Cái Chết Của Ba Người Lính Ngự Lâm
Chương 58: Phúc trình

Cái Chết Của Ba Người Lính Ngự Lâm

Chương 58: Phúc trình

Nét chữ to của ông hoàng như của một người học trò vụng về:

"Bá tước thân mến,

Một đau thương lớn vừa đến với chúng ta ngay giữa chiến thắng huy hoàng nhất, Hoàng thượng vừa mất một người lính can đảm nhất. Tôi mất một người bạn. Ngài mất ông De Bragelonne.

Ông ấy hy sinh rất vẻ vang, vẻ vang đến mức tôi không đủ sức khóc như ý muốn.

Xin Bá tước thân mến hãy nhận những lời khen ngợi đau buồn của tôi. Trời đã đặt để cho mỗi người một thử thách tùy với giá trị của họ. Thử thách ấy thật to lớn nhưng không quá sức chịu đựng của ngài.

Bạn thân thiết của ngài.

Hầu tước De Beaufort".

Bức thư này có kèm theo một bản ghi chép do người thư ký của Hầu tước viết ra. Đây là lời tường thuật cảm động nhất, chân thật nhất của câu chuyện thê thảm kết thúc hai cuộc đời.

D Artagnan dù đã quen với những xúc động trên trận địa, dù tâm hồn đã chai cứng, nhưng cũng không khỏi giật nẩy mình khi đọc đến tên Raoul, tên của cậu con yêu quý, như một bóng hình của người cha.

Người thư ký của ông hoàng ghi:

"Vào buổi sáng, Đức ông hầu tước chỉ huy trận tấn công. Quân đoàn Normandie và Picardie đã chiếm lĩnh các vị trí nơi các tảng đá xám dưới triền núi, trên kia là các pháo đài của Djidgelli. Đại bác nổ dồn báo hiệu cuộc tấn công. Các trung đoàn cương quyết tiến lên, những người cầm giáo giơ cao ngọn giáo, những pháo thủ nâng tay súng. Hoàng thân chăm chú nhìn theo quân đi và sẵn sàng cho một đoàn dự bị quan trọng tiếp ứng. Bên cạnh Đức ông là những người chỉ huy dày dạn nhất và những người phụ tá. Ngài Tử tước De Bragelonne được lệnh không rời Điện hạ.

Đại bác địch lúc đầu bắn bừa bãi chống lại, sau đó dược điều chỉnh dần và trái đạn đã giết một số người quanh Hoàng thân. Các trung đoàn xếp thành hàng tấn công thành luỹ hơi bị thiệt hại. Binh sĩ chùn lại, vì thấy pháo binh ta yểm trợ không hiệu nghiệm. Các pháo đội đặt trong đêm trước ở vị trí thất lợi nên bắn ra rời rạc và không trúng đích. Hướng bắn từ dưới lên trên khiến cho tầm bắn và đích nhắm bị sai lạc.

Đức ông thấy hiệu quả kém của pháo binh vây hãm nên ra lệnh cho các tàu nằm trong vịnh bắn tới tấp lên đồn địch. Ngài De Bragelonne là người đầu tiên xin mang lệnh ấy đi, nhưng Đức ông không thuận.

Đức ông hành động có lý vì ngài yêu thương và muốn nâng đỡ nhà quý tộc trẻ tuổi. Ngài có lý vì những biến cố đến sau đó sẽ chứng minh rõ: Người hạ sĩ quan được ngài sai đi vừa đến bờ biển thì hai phát súng vang lên từ phía địch bắn anh ngã xuống, mặt úp vào vũng máu hoà trong cát.

Thấy thế ngài De Bragelonne mỉm cười với Đức ông. Điện hạ nói: "Tử tước thấy không. Ta vừa cứu mạng ông đấy. Sau này về nói với Bá tước De La Fère để ông ta biết cho lòng ta".

Nhà quý tộc trẻ tuổi cười buồn, trả lời Hầu tước:

- Đúng là nếu không có lòng tốt của Đức ông thì tôi đã bị giết nơi kia và ngủ yên như người trung sĩ khốn khổ đó rồi!

Giọng ngài De Bragelonne có vẻ gì không vui đến nỗi Đức ông phải vội lên tiếng:

- Ôi chàng tuổi trẻ thèm đến chảy nước miếng rổi. Nhưng ta đã hứa với Bá tước là đem anh về yên lành nên nếu Thượng đế đồng ý thì ta phải giữ lời.

Ngài De Bragelonne đỏ mặt, hạ thấp giọng nói:

- Xin Đức ông tha lỗi, chẳng qua là lúc nào tôi cũng muốn cống hiến khi gặp dịp. Và thật là hân hạnh biết bao nếu được nổi bật trước mặt viên tư lệnh của mình, nhất là khi tư lệnh đó là ngài Hầu tước De Beallfot.

Đức ông dịu nét mặt lại rồi quay sang các sĩ quan đang vây quanh để ra một số lệnh khác.

Toán mang lựu đạn của hai trung đoàn đã áp sát khá gần các hào thành và vị trí ẩn núp của địch, rồi ném lựu đạn nhưng hiệu quả không là bao.

Tuy nhiên, ngài d Estrée chỉ huy hạm đội, đã thấy việc viên trung sĩ muốn đến đoàn tàu nên hiểu rõ rằng có thể hắn không cần lệnh. Lính A-rập hoảng hốt la hét vì thấy đạn bắn từ phía hạm đội làm tan nát thành luỹ của họ. Họ cho một toán kỵ binh chuyển sang tấn công bộ tham mưu lúc này không còn ai bảo vệ hết. Mối nguy hiểm thật lớn, Đức ông phải rút gươm ra, những người thư ký, cần vụ cũng bắt chước ngài. Các sĩ quan tùy tùng ra chặn cuộc tấn công dữ dằn kia.

Lúc này mới làm cho ngài De Bragelonne thỏa mãn với nỗi ham muốn từ lúc đầu ra quân. Ngài chiến đấu bên cạnh Đức ông như một tay kiếm La Mã và chỉ với thanh gươm nhỏ ngài giết được ba người A-rập.

Ngài hăng lên đến nỗi Đức ông phải lên tiếng kêu ngài dừng lại.

Chắc là ngài phải nghe thấy tiếng của Đức ông chứ, vì chúng tôi ở bên cạnh ngài, chúng tôi đã nghe. Thế mà ngài không dừng lại và cứ tiếp tục phóng về phía bọn họ cố thủ.

Ngài De Bragelonne vốn là một sĩ quan rất tôn trọng kỷ luật nên trường hợp bất phục tùng lệnh của Đức ông làm mọi người rất lấy làm kinh ngạc. Ngài De Beaufor gọi giật lại:

- Blagelonne dừng lại! Anh đi đâu đấy? Ta bảo anh dìrng lại!

Tất cả chúng tôi đều vẫy tay theo cử chỉ của Hầu tước, đợi người kỵ sĩ quay đầu lại, nhưng ngài De Bragelonne vẫn quất ngựa hướng về phía các hàng rào, Hoàng thân lặp lại tiếng kêu thật to:

- Bragelonne dừng lại! Ta thay lời cha ngươi gọi đấy!

Nghe tiếng đó, ngài De Bragelonne quay lại, nét mặt đầy vẻ đau đớn, nhưng ngựa vẫn không dừng, như là lôi ngài đi vậy.

Khi Hầu tước thấy Tử tước không điều khiển nổi con ngựa nữa, để ngựa vượt lên trước những người mang lựu đạn nơi hàng đầu thì ông vội kêu lên:

- Pháo thủ bắn ngựa! Ai hạ sẽ được 100 pistole!

Nhưng bắn ngựa mà không được đụng đến người cưỡi thì ai dám làm? Sau cùng một tay súng giỏi của trung đoàn Picardie tên là La Luzeme nhắm bắn trúng vào mông ngựa. Người ta thấy màu đỏ chảy trên nền lông trắng, nhưng con ngựa thay vì ngã ra lại mang người cưỡi chạy nhanh hơn.

Cả trung đoàn Picardie thấy người trẻ tuổi đáng thương ấy chạy đến nơi chết, đều kêu thất thanh: "Nhảy xuống! Ngài Tử tước nhảy xuống! Nhảy xuống đi! "

Lúc bấy giờ Tử tước đã vào tầm súng tay của phía lũy.

Một loạt đạn bắn ra, khói lửa bùng lên che lấp ngài. Khi khói tan, chúng tôi thấy ngài đứng đấy, con ngựa chết rồi.

Lính A-rập bảo ngài đầu hàng, nhưng ngài tỏ dấu từ chối và cứ tiếp tục tiến về phía hàng rào. Thật là cả một sơ suất chết người. Nhưng tất cả mọi người đều biết ngài không lùi bước.

Ngài đi tới vài bước nữa và cả hai trung đoàn vỗ tay vang dậy.

Chính vào lúc ấy, loạt đạn thứ hai nổ ra làm rung chuyển chiến lũy lần nữa và lại lần nữa ngài Tử tước De Bragelonne biến đi trong cơn lốc khói mù. Nhưng lần này dù khói tan, lửa tắt, chúng tôi vẫn không thấy ngài đứng dậy nữa. Ngài nằm đấy, đầu thấp hơn chân, vắt mình lên trên bụi cây. Người A-rập định bước ra khỏi chỗ nấp đến cắt đầu hay lấy thây ngài theo thói quen của họ.

Nhưng Đức ông Hầu tước Beaufort đã theo dõi sự việc từ đầu đến cuối sự việc khiến cho ngài đau lòng lớn tiếng thở than.

Khi thấy người A-rập chạy như lũ ma trắng giữa đám cây nhũ hương, ngài kêu to lên:

- Toán tiền quân! Các ngươi chịu để cho chúng cướp được thân xác cao quý kia sao?

Vừa nói, ngài vừa vung gươm lao về phía địch. Cả các trung đoàn chạy theo, la hét vang trời. Trận đánh giành xác Tử tước ghê gớm đến nỗi phía địch phải bỏ lại một trăm sáu mươi xác, còn ta thì thiệt ít ra là năm mươi người.

Một trung uý trong trung đoàn Normandie vác xác Tử tước lên vai và mang về phía sau. Lợi thế vẫn nghiêng về phía ta. Các trung đoàn có đủ quân dự bị tiến lên xô đổ hàng phòng ngự của địch.

Lúc ba giờ, súng phía A-rập ngưng tiếng. Cuộc chiến đấu chuyển thành trận đánh giáp lá cà trong hai giờ đồng hồ. Lúc năm giờ, ta toàn thắng trên tất cả mặt trận, địch quân phải bỏ vị trí và ngài Hầu tước sai cắm cờ trắng trên đỉnh cao nhất của ngọn đồi.

Lúc bấy giờ mọi người mới kịp nghĩ đến ngài De Bragelonne hãy còn thoi thóp. Điều này khiến Đức ông rất vui mừng khi đến chứng kiến các nhà giải phẫu đến săn sóc, băng bó cho Tử tước.

Có hai bác sĩ nói là Tử tước sống được. Đức ông vui mừng đến mức nhảy lên và hứa sẽ cho họ mỗi người mười ngàn louis nếu họ cứu sống ngài De Bragelonne.

Nhà giải phẫu thứ ba là giáo sư Sulvain De Saint Cosme, nhà bác học nổi danh nhất của chúng ta. Ông xem xét các vết thương và không nói gì cả.

Ngài De Bragelonne mở mắt nhìn đăm đăm như muốn dò theo từng cử chỉ, từng ý nghĩ của nhà bác học. Ông ta trả lời với Đức ông rằng trong tám vết thương có ba vết gây chết người, nhưng do người bị thương quá mạnh, quá sung sức nhờ tuổi trẻ, cho nên nếu Chúa thương thì ngài Tử tước De Bragelonne có thể hồi phục nếu đừng động gì đến ông ta.

Giáo sư Sulvain quay sang các người phụ tá nói thêm:

- Nhất là không được nhúc nhích gì hết, nếu không ông ta chết đấy!

Thế là chúng tôi đi ra khỏi lều, mang một chút hy vọng trong lòng. Người thư ký nói trước lúc bước ra tưởng như thấy được một nụ cười xanh xao, buồn bã thoáng trên môi của Tử tước, khi Hầu tước cúi xuống nói lời an ủi:

- Ồ Tử tước, ta nhất định sẽ cứu được anh!

Nhưng buổi tối, khi chúng tôi tưởng người bệnh đã nghỉ thì một người phụ tá bước vào, kêu lên hoảng hốt.

Chúng tôi xô nhau chạy vào, người phụ tá chỉ cho Hầu tước thấy cái xác của ngài De Bragelonne nằm trên đất phía dưới giường, máu ướt đẫm thân mình.

Hình như ngài có quằn quại, giãy giụa nên rơi xuống giường và do đó mau chết hơn như lời tiên đoán của giáo sư Sylvain.

Người ta đỡ Tử tước dậy. Ngài đã lạnh ngắt. Tay phải ngài còn nắm một lọn tóc hung, bấu nơi trái tim.

Tiếp sau là những chi tiết về cuộc viễn chinh và chiến thắng trước quân A-rập.

D Artagnan dừng lại. Ở đoạn Raoul chết. Ông lẩm bẩm:

- Tội nghiệp thằng bé, đây là một vụ tự sát!

Rồi ông quay về phía toà lâu đài Athos đang yên nghỉ ngàn thu, và nói nhỏ: "Họ đã giữ lời hứa với nhau. Bây giờ họ đang sung sướng vì đã gặp nhau"

Rồi ông từ từ đi trên con đường hoa viên. Trên mọi đường phố, khắp vùng chung quanh, những người láng giềng khóc sướt mướt kể cho nhau nghe về hai tai nạn tang tóc, và chuẩn bị lễ táng.
Tác giả : Alexandre Dumas
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại