Cổ Đạo Kinh Phong
Chương 347: Thạch quật hàn tuyền
Hai người trở lại Phượng Lâm các, Phượng tỷ đã đón ở ngoài, cười hỏi:
- Thế nào, đi chơi có vui không?
Sở Phong vẻ mặt đau khổ nói:
- Lan muội của cô đâu phải là đi dạo, cô ấy tha tôi đi một vòng quanh Vân Trung, đến từng hiệu thuốc để hỏi Long Câu Thảo gì gì đó, chỉ khổ người ngốc như ta phải theo cả ngày, hôm nay thu hoạch lớn nhất chính là biết Vân Trung có nhiều hiệu thuốc như vậy, những ba mươi tám hiệu cơ đấy!
Phượng tỷ liếc mắt nhìn Sở Phong, lại nhìn về phía Lan Đình:
- Ôi! Người tốt luôn phải khổ, lại có người không thèm cảm kích nữa chứ!
Sở Phong cảm thấy những lời này của Phượng tỷ là nói cho hắn nghe, nhất thời không hiểu ra làm sao, Lan Đình vội vàng nói:
- Phượng tỷ mau chuẩn bị chút đồ ăn, bụng Sở công tử lại không chịu được rồi!
Phượng tỷ cười nói:
- Đã sớm chuẩn bị xong rồi, đi theo ta!
Hai người theo Phượng tỷ lên tầng cao nhất Nghênh Phượng Đình, tiệc rươu quả là đã được chuẩn bị xong.
Trong bữa tiệc, Phượng tỷ hỏi:
- Lan muội định ở lại Vân Trung mấy ngày?
Lan Đình nói:
- Ta... định sáng sớm ngày mai vào kinh thành!
- A?
Phượng tỷ ngạc nhiên.
Sở Phong cũng ngạc nhiên:
- Y Tử, cô vội vã vào kinh chẳng lẽ là vì Long Câu Thảo?
Lan Đình cười:
- Ta nghe nói kinh thành là nơi náo nhiệt nhất thiên hạ, ta còn chưa tới đó, cho nên muốn vào kinh để mở rộng tầm mắt!
Sở Phong gật đầu nói:
- Đúng! Ta cũng muốn xem cảnh tượng nhiệt náo của kinh thành thế nào!
Phượng tỷ không vui:
- Lan muội, kinh thành quanh năm suốt tháng có ngày nào không náo nhiệt, sao lại phải vội đi? Hơn nữa ở đây cách kinh thành cũng chỉ có một, hai ngày đi đường, cũng không cần vội vàng thế chứ? Ta và muội vừa mới gặp mặt, ta không muốn muội đi sớm như vậy!
- Phượng tỷ...
- Khỏi phải nói. Ta biết muội rất thích tìm hiểu danh thắng di tích, di tích ở Vân Trung rất nhiều, sao muội không thăm thú một phen?
- Đúng, đúng!
Sở Phong tiếp lời.
- Y Tử cô nương, chúng ta sao không đi thưởng ngoạn một phen rồi hẵng tới kinh thành?
Trong lòng Lan Đình khẽ động, liền gật đầu.
Thế là mấy ngày sau đó, Sở Phong cùng Lan Đình đi ngắm cảnh xung quanh Đại Đồng, đến Thiện Hóa Tự tham quan Tam Thánh điện, tới Hoa Nghiêm Tự thắp hương Bạc Già điện, đến cổ lâu nghe tiếng trống canh "Thanh văn tứ đạt", đi Nhạn Tháp xem từng đàn chim nhạn bay qua... Tính ra, hai người đã đi thăm một lượt toàn bộ Vân Trung, nơi đâu cũng lưu luyến muốn trở lại.
Hoàng hôn một ngày, hai người đi chiêm ngưỡng Hoàn Quan Âm đường, sau đó trở về Phượng Lâm Các, Phượng tỷ ra đón, cười nói:
- Thế nào, hôm nay vui lắm đúng không?
Sở Phong cười nói:
- Cực kỳ thú vị, nhưng hôm nay đã đi hết một lượt Vân Trung, không biết ngày mai nên tới chỗ nào?
Phượng tỷ cười nói:
- Còn một nơi nổi tiếng nhất, hai người không muốn đến sao?
- A, chỗ đó là chỗ nào?
Phượng tỷ không trả lời, nhưng nhìn về phía Lan Đình nói:
- Lan muội sao lại quên mất chỗ này vậy?
Hai mắt Lan Đình sáng ngời:
- Hang đá Vân Cương?
Sở Phong vỗ đầu:
- Đúng rồi! Hang đá Vân Cương ở ngay Vân Trung, chúng ta cớ gì lại không đi chiêm ngưỡng một phen?
Sáng sớm hôm sau, Phượng tỷ chuẩn bị cho hai người một chiếc xe ngựa, Sở Phong cùng Lan Đình cứ thế ngồi trên xe ngựa đi thẳng tới hang đá Vân Cương. Đọc Truyện Online Tại https://truyenfull.vn
Hang đá Vân Cương nằm dưới chân núi Võ Chu Sơn Nam, phía tây Đại Đồng, cách Đại Đồng hơn hai mươi dặm, bắt đầu được đào vào thời Bắc Nguỵ, dựa theo thế núi mà đào, từ đông sang tây chạy dài hai dặm, khí thế hùng vĩ, có hơn bốn trăm động quật, hơn năm nghìn bức tượng, chính là thạch quật nổi tiếng của Phật môn.
Sở Phong cùng Lan Đình xuống xe ngựa, vừa đến cửa động đã bị thu hút bởi một đôi câu đối ở hai bên:
"Phật cảnh phật địa thừa kiến phật tâm thành phật tượng, vân sơn vân lĩnh đái tương vân thủy nhiễu vân thành."
- Câu đối thật hay!
Sở Phong và Lan Đình không hẹn mà cùng đồng thanh khen một câu.
Hai người bắt đầu từ từ ngắm cảnh trong động quật, đi tới một động quật xa nhất phía đông, chỉ thấy động quật trước hẹp sau rộng, trước cao sau thấp, ở giữa có một tòa tháp hai tầng, bốn mặt tháp ở mỗi tầng đều khắc tượng Phật, cùng với động quật thứ hai vô cùng giống nhau, chỉ là tòa tháp ở giữa của động quật thứ hai là ba tầng, ở bốn mặt mỗi tầng đều khắc tam thế tượng Phật.
Hai người còn đang nhìn thì đột nhiên vách đá phía bắc có từng giọt nước chảy ra, thì ra nơi đó có một con suối rất nhỏ. Nhưng mà nền động quật rất khô ráo, không có chút vết nước chảy nào, xem ra rõ ràng là nước suối kia vừa mới đột nhiên chảy ra, hơn nữa nước rất lạnh, cho dù ở ngoài động quật cũng cảm giác được từng hơi lạnh nhè nhẹ lan ra từ trong nước.
- Thạch quật hàn tuyền?
Lan Đình vừa ngạc nhiên vừa vui mừng nói:
- Nghe đồn nước suối này chảy ngầm trong thạch quật, đã khô kiệt đến nghìn năm, đã không còn ai biết chỗ nước chảy nữa, không ngờ chúng ta vừa mới đến thì đã phát hiện ra hàn tuyền này, lại còn chảy rất mạnh nữa!
Sở Phong cười nói:
- Không phải hàn tuyền này vì muốn hoan nghênh chúng ta đến nên mới chảy ra đó chứ?
Lan Đình cười nói:
- Thế sự vốn xoay vần, lúc đầu nó tuôn chảy, sau đó bị khô kiệt, nay lại tuôn chảy lại, quả là ứng với đạo lý vạn vật sinh sôi không ngừng!
Sở Phong gãi gãi đầu:
- Có lý! Có lý! Tài nữ chính là tài nữ!
Lan Đình mỉm cười, cùng Sở Phong rời khỏi động quật này, vào lúc hai người rời khỏi động quật, hàn tuyền trên vách đá kia lại đột nhiên ngừng chảy, vết nước chảy trên đất cũng từ từ khô cạn, mọi thứ lại trở lại như lúc ban đầu.
Sở Phong cùng Lan Đình lại đi tới một động quật khác, động quật này nguy nga tráng lệ, trong động không chỉ vô cùng rộng rãi, còn rất cao, cao đến tận đỉnh núi, đỉnh núi có hình vòm giống như vòm trời, tượng chính là tượng Thích Ca Mầu Ni đang ngồi, to lớn kinh người, cao đến tám trượng tới tận đỉnh núi, một đôi mắt Phật mở rộng trang nghiêm mà quan sát chúng sinh. Bên cạnh còn có một câu thơ: Tủng phong nguy các dữ thiên tề, phủ khám trần hoàn xử xử đê.
(Núi cao thẳng đến tận trời, ngắm nhìn cõi trần nơi chốn thấp)
Sở Phong nói:
- Tôi nghĩ bức tượng này là bức tượng Phật lớn nhất trong động quật, nếu như có Diệu Ngọc ở đây, nhất định hai tay sẽ chắp hình chữ thập, cung kính bái ba bái!
Nói rồi hai tay tạo thành chữ thập, dựa theo hình dáng của Diệu Ngọc mà lạy ba lạy, trên mặt bất giác nở một nụ cười.
Lan Đình nói:
- Ngươi nói đến Nga Mi Diệu Ngọc?
- Đúng vậy! Tôi đã cùng cô ấy du ngoạn Mạc Cao Quật, còn bị cổ đâm kiếm xuyên tim, chính vì thế ta mới biết được mình có tim bên phải!
- Ồ?
- Việc này nói ra cũng dài, có cơ hội tôi sẽ nói cho Y Tử nghe!
Hai người đi tới động quật bên cạnh, ở giữa động quật này cũng có một tòa tháp, tháp chia ra hai tầng trên và dưới, bốn góc tầng trên điêu khắc một tòa lâu chín tầng hoặc một tháp trụ, tầng dưới khắc hai pho tượng Phật, ngồi đối diện với nhau.
Sở Phong ngạc nhiên nói:
- Thông thường đều là môĩ tháp chỉ có một tượng Phật, sao ở đây hai tượng Phật này lại ngồi chung một tháp, bỏ đi mất một tháp?
Lan Đình nói:
- Đây là dựa theo kinh Phật. Công tử chưa nghe về Đa Bảo Như Lai sao?
Sở Phong lắc đầu, Lan Đình tiếp tục nói:
- Đa Bảo Như Lai là một vị phật ở thế giới Đông Phương Bảo Tịnh, sau khi ông ta nhập niết bàn liền nhập vào bảy tòa bảo tháp. Bảy tòa bảo tháp đều do Phật môn thất bảo khảm nạm mà thành, vì có Đa Bảo Như Lai nhập vào bảo tháp nên mới gọi là Đa Bảo Tháp. Đa Bảo Như Lai từng có một ước nguyện lớn, nếu có Phật nào có thể giảng giải "Pháp Hoa Kinh" rõ ràng tỉ mỉ, sẽ nguyện chia bảo tháp cùng ngồi chung. Sau này, lúc Thích Ca Mầu Ni ở Linh Thứu Sơn đang giảng về "Diệu Pháp Liên Hoa Kinh" thì mặt đất bỗng nhiên trồi lên một tòa bảo tháp thật lớn, lơ lửng trong không trung, tinh xảo đặc sắc, sặc sỡ loá mắt, chính là bảo tháp của Đa Bảo Như Lai đang ngồi. Rồi từ trong Đa Bảo Tháp truyền ra một giọng nói thật lớn, ca ngợi công đức Thích Già Mầu Ni đã giảng rõ ràng "Pháp Hoa Kinh", lại mang đài sen đang ngồi trong bảo tháp chia ra làm hai, mời Thích Già Mầu Ni vào ngồi cùng. Câu "Nhị Phật đồng tháp" cũng từ đó mà ra.
- Thì ra là thế, mấy bức phù điêu kia bị làm sao vậy?
Sở Phong dùng ngón tay chỉ chỉ.
Tác giả :
Cổ Đạo Kinh Hồng