Cuộc Sống Ở Bắc Tống

Chương 143: Mời khách

Lâm Y cười. “Đó là của hồi môn của tôi, hiện giờ cuộc sống gian nan, đành phải lấy ra sử dụng".

Chúc bà bà nhóm lò, nấu nước nóng hâm rượu, động tác thành thạo, đảo mắt đã hâm xong một li rượu trái cây, bưng đến trước mặt Lâm Y, Lâm Y nhấp một ngụm, độ ấm vừa phải, vị vô cùng tốt, mặc dù nàng chưa phỏng vấn qua những người khác, nhưng lúc trước khi khảo sát cước điếm, gặp qua không ít người hâm rượu, rất nhiều người từ các đại tửu lâu còn kém tay nghề hơn thế này, vì thế nàng khen. “Chúc bà bà hâm rượu ấm áp vừa phải".

Chúc bà bà khiêm tốn nói. “Là Nhị thiếu phu nhân có rượu ngon".

Lâm Y quyết định giữ bà lại, định bụng cân nhắc chuyện thử việc, đột nhiên nhớ tới, Đại Tống không có pháp luật bảo hộ lao động, nếu nàng không hài lòng về Chúc bà bà, tùy thời có thể sa thải, thậm chí không cần nói câu từ biệt.

Chúc bà bà nghe nói Lâm Y chịu thuê mình, thập phần cao hứng, đến dập đầu tạ ơn nàng. Lâm Y hẹn ba ngày sau bắt đầu làm việc, buổi sáng đến điếm sớm một khắc thời gian, chuẩn bị dụng cụ vật dụng hâm rượu, buổi tối về muộn một khắc, dọn dẹp mọi thứ, tiền công mỗi ngày tám mươi văn, bao cơm trưa.

Đãi ngộ công bằng, Chúc bà bà vừa lòng đồng ý, lại luôn mãi tạ ơn Lâm Y rồi mới rời đi.

Lâm Y nói với Thanh Miêu. “Thuê người tuy ít nhưng vẫn phải có quy củ đàng hoàng, em nghĩ rồi viết thử xem".

Thanh Miêu ngây ra. “Viết như thế nào, chủ tử?".

Lâm Y dạy nàng. “Đơn giản, buổi sáng mấy giờ bắt đầu làm việc, buổi tối mấy giờ kết thúc công việc, nếu đến trễ phải trừ bao nhiêu tiền… Cứ thế".

Thanh Miêu nghe hiểu được, nói. “Cái này đơn giản". Lập tức trải giấy, viết mấy điều đưa cho Lâm Y đọc, bên trên ngoại trừ chế độ chấm công mà Lâm Y muốn, còn có trong lúc làm việc không được vô cớ rời đi, không được ăn quà vặt cắn hạt dưa linh tinh. Lâm Y đặt bút sửa lại mấy chỗ, khen cô nàng. “Trẻ nhỏ dễ dạy, sau này em cứ chiếu theo mấy điều này mà quản lý điếm".

Thanh Miêu thu hồi “bản quy tắc", trịnh trọng gật đầu.

Buổi tối Trương Trọng Vi về nhà, mang theo một xấp thiếp mời, đưa cho Lâm Y. “Đông Kinh khác nông thôn, tự viết thiếp mời không phổ biến, đều là mua thiếp sẵn, nét cắt uốn lượn mạ vàng các kiểu, ta nghĩ các phu nhân đều là người chú ý chi tiết nên cũng mua về".

Lâm Y khen. “Chàng lo lắng chu đáo, nên như thế". Nàng lấy thiếp mời ra nhìn thử, bên trên đã ấn sẵn câu chào mời, chỉ cần ghi tên là được, rất tiện.

Trương Trọng Vi sở dĩ mang thiếp mời về là vì Lâm Y tính gửi cho các vị phu nhân quan viên trong Hàn Lâm viện, mời bọn họ ngày khai trương đến uống rượu, toàn bộ miễn phí.

Ở Đại Tống có thói quen, là phụ nữ không cần lấy họ chồng, mà xưng hô bằng họ của nhà mẹ đẻ, Lâm Y giơ bút, gặp khó. “Chàng là đàn ông, không tiện hỏi thăm họ của vợ đồng nghiệp, thiếp mời này nên viết thế nào đây?".

Trương Trọng Vi nói. “Không biết họ của người nữ, tạm lấy họ của nhà chồng xưng hô cũng có, không tính thất lễ".

Lâm Y an tâm, nói Trương Trọng Vi liệt kê các đồng nghiệp trong Hàn Lâm viện thành danh sách, lại chiếu theo danh sách đó đoan chính viết lên thiếp mời. Đợi nàng làm xong, phát hiện thiếu một người, vội hỏi Trương Trọng Vi. “Phu nhân Âu Dương phủ doãn sao không nằm trong danh sách? Âu Dương phủ doãn dù đã rời khỏi Hàn Lâm viện nhưng rốt cuộc vẫn có ơn thưởng thức chàng, không mời phu nhân nhà ông ấy không được hay lắm?".

Trương Trọng Vi nói. “Em không biết, phu nhân Âu Dương phủ doãn và phu nhân Vương hàn lâm xưa nay bất hòa, chẳng những bây giờ không được mời cùng nhau, sau này em cũng phải cẩn thận tỉnh táo chút, ngàn vạn lần chớ để hai người này gặp gỡ".

Lâm Y ngạc nhiên nói. “Âu Dương phủ doãn và Vương hàn lâm trở mặt thành thù? Chưa từng nghe chàng nói qua".

Trương Trọng Vi trả lời. “Âu Dương phủ doãn và Vương hàn lâm thân nhau lắm, thường xuyên cùng nhau ngâm thơ đối đáp, ta cũng không biết vì sao phu nhân bọn họ lại nhìn nhau không vừa mắt".

Lâm Y nghi ngờ. “Chẳng lẽ bởi vì đàn ông bận tâm mặt mũi trên quan trường, không tiện ra mặt, giao hết buồn bực cho nương tử xử lý?".

Đàn ông trời sinh không thích nhiều chuyện, không có gì hay để nói về những suy đoán như thế này, cũng không có hứng thú, Trương Trọng Vi phụ họa vài câu lập tức dẫn dắt câu chuyện rời đi. “Chúng ta còn muốn đón thím Dương về đây, vừa lúc ngày mai ta có rảnh, chúng ta đến huyện Tường Phù xem?".

Lâm Y nói. “Nhị phu nhân vốn đã không thích thím, hơn nữa thím là vú nuôi của chàng, chỉ cần chàng lên tiếng, Nhị phu nhân đương nhiên đồng ý cho người".

Trương Trọng Vi nghe ý tứ câu này là muốn chàng một mình đi trước, hơi mất hứng. “Em không đi chung với ta?".

Lâm Y thầm nghĩ, nếu Phương thị thấy nàng, chẳng có việc gì cũng muốn làm khó dễ ba phần, chuyện vốn dễ dàng lại phức tạp hóa lên, còn không bằng Trương Trọng Vi đi một mình tốt hơn. Nàng sợ nói ra câu này Trương Trọng Vi lại truy hỏi kĩ càng sự việc, bởi vậy dối một lý do khác. “Cước điếm nhà chúng ta sắp khai trương, không sợ bà ngoại giành trước một bước nữa, em đi thông báo bà ngoại một tiếng, bằng không đến lúc khai trước bà biết, nhất định sẽ giận lắm".

Câu này có lý, Trương Trọng Vi đã sớm lo lắng vấn đề này, vì thế sảng khoái đồng ý đề nghị của Lâm Y.

Ngày hôm sau, vợ chồng hai người tự phân công làm việc, Trương Trọng Vi đi huyện Tường Phù, Lâm Y chuẩn bị đến phủ họ Dương. Nàng nhớ tới ngày đó Ngưu phu nhân có nhắc chuyện “cốt cách phu nhân", sợ bị bà xem nhẹ nên dù chỉ cách một cái ngõ, nàng vẫn gọi Thanh Miêu thuê cỗ kiệu, ngồi qua đó.

Ngưu phu nhân đang tính sổ sách, nghe thấy Lâm Y đến, vội buông hết ra đại sảnh gặp nàng, cười hỏi. “Nhà mới đã thu dọn xong hết? Chuẩn bị đưa thiếp mời ta phải không? Ta dẫn cậu các cháu đến mừng tân gia".

Ngưu phu nhân chỉ là hỏi theo lễ tiết, không ngờ Lâm Y thực sự lấy thiếp mời ra, hai tay đưa cho bà. “Chúng cháu mới mở cước điếm, khai trương xin mời bà ngoại và cậu đến ngồi chơi, không biết có được vinh dự ấy hay không?".

Ngưu phu nhân sớm đoán được hai người muốn mở điếm, không hề bất ngờ à một tiếng, nhận lấy thiếp mời nhìn thử, cố ý hỏi. “Các cháu định mở điếm gì?".

Lâm Y đáp. “Là cước điếm bán rượu, nhưng chỉ chiêu đãi nữ khách mà thôi".

Ngưu phu nhân bấy giờ mới kinh ngạc. “Chỉ chiêu đãi nữ khách? Nào có điếm như thế?".

Đúng là không có điếm như thế mới kiếm được tiền đó, Lâm Y cười đáp. “Rất nhiều phu nhân các đồng nghiệp của Trọng Vi ngày thường không có nơi đi, bởi vậy cháu suy nghĩ mở một cước điếm cho bọn họ nghỉ chân".

Đại Tống chưa hề có tiền lệ tửu điếm cho nữ giới, Ngưu phu nhân vẫn ôm thái độ hoài nghi ý tưởng của Lâm Y. Bà vốn có ba phần bất mãn với việc Lâm Y cũng mở cước điếm, hiện giờ nghe nói là nữ tửu điếm, nghĩ bụng không gây trở ngại cho chuyện làm ăn nhà mình, hoàn toàn yên lòng, chẳng những yên lòng, còn hơi thương hại… Làm gì có phụ nữ đàng hoàng nào muốn ra ngoài uống rượu đâu, điếm độc hành biệt lập như vậy, lỗ vốn là sớm hay muộn.

Ngưu phu nhân trong lòng chứa bảy phần thương hại ba phần khinh thường, ngoài miệng lại tâng bốc Lâm Y. “Chúc mừng các cháu mở điếm, kinh doanh nhất định náo nhiệt hơn cả nhà chúng ta".

Lâm Y không biết suy nghĩ thật sự của Ngưu phu nhân, vội đỡ. “Chỉ là một gian điếm nhỏ, nào dám đánh đồng với đại tửu lâu của bà ngoại".

Ngưu phu nhân đưa thiếp cho Kim Bảo thu, nói. “Đến lúc đó ta nhất định cùng cậu các cháu tới cổ động".

Lâm Y thấy bà có ý tiễn khách, vội nói. “Hôm nay cháu dâu đến ngoài đưa thiếp mời cho bà ngoại, còn có một chuyện thương lượng".

Ngưu phu nhân tưởng Lâm Y muốn vay tiền, châm chước một lát mới hỏi nàng có việc gì.

Lâm Y nói ra lại khác hoàn toàn với bà tưởng. “Chúng cháu nhập rượu trong điếm, có một loại tên là rượu thanh phong, một loại nữa là rượu bạch dương, nghe Trọng Vi nói, hai loại này tửu lâu nhà bà ngoại cũng có bán, bởi vậy cháu dâu định xin bà ngoại cùng nhau nhập hàng".

Ngưu phu nhân không hiểu ý, hỏi. “Cháu không biết nhập hàng từ đâu? Hay không muốn tìm?".

Lâm Y lắc đầu. “Hết thảy không phải, là cháu nghĩ nếu chúng ta cùng nhau nhập hàng, mua nhiều hơn, Cao Dương điếm có thể giảm giá hay không".

Ngưu phu nhân chưa bao giờ nghe qua kiểu như thế, kinh ngạc nói. “Cháu thế nhưng cũng biết tính toán ghê, giống một thương nhân". Bà dừng lại một chút, nói tiếp. “Hai tòa tửu lâu nhà chúng ta lượng nhập vốn đã lớn, có cháu hay không có cháu đều vậy".

Lâm Y không biết bà là thật ghét bỏ điếm của nàng nhỏ, hay là chiêu lạt mềm buộc chặt, chỉ nói. “Nếu bà ngoại không muốn, vậy cháu đến nơi khác hỏi vậy".

Ngưu phu nhân không ngờ nàng chẳng hề tiếp tục năn nỉ, đành phải nói cho hết. “Chúng ta là thân thích, đương nhiên phải đỡ các cháu một phen, cháu muốn nhập bao nhiêu, báo số lượng là được".

Lâm Y trước tạ ơn bà, lại đáp. “Vì vội vã khai trương, chúng cháu đã mua rượu rồi. Chờ thêm mấy ngày nữa, cháu tính toán ra được số lượng cố định cần thiết, lúc đó lại đến báo cho bà ngoại".

Ngưu phu nhân đồng ý, sai người bưng canh, Lâm Y nghe Dương thị kể qua quy củ trong kinh thành, đón khách mời trà, tiễn khách bưng canh, liền bưng bát canh nhấp chút môi, cáo từ rời đi.

Lâm Y về đến nhà không bao lâu, Trương Trọng Vi cũng trở lại, thím Dương đi theo sau, nàng không khỏi kinh hỉ reo lên. “Chàng làm việc cũng thật là nhanh quá".

Trương Trọng Vi nói. “Thím sảng khoái cho ta, còn định giữ ta lại ăn cơm, ta sợ em chờ lâu, không ăn liền về rồi".

Lâm Y cười với chàng, kéo tay thím Dương, hỏi không ngừng. Thím Dương cười nói. “Nhị thiếu phu nhân giờ là phu nhân nhà quan, thế nhưng không hề ra vẻ kiêu ngạo".

Lâm Y sai Thanh Miêu mang ghế đến, mời thím ngồi xuống, cười nói. “Kiêu ngạo mấy đi nữa, trước mặt vú nuôi của Nhị thiếu gia cũng không tỏ ra nổi".

Thím Dương nhìn chung quanh phòng, tấm tắc khen. “Điếm này bố trí thật không tồi, nhất định làm ăn tấn tới". Lại nói. “Nhị thiếu phu nhân muốn tôi làm chuyện gì, cứ việc sai bảo".

Lâm Y nói. “Ta cũng là tiểu nương tử lần đầu ngồi kiệu hoa, làm sao biết làm thế nào, chúng ta bàn bạc rồi quyết định".

Thím Dương nói. “Làm người hầu cũng được, tiểu nhị cũng được, tóm lại đều là hầu hạ người ta, tôi biết rõ, Nhị thiếu phu nhân yên một trăm cái tâm".

Lâm Y cười nói. “Biết thím tính tình tốt, nhẫn nại kiên trì, nên mới đặc biệt xin Nhị phu nhân cho thím tới đây, mong rằng thím chớ ghét bỏ chỗ của ta đơn sơ".

Thím Dương chùi mắt, thanh âm có chút nghẹn ngào. “Tôi biết Nhị thiếu phu nhân và Nhị thiếu gia thông cảm tôi ở bên kia sống không tốt, lúc này mới nhận lấy tôi".

Lâm Y an ủi. “Là chúng ta sơ ý, thím là vú nuôi của Nhị thiếu gia, vốn nên ở cùng chúng ta, đã sớm mong đón thím về nhà".

Hiện giờ vai vế của thím Dương và Lâm Y đã khác, nên Q. có sửa chút xíu cách xưng hô.
Tác giả : A Muội
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Mới có chap mới rồi nhé mọi người: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại