Ba Đường Luân Hồi

Quyển 2 Chương 27

Dịch Táp chờ được Đinh Ngọc Điệp ở chỗ đã hẹn trước.

Hắn cứ xoắn xuýt mãi, vừa muốn đi xem lại vừa sợ bị cuốn vào thị phi, ngồi một mình bên hồ, ra chiều khó xử, thỉnh thoảng lại lia một hòn sỏi xuống mặt nước, còn tuyên bố là mình đang suy nghĩ chuyện xuống nước.

Trong lòng Dịch Táp biết rõ như gương nhưng cũng chẳng mở lời. So với Đinh Ngọc Điệp, cô quan tâm tới Tông Hàng hơn: Kể từ lúc cô kể với hắn chuyện “hỏi bài", vẻ mặt hắn rất lạ, chân mày nhíu lại suốt, cũng chẳng biết đang băn khoăn suy nghĩ cái gì.

Lát sau, đại khái là đã nghĩ ra được chút manh mối, thần thần bí bí qua kéo cô: “Dịch Táp, cô lại đây đi, lại đây một chút."

“Chỗ này không nói được à?"

Tông Hàng chỉ chỉ Đinh Ngọc Điệp, ý bảo sợ hắn nghe thấy.

Thú vị thật, cậu thì còn có thể có bí mật gì mà phải sợ Đinh Ngọc Điệp nghe thấy?

Dịch Táp bị gợi lên hứng thú, đi theo hắn ra xa.

Tông Hàng nhặt một cục đá lên, viết ba chữ “tổ sư gia" lên đất bùn, bên dưới kẻ hàng chia nhóm, viết A, B, C.

“Thế hệ đầu tiên khóa canh vàng trong nhà cô hắn là do tổ sư gia khóa đúng không? Ông ấy không cần hỏi bài, bởi lúc ông ấy khóa, bản thân ông ấy vẫn chưa chết, không có bài vị, sau đó ông ấy để lại lịch canh vàng, nói cho mọi người biết cái gì giấu ở đâu."

“Giả dụ A là ma nước kế thừa chức vụ của ông ấy, A đi mở canh vàng thì phải hỏi bài, thỉnh tổ sư gia nhập hồn dẫn đường; A nhận đơn đặt hàng mới, muốn khóa canh vàng, lại phải hỏi bài, thỉnh tổ sư gia dẫn đường tìm địa điểm thích hợp để giấu."

Ừ đúng rồi, có vấn đề gì sao? Dịch Táp gắng nhẫn nại nghe hắn nói tiếp.

“B là ma nước kế thừa A, B đi mở canh vàng, phải hỏi bài, thỉnh A nhập hồn dẫn đường."

“C là ma nước kế thừa B, C đi mở canh vàng, lại mời B nhập hồn dẫn đường…"

Nói nói một hồi cứ như vè đọc nhịu ấy, Dịch Táp nghe mà thấy loạn: “Nói vào trọng điểm đi cái."

“Thực ra mời tới mời lui như vậy, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ có tổ sư gia chơi một mình!" Tông Hàng gắng hết sức nghĩ cách biểu đạt sao cho đơn giản dễ hiểu nhất, “Canh vàng rốt cuộc giấu ở đâu, các ma nước thế hệ sau dù từng mở từng khóa cũng vẫn hoàn toàn không biết gì hết. Họ giống như vật dẫn vậy, được kích hoạt vào một thời điểm nào đó, nhận chỉ thị mà làm việc, bản chất đều là con rối, người chơi rối chỉ có một mình tổ sư gia… Không đúng, ba vị tổ sư gia."

Tông Hàng có phần kích động, trước đây hắn cũng không phát hiện ra chỉ số IQ của mình lại cao đến vậy: Sơ hở này chẳng lẽ nhiều năm như vậy mà ba họ lại không phát hiện ra sao?

Câu trả lời của Dịch Táp lại tạt cho hắn một chậu nước lạnh ngay mặt: “Ừ đúng."

Tông Hàng sửng sốt: “Các cô biết?"

“Biết chứ, có ai ngu đâu."

“Vậy…các cô không nghi ngờ à?"

Dịch Táp đáp: “Có ba điểm, một là cách thức này được đời đời sử dụng, chúng tôi đều là người được lợi, sống rất tốt; hai là, đó là tổ sư gia, tổ sư gia mà lại đi hãm hại chính con cháu của mình sao? Ba là, nghi ngờ cái gì? Tình hình tuy đúng là kỳ lạ nhưng cũng chỉ là kỳ lạ mà thôi."

Tông Hàng lẩm bẩm: “Nếu là tôi, lúc mở canh vàng, tôi sẽ sắp xếp để một ma nước không tham gia, đợi mọi người xuống nước hết rồi, mới cho người đó đi theo phía sau, lén ghi lại tuyến đường…"

Nói đến đoạn sau, tự giác ngậm miệng lại, nhớ ra ba họ có quy định là: Lúc mở canh vàng, mọi ma nước đều phải có mặt, một người dẫn đầu, những người khác đều là rối nước, mà tám chân nước và quẫy nước thì lại không thể đạt tới được độ sâu và thời gian mà ma nước có thể lặn xuống, bởi vậy nên căn bản là không thể sắp xếp được ma nước nào theo sau ghi lại.

Tông Hàng ném cục đá đi.

Lần đầu tiên tích cực suy nghĩ muốn thể hiện lại kết thúc thê lương như vậy đấy.

Có điều vị tổ sư gia này quỷ quyệt thật, đặt ra quy định cũng rõ là quỷ quyệt. Tông Tất Thắng làm ăn có một câu dạy về việc xem người luận sự như thế này – Sự có khác thường tất có gian manh, trong ngoài bất nhất đích thị ma quỷ.

Vị tổ sư gia này đem lại một cảm giác rất khó tả.

Hắn nhịn không được hỏi: “Tổ sư gia nhà cô rốt cuộc là người thời nào?" Dù sao thì “rất lâu trước đây" cũng phải có một khoảng thời gian đại khái chớ?

Dịch Táp nghĩ một chút rồi đáp: “Không rõ, chỉ nói là trước đây rất lâu. Gia phả được ghi lại bằng văn tự bắt đầu có từ đời Hán, nhưng trước đó có thể đi ngược lên bao lâu thì trong ba họ mỗi người lại truyền một kiểu, thậm chí có người nói, sớm nhất có thể truy nguyên đến triều Hạ."

Gì cơ?

Tông Hàng từng khinh bỉ A Phạ “kém sử" là bởi dù mình học hành không ra sao nhưng môn sử thì vẫn có thể nhặt được bảy, tám điểm. Hắn nhớ giáo viên từng nhấn mạnh rằng, tuy nói đến lịch sử triều đại của Trung Quốc thường được bắt đầu từ “Hạ, Thương và và hai phân đoạn Tây Chu, Đông Chu" nhưng triều Hạ gần như không khảo cổ được bất kỳ chứng cứ xác thực nào, hơn nữa còn không có sự kiện lịch sử nào được ghi lại, chỉ được đề cập qua vài nét bút trong sách vở của người sau, song “Trúc thư kỷ niên" thời Xuân Thu Chiến Quốc hay “Sử ký" của triều Hán thì lại cách triều Hạ chân chính không biết bao nhiêu năm rồi.

Thậm chí nhiều học giả còn cho rằng triều Hạ không tồn tại, chỉ là một “thời đại thần thoại" mà đời sau hư cấu nên.

Tổ sư gia sống vào triều Hạ mà lại có thể xuất khẩu thành thơ “Chẳng phải lông vũ mà bay, Chẳng có mặt vẫn có mặt, hay chăng, Ngồi trơ cũng biết sự đời, Can qua chưa tiếp ngập trời họa bay" á? Thế thì còn là tổ tông ma nước cái gì nữa, rõ rành rành là nhà tiên tri rồi còn gì.

***

Đinh Ngọc Điệp rốt cuộc cũng có quyết định.

Hắn đã tìm được tạm đủ lý do cho mình: Thuyền chìm và canh vàng đến quá nửa là dính dáng tới nhau, so với việc mình tự mò mẫm xuống nước tìm lung tung như ruồi mất đầu thì tội gì mà không mượn cơn gió đông mở canh vàng của Khương Hiếu Quảng chứ? Hơn nữa, Khương Hiếu Quảng một mình mở canh vàng là không đúng quy định, mình thân làm ma nước, bắt gặp được rồi còn có thể coi như không phát hiện sao?

Lý do đầy đủ, khí thế cũng tăng lên, đi qua báo với Dịch Táp: “Chúng ta chờ ở đây trước, đợi đến tối họ mở canh vàng thì nghĩ cách đi theo xem sao."

Dịch Táp đồng ý.

Đinh Ngọc Điệp phẫn nộ: “Đúng hợp ý mày rồi còn gì nữa, mày còn không phải là vì cái này à? Mày rốt cuộc…"

Lại chợt đổi sắc mặt: “Đừng, đừng nói cho tao biết."

Hắn tránh xa ra chỗ khác ngồi như thể sợ Dịch Táp đuổi theo nói cho hắn biết tiền căn hậu quả lắm không bằng.

Tông Hàng cảm thấy Đinh Ngọc Điệp quái gở chết được: “Anh ấy cần gì phải như vậy, nghẹn thế không khó chịu à."

Dịch Táp đáp: “Lập trường khác nhau thôi, cậu bị kéo xuống sẵn thì đã đành rồi nhưng người đứng trên bờ có ai lại muốn ướt giày ướt tất đâu."

Nghĩ một chút lại bảo Tông Hàng: “Lần này Đinh Ngọc Điệp cũng coi như đã giúp tôi không ít việc, chúng ta phải cố gắng đừng kéo anh ấy vào. Đến tối lỡ có vấn đề gì, nếu có thể thì chắn cho anh ấy, đừng để anh ấy bị dính vào… Bản thân anh ấy cũng không muốn vậy."

Tông Hàng ra sức gật đầu.

Hắn thích cái “chúng ta" mà Dịch Táp nói.

Chúng ta, đồng bọn, hắn và Dịch Táp là đồng bọn!

***

Đinh Ngọc Điệp bỏ tiền ra thuê một thuyền cỏ đánh cá loại thường thấy nhất trên hồ.

Chủ thuyền theo dặn dò chạy thuyền tới gần thuyền công vụ, hùng hùng hổ hổ tung lưới bắt cá, tận lực thu hút sự chú ý của người trên thuyền rồi vào gần bờ đậu thuyền, phơi lưới, chắp tay sau lưng ngâm nga hát.

Tạo cảm giác thuyền đã nghỉ, nhưng kỳ thực trong bụng thuyền từ sớm đã nấp ba người một ô quỷ.

Đinh Ngọc Điệp nấp trong thuyền cỏ, hé mành ra một khe hở, cầm một cái ống nhòm nhỏ theo dõi sít sao động tĩnh trên thuyền.

Dịch Táp thì lôi túi ma nước ra, dạy Tông Hàng nhận biết các công cụ bên trong, tập cách sử dụng, còn dạy hắn thuật ma nước. Những dấu tay này nhìn thì không khó nhưng đến khi buộc phải nhớ trong khoảng thời gian ngắn thì lại rất hao tổn đầu óc, lúc Dịch Táp kiểm tra bài, hắn thường xuyên mắc lỗi. Có điều có một chiêu hẳn sẽ không quên: lòng bàn tay trái ngửa lên trên, lấy mép bàn tay phải làm dao, liên tục cắt vài nhát vào lòng bàn tay trái.

Dấu tay này có nghĩa, lúc anh mắc lỗi hoặc làm ra chuyện gì ngu xuẩn, người kia nổi cáu sẽ dùng thuật ma nước mắng anh đần, “muốn bị băm vằm ra đúng không".

Tông Hàng sai một cái là cuống hết cả lên, càng cuống càng sai nhiều, nhớ không nổi mình bị Dịch Táp dùng dấu tay “băm vằm" bao lần rồi, với tần suất này mà là một cục thịt thì đã sớm bị băm thành nhân sủi cảo lâu rồi.

Đinh Ngọc Điệp chợt nhỏ giọng báo: “Đinh Trường Thịnh tới!"

Dịch Táp cúi thấp người đi qua, cầm ống nhòm xem.

Đúng là Đinh Trường Thịnh, một nhóm bảy người, leo từ thuyền cá nhỏ sang mạn thuyền công vụ. Đinh Thích đã có mặt, nhìn như thờ ơ dửng dưng nhưng kỳ thực ánh mắt rất cảnh giác, một mực nhìn khắp bốn phía tuần tra.

Bảy người vừa lên thuyền đã vào thẳng trong khoang, không lộ diện nữa.

Dịch Táp tính sơ lược.

Hiện giờ trên thuyền công vụ có ít nhất hai mươi người.

Khương Hiếu Quảng, cộng thêm Khương Tuấn, hơn nữa còn có Dịch Tiêu hành tung bất định, ba ma nước, đều là hạng từng trải.

Lỡ đụng độ chính diện, cũng không mấy lạc quan.

Dịch Táp nói: “Thế này đi, thông thường canh vàng đều là gần nửa đêm mới mở, nhưng họ nhất định sẽ tới vùng nước đã định thả neo chuẩn trước, chờ họ dừng thuyền rồi, chúng ta sẽ đi qua, cắm sào đợi nước đi."

***

Quả nhiên, màn đêm buông xuống, thuyền công vụ lập tức chạy vào hồ.

Mười lăm phút sau, ba người xuống nước. Lần này đoán chừng không dùng đến ô quỷ nên tạm thả tự do trước, có sự tình gì có thể huýt sáo gọi nó.

Họ gần như không một tiếng động đi tới nơi dừng thuyền.

Tiếng mô-tơ điện không nhỏ, ông ông, vùng nước quanh người dường như cũng loáng thoáng rung động. Ba người lặn xuống từ vị trí tương ứng với mũi thuyền, thẳng đến khi chạm tới lớp bùn đáy hồ, sau đó mỗi người đào một cái ổ, chui vào, nằm ngửa, chỉ chừa mũi và hai mắt kín đáo lộ ra.

Tầm mắt quá ngắn, Tông Hàng hầu như không thấy được cái gì, chỉ cảm thấy như đang đắp chăn nhưng không ấm, bùn và nước hồ đều lạnh cả.

Khoảng thời gian chờ đợi rất dài, suýt thì hắn ngủ mất, mãi đến khi trên cao chợt lóe lên tia sáng.

Hắn mở mắt ra xem, ánh sách cách nơi này hơi xa, liên tiếp lóe lên, nổ tung vòng vòng. Dịch Táp từng nói với hắn đây là nghi thức mở màn của mở canh vàng, đốt rất nhiều pháo ném vào nước, ngụ ý “xua đuổi tà vật".

Tuy âm thanh truyền trong nước nhanh hơn so với trong không khí, nhưng do môi trường truyền dẫn, cộng thêm đáy hồ quá sâu, gần như không nghe được tiếng, chỉ cảm thấy trước mắt loe lóe ánh sáng, nhìn hơi giống đốm sao.

Rất nhanh sau đó, có ba bóng đen to lớn rơi xuống, hình thù quái dị, đây gọi là “tam sinh mở đường", chính là thủ lợn, thủ dê, thủ bò từng được đề cập trước đó. Vì để chúng đủ trọng lượng chìm được tới đáy, người ta nhét chì vào miệng chúng xong để hé, mắt không được đóng, khóe mắt dùng dây kẽm chống mở, trong mắt có lẽ là bôi dạ quang, lập lòe phát sáng.

Cái thủ lớn nhất là thủ trâu, sừng rất cong, chìm xuống đúng phía Tông Hàng. Ban đầu hắn còn lo sẽ bị đập phải, cũng may chỉ là lo vậy thôi, thủ trâu rơi xuống một chỗ khá gần hắn, chỉ là cặp mắt kia cứ như đang trừng hắn vậy, khiến hắn rờn rợn trong lòng.

Sau đó nữa, có vài đường sáng lốm đốm rũ xuống.

Tông Hàng nhìn không chớp mắt.

Đây gọi là thang trời lối nước.

Thời cổ đại ở Trung Quốc không có kỹ thuật chiếu sáng dưới nước, ba họ đã nghĩ ra một cách, lấy bàng quang dê rửa sạch rồi dùng nitrat bóp nhiều lần cho đến khi mềm mỏng trong, tiếp đó bỏ một lượng lớn đom đóm vào rồi dùng dây buộc túm miệng lại, có thể làm “đèn đom đóm" dưới nước. Hơn nữa cá bẩm sinh đã có tính hướng sáng, chiêu này bắt cá rất hiệu quả, còn gọi là “đom đóm tụ cá".

Nhưng áp lực dưới nước rất lớn, bàng quang dê không thể chịu được, bởi vậy nên ở những chỗ sâu hơn chỉ có thể dùng dạ minh châu, nói thẳng ra là đá huỳnh quang, đá dạ quang thu thập được khắp tứ xứ, gọt giũa thành hình viên ngọc, lấy một sợi thừng dài cứ cách một thước lại treo một viên, một đầu thừng buộc chì, bình thường cất trong túi da chắn sáng, chuyên dùng trong các nghi thức quan trọng, mỗi sợi thừng là một lối thang trời.

Bên trên lục tục thả thang trời, Tông Hàng nhẩm đếm, tổng cộng chín cái, lơ lửng phất phơ, vừa vặn tạp thành một hình tròn, tựa như một chùm sáng lớn lấp lánh dựng giữa hồ, kỳ dị mà lộng lẫy vô cùng.

***

Dịch Táp cũng đang nhìn thang trời.

Những bước này lúc huấn luyện ma nước cô đã từng nghe đến, thuộc lòng từng cái trên đầu lưỡi, nhưng rốt cuộc tận mắt chứng kiến vẫn có sự khác biệt, huống hồ còn kính trọng như vậy.

Tiếp đó hẳn là đến “ma nước hỏi bài", nghe nói tất cả ma nước đều phải “nửa xếp bằng", dẫn đầu đi trước, những người khác theo sau, từ từ chìm xuống đáy hồ.

Xem từ góc độ này giống như thần tiên giáng thế vậy, có điều nếu muốn hoành tráng thì phải người đông thế mạnh, lần hỏi bài này ước chừng chỉ có hai người Khương Tuấn và Khương Hiếu Quảng.

Có bóng đen chậm rãi chìm xuống.

Dịch Táp dần nhíu mày: Chỉ có một người?

Cô kiên nhẫn chờ, chăm chú nhìn kỹ, nhịp tim từ từ tăng tốc.

Quả thực chỉ có một người.

Người xuống vậy mà lại là Khương Tuấn, nhìn trong hình cơ thể tướng mạo đã khiếp người lắm rồi, giờ nhìn người thật trong nước cô càng không nhịn được rùng mình: Y cởi trần, bên dưới chỉ mặc một cái quần soóc đi lặn, cơ thể quắt queo làm nổi bật cái đầu to lớn, mất cân đối, dưới ánh sáng của thang trời, làn da trắng bệch ánh lên màu xanh u tối, hai tay bưng ngang bài vị ông tổ họ Khương, trán cúi xuống đặt ngang với cạnh trên của bài vị.

Nhìn cẩn thận hơn, quanh eo y quấn một vòng xích sắt, giống như xích chó vậy, đầu xích kéo dài ra xa.

Đây là…

Dịch Táp gắng sức dọc theo sợi xích nhìn lên trên.

Còn có một người nắm đầu còn lại của sợi xích, cách vòng tròn thang trời một khoảng, có vẻ như là cố ý tách ra, trong tay cầm máy quay dưới nước.

Dịch Táp lập tức hiểu ra.

Đó là Khương Hiếu Quảng!

Bản thân ông ta không tham dự, ông ta đang lợi dụng Khương Tuấn để mở canh vàng, ông ta cầm máy quay là muốn quay lại tuyến đường sau khi Khương Tuấn thỉnh được tổ sư gia nhập hồn?

Cô nhớ tới lời Tông Hàng nói ban sáng…

“Nếu là tôi, lúc mở canh vàng, tôi sẽ sắp xếp để một ma nước không tham gia, đợi mọi người xuống nước hết rồi, mới cho người đó đi theo phía sau, lén ghi lại tuyến đường…"

Được sao?

Cô còn chưa kịp nghĩ kĩ, dòng chảy đột nhiên chấn động như có sóng từ lực mạnh mẽ xoay vòng bức xạ ra ngoài, cùng lúc đó, Đinh Ngọc Điệp cách cô không chợt bật dậy khỏi bùn như bị ai nhổ mạnh lên, nước bùn nơi náu mình bám lên theo như mây đen bốc lên.

Dịch Táp còn tưởng hắn không nín được nữa nhưng đến khi nhìn kỹ lại, trong đầu lập tức nổ tung.

Cô thấy rõ, Đinh Ngọc Điệp như một con rối bị giật dây, mặt không biểu cảm, tứ chi cứng ngắc, tựa như vụn sắt bị nam châm hút, chậm rãi di chuyển về phía Khương Tuấn ở bên trong thang trời lối nước.

Cảnh tượng này quá mức đáng sợ, trong đầu Dịch Táp thình thịch, cũng không quan tâm đến chuyện gì khác nữa, dùng cả tay cả chân bò thoát ra khỏi chỗ ẩn thân.

Nhưng vẫn chưa hết, cô trông thấy máy chìm xuống dưới đáy hồ, Khương Hiếu Quảng vẻ mặt đờ đẫn, cũng từ từ trôi về phía Khương Tuấn.

Tông Hàng cũng bò ra ngoài, vụng về bơi tới cạnh cô, nhìn loạn khắp nơi, chân tay hơi luống cuống, sau đó nắm lấy cánh tay cô, vẻ mặt hết sức kích động, giơ tay chỉ chếch lên trên.

Còn có một người khác cũng trôi dọc qua.

Là một người phụ nữ, ngoại hình xấu xí, tóc xõa ra như cỏ.

Đó là chị cô ư? Chẳng giống trong trí nhớ một chút nào.

Dịch Táp nhìn chị từ từ trôi qua đỉnh đầu mình, dạt về phía Khương Tuấn bên trong thang trời.

Hóa ra chuyến mở canh vàng này lại có nhiều người hoài tư tâm đến vậy, nhưng bọ ngựa bắt ve sầu, se sẻ ở đằng sau, đều tưởng rằng mình là se sẻ nhưng thực chất đều chỉ là ve sầu hoặc bọ ngựa, không thể thoát khỏi chùm dây của tổ sư gia.

Chỉ có hai ngoại lệ.

Dịch Táp nhìn về phía Tông Hàng.

Giờ khắc này, rốt cuộc cô cũng đã xác nhận được một điều.

Cô không phải ma nước. Nếu là ma nước, cô đã bị trúng chiêu cùng Đinh Ngọc Điệp rồi: Cô và Tông Hàng giống nhau, là ngoài ý muốn.
Tác giả : Vĩ Ngư
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại