Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 11 - Chương 2

Lực lượng kết hợp của mấy dân tộc châu Âu đã tràn vào nước Nga. Quân đội và cư dân Nga rút lui, tránh cuộc xung đột, rút cho đến Smolensk rồi từ Smolensk đến Borodino rầm rộ tiến nhanh về phía Moskva, mục đích của cuộc chuyển dộng của nó. Càng đến gần đích, thế nó tiến tới lại càng mạnh, cũng như một vật thể càng rơi xuống đến gần đất thì tốc độ rơi lại càng lớn. Nó bỏ lại sau lưng hàng nghìn dặm đất đói nghèo và thù địch; phía trước mặt chỉ còn mấy mươi dặm nữa là đến đích. Điều đó, mỗi người lính trong quân đội của Napoléon đều cảm biết, và cuộc xâm lăngg cứ tự nó tiến triển chỉ do cái sức mạnh của đà thúc đẩy cũ.

Trong quân đội Nga thì càng rút lui, tinh thần căm thù địch lại càng bốc cháy hừng hực: Trong khi rút lui nó tập trung lại và tăng cường lên. Ở Borodino đã xảy ra một cuộc chạm trán. Trong hai đội quân không có bên nào tan rã, nhưng quân đội Nga ngay sau cuộc xung đột đã rút lui, cũng một cách tất nhiên như một quả cầu tất nhiên phải lăn ngược trở lại khi va phải một quả cầu lăn về phía nó mạnh hơn và nhanh hơn; và cũng tất nhiên như thế, tuy đã mất hết sức lực lượng trong cuộc va chạm, quả cầu tấn công kia cũng sẽ theo đà mà lăn một quãng nữa.

Quân Nga rút về phía sau, qua Moskva và dừng lại ở đây. Sau đó suốt năm tuần lễ không xảy ra một trận đánh nào. Quân Pháp không xê dịch. Giống như một con ác thú bị thương nặng mất nhiều máu đang liếm những vết thương của mình, họ ở lại Moskva năm tuần lễ, không tiến hành một công việc gì cả, và bỗng nhiên, chẳng có nguyên do gì mới, họ bỏ chạy trở lại: Họ đổ ra con đường Kaluga (tuy đã thắng trận, vì sau khi đánh chiến trường Maly Yaroxlav nằm trong tay họ), và không mở một trận nào quan trọng, họ chạy càng nhanh về phía Smolensk rồi vượt qua Smolensk chạy về Vilna vượt sông Berezina rồi tiếp tục chạy mãi.

Tối ngày mồng hai tháng tám, Kutuzov cũng như toàn quân đều đã tin chắc rằng trận Borodino là một trận thắng. Trong thư của Kutuzov gửi hoàng đế cũng nói như vậy. Kutuzov ra lệnh chuẩn bị một trận chiến đấu nữa để tiêu diệt quân địch không phải vì ông muốn lừa dối ai mà là vì ông biết rằng quân địch đã bại trận và bất cứ người nào tham gia trận chiến đấu cũng đều biết như vậy.

Nhưng cũng tối hôm ấy và ngày hôm sau bắt đầu có những tin tức dồn dập đưa về, cho biết là binh lính bị thương vong nhiều chưa từng thấy, rằng quân đội đã tổn thất mất một nửa, và thực tế không thề nào mở một trận mới được nữa.

Không thể nào tác chiến trong khi chưa thu thập được tin tức, chưa thu nhặt được thương binh, chưa bổ sung đạn được, chưa đem hết số quân sĩ tử trận, chưa chỉ định những sĩ quan chỉ huy mới thay cho những sĩ quan đã thương vong, trong khi binh sĩ chưa được ăn, ngủ cho lại sức. Nhưng đồng thời ngay sau trận đánh, vừa mới sáng hôm sau, quân đội Pháp (do cái sức mạnh thúc đẩy kia bây giờ dường như đã tăng lên theo tỷ lệ ngược với số bình phương của khoảng cách) đã tự nó tấn công vào quân đội Nga. Kutuzov đang muốn tấn công vào ngày hôm sau và toàn quân cũng đều muốn như vậy Nhưng không phải cứ muốn là có thể tấn công được, cần phải có khả năng tấn công, mà bây giờ thì chưa có cái khả năng đó.

Không thể nào không rút lui thêm một chặng. Rồi lại một chặng nữa, và cuối cùng, vào ngày mồng một tháng chín, - khi quân đội đã rút về gần Moskva - mặc dầu trong hàng ngũ lòng căm thù đã lên rất mạnh, hoàn cảnh vẫn bắt buộc phải rút quá Moskva. Và quân đội đã rút lui thêm một chặng nữa, chặng cuối cùng, và để cho Moskva rơi vào tay quân địch.

Những người quen nghĩ rằng các tướng lĩnh ngồi vạch ra kế hoạch các cuộc chiến tranh và các trận đánh cũng y như bất cứ người nào trong chúng ta, khi ngồi trong thư phòng trước một tấm bản dồ, suy nghĩ xem trong trận này trận kia mình sẽ điều binh khiển tướng như thế nào, ắt phải thắc mắc không hiểu tại sao trong khi rút lui, Kutuzov lại không hành động như thế này, như thế nọ, tại sao ông ta lại không chiếm lĩnh vị trí trước khi đến Fili, tại sao ông ta lại không rút ngay ra con đường Kaluga sau khi bỏ Moskva v.v… Những người quen nghĩ như vậy thường quên mất hoặc không biết đến những điều kiện tất yếu bao giờ cũng chi phối hoạt động của bất cứ nhà cầm quyền nào.

Hoạt động của một vị tổng tư lệnh không hề có chút gì giống như cái hoạt động mà ta vẫn tưởng tượng ra trong khi ngồi thoải mái trong thư phòng, nghiên cứu một chiến dịch nào đó trên tấm bản đồ, với một số quân nhất định bên này bao nhiêu bên kia bao nhiêu, và ở một địa phương nhất định, và bắt đấu xuất phát từ một thời điểm nhất định nào đó. Một vị tổng tư lệnh không bao giờ ở trong cái hoàn cảnh khởi điểm của một biến cố như chúng ta thường hình dung khi xét một sự kiện. Một vị tổng thống tư lệnh bao giờ cũng ở vào giữa một loạt những biến cố đang tiến triển thành thử không bao giờ, không có phút nào ông ta có thể ngẫm nghĩ về ý nghĩa của biến cố đang tiến triển. Biến cố đó vẫn từng lúc một lộ rõ ý nghĩa của nó, và ở mỗi giai đoạn trong cái quá trình bộc lộ nhất quán, liên tục đó, vị tổng tư lệnh đều đang ở vào trung tâm của một hoạt động phức tạp, đầy những thủ đoạn, những âm mưu, những nỗi lo lắng, những mối lệ thuộc, những uy quyền, những dự định, những lời khuyên răn, những câu hăm doạ, những sự lừa phỉnh, ông ta luôn luôn buộc phải trả lời vô số những câu hỏi đề ra cho ông ta, những câu hỏi nhiều khi mâu thuẫn nhau.

Các nhà lý luận quân sự thông thái nói với chúng ta một cách rất nghiêm trang rằng lẽ ra Kutuzov phải chuyển quân ra con đường Kaluga từ lâu trước khi Fili, và thậm chí còn nói rằng có người đề ra ý kiến với ông ta. Nhưng trước mắt vị tổng tư lệnh nhất là trong giờ phút gay go, không phải chỉ có một ý kiến, mà bao giờ cũng có hàng chục ý kiến trong một lúc. Và mỗi ý kiến như vậy, vốn căn cứ trên chiến lược và chiến thuật lại dẫn đến mâu thuẫn lẫn nhau. Có thể tưởng đâu công việc của vị tổng tư lệnh chẳng qua là chọn lấy một trong những ý kiến đó. Nhưng dù chỉ có thế thôi, thì ông ta cũng không thể làm được. Sự việc và thời gian không đợi ai hết. Chẳng hạn có người đề nghị với ông ta là đến ngày hai mươi tám cho chuyển quân ra đường Kaluga; nhưng khốn nỗi ngay lúc đó lại có một viên sĩ quan phụ tá của Miloradovite phi ngựa đến hỏi xem nên giao chiến ngay với quân Pháp hay là nên rút lui. Thế là ngay lúc ấy ngay phút ấy ông ta phải ra lệnh. Mà lệnh rút lui lại làm cho quân ta phải rời xa các chỗ ngoặt đưa đến con đường Kaluga.

Rồỉ tiếp theo viên sĩ quan phụ tá lại có viên quản lý quân nhu đến hỏi xem phảì chở lương đi đâu, rồi một viên thủ trưởng bệnh xá hỏi phải chở thương binh đi đâu; cũng ngay lúc ấy lại có thư của nhà vua từ Petersburg gửi đến, một mực không chấp nhận ý định bỏ Moskva, còn kẻ tranh quyền với vị tổng tư lệnh, kẻ đang cố tìm cách ngầm hại ông ta (những kẻ như vậy thì lúc nào cũng có, và không phải chỉ một, mà khá nhiều) thì để ra nột kế hoạch mới, ngược hẳn với kế hoạch tiến ra đường Kaluga. Trong khi đó thì bản thân vị tổng tư lệnh đang cần ngủ và cần bồi dưỡng cho lại sức, thế nhưng lại có một viên tướng già không được khen thưởng đến khiếu nại; rồi dân sở tại đến van xin ông che chở cho, rồi một viên sĩ quan được phái đi xem xét địa thế trở về báo cáo những điều trái hẳn với viên sĩ quan được phái đi lần trước, rồi người trinh sát, tên tù binh và viên tướng phụ trách việc kiểm tra trận địa. - mỗi người đã quên không hiểu hoặc quên những hoàn cảnh thực tế tất yếu đó của bất cứ vị tổng tư lệnh nào, có thể trình bày cho ta biết vị trí các đạo quân ở Fili và bảo răng ngày một tháng chín vị tổng tư lệnh có thể hoàn toàn tự do giải quyết vấn đề bỏ hay giữ Moskva trong khi vấn đề này không thể đặt ra được vì quân đội Nga đang ở cách Moskva năm dặm. Vậy thì vấn đề này được giải quyết vào lúc nào? Nó được giải quyết ở Drissa, cũng như ở Smolensk, và rõ hơn cả là ngày hai mươi bốn ở Sevardino cũng như ngày hai mươi sáu ở Borodino, cũng như ở bất cứ ngày nào, giờ nào, phút nào trong khi rút từ Borodino đến Fili.
Tác giả : Leo Tolstoy
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại