Bảo Đại, Hay Là Những Ngày Cuối Cùng Của Vương Quốc An Nam
Quyển 1 - Chương 13

Bảo Đại, Hay Là Những Ngày Cuối Cùng Của Vương Quốc An Nam

Quyển 1 - Chương 13

Hội đồng Cơ mật vẫn chưa bàn thảo xong. Bảo Đại ít khi dự cuộc họp thảo luận kéo dài khiến ông chán ngấy mặc dù diễn ra trong điện Cần Chánh trong gian để ngai vàng. Ông ngồi trên ngai giữa rừng cột. Có cả thảy tám mươi nhăm cột bằng gỗ tếch, lộng lẫy, tráng lệ, sơn thếp vàng óng ánh. Nhà vua đưa mắt nhìn những hình cuộn điêu khắc trang trí gian nhà rộng. Ông nói ít làm không khí trang nghiêm thêm. Hội đồng này tập hợp quan thượng thư. Không có người Pháp nào dự. Lần này không họp bàn về ngân sách mà về chiến tranh. Không phải chiến tranh Trung - Nhật mà chiến tranh đe doạ toàn châu Âu: Trên bàn có hai tờ báo hàng ngày đều đăng chân dung Hitler ở trang nhất. Các quan thượng thư đang ngồi bàn về chiến cuộc. Cuộc chiến tranh còn xa đây lắm mặc dù có lúc cô vú của Bảo Long kêu lên: "Như đồ quỷ" khi chỉ tay vào tờ báo. Các quan thượng thư tỏ ra bình tĩnh hơn. Họ không thể hình dung rằng người Pháp ở Đông Dương cũng bị thiệt hại khi chiến tranh bùng nổ, họ đã sống trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ nhất 1914-1918 đã được nghe kể về những người tình nguyện Việt Nam ra trận, về những chiến hào, về chiến thắng và cuối cùng họ đưa ra nhận xét phụ cấp chiến tranh cho một người còn đủ nuôi sống vài đồng bào...

Nghe tin cuộc xung đột bắt đẩu, các quan thượng thư không lo hộ cho chính phủ bảo hộ. Họ cũng chẳng lo gì cho chính họ. Trái lại Bảo Đại còn hy vọng có cơ hội mở rộng nền tự trị cho An Nam. Không ai tưởng tượng ra chuyện lợi dụng chiến tranh để tháo ách đô hộ thực dân Pháp. Chưa phải lúc nổi dậy khởi nghĩa nhưng cũng không thể ngồi yên mà quan sát. Bảo Đại chủ yếu nghĩ đến cuộc thăm Pháp sắp tới, để được dễ thở hơn, để tạm rời khỏi khung cảnh triều đình. Ông tưởng tượng, không phải là không thích thú, hình ảnh thanh bình mà ông sẽ cống hiến cho dân Paris.

Hoàng Thái tử sẽ cùng đi, tất nhiên có cả Hoàng hậu Nam Phương. Mặc dù bà sống khác các bà vợ vua các triều trước, bà cũng mong đợi chuyến đi này, cũng muốn đi đây đi đó, thoát ra khỏi giấc mơ hào nhoáng và bụi bặm. Bà không sợ đi ra ngoài cung. Bà thường đi ra khỏi Tử Cấm thành rồi ra khỏi Đại nội, ra hẳn ngoài để quan sát phố phường có các công chức lờ đờ uể oải, có khu phố Âu đẹp đẽ và sông Hương thơ mộng. Bà đi dự lễ khai giảng năm học, phát phần thưởng cuối năm tại các trường... Bà luôn luôn đi thẳng người lợi dụng chiều cao của thân hình và dáng vẻ chững chạc... Một vài lần bà đưa một, hai con cùng đi nhưng theo Bảo Long kể lại những lúc ấy quá hiếm.

Bắt đầu từ năm 1936, một người đàn ông tên là Nguyễn Tiến Lãng luôn luôn đi theo bà và giúp bà trong các hoạt động đại diện. Đó là một thư ký riêng, gẩn gũi thân tình, chỗ nào cũng có mặt. Nhiệm vụ chính là soạn thảo công văn thư từ, và nhắc nhở nghĩa vụ Hoàng hậu. Thực tế ông là thông ngôn. Nam Phương nặng tai không nghe được lời phát ra với cường độ âm thanh bình thường nhất là khi những lời lẽ đó không được khúc chiết, kém mạch lạc. Ông Lãng làm vai trò người nói lại, không phải phiên dịch mà nói lại cho bà Hoàng hậu hiểu người đối thoại nói gì với mình.

Tại điện Cần Chánh, nơi diễn ra các buổi chầu hàng ngày, trước ngày lên đường đi Pháp Bảo Đại quyết định lên tiếng. Đây cũng là trường hợp hiếm hoi. Thường ngày ông chỉ nói một cách thoải mái về các cuộc săn bò rừng hay các thú vui đam mê của ông như ôtô, máy bay hơn là chuyện chính trị.

Ông chọn thời điểm để phác qua thành tựu của triều đại ông trị vì và nói về chuyến du hành sắp tới. Một chuyến đi nhiều lấn được tranh cãi và bác bỏ. Mặc dù nhà nước bảo hộ hứa hẹn nhiều lần, từ sau chuyến trở về nước nắm quyền bính năm 1932, ông chưa có dịp trở lại Pháp. Năm năm sau Nhà vua báo sẽ đi Paris tám tháng, báo chí đối lập đã thi nhau lên tiếng: "Đi vắng lâu ngày chứng tỏ rõ ràng chức trách làm vua của ông Bảo Đại chẳng ích lợi gì"(1).

Những giới hữu trách Pháp cũng thấy chuyến đi hơi dài. Nhưng lý do sức khỏe là không ai có thể bác được và mọi người có thể thông cảm. Vì nếu Nhà vua muốn đi thăm cơ ngơi mới tại Cannes thì có thể giúp ông chữa khỏi vết gãy xương chân hai năm trước trong một cuộc đi săn ở Tây Nguyên. Một tai nạn ngu ngốc. Người ta nói là một trận đá bóng hay một chuyến đi săn nhưng có kết cục bất hạnh. Mấy tháng trước, Nhà vua đã điều trị ở Sài Gòn và cũng nhân dịp đó lần đầu tiên ông khám phá thủ phủ xứ Nam Kỳ. Hết X. quang này lại X. quang khác, các bác sĩ đều nhận thấy rằng vết thương bị vôi hoá kém họ khuyên nên đi Paris. Vụ tai nạn này làm nảy sinh một số tin đồn. Một số cận thần cho rằng vì Nhà vua lao theo một trận thi đấu thể thao khác hơn là đi săn nên vua bị trẹo chân, thực ra do một anh chồng ghen tuông nào đó đã làm ông bị thương. Tin đồn bao giờ cũng dai dẳng. Đến bây giờ ở Buôn Ma Thuột người ta còn lan truyền tin đồn đó.

Dù thế nào đi nữa, bên ngoài câu chuyện thể thao hay phiêu lưu tình ái Bảo Đại đi chuyến này là chuyến thứ tư sang Pháp và ông tính trong chuyến đi này ông sẽ tranh thủ được một vài sửa khoản nào đó đối với thể chế không phải là độc lập thì cũng là mở rộng tự trị hoặc nếu không thì đơn giản chỉ là tôn trọng các điều khoản đã ký trong hiệp ước năm 1884.

Trở lại hiệp ước 1884, ông muốn không còn cần đến ba chữ ký của quan chức Pháp mới được ban thưởng huy chương giáo dục cho các thầy giáo An Nam hay muốn thay lốp mới cho xe ôtô cũng phải có chữ ký của viên thượng sĩ(2).

Vậy Bảo Đại muốn gặp Georges Mandel, Bộ trưởng Thuộc địa để trình bày thẳng với ông ta không qua trung gian là chính quyền bảo hộ, giải thích cho chính phủ Pháp chứ không phải cho những đại diện chính phủ, biết rằng bản thân Nhà vua và bề tôi của ông đã mệt mỏi về sự vô trách nhiệm của các nhà đương cục bảo hộ, rằng ông sẽ đòi một cách rất lễ độ, rất khôn ngoan để Pháp trả lại cho triều đình thêm một chút quyền hành. Ngoài ra cũng vì cái đó mà vua cha Khải Định trước đây đã gửi ông sang Pháp du học bất chấp tục lệ truyền thống mà các triều vua trước đã theo đuổi một thế kỷ nay. Vậy là ông phải bênh vực cho những yêu sách của ông đưa ra. Một vài cố vấn của ông có tinh thần độc lập nhất, chắc hẳn những người đáng tự hào nhất, đã phải chuẩn bị một bài phát biểu ông sẽ phải đọc ở Paris.

Ông Bộ trưởng Thuộc địa phải biết rằng Nhà vua, chính phủ, binh sĩ và các quan lại hết thảy đều vô dụng. Họ chỉ thay mặt cho một nhà nước trong truyện thần thoại. Một tàn tích của truyền thống tách rời thực tế Nghi thức, quy tắc nặng nề, và không thể xâm phạm của triều đình chỉ là những vở tiểu nhạc kịch.

Nhưng nước Pháp đang sử dụng bộ máy triều đình và chính phủ Nam triều để che đậy bộ máy cai trị trực tiếp của Pháp ở Việt Nam. Vua chỉ là ông thầy dạy vũ balê, và vai trò duy nhất của ông ta là duy trì những quyền hạn liên quan đến lễ nghi, quyền đặc xá, phong sắc cho thành hoàng, ban phẩm hàm và truy tặng(3).

Hình ảnh của Nhà vua qua báo cáo chính thức và những câu chuyện riêng tư của giới quan chức thuộc địa là hình ảnh về một chàng thanh niên tốt bụng. Một con người dũng cảm, không sinh chuyện rất có thể bị những hương vị ngọt ngào và những quà biếu làm hư hỏng. Người ta dạy ông biết hưởng thụ cuộc sống và chắc chắn ông có khiếu để làm việc đó. Cuộc đời của ông như đã được thấy trước. Mọi thứ đều được chính quyền bảo hộ chăm chút làm hại ông. Trong những năm còn trẻ, không một sự phản kháng hay ngạo mạn nào xảy ra. Trái lại, khước từ mọi cố gắng, tránh đụng độ, nhưng phục tùng kính trọng, giả vờ hay thật sự.

Hàm Nghi chỉ là một đứa trẻ khi nghe theo Tôn Thất Thuyết rời bỏ kinh thành kêu gọi sĩ phu nổi lên chống Pháp. Duy Tân cũng chỉ là một thiếu niên ngầm theo Trần Cao Vân mưu tính đại sự. Nhưng Bảo Đại thì không. Có thể cảm nhận này không đúng. Chãn dung một con người bị ảnh hưởng quá lớn của những người muốn anh ta như thế. Tuy nhiên phải thừa nhận Bảo Đại đã được một cường quốc thuộc địa nhào nặn từ bé.

Ông ta là một người không hề có sáng kiến về bất cứ chuyện gì, không có ý chí rõ rệt, được khẳng định thật sự là có. Người ta đã thấy những tháng đầu tiên trị vì hoàn toàn do nhà nước bảo hộ sắp đặt trước. Chắc chắn thành phần Hội đồng thượng thư (tức nội các chính phủ) cũng như thế. Trong số những người trẻ tuổi nổi trội bám lấy ông những ai là bạn bè thân thiết nhất? Chắc hẳn là hoàng thân Vĩnh Cẩn nhưng anh này cũng chỉ là một anh hề vui tính, một kẻ cò mồi hay khoe khoang, khoác lác trong các màn trò.

Bối cảnh, tục lệ truyền thống, hành vi và cử chỉ tượng trưng đều càng quan trọng trong lúc không có gì khác. Tình hình này không thể kéo dài.

Chú thích:

(1) CAOM, Lưu trữ bộ Pháp quốc Hải ngoại, Thư của Sở Mật thám Trung Kỳ gửi Sở Mật thám Bắc Kỳ.

(2) Hỏi chuyện Merry Bromberger. Paris-Presse (Báo chí Paris), tháng 5 năm 1955.

(3) Các thành hoàng là những sĩ phu, quan lại, những người có tiếng tăm, có vai trò ở địa phương trong khuôn khổ xã, những nhân vật gương mẫu nào đó mà hồi ức được thi vị hoá bằng huyền thoại trong sự cách biệt không gian và thời gian, trở thành thành hoàng sau khi được nhà vua phong sắc cho phép dân làng thờ cúng.

***

Nhà vua và đoàn hộ giá rời Huế tháng 5 năm 1939. Một chuyến đi xa dài ngày, đông người tuỳ tùng. Lũ trẻ thích thú được rời khỏi hoàng thành chán ngắt.

Bảy năm về trước khi từ biệt mẫu quốc trở về, Bảo Đại thoạt đầu đi trên một tàu viễn dương sau chuyển sang thông báo hạm có hai tàu hải quân đi hộ tống. Quy mô to lớn kiểu cách khác thường. Nhà nước bảo hộ tốn nhiều công sức, tiền bạc để tôn thêm ông vua trẻ.

Còn lần này đoàn tuỳ tùng xem ra kém bảnh bao hơn. Lễ khởi hành kém huy hoàng hơn. Tuy vậy vẫn ra vẻ oai phong lẫm liệt. Khi đi qua cửa Ngọ Môn lần đầu tiên lũ trẻ vừa đi vừa quay đầu lại nhìn bức tường cao sừng sững của toà thành.

Chuyến du hành đúng là một thử thách trên nhiều mặt. Đến giờ phút cuối cùng Bảo Đại quyết định để bà Hoàng hậu và các con đi tàu biển còn ông đi máy bay. Bấy giờ việc đi lại giữa Huế và Paris có một chiếc máy bay Dewoitine đảm nhiệm. Năm ngày đi đường trên chiếc máy bay mang dòng chữ Ville de Beyrouth (Thành phố Beyrouth) có tổng thư ký hãng hàng không Pháp Air France tháp tùng, qua Bangkok, Rangoon, Calcutta, Karachi, Beyrouth, Tripoli, Tunis và cuối cùng là Marseille. Cứ mỗi đoạn đường lại tổ chức đón tiếp có đội quân danh dự bồng súng chào. Ở Liban và Tunisie, đại sứ quán Pháp tại đây huy động đám đông dân chúng tụ tập hai bên đường hô: "Hoàng đế vạn tuế!" Máy bay hạ cánh ở Marignane, Bảo Đại thốt lên: "Ôi! Được trở lại đất nước đẹp thế?". Các quan chức đợi đón ông, tỉnh trưởng, phó tỉnh trưởng đại diện bộ trưởng, tất cả đều nghiêm trang, lễ phục màu sẫm, khăn trắng cài túi ngực. Còn Nhà vua mặc đồ trắng nổi bật trước đám đông quan chức ra đón đoàn. Xe đi về hướng lâu đài Thorenc ở trên Cannes.

Đây là lâu đài ông mới mua. Đây là một dinh cơ đẹp, một trong những toà nhà đẹp nhất ở bờ biển miền nam nước Pháp. Hàng xóm của ông là hoàng tử xứ Galles nước Anh, các vua Thuỵ Điển, Đan Mạch, Xiêm. Nhưng họ chí là ở thuê trong thời gian nghỉ hè ở đây. Ngược lại, duy nhất chỉ có Bảo Đại là chủ sở hữu dinh cơ này toạ lạc ở lưng chừng Californie một khu phố sang trọng ở Cannes.

Toà nhà được một quý tộc Anh xây khoảng năm mươi năm trước đây, nhưng người ở cuối cùng là gia đình một nhà buôn ôtô tên là Neubauer. Người viết tin vặt trên báo bình phẩm: Hơn là một lâu đài, phải gọi là cung điện mới đúng. Tráng lệ, trang trí phong phú ốp nhiều đá cẩm thạch từ đại sảnh đến phòng nhỏ nhất khiến nhiều nhà báo đến thăm lâu đài phải ngạc nhiên. Trong phòng đèn chùm hình ốc biển bằng chất giả đá hoa treo tường hiếu sáng một kiệt tác của ngôi nhà đó là quầy rượu do hoạ sĩ Jean-Gabriel

Domergues bài trí. Bảo Đại đã mua lại toàn bộ, lâu đài, đồ đạc quầy rượu... mà chính ông cũng không rõ tổng diện tích là bao nhiêu. Toà biệt thự tỏ ra hoàn hảo để cặp vợ chồng Nhà vua trẻ này trú ngụ. Vả lại dân thành phố Cannes còn nhớ lại trước đây toà nhà thường được Maharadjah (hoàng tử) Ấn Độ Porbandar đã có thói quen thuê ở. Vị hoàng tử trẻ này đã đánh vào trí tưởng tượng của dân địa phương bởi sự hoang phí của mình. Những người hàng xóm thì thề độc rằng ngày nào vị hoàng tử nọ cũng diễu hành trên cây thánh giá nhỏ đằng trước ba con voi trắng.

Bảo Đại không có ý muốn lao vào những chuyện kỳ quặc như thế. Ông chọn Cannes vì yêu thích thể thao, thích đi thuyền y-at, là một thú chơi riêng của vùng này. Cũng có thể có cả đánh bạc nữa. Sòng bạc Palm Beach ở chân đồi Californie mà ông có thể đi bộ đến.

Làm sao không thể mua được một dinh cơ xa xỉ lộng lẫy như thế"(1). Với ngân sách của triều đình An Nam, chắc thế! Cũng có thể là quà biếu của nhà nước bảo hộ. Sau này nước Việt Nam không đòi thu hồi cung điện ở xứ Provence này trong lúc ông ta biến tài sản của nhà nước thành sở hữu riêng. Bảo Đại đi còn phải chống "can" khi xem kỹ toà lâu đài đã mua bằng cách gửi thư nhưng rất hợp với sở thích của ông.

Cuối cùng đến tháng 4 năm 1939 ông mới về Paris trú ngụ tại ngôi nhà riêng của ông ở phố Lamballe.

Báo chí nhất là báo chí thuộc địa đã tâng bốc quá mức và vui mừng thấy ông trở lại thăm Pháp. Sau bảy năm, một giai đoạn chưa từng có trong biên niên sử An Nam đã được thực hiện nhờ có vai trò thúc đẩy của Bảo Đại, điều đó xứng đáng được thưởng(1). Báo chí còn xúc động về tin Hoàng hậu Nam Phương cũng sẽ đến Pháp "một bà hoàng trẻ và đẹp tuyệt trần". Có bình thường chăng? Không hoàn toàn như vậy khi có Nhà vua xuất hiện như một con người thiếu nghiêm túc và phù phiếm mặc dù tác giả các bài báo đó không thiếu thiện chí. Không ai ngạc nhiên thấy giữa các buổi phỏng vấn Bảo Đại thường bị ngắt quãng vì những việc chuẩn bị đột ngột cho một trận đấu quần vợt hay vì ông nghị sĩ Nam Kỳ Jean de Beaumont mới đến chỉ nói về áo tắm và bể bơi để chuẩn bị cho Hoàng đế Bảo Đại được hưởng những buổi nghỉ cuối tuần tại một lâu đài tuyệt đẹp nào đó ẩn mình trong cánh rừng dày thường gặp ở dọc con đường đẹp của nước Pháp(2).

Tại trụ sở chính phủ, như đã dự kiến, ông Georges Mandel đợi Nhà vua đến. Cuộc tiếp kiến tốt đẹp nhưng đã quá muộn đối với thời cuộc. Trong phòng làm việc của Bộ Thuộc địa phố Oudinot, tin tức về cuộc chiến tranh đang đe doạ châu Âu đã lấn át các vấn đề của nước An Nam xa xôi. Tự trị hay bảo hộ không phải là vấn đề trong chương trình nghị sự. Sau này Bảo Đại tiết lộ cuộc hội kiến đã diễn ra trong tình huống bi hài.

Như vậy trong quá trình thảo luận hai ông muốn đọc lại những điều khoản của Hiệp ước bảo hộ ký năm 1884. Thật không may, tại Bộ Thuộc địa không lấy đâu ra văn bản của bản hiệp ước tồi tệ này mà không ai biết cả(3). Mãi về sau này người ta mới tìm được trong văn khố của Bộ Ngoại giao. Cần lưu ý rằng cuộc hội kiến quan trọng này giữa một vị Hoàng đế đương trị vì với ông bộ trưởng của quốc gia bảo hộ được dự kiến trong mười lăm phút! Hơi ngắn? Chắc chắn là nó tương xứng với tẩm quan trọng của người đến xin hội kiến và ông bộ trưởng. Cuối cùng báo chí chỉ nhìn ở đó một minh chứng cho quan hệ tốt đẹp gắn bó hai nước An Nam và Pháp. Cuộc hội kiến đã kéo dài nhưng riêng việc đi tìm văn bản cái hiệp ước "khó tìm" kia còn mất nhiều thì giờ hơn nhiều.

Ông Mandel tỏ ra ít quan tâm đến văn bản hiệp ước cũ, ngược lại ông lo lắng về việc phòng thủ Đông Dương. Công trái mở năm 1938 ở thuộc địa đã bắt đầu đến hạn phải thanh toán. Một nhà máy lắp ráp máy bay đã ra đời gần Hà Nội nhưng cũng quá muộn rồi. Một phái đoàn được phái đi Washington để đặt mua và trả tiền các vũ khí Mỹ chở thẳng về Đông Dương. Nhưng những vũ khí đó chỉ sẵn sàng đưa xuống tàu sau khi ký hiệp ước đình chiến năm 1940 giữa Pháp và Đức. Các vũ khí đó vẫn ở bên ngoài Đại Tây dương(4).

Điều làm cho ông Bộ trưởng quan tâm đó là Nhật Bản đồng minh của Đức đang uy hiếp Đông Dương. Đế quốc Mặt Trời Mọc cất quân đánh Trung Quốc từ hai năm nay và nhiều xe ôtô vận tải, dụng cụ và người qua ngả Bắc Kỳ để tiếp tế cho quân đội Bắc Kinh. Người Nhật cảnh giác đề phòng và chẳng máy chốc không chịu được nữa họ hạ tối hậu thư đòi đóng cửa biên giới.

Không khí ở Paris vào mùa xuân kỳ cục ấy không thuận lợi. Tuy nhiên chương trình nghị sự cuộc đi thăm Pháp vẫn được tôn trọng. Các cuộc thảo luận chính trị như người ta thấy diễn ra nhanh chóng và ít trót lọt nhất. Còn lại nghi thức và lễ tiết ở Huế và nghi thức ở Paris. Đó là bữa tiệc ở điện Elysée do Tổng thống Albert Lebrun chủ toạ. Một lần nữa, lại long trọng, lại huy hoàng do nhà nước Cộng hoà Pháp dành riêng cho một ông vua không có quyền hành.

Sau đó Bảo Đại đi chữa trị chân. Thoạt đầu ông điều trị ở Cannes, rồi về Vichy và Aix-les-Bains. Trong mấy tuần đó, ông bắt đầu hưởng một thú vui mới mà những năm sau này ông còn tiếp tục đam mê. Lần đầu tiên ông bước chân vào sòng bạc, đặt tiền chơi và thắng ván đầu tiên cũng khá đủ tiền tậu một chiếc Citroen 6 xi-lanh, máy rất khỏe. Đây là lần đầu tiên ông bỏ tiền túi, tiền được bạc để mua sắm bởi vì trước đến nay chỉ cần Nhà vua tỏ bày ý muốn là thủ quỹ triều đình xuất tiền quỹ ra thoả mãn nguyện vọng ngay. Lần này chiếc xe này là của riêng ông khác với phần lớn tài sản khác là quà biếu hay tiền của triều đình bỏ ra.

Nhưng thời gian trôi đi và cuộc chiến tranh có nguy cơ bùng nổ đến nơi mặc dù Bảo Đại và Nam Phương đang say sưa hưởng thụ cuộc sống ở Pháp với các thú vui giao tiếp và thể thao (chủ yếu Bảo Đại học lái máy bay) thì cũng đã đến lúc phải quay về nước. Sau trận mã cầu cuối cùng ở Touquet(5), Nhà vua gấp rút chuẩn bị về nước vừa đúng lúc trước khi chiến tranh thế giới bùng nổ. Phải lên đường nhanh để khỏi bị mắc kẹt ở Paris.

Như báo chí nói, Nhà vua muốn trở về với thần dân để đem uy quyền của mình, dù chẳng được bao nhiêu, phục vụ cho nước Pháp. Báo chí tiếp tục nhắc đến trong cuộc chiến tranh thế giới 1914-1918 đã có hàng vạn thanh niên tòng chinh và hy sinh cho nước Pháp. Một tờ báo viết (6): "Mai kia sẽ có hàng vạn người An Nam chỉ một lời kêu gọi của Hoàng đế sẽ lại nô nức ra trận".

Cũng như lượt đi, lúc về bà Hoàng hậu Nam Phương lại đi tàu biển viễn dương về nước. Lần này vì tình hình căng thẳng nên bà bỏ rất nhiều cuộc thăm thú lễ tân tại nhiều nơi dừng chân như lúc đi. Cũng may là trời đã sang thu, sóng yên bể lặng không như ba tháng trước đó.

Đã sang một trang sử mới, những cuộc gặp ngắn ngủi với ông Bộ trưởng đã để lại nỗi niềm cay đắng cho Bảo Đại. Sau chuyến đi Pháp trở về, một bức thư như một nét nhạc lạc điệu trong dàn hoà âm thần phục dường như làm ông rất thích thú. Thư có đóng triện quốc huy triều đình An Nam, làm lá thư nặng thêm.

Nhà vua tự tay viết. Đây cũng là một việc hiếm thấy. Lá thư, như thông lệ bắt đầu bằng một lời tuyên thệ trung thành với "nước mẹ". "Bất luận tình thế ra sao chúng tôi sẽ luôn sát cánh với nước Pháp để bảo vệ sự sinh tồn của chúng tôi đồng thời bảo vệ lý tưởng của văn minh và công lý".

Sau đó vài dòng cho vô số lời cảm ơn, ông bày tỏ sự lo ngại về tình hình Bắc Kỳ. Theo hiệp ước bảo hộ Nhà vua không có quyền lực gì với miền Bắc. Trái lại, ở đó có quan Thống sứ thay mặt cho triều đình(7). Bảo Đại đề nghị cử một quan chức của triều đình bên cạnh Thống sứ Bắc Kỳ. Quan chức này sẽ đảm nhận việc liên lạc với triều đình trong mọi công việc liên quan đến cai trị người bản xứ, và dĩ nhiên đặt dưới quyền quan thống sứ. Một cải cách nhỏ bé chẳng có tác dụng gì lớn nhưng cũng chứng tỏ Nhà vua có một ý tưởng mơ hồ về bổn phận mình và mối quan tâm của ông không phải chỉ chuyên về chuyện đi săn hay phiêu lưu tình ái. Chỉ là chuyện nhỏ. Nhưng là do sáng kiến của riêng ông. Đi xa hơn nữa, trong một đoạn khác trong thư ông mong muốn triều đình có ngân sách tự quản. "Đối với chúng tôi đó là vấn đề thể diện sẽ có lợi về mặt tinh thẩn một cách rõ ràng"(8). Chắc hẳn đây là một cách để từ nay mọi chi tiêu cá nhân dù rất khiêm tốn của ông không còn phải phụ thuộc vào chính phủ bảo hộ.

Ông Bộ trưởng Thuộc địa vẫn là Georges Mandel, sau khi nhận bức thư của Bảo Đại, trả lời: Không... Chưa phải lúc. Sau chiến tranh sẽ tính.

Một lời từ chối thẳng thừng và dứt khoát:.. Tất cả được viết với lời lẽ thô bạo, không rào trước đón sau, rườm rà.

Tuy nhiên Nhà vua cũng chẳng phật lòng về sự khước từ đó. Ông còn gửi công hàm bày tỏ thông cảm với Bộ Thuộc địa, và xin lỗi vì đã chọn thời điểm không đúng lúc và vụ việc coi như chìm sâu trong quên lãng.

Chú thích:

(1) Les Annales coloniales (Biên niên sử thuộc địa), ngày 3 tháng 7 năm 1939.

(2) Tribune de France (Diễn đàn nước Pháp), tháng 6 năm 1939.

(3) Hỏi chuyện Jacques Sallebert, báo Combat (Chiến đấu) ra ngày 15 tháng 10 năm 1946.

(4) CAOM, Lưu trữ bộ Pháp quốc Hải ngoại. Tập 1231. Uỷ ban đình chiến Vichy ở Wiesbaden không chấp nhận việc giao hàng.

(5) Le Petit Parisien (Người bình dân Paris), ngày 31 tháng 7 năm 1939.

(6) Excelsior (Tiến lên), ngày 28 tháng 8 năm 1939.

(7) CAOM, Hồ sơ lưu trữ bộ Pháp quốc Hải ngoại.

(8) CAOM, Hồ sơ lưu trữ bộ Pháp quốc Hải ngoại.
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại