Ái Quả Tình Hoa
Chương 6 Chương 6
Từ văn phòng viện trưởng đi ra, Phi được những đồng nghiệp chào hỏi. Chàng chưa có việc gì phải làm, nên đến chợ Đài Bắc để tìm thăm một vài bạn bè.
Chàng vừa thay y phục bước ra, xem một vài sinh viên mới vào thực tập công việc. Chàng thấy các anh tân sinh viên này lộ vẻ lo lắng vô cùng, mỗi việc đều nghe theo y tá.
Chàng không thể cười gì họ, chỉ vì chàng là kẻ đến trước, khi mới đến, chàng cũng nếm mùi khó nhọc như thế chớ không khác gì họ. Chàng nhớ lại lúc bấy giờ toàn y viện gần như xa lạ đối với chàng. Hoàng Thiên Phú tuy vào y viện trước, nhưng đối với chàng cũng chưa quen biết, có lẽ Phú bận rộn với công việc nên chẳng giúp chàng gì được.
Chàng cũng rất lo lắng, không biết làm việc gì trước. Bởi những sở học trong trường đều xa lạ với thực tế. Đến lúc chàng bắt đầu thực tập, bác sĩ Trưởng hướng dẫn chàng đến phòng bệnh, từ giường này đến giường khác, chàng chẳng biết phải làm việc gì, vị bác sĩ Trưởng bảo:
- Xin ông tra cứu lịch biểu của mỗi bệnh nhân. Bệnh nhân này cần ăn nho, ông bảo y tá lo cho họ dùng.
Chàng chỉ biết vâng, dạ, phải mà thôi, ngoài ra không biết chi nữa cả. Nhưng, dần dần lòng chàng được nhẹ nhàng hơn. Không còn lo sợ như khi mới vào, Phi rất thích công việc của mình. Khi mặc chiếc áo y sĩ màu trắng vào, chàng thấy mỗi bệnh nhân nhìn mình bằng đôi mắt kính nể và mong chờ.
Tuy còn trong vòng thực tập, nhưng chàng có cảm giác mình đã trở thành một y sĩ chánh tông rồi. Nơi chàng thực tập là bệnh viện thần kinh, nên chàng phải đề phòng, vì người bệnh lắm lúc họ phát điên lên, họ nổi cơn như muốn giết người đốt nhà. Nhưng khi chàng tiếp xúc với họ thì họ rất có lễ độ.
Hiện giờ chàng nhìn thấy hai y sinh mới vào thực tập, chàng nhớ lại mình hồi mới vào trước đây hai năm. Giờ đây chàng đã chánh thức thành y sĩ, nhưng không dám coi thường buông lung, mỗi công việc nào chàng cũng hết lòng cẩn thận. Thượng Đế nắm quyền cả muôn loài, còn y sĩ nắm quyền sinh tử của từng bệnh nhân.
Phi bước ra vườn hoa, dường như chàng vừa thưởng thức một đóa hoa đẹp, nhưng tâm tư chàng đang lo cho những bệnh nhân. Sau cùng, chàng trở vào y viện xem có bệnh nhân nào khác lạ không. Khi chàng vừa vào đến phòng bệnh thì bỗng có hai cô sinh viên mới vào cúi đầu chào chàng. Chàng cũng mỉm cười đáp lễ, Hoàng Thiên Phú từ trong đi ra. Sau khi chào Phú, Phi nói:
- Tôi muốn đi một vòng để thăm các bệnh nhân.
- Được rồi, để anh hướng dẫn chú mày đi.
- Nếu Phú bận công tác thì để tôi tự đi cũng được.
- Công việc của anh đã xong, muốn đi theo Phi để bàn vài câu chuyện.
- Trông anh vui vẻ lạ.
Phú kéo tay Phi đi ra khỏi phòng bệnh vừa nói:
- Tiểu Lê anh rất cám ơn em.
- Việc gì mà phải cám ơn tôi?
- Chẳng phải công em đã tiến cử anh đến trị bệnh cho Tố Tố đó sao?
Lê Dịch Phi trừng mắt nhìn Hoàng Thiên Phú, trong lòng chàng lấy làm lạ. Vừa rồi chàng và Khưu viện trưởng bàn qua câu chuyện đó, làm thế nào Phú lại biết được? Bỗng nhiên chàng hiểu rõ bèn vỗ vai Phú nói:
- Thật em nghĩ không sai lầm!
- Phi nói gì anh không hiểu chi cả?
- Có phải Tiểu Phương Tử đã cho anh biết? Cô gái đó đối với anh có cảm tình nhiều rồi đó.
Phú cười cười phủ nhận:
- Đừng nói xàm.
- Nếu anh nhận tôi là bạn thân thì đừng dối tôi làm gì. Hãy nói rõ xem anh với nàng đã đến giai đoạn nào rồi?
Phú nhỏ giọng tỏ vẻ chân thật:
- Sự thực thì có gì mà nói, chỉ thường nói chuyện suông mà thôi.
- Chắc nàng gọi điện thoại đến phòng bệnh cho anh chớ gì?
- Nàng chỉ nói sơ qua không được rõ lắm, bởi nàng không hiểu tường tận câu chuyện bàn luận giữa Phi và viện trưởng, anh chỉ muốn nghe tường thuật rõ, em với viện trưởng đã bàn luận những gì?
- Thật ra em không bàn luận gì cả, chẳng qua viện trưởng nói chuyện bệnh của Tố Tố nhân đó em đề cập đến anh thôi.
Phi đem đầu đuôi câu chuyện thuật rành cho Phú nghe, đồng thời chàng cũng biết chàng chưa được viện trưởng sắp xếp cho công tác.
- Chú mầy sao lo quá, ông ấy tiếc gì chưa có thể giao y viện lại cho chú mày làm chủ chớ còn gì nữa.
Phi dừng bước nhìn thẳng vào Phú thành thật nói:
- Anh à, chúng ta nói chơi thì nói, chớ anh vẫn biết ý em mà, chỉ hy vọng sao mình có được công tác để tự mình làm lấy. Em không bao giờ ngồi chờ người khác ban bố ân huệ, em tin rằng, viện trưởng cũng không bao giờ nghĩ như anh vừa nói.
Phú tỏ ra không bằng lòng, chàng nói:
- Chú mày yên chí lớn đi, trừ anh ra, không ai dám dùng chú mày làm đề tài trào lộng đâu mà lo.
- Hiện giờ anh có bận làm việc hay không?
Phú vỗ vỗ vào chiếc áo trắng nói:
- Trừ khi lột chiếc áo này ra. Anh không thể rời y viện được. Hôm nay đến phiên anh trực nữa.
- Không phải em kéo anh rời bệnh viện, theo ý em nếu anh rảnh thì cùng với em đến một phòng có bệnh nhân mang bệnh nặng.
- Chắc chú mày muốn đi thăm bệnh nhân phòng số 7?
- Em muốn biết một việc, đồng thời cũng nhờ anh giúp đỡ cho được rõ ràng hơn, em sợ, sau khi anh đi rồi, em không thích tiếp xúc với bệnh nhân đó.
- À, có thể ngày mai này anh phải đi rồi.
- Anh đừng quá hy vọng thế đó, đến nỗi quá say mê Tố Tố mà bỏ quên Phương Tử, rồi giao lại cho em gánh không nổi đâu nhé.
- Chú mày nhìn kỹ, có phải Tố Tố thích chú mày không?
- Anh có nhận xét khá đấy, nhưng nên tự xét lại một lần thử xem có đúng không?
Cả hai cùng cười, đồng dắt nhau đến gian phòng bệnh sau cùng. Họ vừa đến gian phòng đó bèn dừng lại. Trước mặt họ là một cửa rào sắt. Trong vòng rào này là gian phòng bệnh nặng. Trong y viện gọi là trại số 7. Bệnh nhân tuy không nhiều, nhưng mỗi người đều ở cách nhau, vì mỗi bệnh nhân đều có đặc tính nguy hiểm. Lúc hai người đến, người gác cửa lấy chìa khóa mở cửa cho họ vào, sau đó liền khóa lại.
Những bệnh nhân này được canh gác kỹ lưỡng không khác nào tội nhân, gian phòng này có một dẫy hành lang rộng chừng bốn, năm thước, hai bên có hai dẫy phòng bệnh chạy dài hai phòng tuy nằm cạnh nhau nhưng cách nhau bằng một tấm vách gạch, không thông đồng nhau được. Mỗi gian phòng đều khóa chặt, phía trên có một cửa sổ, nhìn vào trong có thể thấy tất cả.
Trại số 7 này đã có từ khi Lê Dịch Phi mới vào thực tập, nhưng chàng chưa có dịp bước chân đến. Bởi nơi đây do mấy vị bác sĩ chuyên khoa điều trị. Những sinh viên mới thực tập không được vào đây. Một số bệnh nhân biết có người lạ đến tinh thần họ thay đổi nên khó điều trị. Khi hai người vừa đến, tinh thần của Phi như sắp phải mang một trách nhiệm nặng nề. Chàng thầm nghĩ, họ là người bệnh, có tội tình gì mà khóa chặt họ lại như tội phạm.
Tuy chàng không đủ khả năng cứu tất cả các bệnh nhân mang chứng thần kinh nầy. Vì mỗi người bệnh đều có một dĩ vãng chua cay, khiến cho thâm tâm họ mất đi sự bình thường. Đối với những bệnh nhân này nếu không thể điều trị dứt, thì đối với xã hội có nhiều điều tai hại không phải nhỏ. Sự thực, thuốc thang chỉ làm giảm cơn bệnh chớ không thể trị lành căn bệnh của họ được. Y sĩ có trách nhiệm, khi tìm hiểu chứng bệnh của họ đi nữa, không thể nào dùng thuốc mà trị tuyệt căn cho được. Nếu y sĩ tìm được phương pháp trị lành những chứng bệnh tinh thần này, xem như họ đã thực hiện được thiên chức của họ.
Nghĩ đến đây, chàng thở dài. Phú nghe Phi thở dài bèn kéo nhẹ cánh tay Phi hỏi nhỏ:
- Tới những căn phòng của những bệnh nhân này nên lưu tâm một chút.
- Anh bảo lưu tâm điều gì?
- Không nên dựa vào cửa sổ.
Phi liếc sang Phú gật đầu. Nhưng trong lòng chàng rất chua xót và lo lắng. Phú thấy Phi tỏ vẻ không tin:
- Bộ chú mày không tin sao? Trước đây một người thân của bệnh nhân đến thăm, bà này đứng gần cửa sổ, bị bệnh nhân kéo đầu tóc khiến cho bà ta sợ gần chết đi được.
- Em tin lắm, nhưng mình sắp sửa để tiếp nhận trách nhiệm nầy. Không phải em vì hiếu kỳ mà vào đây, nhưng sự thật vào đây để tập dần sự khó khăn.
- Bộ chú mày muốn xin vào đây để lãnh những sự ghê sợ và khó nhọc này à? Anh khuyên em chớ nên gánh vác những điều khổ sở này. Chúng ta là bạn học với nhau, anh khuyên em: không nên phí sức mình gánh vác những việc khó có thể gây thành tích sáng chói được.
- Nếu mình tự tin thì chắc chắn sẽ gây được nhiều thành tích. Bởi thành tích là sự khó khăn, nếu vượt qua sự khó khăn đó thì chắc chắn sẽ gây nên thành tích.
- Tiểu Lê, anh đồng ý với sự suy luận của Phi, nhưng muốn thực hành để gây thành tích thì vô cùng nguy hiểm, thứ nhất, người khác không xem trọng những hành động của em, thứ nhì, bất cứ lúc nào cũng có thể gặp hiểm nguy, bởi đại đa số bệnh nhân đều có tánh chất nguy hiểm.
Phi cười cười và lắc đầu nói:
- Điểm thứ nhất là em không cần lưu tâm tới điều nguy hiểm. Điểm thứ hai là mình phải có tinh thần thương mến bệnh nhân, hết lòng tìm cách trị liệu cho họ lành bệnh. Vì đại đa số bệnh nhân đều bị nhiều hoàn cảnh kích thích, nên họ xem ai cũng là thù nghịch, mình nên tận dụng tình thương đối với họ, đó là món thuốc duy nhất trị lành bệnh tinh thần.
Hoàng Thiên Phú không nói gì. Chàng nghĩ, luận điệu của Phi chính là luận điệu của chàng trước đây một năm, rất thật tình nhưng không thực tế. Chàng lập luận thì nghe dễ dàng như vậy, khi đụng vào thực tế nó sẽ xoay chiều hướng khác.
Khi người giữ cửa mở cửa cho đôi bạn vào, thân tâm của Phi cảm thấy nặng nề. Trong những phòng bệnh rất ồn ào, nhiều tiếng động và âm thanh khác nhau. Từ một cửa sổ chàng nhìn vào, thấy một bệnh nhân ôm chiếc mền ngồi tại góc tường, đôi mắt thất thần hướng ra cửa sổ mà nhìn trời. Cửa sổ đã nhỏ lại cao, song sắt rất lớn, trong phòng không có một vật gì khác. Chàng cũng biết trong phòng không nên để vật gì, bởi người bệnh thường hay đập phá đồ đạc, hoặc dùng những dụng cụ này làm khí giới để tự hủy hoại thân họ.
Chàng đứng nhìn giây lát, bệnh nhân hướng đôi mắt vào Phi, mà dường như không để ý gì đến chàng, chàng biết bệnh nhân ấy đang yên tĩnh, trong miệng anh ta nói lầm thầm những gì không nghe rõ, dường như niệm kinh, nhưng nghe kỹ không hiểu là anh ta nói những gì.
Phi biết người bệnh này không phải thuộc vào hạng nguy hiểm. Nhưng, chàng chỉ đoán thế thôi, chớ đâu có khám nghiệm mà biết. Chàng đứng giây lát, bèn bước sang phòng bệnh nhân đang kêu hét vang lên. Bệnh nhân này là đàn ông trạc tuổi trung niên, tinh thần của anh ta không yên, tuy gian phòng hẹp, nhưng anh ta vẫn chạy tới chạy lui, dùng nắm tay đấm mạnh vào tường, kêu la vang rân như một con mãnh thú rơi xuống giếng.
Khi chàng đến gần phòng bệnh thì bệnh nhân nhìn chàng với vẻ mặt hung tợn, từ trong dùng nắm tay thọt ra cửa sổ. Nếu anh ta đánh tới được thì sẽ cho Phi một quyền. Phi nhìn bệnh nhân mà lắc đầu, chàng lui một bước, bỗng nhiên chàng nghe tiếng cười vang dội sau lưng. Chàng giật mình quay lại, thì ra sau lưng chàng là cánh cửa sổ của phòng bệnh khác, một bệnh nhân đang nhìn chàng cười rũ rượi, dường như có cảm tình với Phi.
Khi thấy Phi quay nhìn lại, bệnh nhân nói:
- Ông là thầy thuốc hả?
Phi gật đầu nói:
- Phải, ông muốn cần tôi giúp gì?
- Tui rất thích nhìn ông vì ông là y sĩ dễ thương, tui rất chán những thằng thầy thuốc trước đây, bọn họ thật không phải là thầy thuốc, chỉ đến đây để cho vay và đòi nợ thôi.
- Hành động của họ ra sao mà ông cho là đòi nợ?
Bệnh nhân như thất vọng lắc đầu:
- Ông cũng không phải là một thầy thuốc giỏi, đầu óc của ông cũng thật thà đáng tức cười, có thể ông không biết gì cả.
- Ông nói chúng tôi có thái độ không tốt phải không?
- Phải rồi, tôi nhất định sẽ hết sức giúp đỡ ông.
Người bệnh cười ngất:
- Hay lắm, ông hãy mở cửa thả tôi ra đi, được không?
Phi không ngờ gặp phải chuyện khó giải quyết, chàng chỉ nói:
- Xin lỗi, việc giữ ông tại đây là thân nhân của ông yêu cầu. Tôi chỉ làm bổn phận khám bệnh, nếu ông có thể xuất viện được thì chúng tôi còn cầm ông lại mà làm gì.
Sắc mặt tươi cười của bệnh nhân đã biến mất, hắn nói:
- Tui đã biết rõ rồi, bọn các người trong bệnh viện này toàn là bọn chó chết! Các người đồng lõa ăn hiếp tui, các người toàn là bọn khốn kiếp!
Phi nhìn bệnh nhân với vẻ mặt nghiêm nghị và khoan dung, chàng nói:
- Để chúng tôi khám xem ông quả thật mạnh chưa. Không phải chúng tôi chỉ biết thâu tiền của thân nhân của các ông, mà phải cố hết sức để phục vụ cho bệnh nhân.
Bệnh nhân gật đầu nói:
- Được rồi, nếu ông là một thầy thuốc hay, có thể ông sẽ thấy rõ, tui không hề có bệnh gì cả.
Phi nhìn tên bệnh nhân trên cửa, chàng gật đầu nói:
- Tôi nhớ tên ông là Vương Cách, trưa mai sẽ đến đàm luận với ông được không?
- Được, tui sẵn sàng chờ ông.
Bỗng nghe tiếng gọi của bệnh nhân phòng kế bên:
- Thầy thuốc, thầy thuốc!
Hoàng Phú Thiên bước đến hỏi:
- Ông gọi chuyện gì?
Người bệnh hét lớn:
- Nơi đây là phòng bệnh hay nơi để nuôi thú vật?
- Ông muốn nói gì, đương nhiên đây là phòng bệnh.
Bệnh nhân lộ vẻ giận dữ, chỉ vào tường nói:
- Phòng bệnh tại sao chẳng đập mấy con chó điên này cho chết hết đỉ Nếu là phòng bệnh sao lại nhốt chúng tôi như là chó vậy?
Hoàng Thiên Phú không đủ can đảm chịu đựng như Lê Dịch Phi, khi nghe bệnh nhân nói thế liền rảo bước rời nơi đây.
Lê Dịch Phi lại đi thêm mấy phòng bệnh nữa, có bệnh nhân thì đang cười ngất, có bệnh nhân đang khóc sướt mướt. Sau cùng, chàng chú ý đến một bệnh nhân, thấy gian phòng này không dính một chút bụi bậm, mùng nệm sắp xếp rất đàng hoàng, bệnh nhân ăn mặc rất sạch sẽ, hướng về cửa sổ mà hành lễ.
Bệnh nhân này làm cho Dịch Phi thấy hiếu kỳ, chàng đứng lại đây hơn mấy phút đồng hồ. Bệnh nhân chẳng để ý bên ngoài có người hay không, ông ta cứ tự nhiên cử hành lễ và lâm râm khấn cầu.
Phú bèn kéo tay Phi đến một gian phòng bệnh khác, bên trong có một bệnh nhân thân thể khô gầy như que củi, một nửa mặt nám đen, chỉ còn một nửa bên mặt nguyên vẹn. Trên tường và trên ván đều có vẻ số Ả Rập. Phi chú ý nhìn, thấy hàng số 12, 13. Bệnh nhân lại tiếp tục vẽ thêm. Chàng nhìn kỹ bỗng nhiên giật mình nổi ốc! Thì ra bệnh nhân dùng ngón tay mà vẽ vào vách, vào ván, khiến cho da thịt rách lở, máu chảy ràn rụa, có ngón tay đã nức nẻ lầy lụa, khiến người nhìn vào bắt rùng mình.
Hoàng Thiên Phú nhỏ giọng:
- Hãy xem tên họ của hắn.
Phi xem tấm bảng trên cửa đề ba chữ Trương Lập Dân. Chàng như sực tỉnh quay đầu lại nói:
- Thì ra hắn là viên phi công của chiếc phi cơ ngộ nạn.
Phú kéo tay Phi rời khỏi phòng bệnh. Phi vừa đi vừa thở dài. Thực ra, xem bệnh nhân chừng nào chàng càng bất nhẫn chừng nấy. Bệnh nhân đều là những người bất hạnh trên thế gian này, họ chẳng may mất đi sức khỏe và trí nhớ. Nhờ có y viện mà họ còn sống tại đây, nhờ y sĩ để giúp đỡ những người bất hạnh này. Nhưng làm cách nào để cứu họ được trở lại mạnh lành, khôi phục lại trí nhớ?
Hai người ra đến hoa viên, ánh dương quang chiếu rọi khắp vườn, hoa cỏ xinh tươi, bướm ong bay lượn nhởn nhợ Nhưng ánh dương quan không thể soi thấu lòng những người bất hạnh, họ chỉ ngồi bó gối mỗi người trong một tiểu giang san, chờ ngày cuối cùng của cuộc đời. Hoàng Thiên Phú không hiểu tâm trạng của Phi, vừa đi vừa hỏi:
- Đối với những bệnh nhân này, chú mầy phải giải quyết sao đây?
Phi lắc đầu lộ vẻ suy nghĩ thận trọng.
Phú nói tiếp:
- Theo anh kinh nghiệm, nếu xem họ nhiều lần chừng nào, chẳng những không giải quyết được gì, mà càng xem càng khó chịu hơn.
- Tôi đang suy nghĩ, muốn hỏi thăm một bệnh nhân đấy chớ.
- Bệnh nhân nào?
- Bệnh nhân ăn mặc chỉnh tề, đang quỳ lạy cầu khẩn đó.
- Không phải ông ấy mới quỳ bái hôm nay, mà nửa năm trước đây anh cũng đã thường chú ý đến lão. Dường như ông ta mắc phải bệnh bị khủng hoảng nặng nề, chỉ ở nơi vắng vẻ cầu khẩn suốt ngày thì lão mới an lòng. Có lần dời lão sang nơi khác, khi lão nhìn thấy người thì tỏ vẻ sợ hãi, ông ta nói, bao nhiêu bệnh nhân đều bị Diêm vương sai Ngưu đầu mã diện đến để bắt đem đi.
- Điều đó chắc có nguyên nhân thầm kín?
- Thân nhân của ông ta không muốn cho y sĩ tra cứu bệnh căn. Họ nói, ông ấy đã gây oan nghiệt kiếp trước, nên hồn oan vấn vít bên mình.
- Anh có tin những lập luận của thân nhân lão không?
Hoàng Thiên Phú như chẳng thích tìm hiểu, chàng lắc đầu:
- Viện trưởng chưa hề phái anh đến điều trị họ, nên từ trước đến giờ anh chưa từng hỏi một bệnh nhân nào. Chú mầy cũng biết, vị y sĩ đã trị bệnh nầy cũng chẳng mấy hài lòng.
- Còn bệnh nhân tên Vương Cách thì sao?
- À, anh biết hắn là một công nhân kỹ thuật, bị giám đốc công xưởng khai trừ. Anh ta thất nghiệp một thời gian dài, đi ra bên ngoài thường gây tai họa, hắn mắc phải chứng thần kinh nên đưa vào bệnh viện.
- Vì sao anh ta bị xưởng khai trừ vậy?
Hoàng Thiên Phú chỉ cười cười không đáp.
Phi hỏi tiếp:
- Em biết anh không thể hiểu lý do, nhưng thế nào anh cũng hỏi vị y sĩ trị bệnh ấy chứ.
- Đó chỉ là một vấn đề, ngoài ra còn vấn đề khác nói ra dài dòng lắm, khi nào rảnh sẽ cho Phi biết thêm.
Phi chẳng hài lòng với câu trả lời của Phú, nhưng chàng cũng không hỏi thêm nữa. Chàng biết, nếu hỏi thêm cũng chẳng ích gì. Chàng tự xét, nếu là một y sĩ thì phải lặng lẽ và lạnh nhạt mãi sao? Dường như chàng nhìn thấy những y sĩ đã thành danh thẩy đều lạnh lùng và lặng lẽ, khiến cho người ngoài trông vào có cảm giác cao thâm không lường. Phải chăng thời gian tạo cho lòng người chai đá, nó biến cho con người mất cả tình cảm?
Theo Hoàng Thiên Phú có thể cho rằng chàng là người thương tưởng viễn vông, có những hành vi đáng trào lộng? Nhưng chàng tự ình không mất hẳn sự cảm thông đối với bệnh nhân. Có lẽ sự nhiệt tâm của mình sẽ gây phiền phức cho người đồng nghiệp. Nhưng chàng không cần suy xét nhiều, miễn tâm mình được yên thì thôi.