Bí Thư Tỉnh Ủy
Quyển 4 - Chương 137
Từ phòng làm việc trở về ông Kim thấy bà Thường đang ngồi nói chuyện với bà Lê. Ông hỏi:
- Hai chị em nói chuyện gì mà trông có vẻ tâm đắc thế?
Bà Thường đáp:
- Đang nói chuyện thằng Tuyên. Làm việc xong chú còn ngồi làm gì trên phòng giờ mới về?
- Có việc gì đâu, ngồi tán chuyện với tay Côn. Tay Tấn thế mà giỏi ra phết. Năm nay hắn chỉ đạo làm vụ xen canh đâu vào đó. Lại lo giống má, phân tro cấp cho mấy chục Hợp tác xã trọng điểm, mừng quá chị ạ.
- Tôi cũng nghe chú Quốc nói cho biết Ty Lương thực cũng có kế hoạch sẵn sàng thu thu mua nông sản do các Hợp tác xã làm ra.
Bà Lê đứng lên xua tay:
- Dẹp chuyện Hợp tác xã lại kẻo dạ dày lại bục ra bây giờ. Đã ăn cơm được chưa em dọn? Chị Thường ngồi chờ anh về ăn cơm cả tiếng nay rồi.
- Cứ dọn ra ăn được bao nhiêu thì ăn.
Trong khi bà Lê lúi húi dọn cơm, ông Kim nói với bà Thường:
- Tôi định tối nay bắt tay vào viết bản kiểm điểm, theo chị nên viết thế nào?
- Ông Trung Chính bảo chú sai ở chỗ nào cứ viết lại nguyên xi như thế và hứa sẽ sửa chữa, thế là xong.
- Mình không sai mà cứ đi nhận là sai, tôi thấy nó như thế nào.
- Tôi biết là chú rất khổ tâm nhưng biết làm sao được. Từ trước đến giờ đã thành căn bệnh, người bị kiểm thảo nói dối thì được khen là thành khẩn với tổ chức, còn nói thật thì bị ghép vào cái tội là ngoan cố, là thiếu trung thực với Đảng, chú còn lạ gì nữa.
Ông Kim thở dài thườn thượt:
- Thôi thì đành nói dối với lương tâm mình, nói dối Đảng một lần trong đời chứ chẳng có cách nào hơn.
Bà Lê bê mâm cơm ra đặt xuống bàn, nói:
- Em nghe không rõ, hình như chị và nhà em đang bàn chuyện kiểm thảo nhà em có phải không?
- Chú ấy hỏi tôi không biết nên viết bản kiểm thảo như thế nào. Tôi bảo anh Trung Chính bảo chú ấy sai như thế nào thì cứ thế mà viết.
Bà Lê thắc mắc:
- Như thế hóa ra mình nhận là mình làm sai hả chị?
Bà Thường hỏi lại:
- Thế theo cô thì làm thế nào? Chú ấy viết là mình không làm sai à?
- Theo em mình không làm sai thì chẳng việc gì mà viết kiểm thảo.
Bà Thường bảo:
- Không được đâu cô ạ. Chú Kim mà không viết kiểm thảo theo lệnh của anh Trung Chính, thế nào chú ấy cũng bị ghép vào tội ngoan cố rồi Ban bí thư sẽ thành lập đoàn thanh tra về kiểm tra các Hợp tác xã thì lắm chuyện lắm. Bói ra ma quét nhà ra rác. Chuyện bé sẽ xé ra to rồi bắt nông dân phải trở về với con đường làm ăn như cũ thì bao nhiêu công sức, tâm huyết của chú ấy và Ban thường vụ coi như đổ xuống sông xuống biển.
- Chị cứ nghĩ nhà em kiểm thảo thì Ban bí thư để cho yên à?
- Để yên thì không. Thế nào Ban bí thư cũng yêu cầu chúng ta sửa chữa sai lầm. Còn sửa chữa hay không, sửa như thế nào là do ta. Ban bí thư làm sao mà biết được.
- Thế hóa ra cả đời hoạt động cách mạng của nhà em trong sáng như gương bỗng nhiên tự mình bôi một vết ố lên đấy.
Ông Kim cầm lấy đũa:
- Dù mình bị một vết ố trong lí lịch đảng viên nhưng nông dân không phải quay lại với con đường ăn bữa hôm lo bữa mai thì cũng coi như mình hy sinh để cho nông dân được no ấm, thế là hạnh phúc lắm rồi. Thôi, không bàn chuyện này nữa, ăn cơm đi kẻo đói bụng.
Ăn cơm xong nghỉ ngơi một lúc, ông Kim xách điếu cày đi lên phòng làm việc của mình. Khi đi ngang qua phòng Đô, ông bảo Đô soạn cho ông cây đèn bão để đề phòng mất điện. Trời ủ bão khiến không khí oi nồng bức bối. Ông Kim bật điện rồi đi đến mở toang tất cả các cánh cửa sổ trong phòng. Đô xách cây đèn bão và ấm nước để xuống bàn:
- Em pha cho anh ấm nước chè đặc quánh theo yêu cầu của anh đây.
Đô nói xong lặng lẽ lui ra. Đêm cuối tháng trời tối đen như mực. Bốn bề im ắng. Điện yếu bóng đèn đỏ quành quạch. Chiếc quạt trần quay chậm chạp đến nỗi nhìn rõ cả ba cái cánh. Ông Kim lấy một tập giấy trong tủ ra để xuống bàn rồi ngồi xuống. Thấy bóng điện không đủ ánh sáng, ông bật lửa đốt thêm cây đèn bão, sau đó mở tập giấy lấy ra một tờ, ngồi bóp trán một lúc rồi bắt đầu viết: Đảng Lao động Việt Nam. Bản kiểm điểm cá nhân. Tên tôi là Hoàng Kim, sinh năm 1917. Tham gia hoạt động cách mạng năm 1939, làm liên lạc cho Xứ ủy Bắc Kỳ…
Dòng ký ức xa xăm cùng khuôn mặt và lời nói của ông Trung Chính hiện ra cùng một lúc: “Đồng chí là bí thư tỉnh ủy, đồng chí phải chịu trách nhiệm chính trong việc đưa nông dân trở về con đường làm ăn cá thể. Đồng chí phải thành khẩn kiểm điểm trước Ban bí thư về những sai lầm của mình. Phải nói rõ nguyên nhân dẫn đến sai lầm là do nhận thức mơ hồ về cuộc đấu tranh giữa hai con đường hay do động cơ cá nhân. Muốn nông dân tôn vinh mình là vị cứu tinh của họ…"
Ông Kim cầm tờ giấy vừa viết được mấy dòng lên xem rồi bằng một cử chỉ dứt khoát, ông xé tờ giấy ra làm nhiều mảnh vo tròn lại vứt xuống gầm bàn rồi bước ra khỏi phòng. Những bóng đèn mắc thưa thớt trên đường mờ ảo chiếu lên thân hình cao lêu nghêu và những bước chân đơn độc của ông. “Động cơ cá nhân muốn nông dân tôn vinh mình là vị cứu tinh của họ" ư? Cả cuộc đời ông từ khi còn làm liên lạc cho xứ ủy Bắc Kỳ và hơn mười năm làm bí thư tỉnh ủy, trong đó ba năm làm bí thư tỉnh ủy trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, vào sinh ra tử nhưng chưa một lần ông nghĩ đến danh lợi. Đến đồng quà tấm bánh người ta quý ông đem biếu ông cũng từ chối không nhận. Chưa khi nào ông để cho con cái nhờ vả cái thế bí thư của bố mà tiến thân. Nông dân no ấm ông vui, nông dân đói khổ ông lo như lo cho bà con ruột thịt của mình. Trằn trọc suy nghĩ ngày này sang tháng khác để tìm ra con đường no ấm cho nông dân đâu phải vì ông muốn họ tôn vinh ông là vị cứu tinh. Họ quý, họ thương ông với tình thương chất phác của người nông dân khi họ biết ông cũng thương cũng quý họ như người ruột thịt. Vì sao ông Trung Chính không hiểu điều đó mà đi gán cho ông cái điều mà chưa khi nào ông nghĩ tới.
Ông Kim trở về phòng làm việc ngồi vào bàn, mở nắp bút máy ra cặm cụi viết lại: Tôi là Hoàng Kim, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Phước Vĩnh. Tôi xin kiểm điểm về ưu, khuyết điểm của tôi như sau…
Ông Kim vứt ngòi bút lên trên tờ giấy đang viết, đưa hai tay ôm lấy đầu chống xuống bàn. Trong tai ông Kim bỗng vang lên những câu hỏi chát chúa phát ra từ hai cái loa sắt ở trong hội trường: “Nói khoán cho hộ là tận dụng được khả năng lao động, tất cả lao động có nghĩa vụ làm cho tập thể. Đúng hay sai?"… “Nói giao ruộng cho người lao động tự mình chủ động sắp xếp công việc, cải tiến công cụ và tận dụng lao động phụ trong gia đình, do đó đạt yêu cầu tăng năng suất, như thế có đúng không"… “Nói khoán cho hộ là một biện pháp tổ chức phân công lao động hợp lí. Trên cơ sở đó sẽ thực hiện từng bước chuyên môn hóa lao động trong sản xuất có đúng không?"… Mấy tiếng “Đúng hay sai", “Có đúng không" cứ lặp đi lặp lại thành một âm thanh rền rĩ. Ông Kim buông tay trên đầu và đưa bịt lấy hai tai. Đôi mắt ông trở nên đờ đẫn.
Bà Lê cầm một cốc sữa bước vào thấy động tác của ông Kim như vậy hốt hoảng kêu lên:
- Anh làm sao thế?
Ông Kim giật mình ngẩng đầu lên trả lời:
- Có sao đâu.
- Không sao, sao hai tay ôm chặt lấy tai, bộ mặt thì thất thần như sợ hãi điều gì khiến em lo quá.
Ông Kim cười gượng:
- Mệt quá nên ngủ gật và mơ đang cưỡi rồng bay lên trời. Nghe tiếng gió ù ù bên tai hốt quá.
Bà Lê biết chồng nói dối để bà yên tâm nên bảo:
- Anh uống sữa đi rồi về nghỉ. Chẳng việc gì mà cái thân làm tội cái đời.
Ông Kim cười méo mó:
- Có khi phải về nghỉ thật. Anh thấy mệt mỏi quá rồi.
Nói xong ông Kim cầm cốc sữa lên uống một hơi, đứng lên bỏ về nhà.
- Hai chị em nói chuyện gì mà trông có vẻ tâm đắc thế?
Bà Thường đáp:
- Đang nói chuyện thằng Tuyên. Làm việc xong chú còn ngồi làm gì trên phòng giờ mới về?
- Có việc gì đâu, ngồi tán chuyện với tay Côn. Tay Tấn thế mà giỏi ra phết. Năm nay hắn chỉ đạo làm vụ xen canh đâu vào đó. Lại lo giống má, phân tro cấp cho mấy chục Hợp tác xã trọng điểm, mừng quá chị ạ.
- Tôi cũng nghe chú Quốc nói cho biết Ty Lương thực cũng có kế hoạch sẵn sàng thu thu mua nông sản do các Hợp tác xã làm ra.
Bà Lê đứng lên xua tay:
- Dẹp chuyện Hợp tác xã lại kẻo dạ dày lại bục ra bây giờ. Đã ăn cơm được chưa em dọn? Chị Thường ngồi chờ anh về ăn cơm cả tiếng nay rồi.
- Cứ dọn ra ăn được bao nhiêu thì ăn.
Trong khi bà Lê lúi húi dọn cơm, ông Kim nói với bà Thường:
- Tôi định tối nay bắt tay vào viết bản kiểm điểm, theo chị nên viết thế nào?
- Ông Trung Chính bảo chú sai ở chỗ nào cứ viết lại nguyên xi như thế và hứa sẽ sửa chữa, thế là xong.
- Mình không sai mà cứ đi nhận là sai, tôi thấy nó như thế nào.
- Tôi biết là chú rất khổ tâm nhưng biết làm sao được. Từ trước đến giờ đã thành căn bệnh, người bị kiểm thảo nói dối thì được khen là thành khẩn với tổ chức, còn nói thật thì bị ghép vào cái tội là ngoan cố, là thiếu trung thực với Đảng, chú còn lạ gì nữa.
Ông Kim thở dài thườn thượt:
- Thôi thì đành nói dối với lương tâm mình, nói dối Đảng một lần trong đời chứ chẳng có cách nào hơn.
Bà Lê bê mâm cơm ra đặt xuống bàn, nói:
- Em nghe không rõ, hình như chị và nhà em đang bàn chuyện kiểm thảo nhà em có phải không?
- Chú ấy hỏi tôi không biết nên viết bản kiểm thảo như thế nào. Tôi bảo anh Trung Chính bảo chú ấy sai như thế nào thì cứ thế mà viết.
Bà Lê thắc mắc:
- Như thế hóa ra mình nhận là mình làm sai hả chị?
Bà Thường hỏi lại:
- Thế theo cô thì làm thế nào? Chú ấy viết là mình không làm sai à?
- Theo em mình không làm sai thì chẳng việc gì mà viết kiểm thảo.
Bà Thường bảo:
- Không được đâu cô ạ. Chú Kim mà không viết kiểm thảo theo lệnh của anh Trung Chính, thế nào chú ấy cũng bị ghép vào tội ngoan cố rồi Ban bí thư sẽ thành lập đoàn thanh tra về kiểm tra các Hợp tác xã thì lắm chuyện lắm. Bói ra ma quét nhà ra rác. Chuyện bé sẽ xé ra to rồi bắt nông dân phải trở về với con đường làm ăn như cũ thì bao nhiêu công sức, tâm huyết của chú ấy và Ban thường vụ coi như đổ xuống sông xuống biển.
- Chị cứ nghĩ nhà em kiểm thảo thì Ban bí thư để cho yên à?
- Để yên thì không. Thế nào Ban bí thư cũng yêu cầu chúng ta sửa chữa sai lầm. Còn sửa chữa hay không, sửa như thế nào là do ta. Ban bí thư làm sao mà biết được.
- Thế hóa ra cả đời hoạt động cách mạng của nhà em trong sáng như gương bỗng nhiên tự mình bôi một vết ố lên đấy.
Ông Kim cầm lấy đũa:
- Dù mình bị một vết ố trong lí lịch đảng viên nhưng nông dân không phải quay lại với con đường ăn bữa hôm lo bữa mai thì cũng coi như mình hy sinh để cho nông dân được no ấm, thế là hạnh phúc lắm rồi. Thôi, không bàn chuyện này nữa, ăn cơm đi kẻo đói bụng.
Ăn cơm xong nghỉ ngơi một lúc, ông Kim xách điếu cày đi lên phòng làm việc của mình. Khi đi ngang qua phòng Đô, ông bảo Đô soạn cho ông cây đèn bão để đề phòng mất điện. Trời ủ bão khiến không khí oi nồng bức bối. Ông Kim bật điện rồi đi đến mở toang tất cả các cánh cửa sổ trong phòng. Đô xách cây đèn bão và ấm nước để xuống bàn:
- Em pha cho anh ấm nước chè đặc quánh theo yêu cầu của anh đây.
Đô nói xong lặng lẽ lui ra. Đêm cuối tháng trời tối đen như mực. Bốn bề im ắng. Điện yếu bóng đèn đỏ quành quạch. Chiếc quạt trần quay chậm chạp đến nỗi nhìn rõ cả ba cái cánh. Ông Kim lấy một tập giấy trong tủ ra để xuống bàn rồi ngồi xuống. Thấy bóng điện không đủ ánh sáng, ông bật lửa đốt thêm cây đèn bão, sau đó mở tập giấy lấy ra một tờ, ngồi bóp trán một lúc rồi bắt đầu viết: Đảng Lao động Việt Nam. Bản kiểm điểm cá nhân. Tên tôi là Hoàng Kim, sinh năm 1917. Tham gia hoạt động cách mạng năm 1939, làm liên lạc cho Xứ ủy Bắc Kỳ…
Dòng ký ức xa xăm cùng khuôn mặt và lời nói của ông Trung Chính hiện ra cùng một lúc: “Đồng chí là bí thư tỉnh ủy, đồng chí phải chịu trách nhiệm chính trong việc đưa nông dân trở về con đường làm ăn cá thể. Đồng chí phải thành khẩn kiểm điểm trước Ban bí thư về những sai lầm của mình. Phải nói rõ nguyên nhân dẫn đến sai lầm là do nhận thức mơ hồ về cuộc đấu tranh giữa hai con đường hay do động cơ cá nhân. Muốn nông dân tôn vinh mình là vị cứu tinh của họ…"
Ông Kim cầm tờ giấy vừa viết được mấy dòng lên xem rồi bằng một cử chỉ dứt khoát, ông xé tờ giấy ra làm nhiều mảnh vo tròn lại vứt xuống gầm bàn rồi bước ra khỏi phòng. Những bóng đèn mắc thưa thớt trên đường mờ ảo chiếu lên thân hình cao lêu nghêu và những bước chân đơn độc của ông. “Động cơ cá nhân muốn nông dân tôn vinh mình là vị cứu tinh của họ" ư? Cả cuộc đời ông từ khi còn làm liên lạc cho xứ ủy Bắc Kỳ và hơn mười năm làm bí thư tỉnh ủy, trong đó ba năm làm bí thư tỉnh ủy trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, vào sinh ra tử nhưng chưa một lần ông nghĩ đến danh lợi. Đến đồng quà tấm bánh người ta quý ông đem biếu ông cũng từ chối không nhận. Chưa khi nào ông để cho con cái nhờ vả cái thế bí thư của bố mà tiến thân. Nông dân no ấm ông vui, nông dân đói khổ ông lo như lo cho bà con ruột thịt của mình. Trằn trọc suy nghĩ ngày này sang tháng khác để tìm ra con đường no ấm cho nông dân đâu phải vì ông muốn họ tôn vinh ông là vị cứu tinh. Họ quý, họ thương ông với tình thương chất phác của người nông dân khi họ biết ông cũng thương cũng quý họ như người ruột thịt. Vì sao ông Trung Chính không hiểu điều đó mà đi gán cho ông cái điều mà chưa khi nào ông nghĩ tới.
Ông Kim trở về phòng làm việc ngồi vào bàn, mở nắp bút máy ra cặm cụi viết lại: Tôi là Hoàng Kim, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Phước Vĩnh. Tôi xin kiểm điểm về ưu, khuyết điểm của tôi như sau…
Ông Kim vứt ngòi bút lên trên tờ giấy đang viết, đưa hai tay ôm lấy đầu chống xuống bàn. Trong tai ông Kim bỗng vang lên những câu hỏi chát chúa phát ra từ hai cái loa sắt ở trong hội trường: “Nói khoán cho hộ là tận dụng được khả năng lao động, tất cả lao động có nghĩa vụ làm cho tập thể. Đúng hay sai?"… “Nói giao ruộng cho người lao động tự mình chủ động sắp xếp công việc, cải tiến công cụ và tận dụng lao động phụ trong gia đình, do đó đạt yêu cầu tăng năng suất, như thế có đúng không"… “Nói khoán cho hộ là một biện pháp tổ chức phân công lao động hợp lí. Trên cơ sở đó sẽ thực hiện từng bước chuyên môn hóa lao động trong sản xuất có đúng không?"… Mấy tiếng “Đúng hay sai", “Có đúng không" cứ lặp đi lặp lại thành một âm thanh rền rĩ. Ông Kim buông tay trên đầu và đưa bịt lấy hai tai. Đôi mắt ông trở nên đờ đẫn.
Bà Lê cầm một cốc sữa bước vào thấy động tác của ông Kim như vậy hốt hoảng kêu lên:
- Anh làm sao thế?
Ông Kim giật mình ngẩng đầu lên trả lời:
- Có sao đâu.
- Không sao, sao hai tay ôm chặt lấy tai, bộ mặt thì thất thần như sợ hãi điều gì khiến em lo quá.
Ông Kim cười gượng:
- Mệt quá nên ngủ gật và mơ đang cưỡi rồng bay lên trời. Nghe tiếng gió ù ù bên tai hốt quá.
Bà Lê biết chồng nói dối để bà yên tâm nên bảo:
- Anh uống sữa đi rồi về nghỉ. Chẳng việc gì mà cái thân làm tội cái đời.
Ông Kim cười méo mó:
- Có khi phải về nghỉ thật. Anh thấy mệt mỏi quá rồi.
Nói xong ông Kim cầm cốc sữa lên uống một hơi, đứng lên bỏ về nhà.
Tác giả :
Vân Thảo