3 - 1 = Mấy
Chương 7 Chương 7 Cái Giếng
Chồng chị Mộ Dung là một quân nhân. Anh đóng quân ở miền thảo nguyên. Vùng ấy rất xa xôi, hình như gọi là Hồng Cách Nhĩ gì đó. Anh chưa được thăng quân hàm đủ để đem vợ đi cùng, nên hai người đành sống hai nơi.
Mỗi năm anh về thăm nhà một lần.
Thiều Thiều từ ngày chào đời mới chỉ được gặp bố một lần.
Lúc mới sinh, nó nặng 3 cân, lâu nay sức khỏe của nó không tốt lắm, luôn chán ăn, hay ốm vặt. Chị Mộ Dung đã nhiều lần đưa Thiều Thiều đi khám bệnh nhưng không có bệnh gì cả, nó chỉ là thể trạng yếu mà thôi.
Cả nhà, kể cả ông bà nội ông bà ngoại, đều rất quý Thiều Thiều, đặc biệt cưng chiều nó, nó thích gì được nấy.
Hôm nay chị Mộ Dung bế thằng bé Xoa về nhà mình. Không ngờ, Thiều Thiều trông thấy thằng bé thì khóc òa, rồi ra sức nấp sau chị Mộ Dung, nó tỏ ra cực kỳ sợ hãi.
Thiều Thiều đã biết nói ít nhiều, nó vừa khóc vừa chỉ thằng bé, sợ hãi nói: “Mẹ ơi mẹ, mẹ đánh… đánh nó đi!”
“Kìa, con gái, sao con lại sợ?” Chị Mộ Dung không hiểu ra sao.
“Đánh nó đi, đánh đi!” Thiều Thiều càng khóc dữ hơn.
Hôm đó Thiều Thiều toàn lẩn tránh thằng bé Xoa, và khóc suốt, dỗ dành thế nào cũng không nín.
Chị Mộ Dung rất lo lắng, không hiểu tại sao Thiều Thiều nhìn thấy bé Xoa thì lại sợ hãi kinh hoàng như vậy.
Sau vài hôm, Thiều Thiều có khá hơn, không quấy khóc nữa, nhưng nó vẫn không chịu chơi với thằng bé.
Lại sau vài hôm nữa, Thiều Thiều mới miễn cưỡng chơi cùng thằng bé nhưng vẫn có ý tẩy chay, không cho nó đụng vào đồ chơi của mình.
Có lần, vì tranh giành con búp bê vải, hai đứa liền đánh nhau. Chị Mộ Dung thấy thế bèn chạy lại bốc thằng bé sang một bên.
Con búp bê vải nằm trong tay thằng bé.
Thiều Thiều khóc ầm lên, chỉ vào thằng bé, nói: “Mẹ ơi mẹ đánh… đánh nó đi!”
Chị Mộ Dung lại cầm con hổ bằng vải đưa cho Thiều Thiều và dỗ dành: “Thiều Thiều ngoan nhé! Con chơi con hổ đi!”
Thiều Thiều vẫn khóc và chỉ vào thằng bé, gào lên: “Đánh! Đánh nó đi!”
Chị Mộ Dung bí quá, đành bước lại chỗ thằng bé: “Thiều Thiều khóc đấy, cháu trả lại Thiều Thiều con búp bê nhé?”
Thằng bé không nói gì, ném con búp bê xuống đất. Chị Mộ Dung nhặt lên, thổi bụi rồi đưa trả Thiều Thiều.
Thiều Thiều ấm ức cầm lấy, đem ra chơi một mình.
Chị Mộ Dung đặt thằng bé lên ghế đệm, rồi bật ti-vi, tìm phim hoạt hình. Chị nói: “Chúng ta xem ti-vi vậy. Nhìn kìa! Chó sói sắp ăn thịt con thỏ trắng…”
Thiều Thiều bước đến tắt luôn ti-vi, rồi nó gườm gườm nhìn thằng bé. Mấy hôm trước Thiều Thiều vừa học được cách bật tắt ti-vi.
Thằng bé chỉ vào Thiều Thiều rồi “u a u a” với chị Mộ Dung, ý chừng là mách chị.
Chị Mộ Dung lại bật ti-vi, nói với Thiều Thiều: “Con à, con làm thế là không đúng rồi.”
Thiều Thiều rất ương, lại tắt ti-vi lần nữa.
Chị Mộ Dung bèn bế Thiều Thiều vào phòng ngủ, rồi quay ra định bật ti-vi thì nghe thấy tiếng Thiều Thiều khóc thét lên.
Hết cách, chị Mộ Dung đành nói: “Xoa à, chúng ta không xem ti-vi nữa vậy.”
Thằng bé nghiêm chỉnh ngồi trên ghế ngẩng nhìn chị Mộ Dung, tỏ ra rất ngoan ngoãn.
Đến tối, chị Mộ Dung đặt Thiều Thiều ngồi bên trái mình, đặt thằng bé bên phải mình.
Thiều Thiều vẫn còn bú mẹ. Nó vạch áo nịt của mẹ ra và ghé mồm vào bú chùn chụt.
Thằng bé ngồi bên kia lặng lẽ nhìn.
Chị Mộ Dung cảm thấy thế nào ấy, bèn nói: “Xoa có bú không?”
Thằng bé vẫn đang nhìn, mồm nó hơi động đậy.
Chị Mộ Dung đưa cánh tay ra choàng đầu nó, kéo lại, cho nó bú ti bên phải.
Thiều Thiều thấy vậy rất tức, nó đẩy thằng bé ra nhưng không được, nó bèn cấu thằng bé một cái thật mạnh. Mấy vết móng tay lập tức xuất hiện trên mặt thằng bé, chị Mộ Dung sợ quá vội đẩy thằng bé ra.
Thằng bé vẫn không khóc, nó chỉ ngây nhìn Thiều Thiều.
Chị Mộ Dung mắng Thiều Thiều: “Sao con lại bắt nạt nó? Xấu quá!”
Thiều Thiều khóc òa, vừa khóc vừa giãy đạp lung tung.
Chị Mộ Dung đành ôm nó, nựng: “Thôi nào, đừng khóc! Mẹ không mắng nữa, không mắng nữa…”
Thiều Thiều vẫn khóc.
Chị Mộ Dung nói: “Vậy con thích gì, mẹ cũng sẽ cho con?”
Thiều Thiều nghĩ một lát, rồi thôi khóc, lè nhè nói: “Kẹo!”
Dù rất cưng chiều con gái nhưng mọi ngày chị Mộ Dung chưa từng cho Thiều Thiều ăn kẹo, vì khí quản nó vốn không tốt, rất hay bị ho.
Chị Mộ Dung nghiêm nghị xua tay: “Riêng kẹo thì không được. Sẽ bị đen răng.”
Thiều Thiều lại khóc ầm lên.
Chị Mộ Dung: “Thôi được, bà cô ơi, kẹo đây!” Nói rồi chị xuống giường đi lấy kẹo mềm, bóc ra đưa cho con.
Nó ăn kẹo, có vẻ rất hài lòng. Hài lòng được một lúc, nhìn thấy thằng bé Xoa, nó lại không vui, giơ tay dọa đánh thằng bé và nói: “Không cần, không cần!”
“Ừ, không cần nó!” Chị Mộ Dung vừa nói vừa đưa tay ra tắt đèn. “Em bé ấy đi rồi.”
Thiều Thiều không nghi ngờ gì, nó vui vẻ ôm chặt lấy mẹ…
Khoảng nửa đêm thì gió to, thổi vào cửa sổ kêu vù vù.
Hình như Thiều Thiều lại ngủ mê, sợ hãi, nó bỗng khóc váng lên. Chị Mộ Dung bị thức dậy, chị ôm nó dỗ dành, hát ru mấy câu. Nhưng nó vẫn cứ khóc hoài, miệng lí nhí nói: “Mẹ ơi mẹ… đánh… đánh nó đi…”
Trong nhà tối đen như mực, chị Mộ Dung sờ sợ, run rẩy.
Thiều Thiều cứ bài xích thằng bé Xoa, khiến chị Mộ Dung hơi lo lắng: nếu sau này lớn lên nó vẫn “hống hách” kiểu này không chấp nhận ai, thì sẽ ra sao?
Thực ra, chị lo lắng là không cần thiết, sau khoảng hơn nửa tháng, Thiều Thiều và thằng bé đã chơi với nhau bình thường.
Chị Mộ Dung đan chiếc áo len cho chồng đang ở biên cương. Chị ngẩng nhìn ra ngoài cửa sổ, Thiều Thiều và bé Xoa đang chơi bóng bay, quả bóng màu xanh lục, Thiều Thiều và bé Xoa đều mặc quần áo đỏ, một hình ảnh bọn trẻ nô đùa thực đẹp mắt.
Thiều Thiều đang cười khanh khách, thằng bé cũng đang cười hì hì. Bầu trời xanh lơ trên đầu.
Chị Mộ Dung cảm thấy cuộc sống tốt đẹp làm sao!
Khi lại ngẩng đầu lên nhìn ra, chị giật mình kinh hãi: hai đứa trẻ đuổi theo quả bóng bay, chúng đã chạy đến bên cái giếng!
Đó là cái giếng công cộng, dãy nhà 17 đã từng sử dụng, về sau có nước máy thì bỏ nước giếng nhưng không lấp giếng đi, mọi người múc nước giếng để tưới vườn rau.
Thiều Thiều chỉ còn cách cái giếng khoảng một mét, nếu quay người thì sẽ ngã xuống; còn thằng bé thì đang áp người vào thành giếng cúi nhìn xuống dưới.
Chị Mộ Dung định gọi to nhưng không dám gọi, sợ chúng giật mình. Chị bèn nín thở, từ từ đi ra chỗ hai đứa, vừa bước đi vừa run…
Chị rón rén bước đến bên hai đứa trẻ và ôm chầm lấy thằng bé Xoa bốc nó lên, tay kia choàng lấy Thiều Thiều. Chị thở phào.
Vào nhà rồi, chị mắng cho hai đứa một chập. Thiều Thiều khóc váng lên, thằng Xoa sợ quá ngồi thu lu vào xó nhà, im lặng nhìn chị Mộ Dung.
Kể từ sau lần đó, Thiều Thiều và bé Xoa không dám ra bờ giếng chơi nữa.
Từ sau khi bé Xoa chuyển đến nhà chị Mộ Dung, Trương Cổ gọi điện cho Phùng Kình một lần hỏi: “Gần đây Đứa Bé Vĩnh Viễn có lên mạng gặp cậu không?”
Phùng Kình :”Không.”
Trương Cổ: “Thế thì đúng rồi.”
Phùng Kình: “Thế là sao? Cô ấy nói là sắp phải thi cử.”
Trương Cổ: “Đó là nói dối cậu! Gần đây Đứa Bé Vĩnh Viễn đến nhà chị Mộ Dung ở, nhà ấy không có máy tính.”
Phùng Kình: “Đừng dọa nhau...”
Trương Cổ: “Nếu chưa tin thì cậu cứ chờ mà xem. Tới đây, người đẹp của cậu sẽ không có tin tức gì hết.”
Nhưng chỉ vài ngày sau, Phùng Kình đã gọi điện cho Trương Cổ, anh ta cười: “Cậu đừng nghi ngờ suy đoán vớ vẩn! Đêm qua chúng tôi vừa chat với nhau rất lâu.”
Trương Cổ lại thấy dao động: hay là mình đã nhầm?
Nếu Đứa Bé Vĩnh Viễn đúng là thằng bé Xoa, thì chỉ có một khả năng: đêm thứ ba trong tuần, khi chị Mộ Dung và chị Biện đều đi chơi bài mạt chược, nó sẽ lẳng lặng lẻn vào nhà chị Biện, lên mạng, gặp gỡ Ba Trừ Một Bằng Mấy. Tình hình an ninh ở thị trấn này rất tốt, ban đêm không cần khóa cửa là chuyện bình thường.
Trương Cổ tưởng tượng:
Trong chốn nhân gian ồn ào, tràn ngập ánh mặt trời này, thằng bé âm thầm lạnh lẽo ấy rất cô độc.
Trên cõi đời này, mọi người ai cũng như ai đều có quyền nói, mọi người đều đang nói lao xao suốt ngày đêm, có người ăn nói tử tế, có kẻ ăn nói linh tinh, chỉ riêng bé Xoa không thể nói một chữ nào. Nó chỉ có đôi tai để ngày ngày nghe mọi người mở miệng lao xao.
Và, trên đời này chỉ có Ba Trừ Một Bằng Mấy trò chuyện với nó.
Trước đó, thằng bé không có máy tính, nó nhợt nhạt, thoi thóp yếu đuối như một con quỷ hút máu nhưng lâu ngày bị đói khát, nó không chịu nổi nữa, nhân lúc chị Biện vắng nhà, nó bèn lẻn vào…
Trương Cổ nhận định rằng, nếu giả thiết này là đúng, thì chứng tỏ thằng bé có thể đã lẻn vào nhà anh, đoạn ghi âm tiếng cười trẻ con là một bằng chứng.
Trương Cổ đi ra ngoài nhà, hít thở, thụ hưởng ánh sáng mặt trời.
Ánh nắng ấm áp khiến người ta có cảm giác yên tâm. Vào lúc này Trương Cổ lại hoài nghi đối với sự tưởng tượng của mình.
Những cảm giác chẳng lành của anh chẳng qua chỉ là dự cảm vậy thôi, thị trấn nhỏ này đến giờ vẫn rất bình yên không xảy ra chuyện gì hết, không có ai chết vô cớ, không có động đất, không có dịch bệnh, không có ai hóa điên… chỉ có chuyện máy ghi âm của anh bỗng có một chuỗi tiếng cười chẳng đâu vào đâu, có đáng là vấn đề gì chứ? Rất có thể, chính cậu bạn Phùng Kình đã bày trò trêu ngươi! Thằng cha ấy từng dùng cái đề bài toán Ba Trừ Một Bằng Mấy để hù dọa anh kia mà!
Chị Mộ Dung bế thằng bé Xoa bước lại.
Bầu trời rất xanh, mây rất trắng, gió rất nhẹ. Trong cái ngày đẹp trời như thế này, ngay kẻ thù cũng có thể thân thiện với nhau.
Chị chào hỏi Trương Cổ: “Chưa đi làm à?”
Trương Cổ mỉm cười: “Hôm nay nghỉ phép.”
Chị dừng lại trước mặt Trương Cổ, đặt thằng bé xuống.
Gần đó có mấy con gà con đang bới tìm thức ăn, thằng bé mặc quần thủng đít, nó thích thú khua tay, miệng ú a ú ớ gọi. Nhưng nó chỉ đứng tại chỗ giơ tay lên dọa đánh chứ không dám bước lại gần mấy con gà nhép.
Chị Mộ Dung vui vẻ nhìn thằng bé, nói: “Nó rất thông minh, lúc mới về nhà tôi nó còn không biết chơi lego xây nhà, bây giờ nó đã biết xây rất cao.”
Rồi chị kể những mẩu chuyện thú vị về thằng bé, hẳn là chị rất mừng, bật cười mãi không thôi.
Lúc này Trương Cổ cảm thấy bé Xoa thật sự là một đứa trẻ con.
Còn Thiều Thiều, nó vẫn chưa thật sự hết tẩy chay thằng bé.
Nó vẫn hay giằng lại chiếc ô tô chạy pin hoặc tắt mở ti-vi… làm thằng bé bị xước tay rớm máu.
Nhưng thằng bé không hề đánh lại Thiều Thiều. Nó cao hơn Thiều Thiều một chút, và cũng khỏe hơn Thiều Thiều nhưng nó chưa bao giờ đánh trả con bé. Thiều Thiều cào nó thì nó lùi lại.
Mọi người đều khen thằng bé tốt nết.
Thiều Thiều vẫn chưa hết sợ, đêm đêm nó vẫn khóc nỉ non, gào lên: “Mẹ, mẹ ơi đánh đi, đánh nó đi…”
Chị Mộ Dung kể cho mọi người nghe về chuyện Thiều Thiều không ưa thằng bé Xoa, kể cho vui. Không ai bận tâm về những chuyện của con nít.
Ngoại trừ một người cảm thấy kinh ngạc, đó là Trương Cổ.
Đầu óc anh nảy ra một giả thiết đáng sợ: thị trấn này không chỉ có một mà là có hai thằng bé, thằng bé này công khai, thằng bé kia bí mật không hiện thân. Hoặc, một đứa ở bên ngoài, một đứa ở bên trong. Chắc chắn Thiều Thiều đã nhìn thấy thằng bé thứ hai bị bé Xoa này che khuất; hoặc Thiều Thiều đã nhìn thấy trong cơ thể bé Xoa ẩn chứa thằng bé kia…
Trương Cổ nổi da gà vì cái giả thiết này.
Lần trước đi cùng chị Lý vào thành phố, chị Mộ Dung mua về một mảnh vải màu xanh lơ, rất dịu mắt, chị định dùng nó may một chiếc váy liền.
Tới đây chồng chị sẽ về thăm nhà, chị phải ăn mặc cho đẹp một chút.
Cho hai đứa trẻ ăn xong, chị Mộ Dung bày các đồ chơi lên giường cho chúng chơi, sau đó chị lấy mảnh vải đó ra, cầm đến hiệu may của Liên Loại ở cùng dãy nhà.
Liên Loại chỉ cách nhà chị trăm mét, cầm vải đến nơi, lấy các số đo xong xuôi, không đến 10 phút.
Liên Loại ngăn nhà mình thành hai gian, bên ngoài mở hiệu may, đi qua cửa bước vào trong, là nơi sinh hoạt của Liên Loại.
Chị Mộ Dung bước vào, Liên Loại không có nhà. Chị gọi vọng vào gian trong: “Liên Loại!”
Không thấy trả lời.
Chị lại gọi lần nữa: “Liên Loại ơi!”
Vẫn im lặng không ai đáp.
Chị đành bước ra. Ra đến cửa, chị lại gọi: “Liên Loại, có nhà không đấy?”
Lần này thì nghe thấy tiếng Liên Loại từ bên trong vọng ra: “Chị Mộ Dung đấy à? Chị chờ một lát nhé!”
Chị Mộ Dung dừng bước. Chừng 5 phút sau, Liên Loại bước ra. Chị Mộ Dung cảm thấy hình như bên trong còn có người, chị rất lấy làm lạ: Liên Loại ở trong đó đang làm gì nhỉ?
Chị Mộ Dung: “Liên Loại à, tôi muốn may một chiếc váy liền.”
Liên Loại cố giấu nét không tự nhiên trên mặt, nói: “Miếng vải này đẹp quá, chắc là đắt lắm?”
Chị Mộ Dung: “Thực ra rất rẻ thôi.”
Liên Loại tìm cái thước dây. Hình như cô ta đang mất tập trung, cứ lục tìm mãi mấy lần.
Nhưng rồi cũng tìm thấy. Cô bắt đầu đo người chị Mộ Dung, lấy các kích thước. Chị Mộ Dung dặn Liên Loại đừng may bó quá…
Rất nhanh, chị Mộ Dung đã lại về đến nhà.
Sân trước nhà rất yên tĩnh, bình thường như mọi khi. Không hề có dấu hiệu gì của bi kịch.
Chị bước vào nhà, thấy thằng bé vẫn đang ngồi trên giường chơi các đồ chơi, nó đang cố giật cái tai con thỏ cứ như muốn vặt tai thỏ ra.
Không thấy Thiều Thiều đâu.
Chị Mộ Dung bỗng giật mình.
Rồi chị vội đi tìm nó khắp các gian trong ngoài, không thấy. Tìm dưới hầm, tìm ở gầm giường, phía sau các bức rèm, trong tủ áo… đều không thấy. Chị sững sờ, rồi gọi ầm lên: “Thiều Thiều! Thiều Thiều ơi…”
Không có hồi âm.
Chị chạy ra sân, ngoài sân vắng tanh. “Thiều Thiều! Thiều Thiều...”
Chị bỗng nhìn về phía cái giếng. Không hiểu sao lúc đó chị đoán chắc đứa con gái yêu quý của mình đang ở dưới cái giếng.
Hai chân chị run bắn, phải vận hết sức, rất chật vật mới có thể cất bước.
Chị bước đến bên giếng, nhìn xuống và lập tức nhận ra bộ quần áo bé xíu màu đỏ. Đó là con gái chị. Hình như đầu nó cắm xuống dưới.
Người chị mềm nhũn, đổ vật xuống, kêu thét lên: “Bà con ơi… cứu người…”
Lý Ma là người đầu tiên chạy đến.
Bà con hàng xóm cũng nhanh chóng chạy lại.
Lưng buộc dây thừng, Lý Ma nhanh chóng tụt xuống giếng, rồi bế Thiều Thiều đáng thương lên.
Bụng Thiều Thiều không trương, nó chưa uống mấy nước giếng, tức là bị sặc rồi ngạt thở, mũi rỉ ra mấy giọt máu đen đen. Ở trán có dính nhiều máu, tức là nó bị ngã xuống giếng, trán bị va đập.
Chị Mộ Dung ngất ngay tại chỗ.
Mọi người vội bấm huyệt nhân trung của chị, một lúc sau chị tỉnh lại, ôm lấy Thiều Thiều mà khóc thảm thiết, nghẹn ngào…
Ông bà nội và ông bà ngoại của Thiều Thiều đều đến, họ đau xót vô cùng vô tận, tất cả đều khóc. Tình cảnh thực thê thảm.
Thi thể của Thiều Thiều được đặt trên cái giường nhỏ.
Bà con hàng xóm đứng lặng người, phụ nữ, thảy đều khóc.
Hình như thằng bé Xoa lần đầu tiên nhìn thấy cảnh này, lần đầu trông thấy đông người như thế này, nó hiền lành ngồi thu mình ở góc giường, sợ sệt nhìn xung quanh.
Trương Cổ cũng có mặt, anh đang khổ sở suy nghĩ: thực ra có mấy thằng bé này?
Xảy ra chuyện bất hạnh, chị Mộ Dung không thể chăm sóc bé Xoa nữa, nó được đưa sang nhà chị Lý trước thời hạn.
Cha của Thiều Thiều nhận được điện báo tin, anh lập tức bay về. Người đàn ông đáng thương mới chỉ gặp đứa con gái một lần. Anh đau đớn như đứt từng khúc ruột, âm thầm, không nói một câu, rồi lặng lẽ lo hậu sự cho con.
Tro của Thiều Thiều được rắc xuống cái giếng ấy.
Bà con ở dãy nhà 17 cùng chung tay lấp cái giếng đi, nó trở thành ngôi mộ của Thiều Thiều.
Cha Thiều Thiều phá lệ, anh ở lại nhà thêm ít ngày chăm sóc vợ, chị Mộ Dung khóc suốt từ sáng đến tối.