Anna Karenina
Quyển 7 - Chương 19
Stepan Ackađich sắp bước ra thì Kornây báo:
- Xergei Alecxeiêvich!
"Xergei Alecxeiêvich là ai vậy?", Stepan Ackađich toan hỏi, nhưng lập tức nhớ ra.
- À! Xerioja! - ông nói. "Xergei Alecxeiêvich(1), mình đã tưởng là ông chánh văn phòng nào. Anna cũng yêu cầu mình gặp cháu", ông nghĩ thầm.
Và ông nhớ lại vẻ rụt rè, buồn bã của Anna khi dặn mình: "Thể nào anh cũng gặp cháu đấy. Anh thử xem cháu nó đang làm gì, ai chăm nom nó. Và anh Xtiva ạ… nếu có thể! Theo anh, liệu có thể được không?… Stepan Ackađich hiểu câu đó nghĩa là thế nào: nếu vừa li hôn, vừa giữ được đứa bé… Bây giờ, Stepan Ackađich thấy thậm chí đừng nên nghĩ đến điều đó nữa, nhưng dù sao ông cũng hài lòng được gặp cháu.
Alecxei Alecxandrovich nhắc anh vợ là mọi người không bao giờ nói với con ông về Anna và yêu cầu đừng đả động gì về người thiếu phụ nọ.
- Sau lần gặp mẹ, mà chúng tôi không ngừa trước, cháu ốm rất nặng, - Alecxei Alecxandrovich nói. - Thậm chí, đã tưởng cháu không qua khỏi. Nhưng nhờ chạy chữa tốt và mùa hè này đi tắm biển, nên sức khoẻ cháu đã bình phục. Bây giờ, theo lời thầy thuốc khuyên, tôi đã cho cháu đi học. Quả nhiên, có bạn có bè, ảnh hưởng rất tốt: cháu khoẻ hẳn và học khá lắm!
- Cháu đúng là người lớn rồi! Tôi đã hiểu tại sao không gọi cháu là Xerioja nữa! - Stepan Ackađich mỉm cười nói khi thấy một chú bé khôi ngôi, cứng cáp mặc áo vét xanh và quần ống chùng, đĩnh đạc bước vào. Nom chú vui tươi và khoẻ mạnh. Chú cúi chào bác như chào khách lạ nhưng khi nhận ra, chú đỏ mặt và vộiquay đi, vẻ phật ý và tức tối. Rồi chú lại gần bố, đưa cho xem điểm bài vở ở trường.
- Được, khá đấy, - bố bảo chú. - Con có thể đi chơi được.
- Nó gầy đi và lớn hẳn. Không phải con nít nữa mà là thiếu niên rồi. Bác rất mừng, - Stepan Ackađich nói. - Cháu còn nhớ bác không? Chú bé quay phắt lại nhìn bố.
- Thưa bác có ạ, - chú nhìn Oblonxki trả lời và lại cúi mặt xuống.
Stepan Ackađich gọi cháu lại cạnh mình và cầm lấy tay nó.
- Thế nào, cháu ra sao rồi? - ông hỏi, muốn gợi chuyện nhưng không biết nói gì.
Đứa bé đỏ mặt và không trả lời. Nó tìm cách gỡ tay ra. Ông bác vừa buông ra, nó liền đưa mắt dò hỏi bố và chạy đi, như con chim được thả tự do.
Một năm đã trôi qua từ khi Xerioja gặp mẹ lần cuối. Từ đó, nó không bao giờ nghe nói đến mẹ nữa. Rồi nó đi học, làm quen với những đứa bé cùng lứa tuổi, thân với chúng. Những mơ ước và kỉ niệm khiến nó lâm bệnh sau lần mẹ đến thăm, không còn ám ảnh nó nữa. Khi những mơ ước và kỉ niệm đó trở lại, nó thận trọng xua đi, coi là đáng xấu hổ, chỉ xứng với bọn con gái chứ không hơp với một thiếu sinh. Nó biết một sự xung đột đã chia rẽ bố mẹ, nó phải ở lại với bố và cố làm quen với ý nghĩ đó.
Nó thấy khổ tâm phải gặp lại ông bác rất giống mẹ, vì việc đó lại đánh thức dậy trong lòng nó những kỉ niệm mà nó cho là đáng xấu hổ. Càng khổ tâm hơn vì, qua vài câu lọt vào tai khi đứng chờ ở cửa buồng giấy và nhất là qua vẻ mặt bố và bác, nó chắc hai người đã nói đến mẹ nó. Và để khỏi phải chê trách ông bố mà nó phải chung sống và chịu phụ thuộc, và nhất là khỏi nhượng bộ thói đa cảm mà nó cho là mất thể diện, Xerioja cố tránh nhìn cái ông bác đã đến phá rối sự yên tĩnh của mình, tránh nghĩ đến những cái ông gợi lại trong trí nhớ.
Nhưng khi Stepan Ackađich từ biệt ông em rể, gặp nó ở cầu thang và hỏi nó thường chơi gì trong giờ nghỉ, bấy giờ, ở xa bố, Xerioja tỏ ra lém lỉnh hơn.
- Lúc ấy, chúng cháu chơi tàu hoả, - nó nói với bác. - Như thế này, bác hiểu không: hai đứa ngồi trên chiếc ghế dài. Đó là hành khách. Một đứa đứng lên đó và tất cả bám vào. Chúng cháu kéo qua các phòng bằng tay hoặc bằng thắt lưng. Chúng cháu mở tất cả cửa từ trước, nhưng làm lái tàu khó lắm!
- Người đứng ấy à? - Stepan Ackađich mỉm cười hỏi.
- Vâng, phải can đảm và khéo léo, nhất là khi có đứa khác bất thình lình dừng lại hay có đứa ngã.
- Ừ, không phải chuyện bỡn, - Stepan Ackađich vừa nói vừa buồn bã nhìn đôi mắt linh lợi giống hệt mắt mẹ và đã mất một phần vẻ ngây thơ con trẻ. Và mặc dầu đã hứa với Alecxei Alecxandrovich là không nhắc đến Anna, ông vẫn không nén được.
- Cháu có nhớ mẹ cháu không? - ông đột nhiên hỏi.
- Không, - Xerioja vội trả lời. Mặt nó đỏ tía lên và mắt cụp xuống. Và lần này, ông bác không moi được điều gì nữa. Nửa giờ sau, khi ông gia sư người Xerbi gặp cậu học trò ở cầu thang, ông không hiểu nó khóc hay dỗi.
- Chắc chú ngã đau phải không? - ông hỏi. - Tôi đã bảo đó là một trò chơi nguy hiểm mà. Tôi phải nói với ông hiệu trưởng mới được.
- Nếu em tự làm mình đau thì đừng hòng ai nhận thấy được, thật đấy.
- Vậy chú làm sao thế?
- Để mặc em… Mình nhớ hay không nhớ thì việc gì đến bác ấy? Tại sao mình lại phải nhớ? Mặc xác tôi! - nó nhắc lại, lần này như nói với tất cả thế gian.
Chú thích:
(1) Tức là Xergei, con ông Alecxei. Cách gọi cả tên bố này thường chỉ dùng với người lớn để tỏ lòng kính trọng.
- Xergei Alecxeiêvich!
"Xergei Alecxeiêvich là ai vậy?", Stepan Ackađich toan hỏi, nhưng lập tức nhớ ra.
- À! Xerioja! - ông nói. "Xergei Alecxeiêvich(1), mình đã tưởng là ông chánh văn phòng nào. Anna cũng yêu cầu mình gặp cháu", ông nghĩ thầm.
Và ông nhớ lại vẻ rụt rè, buồn bã của Anna khi dặn mình: "Thể nào anh cũng gặp cháu đấy. Anh thử xem cháu nó đang làm gì, ai chăm nom nó. Và anh Xtiva ạ… nếu có thể! Theo anh, liệu có thể được không?… Stepan Ackađich hiểu câu đó nghĩa là thế nào: nếu vừa li hôn, vừa giữ được đứa bé… Bây giờ, Stepan Ackađich thấy thậm chí đừng nên nghĩ đến điều đó nữa, nhưng dù sao ông cũng hài lòng được gặp cháu.
Alecxei Alecxandrovich nhắc anh vợ là mọi người không bao giờ nói với con ông về Anna và yêu cầu đừng đả động gì về người thiếu phụ nọ.
- Sau lần gặp mẹ, mà chúng tôi không ngừa trước, cháu ốm rất nặng, - Alecxei Alecxandrovich nói. - Thậm chí, đã tưởng cháu không qua khỏi. Nhưng nhờ chạy chữa tốt và mùa hè này đi tắm biển, nên sức khoẻ cháu đã bình phục. Bây giờ, theo lời thầy thuốc khuyên, tôi đã cho cháu đi học. Quả nhiên, có bạn có bè, ảnh hưởng rất tốt: cháu khoẻ hẳn và học khá lắm!
- Cháu đúng là người lớn rồi! Tôi đã hiểu tại sao không gọi cháu là Xerioja nữa! - Stepan Ackađich mỉm cười nói khi thấy một chú bé khôi ngôi, cứng cáp mặc áo vét xanh và quần ống chùng, đĩnh đạc bước vào. Nom chú vui tươi và khoẻ mạnh. Chú cúi chào bác như chào khách lạ nhưng khi nhận ra, chú đỏ mặt và vộiquay đi, vẻ phật ý và tức tối. Rồi chú lại gần bố, đưa cho xem điểm bài vở ở trường.
- Được, khá đấy, - bố bảo chú. - Con có thể đi chơi được.
- Nó gầy đi và lớn hẳn. Không phải con nít nữa mà là thiếu niên rồi. Bác rất mừng, - Stepan Ackađich nói. - Cháu còn nhớ bác không? Chú bé quay phắt lại nhìn bố.
- Thưa bác có ạ, - chú nhìn Oblonxki trả lời và lại cúi mặt xuống.
Stepan Ackađich gọi cháu lại cạnh mình và cầm lấy tay nó.
- Thế nào, cháu ra sao rồi? - ông hỏi, muốn gợi chuyện nhưng không biết nói gì.
Đứa bé đỏ mặt và không trả lời. Nó tìm cách gỡ tay ra. Ông bác vừa buông ra, nó liền đưa mắt dò hỏi bố và chạy đi, như con chim được thả tự do.
Một năm đã trôi qua từ khi Xerioja gặp mẹ lần cuối. Từ đó, nó không bao giờ nghe nói đến mẹ nữa. Rồi nó đi học, làm quen với những đứa bé cùng lứa tuổi, thân với chúng. Những mơ ước và kỉ niệm khiến nó lâm bệnh sau lần mẹ đến thăm, không còn ám ảnh nó nữa. Khi những mơ ước và kỉ niệm đó trở lại, nó thận trọng xua đi, coi là đáng xấu hổ, chỉ xứng với bọn con gái chứ không hơp với một thiếu sinh. Nó biết một sự xung đột đã chia rẽ bố mẹ, nó phải ở lại với bố và cố làm quen với ý nghĩ đó.
Nó thấy khổ tâm phải gặp lại ông bác rất giống mẹ, vì việc đó lại đánh thức dậy trong lòng nó những kỉ niệm mà nó cho là đáng xấu hổ. Càng khổ tâm hơn vì, qua vài câu lọt vào tai khi đứng chờ ở cửa buồng giấy và nhất là qua vẻ mặt bố và bác, nó chắc hai người đã nói đến mẹ nó. Và để khỏi phải chê trách ông bố mà nó phải chung sống và chịu phụ thuộc, và nhất là khỏi nhượng bộ thói đa cảm mà nó cho là mất thể diện, Xerioja cố tránh nhìn cái ông bác đã đến phá rối sự yên tĩnh của mình, tránh nghĩ đến những cái ông gợi lại trong trí nhớ.
Nhưng khi Stepan Ackađich từ biệt ông em rể, gặp nó ở cầu thang và hỏi nó thường chơi gì trong giờ nghỉ, bấy giờ, ở xa bố, Xerioja tỏ ra lém lỉnh hơn.
- Lúc ấy, chúng cháu chơi tàu hoả, - nó nói với bác. - Như thế này, bác hiểu không: hai đứa ngồi trên chiếc ghế dài. Đó là hành khách. Một đứa đứng lên đó và tất cả bám vào. Chúng cháu kéo qua các phòng bằng tay hoặc bằng thắt lưng. Chúng cháu mở tất cả cửa từ trước, nhưng làm lái tàu khó lắm!
- Người đứng ấy à? - Stepan Ackađich mỉm cười hỏi.
- Vâng, phải can đảm và khéo léo, nhất là khi có đứa khác bất thình lình dừng lại hay có đứa ngã.
- Ừ, không phải chuyện bỡn, - Stepan Ackađich vừa nói vừa buồn bã nhìn đôi mắt linh lợi giống hệt mắt mẹ và đã mất một phần vẻ ngây thơ con trẻ. Và mặc dầu đã hứa với Alecxei Alecxandrovich là không nhắc đến Anna, ông vẫn không nén được.
- Cháu có nhớ mẹ cháu không? - ông đột nhiên hỏi.
- Không, - Xerioja vội trả lời. Mặt nó đỏ tía lên và mắt cụp xuống. Và lần này, ông bác không moi được điều gì nữa. Nửa giờ sau, khi ông gia sư người Xerbi gặp cậu học trò ở cầu thang, ông không hiểu nó khóc hay dỗi.
- Chắc chú ngã đau phải không? - ông hỏi. - Tôi đã bảo đó là một trò chơi nguy hiểm mà. Tôi phải nói với ông hiệu trưởng mới được.
- Nếu em tự làm mình đau thì đừng hòng ai nhận thấy được, thật đấy.
- Vậy chú làm sao thế?
- Để mặc em… Mình nhớ hay không nhớ thì việc gì đến bác ấy? Tại sao mình lại phải nhớ? Mặc xác tôi! - nó nhắc lại, lần này như nói với tất cả thế gian.
Chú thích:
(1) Tức là Xergei, con ông Alecxei. Cách gọi cả tên bố này thường chỉ dùng với người lớn để tỏ lòng kính trọng.
Tác giả :
Leo Tolstoy