Bữa Sáng Ở Tiffany’s

Chương 8

BỮA SÁNG Ở TIFFANY'S (tt)

Tối hôm đó, ảnh của Holly lên trang nhất bản tin chiều của tờ Journal-American và các báo buổi sáng Daily News, và Daily Mirror. Các bài báo chẳng đả động gì đến vụ ngựa chạy trốn hết. Nó là về một vấn đề khác, như các tựa bài tiết lộ: CÔ GÁI ĂN CHƠI ĐÃ BỊ BẮT TRONG SCANDAL MA TÚY (Journal-American), NỮ DIỄN VIÊN BUÔN LẬU MA TÚY BỊ BẮT (Daily News), ĐƯỜNG DÂY MA TÚY BẠI LỘ, CÔ GÁI MÊ HỒN BỊ BẮT GIỮ (Daily Mirror).

Trong số đó, tờ News đăng tấm ảnh gây sốc nhất: Holly bước vào trụ sở cảnh sát, bị kèm giữa hai thám tử lực lưỡng, một nam và một nữ. Trong tình cảnh khốn khổ này, thậm chí trang phục của cô (cô vẫn còn mặc bộ đồ cưỡi ngựa, áo gió và quần jeans) cũng gợi lên vẻ đàng điếm: cái kính đen đầy ấn tượng, tóc tai lộn xộn, và một điếu thuốc Picayune cháy dở gắn trên đôi môi rầu rĩ. Đoạn đầu đề viết: Holly Nhẹ Dạ, 20 tuổi, xinh đẹp, ngôi sao điện ảnh đang lên và D.A. người nổi tiếng trong giới hộp đêm, đã bị cáo buộc là những nhân vật quan trọng trong vụ buôn lậu ma túy xuyên quốc gia có liên quan tới Salvatore tức “Sally" Cà Chua. Trong ảnh là thám tử Patrick Connor và Sheilah Fezzonetti (trái và phải) đang dẫn độ cô vào số 67 phố Precinct. Xem tiếp trang 3. Bài báo dài suốt ba cột, đặc biệt có tấm ảnh một người đàn ông được gọi là “Cha" Oliver O’Shaughnessy (che mặt bằng cái mũ phớt sùm sụp). Đây là tổng hợp lại những đoạn đáng đọc nhất: Hôm nay, các thành viên của giới hộp đêm sững sờ trước vụ bắt giữ Holly Nhẹ Dạ xinh đẹp, hai mươi tuổi, ngôi sao đang lên của Hollywood, một cô gái nổi tiếng của New York. Cùng lúc đó, vào 2 giờ chiều, cảnh sát đã tóm được Oliver O’ Shaughnessy, 52 tuổi, tại khách sạn Seabordphố 49 Tây, trong khi ông ta ra khỏi nhà hàng Thiên Đường Hamburg trên đại lộ Madison. Cả hai bị công tố viên của quận Frank L. Donovan cáo buộc là những nhân vật quan trọng trong đường dây ma túy xuyên quốc gia mà điều hành là bố già mafia khét tiếng Salvatore “Sally" Cà Chua, hiện đang chịu án 5 năm tại nhà tù Sing Sing vì tội hối lộ chính quyền... O’Shaughnessy, một linh mục đã bỏ áo thầy tu, trong giới tội phạm được biết đến dưới biệt danh khác nhau như “Cha" và “Linh mục", đã có tiền sử bị bắt giữ nhiều lần tính từ năm 1934, khi ông ta có hai năm điều hành Tu Viện, một viện tâm thần trá hình ở Rhode Island. Cô Nhẹ Dạ, chưa từng có tiền án tiền sự, đã bị bắt giữ tại căn hộ xa hoa của mình ở một khu mới nổi Bờ Đông địa chỉ... Mặc dù văn phòng công tố quận chưa ra tuyên bố chính thức, các nguồn tin đáng tin cậy khẳng định rằng nữ diễn viên tóc vàng xinh đẹp, mới đây còn thường xuyên cặp với triệu phú Rutherfurd Trawler, đã đóng vai trò “liên lạc" giữa Cà Chua ở trong tù và O’Shaughnessy cánh tay phải quyền lực của hắn. Về mối quan hệ với Cà Chua, Cô Nhẹ Dạ được yêu cầu phải đến thăm nhà tù Sing Sing hàng tuần, trong mỗi dịp đó, Cà Chua cung cấp cho cô một bản mật mã bằng lời mà sau đó cô sẽ truyền đạt tới O’Shaughnessy. Qua đường dây này, Cà Chua, sinh năm 1847 ở Cefalu, Sicily, đã có thể giữ kiểm soát trực tiếp một tổ chức ma túy rộng khắp thể giới với chân rết ở Mexico, Cuba, Sicily, Tangier, Tehran và Dakar. Nhưng văn phòng công tố quận từ chối cung cấp bất kỳ chi tiết nào hay dù chỉ xác nhận những lập luận này... Đáng lưu ý là, một số lớn phóng viên đã chực sẵn ở ga Precint phố 67 Đông khi hai bị cáo đến lấy vé. O’Shaughnessy, một người đàn ông tóc đỏ vạm vỡ, đã từ chối bình luận và đá vào háng một nhiếp ảnh gia. Nhưng Cô Nhẹ Dạ, trông mong manh dù trong trang phục tomboy với quần jeans và áo da lại có vẻ gần như không quan tâm. “Đừng có hỏi tôi chuyện này là cái quái quỉ gì" cô nói với phóng viên. “Parce-que je ne sais pas, mes chères. (vì tôi không biết bạn thân mến ạ.) Đúng, tôi có đến thăm Sally Cà Chua. Tôi đã từng đi thăm ông ta mỗi tuần. Thế thì có gì sai ? Ông ấy tin ở Chúa, và tôi cũng thế."... Rồi, dưới cái tít phụ THỪA NHẬN MÌNH NGHIỆN MA TÚY: Cô Nhẹ Dạ mỉm cười khi phóng viên hỏi liệu cô có sử dụng ma túy hay không. “Tôi đã dùng một chút cần sa. Nó chỉ như rượu mạnh thôi, hại bằng một nửa ma túy. Và cũng rẻ hơn. Tiếc rằng tôi lại thích rượu hơn. Không, ông Cà Chua không bao giờ nhắc đến ma túy với tôi. Tôi rất điên tiết với cái cách những kẻ độc ác kia cứ quấy rầy ông ấy. Ông ấy là một người dễ bị thương tổn, ngoan đạo. Một ông già đáng yêu."

Có một sai lầm nghiêm trọng trong bài tường thuật này: Holly không bị bắt trong “căn hộ xa hoa" của cô. Nó diễn ra ở buồng tắm nhà tôi. Tôi đang ngâm mình trong bồn nước nóng pha muối Epsom để làm dịu những chỗ đau vì phi ngựa, Holly, một y tá tận tụy, ngồi trên thành bồn đợi xoa dầu gió cho tôi và đưa tôi vào giường. Có tiếng gõ cửa ở phòng ngoài. Khi cánh cửa vừa mở, Holly nói Mời vào. Bước vào là bà Sapphia Spanella cùng với hai thám tử mặc thường phục, một trong hai người là một phụ nữ với cái băng đô màu vàng to tướng vòng quanh đầu.

“Cô ta đây rồi: kẻ bị truy nã!" bà Spanella nói oang oang, đột nhập vào buồng tắm và xỉa ngón tay, đầu tiên vào Holly, rồi đến tôi đang trần như nhộng. “Nhìn xem, cô ta đúng là đồ đĩ." Viên thám tử nam có vẻ ngượng: vì bà Spanella và bởi tình huống đó; nhưng mặt đồng nghiệp của anh ta lại căng lên một niềm vui cay độc - cô ta đập tay lên vai Holly và nói bằng một giọng trẻ con đến khó tin: “Cô em theo tôi. Sắp có chỗ cho cô rồi." Holly lạnh lùng đáp lại: “Bỏ cái tay nông dân của chị ra khỏi người tôi, bà chị đồng tính ngớ ngẩn ạ!" Điều đó làm cô ta nổi điên lên, tát Holly như trời giáng. Cái tát mạnh đến nỗi làm đầu cô vẹo khỏi cổ, chai dầu gió văng khỏi tay cô, vỡ vụn trên sàn đá hoa - đúng chỗ tôi từ bồn tắm chạy ra xông vào vụ ẩu đả, dẫm lên nó và đứt cả hai ngón chân cái. Trần truồng, hai bàn chân nhoe nhoét máu, tôi lẽo đẽo theo họ xuống tận sảnh. “Đừng quên" Holly cố dặn tôi trong khi hai thám tử đẩy cô xuống cầu thang, “cho con mèo ăn nhé."

Tất nhiên, tôi tin chắc chuyện này là do bà Spanella: bà ta đã vài lần gọi cho nhà chức trách để phàn nàn về Holly. Tôi không mảy may ngờ rằng sự việc lại có những khía cạnh kinh khủng như thế được, cho đến buổi tối hôm đó khi Joe Bell xuất hiện vung ra mấy tờ báo. Anh ta xúc động đến mức nói năng lộn xộn; quay cuồng trong phòng, đấm tay vào nhau trong lúc tôi đọc các bài báo.

Rồi anh ta hỏi: “Cậu có nghĩ thế không? Cô ấy có dính líu đến vụ làm ăn tệ hại ấy?"

“Chà, có đấy."

Anh ta bỏ viên kẹo Tum vào miệng, nhìn tôi chằm chằm và nhai nó như đang nhai xương tôi. “Này cậu, thế là hỏng rồi. Tưởng cậu là bạn của cô ấy chứ. Đồ khốn kiếp!"

“Khoan đã. Tôi không nói cô ấy chủ động dính vào. Vô tình thôi. Nhưng mà, cô ấy có làm. Chuyển tin và mấy thứ linh tinh-"

Anh ta nói: “Cậu có vẻ khá bình tĩnh nhỉ? Chúa ơi, cô ấy có thể bị mười năm tù. Hay hơn." Anh ta giật mớ giấy khỏi tay tôi. “Cậu biết bạn bè cô ấy. Những gã giàu có ấy. Xuống quán bar đi, chúng ta sẽ gọi cho họ. Cô bé của chúng ta đang cần tới mấy kẻ bất lương sành sỏi ấy hơn là thằng như tôi"

Tôi vừa đau, vừa run đến mức không mặc nổi quần áo, Joe Bell phải giúp. Về đến quán, anh ta đẩy tôi ngay vào quầy điện thoại với một cốc vại, loại cho ba suất martini với một brandy, đựng đầy xu. Nhưng tôi không nghĩ ra được ai để gọi. José đang ở Washington, và tôi không biết chỗ nào để tìm ra. Rusty Trawler ư? Không phải cái gã đốn mạt đó! Thế thì: tôi còn biết người bạn nào khác nữa của cô? Có lẽ cô đã đúng khi nói mình không có bạn, không có ai thực sự.

Tôi gọi đến Crestview 5-6958 ở Beverly Hills, số của O.J. Berman mà bên thông tin điện thoại đường dài cung cấp. Người nghe máy nói Ông Berman đang được mát-xa và không nên quấy rầy: xin lỗi, gọi lại sau. Joe Bell điên tiết - bảo tôi lẽ ra phải nói đấy là chuyện sống chết; và anh ta ép tôi thử gọi cho Rustỵ. Đầu tiên, tôi nói chuyện với người quản gia của ông Trawler - ông ta thông báo Ông Bà Trawler đang ăn tối và liệu ông ta có thể nhận tin được không? Joe gào vào ống nghe: “Ông ơi, đây là chuyện khẩn cấp. Sống chết đấy." Kết quả là tôi được nói chuyện với-hay đúng ra là nghe-người xưa kia là Mag Rừng Hoang phán: “Anh có loạn trí không đấy?" cô ta hách dịch. “Chồng tôi và tôi chắc chắn sẽ kiện bất kỳ kẻ nào định gán tên chúng tôi với cái đứa con gái gh-gh-ghê tởm và sa đọa đấy. Tôi đã biết ngay từ đầu cô ta là một đứa ngh-ngh-nghiện ma túy v-v-vô đạo đức như chó cái rửng mỡ. Nhà tù là mới đúng là chỗ của cô ta. Và chồng tôi nhất trí một nghìn phần trăm. Chúng tôi chắc chắn sẽ kiện kẻ nào..." Cúp máy, tôi nhớ ra ông Doc ở Tulip, Texas; nhưng không, Holly sẽ không muốn tôi gọi cho ông ta, cô ấy sẽ giết tôi.

Tôi lại gọi California; máy bận, bận mãi, và đến lúc O.J. Berman nghe thì tôi đã nốc quá nhiều martini đến nỗi ông ta phải hỏi vì sao tôi gọi: “Về con bé, phải không? Tôi biết rồi. Tôi đã nói chuyện với Iggy Filelstein. Văn phòng luật sư của Iggy là tốt nhất New York. Tôi bảo Iggy lo vụ này, gửi hóa đơn thanh toán cho tôi, chỉ không để lộ tên tôi ra thôi, hiểu không. Chà, tôi nợ con bé ít nhiều. Không phải là nợ thật, nếu cậu muốn biết. Con bé điên rồ. Rởm đời. Nhưng nó rởm một cách chân thành, cậu biết không? Dù sao, họ lấy nó có mười ngàn đô tiền bảo lãnh để tại ngoại. Đừng lo, Iggy sẽ khiến con bé được thả đêm nay - tôi không ngạc nhiên nếu nó đã về tới nhà rồi."

Nhưng cô chưa về; sáng hôm sau khi tôi xuống cho mèo của cô ăn cũng chưa thấy đâu. Không có chìa khóa phòng cô, tôi phải theo lối thoát hiểm và vào nhà qua cửa sổ. Con mèo đang trong phòng ngủ, nhưng nó không một mình: một người đàn ông đang ở đó, cúi xuống cái vali. Cả hai chúng tôi, người này tưởng người kia là kẻ trộm, nhìn nhau căng thẳng khi tối nhảy qua cửa sổ. Gã có gương mặt đẹp trai, mái tóc bóng bẩy nhang nhác José; thêm nữa, gã đang đóng gói cái vali chứa toàn quần áo mà José để ở nhà Holly, những giày và bộ vest mà cô cứ rối cả lẻn suốt ngày mang tới thợ sửa và giặt là. Và tôi hỏi, gần như biết chắc: “Có phải ông Ybarra-Jaegar cử anh đến đây không?"

“Tôi là em họ," gã đáp với nụ cười thận trọng và cái cách phát âm địa phương y như thế.

“José đâu?"

Anh ta nhắc lại câu hỏi, như thể đang dịch nó qua một ngôn ngữ khác. “À, chị ấy ở đâu! Chị ấy đang đợi," gã nói, có ý xua tôi đi để làm nốt phận sự.

Thế đấy: nhà ngoại giao đang tính nước chuồn. Chà, tôi cũng chẳng ngạc nhiên; hay tiếc nuối tí tẹo nào. Nhưng nó vẫn là một trò nhào lộn đau lòng: “Anh ta chắc phải quất ngựa chạy dữ lắm nhỉ."

Gã em họ cười khúc khích, tôi chắc gã hiểu ý tôi. Gã đóng vali lại và chìa ra một bức thư. “Chị tôi, chị ấy nhờ tôi chuyển cái này cho người bạn chung phòng của chị ấy. Anh làm ơn đưa giúp được không?"

Trên phong bì viết: Gửi Cô H. Nhẹ Dạ - Cám ơn đã chuyển thư.

Tôi ngồi xuống giường Holly, ôm con mèo của cô vào lòng, và thấy đau cho cô, trong từng tế bào tôi, y như chính tôi là cô vậy.

“Được, tôi sẽ chuyển giúp."

Và tôi đã làm thế dù không muốn chút nào. Nhưng tôi không đủ can đảm để hủy bức thư; hay đủ ý chí để giữ nó trong túi khi Holly rất ngập ngừng hỏi thăm, liệu tôi có tình cờ biết tin tức gì của José không. Đấy là buổi sáng hôm sau nữa; tôi đang ngồi cạnh cô trong căn phòng sặc sụa mùi iốt và bô của người ốm, ở bệnh viện. Cô đã ở đó từ hôm bị bắt. “Chà, anh yêu," cô chào tôi khi tôi rón rén đi về phía cô, bưng một tút thuốc lá Picayune và một bó tướng viôlet đầu thu, “Em mất người nối dõi rồi." Cô trông như chưa đến mười hai tuổi: mái tóc màu vani nhạt chải ra sau, đôi mắt cô, hôm nay không đeo kính râm, trong veo như nước mưa - không thể tin được là cô đã ốm như thế nào.

Mà cô đã ốm thật: “Chúa ơi, em suýt toi. Không đùa đâu, mụ béo gần như tóm được em. Mụ ấy rống lên như bò. Hình như em chưa kể với anh về mụ béo. Là vì em cũng không biết về mụ cho đến khi anh em mất. Ngay lập tức em băn khoăn không biết anh ấy đi đâu, Fred chết nghĩa là sao; và thế là em thấy mụ, mụ đang ở trong phòng với em và mụ đang bế Fred trên tay; một mụ béo báo động đỏ khốn kiếp, trong cái ghế xích đu với Fred ở trên đùi và cười như một dàn kèn đồng. Thật là nhạo báng! Nhưng nó chính là cái đang chờ đón chúng ta, anh ạ: mụ hề đó đang đợi để tặng ta cái trò nhạo báng cũ rích. Bây giờ thì anh hiểu vì sao em điên lên và làm vỡ mọi thứ rồi chứ?"

Trừ viên luật sư mà O.J. Berman thuê, tôi là người khách thăm duy nhất mà cô được phép gặp. Phòng cô chung với vài bệnh nhân khác, ba bà trông giống hệt nhau đang dò xét tôi, với một vẻ quan tâm không khó chịu nhưng săm soi từ đầu tới chân và thì thầm với nhau bằng tiếng Ý. Holly giải thích: “Các bà ấy nghĩ anh là thủ phạm đấy, anh yêu. Là gã làm em hỏng thế này." Và khi tôi đề nghị cô đính chính cho họ, cô đáp: “Em chịu. Họ không biết tiếng Anh. Dù sao, em cũng chẳng muốn làm họ mất vui." Và rồi cô hỏi về José.

Ngay khi nhìn thấy cái phong bì, cô nheo mắt và nhếch môi mỉm một nụ cười khắc nghiệt khiến cô già sọm hẳn đi. “Anh yêu" cô bảo tôi, “anh mở cái ngăn kéo kia và lấy giúp em cái ví. Con gái không thể đọc những thứ này mà không đánh son được."

Nhìn vào tấm gương bỏ túi, cô đánh phấn, xóa đi mọi vết tích còn lại của đứa trẻ mười hai tuổi trên mặt. Cô tô môi bằng một thỏi soi, đánh má hồng bằng thỏi khác. Cô kẻ chì viển mắt, tô xanh mí, xịt nước hoa 4711 vào cổ, đeo hoa tai ngọc trai, đeo kính râm; trang điểm như thế, và sau khi xem xét một cách không ưng ý bộ móng chưa được làm đẹp, cô xé mở phong thư và lướt mắt nhanh qua nó, trong khi nụ cười lạnh lẽo của cô cứ lịm dần rồi đanh lại. Cuối cùng cô xin một điếu Picayune. Hít một hơi thật sâu: “Vị tởm quá. Nhưng thánh thật," cô nói và quẳng lá thư cho tôi: “Có thể nó cũng tiện - nếu khi nào anh định viết một chuyện tình nhảm nhí. Đừng có vẻ cừu non như thế: đọc to nó lên đi. Em thích nghe tận tai." Thư mở đầu: “Cô bé thân yêu nhất của anh-"

Holly ngay lập tức ngắt lời. Cô muốn biết tôi nghĩ gì về chữ viết. Tôi chẳng nghĩ gì cả: một kiểu chữ thẳng thớm, rất rõ ràng, nét sin sít. “Chính là anh ta đấy. Đâu vào đấy và táo bón" cô tuyên bố. “Tiếp tục đi anh."

“Cô bé thân yêu nhất của anh, anh yêu em dù biết em không giống những người khác. Nhưng trong anh đã hình thành nỗi thất vọng khi khám phá ra, theo một cách công khai và tàn nhẫn, rằng em khác xa với hình mẫu người vợ mà một người đàn ông với số phận và sự nghiệp như anh mong muốn cưới về. Anh lấy làm buồn vì tình trạng khốn khổ của em hiện nay, và thâm tâm anh không muốn thêm một lời chê trách vào trong số những lời chê trách vây quanh em. Vì vậy anh hi vọng trong lòng em cũng không oán trách anh. Anh phải bảo vệ gia đình mình, danh tiếng mình, và anh là một kẻ hèn nhát trong những tình huống như thế này. Quên anh đi, em bé xinh đẹp. Anh không còn ở đây nữa. Anh đã về nhà. Nhưng cầu Chúa ở bên em và con em. Cầu Chúa sẽ không giống như - José."

“Thế nào?"

“Dù sao nó cũng có vẻ khá thành thật. Và thậm chí cảm động nữa." “Cảm động ư? Hắn là một thằng thậm ngu!"

“Nhưng sau cùng thì, anh ta nhận mình là một kẻ hèn nhát; và từ góc độ của anh ta, anh phải thấy."

Holly vẫn khăng khăng không muốn thừa nhận rằng mình đã thấy; nhưng gương mặt cô, cho dù ngụy trang dưới lớp phấn son, đã thú nhận điều đó. “Được rồi, anh ấy không phải là kẻ đê tiện mà không lí do. Một kẻ đê tiện cỡ siêu, quái vật như Rusty. Benny Shacklett. Nhưng ôi thế đấy, trời đánh thánh vật" cô nói, nhét cả nắm tay vào miệng như một đứa bé sắp khóc, “Em đã từng yêu anh ta. Đồ đê tiện ấy."

Ba bà Ý tưởng tượng ra một cơn khủng hoảng của kẻ đang yêu, và chặc chặc lưỡi về phía tôi ra ý trách móc kẻ đã làm Holly rên rỉ. Tôi cảm thấy nở mũi: hãnh diện vì có người lại tưởng Holly để ý đến tôi. Cố nín khóc khi tôi chìa ra điếu thuốc khác. Cô nuốt xuống rồi nói: “Chúa phù hộ anh, Buster. Và phù hộ anh vi anh là một kỵ sĩ dở tệ. Nếu không đóng vai Calamity Jane Tai Họa[19]; chắc em vẫn còn phải chờ đến lúc cái ấu trùng ấy tòi ra ở nhà bà mẹ không chồng. Tập thể dục tích cực vào, bí quyết nằm ở chỗ ấy. Nhưng em đã làm cả cái phòng đeo phù hiệu đó sợ xanh mặt khi nói là vì Cô Đồng Tính tát em. Vâng thưa ngài, em sẽ kiện bọn họ vài tội, kể cả tội bắt nhầm người."

[19] Calamity Jane: nữ cao bồi miền Tây, nhân vật chính trong vở nhạc kịch - phim ca nhạc cùng tên.

Đến lúc đó, chúng tôi mới gián tiếp đề cập đến những nỗi khổ cực ác nghiệt hơn của cô, và cách nói bỡn cợt này càng có vẻ đáng kinh hãi, tội nghiệp, nó lộ rõ rằng cô không có khả năng ý thức về cái hiện thực ảm đạm trước mặt. “Nào, Holly" tôi vừa nói vừa nghĩ: minh phải mạnh mẽ lên, từng trải, như một ông bác. “Nào, Holly. Chúng ta không thể xem chuyện này như đùa được. Chúng ta phải có kế hoạch."

“Anh còn trẻ quá để tỏ ra đạo mạo. Quá bé bỏng. Thế còn công việc của anh thì sao rồi?"

“Chẳng có gì cả. Trừ một điều em là bạn anh, và anh lo lắng. Anh muốn biết em định làm gì."

Cô day day mũi, và tập trung nhìn lên trần nhà. “Hôm nay là thứ Tư, đúng không? Vậy thì chắc là em sẽ ngủ đến thứ Bảy, một schluffen[20] thật ngon. Sáng Chủ nhật em sẽ nhảy ra ngân hàng. Rồi em sẽ tạt qua nhà, chọn lấy một cái đầm dạ hội, có thể là hai, và cái đầm hiệu Mainbocher của em. Sau đó, em sẽ thông báo với Idlewild[21]. Đi đâu á, anh biết thừa rồi còn gì, em đã đặt một cái vé hoàn hảo nhất trên một chuyến bay hoàn hảo nhất. Và vì anh là bạn tốt của em, em sẽ để anh tiễn chân em. Anh làm ơn đừng có lắc đầu nữa đi?

[20] Schluffen (tiếng Đức): giấc ngủ.

[21] Tên cũ của sân bay John F. Kennedy ở thành phố New York.

“Holly. Holly. Em không thể làm thế được."

“Et pourquoi pas[22] Em không chạy đuổi theo José đâu, nếu anh tưởng thế. Theo điều tra dân số của em, anh ta chắc chắn là công dân Limboville[23]. Chỉ là: tại sao em phải bỏ phí một tấm vé tuyệt vời như thế. Đã trả tiền. Hơn nữa, em chưa bao giờ đi Brazil."

[22] Et pourquoi pas (tiếng Pháp): Sao lại không chứ?

[23] Limboville: địa danh trong huyền thoại Hy Lạp, không thuộc nơi nào cả.

“Ở đây họ cho em uống thứ thuốc gì thế? Em không thể ý thức mình đang bị buộc tội à. Nếu bắt được em bỏ trốn, họ sẽ không tha em đâu. Ngay cả nếu thoát được, em cũng sẽ không bao giờ có thể quay về nhà."

“Chà, thế đấy, khó nhằn nhỉ. Dù sao, nơi nào mình thấy bình yên thì nơi đó là nhà. Em vẫn đang đi tìm."

“Không, Holly, thật ngốc nghếch. Em ngây thơ quá. Em phải nhẫn nại đến cùng chứ."

Cô đáp, “Cố lên, cố lên, cố lên,"[24] và phà khói vào mặt tôi.

[24] Nguyên văn “Rah, team, rah," hò hét để cổ vũ đội chơi thể thao, chiến thắng.

Nhưng dù sao cô cũng bị tác động; đôi mắt cô mở lớn trước những cảnh tượng đau lòng, như tôi đang thấy: những căn phòng bằng sắt, hành lang thép với những cánh cửa từ từ đóng lại. “Ố, chết tiệt" cô thốt lên, rút một điếu thuốc. “Em có một khả năng hợp lý mà họ sẽ không bắt em được. Miễn là anh nhớ bouche fermez[25] Xem này. Đừng có có coi thường em, anh yêu." Cô đặt tay lên tay tôi và bóp chặt với sự chân thành nồng nhiệt đến bất ngờ. “Em không có nhiều lựa chọn. Em đã nói chuyện với luật sư: ồ, em không hé răng với ông ấy về Rio - ông ta đút tiền cho bọn đeo thẻ ở đây để đừng đả động gì đến người mang tên O.J. đã trả tiền tại ngoại, thế còn hơn là ông ta bị mất phí. Chúa phù hộ cho trái tim O.J.; nhưng một lần ở vùng duyên hải; em đã giúp ông ta thắng hơn mười ngàn trong một ván bài poker: thế là hòa. Không, đây mới là chuyện phải run này: tất cả những gì bọn đeo thẻ muốn ở em là sờ sẩm em vài cái miễn phí và em chịu đứng ra làm nhân chứng chính thức chống lại Sally - chẳng ai có ý định khởi tố em hết, họ không có mảy may bằng chứng nào cả. Chà, em có thể bị mục xương, không còn ai ở bên, nhưng em sẽ không làm chứng chống lại bạn mình. Cho dù họ có thể chứng minh được ông ấy bỏ cả ma túy cho Xơ Kenny[26] em cũng không. Thước đo của em là người ta đối xử với em như thế nào, và Sally già, ừ thì ông ta cũng chẳng hoàn toàn vô tư với em đâu, nói đúng ra, ông ấy cũng lợi dụng tí ti, nhưng ông ta là một người chơi được, và em thà để mụ béo vồ lấy em sớm hơn chứ không giúp lũ luật sư hạ ông ấy." Nghiêng cái gương bỏ túi lên phía trên mặt, dùng ngón út miết đều lớp son môi, cô nói: “Và thành thật mà nói, chưa hết đâu. Một bóng tối trên sàn đời thế này đủ làm hỏng bộ mặt người con gái. Thâm chí nếu quan tòa có gắn huy chương danh dự[27] cho em thi nơi này vẫn chẳng có tương lai: họ vẫn chăng dây cấm vào từ LaRue cho đến quán nướng Perona - nghe em đi, em sẽ được chào đón như ông chủ nhà tang lễ[28]. Và nếu phải sống bằng những ngón nghề đặc biệt như em, anh yêu ơi, anh sẽ hiểu sự trắng tay này. Ừ, ừ, không phải em chỉ tưởng tượng ra cảnh hạ màn mà em phải bán thân quanh khu Roseland cho một bầy mọi rợ ở Bờ Tây[29] đâu. Trong khi Phu nhân Trawler cao quý khệnh khạng rước cái hĩm của mình ra vào tiệm Tiffany’s. Em không thể chấp nhận như thế. Vứt em cho mụ béo ngày nào cũng được."

[25] bouche fermez (tiếng Pháp): giữ mồm giữ miệng, im mồm.

[26] Sister Kenny: tên thật là Elizabeth Kenny (1880-1952) một nữ y tá người úc, nhà vật lý trị liệu tiên phong, nguyên mẫu nhân vật chính trong bộ phim “Sister Kenny" sản xuất năm 1946 do Rosalind Russeỉ thủ vai.

[27] Purple Heart: huy hiệu hình trái tim màu tím có in hình tổng thống để khen thưởng thương binh hay liệt sĩ phục vụ trong quân đội Mỹ từ sau tháng 4.1917.

[28] Nguyên văn: “ông Frank E. Campbell" tên một chủ nhà tang lễ ở Manhattan.

[29] West Side: khu nghèo của New York.

Một y tá rón rén vào phòng nhắc giờ thăm viếng đã hết. Holly bắt đầu than phiền và bị cắt ngang bởi một cái nhiệt kế nhét vào miệng. Nhưng khi tôi ra về, cô rút nó ra để nói: “Làm giúp em việc này, anh yêu. Gọi cho tờ Times, hay tờ nào anh thích, kiếm cho em danh sách năm mươi người đàn ông giàu nhất ở Brazil. Em không đùa đâu. Năm mươi người giàu nhất: bất kể chủng tộc và màu da. Một việc nữa là - anh lục khắp nhà em đến khi tìm ra cái huy hiệu mà anh cho em. Cái huy hiệu Thánh Christopher ấy. Em cần nó cho chuyến đi."

Tối hôm thứ Sáu, bầu trời đỏ rực lên, sấm chớp, và thứ Bảy, ngày khởi hành, cả thành phố chao đảo trong cơn mưa bão. Cá mập có lẽ bơi trong không trung được, dù không chắc máy bay có thể bay qua.

Nhưng Holly, làm ngơ trước sự thuyết phục hân hoan của tôi rằng chuyến bay sẽ không đi, cứ tiếp tục chuẩn bị - và tôi phải nói rằng cô đã chuyển cả gánh nặng chính của mình sang tôi. Vì cô quyết định mình chẳng dại gì đến gần khu nhà đá nâu. Cũng khá hợp lý: nó đang bị theo dõi bởi cảnh sát hoặc các phóng viên hay những nhóm quan tâm khác không biết là ai, chỉ một người đàn ông, hay có khi vài ông lởn vởn quanh bậc thềm. Vì thế cô từ bệnh viện ra ngân hàng rồi tới thẳng quán bar của Joe Bell. “Cô ấy không nghĩ là minh bị bám theo," Joe Bell bảo tôi khi mang tới tin nhắn rằng Holly muốn gặp tôi ở quán càng sớm càng tốt, trễ nhất là nửa tiếng nữa, mang theo: “Nữ trang. Đàn guitar. Bàn chải đánh răng và các thứ của cô ấy. Một chai rượu brandy trăm năm tuổi: cô ấy nói cậu có thể tìm thấy nó giấu dưới đáy cái giỏ đựng quần áo bẩn. Ừm, ổ, và con mèo. Cô ấy muốn cả con mèo. Nhưng quỷ thật" anh ta nói, “tôi không biết chúng ta có nên giúp cô ấy hay không nữa. Cô ấy đáng ra phải được bảo vệ khỏi chính mình. Tôi ấy à, tối cảm thấy muốn báo cho cảnh sát. Có lẽ nếu tôi quay lại, pha cho cô ấy vài ly, may ra tối có thể chuốc cho cô ấy say đến mức bỏ cuộc."

Loạng choạng trèo lên trèo xuống trên cầu thang thoát hiểm từ nhà Holly đến phòng tôi, gió thổi bạt hơi và ướt thấu xương (cào thấu xương nữa, vì con mèo không thích di tản, nhất là trong thời tiết khắc nghiệt thế này), tôi nhanh chóng gom xong hành lý của cô với năng suất hạng nhất. Thậm chí tôi còn tìm được cả cái huy hiệu Thánh Christopher. Mọi thứ chồng chất trên sàn nhà tôi, một kim tự tháp làm se lòng với áo nịt ngực, giày khiêu vũ và những thứ xinh đẹp tôi xếp trong cái vali duy nhất của Holly. Vẫn còn thừa lại một đống, tôi phải nhồi nhét trong các túi giấy đựng hàng. Tôi không biết phải làm sao mang con mèo đi; cho đến khi nghĩ ra cách nhét nó vào cái vỏ gối.

Có một lần chẳng biết để làm gì, tôi đã đi bộ từ New Orleans đến cảng Nancy, Mississippi, gần năm trăm dặm. Nó là một trò đùa nhẹ nhõm nếu so với hành trình đến quán bar của Joe Bell. Cây guitar đầy nước, nước làm các túi giấy mủn bục ra và nước hoa đổ tung tóe trên vỉa hè, ngọc trai lăn xuống rãnh nước, trong khi gió xô đẩy và con mèo cào xé, gào rú - nhưng tệ nhất là tôi phát hoảng, hèn chẳng kém José: những con phố mưa bão dường như nhan nhản người núp đâu đó, rình sẵn để tóm và tống tôi vào tù vì tiếp tay với tội phạm.

Tên tội phạm phán: “Anh đến muộn, Buster. Anh có mang chai brandy không?"

Và con mèo được phóng thích, nhảy phóc lên vai cô ngồi: đuôi nó vung vẩy như cái gậy điều khiển một bản nhạc hân hoan. Holly cũng có vẻ đang sống trong giai điệu đó; say sưa, phóng túng[30] với sự hoạt bát bon voyage[31]. Vừa mở nút chai brandy, cô vừa nói: “Em đã tính mua một cái két để đựng nó đấy chứ. Nhưng mỗi dịp kỷ niệm thế này chúng ta phải uống một chầu, ơn Chúa là em chưa mua cái két đó. Ngài Bell ơi, xin cho ba cái ly."

[30] Nguyên văn Oompahpah: một bài hát sống động và táo tợn của Lionel Bart. Oom-pah-pah là âm đọc chệch đi để chỉ sự say sưa và phóng đãng với gái chưa chồng.

[31] Bon voyage (tiếng Pháp): chuyến đi tốt đẹp.

“Cô chỉ cần hai thôi" anh ta bảo cô. “Tôi sẽ không uống mừng sự ngốc nghếch của cô đâu."

Cô càng tán tỉnh (“A, ngài Bell ơi, không phải ngày nào cô nàng này cũng biến mất đâu. Anh không chạm cốc với nàng ư?") anh ta càng gầm gừ: “Tôi không dính gì vào đấy. Nếu cô xuống địa ngục, cô cứ việc đi một mình. Tôi không giúp cô đâu." Nó là một tuyên bố trật lất, vì vài giây sau khi anh ta dứt câu, một chiếc limousine có tài xế lái tới đậu ngoài quán bar, và Holly nhìn thấy trước tiên, đặt ly brandy của mình xuống, nhướn mày như thể cô nghĩ ngài Công tố Quận sắp bước ra. Tôi cũng tưởng thế. Và khi thấy Joe Bell đỏ bừng mặt, tôi đâm lo: Chúa ơi, anh ta đã gọi cảnh sát. Nhưng rồi, hai tai nóng bừng, anh ta nói: “Không có gì đâu. Một chiếc Carey Cadillac thôi mà. Tôi thuê nó. Để đưa cô ra sân bay."

Anh ta quay lưng lại phía chúng tôi vờ nghịch một trong những bát hoa mà anh ta đã cắm. Holly nói: “Tử tế quá, ngài Bell thân mến. Quay lại nhìn em nào."

Anh ta không nhìn. Anh ta giật mạnh bó hoa ra khỏi bình và giúi vào tay cô nhưng trượt, hoa rơi tung tóe trên sàn. “Tạm biệt," anh ta nói, và như sắp bị nôn, anh ta chạy bổ vào nhà vệ sinh nam. Chúng tôi nghe tiếng cửa khóa lại.

Tài xế chiếc Carey là một người trải đời, ông ta nhận đám hành lý cẩu thả của chúng tôi một cách lịch sự nhất và giữ vẻ mặt thản nhiên như đá khi chiếc limousine vút qua thành phố trong cơn mưa đã ngớt dần, và Holly cởi tuột quần áo, cái bộ đồ cưỡi ngựa mà cô chưa có lúc nào thay, chật vật chui vào một chiếc đầm đơn giản màu đen. Chúng tôi không nói chuyện: nói ra chỉ tổ cãi nhau; và Holly cũng có vẻ quá bận rộn đầu óc để trò chuyện. Cô ậm ừ trong họng, nốc brandy, liên tục nhoài người lên phía trước để nhòm ra ngoài cửa sổ, như thể cô đang tìm một địa chỉ nào đó - hoặc, tôi đoán chắc, giữ lấy những ấn tượng cuối cùng của khung cảnh mà cô muốn nhớ. Hóa ra không phải thế. “Dừng lại đây," cô để nghị lái xe, và chúng tôi dừng lại bên lề một con phố ở khu Harlem Tây Ban Nha. Một khu phố nghèo nàn, lòe loẹt và kém văn minh, trang trí đầy những poster chân dung các ngôi sao điện ảnh và Đức mẹ Madonna. Lối đi quăng đầy vỏ trái cây, những tờ báo rách nát cuốn theo gió, lúc này gió vẫn thổi mạnh dù mưa đã tạnh và bầu trời đột ngột ló ra những đám mây xanh.

Holly bước ra khỏi xe; mang theo con mèo. Nựng nịu, gãi đầu nó, cô hỏi: “Mày nghĩ sao? Chỗ này phải là nơi thích hợp cho một anh chàng bất trị như mày. Đồ hộp bãi rác. Tha hồ chuột. Đầy lũ mèo hoang để mày kết bạn. Thôi, biến đi" cô nói rồi thả nó xuống; và khi nó không chịu đi mà cứ ngẩng cái mặt hung dữ lên, dò hỏi cô bằng đồi mắt cướp biển màu vàng, cô dậm chân: “Tao đã bảo phắn đi!" Nó giụi vào chân cô. “Tao đã bảo xéo đi!" cô hét lên, nhảy vào trong xe, đóng sập cửa lại và “Đi nào," cô bảo người lái xe. “Đi. Đi." Tôi sững sờ. “Chà, em thật là. Em là đồ quái vật."

Chúng tôi đi một quãng phố rồi cô mới trả lời. “Em đã kể với anh. Một hôm em gặp nó ở bờ sông: thế thôi. Cả hai đều tự lập. Không ai hứa hẹn với ai điều gì. Em và nó chưa bao giờ-" cô nói, và giọng cô xìu xuống, gương mặt cô giật giật, trắng bệch ra. Chiếc xe dừng lại chờ đèn giao thông. Chợt cô mở cửa và chạy lao xuống phố; và tôi chạy theo cô.

Nhưng con mèo đã không còn ở cái góc mà nó bị bỏ lại. Không có ai, không còn gì trên phố trừ một gã say đang đái và hai bà xơ người Phi đang tập hợp một bày trẻ hát du dương. Mấy đứa trẻ khác túm tụm ở lối vào và vài người đàn bà nhoài người qua bệ cửa sổ quan sát Holly chạy tới chạy lui gọi: “Mày. Mèo ơi. Mày ở đâu? Ra đây, mèo." Cô cứ tiếp tục như thế đến khi một thằng bé da sần sùi xách cổ một con mèo già lủng lẳng đi đến: “Chị có thích một con miu xinh xắn không? Cho em một đô?"

Chiếc limousine đi theo chúng tôi. Giờ thì Holly để tôi dắt cô về xe. Đến cửa, cô ngần ngừ; cô nhìn qua tôi, qua cả thằng bé vẫn mời mọc con mèo của nó (“Nửa đô thỏi. Hai đồng hai nhăm xu vậy nhé? Hai đồng có nhiều nhặn gì đâu?") và cô run lên, phải túm lấy tay tôi mới đứng vững: “Ôi, Chúa ơi. Em và nó thuộc về nhau. Nó là của em."

Thế là tôi hứa với cô, tôi nói tôi sẽ quay lại và tìm con mèo của cô. “Anh sẽ chăm sóc nó. Anh hứa đấy."

Cô mỉm cười: nụ cười tê tái không vui. “Nhưng còn em thì sao?" cô hỏi, thì thầm, và rùng mình lần nữa. “Em sợ lắm, Buster ạ. Phải, cuối cùng em đã sợ. Vì nó có thể tiếp diễn mãi. Không biết cái gì là của mình cho đến khi mình đã quẳng mất nó rồi. Mụ béo không là gì. Báo động đỏ, cũng chẳng là gì. Chính nó, dù bây giờ miệng em khô lắm, nhưng nếu đời em phụ thuộc vào chuyện đó, thậm chí nước bọt em cũng không dám nhổ đi nữa." Cô bước vào trong xe, lún mình trong ghế. “Xin lỗi bác tài. Ta đi tiếp đi."

TRÁI CÀ CHUA CỦA CÀ CHƯA BIẾN MẤT. VÀ: NỮ DIỄN VIÊN TRONG VỤ ÁN MA TÚY BỊ TÌNH NGHI LÀ NẠN NHÂN CỦA XÃ HỘI ĐEN. Tuy nhiên cũng có một tờ báo đăng tin kịp thời: “PHÁT HIỆN TUNG TÍCH CỬA NỮ TAY CHƠI LẨN TRỐN Ở RIO". Hình như các nhà chức trách Mỹ không có cố gắng nào để bắt lại cô, và chẳng bao lâu sự việc chìm đi, chỉ còn được nhắc đến một lần trong cột báo lá cải; nó được khơi lại đúng một lần nữa, như chuyện mới, vào hôm Giáng Sinh, khi Sally Cà Chua chết vì đau tim ở Sing Sing. Ngày tháng trôi đi, một mùa đông, và không có dòng nào từ Holly. Chủ tòa nhà đá nâu bán những tài sản bị bỏ lại của cô: cái giường satanh trắng, tấm thảm thêu, chiếc ghế Gothic quý giá; một người thuê tên là Quaintance Smith giành được căn hộ, anh ta tiếp đãi rất nhiều khách đàn ông gọi cửa, cũng làm ầm ĩ như Holly trước kia, nhưng trong trường hợp này bà Spanella không phản đối, thật ra, bà mê tít chàng trai trẻ và chu cấp bít tết thăn bò ngon tuyệt đều đặn mỗi khi anh ta bị tím mắt. Nhưng vào mùa xuân, một tấm bưu thiếp gửi đến: nó được viết bằng bút chì và đóng dấu bằng nụ hôn son: Brazil thật mọi rợ, nhưng Buenos Aires thì nhất Không phải kiểu Tiffany’s, nhưng gần như thế. Đang cặp kè với Ngài $iêu $ếp[32]. Yêu ư? Chắc thế. Dù sao em cũng đang kiếm chỗ nào đó để sống ($ếp có một vợ và 7 nhóc) và sẽ báo anh khi nào chính em biết. Ngàn lần âu yếm. Nhưng cái địa chỉ, nếu như có, chẳng bao giờ được gửi, điều đó làm tôi buồn, có quá nhiều điều tôi muốn viết cho cô: rằng tôi đã bán được hai truyện, đã đọc thấy Trawler đang đệ đơn li hôn, tôi đã chuyển khỏi khu nhà đá nâu vì nó bị ám ảnh. Nhưng hơn hết, tôi muốn kể với cô về con mèo. Tôi đã giữ lời hứa, tìm thấy nó. Phải mất hàng tuần sau giờ làm việc, lang thang qua các phố ở khu Harlem Tây Ban Nha, rất nhiều lần mừng hụt - một con lông vằn như hổ vút qua, tìm kỵ lại hóa ra không phải. Nhưng một hôm, vào buổi chiều Chủ nhật mùa đông lạnh, nắng ráo, nó xuất hiện. Bên những cây cảnh trồng trong chậu và đóng khung bởi rèm cửa viền đăng ten sạch sẽ, nó ngồi trong cửa sổ của một căn phòng ấm cúng: tôi tự hỏi tên nó là gì, vì tôi chắc bây giờ nó đã được đặt tên, chắc nó đã đến đúng nơi dành cho nó. Tôi hi vọng Holly cũng thế, dù ở một cái lều châu Phi hay nơi đâu.

[32] Nguyên văn: $enor (viết dấu đồng đôla thay cho chữ S).
Tác giả : Truman Capote
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại