Anna Karenina

Quyển 4 - Chương 10

Petxov vốn ưa bàn vấn đề gì thì phải bàn đến nơi đến chốn và ông càng không thoả mãn về kết luận của Xergei Ivanovitr vì thấy quan điểm của mình có phần đuối lý.

- Khi nói đến mật độ dân số, tôi không bao giờ hiểu vỏn vẹn có thế mà phải kết hợp với cơ sở chứ không phải trên nguyên tắc, - ông quay về phía Alecxei Alecxandrovitr nói, sau khi ăn món xúp rau.

- Tôi thấy tất cả những cái đó chỉ là một thôi; - Alecxei Alecxandrovitr chậm rãi đáp. - Theo ý tôi, một dân tộc chỉ tác động được đến một dân tộc khác, khi có nền văn minh tiên tiến hơn, khi...

- Vấn đề chính là ở chỗ đó, - Petxov ngắt lời, giọng trầm trầm (ông bao giờ cũng nói hấp tấp và lúc đó như dốc hết tâm trí vào lời nói), - thế nào là văn minh tiên tiến hơn? Giữa người Anh, người Pháp, người Đức, người nào ở một trình độ văn minh tiên tiến hơn? Ai sẽ đồng hóa ai? Sông Ranh đã trở thành của nước Pháp, nhưng người Đức không vì thế mà thấp kém đi, - ông ta cất cao giọng. - ở đây, có quy luật khác.

- Tôi nghĩ cán cân bao giờ cũng nghiêng về phía nền văn hóa chân chính, - Alecxei Alecxandrovitr cau mày nói.

- Nhưng thế nào là dấu hiệu của nền văn hóa chân chính? - Petxov nói.

- Tôi thấy hình như điều đó mọi người đều biết cả rồi, - Alecxei Alecxandrovitr nói.

- Liệu mọi người có biết rõ điều đó đến thế không? - Xergei Ivanovitr xen vào với một nụ cười ranh mãnh. - Hiện nay người ta thừa nhận nền văn hóa đó dựa trên giáo dục kinh điển, tuy nhiên, chúng ta vẫn dự nhiều cuộc tranh luận gắt gao về vấn đề này và không thể phủ nhận phe đối lập đã sử dụng những lý lẽ rất vững vàng.

- Ông đứng về phe cổ điển ư, Xergei Ivanovitr? Mời ông xơi rượu Buorgonh nhé! - Xtepan Arcaditr nói.

- Đây, tôi không phát biểu ý kiến cá nhân, - Xergei Ivanovitr cười độ lượng, như đang nói với một đứa trẻ và chìa cốc của mình ra; - tôi chỉ nói mỗi bên đều có lý lẽ sắc bén, - ông nói tiếp với Alecxei Alecxandrovitr. - Tôi vốn là cổ điển do học vấn của tôi, nhưng trong cuộc tranh luận này, tôi không thể có quan điểm dứt khoát. Tôi không hiểu tại sao người ta lại dành ưu tiên cho giáo dục kinh điển hơn là giáo dục kỹ thuật.

- Khoa học tự nhiên cũng giúp cho trí tuệ con người phát triển không kém, - Petxov đáp lại. - Các ông hãy coi thử khoa thiên văn học, thực vật học, động vật học với hệ thống quy luật tổng quát của nó xem.

- Tôi không thể hoàn toàn đồng ý như thế được, - Alecxei Alecxandrovitr trả lời. - Tôi thấy người ta không thể chối cãi rằng ngay việc nghiên cứu những ngôn ngữ cổ xưa cũng có tác dụng lành mạnh đối với sự phát triển trí tuệ. Ngoài ra, ảnh hưởng của các nhà văn cổ điển có giá trị tột độ về mặt tinh thần, trong khi đó, khốn thay, người ta cứ gắn vao việc giáo dục khoa học tự nhiên những học thuyết nguy hại và dối trá, nó là tai họa cho thời đại chúng ta.

Xergei Ivanovitr định đáp lại nhưng Petxov đã ngắt lời bằng cái giọng trầm của mình. Ông hăng hái chứng minh lời quyết đoán như vậy là bất công. Xergei Ivanovitr bình tĩnh chờ lượt mình: rõ ràng ông đã chuẩn bị sẵn câu phản đối.

- Thế nhưng, - Xergei Ivanovitr quay về phía Carenin nói với một nụ cười ranh mãnh, - ngài phải thừa nhận thật khó lòng cân nhắc đầy đủ tất cả cái lợi, cái hại của mỗi cách đào tạo. Vấn đề phân biệt hơn thua hẳn sẽ không thể giải quyết dứt khoát nếu giáo dục kinh điển không có cái lợi là... ta hãy nói trắng ra 1; là chống chủ nghĩa hư vô.

- Đúng thế.

- Nếu không có cái lợi đó, chắc ta sẽ suy nghĩ kỹ hơn, ta sẽ cân nhắc hơn thiệt và để cho cả hai khuynh hướng đua nở. Nhưng bây giờ, ta biết những viên thuốc văn hóa kinh điển ấy có chứa đựng đức tính cứu tinh là chống chủ nghĩa hư vô và ta mạnh dạn kê đơn ấy cho những con bệnh của ta... Thế nhỡ nó không hề có khả năng chữa lành bệnh thì sao? - ông kết luận bằng một câu bông lơn quen thuộc của mình.

Câu nói làm mọi người cười rộ, nhất là Turôpxưn đang ngóng đợi mãi một câu khôi hài làm cho cuộc tranh luận vui nhộn lên.

Xtepan Arcaditr quả không lầm khi mời Petxov. Có ông ta, câu chuyện không lúc nào ỉu đi. Xergei Ivanovitr vừa kết thúc cuộc bàn cãi bằng câu đùa thì Petxov đã lao ngay sang đầu đề khác.

- Thậm chí, cũng không thể cả quyết rằng chính phủ tự đề ra mục đích đó, - ông nói. - Rõ ràng chính phủ đã làm theo những nhận định khái quát và không đếm xỉa đến những ảnh hưởng do những biện pháp đã thi hành có thể gây nên. Chẳng hạn, vấn đề giáo dục phụ nữ đáng lẽ phải coi như chuyện phá hoại, vậy mà chính phủ lại đi mở lớp và trường Đại học cho phụ nữ.

Lập tức câu chuyện lại xoay quanh vấn đề mới này.

Alecxei Alecxandrovitr phát biểu ý kiến là người ta thường lẫn lộn vấn đề giáo dục phụ nữ với vấn đề giải phóng phụ nữ và chỉ có nhận định theo ý nghĩa đó, mới có thể coi nói là nguy hại.

- Trái lại, tôi cho rằng hai vấn đề đó gắn liền với nhau, - Petxov nói, đó là cái vòng luẩn quẩn. Người phụ nữ bị mất hết quyền lợi vì không có học thức đầy đủ và sự thiếu học đó xuất phát từ chỗ không có quyền lợi. Không nên quên rằng sự nô dịch đàn bà thật là toàn diện và lâu đời đến nỗi, nhiều lúc, ta thường ưng nhắm mắt làm ngơ trước cái vực thẳm ngăn cách họ với chúng ta, - ông nói.

- Ông nói đến quyền lợi, - Xergei Ivanovitr đợi Petxov im lặng rồi mới nói: - có phải đó là quyền đảm nhiệm chức trách bồi thẩm, ủy viên hội đồng thành phố, chánh án, nhân viên văn phòng, nghị sĩ chăng?

- Tất nhiên.

- Nhưng nếu cá biệt, có những phụ nữ giữ những trọng trách đó, tôi thấy ông dùng lầm cái tiếng "quyền lợi" rồi đó. Đúng ra thì phải nói là: nghĩa vụ. Tất cả các ngài hẳn sẽ đồng ý là khi đảm nhiệm chức trách nào đó, dù là chức trách bồi thẩm, ủy viên hội đồng hay nhân viên bưu điện, người ta đều có ý thức là mình đang nói người phụ nữ đi tìm nghĩa vụ: cái đó hoàn toàn hợp pháp. Ta chỉ có thể có một thái độ: tỏ thiện cảm với lòng mong muốn cộng tác với công việc của nam giới ấy.

- Hoàn toàn đúng, - Alecxei Alecxandrovitr tán thành. - Tôi nghĩ vấn đề rút lại là tìm hiểu xem họ có khả năng làm tròn những nghĩa vụ đó không.

- Nhất định là họ có thừa khả năng, - Xergei Ivanovitr nói xen vào, - khi việc giáo dục được mở rộng trong phụ nữ. Ta thấy đó...

- Còn câu tục ngữ thì sao? - lão quận công từ nãy vẫn lắng nghe, đôi mắt nhỏ long lanh giễu cợt, lúc này mới nói. - Tôi có thể đọc câu đó trước mặt các con gái tôi: "Đàn bà có mớ tóc dài..." 2.

- Người ta cũng nghĩ về người da đen như vậy trước khi giải phóng họ, - Petxov nói, vẻ không bằng lòng.

- Có điều tôi thấy kỳ lạ là phụ nữ cứ đi chuốc lấy trách nhiệm mới, - Xergei Ivanovitr nói, - trong khi, khốn thay, ta thấy đàn ông lại thường hay trốn tránh.

- Những nghĩa vụ đó gắn liền với quyền lợi: uy quyền, tiền tài, danh vọng: chính đó mới là cái người phụ nữ tìm kiếm, - Petxov nói.

- Khác nào tôi đòi được quyền làm vú nuôi và bất bình khi thấy những phụ nữ khác được thuê làm việc đó còn mình thì bị loại, - lão quận công nói.

Turôpxưn phá lên cười giòn tan và Xergei Ivanovitr thì tiếc mình không phải là tác giả câu nói đùa ấy. Cả Alecxei Alecxandrovitr cũng phải mỉm cười.

- Đúng, nhưng một người đàn ông không thể cho trẻ bú được. - Petxov nói, còn đàn bà...

- Có chứ, người ta kể rằng trên một chuyến tàu thuỷ, có một gã người Anh nuôi con thơ đấy, - lão quận công nói, tự cho phép mình ăn nói phóng túng đôi chút trước mặt các con gái.

- Có bao nhiêu đàn ông người Anh làm vú nuôi thì có bấy nhiêu đàn bà làm quan, - lần này là Xergei Ivanovitr nói.

- Nhưng một cô gái không có gia đình thì có thể làm gì được? - Xtepan Arcaditr xen vào, nghĩ tới nàng Tsibixôva mà ông không chút nào không nhớ tới trong khi ủng hộ ý kiến của Petxov.

- Nếu anh quan sát cẩn thận cuộc đời một cô gái thuộc loại ấy, anh sẽ thấy cô ta đã từng bỏ một gia đình, gia đình cô ta hoặc gia đình chị gái, ở đó đáng lẽ cô ta có thể giữ vai trò đàn bà của mình được, - Daria Alecxandrovna bất thần nói xen vào một cách bực tức.

Hẳn bà đã đoán Xtêpan đang nghĩ đến loại thiếu nữ nào.

- Nhưng chúng tôi bảo vệ một nguyên lý, một lý tưởng kia mà! - Petxov nói tiếp, giọng sang sảng. - Người phụ nữ muốn có quyền được độc lập và có học. Họ bị ràng buộc, xót xa ê chề vì biết mình bất lực.

- Tôi thì tôi lấy làm xót xa ê chề vì không được nhận làm vú nuôi ở dục anh đường, - lão quận công nhắc lại, làm Turôpxưn thích quá, đánh rơi cả đầu mẩu to măng tây xuống đĩa nước mắm.

--- ------ ------ ------ -------

1 Disons le mot (tiếng Pháp trong nguyên bản).

2 Câu tục ngữ Nga đó là: "Đàn bà có mớ tóc dài nhưng đầu óc ngắn"
Tác giả : Leo Tolstoy
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại