Chúa Sẽ Phù Hộ Em
Quyển 1 - Chương 14: Thế sự xoay vần

Chúa Sẽ Phù Hộ Em

Quyển 1 - Chương 14: Thế sự xoay vần

Vùng đất thảm khốc và xinh đẹp này,

Những đỉnh núi trập trùng phủ tuyết trắng, những dòng nước trong vắt, lạnh buốt tuôn trào,

Tất cả những gì người nhìn thấy đều là sinh mạng của ta,

Ta không thể rời xa vùng đất này, không thể rời xa người,

Bởi vì chúng ta có chung nhịp đập con tim.

- Vua Gesar (*)-

(*) Một vị vua vĩ đại, nổi tiếng vì sự dũng cảm và việc hành thiện diệt ác trong truyện dân gian Tây Tạng.

Lâm kể cho tôi nghe hai câu chuyện.

Câu chuyện thứ nhất, nhân vật chính là một cậu bé rất khôi ngô, sáng sủa. Cậu bé sinh ra và lớn lên tại một vùng đất có tên là Waz, thuộc đất nước Pakistan, tuy vậy, đó lại là một vùng đất vô pháp vô thiên, không có luật lệ, chính phủ. Những người dân ở đó chỉ nghe lời vị thủ lĩnh tối cao của bộ tộc mình.

Cậu bé là người dân tộc thiểu số, gia tộc của cậu là hậu duệ của những người Aryan. Người dân gọi bộ tộc của họ là Rajput, nghĩa là “con của vua", sau này, khi bị diệt chủng, họ bị gọi là “con của giặc".

Cậu bé không biết bộ tộc của mình đã di cư tới vùng đất này từ bao giờ, nhưng câu và những người cùng tộc sớm đã coi đây là quê hương của mình. Điểm khác biệt của họ so với các dân tộc khác trên đất nước này chính là ngũ quan thanh tú, dáng người thon thả. Diện mạo đó, đừng nói là ở Trung Á, ngay cả trên thế giới, cũng thuộc vào hàng xuất chúng.

Waz là một ốc đảo giữa sa mạc, khí hậu ôn hòa, sản vật phong phú. Cha của cậu bé đã mở vài cửa hàng tạp hóa ở đây, lợi nhuận đủ để những đứa con của ông ta lớn lên mà không phải lo lắng về chuyện cơm ăn áo mặc. Cha của cậu bé rất nghiêm khắc, ông hi vọng cậu có thể trở thành một thương nhân giỏi giang, kiếm được thật nhiều tiền. Tuổi thơ của cậu bé là những tháng ngày vui vẻ, cậu thích nhất là được cùng cô em gái nhỏ hơn mình vài tuổi cưỡi ngựa dạo chơi khắp các núi non, đồng cỏ.

Năm cậu bé mười lăm tuổi, bố cậu quyết định đưa cậu ra nước ngoài du học. Ông đã tận dụng tất cả các mối quan hệ cả thân lẫn sơ, bán rất nhiều ngựa, dê, để chuẩn bị chi phí cho con trai. Ông muốn cậu học công nghệ và kĩ thuật của phương Tây, để làm rạng rỡ tổ tông. Tiếc là cậu bé đã không đi được. Cậu đã chết, ngay cả hài cốt cũng không còn.

Nguyên nhân là một cuộc ẩu đả kì lạ, không rõ lí do, về sau nghĩ lại, đó dường như là một trò đùa của số phận. Hôm xảy ra cuộc ẩu đả đúng vào tiết Khai Trai (*) của người Pakistan. Sau một tháng sống như những nhà tu hành khổ hạnh, mọi người vui sướng, háo hức lao ra phố, mua sắm đồ ăn. Cậu bé cùng em gái đi chợ chơi, bỗng có một gã đàn ông tiến đến trêu chọc em gái cậu.

(*) Còn gọi là Lễ Eid al Fitr, đánh dấu sự kết thúc của tháng ăn chay Ramadan của tín đồ đạo Hồi.

Gã đàn ông dùng những từ ngữ khiếm nhã nhất để chòng ghẹo em gái cậu bé, khiến cậu ta nổi trận lôi đình. Có thể vì sắp phải ra nước ngoài nên cậu bé càng muốn che chở bảo vệ em gái, hoặc cũng có thể là cậy mình xuất thân trong một gia đình giàu có, cậu bé đã bắt gã đàn ông kia câm miệng và cút khỏi khu chợ. Trong lúc cãi nhau, cậu bé đã buột miệng nói ra từ “đồ ti tiện". Đó là từ mà quân lính dùng để nhục mạ những người da màu bản địa, là một từ mang tính sỉ nhục và khiêu khích vô cùng lớn, thế là từ tranh cãi biến thành ẩu đả. Sau đó, gã đàn ông kia bị chết, trên ngực cắm con dao mà chính ông ta dùng để đe dọa cậu bé.

Thực ra, cậu bé chỉ đơn thuần là tự vệ, nhưng cậu ta lại mắng đối phương là “đồ ti tiện" ngay giữa chợ, một cậu bé Rajput da trắng chửi người da màu bản địa là kẻ ti tiện, khiến cho dân chúng không khỏi phẫn nộ.

Lúc đó, chú của cậu bé, người có sức ảnh hưởng rất lớn trong vùng, đã thuyết phục những người đứng đầu bộ tộc của gã đàn ông kia suốt đêm, nhưng đối phương không chịu bỏ qua. Họ cử hai người tới đốt cửa hàng của bố cậu bé, thiêu chết cả bố và mẹ của cậu ta.

Cậu bé đã dùng khẩu súng trường cũ của bố mình để lại để bắn chết hai người đàn ông đó tại một hoang mạc phía ngoài thành Waz, sau đó dẫn em gái chạy trốn suốt đêm. Tuy nhiên, hai anh em đã không thể chạy thoát. Trong lúc bỏ trốn, em gái của cậu bé bị ngã gãy một chân, còn cậu bé thì bị bắn chết.

Nhưng thảm kịch vẫn chưa dừng lại ở đó, cái chết của gia đình cậu bé đã tạo thành mối hận thù chồng chất giữa hai gia tộc. Chú của cậu bé đã giết hết cả nhà gã đàn ông và hai kẻ phóng hỏa, sau đó, gia tộc của những người đó lại giết chết tất cả những người trong gia tộc của cậu bé. Dần dần, số người chết càng lúc càng nhiều.

Cuộc chém giết lây lan nhanh chóng như một đại dịch, khiến đám đàn ông người nào người nấy như bị ma ám, tính hung hãn trỗi dậy, hận thù chồng chất. Nhiều năm sau, gia tộc của cậu bé nọ đã không còn một người đàn công trưởng thành nào, chỉ còn lại vài người già, trẻ con và phụ nữ. Họ không thể ngăn cản vụ tàn sát, cũng không thể chấm dứt hận thù, đành phải rời bỏ quê hương đi nơi khác.

Vậy là từ đó, bộ tộc Rajput biến mất khỏi dòng chảy lịch sử và lãnh thổ Pakistan.

Câu chuyện thứ hai, nhân vật chính là một người đàn ông dạy học trong một ngôi trường làng. Ông ta có một người vợ xinh đẹp và hai đứa con đáng yêu. Năm đó, Afghanistan bị xâm lược, ông ta cùng những người đàn ông trong thôn cùng cầm vũ khí đánh giặc. Khi quay trở về từ chiến trường, người đàn ông đau đớn phát hiện thôn làng của mình đã bị quân xâm lược tấn công. Họ đã dùng một loại khí độc để giết chết dân làng, về sau, loại khí độc đó được gọi là vũ khí hóa học.

Người đàn ông nọ đã trở thành một kẻ cô độc, không gia đình, ngay cả thôn làng ghi dấu cuộc sống trước kia của ông ta cũng đã chết, chỉ còn lại khung cảnh hoang vắng, tiêu điều, và những xác người không được chôn cất. Thế là ông ta lại ra đi, lại cầm lấy vũ khí và trở thành thủ lĩnh tối cao của một vùng. Dần dần, ông ta tập hợp được một đội quân, lập nên lực lượng du kích chiếm cứ một vùng. Mặc dù sau đó, ông ta lại lấy vợ sinh con, nhưng hàng năm, vào ngày vợ cũ mất, hung tính của ông ta lại bùng phát.

Hôm đó chính là ngày giỗ của vợ cũ. Người đàn ông ra chợ mua đồ cúng lễ, và ông ta đã nhìn thấy một cô bé xinh đẹp, có làn da trắng, rất giống người châu Âu. Dưới sự tác động của hơi men, ông ta đã buông lời chọc ghẹo cô bé. Rượu và lòng thù hận khiến một người đàn ông hơn năm mươi tuổi không còn mạnh mẽ như thời trai trẻ, cuối cùng, ông ta đã chết dưới tay của anh trai cô bé.

Đây vốn dĩ chỉ là hận thù cá nhân, cùng lắm thì là hận thù giữa hai gia đình, nhưng mấy năm chiến tranh, quân xâm lược đã giết quá nhiều người, trong khi Rajput, một bộ tộc thiểu số nhưng lại rất giàu có, lại luôn coi thường những người dân nghèo khó trong vùng.

Thủ lĩnh tối cao của bộ tộc bản địa quyết định nhân cơ hội này đuổi những người Rajput ra khỏi vùng đất của họ. Tên của vị thủ lĩnh đó là Jari Naboo Hardel, ông ta cũng chính là bố của Hassan.

Có thể là vì thời thế thay đổi, cũng có thể vì đã quen với mối thù khắc sâu tận xương tủy nên khi kể lại những chuyện này, thái độ của Lâm vô cùng bình tĩnh. Anh kết thúc câu chuyện bằng một câu: “Người em gái của cậu bé bị bắn chết đã sang Anh, sống thay cho anh trai cô và những người trong gia tộc. Người ấy chính là mẹ anh."

Liếc nhìn bầu trời ngoài khung cửa, sao đã lặn gần hết, chắc trời sắp sáng rồi. Đột nhiên, tôi cảm thấy lạnh đến phát run, không biết có phải vì luồng gió nãy giờ vẫn luồn qua cửa sổ vào phòng hay không. Tôi đứng dậy, đóng cửa sổ, cầm ấm nước trên bàn lên, phát hiện nó đã lạnh ngắt, đành phải đun một ấm khác. Lâm vẫn im lặng ngôi trên xô pha, nghiêng đầu nhìn ra ngoài cửa sổ, trông thì có vẻ ngoan ngoãn, nhưng niềm vui đã biến mất khỏi mắt anh.

Tôi len lén quay lại nhìn anh, sự im lặng của anh khiến tôi sợ hãi. Sự thù hận, đau khổ, xa lạ, bất lực, và quan trọng nhất là sự quyết tâm kia, hình như tôi cũng từng thấy trên khuôn mặt của ai đó. Chính là Hassan.

Tôi đưa cốc cà phê cho anh, anh chỉ cầm mà không uống. Trong làn khói trắng mờ ảo bốc lên từ miệng cốc, sự im lặng kéo dài của anh khiến tôi ngay cả thở mạnh cũng không dám, chỉ sợ làm phiền đến anh.

“Không phải anh quen Hassan ở Cambridge. Bọn anh quen nhau trong một cuộc đấu giá ngựa ở Anh. Hôm đó, anh trai anh nói muốn tặng anh một con ngựa làm quà sinh nhật mười bốn tuổi. Trong bộ tộc Rajput, mười bốn tuổi tức là đã trưởng thành. Anh đã cùng anh trai đích thân tới cuộc bán đấu giá để chọn con ngựa vừa ý nhất."

Tôi sực nhớ ra Lâm từng nói có một người anh trai ở Cambridge, bèn hỏi: “Anh trai anh hiện giờ ở đâu?"

Một tia đau khổ thoáng hiện lên trong mắt Lâm, khiến tôi im bặt, không dám hỏi tiếp. Rất lâu sau đó tôi mới biết, Lâm và Ngô Thiên Kỳ, người anh trai mà anh nhắc tới, là anh em cùng cha khác mẹ. Bố đẻ của Lâm không phải là Ngô Chung. Tôi cứ tưởng Hassan và Lâm chỉ đơn thuần là những người khác tộc và có tính cách trái ngược, một người thì thâm trầm khó đoán, còn một người thì sôi nổi phóng khoáng, nên mới xảy ra mâu thuẫn; không ngờ đằng sau họ lại là cả một mối hận thù sắc tộc lớn đến thế.

Lâm chậm rãi tiếp tục câu chuyện của mình: “Anh và Hassan cùng thích một con ngựa đen tuyền, nhưng bốn vó lại trắng như tuyết. Anh trai anh đã dùng toàn bộ số tiền mình có để mua nó, đó cũng là cái giá cao nhất trong các cuộc đấu giá năm đó, nhưng Hassan nhất quyết giành con ngựa đó bằng được. Cuối cùng, họ thỏa thuận sẽ đua ngựa với nhau, người nào thắng sẽ dành được Ô Mục. Mễ Lạp, em biết không, từ trước tới nay, anh trai anh chưa từng thua trong một cuộc đua ngựa nào."

“Trận đó… lại thua sao?" Tôi khẽ hỏi, thầm nghĩ chắc con ngựa đen mà Hassan cưỡi chính là Ô Mục. Sao lại đặt cho nó một cái tên ngờ nghệch, chẳng liên quan gì đến dáng vẻ dũng mãnh của nó thế nhỉ?

Lâm đáp: “Không, hai người hòa nhau. Anh trai anh rất tức giận, thân là kị thủ giỏi nhất của bộ tộc, đó là lần đầu tiên anh ấy bị cầm hòa. Không ngờ Hassan còn tức giận hơn cả anh trai anh nữa, vì anh ta cũng chưa thua ai bao giờ. Hai người đành phải cùng nhau nuôi dưỡng Ô Mục, nhưng vẫn không hỏi han nhau câu nào. Sau khi biết được thân phận của nhau, họ lại càng khó trở thành bạn bè.

Nhưng mọi chuyện đã thay đổi sau một buổi tranh luận. Các buổi tranh luận nổi tiếng của Đại học Cambridge xuất hiện từ thế kỉ trước, mô phỏng cách nghị sự của Hạ viện Anh, cũng được coi là cái nôi của những chính trị gia tương lai. Chủ đề của buổi thảo luận hôm đó là vạch tội Nixon. Anh không hiểu vì sao anh trai anh lại mời Hassan làm người biện luận hỗ trợ cho mình, và cùng không hiểu sao anh ta lại nhận lời. Đó là lần đầu tiên hai người họ đứng cùng một chiến tuyến. Kết quả của buổi tranh luận là 345 phiếu tán thành và 2 phiếu phản đối. Sau đó, Hassan và anh trai anh đã nổi tiếng khắp Cambridge.

Bọn họ trở thành bạn bè, thường xuyên rủ nhau đi xem kịch, cùng huấn luyện Ô Mục, thậm chí còn kéo nhau tới tận London để hẹn hò tập thể. Lúc anh hỏi, anh ấy đã nói: “Thù hận là thứ không thể nói rõ ràng được"." Nói tới đây, Lâm khẽ thở dài, nếu thù hận là thứ không thể nói rõ ràng được thì lịch sử nhân loại cũng sẽ không có nhiều vụ tàn sát đẫm máu như vậy.

“Bọn anh đã cùng nhau trải qua một khoảng thời gian rất vui vẻ ở London, cưỡi ngựa, uống rượu, tham dự đủ loại tiệc tùng." Sự vui vẻ trước kia khiến vẻ mặt của anh rạng rỡ phần nào. “Hassan là tâm điểm của các bữa tiệc, anh ta luôn có những cách nhìn độc đáo về chính trị, văn học, tôn giáo, thiên văn, địa lí và ăn uống chơi bời. Không có thứ gì là anh ta không biết, nên anh ta rất được lòng các cô gái.

Thế rồi, đột nhiên anh ta quyết định về nước kết hôn. Anh ta mời hai anh em anh cùng đi. Anh trai anh rất hào hứng, vì bọn anh đều sinh ra ở London, chưa từng tới Pakistan lần nào, nên rất muốn biết đất nước đó như thế nào. Bọn anh đã bay tới Pakistan để tham dự hôn lễ của Hassan, nhưng vừa hạ cánh đã bị giam lỏng."

Tôi khẽ kêu lên một tiếng.

“Bọn họ đòi một số tiền chuộc rất lớn, ngay cả gia tộc của anh cũng không thể trả nổi."

Tôi khẽ lắc đầu. “Hassan đã lên kế hoạch cho tất cả sao? Không thể nào."

Lâm lạnh lùng hỏi: “Em cảm thấy Hassan không thể nào làm việc vô liêm sỉ như thế sao?"

Tôi bối rối, không biết nên nói thế nào.

Về sau, khi đã trải qua nhiều biến cố, tôi mới biết Lâm nói đúng. Hassan trước tiên là thủ lĩnh của bộ tộc Pashtun, sau đó là một chính khách, cuối cùng mới là một người đàn ông với những yêu hận tình thù bình thường. Chính khách là người mưu cầu lợi ích nào đó trong quá trình làm chính trị, lợi ích này có thể là tư lợi, cũng có thể là lợi ích cho quốc gia, dòng tộc. Dưới tiền đề này, thiện ác, thị phi, trắng đen, trong con mắt của người đời, chẳng qua đều là thủ đoạn.

Lâm im lặng vài giây rồi nói tiếp, giọng điệu đã ôn hòa hơn: “Lúc đó, gia tộc của Hassan đã quyết định tham gia cuộc thánh chiến. Muốn đánh nhau thì phải có tiền, một vài người cho rằng Rajput vốn là ngoại tộc, những đồng tiền bọn anh kiếm được đương nhiên đều thuộc về Pakistan và bộ tộc Pashtun."

Đây là thứ lí luận ăn cướp gì vậy? Tôi thật không thể tin Hassan lại là người vạch ra kế hoạch bắt cóc đòi tiền đó, anh ta có vẻ cương trực và thẳng thắn thế cơ mà.

“Trong khoảng thời gian bọn anh bị giam lỏng, có một cô gái thường lén tới thăm, đưa nước và thức ăn cho bọn anh. Về sau anh mới biết cô ấy chính là Laila, vị hôn thê của Hassan." Anh dừng lại một lúc lâu, mắt dán chặt xuống nền nhà, sau đó mới tiếp: “Laila đã giúp bọn anh bỏ trốn vào buổi tối ngay trước hôn lễ của cô ấy."

Tôi há hốc miệng.

“Gia tộc của Laila và Hassan đều có địa vị rất cao quý trong bộ tộc Pashtun, là giáo đồ đạo Hồi Pashtun chính thống. Phụ nữ đào hôn sẽ bị xử như tội thông dâm, đều phải chết."

“Xử như tội thông dâm, đều phải chết? Tức là bị cho vào lồng heo và dìm chết sao?" Tôi kích động hỏi.

“Họ sẽ trói người đó lại và ném đá cho đến chết."

Ném đá cho đến chết? Thật rùng rợn và tàn nhẫn!

“Thực ra, sau những phong trào đấu tranh từ thập niên sáu mươi, phụ nữ Pakistan đã được hưởng rất nhiều quyền lợi về việc học hành, việc làm và hôn nhân. Nhưng sau vụ đảo chính vào năm 1977, Tướng Zia-ul-Haq đã áp dụng hàng loạt “Pháp lệnh Hood", theo đó, dân chủ được coi là khái niệm của phương Tây, phi Hồi giáo, “Burqa và cuộc sống tù túng" được coi là truyền thống và mĩ đức phù hợp với đạo Hồi. Phụ nữ một lần nữa bị yêu cầu ở trong nhà, nếu xuất hiện ở nơi công cộng, họ phải mặc Burqa che kín đầu và mặt. Mặc dù vấp phải sự phản đối từ đa số nữ giới và dư luận trong và ngoài nước, nhưng Tướng Zia-ul-Haq vẫn khăng khăng làm theo ý mình. Ông ta cho rằng đòn roi và ném đá là hình phạt độc đáo của đạo Hồi, phù hợp với lễ nghi tôn giáo."

“Tại sao ông ta lại muốn làm như vậy?" Tôi hỏi.

“Lâm khẽ đáp: “Zia-ul-Haq một mực tin rằng Pakistan chính là vườn địa đàng giữa cõi trần của đạo Hồi và thực hiện những chính sách này cũng là đấu tranh chống lại tà ác phi Hồi giáo."

“Vị tướng quân này điên mất rồi!" Tôi cảm thán.

“Bản thân ông ta không cho rằng như vậy. Các nhà độc tài, thủ lĩnh quân phiệt, thậm chí những kẻ hủy diệt chủng tộc, đều cảm thấy họ là chính nghĩa, không có ngoại lệ."

Sau một tiếng thở dài, Lâm trở lại với câu chuyện dang dở: “Buổi tối hôm đó, bọn anh dẫn theo Laila bỏ trốn, nhưng chưa đi được bao xa, anh trai anh đã vì bảo vệ cô ấy mà bị đánh chết."

“Anh trai anh bảo vệ cô ấy sao?"

“Mễ Lạp, Laila bỏ trốn vì anh trai anh."

Cô ấy bỏ trốn vì anh trai của Lâm sao? Đầu óc tôi trở nên hỗn loạn.

“Anh từng nói với em rằng anh trai anh ở Cambridge, thực ra đó là phần mộ của anh ấy, mẹ anh đã phải tìm mọi cách mới chuộc lại được thi thể của anh ấy."

“Vậy tại sao Laila lại trở thành bạn gái của anh?"

“Theo quy định của bộ tộc, người phụ nữ đào hôn phải nương tựa vào một người đàn ông nào đó, nếu người đàn ông đó chết, cô ấy sẽ do anh hoặc em trai của người đàn ông đó chăm sóc, nếu không sẽ phải quay về nhà."

“Chăm sóc ư?"

“Phong tục của đạo Hồi là đàn ông có quyền lấy bốn vợ, không phải vì trọng nam khinh nữ mà là vì trong chiến tranh, đất nước đã mất đi quá nhiều đàn ông, tỉ lệ nam nữ bị mất cân bằng nghiêm trọng. Một người đàn ông phải kiêm luôn việc chăm sóc những bà quả phụ của người khác, những quả phụ này thường chỉ vợ của anh em trai hoặc của hàng xóm, thậm chí đôi lúc là vợ của bạn, đương nhiên việc này cũng vì mục đích duy trì nòi giống."

Tôi thật sự không hiểu nổi, từ trước đến nay, tôi vẫn giữ quan điểm vợ của bạn không thể tơ tưởng, chị dâu em chồng không thể yêu nhau, nhưng ở mảnh đất đó, dưới sự tàn phá của chiến tranh và mục tiêu bảo tồn sắc tộc, lại tồn tại một hệ quy tắc hành vi hoàn toàn khác.

Lâm nhìn tôi chằm chằm, nói: “Vào ngày anh trai anh chết, anh đột nhiên hiểu ra mình là nạn dân, mẹ anh cũng vậy, bọn anh đều bị đuổi khỏi quê hương của mình. Mặc dù sinh trưởng ở London, nhưng đó không phải là quê hương của anh, bọn anh chỉ có một con đường, đó là trở về, đòi lại đất đai và nhà cửa vốn thuộc về mình, ngoài con đường đó không còn con đường nào khác."

Trời đã sáng, khi những tia nắng sớm đầu tiên chiếu vào phòng, Lâm đột nhiên giật mình như thể vừa từ quá khứ trở về hiện tại. Anh nhìn tôi, mỉm cười, buông một câu nhẹ như không: “Ồ, trời sáng rồi." Nụ cười của anh vô cùng yếu ớt và mệt mỏi. Tôi rất sợ nụ cười này, khi dẫn tôi chạy trốn Hassan, anh cũng cười như thế. Đó là nụ cười khi Dante bàn về Shakespeare, khi Hassan nhắc tới Pashtunistan, là nụ cười khi người ta nói về tín ngưỡng, chân lí, về tình yêu sâu sắc nhất lòng mình.

Tim tôi như bị đè dưới một tảng đá, một cảm giác đau đớn tột cùng len lỏi tận đáy lòng.

Lâm nhìn về một nơi xa xăm, khẽ ngâm nga: “Joseph sẽ quay lại Canaan, xin đừng bi lụy. Hovel sẽ trở lại vườn hồng, xin đừng bi lụy. Nếu cơn hồng thủy dâng lên nhấn chìm mọi thứ, Noah sẽ là người chỉ đường cho bạn trong mắt bão, xin đừng bi lụy…"

Đây là thơ của Hafez. Tôi rùng mình, cả anh và Hassan đều muốn quay về quê hương, nhưng quê hương của họ ở đâu?

“Lâm?" Tôi khẽ gọi.

Anh quay sang, đợi tôi lên tiếng. Tôi đã từng hỏi Hassan điều anh ta mong muốn nhất là gì. Hassan muốn xây dựng một vùng đất tự do và hòa bình cho người Pashtun. Bây giờ, tôi cũng hỏi anh như vậy. Anh chỉ nhìn tôi bằng ánh mắt vỡ vụn.

“Anh muốn người Rajput quay trở lại quê hương, có phải không? Đây chính là điều anh đang phấn đấu, là trách nhiệm của anh, có phải không?" Khi nói ra câu này, tôi chỉ muốn khóc. Dù là buôn bán hay chế tạo vũ khí, rõ ràng là anh đang muốn khơi dậy một cuộc chiến đẫm máu.

Thực ra, Lâm đã nhiều lần bóng gió với tôi những điều này, ở Gama, ở Changga, dọc đường gió tuyết, anh nói ghen tị với sự tự do, bình an và vui vẻ của tôi không chỉ một lần. Nếu vấn đề lớn nhất của một đời người là không lấy được chồng thì so với Lâm và những người dân Pakistan, cuộc đời tôi thực sự quá thư thái, tự do.

“Mễ Lạp!" Đột nhiên, Lâm kéo tôi khỏi những suy nghĩ vẩn vơ. Tôi ngước lên nhìn, anh định nói gì đó nhưng lại ngập ngừng một lúc mới lên tiếng, giọng run run: “Em sẽ đợi anh chứ?"

… Tôi không biết nữa. Tôi không dám đối diện với ánh mắt mong chờ của anh, vội nhìn đi chỗ khác, nhưng vẫn cảm nhận được ánh mắt của anh không hề dịch chuyển, tôi đành phải quay lại, nói: “Lâm, hãy buông tha cho em." Cái thế giới tàn khốc và xa lạ đó thực sự khiến tôi sợ hãi.

Bỗng anh nắm lấy tay tôi, nói: “Đi, anh đưa em tới một nơi!" Nói rồi bèn đứng dậy, như thể đã hạ quyết tâm rất lớn. Tôi do dự, lí trí mách bảo tôi đừng đi, nhưng nhìn những ngón tay trắng toát vì căng thẳng và biểu cảm như muốn đặt cược tất cả vào ván bài cuối cùng của anh, tôi lại thấy tim mình đau nhói. Tôi dứt khoát đứng dậy, được, chân trời hay góc bể, núi đao hay biển lửa, tôi cũng sẽ theo anh.

Lâm nhìn sâu vào mắt tôi, sau đó kéo tôi xuống lầu. Thành phố đã bắt đầu vào giờ cao điểm buổi sáng, tiếng còi xe, tiếng người nói, đủ loại âm thanh hỗn độn và huyên náo. Lâm nắm chặt tay tôi, đi giữa dòng người đông đúc, lòng bàn tay nóng hổi và nhớp nháp mồ hôi.

Tôi hỏi anh có cần gọi xe không, anh nói đi bộ cũng được. Sau đó, anh dẫn tôi tới đường Hằng Sơn, cách đường Giang Tô không xa lắm.

Đường Hằng Sơn trước kia thuộc tô giới Pháp, là địa điểm nổi tiếng ở Thượng Hải. So với những khu vực còn lại của thành phố, nó giống như một ngõ hẻm cổ kính với những ngôi nhà nhỏ theo phong cách châu Âu, loang lổ rêu xanh và cỏ dại, từ trong những bức tường bao, thấp thoáng vọng ra tiếng cười nói lảnh lót như tiếng chuông ngân, cho thấy rõ sự mênh mang của năm tháng và vẻ phong tình của Thượng Hải xưa.

Lâm kéo tôi đi sâu vào con ngõ, trước mặt là những lá cây ngô đồng phấp phới, khẽ xào xạc trong gió xuân ấm áp. Đến trước một biệt thự, anh thản nhiên mở cửa đi vào.

“Đây là đâu vậy? Quán ăn hay khách sạn?" Các ngôi nhà ở đường Hằng Sơn đa phần đều là di tích lịch sử, nếu không được trưng dụng làm đại sứ quán của một quốc gia nào đó thì lại bị niêm phong làm bảo tàng hoặc là nhà ở cho một quan chức cấp cao nào đó.

Lúc này, trước mắt tôi là ba căn nhà xám xịt và bụi bặm, trông cứ như ba hộp diêm xếp cạnh nhau, trong sân không hoa không cỏ, chỉ có những vách đá dốc đứng và một cầu thang ngoằn ngoèo, bên cạnh cầu thang, cũng chính là sảnh trước của căn nhà, có trồng vài cây bạch dương.

Tôi kinh ngạc vô cùng, đây chẳng phải là Gama thượng sao? Nói một cách chính xác là nhà của Wughi ở thôn Gama thượng.

Tôi tròn mắt nhìn Lâm, hỏi: “Anh đã dựng lại nhà của Wughi sao?"

“Ừ, có giống không?"

“Giống, quá giống ấy chứ! Em không biết là anh lại thích nhà của Wughi đến như vậy." Ở thôn Gama thượng, Lâm hòa nhập rất tốt với cuộc sống của dân địa phương, cưỡi ngựa, chơi polo, hút thuốc lá, anh đều giỏi; nhưng thích tới mức dựng lại cả một căn nhà ở cái nơi tấc đất tấc vàng như Thượng Hải thì hoàn toàn vượt ngoài sức tưởng tượng của tôi.

“Anh xây căn nhà này không phải vì thích nó." Lâm vừa nói vừa mở cánh cửa gian phòng bên trái, ra hiệu bảo tôi đi vào.

“Không thích thì dựng làm gì?" Tôi vừa hỏi vừa bước vào trong, lại sững sờ, căn phòng này rất rộng, nội thất và cách bài trí gần như giống hệt với căn phòng ở Gama: hai chiếc giường kê ở hai bên gian phòng, lò sưởi, tấm thảm trên tường, và cả cây gậy nhỏ anh dùng để viết chữ lên đất khi dạy tôi tiếng Urdu… chỉ có điều, đẳng cấp đã được nâng tầm từ một lều trại cho nạn dân thành khách sạn Burj Al Arab ở Dubai.

Trong phòng có rất nhiều gối dựa màu sắc sặc sỡ, tường được sơn màu xanh lam chỗ đậm chỗ nhạt, tấm thảm treo hoa mĩ, lò sưởi tinh tế, mái vòm kiểu Ivan toát lên vẻ xa hoa của Trung Á. Ánh sáng lọt vào phòng qua vách tường và khe hở của mái nhà, khi mặt trời di chuyển, ánh sáng không ngừng biến đổi và giao thoa, tạo thành những đốm sáng nhấp nháy. Tôi đưa tay khẽ chạm vào những đốm sáng đó.

“Có giống sân thượng ở Gama không?" Lâm bước đến, khẽ hỏi. “Đợi xây xong nhà thì ngay cả lúc trời mưa, em vẫn có thể nhìn thấy tất cả các vì sao ở Bắc bán cầu, bao gồm cả sao Thiên Lang và sao Bắc Cực."

Tôi ngỡ ngàng nhìn anh.

“Phòng bên cạnh là bếp và phòng khách, phòng mà Wughi ở, anh đã sửa thành phòng đọc sách, phía sau là nhà vệ sinh. Anh đã lắp thang dẫn lên sân thượng, đến mùa thu, em có thể phơi quả hạnh trên sân thượng. Thang máy, tự động lên xuống, như vậy em sẽ không bị ngã nữa. Phải rồi, anh có mua cho em một ít quần áo và trang sức, treo ở đằng kia kìa.

Ngôi nhà bên cạnh, anh cũng mua rồi, định sẽ trồng một rừng cây hạnh, quy mô đương nhiên không thể lớn bằng ở Gama, nhưng chỉ cần quy hoạch tốt là có thể trở thành một khu rừng nhỏ xinh đẹp, vấn đề lớn nhất là ở đây không có núi tuyết." Giọng anh có vẻ tiu nghỉu. “Anh đã nghĩ rất nhiều cách, nhưng đều không được. Mễ Lạp! Điều anh ngày nhớ đêm mong không phải là căn nhà này, mà là những ngày tháng có em bên cạnh." Anh nhìn đăm đăm vào mắt tôi và nói.

Tôi sững sờ tới mức không thốt nên lời.

“Em từng nói Gama là một nơi tuyệt vời, có thuốc lá để hút, có trò polo, còn có cô gái yêu anh, cho nên anh đã dựng nên ngôi nhà này. Nhưng không biết, bây giờ cô gái đó có còn yêu anh nữa không?".

“Đừng nói nữa!" Tôi ngắt lời anh.

“Em hỏi anh rằng dẫn dắt người Rajput quay trở về quê hương có phải là trách nhiệm và khát vọng của anh không, anh không thể lừa dối em, đó đúng là vận mệnh trời định cho anh, nhưng ngoài điều này ra, điều anh mong muốn nhất là được ở bên em, cùng thức dậy, cùng ăn cơm, dạy em tiếng Urdu, cùng đi dạo trong rừng hạnh nhân và có em đứng xem anh thi đấu polo."

“Anh có Laila rồi mà." Tôi khẽ nói.

Anh nhíu mày. “Anh sẽ chia tay cô ấy… Người anh yêu là em, em rõ hơn ai hết mà."

Tôi im lặng.

“Giữa anh và Laila chỉ là liên minh chiến lược, đôi bên cùng có lợi mà thôi." Lâm giải thích.

“Liên minh chiến lược?"

“Anh và cô ấy không có tình cảm gì cả, nhưng người của bộ tộc anh cần thế lực của gia tộc cô ấy. Từ trước tới nay, anh luôn giấu em những điều này, vì muốn em có được một cuộc sống giản đơn, vui vẻ. Nhưng… “ Vẻ mặt anh bỗng trở nên hoang mang. “Từng giây từng phút, anh luôn nhớ đến em, ngày hoa anh đào ở Cambridge nở rộ, anh sực nhớ em nói tháng Ba sẽ tới thăm anh, nhưng anh đã từ chối. Thế nên anh đã đến Thượng Hải, trở thành hàng xóm của em. Nhìn thấy em ngày ngày đi làm, về nhà, nhìn thấy ánh đèn từ cửa sổ phòng em, anh thường tự hỏi, em có biết anh đang nhớ em không. Cô kĩ nữ trong kĩ viện ở Changga nói với anh rằng em hỏi cô ấy anh có thích em chút nào không, cô ấy nói em rất đau lòng vì từ trước tới nay, anh chưa từng nói yêu em." Câu cuối cùng, anh hạ thấp giọng tới mức gần như thì thầm. Không biết từ lúc nào, anh đã tiến sát lại, kề vào tai tôi. “Thực ra em đã biết người trong lòng anh là ai, chỉ có điều em sợ hãi, có phải không?"

Tôi ngẩng phắt đầu lên, cảm giác bị nói trúng tim đen thật tồi tệ. Anh nhìn tôi bằng ánh mắt vô cùng dịu dàng, như thể nhìn thấu tận đáy lòng tôi, khẽ nói: “Mein tumhay pyar karta hun."

“Đây là tiếng Urdu ư?" Sau giây phút chấn động, tôi khẽ hỏi.

Anh gật đầu.

“Câu này anh chưa dạy em. Nghĩa là gì vậy?" Tôi bối rối hỏi.

“Nghĩa là từ nay về sau, anh sẽ không để em phải một mình đối diện tất cả nữa. Anh hứa."

Lâm không phải là một thầy giáo giỏi, nói gì cũng chỉ nửa chừng. Rất lâu sau tôi mới biết, “Mein tumhay pyar karta

hun" trong tiếng Urdu có nghĩa là “Anh yêu em", chính xác hơn có thể dịch là: “Anh yêu em, đến chết cũng không thay lòng đổi dạ."

Anh nói anh yêu tôi, đến chết cũng không thay đổi.

“Trước kia, anh đã phạm sai lầm khi bỏ rơi em. Anh hứa sẽ không bao giờ tái phạm, anh sẽ xử lí ổn thỏa chuyện với Laila, sẽ đối xử tốt với em, sẽ không bao giờ để em phải vất vả nữa, chúng ta sẽ không bao giờ xa nhau. Được không?" Nói rồi, anh ôm tôi vào lòng, khẽ vuốt ve gương mặt tôi.

Tôi lắc đầu một cách bất lực, đặt tay lên ngực anh, cảm nhận trái tim đang đập vừa nhanh vừa mạnh của anh, lí trí kêu gào “không được" nhưng trái tim lại không nghe lời.

“Mấy tháng qua, em có nhớ anh chút nào không?"

Tôi không đáp.

“Một chút cũng không sao?"



Anh nâng mặt tôi lên, đối diện với đôi mắt đen láy, sâu thẳm đang trào dâng những cơn sóng mãnh liệt, sau đó cúi xuống hôn tôi, ban đầu chỉ là một nụ hôn nhẹ nhàng, khơi gợim nhưng đã nhanh chóng trở nên điên cuồng.

Tôi sợ hãi chống cự. Anh vừa thở dốc vừa nói: “Anh chỉ muốn hôn em thôi mà. Chỉ hôn thôi…"

Trong nháy mắt, người tôi mềm nhũn. Đâu có người phụ nữ nào chống đỡ được những lời thì thầm ngọt ngào cả người đàn ông mình yêu. Tất cả những suy nghĩ trong đầu đều trở nên hỗn loạn, Lâm bế tôi lên giường, ôm chặt lấy tôi, ngăn cản ý muốn chạy chốn của tôi bằng những nụ hôn triền miên, vấn vít, rồi anh nghiêng đầu sang một bên, rồi…

Vài giây sau, tôi tức điên người. Anh ngủ mất rồi.

Một người phụ nữ bị một người đàn ông bế lên giường, sau đó chẳng phải sẽ làm “chuyện đó" sao? Trong khi tôi vẫn đang phân vân giữa việc từ chối và phục tùng, sao anh có thể ngủ được chứ? Đây rõ ràng là một sự sỉ nhục quá lớn!

Tôi khẽ lay vai anh, không thấy anh nhúc nhích, chuyển sang kéo tai, anh vẫn không nhúc nhích. Đàn ông gì mà ngủ say như chết. Lôi tôi đến làm tấm nệm, làm gấu ôm sao? Tôi ngọ nguậy, định ngồi dậy, anh bất ngờ dụi đầu vào cổ tôi, đè chặt vào hai chân, hai tay tôi, mơ màng nói: “Lạp Nhi, nằm yên đi!" Lần này thì xong rồi, ngoại trừ cái đầu còn ở ngoài, tôi chẳng khác gì Tôn Ngộ Không bị đè dưới chân núi Ngũ Chỉ.

Lâm làu bàu bên tai tôi: “Vì chờ em nên suốt mấy ngày nay anh không chợp mắt. Ngoan nào, cho anh ngủ một lát." Tim tôi như tan chảy, mấy ngày qua không chợp mắt sao, chắc là đúng thế rồi, nếu không sao có thể xuất hiện ngay khi tôi đặt chân lên tầng bốn được? Anh đã ngồi chờ tôi suốt mấy ngày sao?

Bên tai là tiếng hít thở đều đều, trước mắt là những đốm sáng giao thoa trong không trung, anh nói ngay cả khi trời mưa cũng có thể nhìn thấy các vì sao ở Bắc bán cầu, từng gốc cây, ngọn cỏ, từng ngôi nhà, viên ngói, đều thấm đẫm tâm huyết của anh, còn cả cây bạch dương ở trước nhà nữa, mặc dù chỉ là cây non nhưng ở Giang Nam làm gì có cây bạch dương, chắc anh phải vận chuyển từ một nơi rất xa tới. Tôi từ từ nhắm mắt lại, anh muốn ngủ thì cứ để anh ngủ vậy.

Tôi nằm mơ. Trong mơ, tôi thấy núi Ngũ Chỉ, Tôn Ngộ Không và Đường Tăng khi còn nhỏ. Con khỉ nhỏ mắc lỗi, Đường Tăng giận đến mức không thèm để ý đến nó, thế là nó kéo vạt áo cà sa của Đường Tăng, ngước đôi mắt đen láy lên van nài. Nhìn bộ dạng khổ sở của nó, tôi bật cười và giơ tay ra.

Con khỉ nhỏ nhảy lên lòng tôi, ngẩng đầu nhìn, nó mới đáng yêu làm sao! Những ngón tay thon dài của nó đặt lên ngực tôi, vừa buồn vừa đau. Đột nhiên, tôi cảm thấy rất nóng, cái nóng lan từ ngực ra toàn thân, vô cùng khó chịu. Tôi muốn đẩy con khỉ xuống, nhưng không hiểu sao lại không cựa quậy nổi. Đột nhiên, phía dưới nhói lên một cái. Cảm giác đau đớn không mãnh liệt lắm nhưng xa lạ. Tôi vẫn chìm trong giấc mơ kì lạ, chỉ cảm thấy toàn thân như bốc hỏa, càng lúc càng khó chịu, hơi thở hổn hển vang lên bên tai tôi.

Tôi choàng mở mắt, lập tức nhìn thấy gương mặt tuấn tú của Lâm, đôi mắt anh vẫn đẹp vô cùng, nhưng giờ đã ý loạn tình mê. Thấy tôi đã tỉnh, anh liền nuốt tất cả sự sợ hãi, kinh ngạc mà tôi chưa kịp thốt ra bằng một nụ hôn.

Phản ứng đầu tiên của tôi là đẩy anh ra, nhưng cảm giác của cơ thể và động tác của anh nói cho tôi biết, tất cả đã quá muộn. Tôi đã hoàn toàn lạc lối trong thế giới của anh rồi. Giữa ánh sáng mờ ảo, anh chăm chú nhìn tôi, ánh mắt vừa xót xa vừa áy náy, nhưng nhiều hơn cả là sự cương quyết. Tôi không dám tin đây là sự thật, tiếng thét nghẹn cứng trong cổ họng, nước mắt từ từ lăn xuống, không phải vì anh nhân lúc tôi không đề phòng mà chiếm hữu tôi, mà vì cuối cùng, tôi vẫn rơi vào kết cục này.

Vận mệnh luôn đi theo quỹ đạo riêng của nó, những điều phải xảy ra sớm muộn cũng sẽ xảy ra, nhưng giữa tôi và anh có biết bao con người, với biết bao mối quan hệ phức tạp: Laila, Alice, bố mẹ anh, anh Vương, và cả cái gọi là trách nhiệm nặng nề đối với dân tộc Rajput nữa.

Tôi khẽ gọi tên anh, cất tiếng hỏi giữa hơi thở đứt quãng: “Sao… anh có thể… đối xử với em như thế?" Trong mắt anh hiện lên sự day dứt, nhưng chỉ là thoáng qua. Tôi vẫn nhìn thấy các vì sao ở Bắc bán cầu, nhưng tuyệt nhiên không thấy đường lui cho mình nữa.

Hoan lạc dai dẳng khiến con người không kiềm chế nổi. Anh thì thầm vào tai tôi: “Lạp Nhi, em mãi mãi là của anh, mãi mãi!"

Điều này, thực ra đã sớm là định mệnh.

Trời sáng, rồi lại tối, hay thực ra là chưa bao giờ sáng? Tôi mơ màng nằm trên giường, nghĩ bụng mình phải nổi giận, phải chất vấn anh sao dám làm như vậy, nhưng toàn thân rã rời, nặng trịch khiến tôi không sao nhúc nhích nổi. Cuộn người trong đống chăn, tôi nghe thấy tiếng nước chảy tí tách ngoài sân, hình như trời đang mưa.

Tôi từ từ mở mắt, bắt gặp đôi đồng tử đen láy của Lâm, liền hít một hơi thật sâu, vung tay lên. Cái tát mới đi được nửa đường thì tấm chăn rơi xuống, để lộ hơn nửa cơ thể trần dày đặc những dấu hôn đỏ rực. Tôi vội rụt tay về, lúng túng kéo chăn lên. Hình như những dấu hôn đó có sức kích thích rất lơn, nên Lâm lại lao đến.

“Dừng lại!" Tôi run rẩy kêu lên. Hiện giờ mới kêu dừng lại thì quá muộn rồi, quả nhiên anh không thèm để ý đến lời tôi. Bên ngoài, nước mưa nhỏ tí tách; trong phòng, lại là bão tố mưa giông. Lâm vốn là kẻ độc tài trong tình yêu, chưa kể chuyện xảy ra hôm qua lại càng khiến anh mất hết kiên nhẫn.

“Em muốn đi vệ sinh." Giữa lúc cấp bách, tôi buột miệng gào lên. Sau khi đã thân mật đến mức độ ấy mà lại nói câu này, liệu có làm cho đối phương sợ chết khiếp không nhỉ? Quả nhiên Lâm đã dừng lại, nhưng anh vẫn không chịu buông tôi ra, cho đến khi buông một câu với vẻ không cam tâm: “Nhanh lên nhé!"

Vừa thoát khỏi sự chế ngự, tôi lập tức quấn chăn kín người, bước xuống giường, chạy thẳng về phía nhà vệ sinh, Lâm còn dặn với theo: “Đi chậm thôi, cẩn thận ngã…"

Khi dòng nước ấm áp chảy khắp cơ thể, tôi đưa tay bịt miệng, ngăn tiếng nức nở. Cảm giác ngượng ngùng và bất lực dâng trào. Tôi không hận anh, chỉ hận bản thân mình đã dễ dàng đầu hàng như vậy. Lâm làm sao có thể hiểu nổi, có lẽ với đàn ông, việc lên giường với cô gái mà anh ta thích chẳng có gì là sai trái cả, có thể anh nghĩ rằng cắt đứt với Laila chính là thể hiện thành tâm thành ý với tôi rồi, nhưng nếu bây giờ Laila có chạy đến chửi tôi là hồ ly tinh, cho tôi một cái tát thì tôi cũng chỉ có thể nhẫn nhịn chịu đựng, không cách nào biện minh.

Tại sao anh không giải quyết hết mớ quan hệ lằng nhằng đó rồi hãy thoải mái tới tìm tôi chứ? Tại sao anh lại muốn đẩy tôi vào chỗ trở thành kẻ bất nghĩa, hay tất cả chỉ là những lời nói thoáng qua, tôi chẳng qua cũng chỉ là một cô tình nhân nhỏ, mòn mỏi chờ đợi một danh phận, giống như Alice? Hay anh cảm thấy tôi không còn trẻ trung gì nữa, có làm chuyện này cũng là bình thường, nhưng sự từng trải chưa chắc đã tỉ lệ thuận với tuổi tác, không phải cứ lớn hơn vài tuổi thì nhất định sẽ chai lì, vẩn đục, coi mối quan hệ nam nữ như trò chơi. Sự hoảng hốt, sợ hãi và hoang mang của tôi, anh có hiểu không?

Nước mắt lặng lẽ rơi xuống cơ thể trần trụi. Tôi không biết mình đã ngồi trong nhà tắm bao lâu, cuối cùng, tôi dứt khoát lau nước mắt, quyết định phải nói rõ chuyện này với Lâm. Nhưng tôi lại không biết nên mở lời thế nào.

Cửa vừa mở, tôi giật nảy mình khi thấy Lâm đã đứng đó. Tôi bối rối định lùi lại, nhưng vừa mới nhúc nhích, Lâm đã kéo tôi vào lòng. Người tôi thoắt cứng đờ. Anh im lặng nhìn tôi bằng ánh mắt vô cùng dịu dàng, như thể đã sớm hiểu được sự hoảng hốt, sợ hãi và yếu đuối của tôi, hạ giọng nói: “Anh xin lỗi."

Mắt tôi lập tức lại đỏ hoe.

“Anh xin lỗi. Anh biết em không đồng ý, nhưng anh không hề hối hận về những gì đã làm với em. Em hận anh cũng được, khinh thường anh cũng được, dù sao anh vẫn muốn từ thể xác tới trái tim em đều là của anh."

“Anh đã biết trái tim anh thuộc về anh rồi, sao không thể đợi tới lúc em đồng ý?"

Anh khẽ dụi cằm lên đỉnh đầu tôi, đáp: “Vì anh biết em sẽ trốn chạy. Em sẽ do dự, thậm chí sẽ từ bỏ. Thế giới rộng lớn, anh sợ không tìm thấy em. Thế giới hỗn loạn, anh sợ em không còn chờ anh ở chỗ cũ. Anh đã cô độc quá lâu rồi, anh muốn từ nay về sau, luôn có em bên cạnh. Thế nên, chi bằng trói chặt em từ bây giờ. Anh biết đây là hạ sách, nhưng anh không còn thời gian. Anh muốn em, không chỉ thể xác, mà cả cuộc đời em đều thuộc về anh."

Những lời nói quả quyết của anh khiến cả người tôi run rẩy.

“Lạp Nhi, hãy ở bên cạnh anh, đừng trốn chạy nữa."

Không phải tôi muốn trốn chạy, mà là tôi lo sợ. Nhưng nhịp đập trái tim anh, sự dịu dàng, sự khẩn thiết, thậm chí cả sự ngang ngược của anh, đã từng bước từng bước chế ngự tôi, khiến tôi hoàn toàn mất khả năng kháng cự.

“Em có yêu anh không?" Đột nhiên, anh khẽ hỏi.

Tôi không đáp, cúi gằm mặt xuống. Bàn tay với những ngón thon dài của anh nâng cằm tôi lên, dịu dàng mà cương quyết, ép tôi phải nhìn thẳng vào mắt anh.

“Nói cho anh biết, em có yêu anh không? Nếu anh chỉ là hàng xóm của em, hoặc bạn học của em, hay là bất kì một người nào đó xuất hiện trong cuộc đời em, em sẽ yêu anh chứ? Em sẽ giành lại anh từ tay người khác chứ?" Vì từ đầu chí cuối, tôi chỉ im lặng, nên giọng điệu của Lâm đã dần trở nên chua chát, hai cánh tay càng lúc càng siết chặt, khiến tôi gần như nghẹt thở.

“Có yêu không? Có yêu không?" Anh cố chấp hỏi hết lần này tới lần khác, khiến đầu óc tôi càng choáng váng, hỗn loạn.

Cuối cùng, tôi ngước mắt lên, đặt tay lên trái tim của anh, khẽ thốt ra một chữ: “Yêu". Dù chữ “yêu" này rất yếu ớt nhưng nó chính là sự khởi đầu của một lời hứa vĩnh hằng.

Và Lâm đã nghe thấy. Cặp lông mày đang nhíu lại lập tức dãn ra, đôi mắt đong đầy sự lo lắng, cay đắng trở nên rất đỗi dịu dàng, những vì sao lấp lánh nơi đáy mắt làm bừng sáng cả gương mặt tuấn tú. Anh ôm tôi đi về phía giường, lần này, tôi không hề phản kháng. Tôi có yêu anh hay không, chẳng phải anh đã biết rồi sao, cần gì phải hỏi nữa?

Sau này, Lâm nói với tôi rằng, sở dĩ anh ép tôi phải nói ra chữ “yêu" bằng được là vì anh sợ sẽ mất tôi, vì anh biết tôi sợ hãi cuộc sống phức tạp của anh, vì anh biết con đường phía trước đầy gian nan, trắc trở. Thế nên anh mới đưa ra hạ sách này, anh muốn giữa tôi và anh có thêm chút tình nghĩa, như vậy, tôi sẽ chờ đợi anh. Anh tin rằng chỉ cần tôi toàn tâm toàn ý với anh, không trốn chạy thì anh có thể bảo vệ tôi trước tất cả sự đả kích của kẻ thù và thời cuộc hỗn loạn. Đáng tiếc, vận mệnh đã sớm được an bài.

Giây phút một lần nữa cùng anh, tôi cảm nhận được ranh giới mong manh giữa tình yêu và sự đau đớn. Sự ngoan ngoãn của tôi khiến Lâm như điên dại, giữa những hơi thở hổn hển, run rẩy và kích động, anh thì thầm vào tai tôi: “Ngải Mễ Lạp, anh yêu em. Anh sẽ mãi mãi yêu em, anh xin thề."

“Anh xin thề", ba chữ này, bất luận là với người Pashtun hay người Rajput, đều là lời hứa vô cùng trịnh trọng. Đây là lần đầu tiên anh nói yêu tôi một cách trịnh trọng đến vậy. Bây giờ, tôi không còn lo lắng hay sợ hãi nữa, tôi yêu anh và sẵn sàng chấp nhận tất cả những gì anh mang tới cho tôi, dù là đau khổ hay tình yêu.

Khi Lâm buông tôi ra, cả người tôi rã rời đến mức không động đậy nổi. Anh khẽ thốt lên: “Em đẹp lắm!"

“Em biết. Anh đừng lại gần!" Đáng lẽ tôi phải nói câu này với một thái độ gay gắt, nhưng quả thực tôi đã mệt lắm rồi, nên lời nói cũng bất giác trở nên mềm mại, nhu mì. Lâm khẽ phì cười. Tôi thầm than thở, anh vốn đã là mĩ nam rồi, đừng cười như thế khi trên người không mặc gì được không? Chẳng khác nào dụ dỗ người ta phạm tội.

Anh vuốt ve tấm lưng trần của tôi, cất giọng nói khàn khàn đầy mê hoặc: “Anh lấy nước cho em uống nhé?"

Không, tôi không muốn anh rời khỏi tôi, dù chỉ là đi lấy nước. Tôi lập tức bò về phía anh, dụi đầu vào lòng anh, ôm chặt người anh, nói: “Ôm thêm một lúc nữa."

Anh khẽ ôm lấy tôi, tôi nhắm mắt lại, hưởng thụ sự dịu dàng đó, nên không thấy được nụ cười nơi khóe môi anh, hạnh phúc như thể ôm được cả thế giới.

Một lúc lâu sau, tôi sực nhớ ra một chuyện, bấm đốt ngón tay, tôi và Lâm đã ở cạnh nhau ba ngày rồi. Ba ngày qua, ngoài những lúc ăn uống, chúng tôi luôn chìm đắm trong mật ngọt tình yêu, tôi cũng quên béng cả chuyện sử dụng biện pháp tránh thai. Tôi lo lắng đẩy anh ra, định chạy tới hiệu thuốc. Ánh mắt long lanh vui vẻ của Lâm đột nhiên như bị phủ một lớp băng tuyết lạnh giá.

Anh “hừ" một tiếng, nói: “Có thì đẻ chứ sao!"

“Đừng có chuyện gì cũng đem ra đùa như thế có được không, đẻ cái gì mà đẻ…" Lúc này, đầu óc tôi đã đông cứng lại, chỉ biết giục anh đi mua thuốc.

Anh ôm tôi vào lòng, nói: “Vài ngày nữa, anh sẽ nói chuyện với gia đình, bất luận kết quả thế nào, tuần tới, anh và em sẽ về Hàng Châu gặp mẹ em."

Tôi không thể theo kịp lối tư duy nhảy cóc thần tốc của anh, lắp bắp hỏi lại: “Gặp mẹ em?"

“Ừm, chính là bà Vương Bảo Ngọc của em ấy."

“Tất nhiên em biết bà Vương Bảo Ngọc là mẹ em. Nhưng anh gặp bà ấy làm gì?"

“Xin bà cho anh cưới em."

“Cưới em?"

“Hai tháng nữa anh sẽ tốt nghiệp. Đợi đến lúc đó, chúng ta sẽ kết hôn, hai tháng vừa đủ để chuẩn bị. Thế nên em đừng sợ, nếu có thì đẻ thôi, nhé?" Dứt lời, anh cúi xuống, hôn nhẹ lên trán tôi.

Tim tôi như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. “Lâm… thế này là…"

“Cầu hôn em. Ngải Mễ Lạp, em có đồng ý lấy anh không?"

“Hay em muốn anh phải quỳ xuống mới chịu đồng ý?" Thấy tôi không trả lời, anh sốt ruột hỏi tiếp.

Ý tôi đâu phải như vậy. Sực nhớ ra một chuyện quan trọng, tôi nghiêm túc hỏi: “Lâm, anh có thể lấy mấy người vợ?"

“Bốn người."

Quả nhiên! Tôi lạnh lùng “hừ" một tiếng.

“Anh có thể lấy bốn vợ, nhưng cả đời này, anh chỉ lấy một mình em thôi. Tất cả những việc anh hứa với em, anh sẽ làm được. Ngải Mễ Lạp, em sẽ là người vợ duy nhất, suốt đời này của anh."

Trước thái độ sửng sốt của tôi, anh lại trao cho tôi một nụ hôn dài, như minh chứng cho lời hứa của mình.

Cả chục tiếng đồng hồ sau khi Lâm thốt ra câu đó, tôi luôn trong trạng thái thất thần, trong khi anh đã làm đủ thứ việc, nào là nấu trà Bạch Ngọc, đọc sách, ôm hôn tôi… ngay cả những lời dặn dò của anh, tôi cũng chỉ nghe câu được câu chăng.

“Trong lúc anh về bàn chuyện với gia đình, em cứ ở đây, muốn làm gì cũng được. Hằng ngày, anh sẽ gọi điện cho em. Đừng lo lắng!"

Đừng lo lắng sao? Sao tôi có thể không lo lắng được chứ? Anh đã cầu hôn tôi, tôi cũng coi như là người của anh rồi. Mọi thứ diễn ra quá nhanh, tôi vẫn chưa kịp thích ứng với việc sắp trở thành vợ của anh. Hơn nữa, chẳng cần nghĩ cũng biết người nhà anh sẽ không vui vẻ chấp nhận đứa con dâu như tôi.

“Anh sẽ đi đâu để tìm Ngô Chung?" Tôi sốt ruột hỏi.

“Ông ấy thường ở tòa tháp Song Tử."

“Ờ."

“Lại nghĩ linh tinh gì vậy? Anh sẽ xử lí ổn thỏa mọi việc, em cứ yên tâm đợi anh về." Anh xoa đầu tôi và nói. “Hay anh dẫn em đi đâu đó chơi nhé? Xong rồi về nhà cũng được."

Nhắc đến “đi chơi", tôi bỗng cảm thấy thấp thỏm không yên, không kìm được đứng dậy ôm lấy anh. Lâm vỗ nhẹ lên lưng tôi, hỏi: “Em muốn đi đâu?"

Tôi lắc đầu.

“Vậy có muốn ra ngoài ăn chút gì không?"

Tôi lắc đầu.

“Vậy anh đưa em đi mua sắm nhé? Xem phim? Cưỡi ngựa?"

Tôi chẳng muốn đi đâu cả, mấy ngày trốn ở đây, tôi thật sự không muốn nghĩ đến những chuyện xảy ra bên ngoài nữa. Không biết Ngô Chung sẽ nói gì khi biết chuyện của chúng tôi, liệu Lâm có do dự không?

“Vậy thì cứ ở trong nhà vậy." Anh khẽ khàng an ủi. Tôi “vâng" một tiếng và ôm chặt anh hơn.

Mấy ngày sau đó, chúng tôi chỉ ở trong nhà. Tôi thử làm bánh naan, nấu trà Bạch Ngọc và thịt dê nướng của Pakistan. Mặc dù mùi vị rất tệ nhưng Lâm đều có thể nuốt trôi mà không hề chớp mắt.

“Sau này, anh sẽ nuôi ngựa, còn em sẽ làm bánh. Chúng ta sẽ sống một cuộc sống yên bình." Anh bế tôi lên đùi và nói với vẻ hạnh phúc. Tôi tự nhủ, cuộc sống hạnh phúc nhất chẳng phải đều là chồng ra đồng cày cấy, vợ ở nhà dệt vải sao? Tuy giản dị nhưng tôi chỉ cần có vậy.

Lâm rất thích đọc sách, nhất là sách về huấn luyện ngựa. Một cuốn, anh có thể đọc đi đọc lại ba ngày không chán.

“Ở Waz có giống ngựa đua nhanh và có thể chịu đói, chịu rét tốt nhất vùng Trung Á. Chúng ta sẽ mua một con ngựa giống thật tốt, sau đó huấn luyện và đem đi thi đấu." Anh tì cằm vào vai tôi, vừa nói vừa giở sách.

Tôi nhắm mắt, ngả đầu vào vai anh, giả vờ ngủ. Anh cắn nhẹ vào cổ tôi, khiến tôi nhột quá, phì cười, nói: “Ừ, được rồi."

Waz là quê hương của Lâm. Sau này, dù có đến đó hay đi đâu, tôi cũng sẽ theo anh.

Chiều muộn, tôi rủ Lâm ra ngoài đi dạo. Anh dắt tay tôi, chầm chậm bước đi trên con đường Hằng Sơn cổ kính. Cuối xuân sang hè, người qua lại không nhiều lắm. Chúng tôi sánh vai nhau, nói đủ thứ chuyện trên trời dưới bể, ví dụ tuổi thơ của anh, trường học của anh, và cả ngôi nhà của tôi ở Hàng Châu. Anh hỏi mẹ tôi thích món gì, có sở thích gì, tôi liền trêu có phải anh muốn lấy lòng bà hay không. Anh lườm tôi một cái rồi lại dắt tay tôi đi tiếp. Chúng tôi đi từ đầu đường đến cuối đường rồi lại vòng lại, cứ như vậy, tôi nắm tay anh đi giữa những làn gió đêm đầu hè, đi hết quãng thời gian hạnh phúc cuối cùng của cuộc đời mình.

Khi quay về nhà, tôi thấy vệ sĩ của Ngô Chung, chính là người có khẩu âm đặc sệt tiếng Urdu, đang quanh quẩn dưới gốc cây hòe ngoài cổng, nét mặt u ám.

Mặt Lâm đột nhiên trở nên lạnh tanh. Người đó nhìn thấy chúng tôi thì cúi đầu chào rồi cung kính đưa ra một chiếc phong bì, nói: “Cậu Hai, đại ca sai tôi đưa cái này cho cậu." Chiếc phong bì mỏng dính, hình như bên trong chỉ có một tờ giấy. Lâm không cầm, cũng chẳng nói gì, nhưng tôi có thể cảm nhận được bàn tay đang nắm lấy tay tôi của anh siết chặt lại, khẽ run rẩy. Tôi vội nắm chặt tay anh, như muốn nói: không sao, bất luận là ai tìm đến, bất luận phía trước có biến cố gì, tôi sẽ mãi mãi ở bên anh.

Vệ sĩ thấy Lâm không chịu cầm phong bì thì cũng không tỏ thái độ gì cả, chỉ nhẹ nhàng đặt nó xuống bồn hoa bên cạnh rồi bỏ đi.

Lâm mở cửa và dắt tôi vào nhà, từ đầu chí cuối không hề liếc nhìn chiếc phong bì lấy một lần. Nhưng không xem, không đọc, không có nghĩa là không biết nội dung của nó. Chiếc phong bì này đột nhiên xuất hiện, chứng tỏ Ngô Chung đã biết về căn nhà này. Nếu Ngô Chung đã biết thì chẳng lí gì Laila lại không biết. Lòng tôi nặng trĩu tâm tư.

Trời bắt đầu mưa, rồi càng lúc càng to, mang theo gió lớn, sấm chớp ầm ầm.

“Xem ra mưa sẽ không nhanh tạnh đâu." Lâm bước ra khỏi nhà tắm, bước đến xô pha, ngồi xuống và ôm tôi vào lòng.

“Nếu không đem vào sẽ ướt hết đấy." Tôi khẽ nói.

Anh vờ như không nghe thấy, bế tôi vào phòng ngủ.

Thật mong chiếc phong bì đó để ở ngoài, bị gió thổi mưa bay làm ướt hết, như vậy có thể coi như không có chuyện gì. Đêm đó, tôi mất ngủ, còn Lâm thì ngủ ngon lành. Đoán anh đã ngủ say, tôi nhẹ nhàng ngồi dậy, đi ra ngoài.

Chiếc phong bì vẫn còn ở chỗ bồn hoa, mặc dù đã ướt nhoẹt, mờ hết cả chữ. Tôi mở ra xem, không phải thư mà là một trang báo của Tân Hoa Xã, trong đó viết:

AFP đưa tin, nhằm quét sạch các phần tử thân Muja ở khu vực giáp ranh đèo Khyber, vào lúc bốn giờ sáng ngày mùng Bảy, theo giờ địa phương, quân Liên minh Phương Bắc đã khởi động và thực thi các hoạt động quân sự theo kế hoạch đã định. Mặc dù vẫn chưa rõ kết quả của đợt ra quân này, nhưng Tướng Ahmed, thủ lĩnh khu vực Tây Bắc của Liên minh Phương Bắc, đã tuyên bố, họ sẽ tuyệt đối không rút lui,dù có chết cũng phải ghìm chân quân Muja ở đèo Khyber.

Ngoài ra, một hãng thông tấn của Nga cũng đưa tin, vào ngày mồng Sáu, khắp nơi trong thành phố Peshawar, cách đèo Khyber hơn hai mươi kilomet, đều có thể nhìn thấy quân Muja được vũ trang đầy đủ đang chờ xuất quân. Mỗi binh sĩ được trang bị ít nhất năm loại vũ khí sát thương, trong khi quân Liên minh Phương Bắc lại không có đủ đạn dược và vũ khí. Không biết Tướng Ahmed sẽ chặn đánh quân Muja ở đèo Khyber như thế nào.

Ngay khi đọc xong bài báo, tôi muốn ném chiếc phong bì đi, nhưng nghĩ lại, vô ích thôi, dù tôi có vứt tờ báo đi thì vẫn còn ti vi, đài phát thanh, mạng Internet… Pakistan bắt đầu đại loạn rồi. Số phận đã định Lâm là con át chủ bài của ván cờ này, cuối cùng anh vẫn phải đi thôi.

Sau lưng bất ngờ vang lên giọng nói ngái ngủ của Lâm: “Sao em lại chạy ra đây?" Tôi quay lại, thấy anh đang cầm một chiếc áo, đứng ở cửa, biểu cảm rất bình tĩnh. Dù đã nhìn thấy chiếc phong bì trong tay tôi nhưng anh vẫn bình tĩnh bước đến, bình tĩnh khoác áo ngủ cho tôi và dắt tôi vào nhà.

Tôi im lặng đi theo anh. Anh đỡ tôi vào giường, sau đó đứng thẳng dậy, nhìn vào mắt tôi, hỏi: “Lạp Nhi, nói cho anh biết em đang nghĩ gì đi!"

Tôi cụp mắt xuống, lí nhí đáp: “Không nghĩ gì cả."

Anh nâng mặt tôi lên, nói: “Em có biết điều anh sợ nhất là gì không? Chính là bộ dạng lúc này của em, rõ ràng em đang suy nghĩ gì đó nhưng lại giữ kín trong lòng, rồi ngay lập tức sẽ bỏ đi!"

Tôi kinh ngạc.

Anh vuốt má tôi, từ tốn nói: “Lạp Nhi, nói cho anh biết em đang nghĩ gì được không? Nếu em sợ hãi, hãy nói ra, nếu em không vui, anh sẽ không đi đâu nữa."

Giọng nói của anh có chút van nài, có chút mông lung của màn đêm. Luôn có một lúc nào đó, con người cảm thấy yếu đuối và muốn bỏ cuộc, những lúc như vậy, chỉ cần một chút ngoại lực tác động là có thể xoay chuyển cả cục diện. Sau này, tôi đã từng tự hỏi, liệu đó có phải thời khắc do dự cuối cùng của Lâm? Nếu lúc đó, tôi ngăn cản anh, có lẽ anh sẽ không đi thật, mặc kệ thiên hạ đại loạn, mặc kệ đám quân lính vũ khí đầy người ở đèo Khyber, nhưng sau đó thì sao, liệu anh có hối hận không? Anh có hận tôi không?

Tâm tư tôi giằng xé, giữa đêm khuya tĩnh mịch, chỉ nghe thấy tiếng mưa tí tách ngoài cửa sổ. Cuối cùng, tôi nói: “Nếu anh muốn đi thì hãy đi đi, nhưng nhớ phải quay về." Anh nhìn tôi chăm chăm rồi ôm tôi vào lòng, không nói gì nữa.

Cả đêm, tôi lăn lộn trong giấc ngủ chập chờn. Lâm cũng không ngủ được. Khi mở mắt ra, tôi thấy chiếc ti vi ở phòng bên đang phát kênh tin tức quốc tế, người dẫn chương trình đang nói liến thoắng về chiến sự ác liệt ở đèo Khyber: “Sáng sớm hôm nay, quân Muja đã vượt qua đèo Khyber, tấn công quân Liên minh Phương Bắc với khí thế mãnh liệt đã rút quân tới Jalalabad (*).

(*) Một thành phố ở phía đông Afghanistan, gần biên giới với Pakistan.

Lâm chăm chú nhìn màn hình ti vi, những tia sáng nhấp nháy trên mặt anh, toát lên vẻ ma mị. Chiếc phong bì ướt sũng được đặt trên mặt bàn. Nghe thấy tiếng động trong phòng ngủ, anh ngoái đầu lại, mỉm cười, hỏi: “Em dậy rồi à?"

“Ừm." Tôi đáp, bước tới ôm anh.

Anh dịu d
Tác giả : Cố Khúc
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại