Anh Là Tất Cả Những Gì Em Ghét Nhất
Chương 4: Phần 2: Có lẽ anh không thể yêu em

Anh Là Tất Cả Những Gì Em Ghét Nhất

Chương 4: Phần 2: Có lẽ anh không thể yêu em

Tôi thật sự rất thích nói chuyện với người khác. Cô chủ nhiệm xếp một bạn nữ ít nói nhất lớp ngồi cạnh tôi cũng không có tác dụng, sau đó mẹ bạn nữ kia đến gặp cô chủ nhiệm, yêu cầu cô chuyển chỗ cho con gái mình… Bởi vì bạn nữ ấy cũng bắt đầu thích nói chuyện (lúc học).

Cô chủ nhiệm xinh đẹp gọi tôi ra ngoài rồi thở dài một tiếng, tôi cúi đầu hối lỗi, dè dặt hỏi cô giáo, “Nếu không cô chuyển em xuống bàn cuối lớp ngồi cùng XX (Tam Gia) được không ạ?".

Cô chủ nhiệm trẻ tuổi vẫn luôn thích tôi và Tam Gia. Tôi cảm thấy cô rất có mắt nhìn.

Cô chủ nhiệm lườm tôi, “Không được, trường mình nghiêm cấp học sinh nam nữ ngồi cùng bàn. Em không cần quan tâm chuyện này nữa, cứ để cô lo liệu".

Tan học tôi liền chạy đến chỗ Tam Gia, nói: “Cô chủ nhiệm nói không có ai trong lớp mình chịu ngồi cạnh tớ, tớ đã nói cậu bằng lòng!".

Tôi cảm thấy cô chủ nhiệm nói linh tinh thật, khi ấy rõ ràng bạn học cả lớp đều muốn ngồi cùng bàn với tôi mà.

Tam Gia nghe tôi nói xong thì phì cười, lão nói: “Được thôi, tôi đồng ý ngồi cùng bàn với cậu".

Tôi nghĩ rằng cô chủ nhiệm bình thường luôn đối xử tốt với tôi, lần này chắc chắn cô sẽ chấp nhận yêu cầu ấy, nào ngờ lúc ăn cơm tối cô bảo tôi chuyển sách vở lên bàn đầu ngồi.

Bàn đầu tiên trước giờ không có ai ngồi, tôi là người đầu tiên, cũng là người duy nhất ngồi bàn đầu.

Thật ra bàn ghế ở lớp học thực nghiệm rất rộng, dù ngồi chung một bàn thì cũng cách nhau rất xa, không giống những dãy bàn được kê san sát trong phòng học bình thường. Nhưng cảm giác của tôi thì khác, dù độc chiếm cả một dãy bàn, vậy mà tôi không thấy “ngầu" một chút nào.

Bạn bè đến giúp tôi dọn đồ, vừa dọn vừa cười như được mùa.

Tôi rất khó chịu, nhưng ngoài mặt vẫn giả bộ không sao, “Thấy chưa, đãi ngộ đặc biệt đó!".

Vì đãi ngộ này quá đặc biệt, tôi không dám hé một lời với mẹ vì sợ bị mắng. Hôm sau khi lên lớp, giáo viên nào nhìn thấy tôi cũng nở một nụ cười khó hiểu, tôi đành phải cười ngây ngô đáp lại, xấu hổ chết đi được.

Tiết ngữ văn hôm đó, không biết có phải cô chủ nhiệm muốn an ủi tôi hay không mà chấm cho bài tập làm văn của tôi cao điểm nhất, lại còn bảo tôi lên bục giảng đọc bài. Thật ra không cần phải lên bục giảng, tôi chỉ cần đứng tại chỗ của mình quay người lại là đối mặt với cả lớp rồi.

Khi mặt trời sắp xuống núi cũng là lúc giờ tự học bắt đầu, tôi lim dim chống cằm quay mặt nhìn phong cảnh ngoài cửa sổ. Hình như dưới sân có lớp đang học thể dục nên rất ồn ào, hoàn toàn đối lập với căn phòng yên tĩnh chỉ có tiếng viết bài này.

Ngẩn ngơ đủ rồi, tôi quay đầu lại định tiếp tục làm bài tập thì chợt nhận ra có bóng chú chim bồ câu đổ dài trên bục giảng sơn vàng cách chỗ tôi ngồi không xa. Tôi tò mò xoay người lại, nhìn thấy Tam Gia ngồi bàn cuối đan hai tay vào với nhau, chúng nhịp nhàng cử động tạo thành bóng chú chim bồ câu sải cánh trên bục giảng.

Tôi bàn đưa tay ra thử, quả nhiên nhìn thấy cái bóng của tay mình. Tôi dùng tay tạo thành hình đầu chó, vừa làm vừa ngoảnh đầu lại nhìn Tam Gia, lão muốn làm tôi vui đây mà, thế rồi tôi cũng không nhịn cười được nữa.

Đó là nụ cười thật lòng đầu tiên của tôi sau khi chuyển chỗ.

Lão làm vậy vì trong bài văn hôm đấy tôi đọc có một câu: 

Ánh nắng hắt bóng tay lên bức tường, ngày tháng chầm chậm trôi qua.

6

Mùa đông năm ấy, tôi và Tam Gia tan học cùng rời khỏi lớp, ra đến hành lang thì gặp bố Tam Gia, chú ấy tới đón con trai về nhà có việc. Mối quan hệ giữa chúng tôi rõ ràng hết sức trong sáng, nhưng khi bất ngờ gặp phụ huynh không hiểu sao chúng tôi lại cảm thấy căng thẳng.

Nói đúng ra là Tam Gia căng thẳng, lúc căng thẳng lão sẽ chẳng nói năng được gì, chỉ vào bố mình và giới thiệu với tôi: “Vị này là cha tôi".

Ủa! Giọng điệu sặc mùi dân quốc này là gì vậy?!

Tôi cũng bị lây căng thẳng từ lão, theo như lời lão kể lại, tôi đã cúi gập người chín mươi độ cộng thêm nói một câu: “Cháu chào bác!".

Ở chỗ chúng tôi khi gặp phụ huynh bạn bè luôn chào là “cô chú", có lẽ đại lễ này cũng làm bố Tam Gia bất ngờ, chú gập đầu nói: “Chào cháu".

Ngày hôm sau tôi hỏi Tam Gia chú có nói gì về mình không, lão trả lời rằng: “Bố tớ thấy cái áo khoác lông vũ màu đen của cậu nhìn ngốc lắm".

Tôi cho rằng có lẽ xóa mấy chữ “cái áo len màu đen" đi mới là ấn tượng của ông với tôi.

Hơn nữa cho đến hôm nay, sau chín năm, ấn tượng này vẫn là lời đánh giá chung nhất của bố Tam Gia về tôi…

7

Năm lớp mười chúng tôi chuyển đến học ở khu giảng đường chính. Có thể do hình ảnh cô độc lẻ loi của tôi quá đáng thương, cũng có thể cô chủ nhiệm mới chưa biết tôi là “trùm" phá rối, vì thế sắp xếp một bạn ngồi cùng bàn với tôi!

Giây phút nhìn thấy người bạn cùng bàn mới, tôi không khác gì con khỉ họ Tôn được giải thoát sau khi bị đè mấy trăm năm dưới Ngũ Chỉ Sơn, vui mừng đến nỗi chỉ thiếu điều bắt rận cho bạn cùng bàn. Tôi ngồi cạnh cô bạn tên Đình Đình kia cho đến lúc chuyển lớp, tay nắm tay biến cô ấy từ đứa mắc chứng tự kỉ ai nói chuyện cũng không thèm để ý, thành người có thể ngồi trên ghế đá tự độc thoại với mình hết nửa giờ thể dục.

Tôi nhớ có một lần, tôi đang trong ngày đèn đỏ mà vẫn bất chấp ăn kem ốc quế, vì vậy vào giờ địa lý bụng đau như chết đi sống lại, nằm bò trên bàn bất tỉnh nhân sự cả tiết học. Vì hồi ấy môn học tôi ghét nhất chính là địa lý, hơn nữa giáo viên địa lý không bao giờ quan tâm đến kỉ luật, bởi vậy trước đây đã có lần tôi ngủ gật cả một tiết học.

Cho đến khi chuông báo hết tiết vang lên, tôi mới chậm chạp tỉnh lại, than vãn với bạn cùng bàn, “Cậu không quan tâm đến tớ gì hết! Tớ đau sắp ngất mà cậu cũng không biết! Lần trước cậu đau dạ dày ai là người dìu cậu xuống phòng y tế hả! Cái đồ vô lương tâm!".

Cô bạn Đình Đình cao ngạo nhìn xuống tôi, cứ thế nhìn chằm chằm trong mười giây, sau đó kiêu ngạo đáp lại: “Đừng tưởng tớ không biết nhé, rõ ràng cậu ngủ cả giờ".

Tôi: “…"

Nay nhớ lại chuyện này, tôi bèn kể lại cho Tam Gia nghe tình cảnh khi ấy, rồi hỏi lão sau khi nghe xong có cảm tưởng gì.

Tam Gia vừa vẽ bản vẽ kỹ thuật vừa trả lời cho có lệ: “Được đấy chứ, mang đậm phong cách thích diễn kịch trước giờ của em".

Tôi tức giận trừng lão: “Không phải diễn kịch! Thật đấy! Lúc ấy em ngất vì đau thật mà!".

“Không thể nào, sao lại có người…". Tam Gia nói được một nửa thì nhận ra bầu không khí có gì đó không bình thường, bèn ngẩng đầu lên nhìn tôi: “Ồ, em đáng thương thật đấy, không ngờ lại đau đến ngất đi!".

Tôi gật đầu. “Nếu lúc đó anh ngồi cùng bàn với em, anh sẽ làm gì?".

Tam Gia trả lời rằng: “Nói thật, nếu em nằm gục trên bàn cả tiết địa lý, anh cũng nghĩ em đang ngủ… À! Không phải!".

Nửa câu sau của lão biến mất trong cái lườm đầy đe dọa của tôi, lão lập tức sửa lại: “Nếu là anh, anh chắc chắn sẽ không để em đau đến ngất đi như thế!".

“Ví dụ như?". Tôi chắc mẩm rằng tên này sẽ nói thấy em không khỏe, anh sẽ lập tức dìu em xuống phòng y tế.

Nào ngờ tên ngốc này lại nói: “Ví dụ như anh sẽ giúp em ăn cây kem ốc quế đó, như vậy có thể ngăn chặn bi kịch từ trong trứng rồi!".

Nhìn nét mặt “Đáp án này chuẩn xác nhất đấy, em mau khen anh đi" của lão, tôi mở tủ lạnh lấy cây kem mình tự làm đưa cho lão: “Thôi, anh vẽ tiếp đi".

8

Trong một tiếng thể dục, sau khi đánh bóng bàn mệt rồi, tôi và Tam Gia ngồi lên bàn xi măng, mỗi đứa đeo một bên tai nghe nghe nhạc. Tôi nhớ hôm đó nghe nhạc của Phương Đại Đồng, nghe đi nghe lại bài “Hồng Đậu", lúc ấy lão nói rất nhiều, luôn miệng phổ cập cho tôi biết Phương Đại Đồng là một ca sĩ giỏi thế nào, ca sĩ này khi đó còn chưa nổi tiếng lắm. Lão giới thiệu với tôi rất nhiều ca sĩ, đa số đều không mấy nổi tiếng, nhưng mắt nhìn người của lão cực tốt, sau này những cái tên ấy đều cực kì nổi tiếng nhờ đủ loại nguyên nhân, còn lão thì tiu nghỉu như mất mát lắm.

Cũng giống như một ngày nào đó lượng độc giả của tôi đột nhiên tăng cao, tôi dành nhiều thời gian nói chuyện với họ hơn nói chuyện với lão, để tâm việc chuẩn bị quà cho độc giả còn hơn chuyện đi hẹn hò với lão, lão cũng mang cái bản mặt ấy mà lầu bầu rằng: “Anh không muốn nhiều người biết đến em như vậy".

Tôi hỏi lão: “Chẳng phải anh từng nói anh thích em nhất khi em đối xử tốt với mọi người sao?".

Lão lắc đầu: “Không phải, em nhớ lầm rồi, anh không thích em đối xử tốt với người khác, anh chỉ thích em đối xử tốt với mình anh thôi".

Vẻ buồn rầu của lão làm tôi nhớ đến ngày Phương Đại Đồng gặt hái được rất nhiều giải thưởng, lão nói bằng vẻ mặt cực kì phức tạp: “Sau này sẽ có rất nhiều người yêu thích Phương Đại Đồng".

Tam Gia có lúc nhạy cảm như con thú nhỏ không biết tấn công như hễ gặp nguy hiểm thì chạy trốn, tôi vuốt ve mu bàn tay lão, chân thành nói với lão rằng: “Có lẽ một ngày nào đó, sẽ có rất nhiều người thích em, nhưng anh đừng lo lắng, người em thích nhất là…"

Trong lcus lão cúi đầu chờ đợi câu trả lời, tôi nhận ra mấy lời hứa hẹn thế này thật sự quá sến súa, vì vậy vỗ vai lão, nói: “Người em thích nhất đương nhiên là người đẹp trai nhất rồi".

Sau đó Tam Gia nổi giận, cơm cũng chẳng buồn ăn.

Nhưng trong lòng em, anh là người đẹp trai nhất mà.

9

Rất nhiều lần tôi hỏi Tam Gia rằng: “Hồi cấp ba chuyện gì của chúng mình làm anh ấn tượng nhất?".

Tam Gia đưa ra rất nhiều phiên bản trả lời đặc sắc.

Câu trả lời thứ nhất: “Quán đồ ăn vặt dưới sân trường có bán hamburger năm tệ một cái rất ngon, có một bận hai chúng ta không ăn tối, ngày nào cũng mua hamburger ăn, à, cả món thịt gà cuốn giá năm tệ cũng ngon tuyệt cú mèo!".

Câu trả lời thứ hai: “Em kể chuyện tiếu lâm cho mọi người nghe, rất thú vị!".

Câu trả lời thứ ba: “Tan học trên đường bọn mình ngồi xe buýt về, có đi qua một đoạn hành lang tối thui không ánh đèn, anh thích quãng đường đó nhất!".

Tôi tiếp tục gặng hỏi: “Không có chuyện cụ thể nào làm anh ấn tượng sâu đậm sao?".

Lão trả lời: “Cụ thể hả, anh cực kì án tượng với câu chuyện về cây nấm nhỏ đó, chính là cái đoạn có một ngày…".

Mặt tôi tối sầm xuống: “Được rồi, dừng ngay, chẳng phải anh nói thích thầm em từ hồi bé sao! Thích thầm em nhiều năm vậy mà không nhớ được chuyện cụ thể nào ư?".

Tam Gia hỏi ngược lại: “Vậy em có ấn tượng sâu sắc với chuyện gì nào?".

Tôi rất tự tin trả lời: “Đương nhiên! Ví dụ như cái lần chúng mình ngồi trên bậc thềm xi măng cùng nghe nhạc, bầu trời hôm ấy trong xanh vô cùng, đám mây rất lớn, lá cây xay biếc, mỗi đứa đeo một bên tai nghe nghe bài ‘Hồng Đậu’, kỉ niệm ấy em vẫn nhớ rõ lắm đấy".

Tam Gia trầm mặc rất lâu, chắc cũng đang nhớ lại hôm đó, cuối cùng lão buồn bã nói với tôi: “Thật ra hồi cấp ba chúng mình cũng đâu thường xuyên chơi với nhau, không có kỉ niệm đặc biệt nào cả, khi ấy người em thích đâu phải là anh".

Vì vậy tôi cũng lặng im theo, bỗng có cảm giác chột dạ như đi hẹn hò với lão Vương nhà hàng xóm bị bắt quả tang ngay tại trận. Tôi cười gượng phá vỡ bầu không khí trầm mặc: “Ôi dào, chuyện xảy ra cách đây nhiều năm, không nhớ được cũng không sao, ha, ha ha, ha ha ha".

Sau này lão tâm sự với tôi rằng, dù không còn nhớ rõ rất nhiều chi tiết nhỏ, nhưng mỗi lần nhớ lại quãng thời gian cấp ba, nhớ lại cuộc sống của những năm tháng ấy luôn tồn tại hình bóng mơ hồ của tôi, lão cảm thấy rất hạnh phúc.
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại