Bút Vẽ Giang Sơn, Mực Tô Xã Tắc
Quyển 3 - Chương 251: Bão về

Bút Vẽ Giang Sơn, Mực Tô Xã Tắc

Quyển 3 - Chương 251: Bão về

Bão biển!

Hai từ ấy tưởng như đã quá quen thuộc với bất cứ một người dân làng chài nào, thế nhưng mỗi lần nhắc đến nó, người ta vẫn không kìm được mà phải rùng mình sợ hãi. Chẳng nói đâu xa, chỉ tính riêng trong những làng chài dọc theo một dải duyên hải Định Yên này, bình quân mỗi năm cũng phải có đến hàng chục con thuyền bị bão biển nhấm chìm, hàng trăm người thiệt mạng trong những làn sóng dữ, hàng ngàn người phải chịu nỗi đau mất đi người thân… Và đây mới chỉ là con số ước tính trong những năm thời tiết khá yên ổn mà thôi. Còn như năm nào nhiều bão, hay những năm gặp phải bão lớn thì hậu quả mà người dân nơi đây phải chịu còn nặng nề hơn nữa. Thành ra, cho đến bây giờ, trong những câu truyện mà người già vẫn kể, và trong cả nhận thức chung của biết bao người dân làng chài, bão biển đã trở thành một nỗi ám ảnh sâu sắc nhất.

Và có lẽ, cũng bởi nỗi ám ảnh ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của những người dân làng chài, thế nên trong cái đêm trước cơn bão này, họ không ngủ. Ngay khi những cơn gió dữ đặt bước lên mảnh đất này, thì gần như tất cả những người dân trong làng cũng rời khỏi giường của mình, chuẩn bị sẵn sàng cho công tác đón bão về.

Tiếng kẻng báo bão chẳng mấy chốc đã vang vọng khắp cả cái làng chài bé nhỏ. Ánh đèn ánh đuốc cũng nhanh chóng được thắp sáng trưng, soi rọi khắp từ đầu đến cuối làng, soi cả ra phía bờ cát đang dần bị nước biển xâm chiếm, đồng thời cũng soi rõ những gương mặt đầy lo âu của người dân nơi đây mỗi khi họ nhìn về phía cơn bão ngoài khơi xa.

Bão năm nay đổ bộ đột ngột quá, và cũng dữ quá!

Mặc dù người dân trong làng đã sớm chuẩn bị cẩn thận để chống bão, nhưng sức người vốn có hạn, mà sức mạnh của thiên nhiên thì vô cùng, liệu mấy ai dám chắc chắn rằng họ có thể vượt qua được cơn bão một cách bình yên? Thế nên, sau khi đã chuẩn bị hết mọi thứ có thể, dân trong làng lại lặng lẽ thắp hương cúng bái tổ tiên, cúng bái cả “ông ngư" cai quản vùng biển xứ này phù hộ cho họ qua được cái nạn bão năm nay.

Chẳng biết rằng lời cầu khấn của dân làng có đến được với tổ tiên, với “ông ngư" của cái vùng biển này hay không, nhưng ngoài kia, tiếng sấm vẫn liên tục nổ vang từng hồi, khiến cho tâm tình của những người dân làng chài cũng rộn lên đầy lo lắng. Và nếu như vào lúc này mà có ai đó ngước nhìn lên bầu trời, thì họ sẽ dễ dàng phát hiện ra tầng mây đen ngoài khơi xa đã sà xuống rất sát với mặt biển, sát đến nỗi người ta lầm tưởng rằng mỗi cơn sóng biển đều được hình thành bởi cả nước và mây đen vậy.

Thế rồi, trời đổ mưa!

Từng hạt mưa rơi xuống mặt biển nghe tí tách, từng hạt mưa rơi xuống mái nhà nghe lộp độp. Trong đất trời lúc này chỉ còn lại một thứ âm thanh là tiếng mưa, rộn ràng mà đồng điệu. Nhưng, chớ nên để giai điệu vui tai ấy đánh lừa, bởi ẩn giấu sau những âm thanh hòa hợp và cuốn hút ấy lại là một thứ sức mạnh tàn phá vô cùng đáng sợ. Thứ sức mạnh ấy có thể dễ dàng vùi dập những thứ cây bụi lùm xùm mọc hoang quanh làng, cũng có thể hất tung cả những tảng đá nặng hàng chục cân đã chôn mình sâu trong lớp cát. Và dù rằng những căn nhà trong làng đã được chủ nhân của chúng cột kèo chắc chắn, thế mà giờ cũng thoáng lung lay khi phải đối mặt với từng đợt gió táp mưa sa. Cũng may, dân làng đã có kinh nghiệm chống bão nhiều năm, thế nên ngay khi trận mưa bắt đầu thì họ đã kịp áp dụng những biện pháp che chắn, ngăn không cho mưa gió xô đổ tường nhà.

Và trong khi dân làng còn đang bận rộn chống mưa chống gió, thì tầng mây đen cuồn cuộn trên bầu trời cũng đã bắt đầu những bước biến chuyển của riêng mình. Tại vị trí chính giữa tầng mây, chẳng biết từ khi nào đã hình thành một điểm xoáy – mắt bão. Lấy mắt bão làm tâm, từng cuộn mây dày nặng không ngừng xoay tròn, tạo thành một vòng xoáy hình tháp nối liền từ mặt biển lên đến tận trời. Ngay tại vị trí tiếp giáp giữa mặt biển và vòng xoáy, nước biển đã bắt đầu sôi lên sùng sục, không ít bọt nước còn bốc cả lên không trung, tạo thành một cột nước xoáy trong suốt ngay trên mặt biển.

Sau khi mắt bão hình thành thì gió mưa lại càng thêm dữ dội, từng hàng phi lao trồng quanh làng cũng bị gió quật ngả quật nghiêng, thậm chí có những cây còn bị gió đánh bật cả gốc lên rồi hất văng về phía biển. Giá như những thân cây ấy chìm hẳn xuống biển luôn lại hay, bởi ít ra chúng sẽ không thể gây ra thiệt hại đáng kể cho làng chài. Nhưng đáng tiếc rằng, trong cơn giông bão thế này thì gió lại quẩn. Từng cơn gió điên cuồng táp từ đầu đến cuối làng, rồi chúng lại rẽ ngang, lại xoáy tròn, lại bốc lên cao rồi dìm cả xuống nền cát ẩm ướt. Những thân cây, bụi cây đã bị gió đánh bật gốc thì giờ lại bị chúng kéo lê đi khắp nơi, vẽ lên mặt cát từng đường nét ngoằn ngoèo rối rắm - rối như chính cái nỗi lòng của dân làng trong lúc này.

***************************

Nhà Bảo Trung nằm ở phía cuối làng, lại xây trên một bãi đất thưa nên phải hứng chịu mưa gió rất dữ dội. Căn nhà tranh vốn đã chẳng lấy gì làm khang trang, giờ lại bị gió bão thổi tốc mất một góc mái nên càng thêm khốn khó. Đã vậy, cột kèo trong nhà cũng chưa được giằng cẩn thận để chống bão, thế nên cứ mỗi khi có gió mạnh thổi qua là cả ngôi nhà lại rung lên từng chập như người mắc bệnh sốt rét kinh niên.

Căn nhà vốn có bốn gian thì lúc này đã có ba gian bị nước mưa thấm ướt, phần vì mái nhà đã dột, phần lại vì vách tường dựng bằng phên nứa thật mỏng manh trước mưa dữ gió rền. Còn may, Trần Duy đã kịp thời dựng lên từng hàng trúc xanh bên ngoài căn nhà, cản bớt đi phần nào sức gió và sức mưa. Thế nhưng, cơn bão kia cũng chỉ mới đổ bộ mà thôi. Cứ theo xu thế này thì chẳng mấy mà căn nhà sẽ bị bão kéo sập!

Ấy thế nhưng, dù biết rằng căn nhà đã sắp đổ mà người trong nhà vẫn chẳng hề lo lắng chút nào, trái lại, bác gái và Loan lúc này còn bình tĩnh thu dọn tươm tất đồ đạc trong nhà. Được một lúc, Loan chợt quay sang bảo với Trần Duy:

“Anh Duy này, anh ngừng tay nghỉ ngơi một lúc đi. Em với mẹ thu dọn đồ đạc xong rồi, chờ lúc nào gió dịu đi thì mình sang nhà hàng xóm trú nhờ anh ạ."

“Ừ, anh biết rồi."

Đáp lời Loan một cách bình tĩnh, Trần Duy lại sử dụng nguyên lực biến ra thêm một dãy tre xanh chắn gió chắn mưa. Xung quanh căn nhà lúc này đã mọc dày một mảng tre xanh, nhưng dường như Trần Duy vẫn còn có ý định biến ra nhiều hơn nữa. Loan thấy vậy thì không khỏi buồn cười mà bảo:

“Anh Duy ạ, anh biến ra nhiều tre như vậy thì chút nữa làm sao mình rời đi được?"

Nói xong, Loan còn khẽ bật cười thành tiếng, khiến cho Trần Duy cũng thoáng trở nên bối rối một phen. Sau rốt thì hắn chợt đưa tay gãi gãi đầu rồi cười xòa, bảo:

“Ừ, em nói cũng phải. Tại anh lo nếu bão mà dữ quá thì căn nhà này không trụ được đến lúc gió dịu đi mất."

“Gớm, xem anh kìa! Rõ là còn lo lắng hơn cả em với mẹ ấy chứ."

Khẽ nguýt Trần Duy một cái, Loan lại bật cười hì hì mà bảo:

“Chắc đây là lần đầu tiên anh Duy chống bão phải không? Xem bộ dạng anh cứ lo lắng thế kia thì chắc là không sai vào đâu được rồi. Thôi, anh cứ yên tâm ngồi nghỉ đi, căn nhà này nhìn thì ọp ẹp vậy chứ chịu bão tốt lắm đấy."

Nói rồi, Loan lại ghé mắt qua khe cửa sổ mà nhìn ra bên ngoài. Mặc dù những hàng tre ken dày quanh nhà đã phần nào ngăn cản tầm nhìn của cô, nhưng bằng kinh nghiệm chống bão suốt mười mấy năm qua, Loan vẫn nhận ra được cơn bão đã có xu thế chững lại. Kéo tấm phên che kín khung cửa sổ lại, cô mới nói với Trần Duy:

“Anh ạ, bão bắt đầu chững lại rồi đấy, chắc cũng chỉ chốc lát nữa là gió sẽ dịu đi thôi. Anh xem, mấy hàng tre ngoài kia…"

“Ừ, anh biết rồi. Mấy hàng tre quanh nhà thì cứ để anh lo!"

Khẽ gật đầu với Loan, Trần Duy lại vung tay về phía những hàng tre xanh bên ngoài căn nhà. Chỉ thấy đám tre trúc mọc kín quanh nhà đột nhiên lóe sáng, sau đó liền hóa thành vô số điểm sáng màu xanh nhạt, nháy mắt đã bị gió thổi tan.

Ngay lúc này, cường độ gió bên ngoài chợt giảm hẳn, và cơn mưa thì cũng thưa dần, tưởng như đã sắp tạnh đến nơi. Loan thấy vậy thì vội vàng hô:
“Gió dịu rồi! Mẹ ơi, anh Duy ơi, mình mau đi thôi."

Nói rồi, cồ liền xách một túi vật dụng cần thiết và chạy đi trước. Bác gái thu dọn nốt những món đồ đã chuẩn bị rồi cũng bước vội ra ngoài nhà. Mà Trần Duy lúc này lại nhận “nhiệm vụ" cõng Bảo Trung đi theo hai mẹ con họ. Cả ba người còn chưa đi được bao xa thì đã thấy có người trong làng chạy về phía họ. Đến gần thì họ mới nhận ra, người kia chính là ông trưởng làng.

“Ồ, cô Bích, cô định đi đâu đây?"

“Tôi cứ tưởng là ai, ra là bác trưởng làng đấy à. Năm nay tôi không kịp chuẩn bị chống bão, mà căn nhà thì cũng sắp đến lúc sập rồi, thế nên tôi định cứ để cho nó sập luôn. Giờ tranh thủ lúc mưa gió tạm ngưng, tôi định dẫn cái Loan với cậu Duy đây sang nhà hàng xóm trú bão nhờ. Ơ thế giờ bác đi đâu đây?"

“À, tôi cũng định sang tìm cậu Duy để nhờ chút việc. Mà giờ gặp cô ở đây thì cũng tiện quá. Hay là cô sang nhà tôi trú bão qua bận này đi, tiện đường tôi vừa đi vừa nói chuyện với cậu Duy luôn."

“Thế thì mẹ con tôi nhờ bác một hôm vậy."

Nói rồi, bác gái và Loan lại bước lên trước một đoạn, nhường ra chỗ trống cho ông trưởng làng nói chuyện với Trần Duy. Chờ khi khoảng cách đã đủ xa, ông trưởng làng mới nói:

“Cậu Duy này, chuyện tôi nói với cậu lúc chiều chắc cậu đã hiểu rõ rồi nhỉ. Giá kể như ngày mai bão mới về thì cũng thôi, nhưng năm nay bão về vội quá, nên tôi đành phải dày mặt sang đây giục cậu rời đi vậy. Cũng may, lâu nay không có ai đến làng này vào dịp bão, thế nên con ngư tinh cũng lơ là ít nhiều, giờ cậu mà đi thì có lẽ còn kịp đấy."

“Nếu bác đã nói vậy thì chờ cháu cõng Bảo Trung sang nhà bác rồi cháu sẽ đi ngay ạ."

“Ừ, hy vọng là kịp."

Ông trưởng làng vừa nói dứt lời thì trên bầu trời chợt vang lên một tràng tiếng sấm rền vang. Sau khi sấm dứt, tầng mây đen phía ngoài khơi xa chợt cuộn trào như sóng dữ. Tại vị trí trung tâm tầng mây, mắt bão đột nhiên tách ra làm đôi, hóa thành hai vòng xoáy sâu thăm thẳm. Nhìn thấy cảnh ấy, sắc mặt ông trưởng làng chợt tái hẳn đi, run giọng thì thào:

“Con ngư tinh... Con ngư tinh phát hiện ra rồi!" 
Tác giả : khanhan18
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại