Anna Karenina
Quyển 3 - Chương 1
Xergei Ivanovitr Coznusev quyết định tạm nghỉ công việc trí óc; nhưng đáng lẽ ra nước ngoài như thường lệ, thì đến cuối tháng năm ông lại tới nhà Levin. Theo ý ông, không gì tốt bằng sống ở nông thôn.
Ông đến nhà em trai để hưởng thụ cuộc sống đó. Conxtantin Levin càng lấy đó làm vui thích vì hè năm đó, chàng không còn hy vọng ông anh Nicolai đến nữa. Nhưng, mặc dầu quý trọng Xergei Ivanovitr, Conxtantin Levin vẫn không thoải mái khi có mặt ông ở Pocrovxcoie.
Chàng khó chịu, thậm chí còn khổ tâm, về cái cách ông ta hiểu nông thôn. Đối với Conxtantin Levin, nông thôn chính là sân khấu của cuộc đời chàng, nghĩa là của những vui sướng, đau khổ và công việc; đối với Xergei Ivanovitr thì một mặt nó là chốn nghỉ ngơi, mặt khác lại là liều thuốc giải độc thần hiệu chống sự đồi trụy thị thành, một liều thuốc giải độc ông vui lòng uống vì biết nó hiệu nghiệm. Đối với Conxtantin Levin, nông thôn đẹp chính vì nó tạo địa bàn hoạt động cho những việc làm rõ ràng là hữu ích; đối với Xergei Ivanovitr, nông thôn đẹp chính vì ở đó người ta có thể không làm và không cần phải làm việc gì. Hơn nữa, thái độ Xergei đối xử với nông dân cũng làm Conxtantin hơi bực mình. Xergei Ivanovitr cho là mình yêu mến và hiểu biết đám bình dân; ông luôn luôn trò chuyện với bà con mugich, không có vẻ gì ngượng ngùng hoặc vờ vĩnh cả, và sau mỗi cuộc nói chuyện, lại rút ra những kết luận chung có lợi cho đám bình dân và chứng tỏ ông hiểu biết họ. Conxtantin Levin không ưa thái độ đó. Đối với chàng, bình dân chỉ là trợ thủ chủ yếu trong lao động chung và mặc dầu vừa kính trọng vừa yêu thương người mugich với mối tình mà chàng cả quyết đã hấp thụ cùng với dòng sữa của người vú nuôi nông dân, mặc dầu đôi khi cảm thấy thán phục sức mạnh, tính ôn hoà, thẳng thắn của họ, chàng vẫn thường tức giận vì tính bừa bãi, bẩn thỉu, rượu chè, dối trá của họ mỗi khi công việc chung đòi hỏi phải có những đức tính khác. Nếu ai hỏi Conxtantin Levin rằng chàng có yêu bình dân không thì quả chàng không biết trả lời ra sao.
Đối với họ cũng như với mọi người khác, chàng vừa có thiện cảm, lại vừa có ác cảm. Nhưng vốn là người trung thực, chàng thường thấy nhiều thiện cảm hơn là ác cảm với mọi người; cho nên chàng đối với nông dân cũng như vậy. Nhưng tình cảm chàng đối với bình dân lại có một tính chất riêng biệt. Không những chàng sống với bình dân, không những tất cả quyền lợi của họ và của chàng gắn bó với nhau, mà chàng còn tự cho mình là một bộ phận khăng khít của bình dân, cho nên chàng không thể nhìn thấy khuyết điểm lẫn ưu điểm của nông dân cũng như không thể nhìn thấy ưu, khuyết của chính bản thân mình. Ngoài ra, tuy đã bao lâu sống giữa mugich với quan hệ rất mật thiết, vừa là chủ điền vừa là trọng tài và nhất là cố vấn nữa (người mugich, vốn tin chàng, có khi đi hàng bốn chục dặm đường đến xin chàng chỉ bảo), chàng vẫn không có ý niệm gì rõ ràng về bình dân và nếu ai hỏi chàng có hiểu biết đám bình dân đó không, thì chàng cũng sẽ trả lời rất lúng túng, không khác gì khi họ hỏi chàng có yêu bình dân không. Đối với chàng, nói mình hiểu biết bình dân cũng tựa như nói là hiểu biết mọi người. Chàng luôn quan sát và biết đủ mọi hạng người, trong đó có cả những mugich mà chàng cho là tốt và thú vị; chàng luôn luôn phát hiện ở họ những nét mới làm thay đổi ý niệm trước kia của chàng đối với họ. Đối với Xergei Ivanovitr thì lại hoàn toàn ngược lại. Ông ưa thích và tán dương cuộc sống thôn dã thế nào, tương phản với lối sống mà ông không ưa thích, thì ông cũng ưa thích đám bình dân như vậy, tương phản với lớp người ông không ưa thích, và ông thấy bình dân là hạng người tương phản với mọi người nói chung. Đầu óc khuôn phép của ông đã hình thành những quan điểm rành mạch về cuộc sống nông thôn; sở dĩ ông có những quan điểm đó, phần nào nhờ đã quan sát ngay bản thân cuộc sống nông dân, nhưng chính là nhờ quan sát những việc ngược lại. Ông không bao giờ thay đổi ý kiến về bình dân cũng như thái độ thiện cảm đối với họ.
Trong những cuộc tranh luận xảy ra giữa hai anh em, phần thắng bao giờ cũng về thuộc Xergei Ivanovitr, chính vì ông có quan niệm rành mạch về bình dân, về tính chất, đặc điểm và sở thích của họ, còn Conxtantin Levin thì lại không có ý niệm gì rõ ràng cả; cho nên trong những cuộc bàn cãi đó, chàng thường mâu thuẫn với chính mình.
Xergei Ivanovitr vẫn coi em là một chàng trai ưu tú, có trái tim đặt đúng chỗ 1, trí tuệ tuy sắc sảo nhưng bị những ấn tượng nhất thời chi phối quá nhiều và do đó đầy mâu thuẫn. Với thái độ chiếu cố kẻ cả, đôi khi ông giảng giải ý nghĩa các sự việc cho chàng nghe, nhưng không thấy hứng thú gì trong tranh luận vì ông thường dồn chàng đuối lý quá dễ dàng.
Conxtantin Levin vốn coi anh mình là người thông minh và kiến thức rộng, phẩm chất cao thượng với tất cả ý nghĩa cao quý nhất của chữ đó, và sẵn khả năng hoạt động vì lợi ích công cộng. Nhưng tuổi càng lớn chàng càng hiểu ông anh hơn, trong thâm tâm, chàng càng hay nghĩ khả năng hoạt động vì lợi ích công cộng đó, mà chàng hoàn toàn không thấy có ở mình, có lẽ không phải là một đức tính mà trái lại còn là thiếu sót, không phải là thiếu những ước vọng và sở thích cao thượng, thẳng thắn và lành mạnh, mà nói cho đúng là thiếu sinh lực, thiếu cái người ta gọi là trái tim, thiếu niềm khát vọng nó bắt buộc ta phải chọn lấy một trong những con đường đó mà thôi. Càng hiểu ông anh hơn chàng càng thấy rằng, cũng như bao người khác hoạt động vì lợi ích công cộng, Xergei Ivanovitr yêu mến lợi ích chung không phải do trái tim thúc đẩy; lý trí đơn thuần đã vạch cho họ thấy quan tâm đến việc đó là tốt và đó là động cơ duy nhất. Điều phỏng đoán đó lại càng chắc chắn khi Levin thấy, đối với những vấn đề thuộc lợi ích công cộng và sự bất diệt của linh hồn, ông anh mình cũng chẳng quan tâm gì hơn là đối với một ván cờ hoặc sự cấu tạo tài tình của một kiểu máy mới.
Conxtantin Levin thấy khó chịu khi sống ở nông thôn với ông anh còn vì lí do khác: trên trại ấp của mình, nhất là trong vụ hè, Levin luôn bận bịu và làm không hết việc dù ngày có dài mấy đi nữa, còn Xergei Ivanovitr cứ nghỉ tràn. Tuy nghỉ ngơi, nghĩa là không viết tác phẩm, nhưng vì quá quen hoạt động trí não, ông thích diễn đạt những ý nghĩ nảy ra trong đầu dưới hình thức trang nhã và cô đúc, do đó ông muốn có người nghe mình nói. Cái người nghe thường xuyên đó tất nhiên là ông em. Và tuy quan hệ của họ với nhau thân mật xuề xoà, Kônxtantin vẫn ngại để ông anh phải lủi thủi một mình. Xergei Ivanovitr thích nằm ngoài bãi cỏ dưới ánh mặt trời, vừa phơi nắng vừa uể oải trò chuyện.
- Chắc chú không thể tưởng tượng được cuộc đời nhàn rỗi này đối với anh thích thú biết bao, - ông nói với em trai. - Đầu óc ta rỗng không, chẳng suy nghĩ gì cả.
Nhưng phải ngồi nghe ông ta nói mãi cũng ngấy, nhất là khi Conxtantin Levin biết rằng, trong lúc vắng mặt mình, người làm đang xe phân bón ra cánh đồng chưa cày vỡ và nếu chàng không để mắt tới thì có trời biết là họ sẽ đánh đống ra sao ở ngoài đó, dễ thường họ còn không vặn chặt gióng cây và tháo tung ra để rồi sau đó bảo cày mới chỉ là thứ phát minh vô lí, "thà cứ dùng cày cũ còn hơn", v.v...
- Trời nóng thế này, chú chạy đi chạy lại vừa thôi, - Xergei Ivanovitr bảo chàng.
- Không, em chỉ đến buồng giấy một lát thôi, - Levin nói và chạy tót ra đồng.
--- ------ ------ ------ -------1 Bien placé (tiếng Pháp trong nguyên bản).
Ông đến nhà em trai để hưởng thụ cuộc sống đó. Conxtantin Levin càng lấy đó làm vui thích vì hè năm đó, chàng không còn hy vọng ông anh Nicolai đến nữa. Nhưng, mặc dầu quý trọng Xergei Ivanovitr, Conxtantin Levin vẫn không thoải mái khi có mặt ông ở Pocrovxcoie.
Chàng khó chịu, thậm chí còn khổ tâm, về cái cách ông ta hiểu nông thôn. Đối với Conxtantin Levin, nông thôn chính là sân khấu của cuộc đời chàng, nghĩa là của những vui sướng, đau khổ và công việc; đối với Xergei Ivanovitr thì một mặt nó là chốn nghỉ ngơi, mặt khác lại là liều thuốc giải độc thần hiệu chống sự đồi trụy thị thành, một liều thuốc giải độc ông vui lòng uống vì biết nó hiệu nghiệm. Đối với Conxtantin Levin, nông thôn đẹp chính vì nó tạo địa bàn hoạt động cho những việc làm rõ ràng là hữu ích; đối với Xergei Ivanovitr, nông thôn đẹp chính vì ở đó người ta có thể không làm và không cần phải làm việc gì. Hơn nữa, thái độ Xergei đối xử với nông dân cũng làm Conxtantin hơi bực mình. Xergei Ivanovitr cho là mình yêu mến và hiểu biết đám bình dân; ông luôn luôn trò chuyện với bà con mugich, không có vẻ gì ngượng ngùng hoặc vờ vĩnh cả, và sau mỗi cuộc nói chuyện, lại rút ra những kết luận chung có lợi cho đám bình dân và chứng tỏ ông hiểu biết họ. Conxtantin Levin không ưa thái độ đó. Đối với chàng, bình dân chỉ là trợ thủ chủ yếu trong lao động chung và mặc dầu vừa kính trọng vừa yêu thương người mugich với mối tình mà chàng cả quyết đã hấp thụ cùng với dòng sữa của người vú nuôi nông dân, mặc dầu đôi khi cảm thấy thán phục sức mạnh, tính ôn hoà, thẳng thắn của họ, chàng vẫn thường tức giận vì tính bừa bãi, bẩn thỉu, rượu chè, dối trá của họ mỗi khi công việc chung đòi hỏi phải có những đức tính khác. Nếu ai hỏi Conxtantin Levin rằng chàng có yêu bình dân không thì quả chàng không biết trả lời ra sao.
Đối với họ cũng như với mọi người khác, chàng vừa có thiện cảm, lại vừa có ác cảm. Nhưng vốn là người trung thực, chàng thường thấy nhiều thiện cảm hơn là ác cảm với mọi người; cho nên chàng đối với nông dân cũng như vậy. Nhưng tình cảm chàng đối với bình dân lại có một tính chất riêng biệt. Không những chàng sống với bình dân, không những tất cả quyền lợi của họ và của chàng gắn bó với nhau, mà chàng còn tự cho mình là một bộ phận khăng khít của bình dân, cho nên chàng không thể nhìn thấy khuyết điểm lẫn ưu điểm của nông dân cũng như không thể nhìn thấy ưu, khuyết của chính bản thân mình. Ngoài ra, tuy đã bao lâu sống giữa mugich với quan hệ rất mật thiết, vừa là chủ điền vừa là trọng tài và nhất là cố vấn nữa (người mugich, vốn tin chàng, có khi đi hàng bốn chục dặm đường đến xin chàng chỉ bảo), chàng vẫn không có ý niệm gì rõ ràng về bình dân và nếu ai hỏi chàng có hiểu biết đám bình dân đó không, thì chàng cũng sẽ trả lời rất lúng túng, không khác gì khi họ hỏi chàng có yêu bình dân không. Đối với chàng, nói mình hiểu biết bình dân cũng tựa như nói là hiểu biết mọi người. Chàng luôn quan sát và biết đủ mọi hạng người, trong đó có cả những mugich mà chàng cho là tốt và thú vị; chàng luôn luôn phát hiện ở họ những nét mới làm thay đổi ý niệm trước kia của chàng đối với họ. Đối với Xergei Ivanovitr thì lại hoàn toàn ngược lại. Ông ưa thích và tán dương cuộc sống thôn dã thế nào, tương phản với lối sống mà ông không ưa thích, thì ông cũng ưa thích đám bình dân như vậy, tương phản với lớp người ông không ưa thích, và ông thấy bình dân là hạng người tương phản với mọi người nói chung. Đầu óc khuôn phép của ông đã hình thành những quan điểm rành mạch về cuộc sống nông thôn; sở dĩ ông có những quan điểm đó, phần nào nhờ đã quan sát ngay bản thân cuộc sống nông dân, nhưng chính là nhờ quan sát những việc ngược lại. Ông không bao giờ thay đổi ý kiến về bình dân cũng như thái độ thiện cảm đối với họ.
Trong những cuộc tranh luận xảy ra giữa hai anh em, phần thắng bao giờ cũng về thuộc Xergei Ivanovitr, chính vì ông có quan niệm rành mạch về bình dân, về tính chất, đặc điểm và sở thích của họ, còn Conxtantin Levin thì lại không có ý niệm gì rõ ràng cả; cho nên trong những cuộc bàn cãi đó, chàng thường mâu thuẫn với chính mình.
Xergei Ivanovitr vẫn coi em là một chàng trai ưu tú, có trái tim đặt đúng chỗ 1, trí tuệ tuy sắc sảo nhưng bị những ấn tượng nhất thời chi phối quá nhiều và do đó đầy mâu thuẫn. Với thái độ chiếu cố kẻ cả, đôi khi ông giảng giải ý nghĩa các sự việc cho chàng nghe, nhưng không thấy hứng thú gì trong tranh luận vì ông thường dồn chàng đuối lý quá dễ dàng.
Conxtantin Levin vốn coi anh mình là người thông minh và kiến thức rộng, phẩm chất cao thượng với tất cả ý nghĩa cao quý nhất của chữ đó, và sẵn khả năng hoạt động vì lợi ích công cộng. Nhưng tuổi càng lớn chàng càng hiểu ông anh hơn, trong thâm tâm, chàng càng hay nghĩ khả năng hoạt động vì lợi ích công cộng đó, mà chàng hoàn toàn không thấy có ở mình, có lẽ không phải là một đức tính mà trái lại còn là thiếu sót, không phải là thiếu những ước vọng và sở thích cao thượng, thẳng thắn và lành mạnh, mà nói cho đúng là thiếu sinh lực, thiếu cái người ta gọi là trái tim, thiếu niềm khát vọng nó bắt buộc ta phải chọn lấy một trong những con đường đó mà thôi. Càng hiểu ông anh hơn chàng càng thấy rằng, cũng như bao người khác hoạt động vì lợi ích công cộng, Xergei Ivanovitr yêu mến lợi ích chung không phải do trái tim thúc đẩy; lý trí đơn thuần đã vạch cho họ thấy quan tâm đến việc đó là tốt và đó là động cơ duy nhất. Điều phỏng đoán đó lại càng chắc chắn khi Levin thấy, đối với những vấn đề thuộc lợi ích công cộng và sự bất diệt của linh hồn, ông anh mình cũng chẳng quan tâm gì hơn là đối với một ván cờ hoặc sự cấu tạo tài tình của một kiểu máy mới.
Conxtantin Levin thấy khó chịu khi sống ở nông thôn với ông anh còn vì lí do khác: trên trại ấp của mình, nhất là trong vụ hè, Levin luôn bận bịu và làm không hết việc dù ngày có dài mấy đi nữa, còn Xergei Ivanovitr cứ nghỉ tràn. Tuy nghỉ ngơi, nghĩa là không viết tác phẩm, nhưng vì quá quen hoạt động trí não, ông thích diễn đạt những ý nghĩ nảy ra trong đầu dưới hình thức trang nhã và cô đúc, do đó ông muốn có người nghe mình nói. Cái người nghe thường xuyên đó tất nhiên là ông em. Và tuy quan hệ của họ với nhau thân mật xuề xoà, Kônxtantin vẫn ngại để ông anh phải lủi thủi một mình. Xergei Ivanovitr thích nằm ngoài bãi cỏ dưới ánh mặt trời, vừa phơi nắng vừa uể oải trò chuyện.
- Chắc chú không thể tưởng tượng được cuộc đời nhàn rỗi này đối với anh thích thú biết bao, - ông nói với em trai. - Đầu óc ta rỗng không, chẳng suy nghĩ gì cả.
Nhưng phải ngồi nghe ông ta nói mãi cũng ngấy, nhất là khi Conxtantin Levin biết rằng, trong lúc vắng mặt mình, người làm đang xe phân bón ra cánh đồng chưa cày vỡ và nếu chàng không để mắt tới thì có trời biết là họ sẽ đánh đống ra sao ở ngoài đó, dễ thường họ còn không vặn chặt gióng cây và tháo tung ra để rồi sau đó bảo cày mới chỉ là thứ phát minh vô lí, "thà cứ dùng cày cũ còn hơn", v.v...
- Trời nóng thế này, chú chạy đi chạy lại vừa thôi, - Xergei Ivanovitr bảo chàng.
- Không, em chỉ đến buồng giấy một lát thôi, - Levin nói và chạy tót ra đồng.
--- ------ ------ ------ -------1 Bien placé (tiếng Pháp trong nguyên bản).
Tác giả :
Leo Tolstoy