Cầu Vong Khách

Chương 21: Cầm gia

Tôi cảm thấy sức lực đang dần rời bỏ mình. Xung quanh tôi là một màu đỏ của máu. Sau hành động xiên cá cuối cùng, tôi không còn sức để ngoi lên nữa. Sinh nghề tử nghiệp, có lẽ tôi lại bỏ mạng nơi đây? Trước giờ tôi luôn giữ đồng tiền phép thầy cho bên người, giờ nó đã nằm lại dưới đáy sông, đại vận của tôi có lẽ cũng chỉ đến đây. Tôi thoáng thấy gương mặt của mẹ tôi bập bùng trong làn nước.

Bất chợt thắt lưng tôi được túm chặt rồi lôi lên...

***

Thầy Vĩnh được kéo lên trên thuyền, người rũ ra như một xác chết, không còn chút thần trí nào.

Chiếc thuyền được chèo vào bờ, trong lúc đó, thấy Lộc cùng những người khác ra sức hồi cứu. Thầy Lộc điểm huyệt nhưng vẫn không thấy có dấu hiệu hồi tỉnh. Từ miệng thầy Vĩnh máu không ngừng tuôn ra. Có lẽ lục phủ ngũ tạng cũng đang rỉ máu. Trong trận đại chiến vừa rồi, có lẽ thầy đã dùng toàn bộ khả năng của mình.

Thầy Vĩnh được đưa lên bờ, mọi người vây quanh. Ông Mười ra sức hồi sức tim phổi nhưng không thấy phản ứng gì. Vĩnh vẫn không thở. Trông hai người thầy đều xơ xác, máu me bê bết khắp người. Người dân đã gọi cấp cứu. Thầy Lộc thở dài, có lẽ đi bệnh viện giờ cũng không kịp nữa. Hiệp đứng bên cạnh hoảng hốt và bụm miệng khóc. Những vết ấn đen trên cổ cô đã biến mất.

Thầy Lộc nhờ cởi áo Vĩnh ra. Ông lôi ra chiếc bọc màu đỏ vừa ấn vào ngực Vĩnh ở dưới sông, mở ra. Bên trong là một nắm đất xốp tơi, thầy Lộc trải ra khắp ngực, bụng của Vĩnh. Ông ta tháo chiếc vòng ngọc đang đeo trên cổ, nâng lên trán cầu nguyện rồi tròng vào cổ thầy Vĩnh, đặt ngay ngắn trước ngực. Thế rồi thầy thảo thật nhanh một lá bùa vàng vẽ hình người lên giấy vàng rồi dán lên mặt thầy Vĩnh. Thầy Lộc bắt đầu lẩm nhẩm chú và điểm huyệt thêm 1 lần nữa.

Đất và ngọc này, thầy Lộc đã lặn lội mấy ngày lên tận Huế để tìm. Thầy không biết rõ Vĩnh định làm gì nhưng thầy hiểu rằng cần mở trận địa diệt Thủy thì phải có nguyên tố Thổ và thầy đi tìm đất thiêng. Thầy đã lặn lội tới những bờ sông hoang dại nhất của con sông Hương, nơi chưa có thành thị xâm lấn để lấy lên những thổ nhưỡng nguyên thủy nhất. Sau đó thầy đã tới thăm chùa Thiên Mụ để xin mượn ấn. Chùa Thiên Mụ nằm ngay bên bờ sông Hương, nơi nhiều âm khí, ma da quỷ nước rất nhiều. Chính nhờ có ấn đó mà chùa Thiên Mụ giữ được sự trong sạch, thanh nghiêm, không bị nhiễm tà khí của con sông, vẫn sừng sững ở đó như một biểu tượng của kinh đô Huế. Phải mất mấy ngày thuyết phục và đánh đổi nhiều thứ, thầy Lộc mới có thể mượn chiếc ấn ngọc về. Có ấn ngọc thì uy lực của người thầy pháp sẽ được nâng cao lên nhiều khi đối đầu với ma da.

Khi vừa về tới đảo, thầy Lộc đã nhận ra Vĩnh đã triển khai trận địa diệt quỷ, lặn cả xuống nước để tru diệt.Thế nhưng khi đứng trên bờ ông nhận ra trong trận địa chưa có ánh sáng hắt lên của Thổ trong đó, nguyên tố thiết yếu và rất quan trọng. Trong lúc bước lên thuyền, do va vấp mà bọc đất thầy Vĩnh đem theo đã bị rơi xuống sông. Thầy Lộc bèn hơ đám đất thiêng trên lửa cùng hương thảo mộc để cho đất nóng rẫy lên. Sau đó thầy bọc vào tấm vải đỏ và lao xuống sông. Vừa hay lúc thầy Vĩnh cần ứng cứu.

Sau vài lần điểm huyệt, thầy Vĩnh vẫn không thấy tỉnh lại. Ánh sáng của những luân xa gần như đã tắt hẳn. Chẳng nhẽ ông ấy sẽ ra đi mãi mãi như thế này sao? Thầy Vĩnh ngấm nước sâu, âm khí nhiều, dương khí không còn bao nhiêu nữa. Thầy Lộc ôm đầu nói: "Hỏng rồi, dương khí yếu quá không thông kinh huyệt được!"

Hiệp run run nói: "Trước khi mở trận địa này, anh Vĩnh có nói với tôi là....anh đã bỏ đồng tiền thiêng được trì chú theo mình hai mấy năm bảo vệ anh ấy, để hoàn thành trận địa ở trạng thái tốt nhất..Có phải vì thế mà...?"

"Nó có vẽ hình gì? Cô còn nhớ không? Đồng tiền đó giờ đang ở đâu?". Thầy Lộc vội hỏi. Theo 2 mấy năm, chắc chắn có lưu dương khí và tinh thể của người cầm nó. Nếu là đồng tiền Thái Dương thì còn thu hút năng lượng nhiều hơn nữa.

Chẳng nói chẳng rằng, Hiệp vớ lấy chiếc xẻng nằm giữa đống dụng cụ ngổn ngang bên bờ sông rồi nhảy thẳng xuống sông bơi ra giữa dòng. Người dân không hiểu gì, chỉ giục mọi người đưa thầy Vĩnh đi cấp cứu.

Hiệp lội ra giữa dòng sông, lặn vào giữa trận địa bằng cọc gỗ. Cô lặn sâu tận dưới đáy sông, ra sức dùng xẻng, tay bới đào để tìm vật cần tìm. Trong lòng Hiệp hoảng hốt và đau đớn. Hiệp cũng sợ mất thầy Vĩnh. Tay cô bới được bọc vải đỏ dưới sông, được buộc chặt bởi những sợi dây chun. Hiệp bới lên và vội vàng đem vào bờ.

Thầy Lộc tháo sợi chun, lấy ra đồng tiền cổ to bằng nửa lòng bàn tay, ở giữa có lỗ và khắc chữ cổ, đằng sau chạm khắc hình mặt trời. Đó chính là đồng tiền Thái Dương rất hiếm. Thầy Lộc đặt đồng tiền lên hõm cổ của Vĩnh, ấn chặt.

"Hồi sức tiếp đi!" Thầy Lộc nói.

Hiệp luống cuống nãy giờ nhưng cuối cùng cũng quyết định làm một hành động táo bạo. Cô ở trong đội cứu hộ của đảo nên những bước sơ cứu cô đều nắm rõ. Hiệp sẽ hô hấp nhân tạo, lúc này có lẽ sẽ hiệu quả hơn hồi sức tim phổi. Hiệp nâng cổ thầy Vĩnh lên cao, khẽ bóp mũi và kề đôi môi còn ướt nước vào sát đó. Đôi môi cô run rẩy, cuối cùng cũng chạm vào đôi môi đã lạnh ngắt của thầy Vĩnh.

Thầy Lộc tiếp tục ấn huyệt và niệm chú.

*** (Trở về cái nhìn của thầy Vĩnh)

Tôi thấy mình đang ngồi ở trước hiên nhà năm nào. Ánh sáng ban ngày nhẹ nhàng và không chói gắt. Tôi không rõ tại sao mình lại trở về đây.

Bất chợt một bóng người hiện lên ở cánh cổng trồng đầy cây dâu da, một bóng hình hết sức quen thuộc.

"Mẹ!..." Tôi khẽ nói, một mảng ký ức nhạt màu đầy tươi đẹp hiện lên trong lòng khiến tôi cảm thấy đau đớn. Tôi đi lại gần mẹ. Thật buồn cười, tôi thì đã già, hơn cả tuổi mẹ năm đó, mà giờ mẹ tôi vẫn trẻ đẹp như vậy.

"Vĩnh con!"...Tôi khẽ lại gần ôm chầm lấy mẹ, hơi ấm đã lâu lắm rồi tôi không còn cảm nhận được nữa.

Mẹ con tôi nói về những năm tháng đã qua, về việc tôi đã sống như thế nào, bố tôi cùng họ hàng ra sao...Bố tôi giờ đã đi bước nữa, tôi không ghét dì nhưng tôi cũng không hay về thăm họ, tôi cảm giác như mình là một thứ thừa thãi trong gia đình của họ cùng với mặc cảm tội lỗi năm xưa khiến tôi không còn thân thiết được với bố nữa.

"Hôm nay con đã dám nhảy xuống nước đấy...mẹ ạ..cũng từng ấy năm rồi...con xin lỗi vì đã mải chơi...khiến cho..."

Mẹ tôi xoa lưng tôi khe khẽ như hồi bé: "Đó không phải lỗi của con. Chỉ là trên thế gian có nhiều thứ hiểm độc..."

"Hôm ấy sao mẹ lại tìm được con? Bao nhiêu năm con chỉ tự hỏi câu ấy. Nhiều khi con ước người ra đi lại là con, giá như mẹ đừng tìm thấy con..."

"Trưa đó...mẹ đang ngồi thêu trong nhà, tính ra bếp đun cơm với nấu canh cho con, thì bất chợt một con quạ lớn, to, bay ngang sân nhà bác, kêu váng lên rồi đậu ở cây nhãn trên mảnh vườn trước cửa, nhìn chằm chằm vào mẹ...Ngày xưa bà ngoại có bảo, quạ chẳng phải điềm lành. Như có run rủi thế nào, linh cảm của người mẹ, mẹ nghĩ tới con, rồi chạy ra thì thấy bóng con khuất ở chiếc ngõ đằng xa...Mẹ đi theo con, chỉ thấy con đi một mình thôi..."

Tôi im lặng lắng nghe, lòng vẫn nặng trĩu. Mẹ đúng là quý nhân của cuộc đời tôi.

"Sao giờ con lại được gặp mẹ nhỉ..?" Tôi tự hỏi. Từ hồi ngã xuống ao trở về, tôi hay nằm mơ mộng mị, bị bóng đè, nhìn thấy bóng ma hồn cỏ vật vờ ngoài đường ngoài chợ. Thế nhưng tuyệt nhiên tôi không bao giờ nhìn thấy mẹ tôi trở về, kể cả là sau khi sư phụ tôi làm lễ siêu độ cho bà.

"Cho con đi với mẹ được không? Ở đây, con cô đơn quá..." Tôi nói.

"Mẹ vẫn luôn ở đây chứ đâu? Con không phải đi đâu với mẹ hết..." Mẹ tôi cười hiền, ánh mắt nâu trầm giống Hiệp.

Đúng rồi, còn Hiệp thì sao?

"Trờ về đi con...Chưa đến lúc..." Hình ảnh mẹ tôi mờ nhòe dần đi. Dội vào tai tôi là tiếng gọi: "Anh Vĩnh! Anh Vĩnh ơi! Mở mắt ra đi..."

***

Thầy Vĩnh mở mắt ra, ho ra nước sặc sụa, đẩy nước ra khỏi phổi, miệng vẫn nhễu nhại những máu.

"May quá...may quá..." Người dân xung quanh ồ lên.

Thầy Lộc biết như vậy là tạm ổn, kéo được người này từ cửa tử về. Thầy Vĩnh dường như vẫn chưa lấy lại được thần trí, mắt nhắm mắt mở yếu ớt lắm. Giá như lúc này có đá ngọc thạch trăm năm, đặt lên nằm dưỡng thương có lẽ sẽ đỡ hơn. Thầy Lộc khoát tay nhờ người dân đưa Vĩnh đi cấp cứu.

Thế nhưng đột nhiên Vĩnh mở to mắt, gồng lên, tay nắm chặt lấy gấu áo của Lộc, miệng mấp máy gì đó. Lộc phải cúi xuống lắng nghe.

"Chưa...chưa xong...Phá ấn..phá ấn ở Cầm gia...Ngôi nhà đá...Hỏi Hiệp...anh Mười..."

Phá ấn ở Cầm gia?

Thầy Lộc chỉ nghe được có bấy nhiêu, Vĩnh lại ngã xuống bất tỉnh, vẫn còn hơi thở nhè nhẹ. Người dân vội vàng xốc thầy lên đưa thầy đi đón xe cấp cứu. Hiệp mũi đỏ ngầu, đi theo đám đông thì bị thầy Lộc kéo giật lại. Ông thầy kiệm lời chỉ hỏi:

"Cô là Hiệp đúng không. Cô có biết gì về Cầm gia không?"

Hiệp chợt sững lại rồi nói: "Anh Vĩnh từng kể cho tôi nghe lũ ma da nói hay hát gì đó, đại loại như là:

"Thất thập cổ niên

Tích nhân vong miên

Thử địa lưu dư

Yên ba giang thượng

Thất thất tử cửu

Tích nhân dĩ khứ

Cầm gia dĩ thừa

Thăng thiên tại mệnh

Thành sự tại nhân..."

Anh ấy bảo còn vài từ chưa hiểu như là "cầm" hay "tử" gì đó..."

Thầy Lộc chợt hiểu ra, bèn quay qua tìm ông Mười. Ông Mười đang buộc thuyền trên sông, loay hoay dọn dẹp mọi thứ. Thầy Lộc tiến lại bắt chuyện.

"Đoạn sông này, chẳng còn Hà Bá nữa nhỉ?"

"Ơ..dạ thầy...vâng..nghe đâu ngày xưa các cụ nhà mình làm lễ dời miếu thờ thần Sông lên thượng nguồn rồi...mà kể cả có Hà Bá thì bao năm nay người chết đuối vẫn nhiều thế mà...cứ như là Ngài muốn thế ấy..."

"Thế lần trước hình như là anh với cả thầy Vĩnh..đi đâu trên sông này à? Có phát hiện ra gì đặc biệt không?"

"À...lần trước thầy Vĩnh có bói trà gì đó để đi tìm xác anh Lăng, những tưởng bị trôi dạt mắc kẹt ở đâu đó trên sông...ai ngờ, lần đó hú vía thầy ạ! Tôi vẫn rởn cả người, nghỉ đi thuyền mấy hôm đó!"

"Sao vậy?"

"Vào một cái lạch nước nhỏ kín nào đó, thầy ấy bảo tìm một cái nhà bằng đá. Hôm đó thì tối trời, ai ngờ bị một đống vong chết trôi quây thầy ạ. Cái thằng Vũ hôm đó còn ngã xuống sông..."

"À...ra cậu Vũ dính Chu Thủy ở đó...Tôi hiểu rồi...Mai tôi cần mọi người giúp nốt chuyện này cho chót...Cái xô cá đâu rồi? Đưa cho tôi, tôi giữ..Xô cá này không được mở ra nhìn đâu.."

"Giúp gì hả thầy?"

"Mai đưa tôi lại đó một chuyến. Còn vài cái lễ nữa mới xong."

Ông Mười tìm quanh quất chậu cá đã cất gọn đi ở đâu đó, lúc nãy vội không kịp nhớ rõ. Lúc ở trên thuyền, cá quẫy rất mạnh, tưởng bung nắp ra đến nơi.

Bất chợt có tiếng gào thét của một đứa trẻ vọng lại, mọi người làm xúm vào. Ông Mười hốt hoảng thấy chậu cá để dưới gầm bàn lễ đã bị lôi ra mở nắp. Đứa trẻ kia đang ôm mặt, máu chảy ròng ròng ra giữa những kẽ tay.

Thầy Lộc hét: "Đóng cái nắp xô lại!". Ông Mười cuống cuồng đậy nắp. Chắc lũ trẻ con tò mò nghịch ngợm mở ra xem.

"Trời ơi, sao lại nhìn vào mắt cá?"

Máu chảy ròng ròng từ mắt đứa bé. Thầy Lộc lại đành phải vẽ bùa, dán lên 2 mắt của thằng bé, rồi đưa một viên ngọc trong như hòn bi cho mẹ thằng bé dặn dò. Nó phải ngậm hòn ngọc đủ 3 ngày 3 đêm không được nuốt, không được nhả ra, tạm thời bỏ ra lúc ngủ. Mắt không được mở, bùa không được tháo. May ra mới phục hồi được vài phần thị lực. Xong xuôi thì trả lại viên ngọc cho thầy. Người mẹ run rẩy không biết phải sao, đành đưa đứa bé về.

"Nguy hiểm quá..." Thầy Lộc giữ chặt xô cá. "Quỷ độc nhiều năm chứ có đơn giản gì..Cẩn thận còn bị nhập xác..."

"Xin lỗi..tại không ai nói gì nên tôi..tôi hớ hênh quá!". Ông Mười bối rối.

"Phải giải quyết sớm thôi...". Thầy Lộc nói.
Tác giả : Thục Linh
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại