Anh Hùng Bắc Cương

Chương 38: Anh linh phảng phất

Anh Linh phảng phất ------ -

Thiệu-Thái ngơ ngác:

- Mỹ-Linh giảng cho anh nghe ý nghĩa đôi câu đối này đi.

- Vế trên nghĩa là: Trước đây, một trận hồ Động-đình oai rung động triều Hán. Vế dưới có nghĩa: Danh ghi lại trong thanh sử vì dùng sức phò vua Trưng.

Lão Tôn, Lê cũng nhận thấy thế. Lão bàn:

- Vậy có thể chùa này thờ một vị anh hùng nào trước đây từng phò vua Trưng. Anh hùng phò vua Trưng tới một trăm sáu mươi hai. Nhưng những vị đánh trận hồ Động-đình không làm bao.

Thanh-Mai tính:

- Thời vua Trưng có hai trận hồ Động-đình. Trận đầu do công chúa Phật-Nguyệt tổng chỉ huy. Ba vị anh hùng tuẫn quốc là Quách Lãng, Đinh Bạch-Nương, Đinh Tĩnh-Nương. Trận sau do Thái-hậu Hoàng Thiều-Hoa tổng chỉ huy. Quốc công Nguyễn Tam-Trinh, Giao-long đại tướng quân Nguyễn Lễ, Thần-nỏ đại tướng-quân Cao Cảnh-Hào tuẫn quốc trên hồ Động-đình. Ngoài ra các vị tử trận dọc đường từ hồ Động-đình đến đây khá nhiều: Thiên-ưng đại tướng quân Đào Ngũ-Gia, Trung-đũng đại tướng quân Lý Công-An, Xích-hầu đại tướng quân Lôi Chấn, Nhất-trung á-thánh Hắc Hổ, Nhị-trung á-thánh Hắc Báo. Có hai nữ tướng tử trận là công chúa Thiên-Tắc và Dị-Tài. Trong trận này công chúa Phật-Nguyệt, cùng công chúa Tiên-Yên tuyệt tích. Vậy chùa chỉ có thể thờ các vị đó.

Mỹ-Linh à lên một tiếng:

- Đền này thờ công chúa Phật-Nguyệt. Phải rồi. Nếu là đền, khó biết thờ ai. Nhưng là chùa thì thờ công chúa Phật-Nguyệt. Vì sau trận rút lui Trường-sa công chúa Phật-Nguyệt đi tu, rồi thành Phật. Cho nên chùa Thiên-đài thờ ngài.

Thiệu-Thái cau mặt lại, tỏ ý không bằng lòng:

- Thiên đài là di tích mấy ngàn năm trước, ghi dấu lập quốc của tộc Việt. Tại sao không thờ Tam-hoàng hay Quốc-tổ, Quốc-mẫu mà lại thờ nữ vương Phật-Nguyệt?

Thanh-Mai giải thích:

- Tôi nghe thời vua Hùng, vua An-Dương, vua Trưng, chỗ này vẫn có đền thờ Quốc-tổ, Quốc-mẫu. Sau khi Mã Viện vượt qua Ngũ-lĩnh, y phá đền thờ đi, để người Việt không còn nhớ nguồn gốc nữa. Còn chùa chắc xây sau này.

Lão Tôn bật cười hỏi:

- Những kiến thức của Vương-phi, dường như do Quốc-trượng Tự-An truyền cho thì phải. Chắc Quốc-trượng cũng truyền cho công tử Tự-Mai. Cho nên khi vừa đến Quảng-Đông, công tử cùng bốn người bạn tàn phá hết đền thờ Mã Viện để trả thù.

Câu nói của lão Tôn làm Thanh-Mai giật mình kinh hãi. Vì bọn Tự-Mai phá phách trấn Khúc-giang cho đến bọn Dư Tĩnh, Phạm Trọng-Yêm cũng không biết, mà sao hai lão này lại tường? Như vậy hành trạng của sứ đoàn, ắt không qua mắt được hai lão. Nàng thản nhiên trả lời:

- Những gì tôi được học, đương nhiên xá đệ cũng được học. Chúng trẻ người non dạ, nên hành sự có hơi nông nổi.

Lão Lê lại hỏi:

- Trong tấu chương của Tuyên-vũ sứ Khâm-châu nói rằng ngoài vương gia, vương phi, còn có năm thiếu niên. Không hiểu nay năm thiếu niên đâu, mà lại có sự hiện diện của công chúa Bình-Dương với Thân giáo chủ?

Những người hiền hậu khi bị áp chế quá, thường dễ nổi cộc. Từ lúc theo Khai-Quốc vương ở Khúc-giang tới đây, Thiệu-Thái phải đóng vai bị trúng độc, rồi nghe hai lão Tôn, Lê nói năng vô phép, đôi phen chàng muốn nổi đoá, nhưng lại nén xuống được. Bây giờ y đưa ra lời cật vấn, chàng chịu sao nổi:

- Câu hỏi trên của tiên sinh là bạn đồng hành hỏi, hay quan Tiếp-dẫn sứ hỏi?

- Bất biết nhân danh gì, lão phu cũng muốn rõ sự thực.

- Vậy thì chúng tôi không trả lời.

Lão Lê cụt hứng, trở về với tính trầm ngâm của lão. Lão Tôn can thiệp:

- Xin giáo chủ bớt giận. Lê huynh chỉ tò mò mà thôi.

- Nếu do tò mò thì tôi trả lời. Cậu tôi đường đường là đấng trừ quân mang phương vật sang cống cùng kết hiếu với Đại-Tống. Đại-Tống hiện trên có thiên tử, lại thêm Lưu thái-hậu phụ chính. Bốn phương phẳng lặng. Thế mà đám hộ tống sứ đoàn không làm tròn nhiệm vụ, để bọn Trường-giang thất quỷ bắt sứ đoàn. Rồi bây giờ hai vị quan không ra quan, đạo tặc không ra đạo tặc uy hiếp chúng tôi. Sự thực, dụng võ, chúng tôi có coi bọn Trường-giang ra gì đâu? Cả mười tên trưởng lão bang Nhật-hồ giả làm thị vệ cùng hai vị chưa chắc đã là đối thủ của mỗ.

Chàng gằn từng tiếng:

- Nếu mỗ gian xảo như các vị, mỗ sẽ vu vạ rằng năm thiếu niên bị bọn Trường-giang bắt. Nhưng mỗ nói thực năm thiếu niên đã tách khỏi sứ đoàn, đi cùng Định-vương Nguyên-Nghiễm. Còn Bình-Dương với mỗ sang Tống do lời mời của quan Phụ-quốc thái-úy.

Chàng móc túi đưa ra tấm thẻ bài:

- Đây thẻ bài đây. Hai vị muốn coi, mỗ cho coi.

Lão Lê cầm lấy thẻ bài bằng vàng, trên có khắc hình con kỳ lân, biểu tượng của Định-vương Nguyên-Nghiễm, dưới có hàng chữ Công chúa Bình-Dương. Thế-tử Thân-thiệu-Thái là quốc khách. Bất cứ bách quan văn võ thấy hai vị đều phải kính trọng.

Y trả thẻ bài cho Thiệu-Thái:

- Thế tử nổi giận ư? Nếu không bị trúng thuốc Nhuyễn-cân, có lẽ Thế-tử đã dùng võ công với anh em lão phu chắc?

Khai-Quốc vương sợ Thiệu-Thái xử dụng võ công. Vương nói:

- Chúng tôi sang sứ Tống, nên không thể xử dụng võ công. Mong hai vị thứ lỗi.

Một nữ tiểu chạy ra tiếp khách:

- A-di-đà Phật. Kính mời các vị thí chủ vào chùa lễ Phật.

Cô mời mọi người vào phòng khách:

- Mời quí khách an toạ. Tiểu ni đi thỉnh sư phụ.

Cô vội vàng chạy đi. Lát sau, một sư bà tuổi khá cao đi ra. Sứ đoàn Đại-Việt đều là Phật tử, vì vậy cả bốn đứng dậy hành lễ:

- A-di-đà Phật. Chúng con đến cửa chùa ăn mày công đức chư Phật.

Sư rót nước trà đãi khách. Bà đưa mắt nhìn qua mọi người một lượt, rồi hỏi Khai-Quốc vương:

- Lý thí chủ, sao thí chủ tới trễ quá vậy? Bần ni được đức Bồ-tát báo cho biết hơn ba tháng trước rằng thí chủ sẽ tới đây viếng chùa. Mà bây giờ thí chủ mới tới.

Thế kỷ thứ mười một, mười hai; giòng Thiền-tông của Phật-giáo cực kỳ thịnh tại những vùng tộc Việt sống. Ăn chay, nhập mộng để biết những biến chuyển sắp tới của mình là thuật rất thông thường. Khai-Quốc vương, công chúa Bình-Dương đều theo học với Bồ-tát Huệ-Sinh, vì vậy khi nghe sư bà nói, cả hai thản nhiên như không.

Duy Thiệu-Thái, chàng không hiểu:

- Bạch sư bà đức Bồ-tát hiện ra dạy như vậy chăng?

- Không! Bần ni nhập thiền, được ngài khải cho biết có vị quý nhân từ Nam phương sẽ tới lễ Phật. Vị đó họ Lý tên Long-Bồ.

Bà đưa mắt nhìn Mỹ-Linh, rồi nắm tay nàng:

- Bần ni pháp danh Diệu-Huệ. Phúc đức! Phúc đức! Chúng ta có tiền duyên cộng nghiệp, thế mà xa nhau hai mươi năm, bây giờ mới gặp lại. Dường như thí chủ mệt lắm rồi thì phải. Hãy ngủ đi một lát cho lòng thanh tịnh.

Nghe sư bà nói, Mỹ-Linh như đi lên trên mây, phiêu phiêu tưởng tưởng. Rồi không tự chủ được, nàng cảm thấy mắt dí lại, dựa lưng vào tường. Trước mặt nàng hiện ra cảnh chiến trường. Nàng cỡi trên mình ngựa cùng sư ni dẫn hơn vạn quân chạy. Phía sau quân giặc toàn thiết kị đông hàng hàng lớp lớp đuổi theo. Sư bà với nàng quay trở lại bầy thành trận thế quyết sống chết với giặc. Nàng cùng sư bà múa kiếm như mây trôi, như chớp giật. Hai người đi đến đâu, đầu quân giặc rơi tới đó. Nhưng càng giết, giặc tới càng đông. Sau một buổi xung sát, quân của nàng chết hết. Nàng cùng sư bà mở đường lên núi. Quân giặc bao vây bên dưới. Nàng bàn với sư bà : Quân tan, thành mất. Thế cùng lực kiệt, chúng ta đành tự tử đi thôi. Hai người vung kiếm lên cổ, thì một bàn tay nắm lấy kiếm hai người. Hai người nhìn lại, thi ra một nhà sư. Nhà sư an ủi : Chúng ta có cộng duyên, nên bần tăng đón hai thí chủ tại đây. Nàng với sư ni cùng cúi đầu xin qui y. Nàng nguyện : Tuy sư phụ cho qui y. Nhưng đệ tử nguyện muôn vàn kiếp sau sẽ đầu thai làm người Việt, để bảo vệ tộc Việt giữ được giòng giống Tiên-Rồng.

Bỗng có tiếng nói ngọt ngào:

- Lành thay lời nguyện. Từ đó tới giờ thí chủ cứ luẩn quẩn với tộc Việt. Hết kiếp này, lại đầu thai làm kiếp khác. Cách đây hai mươi năm, chúng ta cùng tu tại đây. Trước khi viên tịch, người nói rằng sẽ đầu thai tại Đại-Việt. Hẹn hai mươi năm gặp lại. Nay quả đúng như lời nguyện.

Mỹ-Linh giật mình tỉnh giấc, thì ra giấc mộng.

Đối với những lời nói cao xa về Thiền, không những Thanh-Mai, Thiệu-Thái ngơ ngác, mà hai lão Tôn, Lê cũng chẳng hiểu gì. Hai lão cho rằng vị sư ni già này lẩm cẩm. Còn Khai-Quốc vương với Mỹ-Linh bị sư bà dùng thuật phù thủy mê hoặc. Trong lòng hai lão nảy ra ý khinh khi. Lão nói với vị sư bà:

- Chúng tôi giới thiệu với sư bà, các vị đây thuộc sứ đoàn Đại-Việt sang Biện-kinh kết hiếu.

Rồi lão Tôn giới thiệu từng người một. Vị sư bà nghe giới thiệu, cứ thản nhiên như không.

Khai-Quốc vương kính cẩn:

- Xin sư thái cho chúng đệ tử được lễ Phật.

Vị sư thái đi trước, sứ đoàn với hai lão Tôn, Lê theo sau.

Lễ tất.

Khai-Quốc vương hỏi:

- Bạch sư thái, phải chăng chùa này thờ hai vị Bồ-tát thời Lĩnh-Nam?

- Khải vương gia đứng thế. Hai vị tục danh Trần-thị Phương-Chi, Trần Phật-Nguyệt. Cả hai nguyên đều là được phong công chúa thời Lĩnh-Nam. Sau đi tu đắc đạo thanh Bồ-tát. Riêng nữ vương Phật-Nguyệt nguyện cho đến vô vàn kiếp, sẽ đầu thai làm người Việt, bảo vệ tộc Việt.

- Dường như sau chùa còn thờ mấy vị đại tướng hồi đó nữa phải không?

- Khải vương gia đúng thế. Vương gia là người Việt, cũng nên ra nhà tổ sau chùa lễ đại vương cùng các đại tướng quân.

Không đợi sứ đoàn có đồng ý hay không, vị sư bà dẫn đường tới nhà tổ. Nhà tổ chia làm hai khu. Một khu thờ liệt tổ của chùa. Một khu thờ thần. Sư bà chỉ khu thờ thần:

- Sau khi xây chùa ít lâu, đức Bồ-tát Phật-Nguyệt cùng Tiên-Yên báo mộng cho tổ biết rằng quanh chùa có hàng vạn hương linh chư binh thời Lĩnh-Nam do một vị đại vương, nhị vị công chúa chỉ huy qua lại đường hồ Động-đình đi Cửu-chân. Mỗi khi qua đây, các ngài thường trú ngụ sau chùa. Vì vậy tổ cho xây thêm khu thờ thần.

Nhà tổ thờ thần tuy không lớn bằng bảo điện, nhưng khá khang trang. Hương khói nghi ngút. Một đôi câu đối trước bàn thờ. Mỹ-Linh đọc:

Tinh trung nhất khí quán sơn hà thử dân thử thổ.

Huynh đệ tam nhân tùng đại nghĩa vi tướng vi thần.

Thiệu-Thái ngơ ngác hỏi:

- Câu đối nói gì vậy?

Mỹ-Linh giảng:

- Đôi câu đối này ý nghĩa như sau: Khí hùng của ba vị thần bốc lên đến mây, che lấp cả sông núi. Ba anh em cùng tuẫn quốc trước làm tướng, sau làm thần.

- Ba vị là ai vậy?

- Ba vị là anh em con cô con cậu, cùng theo học với ngài Đinh Đại. Vị đại vương họ Quách húy Lãng. Hai công chúa họ Đinh húy Bạch-Nương, Tĩnh-Nương. Ca ba vị đều tuẫn quốc trong trận hồ Động-đình vào niên hiệu thứ nhất vua Trưng. Tương truyền Quách đại vương đứng chỉ huy quân, bị bắn trúng bụng hai mũi tên. Ngài sợ quân sĩ trông thấy mất tinh thần, bèn cầm kiếm cắt đứt tên, lấy vải buộc bụng tiếp túc chiến đấu cho đến khi thắng giặc mới ngã ra chết. Hai vị công chúa cũng bị kiếm đâm lòi ruột. Hai ngài nhét ruột vào bụng rồi chiến đấu. Khi trận đánh kết thúc, hai ngài chết như ngọn đèn hết dầu.(1) Nay tại xã Thượng-cát, tổng Từ-liêm ngoại thành Thăng-long còn có đến thờ ba ngài. (2)

Ghi chú

(1) Về trận đánh hồ Động-đình thời Lĩnh-Nam, xin xem Cẩm-khê di hận, của Yên-tử cư-sĩ do Nam-á Paris xuất bản.

(2) Nay thuộc xã Thượng-cát, huyện Từ-liêm, Hà-nội vẫn còn đền thờ này. Tháng 8 năm 1980, thuật giả viếng Hồ-Nam, tìm được đến bốn ngôi chùa thờ Phật-Nguyệt. Thiên-đài là một trong bốn ngôi chùa đó.

Bốn người quì xuống lễ. Sư bà đứng dậy vén màn thờ:

- Xin vương gia cùng các vị chiêm bái tượng chư thần.

Mỹ-Linh để ý thấy cả ba tượng đều bằng đồng. Tượng Quách Lãng đứng giữa trong tư thế đứng. Tay trái cầm tên. Tay phải đang rút kiếm. Hai bên là tượng Đinh Bạch-Nương, Đinh Tĩnh-Nương. Tượng Đinh Bạch-Nương, Đinh Tĩnh-Nương trong tư thế một tay cầm kiếm một tay để lên đốc kiếm.

Mỹ-Linh lấy một nén vàng Đại-Tống kính cẩn đưa cho sư bà:

- Nhân đệ tử qua đây, có chút vàng kính lễ Bồ-tát cùng chư thần. Mong sư bà nhận cho để tu bổ chùa.

- Phúc đức qúa.

Trong khi mọi người nói truyện, Thanh-Mai nhìn ra cổng tam quan, thấy gói hành lý của nàng trước để bên trái xe, nay lại thấy nằm bên phải. Nàng kinh ngạc:

- Rõ ràng chúng ta có bằng này người, đều tụ nhau ở đây? Vậy ai đã di chuyển hành lý của mình.

Mặc cho Mỹ-Linh nói truyện với Diệu-Huệ, Thanh-Mai nói với lão Lê:

- Tôi cần lấy vàng cúng dàng. Xin lỗi hai vị tiên sinh.

Nói rồi nàng rảo bước ra xe. Trên bao hành lý của nàng có gắn con chim ưng nhỏ bằng đồng, đó là biểu hiệu của phái Đông-a. Nàng nhủ thầm:

- Thì ra người nhà mình theo dõi bên cạnh, mà mình không hay. Chắc có tin gì báo cho mình đây.

Quả nhiên mở túi hành lý ra, nàng thấy có tập sách nhỏ, trên bìa ghi Lĩnh-Nam giản sử. Bộ sử này rất phổ thông, dùng để dạy cho thiếu niên Đại-Việt. Nàng chú ý, thấy cạnh những chữ chép sử, còn chép xen vào nhiều chữ Khoa-đẩu. Nàng nhẩm đọc, thì ra trong đó Thông-Mai báo cho nàng biết tất cả tin tức liên quan đến hai lão Tôn, Lê.

Nàng ngồi xuống chiếc ghế đá, đọc lướt qua, rồi bỏ vào túi.

Sau khi đọc hết tin tức Thông-Mai, Bảo-Hòa ghi trong cuốn sử, Thanh-Mai trở lại nhà tổ. Mỹ-Linh đang thảo luận với hai lão Tôn, Lê về trận đánh hồ Động-đình thời vua Trưng. Nàng dùng Lăng-không truyền ngữ nói với chồng:

- Thông-Mai, Bảo-Hòa đã cấp tin tức cho chúng ta. Mọi sự tốt đẹp.

- Có tin gì về Nguyên-Nghiễm không?

- Có, sau khi chúng ta đi, gã Dư Tĩnh giả bộ ngủ say. Lát sau quân hầu vào lấy nước lạnh cứu tỉnh mọi người. Nguyên-Nghiễm vờ như không biết Dư Tĩnh đi với Lưu hậu hại mình. Ông ta hỏi sứ đoàn đâu? Dư Tĩnh đáp rằng sứ đoàn rời lúc nào y không hay. Định-vương truyền tùy tùng dùng ngựa đi suốt ngày đêm trở về Biện-kinh gấp. Có lẽ ông ta cần về ngay để đối phó với việc Lưu hậu tuyển phò mã.

- Thanh muội à. Chúng ta nín nhịn lão Tôn, Lê làm cho hai lão kiêu căng như vậy cũng đủ rồi. Bây giờ chúng ta phải giết hai lão để trừ cho Hoa-Việt mối nguy.

- Em nghĩ mình không làm nổi. Thiệu-Thái, Mỹ-Linh thừa sức giết hai lão. Nhưng anh với em thanh toán mười trưởng lão bang Nhật-hồ thực không dễ. - Giết hai tên này đâu khó. Hôm trước Đỗ phu nhân nói, phàm người chính phái luyện Hồng-thiết tâm pháp, mà bị buồn bực quá, sẽ hóa điên. Bây giờ chúng ta dùng Bảo-Hòa, Thông-Mai, năm ông mãnh với hệ thống tế tác Đông-a, Đại-Việt làm cho chúng thành người điên. Em có nhớ truyện hai trái đào giết ba dũng sĩ không?

- Em nhớ chứ. Vậy anh truyền lệnh cho Bảo-Hòa, Thông-Mai làm. Việc này, với tài Bảo-Hòa thực dễ như trở bàn tay.

- Bây giờ em bắt đầu bằng việc nói toạc lý lịch chúng ra, cho chúng sợ đã.

- Đúng thế.

Thanh-Mai hai tay cầm nén vàng Đại-Việt đưa ngang mày:

- Đệ tử kính cẩn dâng chút lễ. Xin sư thái nhận để tu bổ chùa.

Diệu-Huệ tiếp vàng, bà nắm tay Thanh-Mai tỏ vẻ thân thiết:

- Phúc đức quá.

Bà hỏi Khai-Quốc vương:

- Chúng ta vốn có cộng duyên, hôm nay gặp nhau như vậy cũng đủ rồi. Bần ni mong rằng sau này trên đường về Đại-Việt, Vương-gia lại vãng cảnh lễ Phật.

- Đa tạ sư thái quan hoài. Nhất định đệ tử sẽ trở lại thăm sư thái.

Vị sư bà nắm tay vương, Thanh-Mai, như không muốn rời nhau.

Lão Tôn hỏi Khai-Quốc vương:

- Vương gia! Lão phu nghe nói đại hội anh hùng tộc Việt tại Thăng-long, võ lâm tôn Vương-gia làm trừ quân tộc Việt. Người ta còn nói rằng Những ai chưa gặp Vương-gia, đừng vội xưng anh hùng. Anh em lão phu những tưởng Vương-gia trí tuệ khác thường. Nào ngờ Vương-gia bị đám tăng ni đưa vào đường u mê của Phật-giáo.

Khai-Quốc vương thản nhiên:

- Xin hai tiên sinh cho biết cô gia u mê ở chỗ nào?

Lão Tôn cười mỉa:

- Vương gia trên đưởng đi sứ, mang mệnh quân vương kết hiếu với Tống. Thế mà gặp một mụ ni cô già, đã vội khúm núm hành lễ, để cho mụ dẫn vào đường mê muội. Vương gia ơi! Con người ta chết là hết. Thế mà mụ ni cô nói những gì một Đại vương, hai Công chúa dẫn âm binh đi từ hồ Động-đình tới Cửu-chân. Truyện hoang đường thế mà Vương-gia cũng tin được ư?

Khai-Quốc vương nghĩ thầm:

- Hai thằng cha này vốn người Việt, làm tay sai cho Lưu hậu. Ta thấy võ công chúng cao thâm khôn lường, đường đường chính chính, như vậy ắt chúng thuộc loại có lý lịch, mà tại sao ta chưa hề nghe nói về chúng? Chúng xử dụng độc chất cực giỏi, bây giờ lại đưa ra lời bài xích Phật-giáo, rõ ra ngôn từ của bọn Hồng-thiết. Ta thử dò dẫm xem lý lịch chúng ra sao mới được.

Vương mỉm cười không trả lời.

Mỹ-Linh đáp thay chú:

- Lê tiên sinh dường như đã đi vào tuổi cổ lai hy rồi thì phải. Thế mà sao tiên sinh lại đưa ra lời hủ lậu quá đi mất.

Lão Lê thản nhiên:

- Mong công chúa điện hạ dạy dỗ cho chỗ hủ lậu của lão phu.

- Tiên sinh nên biết rằng tại Đại-Việt dân chúng hoàn toàn được tự do tôn giáo. Bởi vậy ngoài chủ đạo tộc Việt ra, còn Phật, Nho, Lão. Đến quỷ đạo, ma đạo như Hồng-thiết mà cũng không bị cấm. Chúng tôi theo Phật vì Phật dạy làm lành, dạy lẽ giải thoát. Sao lại bảo rằng u mê?

Nàng chỉ vào nhà tổ:

- Không cần biết thực sự Quách đại vương cùng hai vị công chúa có hiển linh hay không. Chỉ biết rằng, nơi đây thờ kính các ngài, vì các ngài từng vị quốc vong thân, đạo lý tộc Việt dạy chúng ta phải tôn kính. Chú cháu tôi ngồi ở vị thế trị dân, mà không kính các ngài, thì không còn xưng là người Việt được nữa, chứ đừng nói vương tước với công chúa.

Sư bà chắp tay vái Mỹ-Linh:

- Công chúa! Bần ni thấy công chúa với hai vị tiên sinh đây dẫu có biện luận đến muôn năm cũng không hiểu nhau được. Công chúa bảo Hồng-thiết giáo là ma quỉ. Trong khi hai vị đây lại cho nhị thánh Mã-Mặc, Lệ-Anh mới thuộc chính giáo. Còn tiên, Phật chẳng qua thuộc tà ma.

Hai lão Tôn, Lê nghe sư bà Diệu-Huệ nói, chúng rùng mình:

- Mụ ni cô này có vẻ tà môn. Bọn Khai-Quốc vương cũng chưa biết mình liên quan tới Hồng-thiết giáo, mà sao mũ lại biết?

Lão Tôn hất hàm hỏi bằng giọng hách dịch:

- Sư bà! Bằng vào đâu, sư bà bảo anh em lão phu thuộc Hồng-thiết giáo?

Diệu-Huệ thản nhiên đáp:

- Cả sứ đoàn bốn người, với bần ni vốn có cộng duyên. Ngược lại sáu người đều mắc nghiệp với hai tiên sinh, nên nay phải trả. Hai vị vốn thuộc danh môn chính phái, lại có địa vị cực cao trong Hồng-thiết giáo Đại-Việt. Hơn mười năm trước danh vang Hoa-Việt ai mà không biết.

Sau khi nhẩm ôn lại những gì mà người của phái Đông-a thông báo trong cuốn sử. Thanh-Mai bật thành tiếng cười khúc khích, rồi ngửa mặt lên trời mà cười.

Lão Lê bực mình:

- Vương-phi! Có điều gì cổ quái chăng?

- Cổ quái thì không cố quái, nhưng nhị vị thân mang tuyệt nghệ võ học Lĩnh-Nam. Trong lòng chứa hùng tâm, mong xây dựng sự nghiệp vua Trưng. Thế mà sao lại bán bò tậu ễnh ương? Vì vậy tôi mới tiếc cho hai tiên sinh.

Mặt lão Tôn tái nhợt:

- Vương phi có biết anh em lão phu là ai không đã, mà lại đưa ra lời miệt thị?

Thanh-Mai quay lại nói với Mỹ-Linh:

- Để chị giới thiệu với Mỹ-Linh. Hai vị đây có đại danh trong võ lâm là Tôn Đức-Khắc và Lê Lục-Vũ.

Hai lão Tôn, Lê kinh ngạc đến ngẩn người ra. Cả hai tự chửi thầm:

- Mình hành sự thần bí thế mà con nhỏ này cũng nhận ra chân tướng. Nguy thực! Mình đi với chúng hơn mười ngày qua, mà cứ tưởng nó không biết gì.

Tuy vậy hai lão vẫn làm bộ thản nhiên:

- Kiến thức vương phi thực rộng bao la. Nhưng Vương-phi cũng giầu tưởng tượng quá. Anh em lão phu không hề biết gì về Hồng-thiết giáo.

Thanh-Mai nói với chồng:

- Kể ra triều đình Tống cũng sủng ái chúng ta, nên mới sai hai vị đại thần cùng mười vị đại tướng quân theo hộ vệ.

Nghe Thanh-Mai nói, lão Tôn biến sắc. Nàng tiếp:

- Hai vị có đại công trong việc dẹp đám anh hùng gốc Việt, di thần nước Ngô-Việt tại đại hội Hổ-môn cách đây mấy năm, nên được Tống triều phong cho quan cao cực phẩm.

Thiệu-Thái, Mỹ-Linh chợt nhớ lại, đêm trăng trước hai người đến cô trang trong ngọn Tuyệt-phong gặp Ngô Cẩm-Thi. Cẩm-Thi thuật lại thân phụ nàng tên Ngô Quảng-Thiên cùng hai sư thúc Chu Bội-Sơn, Đào Tường-Phúc đại hội anh hùng ở Hổ-môn mưu phục Ngô-Việt. Trong đại hội, Chu, Đào xuất hiện với chức vụ Tả, Hữu hộ pháp Hồng-thiết giáo, yêu cầu mọi người lấy tinh thần giáo phái này khởi binh. Một phần ba cử tọa phản đối. Thế là đưa đến động thủ. Giữa lúc đó thiết kị Tống xuất hiện, hợp với Hồng-thiết giáo tiêu diệt hết các anh hùng. Ngô Quảng-Thiên nào ngờ hai em kết nghiã đã ba đời lại phản mình. Ông bị trúng Chu-sa độc chưởng.

Sau khi bị bắt, ông mới biết rằng Hồng-thiết giáo thỏa hiệp với Tống. Tống giúp Hồng-thiết giáo tiêu diệt anh hùng võ lâm Ngô-Việt. Ngược lại Hồng-thiết giáo giúp Tống diệt mầm mống chống đối, cùng trao cho bộ Lĩnh-Nam vũ kinh, Dụng-binh yếu chỉ, bản đồ kho tàng. Nhưng bản đồ kho tàng bị Ngô Quảng-Thiên học thuộc rồi đốt đi. Tống triều bắt Ngô cùng ba con đem về Biện-kinh giam, chỉ để Ngô Cẩm-Thi ở lại Tuyệt-phong. Hẹn rằng khi nào ông trao bản đồ kho tàng, sẽ được thả ra, cùng giải vĩnh viễn Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng. Nhưng ông biết rằng nếu khai ra, chúng sẽ giết ông.

Thiệu-Thái, Mỹ-Linh cùng ồ lên một tiếng. Thanh-Mai chỉ vào lão Tôn tiếp:

- Tôn Đức-Khắc là tên mới. Thực sự tên của tiên sinh là Đào Tường-Phúc, nguyên xuất thân con cháu di thần Ngô triều Đại-Việt. Tại triều Ngô-Việt được phong Thường-sơn công, lĩnh binh bộ thượng thư. Sau khi diệt anh hùng Ngô-Việt, tiên sinh được Tống triều phong chức văn tới Thái-tử thiếu phó. Chức võ tới Tiết-độ sứ đồng trung môn hạ bình chương. Tước tới Ngô-quốc công. Mới đây lĩnh tổng quản ngự lâm quân cùng thị vệ. Việc phong này xẩy ra khi Định-vương vắng nhà. Tuy rằng từ Định-vương Nguyên-Nghiễm cho tới Khu-mật viện phó tổng quản Phạm Trọng-Yêm trước đây cũng không biết mặt, mà chỉ nghe danh thôi.

Đào Tường-Phúc bị lộ chân tướng, y kinh hãi:

- Vương phi... Sao vương phi biết?

- Cái gì bố tôi biết, thì tôi cũng biết.

Nàng chỉ vào Lê:

- Lê tiên sinh có tên Lê Lục-Vũ. Thực ra tên là Chu Bội-Sơn, thuộc phái Khúc-giang. Tại triều Ngô-Việt được phong Hành-sơn công, lĩnh lại bộ thượng thư. Tống triều phong cho chức văn Thái-tử thiếu bảo, chức võ tới Tả-vệ thượng tướng quân Tiết-độ-sứ. Tước Việt-quốc công. Mới đây được chỉ định làm Nam-biên kinh lược sứ, tức coi cả Quảng-Đông, lẫn Quảng-Tây. Nàng thở dài:

- Ngoài công dẹp di thần Ngô-Việt, hai vị còn có đại công trong việc bắt tể tướng Khấu Chuẩn. Vì vậy hai vị được Lưu thái hậu cực kỳ tín cẩn. Nhưng hai tiên sinh ơi, hai tiên sinh bán bò tậu ễnh ương mất rồi. Nếu hai tiên sinh đừng đi vào đường tà đạo Hồng-thiết, mà cùng Ngô Quảng-Thiên khởi nghĩa. Đại sự thành, cái tước vương sẽ nằm trong tay. Bại thì danh lưu muôn thủa. Hai vị phản anh kết nghiã đã ba đời, để được chức tả, hữu hộ pháp Hồng-thiết giáo. Rồi lại diệt anh hùng Ngô-Việt để được tước công triều Tống. Hai vị định sau đó xin triều đình Tống cho về trấn Lưỡng-Quảng, nhân đó biên thùy một cõi, lập lại Ngô-Việt. Nhưng vụ án Hổ-môn phản nghiã huynh, giết anh hùng di thần Ngô-Việt, hỏi khi hai vị cử sự, ai theo hai vị nhỉ?

Hai lão Đào, Chu nghe Thanh-Mai nói, mồ hôi vã ra như tắm. Cả hai đưa mắt nhìn nhau, rồi lão Chu hỏi:

- Lão phu xin vương phi cho biết ai dã cung cấp tin này cho vương phi?

- Tiên sinh lại quên rồi. Tôi đã nói rằng những điều tôi biết là do bố tôi giảng cho nghe. Bố tôi biết ắt cả phái Đông-a biết. Cả phái Đông-a biết tất Khu-mật viện Đại-Việt biết. Khu-mật viện Đại-Việt biết tất tộc Việt biết.

Lão Đào nghĩ thầm:

- Con nhỏ này dấu đầu hở đuôi rồi. Việc ta với Chu đệ được phong làm Kinh-lược sứ Nam-biên cùng thống lĩnh cấm quân chỉ mới cách đây hơn tháng. Có lẽ giờ này tên Tự-An cũng chưa biết. Còn con nhỏ này rời Đại-Việt đã mấy tháng rồi, mà bảo rằng bố nói cho biết thực láo. Lạ quá, chúng không rời ta nửa bước, mà sao ai báo tin cho chúng? Khu-mật viện Đại-Việt thực kinh khủng.

Vốn thuộc lòng Hồng-thiết kinh, lão Chu, Đào chợt động tính xảo trá:

- Vương phi lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia rồi. Lão phu không liên hệ gì với hai tên Chu Bội-Sơn, Đào Tường-Phúc cả.

Gì mà không hiểu hai tên Chu, Đào. Khai-Quốc vương nghĩ thầm:

- Thanh muội hé lộ lý lịch chúng như vậy để chúng biết oai đủ rồi. Nếu ta làm quá, chúng tuyệt vọng, lại đi theo đường khác mất, khó mà trị.

Vương bảo Thanh-Mai:

- Thanh lầm rồi. Hai vị này danh phận không nhỏ, đâu có liên quan gì tới truyện Ngô-Việt.

Vương khoan thai lên xe:

- Tiện thê lầm lẫn. Xin hai vị lượng thứ.

Hai chiếc xe đổ đồi. Lão Chu, dùng Lăng-không truyền ngữ nói với lão Đào:

- Đại ca tính sao? Đệ định tới hồ Đồng-đình, dẫn bọn này du ngoạn Tam-sơn, rồi chúng ta dùng độc chưởng tra khảo chúng, bắt chúng khai xem ai đã lộ tin tức ấy. Sau đó chúng ta đánh thuốc độc, để khi đến kinh chúng chết hết. Lưu hậu ắt không trách cứ gì được.

- Đúng đấy.

Hôm sau đi xe vượt ngọn đồi nhỏ, trước mặt hiện ra một vùng đồng bằng phì nhiêu. Tuy vào tiết Đông-chí, mà cây có xanh tươi, khí hậu mát mẻ, chứ không đến nỗi lạnh như trên đèo.

Viên kỵ binh dẫn đầu trở lại nói với lão Tôn:

- Trình đại nhân, khoảng hơn giờ nữa tới Hành-Nam. Chúng ta vào thành nghỉ hay đi luôn?

Lão Tôn đáp không suy nghĩ:

- Chúng ta không vào thành. Trong thành ồn ào phức tạp lắm. Mà Vương-gia, Vương-phi, Công-chúa vốn thuộc nòi thi-phú, thích cảnh trí để ngắm. Ta đã chuẩn bị trước rồi. Đêm nay Vương-gia sẽ qua đêm trên bến Hướng-dương kiều. Sáng mai Vương-phi với Công-chúa mới vào thành mua sắm.

Lão nói với Mỹ-Linh:

- Công chúa điện hạ, Hành-nam nổi tiếng với ba đặc sản hẳn công chúa điện hạ sẽ thích lắm.

Mỹ-Linh đã từng nghe nói nhiều về Hành-nam với lụa, ngọc và son. Tuy vậy nàng cũng làm bộ ngơ ngác:

- Tôi quê mùa lắm, không biết nhiều về đất bờ xôi giếng mật này. Mong tiên sinh đừng tiếc công chỉ dẫn.

Nghe Mỹ-Linh nói, trong lòng hai lão Chu, Đào cùng nghĩ thầm:

- Rõ ràng con nhỏ này biết chúng ta cầm tù chú cháu nó. Mà tuyệt nhiên nó vẫn nhũn nhặn, ôn nhu. Cứ suy gã Long-Bồ với con nhỏ Mỹ-Linh, thì đủ rõ tên chăn trâu Lý Công-Uẩn đức cao lắm, hèn chi võ lâm cũng như dân chúng qui tâm là phải. Khi tới hồ Động-đình có tra khảo, ta cũng nên tử tế với con nhỏ này.

Lão Tôn đáp:

- Hành-Nam nổi tiếng nhất về lụa. Lụa vừa mịn, vừa mỏng. Nhất định khi công chúa thấy sẽ mua hàng trăm thước. Sản phẩm thứ nhì là ngọc. Ngọc bích xanh như lá. Hồng ngọc đỏ tươi như ráng trời. Công chúa mà đeo ngọc bích Hành-Nam mới xứng. Đặc sản thứ ba là son. Nhưng e công chúa không thích, vì môi công chúa tươi hơn son.

Mỹ-Linh mỉm cười:

- Đa tạ tiên sinh quá khen.

Xa xa, thành Hành-Nam đã hiện ra. Bấy giờ tuy tiết vào Đông, cây cỏ tiêu sơ, nhưng khí hậu không đến nỗi lạnh lắm.

Thiệu-Thái than:

- Mỹ-Linh này, con sông kia có phải là Tương-giang không?

- Đúng đó.

- Anh không hiểu tại sao mạ mạ lại bảo con sông Tương là nơi phát xuất ra tộc Việt nhà mình. Sông này dài lắm sao?

- Không dài lắm, khoảng hai nghìn dặm (3).

Ghi chú

(3) Tương-giang phát xuất từ Nam hồ Động-đình chảy qua hai tỉnh Hồ-Nam, Quảng-Tây, đài 811 cây số. Lưu vực tới 92.500 cây số vuông. Dọc bờ sông có các thị trấn du lịch sau: Tương-âm, Trường-sa, Tương-đàm, Chu-Tương, Chu-châu, Hành-sơn, Hành-Đông, Hồng-kiều, Linh-lăng, Toàn-châu, Dư-an, Quế-lâm.

Nó phát xuất từ Nam hồ Động-đình chảy theo chiều Bắc-Nam cho tới Quảng-Tây-Nam lộ. Nó là mẹ của hơn chín mươi con sông nhỏ. Từ Bắc xuống Nam, cứ khoảng mấy chục dặm lại chia nhánh rẽ ra con sông theo chiều Tây-Đông. Cho nên có người ví nó với con rồng uốn khúc với hàng trăm chân. Mỗi chân là một nhánh sông con.

- Tại sao sông không chảy từ Nam lên Bắc, mà lại chảy từ Bắc xuống Nam.

Mỹ-Linh lắc đầu. Nàng hỏi lão Lê:

- Lê quốc-công! Quốc-công kinh lịch, bác học đa năng, xin quốc công đừng tiếc lời chỉ dẫn cho hậu học.

Tiếng nói Mỹ-Linh vốn ngọt như cam thảo, giọng nàng kéo dài như gió thoảng, lời lẽ nhũn nhặn, khiến lão Lê bớt thù nghịch đi nhiều. Trước đây nàng đã thành công với Minh-Thiên, bây giờ đến lượt lão Lê. Lão đáp:

- Để lão phu trình bầy cho công chúa nghe. Vùng Nam sông Trường-giang được gọi là Giang-nam, đất vốn thấp hơn Giang-bắc, vì vậy lưu lượng nước sông Trường-giang đều chảy về Nam.

Mỹ-Linh lại hỏi:

- Vãn sinh nghe có người nói sông Trường-giang phát xuất từ Thanh-hải lại có người bảo phát xuất từ Tây-tạng. Thực sự ra sao?

- Thưa công chúa, Trường-giang là tên chung. Nhưng mỗi đọan lại có một tên khác nhau. Thực sự nó phát xuất từ Thanh-hải. Đoạn ở Thanh-hải gồm hai con sông Mộc-lỗ Ô-tô-hà, Sở-ô Mi-hà đổ vào vùng Khúc-mê-lai thành đoạn Thông-thiên-hà, theo chiều Tây sang Đông. Đến khi vào địa giới Tứ-xuyên, Tây-tạng lại mang tên Kim-sa-giang. Đoạn trên Kim-sa-giang chia ranh giới Tây-tạng với Tứ-xuyên. Đoạn dưới nó chia ranh giới giữa Lĩnh-Nam với Thục. Nay là Tứ-xuyên với Vân-Nam.

Mỹ-Linh bật reo lên:

- À ! Vãn sinh hiểu rồi. Kim-sa-giang tới Độ-khẩu gặp sông Nhã-long-giang rồi chảy theo chiều Nam lên Đông-Bắc xuyên qua Kinh-châu, Đàm-châu ra tới vùng Ngô-Việt. (4)

Ghi chú

(4) Sông Trường-giang dài 5.800 cây số. Lưu vực tới 1.808. 500 cây số vuông, chảy qua các tỉnh Thanh-hải, Tứ-xuyên, Tây-tạng, Vân-Nam, Hồ-Bắc, Hồ-Nam, Giang-Tây, An-huy, Giang-tô, Thượng-hải.

Thình lình viên kỵ binh dẫn đầu trở lại trình với lão Tôn:

- Trình Quốc-công, phía trước có ba kị mã trang phục theo lối công tử bậc nhất, họ dàn hàng ba ruổi ngựa rất chậm. Dù thấy kỵ binh, họ vẫn không chịu tránh. Xin Quốc-công quyết định.

Thời Tống, việc ấn định y phục rất rõ ràng, chia làm năm bậc. Bậc một dành con các thân vương, Phò-mã, Công-chúa. Bậc hai dành cho con các quan từ Kinh-lược sứ, Chuyển-vận sứ tới Tể-tướng. Bậc ba dành cho con các bậc từ cấp huyện trở lên đến tư mã các châu. Bậc bốn dành cho con các quan thấp còn lại, cùng thư sinh. Bậc năm dành cho con nhà dân dã. Vì vậy tuy bọn kị binh hách dịch, nhưng thấy công tử bậc một đều úy kị.

Lão Tôn vẫy tay gọi một thị vệ:

- Lão Thất, người lên trước xem sao. Chẳng nên dụng võ.

Mỹ-Linh biết lão Thất là người đứng thứ bẩy trong hàng mười trưởng lão bang Nhật-hồ. Tuổi y tương đối trẻ, khoảng bốn mươi lăm. Y dạ một tiếng, rồi rời hàng ngũ, tiến về phía trước.

Lão Tôn, Lê cũng đánh xe ngựa theo sau lão Thất. Phía trước, ba con ngựa cao lớn hùng vĩ đang khoan thai vỗ móng xuống đường kêu lốp cốp. Trên lưng ngựa, ba người lỏng buông tay khấu, nói truyện với nhau cười đùa hồn nhiên.

Lão Thất phi ngựa tới sau ba kị mã nói lớn:

- Ba kị mã kia, mau tránh đường cho quan binh đi.

Tiếng lão quát lên muốn nổ màng nhĩ. Thế mà ba kị mã vẫn cười nói dòn dã như không biết gì đến truyện xung quanh. Lão lại quát lên:

- Tránh đường.

Rồi vọt ngựa xung vào giữa hai ngựa phía trước. Hai kị mã phía trước giật cương ra roi cho ngựa tung vó lên. Thế là ba ngựa song song, ngựa lão Thất ở giữa. Lão Thất tức mình ra roi cho ngựa chạy thực nhanh. Hai ngựa với ngựa lão thất chạy song song hàng ba. Kị mã còn lại cũng phi ngựa theo. Thoáng một cái, bốn ngựa qua khúc quẹo mỏm núi phía trước, mất hút.

Lão Tôn hỏi Thanh-Mai:

- Vương-phi! Lão phu mất kém, không nhận ra tung tích ba kị mã phía trước. Vương-phi xuất thân danh gia đệ tử, chắc Vương-phi nhận được tung tích chúng.

Thanh-Mai mỉm cười:

- Ngô quốc công thực quá khiêm tốn. Rõ ràng ba người đó xử dụng võ công Trung-quốc. Này nhé kị mã ở giữa rung roi ngựa, tay hơi quay tròn là chiêu kiếm Nhạn lạc thu phân của Nga-mi kiếm biến ra. Kị mã phía trái nhổm người dậy, hai gối cặp vào lưng ngựa, thuộc chiêu Hạc xung sơn lĩnh thuộc võ công Võ-đang. Kị mã bên phải tụt lại sau, rồi vòng tay vỗ lưng ngựa là biến chiêu trong Di-Đà chưởng của phái Thiếu-Lâm.

Lão Tôn khâm phục:

- Vương phi thực tinh mắt.

Đến đó ngựa quẹo qua mỏm núi, ba kị mã hiện ra phía trước, ngựa vẫn khoan thai bước đều. Còn lão Thất thì biến đâu mất. Lão Tôn kinh hãi quay lại sau vẫy tay:

- Lão Bát, lão Cửu, hai người lên xem lão Thất ra sao rồi.

Hai trưởng lão bang Nhật-hồ lại vọt ngựa lên trước. Y nói lớn:

- Ba vị, xin ngừng bước.

Ba kị mã gò cương cho ngựa dừng lại. Thanh-Mai nhận ra khuôn mặt họ khoảng hơn hai mươi tuổi. Một người hỏi:

- Hai tướng quân muốn chúng tôi giúp điều chi?

- Tôi muốn biết người bạn đồng hành của tôi đâu?

Một kị mã tươi cười:

- Có phải một quan gia trang phục như tướng quân không?

- Đúng vậy. Ban nãy y phi ngựa song song với hai trong ba vị.

Một kị mã lắc đầu:

- Tôi có thấy vị tướng quân đó phi ngựa giữa hai kị mã, phía sau một kị mã nữa. Dường như ba kị mã hộ vệ vị tướng quân đó thì phải. Họ mới vượt qua mặt chúng tôi không lâu.

Đến đấy lão Tôn cũng nhận thấy ba kị mã này có hơi khác với ba kị mã trước. Vì họ đều cỡi một loại ngựa, yên cương, y phục giống nhau. Nên thoáng nhìn tưởng là một. Lão kinh ngạc hỏi:

- Dường như ba kị mã trước với các vị vốn cùng môn hộ chăng?

- Chúng tôi không hề quen biết họ.

- Thế sao...

- Tướng quân thấy chúng tôi trang phục giống nhau, thì cho rằng chúng tôi cùng môn hộ chăng? Tướng quân ơi, không phải thế đâu. Ba người kia thuộc loại đối đầu với chúng tôi?
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại