Bông Hồng Vàng Và Bình Minh Mưa

Chương 16

Mùa đông năm 1921 tôi ở Ôđessa, trong một ngôi nhà trước kia là cửa hàng bán quần áo may sẵn "Alshvang và Công ty". Chẳng cần ai cho phép, tôi chiếm khu thử quần áo trên tầng hai của cửa hàng.

Trong quyền sử dụng của tôi có ba phòng lớn với những tấm gương thượng hảo hạng. Những tấm gương này được gắn chặt vào tường đến nỗi cả tôi, cả nhà thơ Eđuarđ Bagritzky, đã nhiều lần cố nạy chúng ra để mang đổi lấy thức ăn ở chợ Mới mà không được. Thậm chí không một chiếc gương nào bị rạn.

Trong gian thử quần áo, ngoài ba chiếc hòm trong chứa vỏ bào đã mục, không còn đồ đạc nào khác. May mà cánh cửa kính lại dễ tháo khỏi bản lề. Tối đến tôi tháo nó ra, đặt lên hai chiếc hòm làm giường.

Cánh cửa kính rất trơn, vì thế cái đệm cũ đêm nào cũng cùng tôi trôi xuống sàn vài lần.

Cứ mỗi lần cái đệm bắt đầu chuyển động là tôi tức khắc tỉnh dậy. Tôi nằm yên, nín thở, không dám động đậy một ngón tay và hy vọng một cách ngốc nghếch rằng có thể vì thế mà cái đệm sẽ dừng lại. Nhưng nó cứ trượt dần, chậm chạp, lì lợm, khắc nghiệt, và cách xử sự ranh ma của tôi cũng chẳng giữ được tôi khỏi rơi xuống.

Việc đó chẳng đáng buồn cười tí nào. Mùa đông năm ấy thực hung dữ. Biển đóng băng suốt từ cảng tới Malyi Fontan. Gió đông bắc cay nghiệt làm cho những con đường lát đá cứ nhẵn thín. Tuyết không rơi bữa nào và vì thế cái lạnh lại càng có vẻ lạnh hơn là khi có tuyết phủ trên đường phố.

Trong gian thử quần áo có một cái lò sưởi bằng sắt tây - một cái "phú gia". Không có gì để đốt lò. Mà cũng chẳng có thể làm ấm cả ba căn phòng bằng một cái lò sưởi con con thảm hại đó. Vì thế tôi chỉ dùng cái lò "phú gia" nọ đun nước chè làm bằng củ cà-rốt. Chỉ cần vài ba tờ báo cũ là đủ đun một ấm nước rồi.

Cái hòm thứ ba được dùng làm bàn viết. Tối tối, tôi thắp ngọn đèn dầu hỏa không chao đặt trên cái bàn ấy.

Tôi đắp lên mình tất cả những đồ vật ấm mà tôi có và nằm đọc thơ José Maria de Heredia do Georgi Shengel dịch, dưới ánh sáng của ngọn đèn không chao nọ. Những bài thơ ấy đã được xuất bản ở Ôđessa trong cái năm đói kém ấy, nhưng tôi xin làm chứng cho chúng rằng chúng không hề làm yếu đi tinh thần dũng cảm của chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy mình vững chãi như dân thành La Mã và nhớ đến những câu thơ của chính Shengel: "Các bạn hỡi, chúng ta là những người La Mã. Chúng ta đổ máu mình ra... ".

Tất nhiên, chúng tôi không đổ máu mình ra, nhưng dù sao thì chúng tôi - những người trẻ tuổi và vui vẻ - đôi khi cũng quá rét và quá đói. Có điều, không một ai than thở.

Ở tầng thứ nhất của cửa hàng có sự hoạt động ầm ĩ và hơi khả nghi của một tập đoàn nghề hoạ. Đứng đầu cái cơ ngơi ấy là một ông thợ vẽ già bẳn tính, nổi tiếng ở Ôđessa với biệt danh "Vua biển hiệu".

Tập đoàn nhận đặt làm các biển cửa hàng, khâu mũ đàn bà, đóng "giày gỗ" (giày phụ nữ, đặc biệt vì cái đơn giản cổ đại của nó, người ta chỉ đóng mấy cái quai vào đế gỗ - thế là xong!) và vẽ quảng cáo chiếu bóng (họ vẽ bằng màu pha keo) trên những tấm ván mỏng cong queo.

Nhưng một lần xưởng họa gặp may. Người ta giao cho nó làm cái gọi là "trang trí phần mũi" cho một chiếc tàu Hắc Hải, chiếc tàu độc nhất trong thời gian đó, tên là "Pestel". Con tàu chuẩn bị đi Batum chuyến đầu tiên.

Người ta làm cái công trình ấy bằng sắt tấm, rồi vẽ linh tinh lên trên nền đen của nó một thứ trang trí hình cây cỏ.

Công việc ấy lôi cuốn tất cả mọi người, đến nỗi viên cảnh sát Jora Kozlovsky có lần bỏ cả vị trí gác gần đấy để đến xem.

Hồi đó tôi đang làm thư ký cho một tờ báo hàng ngày, tờ "Thủy Thủ". Làm việc trong tờ báo này, nhìn chung, có nhiều nhà văn trẻ, trong số đó có Kataev, Bagritzky,Babel, Olesha và Ilf. Trong số những nhà văn già, có kinh nghiệm, chỉ có Andrey Sobol là hay đến tòa soạn. Ông là một người dễ thương, không bao giờ ngồi yên chỗ, lúc nào cũng tất ta tất tưởi vì một chuyện gì đó.

Một hôm Sobol mang đến cho tờ "Thủy thủ" một truyện ngắn. Bản thảo ông giao rách mướp, lẫn lộn lung tung, mặc dầu đề tài rất thú vị và hiển nhiên đó là câu chuyện do một bàn tay tài năng viết ra.

Đọc xong truyện ngắn của Sobol, mọi người đều băn khoăn: cứ để nguyên dạng lôi thôi luộm thuộm như thế mà in ra thì không được, mà đề nghị Sobol sửa lại thì không ai dám. Trong chuyện này Sobol là một người hết sức cứng nhắc, vì tính tự ái của tác giả thì ít (cái đó chính Sobol lại không có) mà vì bệnh thần kinh của ông thì nhiều: ông không thể làm lại những gì đã viết, ông đã mất hết hứng thú đối với chúng.

Chúng tôi ngồi thừ ra: làm thế nào bây giờ? Cùng ngồi với chúng tôi có ông già Blagov, người sửa bài của toà soạn chúng tôi, nguyên chủ nhiệm tờ báo phổ biến rộng rãi nhất nước Nga hồi trước là tờ "Lời Nga", ông cũng là cánh tay phải của chủ nhân nhà xuất bản nổi tiếng Sytin.

Blagov là một người kín tiếng, khiếp đảm vì quá khứ của mình. Với tất cả cái thân hình đường bệ của ông, ông hoàn toàn xa lạ với đám thanh niên ầm ĩ và rách rưới của tòa soạn.

Tôi mang bản thảo của Sobol về cửa hàng Alshvang để đọc lại lần nữa.

Đến khuya (chưa đến mười giờ nhưng thành phố chìm trong bóng tối đã vắng ngắt từ chập tối, chỉ còn lại những cơn gió hả hê độc ác rú lên ở những ngã tư), viên cảnh sát Jora Kozlovsky đến gõ cửa nhà hàng.

Tôi vê một mảnh giấy báo cho chặt, châm lửa và cầm nó kiểu như ta cầm bó đuốc ra mở cánh cửa nặng nề của hiệu buôn được cài bằng một khúc ống dẫn hơi rỉ. Không thể mang theo cây đèn không chao: nó tắt không riêng vì một rung động nhỏ nhất của không khí mà thậm chí vì một cái nhìn chăm chú.

Chỉ cần mải suy nghĩ mà nhìn đăm đăm vào nó là ngay lập tức nó đã bắt đầu kêu lép bép thảm hại, nhấp nha nhấp nháy, rồi lặng lẽ tắt ngấm. Đến nỗi tôi phải tránh không dám nhìn nó.

- Có người hỏi ông đấy. - Jora bảo - Ông nhận thì tôi cho vào. Ở đây toàn xiểng cả. Người ta nói nội chỗ thuốc vẽ không thôi cũng tới ba triệu bạc.

Tất nhiên, nếu tính rằng lương tháng tôi ở toà soạn là một triệu (theo giá chợ, số tiền ấy đủ mua bốn mươi bao diêm) thì món tiền nọ cũng chẳng đến nỗi quá lớn như Jora nghĩ.

Blagov đứng sau cửa. Tôi bảo chứng cho ông. Jora cho Blagov vào và nói rằng độ hai tiếng đồng hồ nữa ông ta sẽ quay lại sưởi và uống nước nóng.

- Này, anh - Blagov nói, - Tôi vẫn cứ nghĩ mãi về cái truyện ngắn của Sobol, anh ạ. Đó là một truyện ngắn kiệt xuất. Không thể để cho nó chết. Tôi là con ngựa già của làng báo, tôi có thói quen không chịu để tuột khỏi tay những truyện ngắn tốt.

- Nhưng biết làm thế nào đây! - tôi trả lời.

- Anh cứ đưa bản thảo cho tôi. Tôi xin lấy danh dự mà thề rằng tôi sẽ không thay đổi lấy một chữ trong đó.

Tôi sẽ ở lại đây, bởi vì bây giờ không thể nào trở về nhà tôi ở phố Langeron được nữa. Đi vào giờ này chắc chắn bị lột sạch. Tôi sẽ xem qua bản thảo trước mặt anh.

- "Xem qua" nghĩa là thế nào? - tôi hỏi - "Xem qua", có nghĩa là sửa.

- Tôi đã nói với anh rằng tôi sẽ không bỏ đi, mà cũng không thêm vào một chữ nào mà.

- Thế thì ông xem nó làm gì?

- Rồi anh sẽ thấy.

Trong câu nói của Blagov tôi cảm thấy có một cái gì đó khó hiểu. Cùng với con người điềm đạm này, một cái gì bí ẩn đã lẩn trong đêm đông giông bão lọt vào cửa hiệu Alshvang. Cần phải khám phá ra điều bí ẩn đó. Vì thế tôi ưng thuận.

Blagov móc túi lấy ra một mẩu nến nhà thờ rất lớn. Những giọt sáp vàng chảy dài, uốn khúc trôn ốc chung quanh thân nến. Blagov châm lửa và đặt nó lên hòm. Ông ngồi lên cái va-li tã của tôi và cúi xuống tập bản thảo, chiếc bút chì dẹt của thợ mộc trong tay.

Nửa đêm Jora Kozlovsky tới. Vừa đúng lúc nước sôi và tôi đang pha trà, nhưng lần này không phải trà cà-rốt khô mà là trà làm bằng những mẩu củ cải đỏ thái nhỏ rồi đem sao.

- Này, các vị ơi. - Jora nói - Nhìn từ xa thì các vị thực chẳng khác gì bọn làm bạc giả tẹo nào. Các vị đang làm gì đấy?

- Chúng tôi sửa một truyện ngắn cho số báo sắp ra - tôi trả lời.

Jora lại nói:

- Này, tôi nói để các vị biết nhá! Không phải tay cảnh sát nào cũng hiểu được các vị đang làm gì đâu đấy. Hãy cảm ơn Trời, Trời thì tất nhiên là chẳng có rồi, vì tôi đứng gác ở đây, chứ không phải một anh chàng nào khác. Đối với tôi, văn hóa là trên hết. Còn bọn làm bạc giả thì, thưa các vị, đấy mới thực là những nghệ sĩ chính cống, bọn chúng có thể làm ra cả đô la lẫn giấy chứng nhận cư trú từ một cục cứt. Nghe nói trong viện bảo tàng Le Louvre ở Paris có một bàn tay đẹp tuyệt trần bằng đá hoa cương, được đặt trên một cái gối bằng nhung đen. Mà nào có phải tay Sarah Bernhart, Chopin hay là Vera Kholodnaia cho cam. Là bàn tay lấy ra từ dấu thực của một thằng cha làm bạc giả nổi tiếng nhất châu Âu đấy. Hồi ấy người ta chặt đầu hắn ta, nhưng tay hắn ta thì lại đem ra trưng bày, cứ như thể hắn ta là một nghệ sĩ vĩ cầm đại tài. Câu chuyện thế nào, có ý nghĩa giáo dục đấy chứ?

- Không nhiều lắm - tôi đáp - Ông có đường hoá học đấy không?

Jora đáp:

- Có đây. Sakharin viên. Có thể cho ông một ít được.

Mãi đến sáng Blagov mới sửa xong bản thảo. Ông chỉ đưa cho tôi xem khi chúng tôi đã đến tòa soạn và cô thư ký đánh máy đã đánh lại sạch sẽ.

Tôi đọc hết truyện ngắn và sững sờ. Thực là một áng văn xuôi trong sáng, điêu luyện. Tất cả đều nổi bật, rõ ràng, phân minh. Cái đống chữ nghĩa lộn xộn, rối mù trước kia không còn để lại một dấu vết. Mà đúng là không có một từ nào bị bỏ đi hoặc thêm vào.

Tôi nhìn sang Blagov. Ông đang hút một điếu thuốc gộc, loại thuốc miền Kuban, thẫm màu như trà đen, và tủm tỉm cười.

- Thật là phép lạ - tôi nói. - Ông làm cách nào vậy?

- Có gì đâu. Tôi chỉ có việc đặt lại các dấu ngắt câu cho đúng. Ông Sobol vốn hay đặt lung tung các dấu ngắt câu như thế. Đặc biệt, tôi đặt các dấu chấm rất cẩn thận. Và chia đoạn nữa. Ông bạn ơi, đó là một việc vĩ đại. Từ thời Pushkin còn sống, ông ấy đã nói đến các dấu ngắt câu rồi. Cái dấu ngắt được dùng để làm cho ý tứ được tách bạch, chữ nghĩa đâu vào đó, cho câu văn trở thành nhẹ nhàng, có âm có điệu. Những dấu ngắt câu chẳng khác gì những nốt nhạc. Dấu ngắt câu giữ cho văn bài được chặt chẽ, không để cho nó rã ra thành những mảnh vụn.

Truyện ngắn được in. Nhưng ngay hôm sau, Sobol đã xồng xộc bước vào tòa soạn. Cũng như thường lệ, ông không đội mũ, đầu tóc rũ rượi. Đôi mắt ông sáng rực lên một cách khó hiểu.

- Kẻ nào đã đụng đến truyện ngắn của ta?

Sobol hét ầm lên và vung cao gậy đập mạnh xuống bàn, nơi đặt những chồng báo. Bụi trên bàn phụt lên như từ một miệng núi lửa.

- Không có ai đụng đến đâu - tôi trả lời. - Ông có thể kiểm tra lại nguyên bản.

- Nói láo! - Sobol quát - Láo! Thể nào rồi ta cũng sẽ biết kẻ nào đã đụng đến nó.

Câu chuyện trở thành om sòm. Những nhân viên nhút nhát bắt đầu chuồn nhanh ra khỏi phòng. Nhưng cũng như thường lệ, nghe tiếng ầm ầm là cả hai cô đánh máy của chúng tôi là Lyusena và Lyusya đã chạy đến, khua vang những đôi "giày gỗ".

Lúc bấy giờ Blagov mới nói bằng một giọng điềm tĩnh, thậm chí ngán ngẩm.

- Nếu như ông cho rằng đặt lại các dấu ngắt câu trong truyện ngắn của ông cho đúng chỗ là đụng đến nó thì thưa ông, chính tôi đã đụng đến nó đấy. Vì trách nhiệm của người sửa bài.

Sobol nhảy bổ về phía Blagov, nắm lấy tay ông mà lắc mạnh. Rồi ôm lấy Blagov mà hôn ba lần theo kiểu Moskva.

- Cảm ơn ông! - Sobol xúc động nói. - Ông đã cho tôi một bài học tuyệt vời. Chỉ tiếc là ông đã cho tôi bài học ấy quá chậm. Tôi cảm thấy có tội đối với những tác phẩm trước kia của tôi.

Tối hôm ấy Sobol kiếm đâu được nửa chai cô-nhắc và mang lại cửa hàng Alshvang. Chúng tôi mời Blagov, cả Bagritzky, thêm viên cảnh sát Jora Kozlovsky vừa đổi gác cũng đến, và chúng tôi cùng cạn cốc để ca ngợi văn học và những dấu ngắt câu.

Sau câu chuyện đó tôi mới hoàn toàn hiểu rõ rằng một dấu chấm đặt đúng chỗ có tác động đến người đọc như thế nào.

Những cái tưởng chừng vặt vãnh

Hầu như nhà văn nào cũng có người cổ vũ mình, thần hộ mệnh của mình và thường người đó cũng là một nhà văn.

Chỉ cần đọc lấy vài dòng trong cuốn sách của người cổ vũ ta, thế là tức khắc ta đã muốn viết rồi. Tưởng chừng từ mấy cuốn sách ấy, một thứ nước cốt của men rượu đã bắn ra, lây sang ta, làm ta say, và bắt ta cầm bút.

Lạ một điều là không hiếm những trường hợp vị thần hộ mệnh của ta lại khác xa ta về phong cách sáng tác cũng như về bút pháp và đề tài.

Tôi biết một nhà văn - một nhà hiện thực rõ ràng, một cây bút đời thường, một con người tỉnh táo và trầm tĩnh. Thế mà thần hộ mệnh của ông ta lại chính là nhà văn có trí tưởng tượng bất kham Aleksandr Grin.

Gaidar gọi Dickens là người cổ vũ của anh. Còn đối với tôi thì bất cứ trang nào trong cuốn "Những Bức Thư Từ La Mã " của Stendhal cũng làm tôi nổi hứng viết, nhưng tôi lại viết những truyện khác hẳn Stendhal đến nỗi chính tôi cũng phải ngạc nhiên. Một lần vào mùa thu, khi đọc Stendhal tôi đã viết truyện ngắn "Lâm Trường 273" về những khu rừng cấm bên sông Pre. Trong truyện ngắn đó hoàn toàn không thể tìm thấy một chút gì giống Stendhal.

Thú thực, tôi cũng chẳng nghĩ ngợi bao nhiêu về chuyện ấy. Tất nhiên, ta cũng có thể tìm được cách giải thích nó. Tôi nhắc đến chuyện ấy chẳng qua chỉ để nói đến rất nhiều hoàn cảnh và thói quen mới nhìn qua thì có vẻ chẳng mấy quan trọng, nhưng chúng lại giúp cho nhà văn làm việc.

Mọi người đều biết mùa thu là thời gian Pushkin viết được nhiều nhất. Chả thế mà bài thơ "Mùa Thu Ở Bondin" của ông đã trở thành đồng nghĩa với sự được mùa sáng tác trong ông.

"Mùa thu đang tới gần - Pushkin viết cho Pletnev - Đấy là mùa mà tôi thích nhất. Thường vào mùa này tôi khỏe ra. Thời sáng tác của tôi đã đến".

Đoán xem tại sao lại như vậy thật dễ dàng.

Mùa thu là cái trong suốt và cái giá lạnh, là "màu biệt ly" với nét cắt phân minh của những chân trời xa và hơi thở tươi mát. Mùa thu đưa vào thiên nhiên một bức vẽ hà tiện nét. Màu đỏ thắm và màu vàng óng của rừng lớn và rừng nhỏ mất dần đi từng giờ, làm cho những đường nét sắc thêm và để lại những cành cây trụi lá.

Con mắt cứ quen dần với cái trong sáng của cảnh thu. Cái trong sáng ấy từ từ chiếm lấy tri thức, sức tưởng tượng và cánh tay nhà văn. Mạch thơ văn phụt lên như một dòng nước trong suốt và giá lạnh, trong đó chỉ có những hạt băng mới thỉnh thoảng kêu lanh tanh khe khẽ. Đầu óc sáng suốt, tim đập mạnh và đều. Chỉ có tay là hơi cóng.

Vụ mùa tư duy của con người chín vào mùa thu. Baratynsky đã nói về chuyện đó rất hay: "Khi số mệnh nhân quần ngươi hiểu hết, sẽ chín mọng một vụ mùa thân thiết, cho ngươi về hái gặt hạt tư duy".

Theo lời Pushkin thì cứ mỗi mùa thu ông lại tươi nở. Ông trẻ lại cùng với thu. Rõ ràng Goethe đã đúng khi ông quả quyết rằng trong đời những thiên tài thường có mấy lần trở lại tuổi xuân.

Vào một trong những ngày thu như thế Pushkin đã sáng tác những vần thơ nói lên hết sức sáng rõ quá trình sáng tạo phức tạp của nhà thơ.

Thế giới tôi quên - im lặng ngọt ngào...

Tưởng tượng à ơi đưa vào cõi mông

Nàng Thơ thức giấc trong tôi

E ấp hồn tôi xúc cảm trữ tình

Run rẩy, ngân vang, dò tìm trong mộng

Rồi trong hình tượng tuôn trôi

Ập đến với tôi đám khách vô hình -

Những bạn ngày xưa, đàn con mộng ước

Sục sôi ngang dọc trong đầu

Vần điệu thênh thang chảy tới

Ngón tay đòi bút giấy... thơ tuôn

Đây là một sự phân tích sáng tỏ lạ thường về sáng tác. Người ta chỉ có thể tạo ra nó trong cơn phấn hứng cao độ của tâm hồn.

Ở Pushkin còn có một điểm đặc biệt nữa. Trong tác phẩm của mình, những đoạn mà ông thấy không đạt là ông bỏ qua ngay, không khi nào dừng lại, cứ thế tiếp tục viết. Sau ông mới quay về với những đoạn ông đã bỏ qua trước kia, nhưng cũng chỉ quay về khi nào trong ông có cái hưng phấn của tâm hồn, mà ông gọi là cảm hứng. Không bao giờ ông cố gắng bức bách cảm hứng phải xuất hiện.

Tôi đã thấy cách làm việc của Gaidar. Anh làm việc khác hẳn cách làm việc thông thường ở các nhà văn.

Hồi ấy chúng tôi ở một làng trong những khu rừng Mesher. Gaidar ở trong một ngôi nhà lớn trông ra phố làng, còn tôi thì ở trong một nhà khác, trước kia là nhà tắm công cộng nằm sâu trong một khu vườn.

Gaidar đang viết cuốn "Số phận chú bé đánh trống". Chúng tôi giao ước với nhau làm việc cho ra trò từ sáng cho đến bữa trưa và trong khoảng thời gian đó không rủ rê nhau đi câu.

Một hôm, tôi đang ngồi viết trong nhà tắm bên cửa sổ bỏ ngỏ, nhưng chưa viết được lấy một phần tư trang, thì đã thấy Gaidar từ trong ngôi nhà lớn đi ra. Anh đi ngang qua cửa sổ, chỗ tôi ngồi, coi bộ hết sức ung dung và thản nhiên.

Tôi vờ không trông thấy anh. Gaidar đi đi lại lại trong vườn, càu nhàu một mình, rồi lại đi ngang qua cửa sổ, nhưng lần này thì rõ ràng anh muốn làm tôi phải chú ý tới anh. Anh huýt sáo miệng và vờ ho.

Tôi im lặng. Tức thì Gaidar lại đi qua lần thứ ba và bực bội nhìn tôi. Tôi một mực im lặng.

Gaidar không chịu nổi nữa.

- Này, - anh ta nói - đừng có ra cái điều. Dù sao thì cậu viết cũng nhanh như gió, có dừng lại tí chút cũng chẳng chết ai. Boborykin mới gớm chứ! Nếu tớ mà viết được như hắn ta thì tớ đã có một toàn tập gồm một trăm mười tám cuốn.

Gaidar rất thú cái con số ấy và nhắc lại một cách khoái trá:

- Một trăm mười tám cuốn! Không kém một cuốn nào!

Tôi nói:

- Này, thôi, cậu nói đi: cậu cần gì?

- Tớ cần cậu nghe xem tớ đã nghĩ được một câu hay đến như thế nào.

- Câu gì?

- Cậu nghe đây: "Ông già đau khổ, thật đau khổ - hành khách nói". Được không?

- Làm sao tớ biết được. Còn phải xem câu ấy được đặt ở đâu và liên quan đến cái gì đã chứ - tôi trả lời.

Gaidar nổi khùng:

- "Liên quan đến cái gì!", "Liên quan đến cái gì"! - anh nhại lại - Liên quan đến cái cần phải liên quan chứ còn liên quan đến cái chó gì! Thôi, mặc xác cậu! Ngồi đi, ngồi mà chép tác phẩm của cậu. Tớ đi tớ viết câu ấy.

Nhưng anh không chịu được lâu. Sau đó hai mươi phút anh lại đi đi lại lại dưới cửa sổ buồng tôi.

- Thế nào, cậu còn nghĩ ra được câu văn tuyệt diệu nào nữa không đấy? - tôi hỏi.

- Này, - Gaidar nói - Trước kia mình chỉ mới ngờ ngợ cậu là một thằng trí thức hết hơi và hay giễu cợt người khác. Bây giờ thì tớ tin chắc như vậy. Hơn nữa, tớ cay đắng mà tin như vậy.

- Thôi, xin cậu cuốn xéo đi cho! - tôi nói. - Tớ xin cậu đấy, đừng có quấy nữa.

- Này, thằng cha Lazhechnikov mới cừ chứ!

Gaidar nói, nhưng rồi anh cũng bỏ đi.

Năm phút sau anh trở lại và từ đàng xa đã kêu ầm lên cho tôi nghe một câu mới. Câu đó, nói của đáng tội, thật bất ngờ và hay. Tôi khen anh. Gaidar cũng chỉ cần có thế.

- Có vậy chứ! - anh nói - Giờ thì tớ cũng thôi không bao giờ đến cậu nữa. Không bao giờ! Tớ sẽ kiếm cách viết không cần đến sự giúp đỡ của cậu.

Và bất thình lình anh nói thêm bằng một thứ tiếng Pháp hết sức quái gở:

- O revoa mosio lekrivan rus sovietic[16]

[16] Au revoir, monsieur l'écrivain russe-soviétique (Xin từ biệt ông, ông nhà văn Nga xô-viết, tiếng Pháp)

Hồi đó anh đang mê tiếng Pháp và mới bắt đầu học.

Gaidar trở ra vườn mấy lần nữa nhưng không quấy rầy tôi mà chỉ đi đi lại lại trên con đường nhỏ ở xa và lẩm bẩm điều gì.

Cách làm việc của anh là như vậy: vừa đi vừa nghĩ ra những câu văn, ghi lại, rồi lại tiếp tục nghĩ. Suốt ngày anh hết ở trong nhà lại ra ngoài vườn. Tôi lấy làm ngạc nhiên và tin chắc rằng Gaidar viết cuốn truyện dài của anh rất chậm. Nhưng sau mới biết đấy là anh bịp tôi và anh ghi chép được nhiều hơn rất nhiều, chứ không phải chỉ từng câu một.

Hai tuần sau anh hoàn thành cuốn "Số phận chú bé đánh trống". Anh lại cái nhà tắm của tôi, vui vẻ và thỏa mãn. Anh hỏi tôi:

- Cậu có muốn tớ đọc cậu nghe truyện dài của tớ không?

Tất nhiên, tôi rất muốn nghe.

- Thế thì cậu nghe đây! - Gaidar dừng lại ở giữa phòng, đút hai tay vào túi quần, nói.

Tôi hỏi:

- Thế bản thảo đâu?

Gaidar lên giọng kẻ cả trả lời:

- Chỉ có thứ nhạc trưởng quèn mới đặt bản hợp tấu lên giá nhạc trước mặt mình. Tớ cần gì đến bản thảo! Nó đang nằm nghỉ ở trên bàn. Cậu có muốn nghe hay không đã?

Và anh đọc thuộc lòng cho tôi nghe hết cuốn truyện dài, từ câu đầu đến câu cuối.

- Thế nào cậu cũng lẫn lộn ra trò ở một số đoạn nào đó. - tôi nói với một vẻ hoài nghi.

- Tớ đánh cuộc với cậu này! - Gaidar nói lớn - Không thể có quá mười lỗi! Nếu cậu thua thì mai đi ngayRyazan mua cho tớ cái phong vũ biểu cổ ở chợ Giời. Tớ đã để ý nó rồi! Ở chỗ cái bà lão ấy mà, cậu nhớ không, cái bà lão mà khi trời mưa cứ lấy chụp đèn đội lên đầu ấy. Tớ sẽ mang bản thảo lại ngay bây giờ.

Anh mang bản thảo đến và đọc lại cho tôi nghe lần thứ hai. Tôi theo dõi bản thảo. Anh chỉ nhầm mất vài chỗ, nhưng là những chỗ không quan trọng lắm. Vì câu chuyện đó, chúng tôi cãi vã mấy ngày liền xem Gaidar có được cuộc hay không. Nhưng cái đó không liên quan trực tiếp đến truyện ngắn này.

Rốt cuộc tôi phải mua cho anh cái phong vũ biểu.

Gaidar rất mừng. Chúng tôi quyết định tổ chức những cuộc đi câu theo lời chỉ dẫn của cái thiết bị bằng đồng cồng kềnh nọ. Nhưng chúng tôi đã mắc lừa một cách thảm hại và bị ướt từ đầu đến chân vì cái phong vũ biểu tiên đoán "cực khô ráo" mà trong thực tế trời lại mưa cho ba ngày liền.

Đó là khoảng thời gian đẹp đẽ vô cùng của những câu nói đùa bất tận, những cuộc đấu "bất phân thắng bại", những trận khẩu chiến về văn học và những buổi đi câu ở các ao hồ và lòng sông cạn. Tất cả những cái đó, bằng một cách khó hiểu, đã giúp chúng tôi sáng tác.

Tôi được ở gần Fedin khi ông bắt đầu viết cuốn "Một Mùa Hè Kỳ Lạ".
Tác giả : K. G. Paustovsky
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại