Côn Luân

Chương 1: Đường vào đất Thục khó đi

Núi Đại Ba, tây nối dãy Tần, đông thông đèo Vu, hiểm trở hùng vĩ, nổi tiếng khắp thiên hạ. Đường núi vừa gập ghềnh vừa chật hẹp, nơi nơi là hào sâu khe rộng. Đại Ba cheo leo hiểm trở, chim khó bay qua, vượn không trèo tới đỉnh. Lý Thái Bạch hiểu biết rộng, ngao du nhiều nơi, qua vùng này không kìm được phải thở dài: “Đường vào đất Thục khó hơn lên trời."

Đương độ tháng chín, trời nhằm tiết thu, phong đỏ nhuộm thắm dãy núi, lá vàng như bươm bướm, cảnh sắc vô cùng rực rỡ.

Vùng núi nhấp nhô hiểm trở, chỉ có một con đường hẹp sống trâu, trên kề vách đá dựng đứng, dưới mấp mé vực sâu thăm thẳm, uốn lượn chạy về hướng nam. Gió thổi tới, lật tung những mớ dây leo khô trên vách cao, để lộ ba chữ lớn màu đỏ sẫm lốm đốm: “Thần Tiên Độ".

Lúc ấy trong núi tịch mịch, chim nín trùng im, suối chảy lặng lẽ. Bỗng có tiếng người nói vang lên, nghe rõ mồn một trong cảnh vắng. Tiếng nói to dần, rồi một già một trẻ xuất hiện, đi tới trên con đường quanh co uốn khúc.

Người già chừng hơn năm mươi, thân hình cao lớn, tinh thần phấn chấn, khuôn mặt thô kệch, hai mắt sáng quắc. Người trẻ gầy yếu, mặt tròn như trăng rằm, mi mắt thanh tú, để ria mép, mỉm miệng cười.

“Bố ơi, chỗ này tên là Thần Tiên độ, nhưng con thấy cũng chỉ từa tựa ‘Thiên Xích tràng’, ‘Diêu tử phiên thân’ ở Hoa sơn vậy thôi." Thiếu niên nói.

“Văn Tĩnh à, mày chỉ biết địa thế hiểm trở mà không biết lòng người độc ác. Nơi đây lâu nay vẫn là chỗ ẩn núp của bọn cường đạo, vực với khe này đã phơi xương rất nhiều khách bộ hành và thương lữ." Ông già bất giác thở dài.

“Kỳ hiểm dã nhược thử, ta nhĩ viễn đạo chi nhân, hồ vi hô lai tai!" Văn Tĩnh lắc đầu.

“Thằng ranh này, nói cái quái gì vậy?" Ông già trừng mắt.

Văn Tĩnh lè lưỡi: “Đó là một câu trong Thục Đạo Nan của Lý Bạch, nghĩa là ‘Đường vào đất Thục đã nguy hiểm và trắc trở như vậy, vì sao người ta vẫn lặn lội từ ngàn dặm xa xôi tới đây’?"

“Mày chẳng hiểu gì cả! Nếu không phải vì kiếm cơm đút miệng, ai lại muốn bỏ vợ dại con thơ đến cái nơi quỷ quái này?"

“Thế,… liệu chúng ta có gặp cường đạo không?"

“Xem chừng mày rất muốn thì phải." Ông già ngắm nghía gã trai.

Văn Tĩnh cười ha hả: “Nếu gặp thật, chưa biết ai cướp ai đâu."

“Ỷ vào mấy miếng võ mèo quào của mày ấy ư?" Ông già cười nhạt, “Sớm muộn gì cũng bị người ta nện cho một trận chết toi."

“Lúc nào bố cũng chê bai con." Văn Tĩnh đỏ mặt tía tai: “Huyền Âm đạo trưởng nói con căn cơ thâm hậu, ngộ tính rất cao. Lần trước một mình con đấu lại Vũ Thanh và Vũ Linh, cuối cùng hai đạo đồng ấy thua còn gì."

“Phì." Ông già nổi giận, dí ngón tay vào chóp mũi cậu con: “Đồ mặt dày! Vũ Thanh, Vũ Linh đều chưa đầy mười tuổi, mày thì bao nhiêu tuổi rồi? Nói đi, mày bao nhiêu tuổi?"

Văn Tĩnh bị mắng tối tăm mặt mũi, lúng túng: “Tại chúng nó ra tay với con trước."

“Hừ, còn già mồm?" Ông bố bắt đầu xắn tay áo, Văn Tĩnh vội vã giật lui.

“Giỏi thì chạy đi." Toan dạy cho thằng con một bài học, đột nhiên nghe thấy đằng xa có tiếng quạ la quang quác, ông già bất giác dừng chân, ngạc nhiên nói: “Sao lũ quạ kêu la ghê thế nhỉ?"

Văn Tĩnh ngẩng đầu nhìn lên: “Đằng trước kia xảy ra chuyện gì chăng?"

Ông già lườm con: “Mày đợi ở đây. Ta đi xem sao." Nói rồi nhấc chân, thoáng cái biến mất ở khúc cuối con đường

Luẩn quẩn đợi một lúc, sương mù dâng lên trong khe núi, trắng mờ mịt không nhìn thấy gì cả, Văn Tĩnh đâm ra bứt rứt. Bỗng nhiên tiếng quạ đằng xa lại vẳng tới, gã bỗng sởn gai ốc, sợ hãi khó tả, không câu nệ lời cha dặn nữa, bèn men theo vách đá, lần lần tiến lên.

Đi được chừng ba dặm, thấy phía trước mở ra rộng rãi bao la, một khoảng đất trống xuất hiện. Văn Tĩnh nhóng mắt nhìn kỹ, hoảng hồn suýt bước hụt chân.

Trên nền cỏ xanh mơn mởn, có hai mươi mấy cái thây nằm ngã ngổn ngang, đều há hốc mồm, mắt lọt khỏi tròng, cổ bị khía một vết thương, máu đã đông tím lại trong làn gió núi.

“Mẹ ơi!" Đờ đẫn một lúc lâu, cuối cùng Văn Tĩnh buột miệng kêu lên.

“Đừng lải nhải nữa!" Ông già đứng bên một thi thể, không ngoảnh đầu lại, trên tay là một miếng ngọc bài trong suốt lóng lánh như mỡ dê.

“Chuyện gì thế bố?" Văn Tĩnh hỏi, tim đập thình thịch.

“Mày hỏi ta, ta biết hỏi ai?" Ông già nói, “Đám người này chết ít nhất cũng được hai canh giờ rồi."

“Lạ nhỉ!" Văn Tĩnh lấy lại can đảm, bước đến xem xét thật kỹ mấy cái xác: “Những người này đều bị thương ở cổ… Ôi, độ nông sâu giống hệt nhau, như thể dùng thước đo ấy."

“Ừ, tất nhiên. Ta nghĩ do một người hạ thủ thôi."

Văn Tĩnh giật mình, ngó lão già trừng trừng: “Bố nói dối."

“Mày bảo sao cơ?" Ông già giơ nắm tay to tướng lên.

Gã trai vội vả vào miệng mình, cười xoà: “Sao bố biết là do một người hạ thủ?"

“Không còn gì đơn giản hơn." Ông già bảo: “Mày nhìn các vết chân dưới đất, ngoài của mày, của ta, thì chỉ còn hai loại. Một là dấu giày đầu hổ, đó là thứ giày người giàu thường xỏ lúc leo núi. Một là dấu giày đế mỏng, thường dùng để phi hành hoặc chạy trên vách đá, rất ít đeo khi đi đường núi. Ta vừa xem rồi, những người chết này đều mang giày đầu hổ."

Văn Tĩnh chăm chú quan sát: “Bố thực là mắt sáng như sao, liệu việc như thần, nhưng mà… nhưng mà… sao con không nhìn thấy dấu giày đế mỏng?"

Ông già ngồi xổm xuống, chỉ vào một chỗ lõm bé xíu trên mặt đất, “Nông thế này mà!" Văn Tĩnh trố mắt.

Ông già chậm rãi đứng lên: “Kẻ này võ công cao lắm, thực khiến người ta khiếp sợ. Đao pháp thì khỏi phải nói rồi, ngay thuật khinh thân, cả đời Lương Thiên Đức ta cũng chưa trông thấy bao giờ."

“Không thể nào. Chắc tại bọn này kém quá mà thôi."

Lương Thiên Đức siết chặt nắm tay, khớp ngón kêu răng rắc, biến ra trắng bệch: “Nhìn dấu tích đả đấu, đủ thấy những kẻ táng mạng này không phải hạng tầm thường, trong đó có mấy người công phu quyền cước còn trên cả ta."

Văn Tĩnh trố mắt, sống lưng lạnh toát. Một lúc lâu sau mới nói: “Hay họ gặp ma?"

“Gì cơ?"

“Người mà có hạng ghê gớm như vậy sao?"

“… Mày chả hiểu gì hết, thật là một thằng nhóc không biết trời cao đất dày." Lương Thiên Đức trừng mắt.

Văn Tĩnh gợi ý: “Bố, mình lỡ gặp phải, thôi thì chôn cất họ đi."

“Không được." Lương Thiên Đức nói, “Mấy người này lai lịch phức tạp, chôn cất lặng lẽ e rằng sẽ phạm một sai lầm rất lớn."

“Hay chúng ta báo quan." Văn Tĩnh vừa nói dứt, đã run lên cầm cập.

“Quan lại Tống triều chẳng có mấy người tốt." Lương Thiên Đức nói: “Đừng can thiệp những việc không phải của mình, chuốc vạ vào thân đấy." Lão vừa nói, vừa chà xát miếng ngọc bài, cau mày như do dự điều gì, một lúc sau thở dài, thả xuống xác một thanh niên tuấn tú vận áo trắng, rồi quay mình bỏ đi. Văn Tĩnh đợi lão đi xa, len lén cầm lên xem, thấy nó trong suốt lóng lánh, chạm trổ rất tinh xảo, chín con giao long sống động như thật ôm lấy bốn chữ triện thếp vàng: “Như – Trẫm – Thân – Lâm1". Gã đang khe khẽ xuýt xoa, chợt nghe thấy ông già gọi, giật thót nhìn lên, Lương Thiên Đức đã lại quay mình bỏ đi rồi. Không kịp đặt miếng ngọc xuống nữa, Văn Tĩnh bèn nhét luôn nó vào ngực áo, cảm thấy hơi lạnh thấm sang người.

“Đi mau!" Lương Thiên Đức hét: “Nhỡ ai đến thì làm thế nào?"

“Bố đúng là non gan nhát chết." Văn Tĩnh vừa đi vừa lẩm bẩm.

Lương Thiên Đức thính tai, nghe thấy loáng thoáng bèn hỏi, “Mày nói gì?"

Văn Tĩnh xám mặt, định phân trần, bỗng nghe thấy đằng xa có tiếng hát vang lên:

“Ôi , chao ôi!

Nguy hề, cao thay!

Đường Thục khó, khó hơn lên trời xanh .

Tàm Tùng và Ngư Phù,

Mở nước bao xa xôi!

Đến nay bốn vạn tám ngàn năm,

Mới cùng ải Tần liền khói người…"

Một nho sinh ăn vận rách rưới, mặt như gà chọi, say sưa loạng choạng, cầm một bầu rượu sơn đỏ, lảo đảo bước ngược lại.

“Phía tây núi Thái Bạch có đường chim,

Vắt ngang đến tận đỉnh Nga Mi,

… à… Nga Mi… à…"

Ngang qua hai cha con, ông ta bỗng hụt chân, chao người đi, Văn Tĩnh tuổi trẻ nhiệt tình, vội vã thò tay đỡ. Nho sinh phất tay áo rách, đẩy Văn Tĩnh ra, tiếp tục ca:

“Rồi sau thang trời, lối đá mới nối liền.

Trên đỉnh có sáu rồng, lượn quanh vầng nhật;

Dưới có dòng sâu rẽ ngược, sóng cả đua chen.

Hạc vàng bay qua còn chẳng được;

Vượn khỉ toan vượt, buồn với vin." 2

Vừa hát vừa bỏ đi.

“Bố, đằng sau là ‘Thần Tiên độ’. Ông ấy rệu rã như thế làm sao vượt qua được?" Văn Tĩnh hỏi.

“Hừ, anh khoá hỏng thi, văn nhân buồn bã. Đại Tống thực đáng ghét! Chẳng có gì hay, chỉ toàn những người nghèo nàn khốn khổ." Ông già cau mày, hai cha con cùng ngoái lại, bất giác ngơ ngác nhìn nhau, con đường quanh co uốn khúc tịnh không một bóng người. Truyện "Côn Luân "

“Bố… bố…! Chúng… ta gặp… gặp ma rồi!" Văn Tĩnh thều thào.

“Bậy bạ, mặt y đỏ rực thế, có chỗ nào giống hồn ma bóng quế đâu?"

Ông già ngoài miệng trách móc, nhưng trong bụng cũng kinh hãi vô cùng. Sau đó, họ đều im lặng, không trò chuyện gì nữa, cứ cắm đầu cắm cổ đi. Được một thôi đường, vượt qua một con đèo, bỗng trông thấy một dòng suối trong chảy róc rách, một cây cầu độc mộc bắc ngang hai bờ, đầu cầu có một quả đồi, mấy ngọn núi xanh ôm ấp vài ba căn nhà, khói nhẹ loăn xoăn theo gió trôi lên.

“Đằng kia có quán trọ." Văn Tĩnh reo mừng, trỏ tay về một dãy nhà lợp ngói xanh phía xa. Trước cửa treo hai quả đèn lồng, viết tám chữ lệ: “Khách sạn Ba Sơn, đến như về nhà". Ông già cũng mỉm cười.

Hai người đến trước quán trọ, chưa bước vào, một tiểu nhị đã chạy ra, nhìn họ thật kỹ: “Xin lỗi, ở đây có người bao hết rồi."

Văn Tĩnh thất vọng vô cùng, nói với cha: “Bố ơi, con đói lắm."

Lương Thiên Đức cau mày: “Chúng tôi ăn cơm xong là đi ngay. Mong anh giúp đỡ."

“Thế thì…" tiểu nhị tỏ vẻ trù trừ.

“Mọi người đều là khách, hà tất câu nệ như thế." Trong quán có tiếng sang sảng vọng ra, “Anh cứ mời họ vào."

“Vâng, vâng." Tiểu nhị tránh sang nhường đường. Văn Tĩnh vui mừng, lao vào trước.

“Thằng ranh, chỉ ăn là giỏi." Lương Thiên Đức bất lực làu bàu.

Trong quán có một cái bàn bát tiên3, ba người đang ngồi. Người ngồi đầu bàn là một văn sĩ áo trắng, mảnh khảnh sạch sẽ, râu tóc đen nhánh, tay phe phẩy một cây quạt gấp. Người ngồi mé phải là một ông già rắn rỏi, khuôn mặt đen cháy, râu dài tới ngực, đôi mắt lim dim, bộ dạng uy nghiêm. Người thứ ba là một hán tử trung niên, mày rậm mắt tròn, da thịt rắn chắc, lưng đeo một thanh đại đao chín khuyên, trông thấy Văn Tĩnh xăm xăm chạy vào, y cau mày.

“Ba cân thịt bò, ba cân cơm, ờ… một cân rượu nếp, một đĩa rau… Ôi chà!" Văn Tĩnh ôm đầu, sợ sệt nhìn cha.

“Thằng ranh này, mày ăn hết không?" Lương Thiên Đức sầm mặt hỏi.

“Quý khách còn dùng gì nữa ạ?" Tiểu nhị cười ngọt ngào.

“Đủ rồi." Lương Thiên Đức lắc đầu.

Tiểu nhị thấy hai cha con quần thô áo vải, nhíu mày nói: “Xin lỗi, quán chúng tôi có lệ bất thành văn, tiền trao cháo múc, mong quý khách trả tiền trước."

Lương Thiên Đức ngắm nó thật kỹ: “Đồ mục hạ vô nhân, ngươi tưởng các ông đây ăn không chăng?"

Tiểu nhị cười ha ha: “Đâu dám! Quý khách thực biết nói đùa!"

Lương Thiên Đức khoát tay: “Văn Tĩnh, lấy tiền ra."

Văn Tĩnh vâng lời, thò tay vào ngực áo, mắt bỗng trợn lên, lần tay khắp trên dưới, ngó cha, nước mắt chực trào ra: “Bố ơi, túi tiền… túi tiền… mất rồi."

“Cái gì?" Lương Thiên Đức kêu lên.

“Hơ." Tiểu nhị lập tức sầm mặt: “Quý khách, quán chúng tôi vốn nhỏ lời ít, xưa nay không bán chịu."

Lương Thiên Đức tức giận nhìn con. Văn Tĩnh mếu máo: “Con nhớ là đã đếm kỹ trước lúc qua Thần Tiên độ, thế mà giờ không thấy nữa."

“Ta biết đâu đấy? Tay nải toàn do mày đeo mà." Lương Thiên Đức không kìm được vung tay đánh.

Văn Tĩnh ôm đầu, kêu van: “Con nhớ ra rồi, chính cái tên nho sinh ma quỷ ấy, nhất định đã nhằm lúc con tốt bụng giơ tay ra đỡ, nhưng mà…" Văn Tĩnh lắc đầu: “Sao con không phát giác ra nhỉ." Gã ngấm ngầm than thở, không những túi tiền, mà cả miếng ngọc bài dúi trong ngực cũng bị tên đó nẫng mất rồi, nếu không thì còn có thể mang ra đổi cơm ăn. Tên nho sinh khốn kiếp xấu xa! Nghĩ đến đây, gã suýt oà khóc.

“Thế mà cũng đòi luyện võ." Lương Thiên Đức không kìm được nữa, tóm lấy cổ gã. Văn Tĩnh la oai oái như lợn bị chọc tiết.

“Quý khách, mời các vị ra ngoài đánh nhau." Tiểu nhị hầm hầm đuổi.

Lần đầu tiên trong đời bị sỉ nhục như thế, Lương Thiên Đức tím mặt, uất ức vô cùng, dợm chân toan chạy ra cửa, chợt nghe thấy văn sĩ cười bảo: “Nếu các hạ không chê, Bạch Phác đứng ra mời mọi người cùng uống một ly?" Lương Thiên Đức sững sờ, chưa kịp đáp, đã thấy Văn Tĩnh xoa cổ lầm bầm: “Đến tối biết làm sao đây?"

“Khốn kiếp!" Lương Thiên Đức trừng mắt tức giận.

“Bố ơi, con đói thật mà." Bụng Văn Tĩnh kêu lục bục.

Lương Thiên Đức toan chửi mắng, song nhìn bộ dạng thiểu não của thằng bé lại không nỡ cất lời. Bạch Phác cười: “Người ta sống trên đời, ai chả có lúc khó khăn. Huống hồ tại hạ còn có việc muốn thỉnh giáo, mong huynh đài đừng chối từ."

“Thôi được!" Lương Thiên Đức thở dài, cúi đầu vòng tay đáp: “Thịnh tình của các hạ, Lương mỗ xin nhận!" rồi gượng gạo cùng Văn Tĩnh lại ngồi, không dưng thọ lãnh ân huệ của người ta, trong lòng vô cùng khó chịu.

“Đây là Đoan Mộc tiên sinh, tên huý Trường Ca." Bạch Phác chỉ ông già mặt đen. “Còn đây là Nghiêm Cương huynh, người ta thường gọi là Bát tý đao." Y trỏ hán tử mang đao. Hai người hơi cúi đầu, nhưng không nói gì.

“Hai vị là người phương bắc phải không?"

“Vâng, chúng tôi từ Hoa sơn đến."

“Ồ." Văn sĩ áo trắng nói, “Nhưng nghe giọng hai vị lại giống người phương nam."

“Ừm, cụ nhà tôi nguyên quán Hợp Châu4, xưa kia sống ở Giang Nam một thời gian, nhưng đã dừng chân ở phương bắc hơn hai mươi năm rồi."

Bạch Phác xoa tay: “Phương bắc là nơi bọn Hồ Lỗ hoành hành, các hạ sống cùng Di Địch mà không quên khẩu âm Đại Tống thì thật đáng phục, lại thêm lệnh lang cũng vẫn nói giọng Giang Nam, thực là hiếm có!"

Lương Thiên Đức rùng mình, suýt làm đổ rượu ra áo.

“Bố," Văn Tĩnh vỡ lẽ: “thì ra bố không cho con nói cái tiếng nhũn nhẽo uốn éo ấy là vì thế."

“Ăn đi!" Lương Thiên Đức trừng mắt nhìn. Văn Tĩnh sợ hãi cắm mặt xuống và cơm.

“Chẳng hay tình hình phương bắc ra sao?"

Lương Thiên Đức im lặng. Văn Tĩnh cướp lời: “Bọn Thát rất tồi tệ, coi người Hán như cỏ rác, gần đây còn bắt người Hán sung quân, bố tôi tức giận, mới dắt tôi trở về Đại Tống."

“Ồ." Bạch Phác liếc Lương Thiên Đức.

“Giờ thì tốt rồi, lần này trở về, không sợ bị bọn Mông Cổ hà hiếp nữa… nhưng mà, nhưng mà còn bao nhiêu bà con ở lại đó, sống rất khổ." Văn Tĩnh buồn thiu.

“Ừ, di dân lệ tận Hồ trần lí, nam vọng vương sư hựu nhất niên5." Bạch Phác thở dài.

Lương Thiên Đức cười khẩy: “Cho dù có đọc thêm bao nhiêu câu, cho dù Nhạc Vũ Mục tái sinh, Hàn Thế Trung sống lại, quân đội Đại Tống cũng không đánh được đến phương bắc đâu."

“Ông nói thế là thế nào!" Nghiêm Cương trợn mắt: “Làm như bọn Mông Cổ ba đầu sáu tay không bằng."

Lương Thiên Đức cười: “Bọn Mông Cổ thì không có ba đầu sáu tay, nhưng tiểu triều đình Lâm An phần lớn là ba cô sáu bà6."

“Ông dám sỉ nhục triều đình!" Nghiêm Cương nổi giận.

“Không dám, tôi chỉ khâm phục triều đình Đại Tống, tuyền một lũ quan lại mỏ nhọn nanh dài, nịnh bợ mê hoặc hoàng đế, mà vẫn thoi thóp ngắc ngoải sống được đến hôm nay."

“Ngươi… nói bậy nói bạ." Nghiêm Cương đứng bật dậy, mắt toé lửa.

Lương Thiên Đức không nhìn y, vẫn điềm đạm tiếp: “Nghiêm huynh nói đúng lắm. Tôi chẳng qua là một tên thô mãng, chỉ biết ăn nói bậy bạ thôi."

“Binh lực Mông Cổ đã hùng mạnh như thế mà vẫn ráo riết chiêu binh." Bạch Phác lộ vẻ ưu tư: “Dã tâm diệt Tống của Mông Ca Hãn7 thực đáng sợ!"

“Diệt Tống?" Văn Tĩnh ngừng đũa, nhìn Bạch Phác.

“Ừ!" Bạch Phác nói: “Quân Thát chia làm hai cánh, do hoàng đế Mông Ca và em hắn là Hốt Tất Liệt dẫn đầu đã sẵn sàng chiến đấu, sắp tấn công xuống đây rồi! Em không biết ư?"

Văn Tĩnh nghi hoặc nhìn cha: “Đại Tống có binh tướng chứ?" Gã hỏi.

“Hừm… tất nhiên là có."

“Thế thì được rồi, thuyết thư tiên sinh8 từng nói, binh đến đã có tướng ngăn, nước tràn thì đắp đê chặn, đánh lui bọn Thát là ổn thôi." Văn Tĩnh dương dương tự đắc, cho rằng mình nói rất đúng.

“Hà, hay cho cái câu binh đến đã có tướng ngăn, nước tràn thì đắp đê chặn." Đoan Mộc Trường Ca vẫn im lặng nãy giờ chợt lên tiếng: “Từ thời Thành Cát Tư Hãn đến nay, mấy chục năm rồi Mông Cổ chưa thua trận lần nào; còn Đại Tống, từ thời Ngu Doãn Văn9 phá Kim đến nay, gần trăm năm rồi chưa lần nào thắng trận. Mạnh yếu ra sao, khỏi nghĩ cũng biết, cháu nhỏ nói thế là quá vô căn cứ đấy."

Văn Tĩnh đỏ mặt, ngoảnh đầu nhìn đi chỗ khác, bỗng thấy nơi khuất tối ở mặt tường phía nam có một bức Thái Bạch hành ngâm đồ10, bên dưới đề hai mươi dòng bài Thục Đạo Nan

theo lối cuồng thảo, nét chữ rất độc đáo.Bạch Phác thấy gã ngắm bức hoạ đến thất thần, bèn hỏi: “Em cũng thích tranh chữ?"

“À… không." Văn Tĩnh đỏ mặt: “Tôi chỉ cảm thấy bức tranh này rất đặc biệt, tranh và chữ bộc lộ khá mạnh tâm tư của người vẽ."

Bạch Phác ngạc nhiên: “Em nói thử xem!"

Văn Tĩnh nói: “Bức hoạ tuy chỉ trình bày trên ba thước, nhưng cảnh vật và con người trong tranh tựa như trải trên giấy lụa dài tới muôn trượng. Nói cách khác, người vẽ có sẵn khí độ và bản lĩnh để phóng tay trên một phạm vi rất rộng, nhưng khi đặt bút lại phải giới hạn trong khuôn khổ một tờ giấy xuyến nhỏ. Nét bút toát lên khí phách bất phàm khó tả, tràn ra ngoài bức tranh, như muốn xé rách tất cả con người và cảnh vật, bộc lộ khí thế cuồng dã mạnh mẽ lạ thường, tâm cảnh của người vẽ rất hợp với câu thơ Cổ lai đại tài nan vi dụng11 của Đỗ Công Bộ."

“Ồ." Bạch Phác gật gù: “Thực không dám giấu, bức hoạ đó là của thầy ta, dạo xưa người đi qua vùng này, nhân hứng mà vung bút vẽ."

“Á, lệnh sư thật tài giỏi. Có điều, tôi cảm thấy bức hoạ không những cuồng dã, mà còn hàm chứa một nỗi bi thương rất khó tả…"

“Bi thương?"

“Ừm, lạ thực! Thoáng nhìn thì thật tuyệt diệu, nhưng nhìn kỹ thì thấy chỗ nào cũng có mâu thuẫn, năm bè bảy bối, hoa và cỏ, núi và nước, nước và người, người và chữ, không chỗ nào hoà hợp cả. Khi vẽ bức tranh này, lệnh sư hẳn rất buồn bã, trái tim tan nát."

“Thầy ta quả đúng là luôn làm những việc khiến người khác khó hiểu." Bạch Phác lộ vẻ ngạc nhiên, “Nhưng ta tận mắt quan sát sư phụ vẽ, mà không nhận ra những điều như em vừa mô tả, em nắm bắt được cái người khác không nhìn thấy, thực là cao minh."

“Đâu có, đâu có." Văn Tĩnh toét miệng cười.

“Thằng lỏi con chỉ giỏi ba hoa chích choè." Một giọng nói bỗng vang lên bên ngoài quán trọ: “Trả cho mi cái này đây." Một vệt sáng trắng bắn vào vùn vụt, lao thẳng đến mặt Văn Tĩnh. Lương Thiên Đức vội giơ tay bắt lấy, ai ngờ nó bỗng nhanh hẳn lên. Lão chộp hụt. Phắp một tiếng, vệt sáng đánh thẳng vào mặt Văn Tĩnh.

Lương Thiên Đức cả kinh, biết rõ đốm sáng lao tới mạnh như thế, tất nóng rát, đụng phải thế nào cũng bị thương, Văn Tĩnh trúng đòn thì mười cái đầu cũng bị đánh vỡ. Nào ngờ nhìn kỹ, lại thấy mặt gã chỉ bầm đỏ. “Con không sao chứ?" Lão hỏi.

Văn Tĩnh ngơ ngác, cầm lên một miếng ngọc bài màu trắng, kinh ngạc kêu: “Ối chà! Cái này bị ăn cắp mất rồi cơ mà!" Lương Thiên Đức nghe nói biến sắc, ngoắt đầu xem. Bạch Phác mặt xám như tro tàn. Đoan Mộc Trường Ca mở to mắt, nhìn chằm chằm vào miếng ngọc. Nghiêm Cương đứng bật dậy, la thất thanh: “Cửu Long ngọc lệnh." nói rồi phóng vút ra ngoài toan đuổi theo. Bạch Phác giữ lại: “Không kịp đâu." Giọng y run run: “Thầy tôi đấy." Mọi người giật mình.

“Thủ pháp ném ám khí xa mạnh gần yếu ấy có tên Hổ đầu xà vĩ, là tuyệt kỹ độc môn thầy tôi sáng tạo ra khi đi ngao du khắp nơi." Ánh mắt y dừng ở Văn Tĩnh: “Nhưng mà, vì sao gia sư nói ‘Trả cho mi’, còn em lại nói ‘bị ăn cắp mất rồi’. Hở, em có thể giải thích cho rõ ràng được không…"

Y chưa dứt lời, Đoan Mộc Trường Ca đã nhướng mày, vươn tay ra, nhanh như chớp nắm lấy mạch môn của Văn Tĩnh. Lương Thiên Đức ngấm ngầm kêu khổ, lại thấy Nghiêm Cương đã đi kiểu con cua ra án ngữ cửa quán. Bạch Phác từ từ đứng lên, vòng tay: “Mong lão tráng sĩ nói cho rõ."

Lương Thiên Đức do dự. Đoan Mộc Trường Ca cười nhạt: “Lão già không nói thì còn thằng con." rồi vận kình, Văn Tĩnh đau đớn la lối: “Ông… ôi giời.. vặn tôi… làm gì… ôi ôi."

“Trước đây mày đã trông thấy miếng ngọc bài này rồi phải không?" lão đanh mặt hỏi.

“Trông thấy… ối dà… thì sao…?"

“Ở đâu?"

“Ối… ông buông tay ra…"

“Nói!"

“Ông buông ra đã… Ôi dà!"

“Còn ngoan cố thì tao sẽ huỷ cánh tay này của mày luôn!"

“Huỷ… ối… tôi cũng không nói…" Văn Tĩnh đau đến trào nước mắt.

“Đồ vô dụng, muốn ra vẻ anh hùng thì đừng có khóc!" Lương Thiên Đức lạnh lùng nói.

“Nhưng… ối dà… lão ấy vặn con đau quá." Văn Tĩnh nuốt lệ.

“Không ngờ các ngươi lại dùng thủ đoạn đó." Lương Thiên Đức phất tay áo. “Cũng được, đi theo ta."

“Sự việc dị thường, xin huynh đài chớ trách." Bạch Phác tỏ vẻ rất lấy làm tiếc.

“Hừ!" Lương Thiên Đức sải bước thật nhanh ra cửa.

Toán người gấp rút đi. Đến trước Thần Tiên độ, Lương Thiên Đức thình lình đứng lại, thở dài, “Chính chỗ này đây." Lão trỏ về phía xa, nói với ba người đang đứng nghệt mặt như ngỗng ỉa sau lưng. Trên quãng trống, cây cối xác chết vẫn y nguyên, tựa hồ chưa hề có ai đến. Im lặng. Nấc. Nghiêm Cương bỗng ngã khuỵu, phủ phục bên thi thể người thanh niên nọ. Bạch Phác và Đoan Mộc Trường Ca cũng quỳ xuống, lệ tuôn lã chã.

“Gã đó là thế nào với bọn họ vậy? Khóc thảm thiết quá!" Văn Tĩnh nắn bóp chỗ cổ tay bị nhéo đỏ bầm.

“Chắc là chủ nhân!" Lương Thiên Đức nói.

“Sao bố biết?"

“Hừ!" Lương Thiên Đức cười nhạt: “Con có hiểu nghĩa mấy chữ viết trên ngọc bài không?"

“Trẫm… là hoàng đế tự xưng, à, nghĩa là cũng như chính hoàng đế ngự giá đến." Văn Tĩnh sực hiểu.

“Miếng ngọc ấy là tín vật của khâm sai đại thần, cầm nó là có quyền sinh quyền sát. Ai được hoàng đế Đại Tống tín nhiệm thì mới được ban tấm lệnh bài đó, người chết này lai lịch không đơn giản đâu." Lương Thiên Đức tức giận nhìn Văn Tĩnh: “Kẻ kia nói ‘trả cho mi’ nghĩa là sao?" Văn Tĩnh trố mắt, cứng miệng, chợt thấy Bạch Phác đứng lên, rỏ lệ ca: “Thân kí tử hề hồn dĩ linh, hồn phách nghị hề vi quỷ hùng12…" Lời ca hoà với tiếng gió thu hiu hắt, nghe rất thê lương. Truyện "Côn Luân "

“Y nói gì thế?" Lương Thiên Đức ngơ ngác, buột miệng hỏi.

“À, đấy là lời hát trong Quốc Thương của Khuất Nguyên, ý rằng: tuy người đã chết rồi, nhưng tinh thần vẫn trường tồn; hồn phách người còn đấy, được xưng tụng là anh hùng trong các linh hồn."

“Nếu mày luyện võ cũng chăm chỉ như đọc sách thì công phu đâu đến nỗi què quặt như vậy." Lương Thiên Đức trừng mắt bảo. Hai cha con đang nói chuyện, bỗng thấy Đoan Mộc Trường Ca nhảy lên, hai nắm tay như hai luồng gió đánh tới.

Lương Thiên Đức không kịp đỡ đòn, cũng chẳng kịp nghĩ ngợi gì, lộn mình lăn lại sau. Văn Tĩnh thô lố mắt, đứng bất động, áo và tóc bị kình phong thổi bay dạt. Chưởng nọ đánh tới thực mạnh. Xem chừng lần này, gã thiếu niên không chết cũng bị thương.

Xảy cái một luồng gió vút từ bên cạnh lại, va chạm với chưởng lực của Đoan Mộc Trường Ca, kêu răng rắc, kình phong tản đi. Lương Thiên Đức đứng gần đấy cũng cảm thấy rát mặt.

Đoan Mộc Trường Ca giật lui mấy bước liền, nhận ra là Bạch Phác, mặt mày ngơ ngác.

“Đoan Mộc tiên sinh? Vì sao hành động như vậy?" Bạch Phác đứng án trước mặt Văn Tĩnh, chậm rãi hỏi.

Đoan Mộc Trường Ca hầm hầm: “Hai tên này biết thiên tuế gặp nạn ở đây mà vừa rồi lần chần không chịu nói, rõ ràng là mưu đồ ám muội." Bạch Phác nhíu mày, chăm chú nhìn cha con họ Lương.

Cơn phẫn nộ qua đi, Lương Thiên Đức ngấm ngầm kinh ngạc. Võ công của Đoan Mộc Trường Ca đã rất ghê gớm rồi, nào ngờ Bạch Phác xuất thủ còn lợi hại hơn nữa, cử động nhẹ nhàng mà khí lực rất nặng, lão nhủ thầm việc đã đến nước này, không nói rõ ràng, ắt khó thoát thân. Lương Thiên Đức đang ngẫm nghĩ, bỗng nhận ra Văn Tĩnh vẫn đờ đẫn ngớ ngẩn thì rất kinh ngạc: “Nó bị chưởng lực đả thương rồi chăng?" liền cất tiếng gọi to: “Thằng khốn kiếp kia không sao chứ?"

“Bố gọi con?" Thằng khốn kiếp như tỉnh cơn mơ.

“Mày… mày…" Lương Thiên Đức thấy con vẫn bình thường, tức giận quát tháo: “Sao mày đứng đực ra đấy?"

“Hà, con vừa mới đoán được ý tứ trong lời ca của Bạch tiên sinh. Khi Khuất đại phu viết bài thơ này, nước Sở đang liên tiếp thua trận, sắp diệt vong tới nơi. Quốc Thương là bài ai điếu những chiến sĩ hi sinh nơi sa trường, chiếu theo đó, người trẻ tuổi này có lẽ cũng bỏ mạng vì nước! Chẳng biết đúng hay sai?"

Nghe vậy, Lương Thiên Đức siết nắm tay thật chặt, toàn thân run lên. Văn Tĩnh từ nhỏ đã hiếu văn không hiếu võ, tối ngày chạy sang nhà Huyền Âm đạo sĩ - bạn sống chết của cha, lão này kinh thư một bụng, nhà chứa đầy sách - miệng thì bảo là học võ, kỳ thực toàn học văn. Lương Thiên Đức dạy gã võ công, gã chỉ tuế toá cho qua, nhưng hễ cầm sách lên thì quên ngủ bỏ ăn, cứ ôm sách là thẫn thờ nhìn trời, bị cha bạt tai vẫn lơ mơ không tỉnh. Hôm nay gặp lúc gấp gáp thế này mà gã vẫn phát bệnh cũ, bảo sao ông bố không tức giận cho được. Truyện "Côn Luân "

Ba người kia nghe vậy, sáu mắt cùng đổ dồn vào Văn Tĩnh, nhìn chòng chọc đến mức khiến gã dựng tóc gáy. Hồi lâu, Đoan Mộc Trường Ca lắc đầu: “Không giống, thằng ranh này ngớ nga ngớ ngẩn, không phải là giả vờ đâu." Văn Tĩnh bị cha mắng quen tai, cũng không phản ứng gì. Lương Thiên Đức nghe thấy chán nản, trừng mắt lườm thằng con một cái.

“Thực ra, nếu Đoan Mộc tiên sinh chịu khó xem kỹ những dấu vết trên đất, sẽ biết hung thủ chỉ có một người." Bạch Phác nghiêm mặt: “Hừm, hai cha con nhà này thì làm gì có bản lĩnh đó?"

Văn Tĩnh thầm kinh ngạc: “Ông ta cũng nhận ra."

Đoan Mộc Trường Ca chăm chú quan sát, bàng hoàng tỉnh ngộ: “Đúng. Lão phu sống già nửa đời người mà chưa gặp cao thủ nào lợi hại như vậy, chẳng biết lai lịch ra sao?" Bạch Phác cau mày trầm ngâm.

“Vả chăng," Đoan Mộc Trường Ca lại nói, “Để đề phòng bất trắc, lần này thiên tuế đã dùng kế minh tu sạn đạo, ám độ Trần Thương, cho đại quân đi đường thuỷ qua Tam Hiệp, bản thân mình thì theo đường bộ vào Xuyên. Vì sao hung thủ biết rõ mà chặn đúng hướng?"

Bạch Phác gật đầu, giọng hối hận: “Rất ít người biết việc này, chỉ e ba chúng ta cũng khó tránh khỏi liên đới. Ôi, nếu biết trước, ta nên ở cạnh vương gia mới phải…"

“Tôi xưa nay rất khâm phục công phu của Bạch tiên sinh. “Nghiêm Cương bỗng lạnh lùng lên tiếng: “Võ công của lệnh sư chắc còn ghê gớm hơn nữa?"

Bạch Phác sững người, mặt sa sầm: “Nghiêm huynh có ý gì vậy?"

Nghiêm Cương im lặng cười khẩy.

Đoan Mộc Trường Ca nhíu mày: “Bạch tiên sinh! Vì sao Cửu Long ngọc lệnh lại nằm trong tay lệnh sư?"

Bạch Phác cười nhạt, bỗng lắc mình, lao vào Đoan Mộc Trường Ca, vung tay phải chụp tới. Đoan Mộc Trường Ca cả kinh, ra chiêu Thiết môn thuyên13, hoành tay chặn lại, nào ngờ Bạch Phác chụp tới rất nhanh, nhanh hơn lão mười mấy lần, thoắt một cái đã áp sát lại, Đoan Mộc Trường Ca chỉ thấy hoa mắt, ngực đã bị tóm chặt.

Nghiêm Cương nổi giận. Y có ngoại hiệu là Bát tý đao, cách dùng đao rất kỳ quái, chẳng rõ cử động thế nào, đã thấy một vệt trắng mờ lướt xéo về phía Bạch Phác. Bạch Phác né mình, phất tay áo, gác lên sống đao, vừa đẩy vừa kéo. Nghiêm Cương hổ khẩu chấn động, suýt tuột mất đại đao, đang định vận kình để đoạt lại, hữu chưởng của Bạch Phác đã tức tốc thò ra khỏi tay áo, ấn lên thân đao. Chưởng lực nặng nghìn cân đè trĩu xuống. Nghiêm Cương thấy cánh tay tê dại, trừng trừng nhìn Bạch Phác thu tay áo về, mang theo cả đại đao của y.

Ngần ấy động tác chỉ diễn ra trong nháy mắt. Mọi người nín thở, không khí lặng ngắt. Gió núi quạt lên quần áo họ lật phật.

“Các ngươi có thể nghi ngờ Bạch Phác này, chứ không được lăng nhục sư tôn ta, ta không khách sáo đâu." Khuôn mặt lạnh lùng, Bạch Phác từ từ thả lỏng Đoan Mộc Trường Ca, phất tay áo, đại đao hoá thành một vệt sáng, lao thẳng tới vách núi, cắm gần lút đá sau một tiếng keng.

Đoan Mộc Trường Ca và Nghiêm Cương tuy biết Bạch Phác bản lĩnh cao cường, nhưng không ngờ y lợi hại đến mức ấy, bất giác đưa mắt nhìn nhau, trái tim lạnh buốt đi.

“Không… không thể trách sư phụ của Bạch tiên sinh!" Văn Tĩnh theo dõi tình hình, không kìm được bèn lắp bắp thuật lại sự việc lúc trước, sau đó nhìn Lương Thiên Đức nói: “Hoá ra nho sinh trộm cắp ấy không phải là ma, mà là sư phụ của Bạch tiên sinh!" Lương Thiên Đức tức muốn ộc máu, hằm hằm cho thằng con mấy cái bạt tai như trời giáng: “Còn cần mày phải nói ư! Đồ quỷ tha ma bắt, chỉ giỏi bới chuyện!"

Nghiêm Cương sửng sốt: “Cái gì mà chỉ giỏi bới chuyện? Gặp phải những việc tương tự, lẽ tất nhiên là phải đi báo quan."

“Báo quan?" Lương Thiên Đức trợn mắt: “Đám quan lại mỏ dài nanh nhọn của Đại Tống, đang yên đang lành còn giỏi vạch lông tìm vết, huống hồ việc tày đình thế này. Nếu không tìm được hung thủ, hừ, cha con ta đừng mơ thoát thân, chưa chừng còn phải chịu tội thay, lão phu đời nào ngốc thế!" Nghiêm Cương nổi giận, toan chửi bới, lại thấy Lương Thiên Đức liếc mắt về phía Cửu Long ngọc lệnh: “Nếu ta không lầm, đó là tín vật quan hệ mật thiết với hoàng gia!" Nghiêm Cương giật thót

“Đúng!" Đoan Mộc Trường Ca gật đầu: “Các hạ kể cũng tinh tường! Cửu Long ngọc lệnh là binh phù hoàng thượng ban cho thiên tuế, có thể điều động binh mã Xuyên trung."

Lương Thiên Đức kinh ngạc, cau mày hỏi: “Thật thế ư? Quan trọng đến mức đó sao?" Lão nhìn xác người thanh niên: “Vậy ông ta là ai?"

Bạch Phác cười buồn bã: “Các hạ ở phương bắc, đã nghe đến đại danh của Hoài An vương bao giờ chưa?"

Lương Thiên Đức sửng sốt biến sắc, thở ra một hơi, không đáp. Văn Tĩnh ngơ ngác hỏi: “Hoài An vương là ai?"

“Em không biết đấy thôi." Bạch Phác kiên nhẫn giải thích: “Hoài An vương văn võ song toàn, hùng tài đại lược, là một vị hiền vương hiếm có của Đại Tống." Y nhăn mặt: “Em có hiểu vì sao Đại Tống luôn ở thế yếu khi giao phong với ngoại tộc không?" Văn Tĩnh lắc đầu, bụng bảo dạ: “Điều ấy thì can hệ gì tới tôi?" Bạch Phác chán nản, nói như trút tâm sự:

“Đại Tống binh lắm lương nhiều, theo lý mà nói lấy thịt đè người, chưa chắc đã thua bọn Thát. Nhưng thuở khai quốc, Thái Tông hoàng đế muốn đề phòng đại tướng nắm giữ quá nhiều binh hùng tướng mạnh, đe doạ vương quyền, nên mượn chén rượu tập hợp lực lượng14, đoạt lấy quyền điều binh của các võ tướng. Từ đó trở đi, triều đình Đại Tống trọng văn khinh võ, quan võ bị kiềm thúc áp chế đủ điều, quan văn bành trướng thế lực, nếu văn võ tương tranh, phần thua thiệt tất nhiên thuộc về quan võ. Đại tướng thống lĩnh binh mã ở bên ngoài nhưng thường xuyên bị triều đình điều khiển, không thể nào thi triển được sở trường, ngay như Nhạc Vũ Mục tuy rất tài giỏi mà vẫn bị mười hai đạo kim bài đoạt lấy quyền bính, cuối cùng chết thảm bởi tay Tần Cối. Có thể nói, không phải do bọn Thát lợi hại, mà do Tống triều không có đại tướng đủ quyền cầm binh." Truyện "Côn Luân "

Bạch Phác nói tới đây, thở dài: “Đáng tiếc hiện tại ngoài Hoài An vương, không còn ai hiểu được đạo lý này cả." Văn Tĩnh nghe xong nghệt mặt ra, Bạch Phác tiếp:

“Mấy năm nay, thiên tuế vất vả chèo chống, tướng lĩnh biên ải phần lớn đều được người bảo vệ và tiến cử, bọn Thát nhiều lần xâm phạm bờ cõi, cũng lại thiên tuế ra đứng đầu sóng ngọn gió, đánh lui cường địch. Lần này quân Mông Cổ rầm rộ tiến vào, thiên tuế không muốn ngồi trông Lâm An, cương quyết đến Thục tự mình đốc chiến, nào ngờ bị đám đối đầu trong triều mè nheo, nhất thời không thể nắm được đại quyền điều binh, vì vậy mới lệnh cho ba chúng ta mang thư tay của người vào Xuyên trước, dò la tình hình, một là đề ra sách lược cự địch, hai là yên ủi lòng quân, ba…" Bạch Phác nói đến đây, bất giác tắc họng, thầm nghĩ: “Thực ra thiên tuế muốn thừa cơ hội này nắm quân đội, đoạt đế vị. Ôi, nếu không phải người phái ba chúng ta vào Xuyên hành động, kết hợp các biện pháp vừa mềm dẻo vừa cứng rắn, thúc giục đại tướng Xuyên trung dâng tấu mời đích danh thiên tuế tới đốc chiến, thì làm sao lãnh được quyền điều binh. Người hành trình bí mật thế này, cốt đề phòng phe đối đầu gia hại, nào ngờ…" nghĩ tới những âm mưu toan tính, y bất giác thở dài: “Em có biết ai là kẻ đối đầu với thiên tuế không?"

Văn Tĩnh nghe hỏi, ngơ ngác nhủ bụng: “Tôi biết thế quái nào được." Bạch Phác cũng không mong gã trả lời, lẩm bẩm một mình: “Kẻ ấy vai vế nào phải tầm thường." Y sầm mặt, thở hắt ra: “Đương kim thái tử!"

“Thế thì là hoàng đế tương lai rồi còn gì?" Văn Tĩnh nghe xong giật thót.

Bạch Phác cười nhạt: “Thái tử không hài lòng vì hoàng thượng tin yêu Hoài An vương, sợ ảnh hưởng đến ngôi vị mai sau, sợ ngai vàng bị đoạt mất, vì vậy đi câu kết với bè lũ gian thần, tối ngày chống đối thiên tuế. Thiên tuế bình sinh lắm mưu nhiều kế, bọn đó không phải là đối thủ, nhưng nếu để bọn chúng biết tin dữ này, tất nhiên sẽ ồ ạt tiêu diệt hết những người không cùng phe, tướng lĩnh tiền tuyến đều do một tay thiên tuế dìu dắt, đến lúc đó mọi người khó tránh khỏi nguy hiểm, tâm trí đâu mà dồn sức đánh Thát nữa?"

“Bọn đó không đếm xỉa gì đến sự tồn vong của quốc gia hay sao?" Văn Tĩnh ngạc nhiên.

“Nếu bọn chúng nghĩ được như thế, Nhạc Vũ Mục đã không chết oan khuất trong Phong Ba đình." Bạch Phác thở dài: “Em ạ, trên đời không có gì vô liêm sỉ hơn là tranh đoạt quyền lực." Y nghiến răng: “Vụ huyết án này chắc do tên thái tử chó má kia gây ra đây!"

Đoan Mộc Trường Ca đằng hắng: “Bạch tiên sinh, nói như vậy khá nặng nề đấy, ở đây không sao, đến chỗ khác chớ tuôn ra những lời ấy."

“Sợ cái gì?" Bạch Phác cười thảm thiết: “Ngoài thiên tuế ra, triều đình còn ai đáng để ta kính trọng? Thiên tuế đi rồi, Bạch mỗ hết vương vấn, không muốn tiếp tục quỵ luỵ nhún nhường triều đình Đại Tống đổ nát kia nữa."

“Nói năng kiểu gì vậy?" Nghiêm Cương hầm hầm thét: “Nguy hiểm ở ngay trước mắt, không nghe lệnh vua, không dốc sức vì nước, chẳng lẽ cứ giương mắt nhìn bọn Thát đến làm càn hay sao?"

“Đại Tống hết rồi!" Bạch Phác lắc đầu, thở dài nói: “Tin này truyền đi, tiền phương ắt loạn, nội bộ xung đột, trước vó ngựa sắt vô địch của hoàng đế Mông Cổ, trận này chưa đánh đã biết thắng thua. Mặc kệ các người tự định liệu thế nào, ta chỉ đợi ngày thành vỡ là xông ra, liều mạng với mấy tên Thát cho xong."

Mọi người nghe vậy đều ủ rũ. Bạch Phác cúi xuống, ôm thi thể Hoài An vương lên: “Chịu ơn tri ngộ của thiên tuế, Bạch Phác chưa báo đáp, hôm nay đành tiễn người một thôi đường." Nghĩ tới vận nước lâm nguy, bất giác sa lệ.

Văn Tĩnh thấy y buồn khổ, cầm lòng không đậu bèn khuyên giải: “Bạch tiên sinh hà tất nản chí. Mọi người thử suy nghĩ xem, may ra có cách gì chăng."

“Cách?" Nghiêm Cương cười khẩy: “Thằng nhóc con miệng còn hơi sữa thì hiểu gì?"

Văn Tĩnh đỏ lựng mặt, cãi lại: “Chí khí không phân biệt tuổi tác. Vương gia này cũng lớn hơn tôi bao nhiêu đâu?"

“Khốn kiếp! Mày dựa vào cái gì mà dám so bì với vương gia?" Nghiêm Cương trừng mắt gầm gừ.

Đoan Mộc Trường Ca xua tay: “Thôi đi Nghiêm lão đệ! Chú nhỏ cũng có ý tốt mà!"

Bạch Phác gật đầu liếc Văn Tĩnh, rồi lại liếc gương mặt của Hoài An vương, thở dài. Bỗng y rùng mình, ngẩng phắt đầu lên, nhìn Văn Tĩnh chằm chằm. Gã thiếu niên gai người. Lương Thiên Đức thấy thần sắc y cổ quái, lấy làm lạ, dịch lại gần con trai.

“Đoan Mộc tiên sinh, ông có nhớ năm năm trước hình dáng thiên tuế thế nào không?" Bạch Phác cất tiếng, vẫn ngắm Văn Tĩnh.

“Nhớ chứ!" Đoan Mộc Trường Ca gật đầu: “Nhưng sao?"

“Hơi giống!" Bạch Phác lẩm bẩm: “Nếu …"

Đoan Mộc Trường Ca hướng theo ánh mắt y, chăm chú nhìn Văn Tĩnh, cũng giật mình, ngạc nhiên bảo: “Kỳ thế, ông nói vậy… chẳng lẽ…" Lão quay sang Bạch Phác, vẻ dò hỏi. Bạch Phác gật gù: “Không hổ là Đoan Mộc tiên sinh…"

“Đổi kèo thay cột?" Đoan Mộc Trường Ca nghiêm túc hẳn lên.

“Ừ!" Bạch Phác siết tay, run rẩy: “Lộng giả thành chân!"

Đoan Mộc Trường Ca nói sau một thoáng trầm ngâm: “Được!"

“Các người đang bàn cái gì vậy?" Nghiêm Cương như từ trên trời rơi xuống, thắc mắc hỏi.

Bạch Phác hít một hơi, nhìn y: “Nghiêm huynh, gia đình tính mệnh của ba chúng ta so với thiên hạ Đại Tống, bên nào nặng hơn?"

“Tất nhiên là thiên hạ Đại Tống."

“Tin thiên tuế mất truyền ra sẽ có hậu quả gì, ông tưởng tượng được không?"

“Ờ… có."

“Đúng thế đấy. Bạch mỗ thà đánh cược một chuyến, chứ không muốn giương mắt thõng tay nhìn cảnh gia phá nhân vong."

“Đánh cược?" Nghiêm Cương trố mắt.

“Phải. Đem tính mệnh và gia đình ba chúng ta để cược với giang sơn Đại Tống."

“Thế là thế nào?" Nghiêm Cương vẫn ngơ ngác.

Đoan Mộc Trường Ca tiếp lời: “Hiện nay đại quân Mông Cổ đã đến sát biên giới, nếu biết thiên tuế mất, lòng quân dao động, đại cục sẽ vỡ. Nay ta cho một người đóng giả thiên tuế, giữ yên nhân tâm là sẽ giằng co được với Mông Cổ, thành công thì tạo phúc cho trăm họ, nhược bằng thất bại, ba chúng ta khó thoát nổi hoạ diệt tộc, cũng chẳng tồi tệ hơn là để mọi việc vỡ lở ngay lúc này. Cân nhắc lợi hại, chi bằng phó thác thành bại cho may rủi, đánh cuộc với số mệnh chúng ta một phen."

Nghiêm Cương sửng sốt: “Nói sao mà dễ nghe thế, người đâu để đóng giả thiên tuế?"

Bạch Phác và Đoan Mộc Trường Ca cùng trỏ Văn Tĩnh: “Người đấy!"

Văn Tĩnh suýt ngã bổ chửng.

“Đùa kiểu gì vậy?" Nghiêm Cương hộc lên: “Thiên tuế là rồng trong loài người, tuyệt đại phong hoa, nói năng như phun châu nhả ngọc. Thằng ranh con này ngu độn ít thấy, thoáng nhìn đủ biết là một con sên chính cống. Để nó đóng giả vương gia có khác gì đẩy chúng ta vào đường cùng?" Truyện "Côn Luân "

“Ai thèm đóng giả cái gã chết ngủm ấy?" Văn Tĩnh cũng tỏ ra cáu kỉnh.

“Mày gọi ai là gã chết ngủm?" Nghiêm Cương trợn mắt vung nắm đấm. Văn Tĩnh thấp người tránh, nhưng vẫn cãi cố: “Thì chết thật còn gì!"

Nghiêm Cương lửa giận phừng phừng, bước lên quát: “Thằng nhóc, có giỏi nói lại lần nữa xem!" Y sừng sộ như muốn ăn tươi nuốt sống Văn Tĩnh, vừa gào vừa xắn tay áo. “Phải cho mày một trận nên thân."

“Thôi nào thôi nào, cậu ấy cũng chỉ lỡ miệng thôi." Bạch Phác vội vàng giảng hoà.

Nghiêm Cương hừ mũi: “Ranh con nhát như thỏ đế, đóng giả vương gia thế quái nào được."

Văn Tĩnh im thin thít. Bạch Phác liếc gã, húng hắng bảo: “Nhưng ngoại hình của cậu ấy từa tựa vương gia, lại cùng nói giọng Giang Nam, hoá trang thêm là ổn." Truyện "Côn Luân "

“Nó mà mở miệng thì chí nguy." Nghiêm Cương nhìn Bạch Phác vẻ hồ nghi.

Bạch Phác nói: “Chỉ cần đừng ở xa quá, tôi khắc có cách dạy cậu ấy ứng phó."

“Tốt nhất là hạn chế nói năng," Đoan Mộc Trường Ca đề nghị: “câm nín như tượng Phật trong chùa ấy."

Nghiêm Cương hiểu ra, vỗ trán: “Ừ nhỉ, nó không nói gì là được rồi." Y nhìn Văn Tĩnh, hằn học bảo: “Hễ mày gây tiếng động, tao sẽ bẻ gãy cổ ra."

“Đánh rắm cũng không được à?" Văn Tĩnh lẩm bẩm cãi.

Nghiêm Cương từng luyện ám khí, tai rất thính, nghe thấy rõ mồn một bèn ngang ngược bác bỏ “Đương nhiên không được."

Văn Tĩnh không chịu nổi, gào ầm lên. “Ồ, sao các người vô lý vậy?"

“Em không đồng ý à?" Bạch Phác tỏ vẻ bất ngờ.

“Không!" Văn Tĩnh dứt khoát.

“Vì nước vì dân mà!"

“Bố con tôi chủ đích muốn về quê làm ruộng. Hơn nữa tôi cũng không biết đóng vai thiên tuế vạn tuế gì đâu." Văn Tĩnh vừa nói vừa nghĩ: “Nghe bàn đã đủ sợ rồi, gan đâu mà làm. Đầu óc mấy người này có vấn đề à?"

Bạch Phác không để ý đến gã nữa, mỉm cười hỏi: “Tôi chờ nghe ý kiến của Lương lão tráng sĩ."

Lương Thiên Đức ngửa mặt nhìn trời, lặng im không nói.

Văn Tĩnh chắc mẩm. “Bố vốn non gan nhát chết, đời nào bằng lòng."

Lương Thiên Đức nghiêm mặt, nhìn bầu trời u ám, thở dài, “Hai mươi năm rồi!" Lão thì thầm: “Trăm phương nghìn kế, trốn chạy khắp nơi, cuối cùng vẫn không thoát được!"

“Hai mươi năm? Bố đang nói gì thế nhỉ?" Văn Tĩnh thầm nghĩ: “Mà thôi mặc kệ, chỉ cần bố không đồng ý với bọn họ là được."

“Hai mươi năm?" Đoan Mộc Trường Ca chăm chú nhìn lão hồi lâu, bỗng buột miệng hỏi: “Lương huynh… có phải là Lương Mộ Đường thích sát Đinh tướng quân, liên đới cả nhà chịu tội năm xưa đấy không?"

“Sao ông biết?" Lương Thiên Đức hoảng kinh thất sắc, lập tức đề phòng, bước giật lui, vận khí.

“Quả thực vật đổi sao dời, chẳng ngờ lại gặp ‘Tái Do Cơ’ ở đây!" Đoan Mộc Trường Ca xoa tay thở dài. Lương Thiên Đức thấy lão gọi ra ngoại hiệu trước kia của mình, kinh ngạc vô cùng, muôn mối xúc cảm đan xen, bất giác thả lỏng nắm tay. Đoan Mộc Trường Ca lại nói: “Năm xưa tôi đã từng gặp tiên sinh ở Lâm An."

Lão đổi cách xưng hô, từ ‘tráng sĩ’ thành ‘tiên sinh’: “Tiên sinh thống lĩnh cấm quân, tinh thông binh pháp, tài bắn cung cưỡi ngựa vào bậc nhất thời ấy. Những năm Đoan Bình, khách bắn điêu Mông Cổ ghé thăm, tiên sinh cưỡi ngựa chạy xa hơn năm trăm bộ vẫn bắn xuyên tâm đồng tiền, thực khiến người đời kinh ngạc. Lúc ấy tại hạ chính mắt chứng kiến thần uy, hai mươi năm rồi vẫn như vừa trông thấy." Bạch Phác và Nghiêm Cương nghe xong cùng ngạc nhiên, chú mục nhìn Lương Thiên Đức, thầm nghĩ: “Người này mà lợi hại thế sao?"

Lương Thiên Đức kinh ngạc vô cùng: “Trí nhớ các hạ tốt thật đấy."

“Đâu có." Đoan Mộc Trường Ca nói: “Hồi ấy danh tiếng của tiên sinh quá lừng lẫy!" Nói tới đây, lão mỉm cười: “Xạ thủ Mông Cổ đâu phải tầm thường, thế mà tiên sinh thắng được, thực ghê gớm!"

“Bố, bố giỏi đến vậy à?" Văn Tĩnh không kìm được xen vào: “Sao chẳng dạy con gì cả!"

Mọi người đang tưởng tượng khí thế của Lương Thiên Đức ngày ấy, bỗng nghe thấy Văn Tĩnh kêu lên như vậy, cùng nghĩ thầm: “Hổ phụ khuyển tử. Thằng nhóc này chẳng xứng với dòng dõi chút nào."

“Mày có chịu học cho tử tế bao giờ đâu?" Lương Thiên Đức giận sôi: “Công phu căn bản còn luyện tập nhăng nhít. Nhìn hai cánh tay mày xem, có tý sức lực nào không? Giương cánh cung bốn thạch15 cũng không nổi, bảo ta dạy sao được?"

“Nói cũng đúng." Văn Tĩnh ngẫm nghĩ.

“Thế thì… chắc bố không để con phải đóng Hoài An vương gì gì ấy chứ?"

Bạch Phác ôm quyền: “Lương tiên sinh trung thành can đảm, Bạch mỗ tin rằng ông không từ chối."

Lương Thiên Đức im lặng chốc lát rồi ôn tồn nói: “Trung thành can đảm thì không dám, nhưng việc này, chẳng may không gặp thì thôi, đã gặp rồi, Lương mỗ khó mà rủ tay đứng nhìn." Văn Tĩnh nghe thấy sởn da gà, hoa mắt váng đầu, tay chân bủn rủn.

“Đáng tiếc, con tôi từ nhỏ đã ngây ngô, thực khó đảm đương nổi trách nhiệm nặng nề ấy."

Văn Tĩnh hớn hở, ưỡn thẳng người lên: “Đúng đấy, đúng đấy. Tôi chả nói rồi còn gì, tôi không đóng nổi Hoài An vương đâu."

“Song," Tim Văn Tĩnh lại hẫng một cái. Lương Thiên Đức chăm chú nhìn gã, tự nhủ: “Năm xưa ta hận nịnh thần nắm quyền xu phụ ngoại tộc, nhất thời phẫn uất giết chết tướng quân đương triều, đến nỗi cha mẹ vợ con gặp nạn, may nhờ Huyền Âm giúp đỡ, vớt lại được đứa bé này. Vốn muốn để nó xa hẳn những chuyện thị phi nên rút mình vào vỏ ốc, tránh hết mọi sự ồn ào, nào ngờ vẫn phải đối mặt với những việc can hệ đến trăm họ và xã tắc, muốn trốn cũng không trốn nổi nữa… đúng là số kiếp." Nghĩ tới đây, lão nói:

“Lương mỗ cũng không phải kẻ yếu hèn máu lạnh, năm xưa vì thiên hạ Đại Tống, giết chết nịnh thần, là đã gạt hẳn chuyện gia đình tính mệnh sang một bên. Nay tuy biết khuyển tử vô dụng, khó đảm đương nổi trọng trách, nhưng ba vị đã nghĩ cho lê dân, dám đem thân gia tính mạng đặt cược vào thằng bé ngốc này, Lương mỗ là cha nó, đâu dám co vòi rút cổ, sợ sệt như đàn bà." Văn Tĩnh ngây đuỗn, muốn khóc mà không ra nước mắt. Lương Thiên Đức nhìn gã, ngậm ngùi bảo: “Làm khó con rồi!"

“Bạch mỗ quả không nhận lầm người!" Bạch Phác đưa đẩy.

“Tôi xin kết bằng hữu với Lương huynh." Giọng lệnh vỡ của Nghiêm Cương vang xa khắp núi vắng.

“Đúng đó." Đoan Mộc Trường Ca vuốt râu mỉm cười.

“Không làm, con không làm." Văn Tĩnh dậm chân phản đối: “Con không làm gã thiên tuế chết toi kia đâu."

“Chẳng phải là tại mày sao?" Lương Thiên Đức xạm mặt: “Mày tự chuốc vạ vào thân, đại trượng phu dám làm dám chịu chứ!"

“Con không muốn làm đại…" Văn Tĩnh chưa nói hết, đã bị tát một cái như trời giáng, đau hoa cả mắt, lệ chảy dài.
Tác giả : Phượng Ca
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại