tôi mặc kệ hắn, một mình quay lựng đi vào, hắn liền lập tức theo sau. Tôi đi vào phòng vừa tiếp công chúa lúc nãy, ngồi xuống chỗ công chúa ngồi lúc nãy rồi cứ ngây ra thất thần. Hắn ngồi im lặng bên cạnh một lúc, đột nhiên ngã người nằm ngửa ra sạp: “Cảm thấy thế nào?"

Tôi nói: “Hơi mệt, mỗi câu đều phải suy nghĩ thấu đáo mới dám nói, nhưng lúc trả lời lại không được chậm quá, còn phải quỳ lâu đến nỗi đầu gối ngâm ngẩm đau."

Hắn cười rộ lên: “Thế mà nàng còn ăn mặc như thế này? May mà ta nghe nói là công chúa đến nên vội vã qua đây ngay, bằng không thì có mắng chết nàng cũng không cứu vãn được đâu."

Tôi nói: “Ngươi nghĩ nhiều quá rồi."

Hắn ngồi bật dậy, cười khẩy nhìn tôi nói: “Ta nghĩ nhiều quá ư? Công chúa mà dâng nàng cho bệ hạ, dẫu tâm cơ nàng có gấp mười lần Tỷ can cũng chẳng có đất quay đầu đâu."

Tôi cười nói: “Nếu còn có người tốt hơn thì sao?"

Hắn giật mình: “Ai? Trong nhà này vẫn còn cô nương chưa ra mặt sao? Nàng rốt cuộc muốn làm gì?"

Tôi nhìn hắn nói: “Hôm nay nói gì thì nói cũng phải đa tạ ý tốt của ngươi. Bây giờ ta muốn hỏi ngươi một chuyện, giả sử có người trong phường hát của ta có thể tiến cung, ngươi có trách ta không?"

Hắn cười nhạt, rồi lại ngả người nằm xuống giường: “Di mẫu ta trong mắt bệ hạ đã thành hoa sắp tàn rồi, các vùng miền từ sớm đã lục đục chọn cung nữ, những kẻ có tâm địa trong triều đều đang đi khắp nơi tìm kiếm giai lệ tuyệt sắc, nếu không phải nàng thì cũng sẽ có bọn họ. Chính vì thế, công chúa luôn để tâm, mỗi khi bệ hạ giá lâm phủ, công chúa đều gọi những nữ tử trẻ tuổi xinh đẹp vào hầu rượu múa hát, cũng có người được bệ hạ đưa vào cung, khốn nỗi lần nào cũng chỉ đến thế mà thôi, hầu hạ người được hai ba lần là bị lãng quên. ‘Sinh con gái chớ giận, đẻ con trai chớ mừng, có ai không biết vệ Tử Phu bá thiên hạ[1]?’ - một bài nhạc phủ[2] ca dao, làm cho mọi cô gái có chút nhan sắc đều muốn được làm Vệ Tử Phu, nhưng mấy người sở hữu được vẻ đẹp như hoa lại ấm áp như nước của Vệ Tử Phu năm đó?"

[2] Đoạn này ý là: Dù sinh con gái cũng chớ nên buồn giận, sinh con trai cũng chớ nên mừng vội. Hãy nhìn Vệ Tử Phu kia, vốn xuất thân ca nữ đấy, mà nay đã trở thành bậc mẫu nghi thiên hạ.

[3] Quan đời Hán chuyên sưu tập thơ ca dân gian và âm nhạc, đời sau gọi những thể thơ và tác phẩm làm theo loại này cũng là nhạc phủ.

Tôi nói: “Càng không có mấy người có được em trai như Vệ đại tướng quân và cháu trai như ngươi."

Hắn chấp tay nhìn tôi cười: “Không cần nhắc đến ta! Trong mắt Vệ đại tướng quân, ta chỉ là một kẻ thích ăn ngon mặc đẹp, ngang ngược ngông cuồng, xa hoa lãng phí, có lẽ Vệ đại tướng quân hận nhất là không thể từ ta."

Tôi cười hỏi vặn lại: “Thế ngươi có phải như thế không?"

Hắn cũng cười hỏi vặn lại: “Nàng nghĩ ta có phải không?"

Tôi không trả lời câu hỏi của hắn, chỉ hơi băn khoăn hỏi: “Công Dã Trường năm đó tinh thông điểu ngữ nên từng bị coi là yêu quái, bị tống giam trong đại lao, Khổng Tử vì muốn chứng minh Công Dã Trường không phải là yêu quái, bèn cố ý gả con gái mình cho hắn. Nếu ngươi đã lo sợ ta bị coi là yêu quái, tại sao vẫn kể cho công chúa câu chuyện ở đại mạc?"

“Nếu năm đó chỉ có một mình ta, chuyện này ta tuyệt đối sẽ không nhắc đến, nhưng đi cùng ta còn có một đoàn tùy tùng tận mắt nhìn thấy nàng điều khiển bầy sói, có khi bệ hạ cũng đã biết chuyện này, giấu hay không giấu công chúa không quan trọng."

Tôi gật đầu, con người ta quả nhiên không thể chuyện gì cũng suy nghĩ chu toàn thấu đáo được.

Hắn nói: “Cho ta ăn vài miếng hoa quả."

Tôi đặt dĩa hoa quả ở cạnh đầu hắn: “Tự đi mà ăn! Ta có phải nô tỳ của ngươi đâu."

Hắn cười kéo lấy tay tôi: “Trong phủ của ta mà có người như nàng, tội gì ta phải đến đây chuốc bực vào thân?"

Tôi đẩy tay hắn ra, nghiêm túc nói: “Bây giờ vừa khéo không có ai, phòng này cũng khá rộng rãi, hay là chúng ta đấu một phen xem sao?"

Hắn thở dài, lại nằm xuống: “Nàng đúng là chỉ giỏi làm người khác mất hứng."

Tôi nói: “Có phải ngươi chuyên tán tỉnh các tỳ nữ trong phủ không?"

Hắn liếc nhìn tôi cười: “Người theo ta về phủ ở vài ngày không phải sẽ biết sao?"

Tôi hừ một tiếng, không thèm tiếp lời hắn.

Hắn nói: “Gọi mỹ nhân kia của nàng ra đây, xem có đáng để chúng ta phí công phí sức không."

Tôi ngạc nhiên hỏi: “Chúng ta?"

Hắn nhướng lông mày hỏi: “Có gì không đúng?"

Tôi cúi đầu im lặng nghĩ một lúc: “Hiểu rồi, nhưng ta nghĩ chuyện này để công chúa ra mặt có lẽ tốt hơn."

Hắn bật cười: “Nói chuyện với mấy người nhiều tâm tư như nàng thật mệt, ta nói có một câu mà nàng cứ đem ra suy xét thành ý khác. Ta mới chẳng thèm phí tâm phí sức vào đây làm gì. Dâng tặng mỹ nhân lấy lòng bệ hạ, việc này ta không làm được. Nhưng ta lại thích nói hai chữ ‘chúng ta’ này, chúng ta, chúng ta, không phải ta và nàng, mà là chúng ta, chúng ta…"

Tôi nói: “Đừng nói nữa."

Hắn phớt lờ tôi, vẫn tiếp tục: “Chúng ta, chúng ta…" Tôi tiện tay vớ bừa một quả trên dĩa nhét vào miệng hắn, vậy mà hắn vẫn không hề tức giận, chỉ cười cười nhai nhóp nhép.

Tôi đứng dậy nói: “Mặc xác ngươi, ta còn bận việc."

Hắn cũng ngồi bật dậy: “Ta cũng đi về đây."

Tôi cười hi hi liếc nhìn hắn: “Không cùng ta đi xem mỹ nhân à?"

Hắn như cười như không hỏi: “Nàng coi ta là kẻ háo sắc ư?" Hai mắt hắn long lanh nhìn tôi, tôi im lặng một hồi rồi khẽ lắc đầu.

Hắn thu nụ cười lại, nhìn tôi chăm chú nói: “Ta muốn công danh, đâu cần phải dựa vào mấy thủ đoạn này? Không phải không biết, mà là ta coi thường. Nếu nàng thấy thích thì cứ làm, chỉ là cẩn thận đừng để bản thân mình cũng bị kéo vào trong đó." Dứt lời hắn liền quay người đi, ống tay áp vừa phất qua, người đã ra khỏi phòng.

* * *

Hồng cô, Phương Như, Thu Hương và mấy người nữa đều đang ngồi trong phòng tôi, mặt ai cũng cũng ủ rũ, uể oải. Thấy tôi bước vào, tất cả đều đứng dậy nhìn tôi không nói. Tôi bật cười: “Mấy người đang làm gì thế này? An tâm đi! Ngày mai mặt trời vẫn mọc bình thường."

Hồng cô tức giận nói: “Muội vẫn còn tâm tình cười à? Không được phép diễn vở ca múa ấy nữa, lại đắc tội với công chúa, về sau phải làm sao?"

Tôi nhìn đám Phương Như: “Các ngươi về nghỉ trước đi, tất cả cứ an tâm, về sau chỉ có thể tốt hơn bây giờ thôi, không thể tệ đi được đâu. Không diễn Hoa nguyệt nùng nữa, chúng ta chẳng lẽ không biên soạn được vở kịch khác? Huống chi bây giờ Phương Như, Thu Hương còn được chính miệng công chúa khen ‘hát rất hay’, chỉ cần một câu này thôi, có gì mà phải sợ đám vương tôn công tử thành Trường An không đến xem?"

Bọn họ nghe xong, mặt mũi đều lộ vẻ hoan hỉ, nửa lo nửa mừng, lần lượt đi ra.

Hồng cô hỏi: “Ý của muội là, công chúa không hề tức giận?"

Tôi nằm nghiêng ngả trên giường: “Tức giận cái gì? Nếu tức giận thì đã đến từ lâu rồi chứ việc gì phải đợi đến hôm nay?"

Hồng cô ngồi xuống trước mắt, rót cho tôi một ly trà: “Thế không dưng tại sao không cho chúng ta diễn vở này nữa?"

Tôi cười nói: “Hoa nguyệt nùng dù gì vẫn kể lại chuyện riêng giữa công chúa và Đại tướng quân, công chúa đạt được mục đích của mình, tự nhiên phải nghĩ đến việc giữ gìn sự uy nghiêm. Hiện giờ vở kịch bị cấm cũng có cái hay, ai xem rồi sẽ vui mừng vì đã được xem, ai chưa xem sẽ bực dọc day dứt vì sao không sớm đi xem, chắc chắn không cầm được nổi sự hiếu kỳ mà đi hỏi những người đã xem rồi, người này kể cho người kia, Phương Như và Thu Hương ắt sẽ nổi tiếng khắp Trường An này."

Hồng cô vừa nghe vừa nghĩ, gật đầu nói: “Kể cả không có Hoa nguyệt nùng, người ta vẫn sẽ đến xem Phương Như và Thu Hương. Ngoại trừ người như Lý Nghiên, cô nương đầu bảng của các phường hát trong thành Trường An có ai hơn đâu chứ? Chẳng qua chỉ là xuân lan thu cúc, mỗi người mỗi vẻ mà thôi, kỳ dư đều phải xem thủ đoạn của từng người thế nào, giờ thì không ai át vía được Phương Như, Thu Hương đâu."

“Phường chủ, có người gửi đồ đến." Tỳ nữ bên ngoài cung kính bẩm báo.

Tôi băn khoăn hỏi: “Gửi cho ta?"

Hồng cô cười nói: “Không gửi cho muội mà tỳ nữ dám mang vào tận đây ư? Muội lúc thông minh thì nghĩ được trăm phương ngàn kế, lúc hồ ngồ lại ngốc đến nực cười." Nói đoạn, bà lớn tiếng bảo: “Mang vào đi."

Một gia nô theo sau tỳ nữ đi vào, trong tay cầm một cái lồng phủ vải đen, hành lễ với tôi và Hồng cô xong liền đặt chiếc lồng xuống đất.

“Có vẻ giống lồng chim, ai tặng cái này thế?" Hồng cô vừa hỏi vừa đứng dậy kéo miếng vải đen xuống.

Tôi hỏi: “Ai mang đến vậy?"

Gia nô bẩm báo: “Một người trẻ tuổi mang đến, không để lại tên, chỉ nói đưa cho phường chủ. Tiểu nhân hỏi thêm, hắn nói phường chủ cứ xem là sẽ biết." Tôi khẽ gật đầu, cho gã lui ra.

“Đôi bồ câu đẹp quá!" Hồng cô ngạc nhiên kêu lên, “Nhưng đẹp thì đẹp chứ ích gì? Tặng một đôi đúc bằng vàng ròng có phải tốt hơn không."

Tôi đứng dậy đi về phía chiếc lồng, ngồi xuống nhìn đôi chim. Chúng có bộ lông trắng như tuyết, mắt như hai viên hồng ngọc, một con đang co chân đánh giấc, con kia thấy tôi nhìn nó, cũng nghiêng đầu trừng mắt lên nhìn lại. Trong lòng tôi tự thấy vui vui, bèn kêu tỳ nữ mang hạt kê vào.

Hồng cô hỏi: “Ai tặng thế?" Bà đợi mãi, thấy tôi chỉ nhếch miệng mỉm cười, đành lắc đầu: “Cứ vui đi! Xong rồi thì mau nghĩ xem sau này diễn cái gì." Nói xong liền xoay người bỏ đi.

Tôi đặt lồng chim lên trên bàn, cho bọn chúng ăn mấy hạt kê. Con chim đang ngủ kia vừa thấy đồ ăn liền thức dậy, bổ tới cướp mấy hạt kê ở bên mỏ con chim kia, con chim ấy cũng không nổi giận, chỉ nhìn nó ăn. Thấy vậy tôi vội bỏ thêm mấy hạt lê lên lòng bàn tay.

“Cái đồ tinh nghịch nhà ngươi gọi là Tiểu Đào[1], còn ngươi khiêm nhường như thế gọi là Tiểu Khiêm[2], ta gọi là Tiểu Ngọc." Bọn chúng gù gụ đáp lại, chẳng biết có hiểu lời tôi nói không, đáng tiếc là tôi chỉ hiểu tiếng sói chứ không hiểu tiếng chim.

[4] “Đào" có nghĩa là “tinh nghịch"

[5] “Khiêm" có nghĩa là “khiêm nhường"

Ăn xong cơm tối, tôi vội vàng quay về Thạch phủ. Nhìn ngó hết cửa chính rồi lại nhìn sang tường bao, đang phân vân không biết nên đi lối nào thì hơn, cánh cửa tự nhiên mở ra, Thạch bá thò đầu ra hỏi: “Có phải Ngọc nhi không?"

Tôi trả lời: “Thạch bá, là Ngọc nhi ạ, bá bá vẫn chưa đi nghỉ ạ?"

Thạch bá mở cửa mời tôi vào: “Là Cửu gia dặn trông cửa chờ con." Tôi vội cám ơn. Thạch bá đóng cửa rồi nói: “Mau vào trong đi!" Tôi hành lễ xong liền rảo chân chạy vào Trúc Quán.

Rèm trúc đã vén lên một nửa, tôi chỉ hơi xoay người, không chạm tới rèm trúc, nhẹ nhàng bước vào trong phòng. Cửu gia cười tán dương: “Thân thủ nhanh nhẹn." Trong lòng tôi đâm ra ảo não, sao lại cuống lên như thế chứ? Nhưng ngoài mặt vẫn chỉ bình thản cười cười.

Tôi ngồi xuống bên cạnh y: “Đa tạ huynh tặng chim bồ câu, muội rất thích, chúng đã có tên chưa? Muội thuận miệng đặt tên mất rồi."

Cửu gia hỏi: “Chỉ đánh số thôi, đặt tên là gì rồi?"

Tôi đáp: “Một con bá đạo tinh nghịch tên là Tiểu Đào, một con ôn hòa khiêm tốn gọi là Tiểu Khiêm."

Cửu gia bật cười: “Vậy muội là Tiểu Ngọc rồi."

Tôi hơi vênh cằm lên cười nói: “Đương nhiên! Lần sau giới thiệu huynh thì nói là Tiểu Cửu."

Cửu gia chỉ cười không tỏ vẻ gì, đưa cho tôi một cây sáo trúc nhỏ: “Theo lời sư phụ huấn luyện bồ câu, đó là hai con tốt nhất mà ông ta huấn luyện trong mấy năm qua, sợ bọn chúng nhận chủ sớm quá nên mỗi lần cho ăn uống đều không để chúng nhìn mặt mình. Tháng đầu tiên có muội mới được cho bọn chúng ăn uống thôi, đợi khi bọn chúng quen với muội rồi thì có thể không cần lồng nữa."

Tôi tỉ mỉ ngắm nghía chiếc sáo, thấy hết sức tinh xảo, bên ngoài có khắc một đôi bồ câu sát cánh bay lượn, đoạn cuối còn đục một lỗ nhỏ, có thể thắt một sợi dây để tiện cài mang theo người.

Tôi đặt sáo lên môi thổi thử một hơi, lập tức một âm thanh như tiếng chim hót chói tai rít lên đau đến thủng màng nhĩ, khiến tôi phải vội vàng bỏ ra.

Cửu gia cười nói: “Đây là sáo trúc đặc biệt, âm thanh khác nhau biểu thị mệnh lệnh khác nhau, bồ câu từ bé đã được huấn luyện, có thể nghe theo mệnh lệnh của muội."

Tôi vui mừng hỏi: “Huynh dạy muội thổi được không?"

Cửu gia nói: “Đã tặng muội bồ câu, chẳng lẽ không dạy muội cách dùng sáo? Nói xong y liền lấy một chiếc sáo trúc khác đặt lên môi, tôi vội vàng chụp hay tay lên bịt tai, nhưng không ngờ lại nghe thấy một âm thanh hết sức trong trẻo êm tai.

Âm sắc đơn điệu, nhưng cả bài trôi chảy, sống động, giống như tiếng vui đùa của trẻ con nông thôn, lại có vẻ động lòng người rất riêng.

Cửu gia thổi hết khúc nhạc, đoạn quay sang nhẹ nhàng giảng cho tôi thanh âm của sáo và các mệnh lệnh tương ứng, vừa giảng vừa làm mẫu, ý bảo tôi học làm theo.

Ngoài cửa sổ gió ấm áp, bóng trúc lắc lư, trong nhà một thầy một trò, người cười người mắng.

Hương thơm của loài hoa nào đó phảng phất bao phủ căn phòng, tựa như muốn hòa vào sự hoan hỉ vương vấn quấn lấy chúng tôi.

Trong lòng tôi run rẩy rung động, đờ đờ đẫn đẫn, cuộn lên từng đợt, rồi lại hạ xuống từng đợt, như tơ như sợi, liên miên không dừng.

Ánh mắt đung đưa khẽ chạm tầm nhìn của nhau, như hữu tình mà cũng như vô ý.

Đắm say, đắm say, chỉ vì niềm vui sướng đến say mê này mà tim không sao kìm được cứ thế đắm chìm.
Tác giả : Đồng Hoa
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại